"Ai lấy miếng pho mát của tôi" là một cuốn sách khá mỏng, chỉ mất chừng một tiếng là đọc xong. Sách rất dễ đọc, vì nội dung của sách là một câu chuyện ngụ ngôn về hai chú chuột và hai người tí hon đi tìm các kho pho mát để làm thực phẩm và niềm vui sống cho bản thân. Thông qua câu chuyện đó, tác giả gửi gắm những thông điệp về cách thức và thái độ để đối mặt với sự thay đổi và những thử thách trong cuộc sống. Có lẽ, thông điệp đơn giản và rõ ràng, được truyền tải dưới hình thức câu chuyện kể ngắn gọn, là lý do khiến "Ai lấy miếng pho mát của tôi" trở nên dễ đọc, dễ cảm và dễ lưu truyền.
4 nhân vật chính:
- Chú chuột Đánh Hơi - sớm phát hiện những thay đổi.
- Chú chuột Nhanh Nhẹn - luôn nhanh chóng hành động trước một sự việc.
- Chàng tí hon Ù Lì - thường phản đối và chống lại những thay đổi vì sợ rằng điều đó có thể dẫn tới những sự việc tồi tệ hơn.
- Chàng tí hon Chậm Chạp - biết thích nghi đúng lúc khi thấy thay đổi sẽ mang lại những điều tốt đẹp hơn.
Cốt truyện đơn giản:
2 chú chuột và 2 người tí hon ngày ngày đi vào một nơi gọi là Mê Cung để kiếm Pho Mát. Một ngày, bọn họ tìm được một Kho Pho Mát lớn đến nỗi hai người tí hon cảm thấy mãn nguyện và đinh ninh rằng từ nay sẽ không phải vất vả kiếm ăn mỗi ngày nữa, họ không còn để tâm tới bất kì điều gì đang xảy ra xung quanh và trở nên chủ quan, lười biếng.
Cho đến một hôm, tất cả Pho Mát biến mất. Hai chú chuột hơi bất ngờ nhưng không lúng túng, vì chúng đều cẩn thận quan sát mỗi ngày và nhận thấy nguồn Pho Mát đang dần bị vơi đi, chúng đã chuẩn bị tinh thần cho ngày này và nhanh chóng thích ứng với điều đó, chúng mau đi tìm Kho Pho Mát mới. Còn Ù Lì và Chậm Chạp khi phát hiện ra điều này thì liên tục kêu gào thảm thiết và trách móc, không hiểu chuyện gì đã xảy ra, không muốn chấp nhận thực tế phũ phàng này.
Ngày qua ngày, Ù Lì vẫn than vãn, nguyền rủa, chán nản, thất vọng, bế tắc, giận dữ, đổ lỗi. Chậm Chạp dần nhận ra cần phải thay đổi và hành động khác đi, nhưng Ù Lì không nghe. Ù Lì cho rằng đã quen như vậy rồi, và ngoài kia nguy hiểm lắm, không muốn đi. Ù Lì sợ phải bắt đầu lại từ đầu, và không còn thích thú với chuyện bị lạc đường trong Mê Cung. Ban đầu, khi nghe Ù Lì nói vậy, nỗi sợ hãi thất bại trong Chậm Chạp lại trở về bủa vây. Cả hai tiếp tục đói meo, lo lắng và bế tắc, vẫn cố phủ nhận điều đang xảy ra. Ù Lì vẫn kiên quyết ngồi chờ với hy vọng người ta sẽ đem trả Pho Mát lại cho cậu. Còn Chậm Chạp đã nhận ra: càng ngồi chờ lâu bao nhiêu thì tình hình càng tồi tệ thêm bấy nhiêu. Cứ lặp đi lặp lại những công việc cũ rích y như trước thì trách sao kết quả không khá hơn được. "Nếu bạn không chịu thay đổi, thì có thể bạn sẽ bị đào thải. Nếu bạn không chịu đi tìm, thì không bao giờ bạn có được những miếng Pho Mát mới". Chậm Chạp quyết tâm xuất phát đi tìm Kho Pho Mát mới.
Khi mới bắt đầu, Chậm Chạp cũng rất sợ hãi. Nhưng cậu tự hỏi bản thân một câu: "Bạn sẽ làm gì nếu không cảm thấy sợ những điều sắp sửa xảy đến với mình?". Có một số nỗi sợ hãi cần được trân trọng, vì nó có thể giúp người ta tránh được những mối nguy hiểm thật sự. Nỗi sợ có thể giữ con người sống sót, bởi vì nếu không biết sợ thì người ta sẽ rất liều, đôi khi có thể phải đánh đổi bằng cả mạng sống. Ví dụ, con người nên biết sợ việc đi ra đường vào lúc đêm khuya, vì lúc đó khả năng cao là sẽ bị gặp cướp bóc, trấn lột,... Hoặc nếu người ta sợ rằng nếu không làm gì cả thì mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn, nỗi sợ hãi lúc ấy sẽ có tác dụng thúc đẩy người ta hành động kịp thời. Nhưng nếu nỗi sợ hãi quá lớn đến nỗi khiến người ta không dám làm gì cả thì chẳng hay ho tí nào. Hầu hết những mối lo lắng chỉ là nỗi sợ hãi vu cơ, những nỗi sợ hãi thái quá, ngăn cản chúng ta đến với những cơ hội mới, cản trở chúng ta những lúc đáng ra phải hành động ngay trước sự thay đổi. Chính nỗi sợ đã trói buộc Chậm Chạp bấy lâu nay. Khi vượt lên nỗi sợ hãi của chính mình, bạn sẽ cảm thấy không bị trói buộc nữa.
Hãy tập suy nghĩ giản đơn, không cần phải phức tạp vấn đề để rồi làm rối trí mình với những ý nghĩ sợ hãi.
Trên đoạn đường đi khó nhọc, mỗi lần lòng tự tin bị lung lay, Chậm Chạp lại tự nhắc mình rằng những việc cậu đang làm bây giờ dù có thế nào đi nữa cũng còn tốt hơn nhiều so với việc ngồi chờ đợi một phép màu. Bên cạnh đó, cậu cũng tự ngẫm ra một bài học rằng cậu cần phải biết để tâm đến mọi việc xung quanh hơn, phải cảnh giác hơn để có thể lường trước và đón đầu những thay đổi, rồi sẵn sàng đối diện với chúng.
Lưu ý các dấu hiệu thay đổi nhỏ để từ đó chuẩn bị tốt hơn cho những thay đổi lớn có thể xảy ra.
Sự thay đổi không phải lúc nào cũng dẫn tới những điều tồi tệ, nó cũng có thể dẫn tới những điều tốt đẹp hơn. Chậm Chạp nhận ra rằng, điều mà người ta sợ hãi thật ra chẳng đến nỗi quá tồi tệ như người ta thường tưởng tượng ra. Nỗi sợ hãi mà người ta cứ để lớn dần lên trong tâm trí còn đáng sợ hơn nhiều so với thực tế.
"Khi thay đổi niềm tin thì người ta cũng sẽ thay đổi luôn hành động của mình."
Tất nhiên, như bao câu chuyện ngụ ngôn hoặc cổ tích, cuốn sách đã có một cái kết có hậu: Chậm Chạp sau nhiều nỗ lực để chiến thắng nỗi sợ và thay đổi trở nên tích cực hơn thì cuối cùng đã tìm được một Kho Pho Mát mới còn rộng lớn và phong phú hơn kho cũ đã bị mất đi. Cậu được tưởng thưởng xứng đáng khi vượt lên được nỗi sợ hãi của chính mình và chịu dấn thân vào cuộc phiêu lưu.
Rút kinh nghiệm từ sự việc đau đớn trước đó, giờ đây, dù đã có một Kho Pho Mát to lớn dường như vô tận, Chậm Chạp vẫn kiểm tra tình trạng kho Pho Mát thường xuyên, vẫn tiếp tục đi ra ngoài Mê Cung và khám phá những khu vực mới để tìm hiểu mọi chuyện đang xảy ra xung quanh mình, để không bất ngờ khi có một thay đổi ngoài dự kiến xảy ra.
---
Đọc xong câu chuyện vừa rồi, mọi người có thấy chính bản thân mình trong đó không? Có, rất nhiều nữa là đằng khác nhỉ.
Mê Cung đại diện cho cuộc sống. Pho Mát ẩn dụ cho vật chất, của cải, tình yêu, sức khỏe, hoặc đời sống tinh thần,... tất cả những gì mà một người cho là ý nghĩa đối với mình và luôn luôn kiếm tìm chúng. Sự việc Kho Pho Mát bị mất tượng trưng cho những sự cố, biến cố, những sự thay đổi xảy đến trong cuộc sống của chúng ta. Tên của 2 chú chuột và 2 người tí hon tương đương với những nét tính cách và phản ứng của chúng ta khi đối diện với những sự thay đổi.
Trong cuộc sống, chúng ta nên giữ tinh thần cảnh giác và để tâm đến những biến đổi nhỏ, để không bị quá bất ngờ khi một sự thay đổi lớn diễn ra. Khi có biến cố ập đến, việc đầu tiên ta cần làm là chấp nhận thực tế, sau đó, nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh mới và cuối cùng là hành động để xoay chuyển tình thế, biến điều bất lợi thành có lợi, hoặc tập "sống chung với lũ". Mình cho rằng, đối với một con người thì phẩm chất quan trọng nhất chính cho sự sinh tồn đó là sự thích nghi, linh hoạt. Với một người có tính cách này, dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào cũng có thể sống sót được.
Một ví dụ rất điển hình đó chính là con người khi đối mặt với đại dịch covid-19. Dịch covid không đột nhiên ập tới, không phải ngay lập tức mà tất cả quốc gia đều phong tỏa. Đã có khá nhiều dấu hiệu cho thấy một dịch bệnh nguy hiểm có sức tàn phá khủng khiếp đang xuất hiện, nhưng chúng ta đã chủ quan và lờ đi những dấu hiệu đó. Cho đến khi các nước dựng hàng rào ngăn cách nhau, hàng quán đóng cửa hàng loạt, mất doanh thu, bệnh viện quá tải, sức khỏe bị đe dọa, con người bị tước quyền tự do đi lại, mất kết nối với nhau,... thì vẫn còn rất nhiều người không thể chấp nhận được sự thật, cho rằng đây chỉ là một cơn dịch bệnh thoáng qua, tình trạng này sẽ mau chóng kết thúc. Phải mất một thời gian nữa, chúng ta mới có thể thích ứng được với hoàn cảnh mới, bắt đầu tập thói quen rửa tay, khử khuẩn, đeo khẩu trang, tiêm vắc-xin,... Và đến giờ thì chúng ta sống trong giai đoạn "bình thường mới" - dạy và học trực tuyến, làm việc từ xa, hộ chiếu vắc-xin,...
Ngoài ra, mình đã từng chứng kiến nhiều câu chuyện cuộc sống của người khác về việc không thể thích ứng được với hoàn cảnh mới.
Sau đợt dịch Covid, công ty mình cắt giảm khá nhiều nhân viên. Trong số đó, có 2 người đồng nghiệp khá thân thiết với mình, họ có những phản ứng và thái độ trái ngược nhau. Một người đón nhận tin bị cắt giảm một cách bình tĩnh, vì trước đó chị đã chuẩn bị tinh thần và cũng ý thức được năng suất làm việc của mình không được cao so với người khác. Ngày cuối cùng, sau khi gom đồ đạc, chị đi khắp văn phòng chia tay mọi người, chào cả người sếp đã cho chị nghỉ việc và cám ơn anh ấy đã cho chị cơ hội được làm việc tại đây trong 2 năm qua. Sau khi chính thức thôi việc, chị cố gắng rèn luyện thêm kỹ năng nghiệp vụ, tự học tiếng Anh, sau đó đi xin việc ở một nơi khác, và đến giờ chị đã được thăng chức quản lý, công việc cũng rất phù hợp với chị. Chị chia sẻ: "Giờ nhìn lại, chuyện bị cắt giảm và phải đi tìm việc mới trong bối cảnh dịch bệnh cũng không hẳn là điều tồi tệ, nhờ đó mà chị có cơ hội tìm được một công việc khác tốt hơn và phù hợp với chị hơn."
Còn một chị, khi biết tin mình có trong danh sách nhân sự bị cắt giảm, chị nổi đóa đùng đùng, uất ức, bất mãn vì cho rằng công ty không biết nhìn người. Chị ngồi chờ xem công ty có cập nhật danh sách khác không, vì chị vẫn không muốn tin là mình đã bị - nói trắng ra - đuổi việc. Chị than thở với mình rằng chị rất sợ phải đi tìm việc mới, chị sợ phải làm quen với môi trường mới, đồng nghiệp mới. Mình ráng an ủi, động viên chị cố gắng tranh thủ tìm việc mới đi, nhưng nỗi sợ đã khiến chị tê cứng. Đến cuối cùng, không có gì thay đổi, tên chị vẫn sừng sững trên danh sách cắt giảm. Ngày ra đi, chị dọn đồ một cách cáu kỉnh và không thèm ngẩng mặt nhìn một ai. Về nhà, chị lên Facebook trách móc và bêu rếu công ty làm ăn kém cỏi nên không giữ chân được một người tài như chị. Chị còn nói như thể không có chị thì công ty sẽ lụi bại! Khi đi phỏng vấn ở đâu chị cũng đem câu chuyện bị cắt giảm ra nói theo kiểu công ty đã không nhìn nhận đúng năng lực và giá trị của chị. Mình nghe nói, phải vất vả lắm chị mới tìm được việc, và đến giờ chị vẫn mãi là nhân viên cấp dưới của những đứa nhỏ hơn chị.
Bản thân mình cũng đã từng phải đối diện với rất nhiều sự kiện mà từ đó đã thay đổi cuộc sống của mình mãi mãi.
Vào cuối năm lớp 5, sau kì thi cuối kì, mình đã không đủ điểm để vào học trường Công lập, mà phải học trường Bán công - một điều rất là nhục nhã ê chề đối với mình và gia đình của mình vào thời điểm đó, bởi vì lúc ấy một đứa học trường Bán công có nghĩa là học ngu và quậy phá, lại xa nhà và học phí cao hơn. Mình đã khóc và oán trách bản thân rất nhiều về sự ngu dốt và bất tài của bản thân. Mình còn ngồi hy vọng hão huyền rằng trường sẽ chấm lại điểm thi cho mình, hoặc trường kia sẽ lấy điểm chuẩn thấp xuống cho bằng với số điểm của mình. Nhưng rồi không có phép màu nào xảy ra cả. Cũng đến ngày mình phải nhập học. Ở trường đó, mình đã nỗ lực rất nhiều để bù đắp cho lỗi lầm của bản thân, mình còn tham gia văn nghệ, làm tổ trưởng, làm Sao Đỏ, vào ngày thi cuối kì, mình còn uống cafe để thức nguyên đêm ôn bài,... Cuối năm lớp 6, mình đạt Học sinh giỏi, và giành được một suất chuyển sang trường Công lập khác. Thế là, mình lấy lại được sự tự tin và tiếp tục ngẩng mặt với đời. Sau này khi nhìn lại, mình luôn nghĩ, nếu ngày đó học trường Công ngay từ đầu, có lẽ mình đã không cố gắng nhiều như vậy. Nhờ vào sự thích ứng nhanh nhẹn và tư duy cầu tiến mình có được, từ sau đó, mình thi trường nào là đậu trường đấy, apply vào công ty nào là làm được việc tại công ty đấy.
Còn bạn thì sao?
Sau đại dịch Covid vừa rồi, có thể cũng có một số bạn đang xem video của mình bị mất việc. Bạn đã đối mặt và vượt qua điều đó như thế nào?
Hoặc bạn đã chia tay người yêu, mối tình đẹp như mơ mà bạn tưởng chừng sẽ đi bên nhau suốt kiếp. Bạn đã thay đổi và hành động như thế nào?
Bạn có câu chuyện về miếng pho mát nào có thể chia sẻ với mình không?
Tóm lại, "Ai lấy miếng pho mát của tôi" là một cuốn sách hay và dễ đọc. Nếu bạn là một người còn đang băn khoăn, chần chừ, trong lòng ngổn ngang những nỗi sợ hãi để có thể thay đổi, cuốn sách này là dành cho bạn. Cuốn sách sẽ giúp bạn nâng cao nhận thức, củng cố ý chí để thực hiện những sự thay đổi và đối mặt với những thử thách khó khăn để vươn đến những giá trị lớn lao hơn trong cuộc đời.
Ai lấy miếng pho mát của tôi đi rồi? Không quan trọng, quan trọng là tôi có chịu nhanh chóng chấp nhận sự thật và lập tức đi tìm miếng pho mát mới hay không.
-
Xem video trên Youtube: https://youtu.be/CMCoN_tNnIM
Mua sách: https://shope.ee/2fcBysJcp7
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét