Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2023

[Review sách] Thay đổi tí hon hiệu quả bất ngờ - Atomic Habits (James Clear)

Bạn có biết rằng: chất lượng cuộc sống của bạn thường phụ thuộc vào chất lượng các thói quen bạn có?

Nếu bạn tin rằng thói quen rất quan trọng đối với cuộc sống của bạn, thói quen quyết định tương lai và sự thành công của bạn, nhưng bạn vẫn phải luôn vật lộn để xây dựng các thói quen tốt và loại bỏ những thói quen xấu (mà còn không thành công), cuốn sách mình giới thiệu với bạn hôm nay sẽ vô cùng hữu ích cho bạn: Atomic Habits, với tựa tiếng Việt là "Thay đổi tí hon hiệu quả bất ngờ".

Đây là cuốn sách được viết bởi James Clear, một chuyên gia về thói quen. Sách tuy dày (khoảng hơn 300 trang A5) nhưng khá dễ đọc, vì tác giả có lối viết cuốn hút, chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc. Tác giả thường mở đầu mỗi chương bằng một câu chuyện cụ thể nào đó, nên khiến cho việc đọc của chúng ta trở nên dễ dàng và dễ tiếp thu hơn, vì bản tính tự nhiên của chúng ta là thích nghe kể chuyện, đặc biệt lại là những câu chuyện hay và lôi cuốn. 

Ví dụ: Cuốn sách được mở đầu bằng một câu chuyện cực kỳ gay cấn. Tác giả kể về một tai nạn thời trung học của mình, một tai nạn khiến anh bị gãy mũi, nứt xương sọ và tan nát hai hốc mắt. Vì chấn thương đó anh đã bị cắt khỏi danh sách thi đấu bóng chày của trường, đó là một điều hết sức nhục nhã đối với một người đã chơi bóng chày từ năm lên bốn. Tuy nhiên, nhờ vào những thói quen lành mạnh như ngủ sớm, giữ phòng ốc gọn gàng sạch sẽ, tập gym,... chỉ sáu năm sau tai nạn, anh đã trở thành vận động viên nam hàng đầu của trường đại học, được vinh danh trong Đội hình Ngôi sao Sinh viên Mỹ của ESPN - một vinh dự chỉ dành cho 33 cầu thủ trên khắp cả nước.

一一一一

Bên cạnh đó, thông tin trong sách được dựa trên nhiều bằng chứng khoa học được tác giả trích dẫn nguồn tham khảo rõ ràng, do đó rất đáng tin cậy. Nếu bạn luôn thấy khó khăn và thất bại trong việc tạo dựng một thói quen tốt hoặc loại bỏ một thói quen xấu nào đó, quyển sách này sẽ chỉ ra cho bạn những sai lầm thường gặp trong việc xây dựng thói quen, đồng thời hướng dẫn cho bạn cách đúng nhất và tốt nhất để xây dựng thói quen tốt và loại bỏ thói quen xấu, dựa trên nền tảng về hành vi của con người.

Mình cũng đặc biệt ấn tượng với tinh thần khiêm tốn của tác giả, cụ thể, James Clear nói rằng anh sử dụng những kiến thức khoa học đã có sẵn nhiều năm của những chuyên gia trác tuyệt nhất, việc của anh chỉ đơn giản là tìm kiếm những ý tưởng có giá trị nhất và tổng hợp lại cho độc giả. "Những điều thông thái trong các trang sắp tới nên được ghi nhận cho các chuyên gia trước tôi. Và bất kỳ sự ngớ ngẩn nào cũng mặc định là của tôi".

Cuốn sách "Thay đổi tí hon hiệu quả bất ngờ" sẽ mang đến cho bạn nhiều kiến thức mới mẻ và thú vị có thể bạn chưa từng biết, giúp bạn mở rộng tầm hiểu biết của mình về khoa học hành vi và thói quen.

Cuốn sách giúp bạn nhận thức rõ: không bao giờ có overnight success (thành công sau một đêm). Thành công đến từ những thói quen nhỏ nhưng đều đặn và bền bỉ. Các thay đổi mới đầu có vẻ nhỏ và không quan trọng sẽ kết hợp lại thành những kết quả đáng kể nếu bạn kiên trì nhiều năm. 

Đây là một cuốn sách giúp bạn hiện thực hóa tiềm năng của bản thân. Và mình không thể chờ thêm được nữa để giới thiệu nó đến với các bạn.

Như mọi khi, đây cũng sẽ là một bài viết dài nên mình sẽ chia phần và ghi chú các mục lục của từng phần để cho các bạn tiện theo dõi:
  • Kiến thức nền tảng
  • Nguyên tắc số 1
  • Nguyên tắc số 2
  • Nguyên tắc số 3
  • Nguyên tắc số 4
  • Kết bài viết của mình
一一一

KIẾN THỨC NỀN TẢNG

Vì sao các thay đổi nhỏ có thể dẫn đến khác biệt lớn

1. Sức mạnh đáng kinh ngạc của thói quen nguyên tử:

Nếu bạn có thể đạt được 1% tốt hơn mỗi ngày trong vòng một năm, bạn sẽ đạt được kết quả tốt hơn 37 lần khi hoàn thành. Ngược lại, nếu mỗi ngày bạn tệ đi 1% thì trong vòng một năm bạn sẽ suy giảm xuống gần như bằng 0. 


Chỉ khi nhìn lại 2 năm, 5 năm hay 10 năm sau đó thì giá trị của thói quen tốt và cái giá phải trả cho thói quen xấu mới trở nên thật rõ ràng. Nếu hôm nay bạn ăn một bữa kém lành mạnh, kim đo của cái cân không dịch chuyển mấy. Nếu tối nay bạn làm việc muộn và bỏ quên gia đình, họ sẽ tha thứ cho bạn thôi. Nhưng khi chúng ta lặp lại 1% sai sót, ngày qua ngày, nhân bản các sai lầm vụn vặt và hợp lý hóa những cái cớ nhỏ nhặt, thì sẽ ghép lại thành kết cuộc độc hại.

Thành công là sản phẩm của thói quen hằng ngày - không phải của một cuộc biến hình một-lần-trong-đời.

Tại sao chúng ta thường khó xây dựng thói quen tốt? 

Vì chúng ta tạo ra các thay đổi nhỏ, không nhìn thấy kết quả hữu hình, và quyết định dừng lại. Ví dụ: chúng ta đến phòng gym một tuần và chẳng thấy cơ thể mình thon gọn hơn, chúng ta học mấy trăm từ vựng tiếng Anh trong một tháng và chẳng thấy mình biết nói tiếng Anh,... Khi chúng ta làm điều gì đó mà kết quả không đến ngay, chúng ta dễ từ bỏ và thế là trượt trở lại nếp cũ.

Thế nhưng để tạo ra một khác biệt có ý nghĩa thì thói quen cần phải tồn tại đủ lâu để đột phá, tác giả gọi đó là Bình nguyên năng lực tiềm ẩn.
nguồn: tamlyhoctoipham.com
Chúng ta thường kỳ vọng tiến trình sẽ diễn ra tuyến tính, nhanh. Thực tế là kết quả thường có độ trễ nhất định. Phải đến nhiều tháng hay nhiều năm sau ta mới nhận ra giá trị thực sự của công sức đã bỏ ra trước đó. Điều này có thể dẫn đến "thung lũng thất vọng", nơi người ta cảm thấy thoái chí sau khi đã bỏ ra hàng tuần hàng tháng trời nỗ lực mà không đạt được kết quả gì. Tuy vậy, phải đến rất lâu sau đó thì giá trị trọn vẹn của các nỗ lực trước đây mới lộ diện.

Những điều lớn lao luôn đến từ các khởi đầu nho nhỏ.

Hãy tạm quên đi mục tiêu và tập trung vào hệ thống

Mục tiêu là về các kết quả bạn muốn đạt được. Hệ thống là về quá trình dẫn đến các kết quả ấy. 

Ví dụ: Nếu bạn là một doanh nhân, mục tiêu của bạn là xây dựng một doanh nghiệp triệu đô. Hệ thống là cách bạn thử nghiệm các ý tưởng sản phẩm, thuê nhân viên, và chạy các chiến dịch tiếp thị.

Mục tiêu sẽ giới hạn hạnh phúc của bạn. Khi bạn nghĩ rằng: "chừng nào tôi đạt được mục tiêu, tôi mới hạnh phúc", hạnh phúc sẽ là thứ xa vời. Khi bạn yêu quá trình hơn kết quả thì bạn không cần đợi bản thân cho phép mình hạnh phúc. Tại sao phải đợi đến khi có mức lương 50 triệu đồng thì bạn mới thấy hạnh phúc? Trong khi bạn vẫn có thể hạnh phúc với mức lương 10 triệu đồng và nỗ lực mỗi ngày trên hành trình đạt được mục tiêu lương 50 triệu.

Ngoài ra, nếu bạn chỉ tập trung vào mục tiêu, bạn sẽ rất dễ lạc lối sau khi đạt được mục tiêu ấy. Nếu tất cả khổ luyện của bạn chỉ tập trung vào một mục tiêu nhất định thì sau khi mục tiêu ấy đã đạt được, cái gì còn lại để thúc đẩy bạn tiến bước? Đây là lý do rất nhiều người phát hiện bản thân mình trượt về các thói quen cũ sau khi hoàn thành một mục tiêu. Điều này chính bản thân mình đã từng trải qua rất nhiều. Mình đặt mục tiêu có được một chứng chỉ tiếng Anh, mình đã ôn luyện ngày đêm để đạt được chứng chỉ ấy, sau khi cầm chứng chỉ đó trong tay, mình bỏ luôn thói quen học tiếng Anh mỗi ngày. Không biết có bạn nào giống như mình không. Vậy chúng ta nên làm gì đây? Hãy cùng tìm hiểu ba cấp độ thay đổi hành vi trong Phần 2 - Thói quen định hình căn tính con người bạn như thế nào.

2. Thói quen định hình căn tính con người bạn như thế nào

Ba cấp độ thay đổi hành vi
Nguồn: jamesclear.com/identity-votes

Có ba lớp cấp độ trong việc thay đổi hành vi:
  • Thay đổi kết quả đầu ra: giảm cân, xuất bản một quyển sách, giành chức vô địch. 
  • Thay đổi quy trình = thay đổi thói quen và hệ thống: thực hiện một kế hoạch rèn luyện mới ở phòng gym, giải phóng bàn làm việc để tiến trình công việc trôi chảy hơn, thực hành thiền.
  • Thay đổi căn tính = thay đổi niềm tin: thế giới quan của bạn, sự tự nhận thức về bản thân, sự đánh giá của bạn về mình và người khác.
  • Đầu ra = cái bạn muốn có.
  • Quy trình = cái bạn làm.
  • Căn tính = cái bạn tin.
Nhiều người bắt đầu quá trình thay đổi thói quen bằng cách tập trung vào cái mà họ muốn đạt được. Nhưng đúng đắn nhất thì chúng ta nên tập trung vào con người mà ta muốn trở thành. Rất khó thay đổi hành vi nếu như bạn không thay đổi các niềm tin bên dưới, những niềm tin đã dẫn bạn đến hành vi quá khứ. Bạn có một mục tiêu mới và một kế hoạch mới, nhưng bạn vẫn chưa đổi con người hiện tại của bạn. Thay đổi hành vi chính là thay đổi về căn tính.

Nếu bạn không thay đổi niềm tin đằng sau một hành vi, thì bạn sẽ rất khó duy trì được thay đổi dài hạn. Tiến bộ sẽ chỉ có tính tạm bợ nếu như nó không trở thành một phần con người bạn. 
  • Mục tiêu không phải là đọc một quyển sách, mục tiêu là trở thành một người đọc sách.
  • Mục tiêu không phải là tham gia một cuộc chạy marathon, mục tiêu là trở thành một người chạy bộ.
Hành vi của bạn thường là tấm gương phản ánh căn tính của bạn. Những gì bạn làm, đó là dấu chỉ về kiểu người mà bạn tin mình đang là.

Quá trình hai bước trong thay đổi căn tính
  • Quyết định kiểu người mà bạn muốn trở thành.
  • Chứng minh với bản thân bằng các thắng lợi nho nhỏ.
Quá trình xây dựng thói quen chính là quá trình hình thành cái tôi. Con đường thực tế nhất để thay đổi con người hiện tại của bạn chính là thay đổi điều bạn làm.

Bước đầu tiên không phải là cái gì hay như thế nào, mà là ai. Bạn cần biết rõ mình muốn trở thành ai. Bạn hãy quyết định xem bạn muốn trở thành người như thế nào. Bạn muốn đấu tranh cho điều gì? Nguyên tắc và giá trị của bạn là gì? Bạn mong muốn trở thành ai? 

Ví dụTôi là kiểu giáo viên sẽ đứng ra bảo vệ các em học sinh của mình.

Một khi bạn đã nắm bắt được kiểu người mà mình muốn trở thành, bạn có thể bắt đầu đặt những bước chân nhỏ vào con đường ấy và củng cố căn tính mong muốn của mình. Ví dụ: Bạn tự hỏi "một người khỏe mạnh thường làm gì?", đi bộ hay đón taxi, ăn bánh ngọt hay salad? Nếu bạn hành xử như một người có lối sống lành mạnh đủ lâu thì cuối cùng bạn sẽ trở thành người đó. 

Thói quen của bạn định hình căn tính, và căn tính của bạn sẽ định hình thói quen. Sự hình thành tất cả thói quen đều là một vòng lặp phản hồi. Hãy để giá trị của bạn, nguyên tắc của bạn, và căn tính của bạn thúc đẩy dòng chảy của vòng lặp thay vì kết quả. Thói quen rất quan trọng vì chúng giúp ta trở thành kiểu người mà ta mong ước trở thành.

3. 4 bước đơn giản xây dựng thói quen

Thói quen là một hành vi được lặp đi lặp lại đủ lâu để trở nên tự động. 

Thói quen không hạn chế tự do, thậm chí còn tạo ra tự do. Những người không kiểm soát được thói quen của mình thường chính là những người có ít tự do nhất. Nếu không có thói quen tài chính tốt, bạn sẽ luôn phải vật lộn đi kiếm từng đồng cắc tiếp theo. Nếu không có thói quen sức khỏe lành mạnh, bạn sẽ luôn cảm thấy mình thiếu năng lượng. Nếu không có thói quen học hỏi, bạn sẽ luôn cảm thấy mình tụt hậu so với thế giới.

Khoa học về cách vận hành của thói quen

Nguồn: jamesclear.com

Tất cả thói quen đều tiến triển qua bốn giai đoạn theo một trật tự như sau: tín hiệu, cơn thèm muốn, phản hồi, phần thưởng.

Tín hiệu kích hoạt cơn thèm muốn, từ đó làm động lực cho phản hồi, dẫn đến phần thưởng, phần thưởng sẽ thỏa mãn cơn thèm khát, tạo nên liên kết với tín hiệu. Cùng với nhau, bốn bước này hợp thành một vòng lặp phản hồi của hệ thần kinh, giúp bạn tạo nên các thói quen tự động.

nguồn: innolikesm.life

Ví dụ: 
  • Tín hiệu: điện thoại có chuông báo tin nhắn mới.
  • Cơn thèm muốn: bạn muốn đọc nội dung tin nhắn.
  • Phản hồi: bạn cầm lấy điện thoại và đọc tin.
  • Phần thưởng: bạn thỏa mãn mong muốn đọc tin nhắn. Hành động cầm lấy điện thoại dần dần liên kết với tín hiệu chuông báo có tin nhắn.
Dựa trên 4 giai đoạn của thói quen, tác giả xây dựng nên bộ khung Bốn Nguyên tắc Thay đổi Hành vi, giúp ta hình thành các thói quen tốt và bỏ đi thói quen xấu. 
  • Nguyên tắc số 1 (Tín hiệu): khiến nó rõ ràng.
  • Nguyên tắc số 2 (Cơn thèm muốn): khiến nó hấp dẫn.
  • Nguyên tắc số 3 (Phản hồi): khiến nó dễ dàng.
  • Nguyên tắc số 4 (Phần thưởng): khiến nó tạo ra cảm giác thỏa mãn.
Bất kỳ khi nào bạn muốn thay đổi hành vi của mình, chỉ cần hỏi bản thân:
  1. Làm sao để khiến nó trở nên rõ ràng?
  2. Làm sao để khiến nó trở nên hấp dẫn?
  3. Làm sao để khiến nó trở nên dễ dàng?
  4. m sao để khiến nó tạo ra cảm giác thỏa mãn?
Trong các chương tiếp theo, tác giả sẽ phân tích chi tiết từng nguyên tắc trên và chỉ cho bạn cách áp dụng như thế nào để tạo thói quen tốt và bỏ thói quen xấu.

NGUYÊN TẮC SỐ 1: KHIẾN NÓ RÕ RÀNG

Một hành vi càng tự động thì ta càng ít có khả năng ý thức về nó, khi chúng ta đã thực hiện điều gì đó hàng ngàn lần thì ta sẽ bắt đầu coi nhẹ chúng, ta bắt đầu ngừng tự hỏi xem có nên làm nó hay không. 

Một trong những thử thách lớn nhất của việc thay đổi thói quen là duy trì ý thức về việc ta đang thực sự làm. Do đó, tác giả đề xuất chúng ta lập một BẢNG ĐIỂM THÓI QUEN, giúp ta ý thức về hành vi của mình nhiều hơn. Bạn hãy liệt kê ra các thói quen thường ngày, ví dụ:
  • Thức dậy
  • Tắt báo thức
  • Kiểm tra điện thoại 
  • Tập thiền
  • Viết danh sách 10 điều biết ơn
  • Vào nhà tắm
  • Tắm
  • Đánh răng
  • ...
Khi bạn có một danh sách đầy đủ rồi, hãy nhìn vào từng hành vi và tự hỏi: "Đây có phải là thói quen tốt không, hay xấu, hay trung tính?"
  • Nếu là thói quen tốt, hãy đánh dấu + bên cạnh
  • Nếu là thói quen xấu, đánh dấu -
  • Nếu là thói quen trung tính không tốt không xấu, đánh dấu =
Với bài tập này, bạn phân loại thói quen của mình theo cách chúng sẽ có lợi cho bạn về lâu dài như thế nào. Thói quen củng cố căn tính mong muốn của bạn thường là thói quen tốt. Thói quen khiến bạn xung đột với căn tính mong muốn của mình thường là xấu.

Ví dụ: căn tính mong muốn của mình là trở thành một người có lối sống lành mạnh.
  • Mình có thói quen tập bơi và chạy bộ sau giờ làm việc, thói quen này củng cố căn tính sống lành mạnh, như vậy, thói quen này là thói quen tốt.
  • Mình có thói quen uống trà sữa sau giờ nghỉ trưa ở công ty, thói quen này xung đột với căn tính sống lành mạnh, vì vậy là thói quen xấu.
Cách tốt nhất bắt đầu một thói quen

Lập kế hoạch rõ ràng ở đâu và khi nào sẽ thực thi thói quen. 

Đừng nghĩ: "mình sẽ tập thể dục" mà không lên kế hoạch rõ ràng rằng bạn sẽ tập cái gì, ở đâu và khi nào. Bạn không thiếu động lực để thực hiện thói quen, cái bạn thiếu là sự rõ ràng. 

Hãy điền vào câu sau: Tôi sẽ [HÀNH VI NÀO ĐÓ] vào lúc [THỜI GIAN] [NƠI CHỐN]

Ví dụ: 
  • Tôi sẽ thiền một phút vào 7 giờ sáng trong nhà bếp.
  • Tôi sẽ tập thể dục một tiếng vào lúc 5 giờ chiều ở phòng tập gym trong khu dân cư.
Bạn càng cụ thể về cái mình muốn và cách mình sẽ đạt được nó, bạn càng dễ nói không với những thứ làm chệch hướng tiến trình, sao nhãng tâm trí và khiến bạn trật khỏi đường đi. 

Ví dụ đối với bản thân mình:
  • Tôi sẽ bơi 30 phút vào 6 giờ tối thứ 2 và thứ 4 tại hồ bơi của công ty.
  • Tôi sẽ chạy bộ vào 6 giờ tối thứ 3 và thứ 5 xung quanh khuôn viên công ty.
Khi mình đã có kế hoạch rất cụ thể như thế này, cứ đến 6 giờ tối thứ 2 và thứ 4 là mình xách giỏ đi bơi thôi. Đồng nghiệp nào rủ đi chơi thì mình chỉ đơn giản từ chối vì "tôi đã có kế hoạch đi bơi rồi". 

Một trong những cách tốt nhất để xây dựng thói quen mới là định vị nó với một thói quen bạn đang thực hiện mỗi ngày, và sau đó xếp hành vi mới này lên đầu. Đây được gọi là chồng lớp thói quen

Sau khi làm [THÓI QUEN HIỆN TẠI], tôi sẽ làm [THÓI QUEN MỚI]

Ví dụ:
  • Sau khi đánh răng xong, tôi sẽ thiền một phút.
  • Khi cởi giày đi làm ra, tôi sẽ ngay lập tức thay đồ tập thể dục.
Hãy gắn hành vi mong muốn của bạn vào điều gì đó bạn đã và đang làm mỗi ngày. 

Tầm quan trọng của môi trường trong việc xây dựng thói quen

Chúng ta thay đổi bởi thế giới xung quanh ta. Mỗi một thói quen đều phụ thuộc hoàn cảnh. Tác giả sẽ hướng dẫn chúng ta cách thiết kế môi trường sống để thành công, cụ thể, chúng ta hãy bày biện lại môi trường của mình và khiến các tín hiệu khởi phát thói quen mong muốn trở nên rõ ràng hơn.

Ví dụ:
  • Nếu bạn muốn nhớ luyện đàn guitar thường xuyên hơn, hãy đặt cây đàn ngay chính giữa phòng khách.
  • Nếu bạn muốn uống nhiều nước hơn, hãy đặt các bình nước ở những nơi thông dụng khắp nhà.
Hãy đảm bảo các lựa chọn tốt nhất đều dễ thấy nhất. Thực hiện một quyết định sẽ dễ dàng và tự nhiên nếu các tín hiệu kích hoạt thói quen tốt ở ngay trước mặt bạn. Hãy lấy lại quyền kiểm soát đời mình.

Cách để phá bỏ thói quen xấu là giảm bớt tiếp xúc với tín hiệu gây ra nó. 

Ví dụ:
  • Nếu bạn liên tục cảm thấy mình không đầy đủ, hãy bỏ theo dõi các tài khoản mạng xã hội kích thích lòng ghen tị hay đố kỵ của bản thân.
  • Nếu bạn muốn bỏ thói quen ăn uống kém lành mạnh, hãy đến một cửa hàng rau quả mới, vì não không còn tự động biết được nơi các thực phẩm kém lành mạnh được bày bán.
Tóm lại, hãy làm cho tín hiệu kích hoạt thói quen tốt trở nên rõ ràng trước mắt, và biến các tín hiệu kích hoạt thói quen xấu trở nên vô hình.

NGUYÊN TẮC SỐ 2: KHIẾN NÓ HẤP DẪN

Nếu bạn muốn tăng cơ hội xảy ra một hành vi, bạn cần phải khiến cho nó hấp dẫn hơn, vì chính sự mong đợi một trải nghiệm mang tính tưởng thưởng đã tạo động lực cho ta hành động vào lúc ban đầu. Dựa trên cơ sở này, tác giả hướng dẫn chúng ta chiến lược gọi là Bao Bọc Cám Dỗ.

Ví dụ: Một người thích xem Netflix, nhưng cũng biết mình cần phải vận động nhiều hơn. Anh ta đã viết một phần mềm cho phép Netflix khởi động chỉ khi anh đạp xe đến một vận tốc nhất định. Trong trường hợp này, anh đã bao bọc việc xem Netflix (điều anh muốn làm) bằng việc đạp xe (điều anh cần phải làm).

Bạn có thể kết hợp chiến lược Bao Bọc Cám Dỗ với chiến lược Chồng Lớp Thói Quen. Công thức như sau:

1. Sau khi làm [THÓI QUEN HIỆN TẠI], tôi sẽ làm [THÓI QUEN MỚI].
2. Sau [THÓI QUEN TÔI CẦN], tôi sẽ thực hiện [THÓI QUEN TÔI MUỐN].

Ví dụNếu bạn muốn lướt Facebook, nhưng bạn cần tập thể dục nhiều hơn:
1. Sau khi rút điện thoại ra, tôi sẽ hít đất 10 cái (cần).
2. Sau khi hít đất 10 cái, tôi sẽ lướt Facebook (muốn).

Tóm lại, bạn hãy kết nối thói quen bạn cần tạo với một điều bạn rất muốn làm.

Vai trò của gia đình và bạn bè trong việc định hình thói quen

Con người là sinh vật sống theo bầy đàn. Chúng ta đều muốn hòa nhập, gắn kết với người khác và tìm kiếm sự chấp nhận từ đồng loại. Ai cũng muốn được thuộc về đâu đó. Do vậy, chúng ta thường mô phỏng các thói quen của những người gần gũi. Chúng ta càng thân cận với ai đó, khả năng chúng ta bắt chước hành vi của họ càng cao. 

Một trong những điều hiệu quả nhất bạn có thể làm để xây dựng thói quen tốt là gia nhập một nền văn hóa nơi hành vi mà bạn mong muốn là chuẩn hành vi thông thường. Dường như dễ đạt được hành vi mới hơn khi bạn thấy người khác cũng đang thực hiện nó mỗi ngày. Hãy ở bên cạnh những người có các thói quen mà bạn muốn có trong đời. Bạn sẽ trỗi vượt cùng họ. 

Hãy tham gia một nền văn hóa nơi (1) hành vi mong muốn của bạn là một điều bình thường hiển nhiên và (2) bạn có gì đó chung với nhóm ấy. Không có gì duy trì động lực tốt hơn việc thuộc về bộ lạc của mình. Căn tính của bạn là đơn độc. Bạn là một người đọc sách. Bạn là một nhạc sĩ. Bạn là một vận động viên. Khi bạn tham gia một câu lạc bộ đọc sách, ban nhạc hay câu lạc bộ đạp xe, căn tính của bạn kết nối với những người xung quanh. Chúng ta là người đọc sách. Chúng ta là nhạc sĩ. Chúng ta là vận động viên. Căn tính chung này bắt đầu củng cố căn tính cá nhân của bạn.

Ở điểm này thì bản thân mình đã được trải nghiệm nên mình công nhận là tác giả nói rất đúng. Cụ thể, công ty hiện tại mình đang làm việc có văn hóa đọc sách và rèn luyện thể lực, đó cũng là những điều mà mình rất muốn và thích làm. 
  • Ở các công ty khác, nếu mình ngồi đọc sách thì mọi người nhìn mình như một sinh vật lạ khiến cho mình rất ngại; ở công ty này thì có rất nhiều người đọc sách, có cả một thư viện dành cho người đọc sách nữa, việc đọc sách là một việc rất bình thường và hiển nhiên ở đây. 
  • Ở các công ty khác, sau giờ làm thì mọi người thường hay rủ rê mình đi chơi, đi nhậu, nếu mình nói là mình bận đi về để tập thể dục thì mọi người sẽ nhìn mình như một người ngoài hành tinh; còn ở công ty hiện tại thì rất nhiều người tập gym, chạy bộ, đánh cầu lông, bóng bàn và bơi lội sau giờ làm việc. Công ty cũng trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc rèn luyện thân thể, như phòng gym, hồ bơi, các khoảng sân rộng,... Rèn luyện thể lực là việc rất bình thường và hiển nhiên ở đây.
Vì vậy khá dễ dàng để mình có thể xây dựng và duy trì những thói quen tốt như đọc sách và rèn luyện thân thể mỗi ngày khi làm việc tại đây.

Tái lập trình não bộ để tận hưởng các thói quen khó

Bạn có thể làm cho các thói quen khó trở nên hấp dẫn bằng cách gắn chúng với trải nghiệm tích cực. Đôi khi bạn chỉ cần một chuyển biến nhẹ trong cách nghĩ, cách nhìn nhận các sự kiện.

Ví dụ
  • Thay vì nghĩ "mình phải tập thể dục" ➡ bạn có thể nói với bản thân "đến giờ cho cơ thể và đầu óc được thư giãn sau một ngày làm việc vất vả rồi".
  • Thay vì nghĩ "tiết kiệm thật là khổ sở, tại sao mình phải hy sinh thế này" ➡ bạn hãy tự nhủ rằng "sống dưới mức mình có khả năng trong hiện tại sẽ làm tăng mức sống trong tương lai".
Ngoài ra, bạn có thể liên kết thói quen của mình với điều gì đó bạn hứng thú. Ví dụ: bạn đeo tai nghe và bật những bản nhạc mình ưa thích, rồi tập trung làm việc. Sau khi làm như vậy nhiều lần thì hành động đeo tai nghe trở thành một tín hiệu gắn với việc tập trung cao. Sau này, có khi chỉ cần đeo tai nghe mà không cần bật nhạc thì bạn cũng đã có thể tập trung làm việc.

NGUYÊN TẮC SỐ 3: KHIẾN NÓ DỄ DÀNG

Chúng ta rất dễ sa lầy vào việc lập những kế hoạch hoàn hảo và cảm tưởng như mình đang tiến triển, nhưng chỉ lập kế hoạch không giúp chúng ta đạt được điều mình muốn, chúng ta cần phải thực hành nó.

Hình thành thói quen là quá trình một hành vi trở nên tự động dần dần thông qua sự lặp đi lặp lại. Bạn tái lặp một hoạt động càng nhiều lần thì cấu trúc não bạn càng thay đổi để trở nên hiệu quả với hoạt động ấy hơn. Tạo ra sự lặp đi lặp lại là một trong những bước trọng yếu cần làm để mã hóa một thói quen mới.

Đừng hỏi "bao lâu thì tôi có thể xây dựng được thói quen mới?", vì đúng ra bạn phải hỏi "cần bao nhiêu lần thực hiện thì một thói quen được hình thành?". Hai mươi mốt ngày, ba mươi ngày hay ba trăm ngày, đều chẳng quan trọng. Điều có ý nghĩa là tần suất bạn thực hiện một hành vi. Để xây dựng một thói quen, bạn cần thực hành nó.

Quy tắc Nỗ Lực Ít Nhất

Thực tế là chúng ta rất lười và sẽ làm cái gì mình thấy tiện. Năng lượng rất quý giá, và não bộ được lập trình để bảo toàn năng lượng bất cứ khi nào có thể. Trong tình thế phải đưa ra quyết định giữa hai lựa chọn từa tựa nhau, người ta tự nhiên sẽ hướng về lựa chọn đòi hỏi ít lao động nhất.

Càng đòi hỏi nhiều năng lượng, càng ít khả năng hành động đó sẽ xảy ra. Thói quen nào càng đòi hỏi ít năng lượng, thói quen đó càng dễ thành lập. Nếu bạn có thể khiến thói quen tốt của mình tiện lợi hơn nữa, bạn sẽ dễ dàng duy trì được các thói quen ấy về sau.

Thay vì cố vượt qua lực cản trong cuộc sống thì ta giảm nó xuống. Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm lực cản gắn với thói quen là thiết kế môi trường sống, làm cho các tín hiệu trở nên rõ ràng hơn, giúp cho các hành vi được thực hiện dễ dàng hơn. Giả sử, khi bạn đang tìm nơi nào đó để thực thi một thói quen mới, thì tốt nhất là bạn nên chọn nơi có sẵn ngay trên lộ trình của thói quen thường nhật. Thói quen sẽ dễ hình thành hơn nếu nó có thể nhét vừa vặn vào trong dòng chảy cuộc sống của bạn. Bạn có nhiều khả năng đến phòng gym hơn nếu nó ở ngay trên đường bạn đi làm về. Ngược lại, rất khó để bạn ăn kiêng khi ra ngoài ăn uống với bạn bè, cũng rất khó để đọc một quyển sách trong một ngôi nhà hỗn loạn.

Hãy tạo ra một môi trường dễ thực thi nhất có thể cho hành vi đúng. Nếu bạn muốn tập thể dục, hãy để sẵn đồ tập, giày, giỏ thể thao, bình nước trước mắt. 

Bạn cũng có thể đảo ngược nguyên tắc này để sắp sẵn môi trường khiến những thói quen xấu khó khăn hơn. Lực cản càng lớn, thói quen càng khó xảy ra. Ví dụ, nếu bạn muốn giảm thời lượng xem tivi, mỗi khi xem tivi xong hãy rút phích cắm và tháo pin khỏi cái điều khiển.

Quy tắc Hai Phút giúp bạn giảm sự trì hoãn

Quy tắc Hai Phút nghĩa là khi bạn bắt đầu một thói quen mới, nó chỉ nên kéo dài không quá hai phút.

Ví dụ:
  • "Đọc sách trước khi ngủ" ➡ trở thành "đọc một trang".
  • "Chạy bộ năm cây số" ➡ trở thành "thắt dây giày chạy bộ".
Thói quen tốt không nên là một thứ khó nhọc. Các hành động theo sau có thể khó khăn, nhưng hai phút đầu tiên nên là chuyện dễ làm.

Thay vì cố gắng sắp đặt một thói quen hoàn hảo ngay từ đầu, hãy làm điều dễ dàng mà bền bỉ. Một cái hít đất vẫn tốt hơn là không tập gì cả. Một phút luyện guitar vẫn hơn không luyện gì cả. Một phút đọc sách vẫn tốt hơn không bao giờ cầm quyển sách lên. Thà làm ít hơn mình mong đợi vẫn còn hơn không làm gì cả.

NGUYÊN TẮC SỐ 4: KHIẾN NÓ TẠO CẢM GIÁC THỎA MÃN

Quy tắc cơ bản thay đổi hành vi: Cái gì được thưởng thì được lặp lại. Cái gì bị phạt thì bị lảng tránh. Bạn biết được nên làm gì trong tương lai dựa trên những gì bạn được thưởng (hay bị phạt) trong quá khứ. Cảm xúc tích cực nuôi dưỡng thói quen. Cảm xúc tiêu cực phá hủy thói quen. 

Nhưng không phải loại thỏa mãn nào cũng là cái chúng ta đang tìm. Chúng ta tìm sự thỏa mãn ngay tức thời.

Phần thưởng tức thời và Phần thưởng trì hoãn

Phần thưởng trì hoãn nghĩa là bạn phải làm nhiều năm trời trước khi hành động của bạn cho ra thành quả mà bạn dự định, rất nhiều điều bạn lựa chọn hôm nay sẽ không cho bạn lợi ích ngay tức khắc. Nếu bạn làm tốt công việc, bạn có thể sẽ được thăng chức trong vài năm tới. Nếu hôm nay bạn tập thể dục, có thể năm sau bạn sẽ không thừa cân. Nếu bây giờ bạn tiết kiệm, có thể vài chục năm nữa bạn sẽ có đủ tiền để hưu dưỡng.

Và tất nhiên loại phần thưởng trì hoãn này thật kém hấp dẫn, vì chúng ta phải chờ đợi nó quá lâu. Một cách bản năng, chúng ta coi trọng hiện tại hơn tương lai. Chúng ta muốn một phần thưởng chắc chắn có được ngay lúc này hơn là một phần thưởng có khả năng xảy ra trong tương lai. Một người vẫn hút thuốc mặc dù họ biết nó tăng nguy cơ ung thư phổi, bởi vì ung thư chỉ xảy ra sau khoảng mười năm nữa, nhưng ngay bây giờ thì nó giúp giảm căng thẳng và giảm sự thèm muốn nicotine. Ăn nhiều có hại trong thời gian dài nhưng mang lại cảm giác ngon miệng trong hiện tại. Hậu quả của thói quen xấu thì trì hoãn, còn phần thưởng thì có ngay tức thời.

Với những thói quen xấu, kết quả tức thời thường tốt hơn, chỉ hậu quả sau cùng mới tệ. Với những thói quen tốt thì ngược lại, kết quả tức thời chẳng dễ chịu gì, nhưng thành quả sau cùng thì lại tốt. Bây giờ bạn không tập thể dục mà chọn nằm ườn ra lướt Facebook thì sẽ đem lại cảm giác sảng khoái, nhưng về sau bạn có thể sẽ bị thừa cân, bây giờ bạn tập thể dục thì rất mệt mỏi nhưng sau này cơ thể bạn sẽ dẻo dai và thon gọn hơn rất nhiều.

Chúng ta đều muốn có cuộc sống tốt hơn cho chúng ta của tương lai. Tuy nhiên, bộ não lại có khuynh hướng ưu tiên những gì ở hiện tại. Khi đối diện với khoảnh khắc đưa ra quyết định, sự thỏa mãn tức thời thường thắng. Lúc này bạn không còn lựa chọn cho Bạn Của Tương Lai, người đang mơ có dáng đẹp, giàu có và hạnh phúc hơn. Bạn đang lựa chọn cho Bạn Của Hiện Tại, người muốn no đủ, nuông chiều và được giải trí.

Nhưng điều may mắn là bạn có thể tự luyện tập để trì hoãn cơn vui sướng. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là tạo ra một ít vui sướng tức thời cho thói quen tốt và tạo ra một ít cực khổ tức thời cho những thói quen xấu.

Điều cốt lõi trong việc duy trì một thói quen là phải cảm thấy thành công dù là nhỏ thôi. Cảm giác thành công là dấu hiệu cho thấy thói quen mang lại thành quả có ích và đáng bỏ công. 

Lúc mới đầu, bạn buộc phải hy sinh. Các phần thưởng tức thời giữ cho bạn hưng phấn để tiếp tục. 

Ví dụ: một cặp vợ chồng muốn cùng nhau nấu ăn thay vì đi ăn ngoài quá nhiều. Họ tạo một tài khoản tiết kiệm và đặt tên là "Du Lịch Châu Âu", mỗi khi họ không đi ra ngoài ăn, họ chuyển khoản 50$ vào đó. Đến cuối năm, họ dùng tiền để đi du lịch.

Bên cạnh đó còn có phần thưởng nội tại, ví dụ như khi thực hiện thói quen tập thể dục sẽ khiến bạn cảm giác tràn đầy năng lượng, giảm căng thẳng. Lúc này bạn sẽ ít quan tâm tới việc theo đuổi phần thưởng thứ yếu. Bản thân căn tính trở thành vật củng cố. Bạn làm điều đó bởi vì đó là chính bạn và bạn cảm thấy hài lòng vì được là chính mình. Khi một thói quen dần trở thành một phần trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ không cần nhiều khích lệ từ bên ngoài để tiếp tục.

Tóm lại, một thói quen cần phải tạo ra cảm giác dễ chịu để có thể tồn tại lâu dài.

Cách để gắn bó với thói quen tốt mỗi ngày: đo lường tiến trình của bạn bằng việc Theo Dấu Thói Quen.

Theo dấu thói quen là cách đơn giản để đo xem bạn có thực hiện thói quen hay không. Cách thứ nhất là bạn lấy một cuốn lịch và đánh dấu chéo từng ngày bạn giữ vững được thói quen của mình. Cách thứ hai là bạn dùng hai chiếc hũ, một chiếc hũ đựng đầy kẹp giấy và một chiếc hũ trống. Mỗi lần bạn thực hiện thói quen của mình thì lấy một chiếc kẹp bỏ vào chiếc hũ trống.

Việc ghi nhận lại hành động của mình sẽ tạo ra một nút bấm kích hoạt hành động tiếp theo. Khi bạn nhìn vào lịch và thấy chuỗi thành tích của mình, bạn sẽ được nhắc nhở tiếp tục hành động. 

Theo dấu thói quen cũng giữ cho bạn thành thật, khi nhìn vào đống kẹp giấy trong hũ là bạn biết ngay mình đã làm được bao nhiêu công việc.

Theo dấu thói quen cung cấp bằng chứng hữu hình cho thực tế là bạn đã nỗ lực vất vả - một lời nhắc tinh tế về chặng đường bạn đã trải qua. Thêm nữa, ô trống bạn nhìn thấy mỗi sáng cũng cho bạn động lực khởi động, vì bạn không muốn bẻ gãy chuỗi thành tích của mình và đánh mất tiến trình.

Ngoài ra, tự thân việc theo dấu đã có thể là một hình thức tưởng thưởng. Cảm giác lúc đánh dấu X vào một ô lịch cũng đã rất thỏa mãn. Theo dấu thói quen còn giúp bạn chú tâm, tập trung vào quá trình hơn kết quả. Bạn không bị cố định vào mục tiêu phải có cái bụng sáu múi, bạn chỉ đang cố gắng duy trì chuỗi thành quả và trở thành kiểu người không bao giờ bỏ lỡ việc rèn luyện thân thể. 

Đôi khi thói quen của bạn sẽ bị ngắt quãng, tuy nhiên hãy tự nhắc nhở mình "không bao giờ bỏ lỡ lần thứ hai". Nếu lỡ một ngày, hãy cố gắng quay trở lại với thói quen nhanh nhất có thể. Bỏ một buổi rèn luyện thi thoảng vẫn xảy ra, nhưng không được bỏ lỡ hai buổi liên tiếp. Sai lầm đầu tiên không bao giờ là thứ phá hỏng bạn cả. Chính vòng xoáy mắc lỗi tái diễn theo sau mới là vấn đề. Lỡ một lần là tai nạn. Lỡ lần hai chính là khởi đầu của thói quen mới.

Hợp đồng Thói quen

Bạn có thể tạo ra một Hợp đồng Thói quen để giữ cho bản thân có trách nhiệm. Hợp đồng Thói quen là một thỏa thuận miệng hay bằng văn bản trong đó bạn nêu lên cam kết của mình đối với một thói quen nhất định và hình phạt đi kèm nếu bạn không tuân theo. Sau đó bạn tìm một hoặc hai người mà bạn có trách nhiệm giải trình và cùng ký vào hợp đồng với bạn.

CHIẾN THUẬT NÂNG CAO

Từ hơi hơi tốt đến vĩ đại thực sự

Chúng ta được sinh ra với những khả năng khác nhau. Nếu bạn muốn trở thành một người vĩ đại thực thụ thì hãy chọn đúng chỗ để tập trung phát triển. Gien không quyết định số phận của bạn. Nó quyết định lĩnh vực tạo ra cơ hội cho bạn. Những lĩnh vực mà bạn được gien mở đường để thành công là lĩnh vực mà thói quen sẽ dễ tạo ra cảm giác thỏa mãn. Mấu chốt là định hướng công sức của bạn đến các lĩnh vực vừa khiến bạn hưng phấn vừa hợp với kỹ năng tự nhiên của bạn, để tham vọng tương hợp với khả năng của bạn.

Câu hỏi ở đây là: "Làm sao tôi tìm ra những lĩnh vực có lợi cho mình? Làm sao xác định cơ hội và thói quen nào phù hợp với mình?". Nơi đầu tiên mà chúng ta tìm câu trả lời chính là hiểu rõ tính cách của bạn. 

Trong cuốn sách này thì tác giả không giới thiệu cách để chúng ta có thể hiểu rõ tính cách của mình, tác giả chỉ đề cập một chút đến một học thuyết nổi tiếng về tính cách: "The Big Five", tạm dịch là "Năm Nét Lớn". Thuyết này chia tính cách thành năm phổ hành vi: cởi mở với trải nghiệm, tận tâm, hướng ngoại, dễ chịu, bất ổn cảm xúc. Nói chung là đọc cuốn sách này không giúp bạn hiểu rõ được tính cách của mình, mà bạn cần phải tìm hiểu bằng cách khác. 

Với cá nhân mình thì mình có may mắn là đã thực hiện được một số biện pháp để hiểu được bản thân, cụ thể, từ khi còn là sinh viên thì mình đã làm sinh trắc vân tay,  test phân loại tính cách MBTI (mình đi học một khóa hết hơn 1 triệu vào năm 2014 để đảm bảo tính chính xác, chứ không phải làm test miễn phí trên mạng nha), ngoài ra vì là sinh viên ngành Tâm Lý Học nên trong quá trình học mình cũng đã mày mò làm thêm các bài test tính cách khác, như DISC. Nếu bạn muốn hiểu rõ về tính cách bản thân thì có thể tham khảo 2 phương pháp mà mình đã làm: một là sinh trắc vân tay, hai là test tính cách MBTI. 

*Mình làm mấy test này cũng gần chục năm rồi, nên mình không rõ nơi đã từng cung cấp dịch vụ ấy cho mình bây giờ như thế nào, nên mình cũng không dám giới thiệu đến các bạn đâu, các bạn thông cảm tự tìm hiểu nhen.

Quay trở lại với cuốn sách: nói chung là, bạn nên xây dựng các thói quen phù hợp với tính cách của mình. Bạn không cần xây dựng các thói quen mà mọi người bảo bạn. Hãy chọn thói quen bạn thấy phù hợp với mình, chứ không phải thói quen nhiều người ưa chuộng. Nếu bạn muốn tập thói quen đọc sách và bạn thích đọc tiểu thuyết ngôn tình thì cứ đọc, không cần phải cố đọc sách non-fiction chỉ vì đa số mọi người đánh giá cao thể loại ấy hơn ngôn tình.

Khác biệt sinh học cũng quan trọng. Tuy vậy, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn tập trung vào chuyện bạn có đang phát huy được tiềm lực hay không, thay vì so sánh mình với người khác. 

Tóm lại, một trong những cách tốt nhất để bảo đảm rằng thói quen của bạn lưu lại thỏa mãn trên chặng đường dài là chọn các hành vi phù hợp với tính cách và kỹ năng của mình. Hãy chăm chỉ làm những gì dễ thực hiện.

Chúng ta đã đi đến phần cuối của cuốn sách Thay đổi tí hon hiệu quả bất ngờ rồi, chỉ còn 3 phần rất ngắn nữa thôi, các bạn hãy cùng kiên nhẫn thêm một chút nhé!

Cách giữ tập trung khi bạn bắt đầu chán mục tiêu của mình 

Điều khác biệt của những người thật sự thành công trong một lĩnh vực nào đó là họ có thể chịu đựng được sự nhàm chán của việc tập luyện hằng ngày. Họ vẫn tìm cách có mặt thực hiện đều đặn bất chấp cảm giác nhàm chán. Bạn phải học cách yêu lấy sự nhàm chán. Bất kỳ ai cũng có thể làm việc cật lực khi cảm thấy có động lực. Nhưng chính khả năng tiếp tục kiên trì khi công việc không còn hứng thú mới là điều tạo nên khác biệt.

Mặt trái của thói quen tốt

Thói quen là xương sống cho bất kỳ hành trình vươn tới sự ưu tú nào. Nhưng khi thói quen trở nên tự động, bạn sẽ trở nên kém mẫn cảm với phản hồi. Bạn rơi vào vòng lặp vô thức. Để tránh điều này, bạn cần kết hợp giữa thói quen tự độngluyện tập có chủ đích.

Thói quen + Luyện tập có chủ đích = Tinh thông

Ngay cả khi bạn cảm thấy như mình đã thông thạo một kỹ năng, bạn vẫn cần phải phản tư và tự đánh giá, tiếp tục điều chỉnh và cải thiện.

Tác giả sử dụng hai hình thức phản tư và tự đánh giá.
Tháng 12 mỗi năm, anh sẽ thực hiện một Đánh Giá Hằng Năm, suy ngẫm về năm vừa qua bằng cách trả lời ba câu hỏi:
  • Năm nay mình đã làm tốt điều gì?
  • Năm nay mình chưa làm tốt điều gì?
  • Mình đã học được gì?
Sáu tháng sau, khi mùa hè đến, anh sẽ viết một Báo Cáo Trung Thực, nhìn lại các giá trị cốt lõi và xem xem mình có đang sống với các giá trị này hay không. Đây là lúc suy ngẫm về căn tính của mình và làm thế nào để tiếp tục nỗ lực trở thành kiểu người mình muốn trở thành. Báo Cáo Trung Thực hàng năm sẽ trả lời ba câu hỏi:
  • Giá trị cốt lõi đang thúc đẩy cuộc sống và công việc của mình hiện nay là gì?
  • Mình có đang sống và làm việc trung thực ngay lúc này không?
  • Mình có thể đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho tương lai như thế nào?
Hai bản báo cáo này chỉ tốn vài giờ mỗi năm, nhưng chúng là các thời điểm tinh chỉnh vô cùng trọng yếu.

Bạn càng để cho một niềm tin định hình mình nhiều bao nhiêu thì bạn càng ít có khả năng thích nghi khi cuộc sống biến thiên quanh bạn. Khi bạn bám quá chặt vào một căn tính, bạn trở nên dễ vỡ. Mất một thứ và bạn đánh mất cả bản thân mình.

Chìa khóa làm dịu bớt sự mất mát căn tính là tái định nghĩa bản thân theo cách giữ lại các khía cạnh quan trọng của căn tính, ngay cả khi vai trò nào đó của bạn thay đổi.
  • "Tôi là một vận động viên" trở thành "Tôi là kiểu người có tinh thần kiên cường và thích các thử thách về thể chất".
  • "Tôi là một CEO" trở thành "Tôi là kiểu người xây dựng và kiến tạo".
Không có gì là tồn tại mãi mãi. Cuộc sống thay đổi không ngừng, cho nên bạn cần phải định kỳ kiểm tra xem các thói quen và niềm tin cũ còn đang phục vụ cho lợi ích của mình hay không.

一一一
Kết

Trên đây là phần review và tóm tắt của mình về cuốn sách "Thay đổi tí hon hiệu quả bất ngờ". Đây chỉ là một bản tóm tắt chắt lọc một số ý chính quan trọng của sách, tất nhiên sẽ không thể đầy đủ, mình vẫn khuyên bạn nên mua cuốn sách này để được đọc đầy đủ các dẫn chứng khoa học và ví dụ tác giả đưa ra, để bạn có trải nghiệm tốt nhất.

Tóm lại, để xây dựng thói quen tốt, bạn cần nắm được các kiến thức nền tảng về khoa học hành vi của con người, tiếp theo bạn phải xác định rõ kiểu người mà bạn muốn trở thành để chọn ra thói quen cần xây dựng, sau đó để tạo thói quen bạn cần tuân theo 4 nguyên tắc:
  • Nguyên tắc số 1: khiến nó rõ ràng. Lập kế hoạch rõ ràng ở đâu và khi nào sẽ thực thi thói quen. Làm cho tín hiệu kích hoạt thói quen tốt trở nên rõ ràng trước mắt.
  • Nguyên tắc số 2: khiến nó hấp dẫn. Hãy kết nối thói quen bạn cần tạo với một điều bạn rất muốn làm. Hãy tham gia một nền văn hóa nơi (1) hành vi mong muốn của bạn là một điều bình thường hiển nhiên và (2) bạn có gì đó chung với nhóm ấy.
  • Nguyên tắc số 3: khiến nó dễ dàng. Hãy thiết kế lại môi trường sống, làm cho các tín hiệu trở nên rõ ràng hơn, giúp cho các hành vi được thực hiện dễ dàng hơn.
  • Nguyên tắc số 4: khiến nó tạo ra cảm giác thỏa mãn. Sử dụng các phần thưởng tức thời để giữ cho bạn hưng phấn để tiếp tục thói quen. Đo lường tiến trình của bạn bằng việc Theo Dấu Thói Quen.
Một thay đổi tí hon chưa thể biến đổi cuộc đời bạn. Nhưng khi bạn tiếp tục chồng thêm một lớp lại một lớp thay đổi nhỏ như vậy, cán cân cuộc đời bắt đầu dịch chuyển. Cuối cùng, nếu bạn gắn bó với nó, bạn sẽ chạm đến điểm bùng phát.

Bí quyết đạt được kết quả bền vững là không bao giờ ngừng cải tiến. Sự rèn luyện cơ thể sẽ đáng kể nếu bạn không ngừng luyện tập. Kiến thức bạn thu nạp sẽ đáng kể nếu bạn không ngừng học hỏi. Tài sản bạn tích lũy sẽ đáng kể nếu bạn không ngừng tiết kiệm.

Đó là sức mạnh của thói quen nguyên tử. Thay đổi tí hon. Hiệu quả bất ngờ.

"Thay đổi tí hon hiệu quả bất ngờ" là cuốn sách mà mình sẽ giới thiệu đến bất kỳ ai đang muốn xây dựng thói quen tốt và loại bỏ thói quen xấu trong đời.

Mình cũng từng review một cuốn sách khác về thói quen, đó là "Thay thói quen, đổi cuộc đời" của tác giả Fususu - Nguyễn Chu Nam Phương, bạn có thể xem video review cuốn sách này tại đây.

Mua sách "Thay thói quen, đổi cuộc đời" tại đây.
Xem video review sách: https://youtu.be/L-nI1VJYanw 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét