Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

[Review sách] Hành Tinh Của Một Kẻ Nghĩ Nhiều - Nguyễn Đoàn Minh Thư

Nếu bạn còn trẻ, cỡ học sinh - sinh viên, hướng nội, đang chật vật với vô vàn rắc rối của một người trẻ, như tự ti về ngoại hình và tài năng của bản thân, ghét bản thân, có vấn đề trong mối quan hệ với bố mẹ, áp lực khi nhìn xung quanh bạn bè mình xinh đẹp và giỏi giang hơn mình, đau khổ vì chuyện yêu đương,..v..v thì bạn nên đọc cuốn sách mình giới thiệu hôm nay. Cuốn sách tên là "Hành Tinh Của Một Kẻ Nghĩ Nhiều".

Tác giả cuốn sách là Nguyễn Đoàn Minh Thư, có thể bạn chưa biết, nhưng podcast Amateur Psychology - Tay mơ học đời bằng Tâm lý học thì có thể bạn đã nghe qua, vì mình thấy đây là một podcast được nhiều bạn trẻ quan tâm.

Amateur Psychology là một podcast về khoa học xã hội, tác giả sử dụng tâm lý học để giải mã những hiện tượng tâm lý trong đời sống hằng ngày, ví dụ như tại sao con gái lại ghét con gái, ghosting trong hẹn hò online là như thế nào, rối loạn lo âu, hội chứng burn-out (cạn kiệt năng lượng),... Nói tóm lại thì đây là một podcast có nội dung khoa học nhưng dễ hiểu, gần gũi và tính ứng dụng cao.


Nói sơ qua về tác giả. Minh Thư là một du học sinh Anh ngành Tâm lý học, hiện cô bé đang làm thực tập sinh tư vấn tâm lý tại Anh. Theo mình tính toán thì cô bé này là 2K1. 

Đây là lời tự giới thiệu của Minh Thư về "Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều":

"Quyển sách này đã được viết trong những chuỗi ngày mình cảm tưởng như cuộc sống của mình đã chạm đến đáy. Tất nhiên đây rất có thể chỉ là một góc nhìn bi kịch hoá của một người trẻ vừa bước vào đời với một tầm nhìn vô cùng khuất về tương lai và thế giới. Mình đã viết "Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều" khi vừa mới tốt nghiệp đại học được 2 tháng, bạn bè mình đã dọn đi khỏi thành phố mình học đại học cùng nhau, mình cảm tưởng như bản thân đang mắc kẹt trong một công việc chăm sóc sức khoẻ vừa nặng nhọc vừa phí hoài tấm bằng đại học ba mẹ đã tốn không biết bao nhiêu tiền trả học phí, mình cũng bỏ bê không làm podcast đều đặn nữa. Thời gian đó, dường như tuần nào mình cũng khóc ít nhất hai ngày. Có ngày mình đứng khóc trong nhà tắm, có ngày mình ngồi bệt ra sàn mà tức tưởi một mình. Công việc mình chán ghét, sức khoẻ cạn kiệt, mình gần như trầm cảm.

Đó là những ngày Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều ra đời, không phải để kể lể chuyện khổ, mà là để kể về hành trình của một người trẻ đang chật vật tìm kiếm mình trong thế giới."

Cuốn sách này có một vẻ ngoài khá thu hút đối với mình. Trước tiên là khổ sách nhỏ, mình thích mấy cuốn sách nhỏ gọn vì có thể dễ dàng đem đi đây đó, khi đọc cũng dễ cầm hơn. Ấn tượng tốt thứ hai là về bìa sách. Bìa sách thiết kế đơn giản, có tông màu đen - trắng, với các họa tiết gợn sóng tượng trưng cho mớ suy nghĩ bòng bong trong đầu của một kẻ nghĩ nhiều. 

Mình đọc và review cuốn sách này dưới hai góc độ. Thứ nhất là góc độ của một người đã gần 30 tuổi, đã va vấp nhiều hơn bạn tác giả này rất nhiều. Thứ hai là góc độ của một người cũng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Tâm lý học. Do đó đánh giá của mình có thể sẽ khắt khe hơn nhiều so với người khác. 

Mục đích của tác giả khi viết nên cuốn sách này là giúp người đọc hiểu về bản thân nhiều hơn thông qua những câu chuyện và trải nghiệm của chính tác giả. Nói cách khác, cuốn sách là những dòng tâm tình, tâm sự của tác giả, giúp người đọc ít cảm thấy cô đơn hơn trong hành trình trưởng thành. 

Mình thấy tác giả có một quan điểm thú vị và mới mẻ đối với mình: "Chúng ta thường nghĩ việc lắng nghe chuyện của người khác đơn giản là một hành động cho đi, vì chúng ta đang bỏ thời gian và năng lượng ra để tiếp nhận những nội dung từ họ. Nhưng khi chúng ta lắng nghe và nhìn thấy bản thân mình trong đó, đó là sự lắng nghe đồng điệu". Nếu bạn là một người trẻ - trẻ kiểu học sinh, sinh viên - thì bạn có thể cảm nhận được điều này từ cuốn sách. Bởi vì nội dung của sách xoay quanh những vấn đề mà hầu hết các bạn trẻ đã, đang và sẽ gặp phải: cảm giác cô độc, ghét bản thân, ghen tị, áp lực đồng trang lứa, yêu đương, các vấn đề với cha mẹ, hòa nhập,...

Ví dụ


Về sự cô độc:

Trong xã hội hiện đại này, với sức mạnh của mạng xã hội, việc kết nối trở nên rất đơn giản. Do đó, việc không giỏi kết nối, không thích kết nối càng biến thành sự hổ thẹn cho những người thích được ở một mình, hướng nội. Tính cách hướng ngoại thường được coi trọng hơn trong xã hội chúng ta đáng sống, người hướng ngoại dễ dàng thu hút người khác hơn và khiến người lạ có nhận định tích cực về họ hơn. Có nhiều bạn hướng nội vì sợ bị đánh giá là kém giao tiếp nên đã cố gượng ép bản thân mình để tham gia tiệc tùng, đến những sự kiện rất đông người, để rồi cạn kiệt năng lượng và rất mệt mỏi, bạn không thoải mái khi không được là chính mình. 

Minh Thư cho rằng, sự cô độc chỉ tiêu cực khi bạn coi thường nó, khước từ nó và ép bản thân trốn chạy khỏi nó. Nếu bạn cảm thấy điềm tĩnh hay bình yên và làm được nhiều việc có ích hơn khi ở một mình, hãy thoải mái với việc đó. Bạn có thể không giỏi giao tiếp và giao du nhiều ở bên ngoài, nhưng thời gian đó bạn có thể tìm hiểu sự giàu có trong tâm hồn của bản thân, gia tăng lòng tự tin và sống chân thật nhất.

Về việc sống thật với chính mình:

Sống thật bao gồm những điều cư bản như chấp nhận giới tính của mình, ăn mặc theo cá tính của bản thân, không giả lả với người mình không ưa. Bên cạnh đó, sống thật còn là chấp nhận những mặt tối, những mặc cảm tự ti, sự ghen tị, nỗi lo lắng được mất và tự nhận thức được bản thân yếu kém hơn. Người chân thật là người nhận thức được "con quỷ" bên trong mình và học cách kiểm soát chúng, cố gắng không biến những suy nghĩ tiêu cực trong đầu thành những hành động và lời nói cay độc.

Chúng ta nên hiểu rằng những suy nghĩ tiêu cực vẫn thi thoảng xuất hiện, như ghen tị hoặc ham muốn trả đũa khi người khác làm tổn thương chúng ta, nhưng điều đó không phản ánh con người xấu xa của chúng ta. Việc thừa nhận những cảm xúc tiêu cực này không biến chúng ta thành những kẻ tồi tệ. Đó chỉ là một phần của những dòng suy nghĩ rất con người. Bản chất chân thật giúp chúng ta thừa nhận những ý nghĩ xấu xa của chính mình.

Những người thành thật với bản thân sẽ có ít cảm giác ê chề và tổn thương hơn khi họ bị từ chối tình cảm bởi người khác. Họ hiểu rõ giá trị của bản thân, không bị thôi thúc phải làm hài lòng người khác, do đó khi bị khước từ, họ ít nghi ngờ chính mình hoặc coi việc bị khước từ là lỗi của họ, từ đó dễ dàng tự chữa lành hơn.

Trên đây là hai ví dụ mình lấy từ trong "Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều" để minh họa cho các bạn hiểu cuốn sách này được viết với những nội dung gì, cách diễn đạt của tác giả như thế nào và bạn có thể nhận được lợi ích gì những nội dung đó.

Một điểm trừ lớn của sách đó là: Hơi thiếu trải nghiệm, mọi thứ vẫn còn nông. Đơn thuần bạn chỉ mới kể được câu chuyện của bạn, kèm theo lý giải sơ bộ bằng khoa học tâm lý, mình vẫn thấy chưa có gì quá sâu sắc cả. Đặc biệt là những phần giải pháp, làm thế nào để vượt qua/khắc phục những vấn đề đó thì hầu hết là bạn vẫn chưa nêu được. Hy vọng sau một thời gian bạn sẽ có nhiều trải nghiệm và kiến thức hơn để có thể khai thác sâu hơn vào bất cứ phần nào bạn viết.

Tóm lại, đối với mình, giá trị mình nhận được từ cuốn sách này là được ôn lại kiến thức cũ về tâm lý học mà mình đã được học/ biết. Còn về phần đồng điệu, chia sẻ, mình chưa nhận được nhiều.

Nhưng đối với những bạn không học tâm lý, và còn rất trẻ, mình vẫn khuyến khích các bạn đọc "Hành Tinh Của Một Kẻ Nghĩ Nhiều" vì hai lợi ích. Thứ nhất là các bạn sẽ cảm thấy được đồng cảm, rằng những thứ bạn đang trải qua trong cuộc sống (áp lực học tập, áp lực đồng trang lứa, bất hòa với ba mẹ, cô đơn, thất tình,...) là những điều mà ai ở lứa tuổi của các bạn cũng trải qua, chứ không phải do bạn lập dị, bạn không cô đơn trên hành trình trưởng thành đâu. Lợi ích thứ hai, bạn sẽ hiểu được những rắc rối đó dưới góc nhìn tâm lý học, giúp bạn được "khai sáng" cũng như tiếp thu được lượng lớn kiến thức thú vị về tâm lý học, có thể bạn sẽ nhìn đời thoáng hơn, đa chiều và cởi mở hơn.

Để một bạn trẻ có thể xuất bản được một cuốn sách 'rất gì và này nọ' thì chắc chắn là bạn đã nỗ lực rất nhiều trong việc học hành, chắt lọc và tổng hợp thông tin, cũng như đã chịu khó quan sát nội tâm của bản thân rất kỹ càng để thể hiện nó ra trên những trang giấy,..v.v mình ghi nhận và nể phục những nỗ lực và sự can đảm của Nguyễn Đoàn Minh Thư, đồng thời cũng cảm ơn bạn đã góp phần đưa tâm lý học đến gần hơn với mọi người. Chúc cho Minh Thư ngày càng có nhiều trải nghiệm hơn để những podcast, những cuốn sách sau này của Thư ngày càng có nhiều chiêm nghiệm và phân tích sâu sắc hơn nữa, đem lại nhiều giá trị hơn nữa cho cộng đồng.

-

Xem video trên Youtube: https://youtu.be/cpDNfOsAs1s

Mua sách: https://shope.ee/2KzvPCsDjs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét