Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2024

[Review & Tóm tắt sách] ĐÚNG VIỆC - Giản Tư Trung

"Đúng Việc" là cuốn sách bàn về bốn việc lớn trong đời một người, đó là: làm người, làm dân, làm việc làm giáo dục. Nghe đến đây bạn đừng vội tắt vì hốt hoảng. Tuy đề tài rất vĩ mô, nhưng cách viết, cách dẫn dắt của tác giả Giản Tư Trung lại khá bình dân, gần gũi, giúp người đọc dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ thấm hơn. 

Giản Tư Trung là nhà hoạt động giáo dục, hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE; Viện trưởng Viện Giáo dục IRED; và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Song song với vai trò lãnh đạo, ông còn nghiên cứu, giảng dạy, diễn thuyết và viết báo. Vì những cống hiến của Ông cho giáo dục, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đã vinh danh Ông là một Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một Nhà hoạt động giáo dục. (Nguồn: www.giantutrung.vn)

Nếu bạn là người thích văn nghị luận xã hội thì có thể là bạn sẽ rất thích quyển sách này, vì tác giả viết với những lập luận sắc bén, đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể để phân tích sâu và rộng đối với một vấn đề. Thực lòng mà nhận xét thì đây vẫn là một cuốn sách khá khó nuốt, vì nó bàn đến nhiều vấn đề khô khan mà hầu như chúng ta ít nghĩ tới, như vấn đề lương tâm, xây dựng nhà nước, làm giáo dục. Đọc sách này sẽ có cảm giác giống như đọc một chồng báo Nhân dân, báo Tuổi trẻ, toàn bàn về những chuyện lớn lao, đề xuất giải quyết nhiều vấn nạn nhức nhối to tát của xã hội. Nhưng, đó là những khó khăn mà chúng ta buộc phải thực hiện nếu như chúng ta muốn sống một cách trọn vẹn hơn, và như tác giả đã nói: Không ai có thể làm người một cách trọn vẹn mà thờ ơ với đất nước của mình. Cuốn "Đúng Việc" sẽ giúp bạn khai mở được rất nhiều điều. Để thay đổi xã hội, hãy bắt đầu từ chính mình, làm những việc trong khả năng của mình. Bây giờ hãy cùng với mình khám phá nội dung cuốn sách "Đúng Việc" này.

Phần 1: LÀM NGƯỜI

1. Thế nào là con người?

Điều giúp con người trở nên khác biệt chính là lẽ sống - là thứ mà ta luôn muốn hướng tới, là thứ mà thiếu nó thì ta chỉ là một sinh vật vô hồn trong hình hài của giống người. Bên cạnh lẽ sống, con người đúng nghĩa còn biết bảo vệ và chiến đấu vì lẽ phải, lương tri và phẩm giá của mình.

Con người tự do/tự trị:

Là con người sở hữu lòng tự trọng và tôn trọng.

Tự trọng nghĩa là coi trọng phẩm giá, đạo đức của mình. Điều đáng sợ nhất đối với một người tự trọng là sự giày vò bản thân khi làm những chuyện ngược lại lương tri của chính mình, phản bội lẽ sống, giá trị sống của mình. Người tự trọng thường đối diện với lương tri và phẩm giá của bản thân để hành động, hơn là sự răn đe của luật pháp hay sự phán xét của dư luận bên ngoài. 

Ví dụ: một người chăm chỉ cho dù làm việc ở trong môi trường công ty có đồng nghiệp lười biếng thì vẫn sẽ chăm chỉ và làm việc hết mình, chứ không phải làm vì sợ sếp thì mới làm việc. Hoặc, một người công chức từ chối nhận phong bì vì lương tâm không cho phép, cho dù có nhận thì cũng chẳng ai biết và ở đó thì ai cũng nhận cả.

Người tự trọng thường không muốn làm điều xấu, ngay cả khi không ai có thể biết việc họ làm, họ sẵn lòng làm điều tốt ngay cả khi không có ai biết đến, họ sẵn lòng làm điều đúng mà không hề để ý đến chuyện có ai ghi nhận việc mình làm hay không. Người tự trọng được dẫn dắt bởi nội tại của bản thân hơn là bị chi phối từ bên ngoài, do đó họ thường rất tự do và tự trị khi hành động.

Khi được dẫn dắt bởi "con người bên trong" (lương tri, đạo đức, phẩm giá, lẽ sống, lẽ phải,...), ta sẽ trở nên hướng thiện và hướng thượng hơn, mọi hành vi của ta sẽ không bị phụ thuộc bởi ngoại cảnh, vì thế ta là con người tự do. 

2. Những năng lực cần có để làm người

Theo tác giả, để làm người được, ta cần có hai loại năng lực: năng lực khai phóngnăng lực khai tâm.

Năng lực khai phóng (khai minh và giải phóng):

Khai minh nghĩa là mở toang con người tăm tối, vô minh, ấu trĩ của mình ra để đưa ánh sáng của chân lý, sự thật và tự do vào, giải phóng bản thân khỏi những giáo điều, u mê. 

Điều làm nên khác biệt trong cách hành xử của mọi người là sự khác biệt trong tư tưởng. Tư tưởng là hệ thống các quan niệm nền tảng làm cơ sở cho việc hình thành các ước muốn, cũng như các nguyên tắc và cách thức nhằm đạt được những ước muốn đó. Hệ thống các quan niệm này cũng được gọi là hệ giá trị. 

Khi ta có những quan niệm đúng đắn (gần với chân lý và tự do) và sống đúng với những quan niệm đó thì ta sẽ có cuộc đời mong muốn, còn nếu mang những quan niệm lệch lạc thì sẽ khó có hạnh phúc và tự do đích thực.

Chính những quan niệm sẽ quyết định con người ta được dẫn dắt đến gần hơn hay là bị đẩy lùi xa khỏi cái đích khai phóng. 

Tác giả cho biết, một trong những khả năng quan trọng cần có của con người là khả năng minh định được ai là ai, cái gì là cái gì, mình là ai.

Để minh định được đúng - sai, phải - trái, người ta thường sẽ dựa vào sự phù hợp với bốn cái "đạo":

  • Đạo luật (hiến pháp của nhân dân, pháp luật của nhà nước, luật pháp quốc tế).
  • Đạo lý (của gia đình, tổ chức, địa phương, dân tộc, thế giới tiến bộ).
  • Đạo thiêng (nếu theo một tôn giáo nào đó, như đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi,...
  • Đạo sống (của bản thân - chính là "con người bên trong" của mình).

Nếu việc gì, điều gì phù hợp với cả bốn cái đạo này thì thường được xem là "đúng", "tốt".

Năng lực khai tâm:

Để có năng lực làm người, chúng ta cần có một trái tim "có hồn", biết rung lên trước cái đẹp, biết thổn thức trước nỗi đau, biết phẫn nộ trước cái sai, cái xấu và cái ác, tràn đầy tình thương yêu và giàu lòng trắc ẩn.

Tóm lại, để có thể làm người đúng nghĩa, mỗi cá nhân cần có một cái đầu sáng để minh định và một trái tim nóng để rung cảm.

3. Làm thế nào để có được "năng lực làm người"?

Để có được "năng lực làm người", con người cần biết tự vấn và liên tục hoài nghi về sự hiểu biết của mình, đừng để trở thành kẻ ấu trĩ.

Bên cạnh đó, còn phải là một người biết dấn thân, có trách nhiệm với các vấn đề của xã hội, đóng góp vào tiến trình khai minh của xã hội. Đôi khi nhìn vào xã hội rộng lớn, ta thấy có quá nhiều vấn đề, làm sao giải quyết được hết. Làm sao có thể cứu giúp tất cả những người đói nghèo trên thế giới? Làm sao để xã hội không còn những điều bất công? Làm sao để giải quyết được sự hủ bại về văn hóa của cả xã hội... Câu hỏi nào cũng quá lớn lao mà chúng ta thì nhỏ bé. Nhưng, cho dù không thể tạo ra ngay những thay đổi lớn, chúng ta vẫn hãy học tập Mẹ Teresa: 

"Nếu không làm được việc lớn thì sẽ làm việc nhỏ với tình yêu lớn, làm những việc tầm thường với tấm lòng phi thường"

Để thay đổi xã hội, hãy bắt đầu từ chính mình, làm những việc trong khả năng của mình.

4. Mô hình "quản trị cuộc đời": Ta là sản phẩm của chính mình

Từ những nghiên cứu và trải nghiệm của bản thân, tác giả đã đúc kết thành mô hình "Ta là sản phẩm của chính mình", còn gọi là mô hình "quản trị cuộc đời", và là hành trình của con người tự do, gồm 5 cấu phần:

  • Nguồn: trong ảnh
    Khai phóng bản thân
  • Tìm ra chính mình
  • Làm ra chính mình
  • Sống với chính mình
  • Giữ được chính mình

4.1. Khai phóng bản thân

Như đã nói ở phần trên, khai phóng bản thân là khai minh và giải phóng bản thân để trở thành một con người tự do, thoát khỏi những yếu tố ngoại trị (bởi tiền bạc, quyền lực, danh vọng, sự sợ hãi,...)

Khai minh là hành trình nhận chân ra con người của mình và thấu hiểu nhân tình thế thái, rồi dẫn dắt bản thân thoát khỏi sự vô minh, u mê, ấu trĩ để có một cái đầu minh định và một trái tim có hồn.

Hành trình khai minh bao gồm sự tự ý thức rằng mình có thể sẽ mắc phải căn bệnh ấu trĩ với rất nhiều điểm mù về bản thân, về người khác và về mọi thứ, liên tục tự xét lại những tư tưởng và hành vi của mình, tự vấn bản thân.

4.2. Tìm ra chính mình

Khi đã khai phóng được bản thân, con người sẽ tìm ra chính mình ở hai khía cạnh quan trọng nhất: con người văn hóa và con người chuyên môn.

Ở khía cạnh con người văn hóa, đó là tìm ra được lương tri, phẩm giá, lẽ sống, giá trị sống của mình. 

Ở khía cạnh con người chuyên môn, đó là tìm ra mình thực sự thích cái gì, giỏi cái gì, giỏi đến mức độ nào để đặt mình vào một công việc phù hợp nhất. Có rất nhiều cách để tìm ra "con người chuyên môn" của mình, ví dụ:

  • Hỏi những người uyên bác nhất mà mình biết và họ cũng hiểu phần nào về mình xem họ nhận xét về mình ra sao. 
  • Tự đánh giá lại quá khứ học hành, công việc và cuộc sống của mình xem rốt cuộc mình mê gì, ghét gì, giỏi gì và giỏi cỡ nào.
  • Dám đặt ra mục tiêu cao hơn sức mình để dấn thân nhằm biết mình là ai.

Đó là một số cách tác giả Giản Tư Trung đề cập đến trong cuốn sách "Đúng việc" này. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm các cách khác, bạn có thể tham khảo 2 video sau trên kênh của mình: 

4.3. Làm ra chính mình

Làm ra chính mình nghĩa là sống đúng với lương tri của mình, thay vì chỉ sống theo bản năng, để khi phải đứng trước những lựa chọn khó khăn hay lựa chọn sinh tử, ta vẫn có thể đưa ra những lựa chọn một cách nhất quán với con người bên trong của mình.

Ví dụ: bạn đang là quản lý thu mua vật tư của một công ty, có rất nhiều điều kiện để bạn nhận quà bôi trơn từ các nhà cung cấp kém chất lượng, nhưng bạn đã xác định bản thân là một người chính trực nên khi có đối tác đưa phong bì thì bạn từ chối nhận. Đó là trong hoàn cảnh bình thường, nhưng giả sử hoàn cảnh bây giờ là:

Vợ bạn gọi điện và thông báo con đang bị bệnh, cần gấp một khoản tiền để chữa bệnh cho con. Đồng thời, đối tác nài nỉ bạn hãy giúp họ vì nếu không có được hợp đồng này thì công ty họ sẽ đứng bên bờ vực phá sản. Và sẽ không một ai biết chuyện bạn nhận phong bì.

Nếu như bạn cảm thấy mình bị lung lay hoặc phải gồng lên với lựa chọn của mình, có thể hiểu rằng bạn vẫn đang còn trong quá trình đấu tranh, dễ bị lung lạc. Còn với người đã làm ra được chính mình rồi, họ thường sẽ lựa chọn một cách rất nhẹ nhàng và nhất quán trong hành động.

4.4. Sống với chính mình

Khi đã làm ra chính mình, ta chỉ việc sống đúng với con người ấy. Hạnh phúc lớn nhất của con người là được sống đúng với con người của mình, được sống đúng với "đạo sống" (lẽ sống, giá trị sống, lương tâm, phẩm giá), "đạo luật" của nhà nước, "đạo lý" của xã hội và "đạo thiêng" của tôn giáo mà mình chọn.

4.5. Giữ được chính mình

Chúng ta cần trung thành với những giá trị mà mình đã lựa chọn để không phản bội lại chính mình, biết bảo vệ mình trước những tác động bên ngoài để không đánh mất cái "mình" mà ta đã dày công đi tìm và làm ra nó.

-

Trên đây là năm thành phần của mô hình "Ta là sản phẩm của chính mình". Vòng tròn trong mô hình không có điểm kết thúc, nó là một quá trình: khai phóng bản thân, tìm ra chính mình, làm ra chính mình, sống với chính mình, giữ được chính mình. Bởi những gì ta tìm thấy hôm nay có thể sẽ không còn đúng ở ngày mai, vì cái dốt là mênh mông và chân lý cũng không hẳn là vĩnh cửu mà sẽ tiến triển cùng với quá trình tự nhận thức của con người.

Phần 2: LÀM DÂN

1. Tại sao phải bàn về làm dân?

Viễn cảnh của một xứ sở, một quốc gia bắt đầu từ chính việc "làm dân" của mỗi người như thế nào. Lịch sử nhân loại cho thấy một quốc gia trở nên vĩ đại thường không phải nhờ dân số đông hay lịch sử lâu đời, mà vì quốc gia đó có những lãnh đạo vĩ đại và đặc biệt là có phần lớn người dân trong quốc gia đó hiểu đúng và làm tốt công việc "làm dân" của mình. Một đất nước chỉ có thể đi từ nô lệ đến tự do khi đất nước đó có những con người thực sự hiểu thế nào là tự do, luôn khát khao tự do và sẵn sàng chiến đấu vì điều đó. 

Làm người là biết cách làm chủ chính mình, biết làm dân nghĩa là biết cách làm chủ đất nước của mình. Làm chủ không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. 

Vậy, công việc "làm chủ" đất nước của một công dân gồm những gì? Cần phải có những năng lực gì để thực hiện được công việc "làm chủ" đó? Cần học gì để có được năng lực làm chủ này?

Ba đầu việc quan trọng bậc nhất mà mỗi công dân cần làm để thực hiện quyền và trách nhiệm "làm chủ" của mình:

1.1. Thiết kế guồng máy vận hành quốc gia:

Nhân dân là chủ nhân của đất nước, còn nhà nước là bộ máy được nhân dân thuê để quản lý đất nước và để bảo vệ các quyền mặc định và lợi ích hiển nhiên của mình.

Hiến pháp là công cụ để nhân dân tạo ra nhà nước, trao quyền cho nhà nước và kiểm soát nhà nước. Hiến pháp chỉ có giá trị khi do người dân trực tiếp phúc quyết hay phê chuẩn và chỉ nhân dân mới có quyền lập hiến.

1.2. Chọn lãnh đạo để vận hành guồng máy quốc gia:

Người dân lựa chọn người để vận hành guồng máy quốc gia (chọn lãnh đạo và đại diện của mình trong hệ thống nhà nước các cấp) thông qua bầu cử.

Một cuộc bầu cử chỉ thực sự phản ánh quyền lựa chọn của công dân khi đáp ứng bốn tiêu chí sau:

Tính cạnh tranh: có nhiều bên xứng đáng tham gia tranh cử và các bên được bình đẳng trong quá trình tranh cử, được tự do ngôn luận, được sử dụng các phương tiện truyền thông để vận động tranh cử mà không bị hạn chế hay kiểm soát.

Tính định kỳ: sau một thời gian nhất định, các lãnh đạo phải được cử tri xem xét và quyết định có ủy nhiệm cho tiếp tục nắm giữ chức vụ hay không.

Tính đại diện: chính phủ được bầu ra phải mang tính đại diện cho phần lớn nhân dân.

Tính chung cuộc: các lãnh đạo được bầu ra có thể dựa vào Hiến pháp để thực thi quyền và nghĩa vụ của mình.

1.3. Đưa ra cơ chế để kiểm soát quyền lực của lãnh đạo:

Quyền lực nhà nước được phân thành ba nhánh:

  • Quyền lập pháp (làm ra luật): được trao cho Quốc hội/Nghị viện gồm các đại biểu/nghị sĩ.
  • Quyền hành pháp (thực thi luật): được trao cho chính phủ, thường do Tổng thống/ Thủ tướng đứng đầu.
  • Quyền tư pháp (chế tài luật): được trao cho các tòa án và chỉ xử án dựa trên pháp luật.

Ba cơ quan này được tổ chức độc lập, song song với nhau, kiểm soát và đối trọng lẫn nhau. 

Trong một xã hội dân chủ thực sự, khi ba nhánh quyền lực nhà nước được phân chia cho ba cơ quan trong bộ máy nhà nước thì quân đội, giáo dục, báo chí, nghệ thuật, tôn giáo,... sẽ khá độc lập với chính trị.

  • Quân đội sẽ thề trung thành với tổ quốc và bảo vệ nhân dân chứ không trung thành với bất cứ tổ chức hay cá nhân nào.
  • Chính quyền cũng không được độc tài về giáo dục. Một thể chế không cho phép tự do học thuật thì nhiều khả năng là người dân sẽ bị ngăn chặn không được tiếp xúc với chân lý và sự thật, bị biến thành nô lệ và công cụ của thể chế đó.
  • Các xã hội văn minh cũng thường hạn chế sự can thiệp của nhà nước với báo chí và truyền thông đại chúng. Vì trao đổi thông tin là cách để người dân tiến gần hơn với chân lý và sự thật, và cũng là phương tiện để người dân kiểm soát quyền lực của nhà nước.

Một công dân đúng nghĩa có sự hiểu biết sâu sắc về con người tự do, về hiện trạng xã hội mình đang sống, biết rằng xã hội đó nên được quản trị như thế nào thì tốt và cùng tham gia xây dựng bộ máy quản trị đó từ vai trò cá nhân của mình.

2. Làm sao để có được năng lực làm dân?

Làm dân trước hết là làm một con người tự do và là một công dân có trách nhiệm - trách nhiệm với cộng đồng và xã hội mà mình đang sống, và trách nhiệm tạo ra một nhà nước để bảo vệ các quyền tự do của mình và của người khác.

Để có được năng lực làm dân, con người cần phải nhìn ra thế giới (đặc biệt là thế giới văn minh) để so sánh, đối chiếu và học hỏi cái hay từ họ.

Người dân cũng thường xuyên phải đưa ra những quyết định chọn lựa quan trọng: chọn mô hình quản trị quốc gia, chọn người lãnh đạo đất nước, chọn cách thực hiện quyền lập hiến,... nên khả năng minh định được ai là ai, cái gì là cái gì, mình là ai cũng là một năng lực thiết yếu. Năng lực này thường tỷ lệ thuận với nỗ lực dành cho việc đọc và học, quan sát và đánh giá để biết - hiểu - cảm - ngộ của mỗi người.

Không ai có thể làm người một cách trọn vẹn mà thờ ơ với đất nước của mình.

Phần 3: LÀM VIỆC 

Làm việc cũng chính là làm người, và làm người thì không thể không làm việc. Con người của mình cũng sẽ được thể hiện rõ qua công việc của mình, qua chất lượng công việc mà mình làm, qua lý tưởng công việc mà mình theo đuổi. 

Làm việc mà không có lý tưởng nghề nghiệp cũng giống như sống mà không có mục đích. Để biết liệu mình có thực sự hiểu đúng bản chất của cái nghề mà mình đang lựa chọn và theo đuổi, có thể bắt đầu bằng hai câu hỏi:

  • Mình có đang hiểu đúng và làm tốt sứ mệnh của nghề không?
  • Việc mà mình chọn làm có đúng với con người của mình không?

Một người chỉ giỏi chuyên môn mà không quan tâm tới những vấn đề khác thì chỉ là một "cái máy khả dụng". Nghĩa là, ngoài chuyện cố gắng làm tốt công việc ra, thì mình cũng cần phải quan tâm tới cả sứ mệnh thực sự của tổ chức hay cá nhân mà mình đang phục vụ. Chẳng hạn, cũng đều làm IT nhưng làm IT cho Microsoft và làm IT cho trùm khủng bố Bin Laden thì giống nhau ở chỗ đều làm nghề IT để kiếm sống, nhưng khác nhau ở chỗ mình làm cái đó để phục vụ mục đích gì.

Để xác định cái mà mình đang tin yêu có thực sự là cái đúng, cái đẹp hay không, con người cần có cái đầu khai phóng. Muốn vậy, cần có một nền giáo dục khai phóng mà trong đó con người được dạy và được học để có khả năng minh định được cái gì là thực, cái gì là đẹp, là lẽ phải, cái gì là quan trọng và đáng để phấn đấu trong cuộc đời.

Phần 4: LÀM GIÁO DỤC

Cứ nhìn vào người dân của một nước, có thể phần nào đoán được nền giáo dục của nước đó như thế nào, và ngược lại.

Ở Việt Nam, cứ nhắc đến "giáo dục" là người ta sẽ gắn với cụm từ "cải cách", "đổi mới". Tuy nhiên, đến nay kết quả vẫn còn xa mức mong đợi. Công cuộc canh tân giáo dục đặt ra rất nhiều vấn đề cần đổi mới. Nhưng để có thể tạo ra kết quả thực sự, tác giả cho rằng có ba điểm mấu chốt cần được ưu tiên đổi mới trước hết:

1. Đổi mới về triết lý giáo dục. Đổi mới về triết lý giáo dục là đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau: Thế nào là con người? Đâu là đích đến của giáo dục? Chúng ta muốn có những con người như thế nào cho xã hội tương lai? Phải chăng là những con người tự do, những công dân có trách nhiệm, những chuyên gia ưu tú?

2. Đổi mới về định chế. Trong một xã hội văn minh luôn có ba định chế, là nhà nước (khu vực công), thị trường (khu vực tư) và xã hội dân sự (chủ yếu là các chủ thể phi chính phủ và phi lơi nhuận). Nhà nước nắm quyền lực chính trị và thường theo đuổi quyền lực, thị trường nắm quyền lực kinh tế và thường theo đuổi lợi nhuận, còn xã hội dân sự sẽ nắm quyền lực văn hóa và thường theo đuổi chân lý. Một quốc gia mà thiếu đi kinh tế thị trường hoàn thiện và xã hội dân sự mạnh mẽ thì chắc chắn quốc gia đó không thể thịnh vượng và văn minh.

3. Đổi mới về vai trò của các chủ thể then chốt trong hệ thống giáo dục. Hệ thống giáo dục có năm chủ thể then chốt, bao gồm: nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học.

Công cuộc đổi mới giáo dục chỉ có thể thực sự diễn ra khi mỗi chủ thể giáo dục hiểu rõ công việc của mình, đồng thời biết giành lấy quyền vốn có của mình và trả lại quyền cho các chủ thể khác. Chừng nào mà các chủ thể này chưa "đúng việc", vẫn lẫn lộn, mơ hồ, ôm đồm, chối bỏ việc của mình hay giành việc của những chủ thể khác thì khi đó, dù có đổi bao nhiêu thì giáo dục cũng không thể mới được.

3.1. Nhà trường

Một nhà trường đúng nghĩa sẽ có vai trò đại diện cho trí tuệ và tư tưởng của xã hội đó, và đại diện cho chân lý, công lý và lương tri mà xã hội đó hướng đến. Dạy làm sao, học làm sao để trở thành những người lương thiện, biết hướng đến và sống với chân - thiện - mỹ, biết yêu chuộng lẽ phải, công lý và sự thật.

Để hiện thực hóa được sứ mệnh thiêng liêng của mình, nhà trường cần phải đạt được vị thế độc lập ở ba khía cạnh: (1) độc lập với quyền lực, chính trị, (2) độc lập với tiền bạc, (3) độc lập với tôn giáo. Chỉ khi nhà trường có được vị thế độc lập như trên thì mới có thể có tự do (tự do học thuật, đào tạo, nghiên cứu...) và tự chủ (tự chủ về học thuật, nhân sự, tuyển sinh, tài chính...)

3.2. Nhà giáo

Nhà giáo là người làm nghề dạy học. Dạy ở đây có nghĩa là giúp cho người ta học. Có thể khái quát thành năm nhóm nhà giáo:

- Thầy bình thường: biết được những gì trong lĩnh vực của mình thì sẽ chia sẻ cái biết đó cho học trò của mình. Hạn chế của nhóm thầy này là nếu thầy "cạn vốn" để chia sẻ thì học sinh rơi vào bị động, không biết phải tìm kiếm tri thức ở đâu, và khi kiến thức của họ bị lỗi thời thì học sinh cũng không biết làm sao để cập nhật nó.

- Thầy giỏi: thầy giỏi không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là phương pháp học, nói nôm na là "cho cần câu, chứ không chỉ cho con cá". Một khi học sinh đã nắm được phương pháp học, học sinh sẽ tìm được cách để giáo dục tự thân.

- Thầy lớn: thầy không chỉ dạy kiến thức hay phương pháp học, mà còn cho học sinh động cơ học và niềm khát khao tri thức. Nói cách khác, họ không chỉ cho học trò của mình con cá hay cần câu, mà cho động lực đi câu. Bởi nếu một người không hứng thú với việc đi câu thì dù có ấn vào tay chiếc cần câu xịn nhất thì người đó cũng chỉ ngồi ỳ một chỗ. 

- Thầy khai minh/khai phóng: "thầy khai minh" cũng giống "thầy lớn" ở khả năng có thể thắp lên và truyền đi niềm khát khao tri thức cho người học. Tuy nhiên, nếu như "thầy lớn" làm điều đó trong phạm vi một lớp học thì "thầy khai minh" có thể làm điều đó trong phạm vi toàn xã hội, khiến cả xã hội thức tỉnh và say mê tìm kiếm tri thức để khai sáng cho bản thân mình, giải phóng con người mình ra khỏi sự vô minh, ấu trĩ.

- Nhóm cuối cùng, những người tuy mang danh "thầy" nhưng thực chất chỉ là "thợ dạy". Dạy như một cái máy, chỉ lặp đi lặp lại một bài giảng mà không cần biết nó có mang lợi ích gì cho học trò hay không, không để tâm xem học trò có hiểu, có tiếp thu được hay không. 

Tác giả đề xuất chúng ta cần có thêm một tổ chức chính thức dành cho những người làm nghề giáo. Sứ mệnh của những tổ chức này là bảo vệ lợi ích của những thành viên là nhà giáo, và đặt ra các chuẩn mực về đạo đức và chuyên môn cho những người làm nghề giáo. 

3.3. Gia đình

Gia đình chính là "ngôi trường" đầu tiên mà hầu hết mọi người đều trải qua trước khi đặt chân vào trường học chính thức. Đó cũng là một trong ba thành tố có ảnh hưởng lớn nhất trong hành trình trưởng thành của một con người và thường được nhắc chung với nhau là "nhà trường, gia đình và xã hội".

Ngày nay có hai "vấn nạn" lớn trong tư duy giáo dục con cái của nhiều gia đình: (1) phó mặc con cho nhà trường, (2) cho rằng cứ bỏ tiền ra là có thể mua được giáo dục tốt cho con.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều xáo trộn ngày nay, các bậc làm cha mẹ không thể trông cậy hết vào nhà trường, xã hội hay một giải pháp bên ngoài trong chuyện giáo dục con mình. Nhà trường thì ngổn ngang nhiều vấn đề đáng lo ngại như nạn chạy trường, mua điểm, gian lận thi cử, bạo lực học đường,..., xã hội thì đang hứng chịu nhiều cú sốc văn hóa và vô số biến tướng về cách sống, cách hành xử. Do đó, hy vọng lớn nhất và là giải pháp chắc chắn nhất cho việc dạy con và cứu con mình khỏi những lệch lạc của cuộc sống lại chính là gia đình. 

Một trong những cách để có thể giáo dục con cái trong gia đình đó là xây dựng một nếp nhà, một gia đạo vững chắc. Gia đạo là những thứ mà một gia đình hay đại gia đình đã dày công tạo dựng và lưu truyền qua nhiều thế hệ để hình thành nên bản chất và đặc trưng của chính gia đình ấy, là người thầy có ảnh hưởng thầm lặng nhưng vô cùng lớn tới con cháu. 

Ví dụ như nghệ sĩ Thành Lộc lớn lên và làm nghệ thuật với lời cha dặn: "Nghệ sĩ chân chính thì không hơn thua nhau nơi cánh gà". Hay một ví dụ khác là một cô nhân viên nổi trội và được yêu mến trong tổ chức vì luôn tâm niệm lời mẹ dạy: "Ở nhà với mẹ thì sao cũng được, nhưng ra đường thì phải luôn nhớ: ăn thì nhường mà làm thì giành".

Lớn lên trong một gia đạo như thế, khó ai có thể phản bội niềm tin, giá trị, truyền thống của gia đình mình, ngay cả khi bối cảnh xã hội xung quanh đầy rẫy những điều ngược lại.

Cách cha mẹ đối xử với ông bà cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cách con cái đối xử với cha mẹ. Hình ảnh cha mẹ thành kính thắp một nén nhang trước bàn thờ tổ tiên sẽ đi vào tiềm thức và ký ức của đứa con về cội nguồn và sự biết ơn, để rồi mai này, đến lượt con cũng sẽ biết trân trọng nếp nhà như cha mẹ. Để rồi nếp nhà ấy sẽ trở thành gia đạo, và gia đạo ấy sẽ quyết định số phận tương lai của gia đình và cả các thế hệ con cháu mai sau.

3.4. Người học

Người học thường được xem như "sản phẩm" của hệ thống giáo dục, tuy nhiên, con người còn là "sản phẩm" của chính mình, của một quá trình "giáo dục tự thân".

Người học cần ý thức được vai trò "làm chủ" của mình trong toàn bộ quá trình giáo dục. Mọi tác nhân khác như nhà nước, nhà trường hay nhà giáo chỉ đóng vai trò hỗ trợ, bổ sung và cung cấp thông tin. Người học cần phải biết nắm lấy sự chủ động cao nhất trong toàn bộ quá trình giáo dục. Mọi sự đổi thay, cải cách giáo dục đều bắt đầu từ sự học của bản thân mỗi người. 

Có thể phải mất rất nhiều năm để có thể tạo ra một cuộc cách mạng về giáo dục, trong đó cần đến sự tham gia của nhà nước, nhà trường và các bậc thức giả trong xã hội. Nhưng một cuộc cách mạng về sự học của cá nhân có thể diễn ra một cách rất nhanh chóng, chỉ bằng sự chủ động và quyết tâm của chính bản thân mỗi người. 

3.5. Nhà nước

Công việc quan trọng nhất của nhà nước là tạo môi trường, điều kiện để các chủ thể khác có thể làm đúng vai trò và phát huy tối đa vai trò của mình trong hệ thống giáo dục. Nếu nhà nước làm đúng việc và làm tốt việc này, khả năng những chủ thế khác cũng làm đúng việc và làm tốt việc của mình. Ngược lại, nó có thể khiến cho từng chủ thể cũng như toàn bộ hệ thống giáo dục rơi vào tình trạng tê liệt.

Bên cạnh đó, vai trò của nhà nước còn là thắp lên ngọn lửa cho sự học của mỗi người và sự học của cả một dân tộc. Sự học của dân tộc sẽ bắt đầu từ khát vọng quốc gia. Một quốc gia chỉ có thể hùng mạnh khi chia sẻ được nhiều giá trị với thế giới. Quốc gia ấy phải có nhiều con người có khát vọng và có khả năng tạo ra những giá trị đẳng cấp toàn cầu. Cần có nhiều hơn những doanh nhân tạo ra được những sản phẩm cho thế giới dùng, những nhà văn viết ra được những quyển sách cho thế giới đọc, những nhạc sĩ sáng tác ra được những bản nhạc cho thế giới nghe, những nhà khoa học đưa ra được những phát kiến cho thế giới ứng dụng...

Giáo dục chính là con đường để tạo ra những con người mới cho xã hội tương lai.

KẾT

Trên đây là những trăn trở và chiêm nghiệm mà tác giả Giản Tư Trung đã đúc kết lại thành những câu chuyện đúng việc. Làm sao để ta sống đúng là một con người, làm một công dân đúng nghĩa với đất nước mà ta sống, làm một công việc phù hợp với con người mà ta đang là, và biết làm giáo dục đúng cách, bắt đầu từ gia đình và từ sự học của bản thân mỗi người.

Hy vọng rằng cuốn sách này phần nào thức tỉnh được xã hội, giúp mọi người biết chú trọng việc khai phóng bản thân, thoát khỏi sự ấu trĩ, mê muội, góp phần xây dựng một đất nước và một thế giới ngày càng văn minh, tiến bộ.

Bài viết này chỉ là bản tóm tắt của cuốn sách "Đúng Việc", mình vẫn khuyến khích mọi người tìm đọc trọn vẹn cuốn sách để ủng hộ tác giả, cũng như nắm được đầy đủ nội dung mà tác giả muốn truyền tải.

Dành cho bạn đọc có nhu cầu mua sách: https://shope.ee/2ApcyrN7aW

Xem video review: https://youtu.be/ZFS6uY4GQgQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét