Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

[Review sách] Giết Con Chim Nhại - Harper Lee

Tôi đọc xong "Giết con chim nhại" lúc 11 giờ đêm vào một ngày cuối tuần. Khi buông cuốn sách xuống, đọng lại trong tôi là những cảm xúc rất mơ hồ. Tôi chắc chắn rằng bản thân vừa đọc xong một tác phẩm khá hay, nhưng lại không có điều gì ấn tượng một cách rõ ràng để tôi có thể viết review nó như các tác phẩm khác. Thậm chí nếu bảo tôi tóm tắt tiểu thuyết này thì tôi cũng chẳng biết tóm tắt như thế nào. "Giết con chim nhại" thật sự là một tác phẩm đem lại cảm giác kỳ lạ đối với tôi.

Sau khi đọc sách xong, tôi lên mạng tìm đọc review thì thấy có một số ý kiến cho rằng đây là một cuốn sách nhàm chán. Đúng rồi! "Nhàm chán" là một từ diễn tả chính xác cảm giác của tôi khi đọc nửa đầu quyển sách. Ở nửa đầu tác phẩm là những câu chuyện trẻ con rất bình thường của hai anh em nhà Finch, tôi không thấy gì hấp dẫn cả. Tôi đọc trong sự nôn nóng, kỳ vọng sẽ được chạm nhanh đến đoạn cao trào của tác phẩm, nhưng khi đọc đến tận trang sách cuối cùng tôi mới nhận ra là chẳng có cao trào nào ở đây cả. Đó là lý do tôi thấy khá khó khăn lúc ban đầu trong việc đọc quyển sách này. 

Nếu bạn cũng có cảm giác giống tôi và bỏ dở quyển sách, hoặc cũng đọc hết rồi và thấy nó không hay, hãy đọc hết bài viết này, có thể bạn sẽ có cái nhìn khác đi về "Giết con chim nhại".

-----

"Giết con chim nhại" từ lâu đã là tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ hiện đại, được giảng dạy trong nhiều trường học. Tác phẩm được xuất bản vào năm 1960, trong thời kì phong trào đấu tranh của người da màu đang diễn ra mạnh mẽ. Vậy nên chủ đề lớn của tác phẩm là vấn đề phân biệt chủng tộc. 

Bối cảnh của "Giết con chim nhại" gói gọn trong hạt Maycomb, tiểu bang Alabama - một tiểu bang miền Nam nước Mỹ rất nặng thành kiến phân biệt chủng tộc.

Toàn bộ tác phẩm được kể lại dưới góc nhìn của một cô bé chỉ mới 7-8 tuổi, tên là Scout, con gái của luật sư Atticus Finch. Trong truyện, cha của Scout, luật sư Atticus được Tòa án chỉ định bào chữa cho Tom Robinson - một chàng trai da đen hiền lành bị buộc tội cưỡng hiếp Mayella Ewell – một người phụ nữ da trắng. Bằng trí tuệ khôn ngoan, lý lẽ đanh thép và tấm lòng nhân hậu, Atticus đã cố gắng để giúp Tom trắng án nhưng sau cùng Tom vẫn bị kết án tử hình bởi thành kiến phân biệt chủng tộc của bồi thẩm đoàn. Sau đó, vì quá hoảng sợ, Tom đã vượt ngục nhưng bị cảnh sát phát hiện và bắn chết. 

Nội dung nổi bật thứ hai của cuốn sách là câu chuyện về Boo Radley. Hồi thiếu niên, Boo từng bị kết tội phá rối trật tự công cộng và bị mang tiếng là giao du với bạn xấu. Vì nỗi xấu hổ đó, ông bị cha nhốt ở trong nhà trong suốt phần đời còn lại. Bản thân Boo đơn thuần không muốn tiếp xúc với xã hội bên ngoài nữa nhưng ông lại bị mọi người thêu dệt nên nhiều câu chuyện, biến ông thành một kẻ nguy hiểm, bí ẩn và xấu xa trong thị trấn. 

Bên cạnh vấn đề phân biệt chủng tộc, tác phẩm còn đan xen cách nhìn đa chiều về cuộc đời, về lòng can đảm, về niềm tin và tấm lòng chân thành qua cách dạy con của người bố Atticus và những mẩu chuyện của những con người ở Maycomb.

-----

Nhân vật ấn tượng nhất - Atticus và những bài học

Có lẽ khi đọc "Giết con chim nhại", một trong những nhân vật khiến các bạn ấn tượng nhất chính là Bố Atticus, tôi cũng bị ấn tượng bởi nhân vật này.

Từ những trang đầu tiên, nhân vật Atticus hiện lên qua lời giới thiệu của Scout - con gái ông và cũng là người kể chuyện: "Bố rất dễ chịu, ông chơi với chúng tôi, đọc cùng chúng tôi, và đối đãi với chúng tôi với sự xa cách lịch sự".

Mẹ Scout mất khi cô bé lên hai. Ông Atticus lặng lẽ một mình nuôi hai đứa con nhỏ (Scout và anh trai tên Jem - lớn hơn cô 4 tuổi).

Bài học đầu tiên tôi học được từ Atticus là bài học về sự cảm thông và thấu hiểu, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác:

Ở Maycomb có rất nhiều kẻ khó ưa, nhưng ông Atticus cũng không bao giờ tỏ ra khinh miệt bất cứ một người nào, kể cả những kẻ lười biếng và đáng khinh nhất. Ông dạy các con ông rằng: "Con không bao giờ thực sự hiểu một người chừng nào con chưa xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó, tức là con sống và cư xử y như anh ta".

Bài học thứ hai là bài học về việc làm chủ cảm xúc của bản thân:

Ở Atticus luôn có một sự bình tĩnh đến lạnh lùng. Ông có thể giữ bình tĩnh trước mọi biến cố, mọi sự phỉ báng từ người khác. 

Từ khi Atticus nhận trách nhiệm bào chữa cho Tom Robinson - một người da màu bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng, những người trong thị trấn đều tỏ ra khinh thường Atticus, gọi ông là "kẻ yêu bọn mọi đen", đây là một cách gọi cực kỳ xúc phạm. Nhưng Atticus vẫn mặc kệ.

Ông dặn dò Scout rằng: "Con có thể nghe một số lời đồn xấu về vụ này ở trường, nhưng nếu được thì hãy hãy ngẩng cao đầu và hạ nắm đấm xuống. Cho dù ai nói bất cứ điều gì với con, đừng để chúng khiến con nổi giận."

Thậm chí sau vụ kiện, tên Bob Ewell (bố của cô gái trong vụ kiện) đã chặn Atticus trên đường, nhổ nước bọt vào mặt ông và dọa sẽ trả thù, ông vẫn thản nhiên như không. 

Ông bình tĩnh đến mức con gái ông cảm thấy khó hiểu: "Tôi không hiểu tại sao tụi tôi phải giữ bình tĩnh, không có người nào tôi quen biết ở trường lại phải giữ bình tĩnh về bất cứ chuyện gì". 

Bố Atticus đã nói với cô bé: "Nhiều khi mình phải cố làm tốt trong mọi chuyện và cả trong cách chúng ta ứng xử vào những lúc khó khăn". 

Mỗi khi có tình huống xấu xảy ra, Atticus có một câu nói luôn luôn trấn an được những đứa trẻ của ông: "Chưa đến lúc phải lo". Mỗi lần sóng gió ập tới, để ngăn bản thân khỏi những cơn lo âu, tôi luôn nhủ thầm với chính mình bằng câu nói của Atticus: Chưa đến lúc phải lo.

Bài học thứ ba là bài học về lương tâm và sự can đảm

Khi được tòa án chỉ định làm luật sự biện hộ cho Tom Robinson, để tránh phải nhận những lời chỉ trích và sự gièm pha của dân trong thị trấn, Atticus có quyền từ chối biện hộ hoặc giải thích với mọi người rằng ông nhận vụ án này vì bị chỉ định chứ không phải tự nguyện, nhưng Atticus đã nhận vụ án này mà không một lời thanh minh. 

Atticus nói rằng: 
"Trước khi bố sống được với người khác, bố phải sống với chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người". 
Atticus cho rằng mình làm theo lương tâm, theo chính nghĩa, do đó ông không cảm thấy cần thiết phải giải thích với người khác về lựa chọn của mình. 
"Bố muốn con thấy lòng can đảm thực sự là gì. Can đảm không phải là cầm khẩu súng trong tay. Can đảm là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra".
Trong vụ kiện, Atticus đã rất nỗ lực để minh oan cho Tom Robinson, nhưng "trong tòa án bí mật của trái tim con người, Atticus không có cơ hội. Tom đã là người chết kể từ lúc Mayalle Ewell (người kiện Tom) mở miệng gào lên".

Ngay từ đầu Atticus đã biết mình không thể nào thắng được vụ kiện này, thậm chí danh dự còn bị hủy hoại và tính mạng của cả gia đình cũng bị đe dọa, nhưng ông vẫn nhận biện hộ cho Tom Robinson, bởi lương tâm ông biết đó là điều cần phải làm.

Atticus không thắng, ông ấy không thể thắng, nhưng ông đã bước được một bước... chỉ một bước ngắn, nhưng đó là một bước. Đó là một bước tiến trong công cuộc đấu tranh bảo vệ những người da màu nói riêng và những người thấp cổ bé họng trong xã hội nói chung.

Trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ có câu: "Tất cả con người sinh ra đều bình đẳng". 

Ông Atticus lại cho rằng: "Tất cả mọi người sinh ra không bình đẳng theo cái nghĩa mà một số người thường muốn chúng ta tin. Một số người thì thông minh hơn, kiếm ra nhiều tiền hơn, có nhiều cơ hội hơn những người khác khác, một số người sinh ra có tài năng vượt quá mức bình thường của hầu hết con người. Nhưng có một cách thức mà trong đó mọi người sinh ra đều bình đẳng, đó là tòa án. Trong các tòa án, tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng."

Tôi đặc biệt ấn tượng cách giáo dục con cái của nhân vật Atticus. Không giống với nhiều bậc cha mẹ khác luôn chỉ biết áp đặt con cái và cho rằng "trẻ con thì biết gì", Atticus lại luôn thẳng thắn trò chuyện với các con của mình kể cả đó là vấn đề rất phức tạp như vấn đề chủng tộc, giai cấp,.... Atticus biết tôn trọng và lắng nghe con để chúng có cơ hội phát biểu suy nghĩ và thể hiện cá tính của bản thân. Ông luôn làm gương cho con chứ không chỉ lý thuyết suông. Qua từng chuyện dù lớn hay nhỏ, Atticus luôn cố gắng giáo dục con cái về lương tâm, công bằng, bác ái, chống thành kiến, và nhiều chuyện khác. 

Những bài học từ Atticus nói riêng và từ "Giết con chim nhại" nói chung có giá trị phổ quát, đúng với mọi xã hội. 

-----

Về nhan đề "Giết con chim nhại"

Chim nhại là một loại chim có khả năng và thói quen nhại lại khoảng 20 tiếng hót của các loại chim khác. Ngoài ra, chim nhại có thể bắt chước được cả tiếng chó sủa, tiếng còi xe hơi, tiếng côn trùng và ếch nhái.

Trong tác phẩm của Harper Lee, chim nhại tượng trưng cho sự vô tội, thơ ngây, trong trắng. "Mấy con chim nhại chẳng làm gì khác ngoài đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên bẹ ngô, chúng không làm gì khác ngoài hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải vì sao giết một con chim nhại là tội lỗi".

Hình ảnh "chim nhại" trong tác phẩm này có thể được hiểu là những người da màu, họ chỉ sống một cuộc sống bình thường, không gây hại gì, nhưng trong mắt những người da trắng họ lại là tội đồ phải bị trừng phạt. Nếu như "giết một con chim nhại là tội lỗi" thì làm hại những người da màu cũng là một tội lỗi.

Theo bạn đọc Huyền Diệp, tên sách còn mang một ý nghĩa khác:

Chim nhại ám chỉ một thế hệ những người đi theo định kiến của số đông về phân biệt chủng tộc, họ thấy thế hệ trước làm như thế với những người da đen, họ cũng làm tương tự. Hành động nói nhại là bắt chước tiếng nói, điệu bộ của người khác. Nạn phân biệt chủng tộc cũng thế, nó chỉ là những lời nói nhại từ thế hệ này đến thế hệ sau. Và ý nghĩa của tiêu đề chính là muốn giết chết những lời nói nhại, muốn loại trừ những định kiến tiêu cực về xã hội trước đó, tạo dựng một xã hội mới công bằng và văn minh, ở đó người ta có thể thiết lập lại những suy nghĩ về con người ban đầu đơn thuần như cái nhìn của Scout về con người và cuộc sống.

Hình ảnh "Chim nhại" không xuất hiện nhiều lần nhưng đóng vai trò biểu tượng quan trọng trong cuốn tiểu thuyết. 

-----

KẾT

"Giết con chim nhại" không phải là một cuốn sách quá dễ đọc, nhưng nó sâu sắc, mang nhiều tầng ý nghĩa và có nhiều câu trích dẫn đáng suy ngẫm. 

Nửa đầu quyển sách có thể rất quanh quẩn và nhàm chán, không chút kịch tính, nhưng khi đọc hết rồi đọc lại đoạn đầu, bạn sẽ liên kết được mọi chi tiết với nhau để rồi nhận ra mọi thứ đều có ý nghĩa. Tôi đã làm như vậy và tôi hiểu ra "Giết con chim nhại" thực sự là một tác phẩm hay.

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đưa ra được một vài cảm nhận và suy nghĩ hạn hẹp của bản thân về cuốn sách "Giết con chim nhại". Chủ yếu tôi chỉ ra những giá trị nhân đạo của tác phẩm chứ chưa đi sâu phân tích những giá trị nghệ thuật, tuy vậy vẫn còn rất nhiều thông điệp và tầng nghĩa của "Giết con chim nhại" mà tôi chưa nêu ra hết được. Trên internet có những bài đã phân tích và đánh giá tác phẩm này một cách sâu rộng hơn, tôi để link các bài viết đó ở cuối bài, các bạn có thể tham khảo thêm.

-----

Tham khảo:
-----

Mua sách "Giết con chim nhại": https://s.shopee.vn/AUb3yftH8s
Xem video review "Giết con chim nhại": https://youtu.be/Hw2hq0Rrh20

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét