Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

[Review sách] Hoàng Tử Bé - Antoine Saint-Exupery

"Hoàng tử bé" là một cuốn sách thật đặc biệt. Mình đọc nó 3 lần vào 3 độ tuổi khác nhau và nó cho mình những cảm nhận hoàn toàn khác nhau. Lần đầu tiên đọc là
 khi đang học Đại học, đọc xong không hiểu gì, không biết tại sao nó nổi tiếng đến thế. Cách đây khoảng 2 năm thì đọc lần hai, cũng hiểu hiểu chút, nhưng không đọng lại được gì nhiều. Hôm qua đọc lần thứ ba, thì thấy hay quá trời là hay, thấm thía vô cùng. Vậy thì, điều gì tạo ra sự đặc biệt ấy của "Hoàng tử bé" đối với mình?

"Hoàng tử bé" được viết bởi nhà văn kiêm phi công người Pháp Antoine Saint-Exupery. Ông là một người có tính cách đặc biệt, và bị nhiều người không ưa. Saint-Exupery xuất thân quý tộc, đầu óc lý tưởng chủ nghĩa, cuộc sống lại luôn luôn ở trên mây xanh xa cách với con người trần tục, khi dừng chân ở một bến đỗ thì lại chỉ bắt gặp những con người lao động quá mệt mỏi đang tìm mọi cách để sống gấp, nên ông thường xuyên thấy cô đơn trước những khuyết tật trong lối sống và trong tinh thần con người như vậy. Sống cô đơn mà suy nghĩ lại lý tưởng và làm việc gì cũng quá xuất sắc, lại thêm lý do để nhiều người không thích ông. Điều đó lại càng đẩy ông tới những suy tư cực đoan của con người cô đơn. Saint-Exupery qua đời khi chỉ mới 44 tuổi do gặp tai nạn trong một chuyến bay. 

Mình rất thích những thông điệp sâu sắc, lối suy tư già dặn và cái giọng điệu ngang tàng của Saint-Exupery trong "Hoàng tử bé". Mình đã hiểu tại sao bây giờ mình đọc "Hoàng tử bé" mới thấy hay, đó là vì đến nay mình mới đồng điệu được với tác giả khi cứ có cảm giác cô đơn và lạc lõng trong cuộc sống vì không tìm được ai có cùng tần sóng suy nghĩ và tư tưởng với mình. Mình cũng như tác giả, chán ghét một thế giới mà nhiều người chỉ thích đánh giá mọi thứ qua hình thức, nói những câu chuyện nhạt nhẽo không có chiều sâu và sống thực dụng.

"Hoàng tử bé" là một cuốn truyện mỏng, đọc chỉ khoảng một tiếng là xong nhưng thực sự rất thú vị và chứa đựng nhiều ý nghĩa qua từng trang giấy. Truyện kể về hành trình đi ngao du qua các hành tinh của một chú bé hoàng tử đến từ thiên thể B612. Cậu bé đi lần lượt qua các thiên thể và mỗi thiên thể có một con người và một câu chuyện khác nhau. Thông qua những câu chuyện giả tưởng này, tác giả lồng ghép vào đó những quan điểm và phê phán của bản thân về lối sống kỳ cục của một bộ phận người lớn. 

Thiên thể đầu tiên có một ông vua. Ông vua này rất trọng các lễ nghi, nhưng ông cũng chẳng có thần dân nào để trị vì, cả hành tinh chỉ có mỗi mình ông ta. Cuộc nói chuyện giữa hoàng tử bé và vị vua này diễn ra rất xàm xí. Cuối cùng hoàng tử bé bỏ đi và cho rằng "người lớn quả thực rất lạ kỳ".

Ở hành tinh thứ hai, chú bé hoàng tử gặp một anh ưa phỉnh nịnh, lúc nào cũng thích được người khác tung hô và tỏ sự ngưỡng mộ. Hoàng tử bé bỏ đi vì thấy anh ta thật tẻ nhạt và cậu lại nghĩ "người lớn thực sự là vô cùng kỳ dị".

Hành tinh tiếp theo là nơi ở của một ông nát rượu. Khi hoàng tử bé hỏi tại sao ông lại uống rượu, ông trả lời "uống rượu để quên", hoàng tử hỏi ông uống rượu để quên gì thì ông đáp: "uống rượu để quên nỗi xấu hổ". Hoàng tử lại hỏi tiếp: "xấu hổ vì việc gì?", ông nát rượu bảo: "xấu hổ vì đã uống rượu". Tóm lại là ông nát rượu uống rượu để quên nỗi xấu hổ vì đã uống rượu =))) Hoàng tử bé bỏ đi, chẳng hiểu mô tê gì hết. Chú nghĩ rằng "người lớn hoàn toàn là những con người cực cực cực lạ kỳ".

Hành tinh thứ tư là nơi ở của một doanh nhân, lúc nào cũng chúi mũi vào công việc, luôn luôn đếm các ngôi sao mình đang sở hữu vì muốn được giàu có. Nhưng hoàng tử bé nói thẳng rằng ông doanh nhân sở hữu các ngôi sao nhưng chẳng có tích sự gì cho các ngôi sao hết, còn cậu sở hữu một bông hoa và ba quả núi và lúc nào cậu cũng chăm sóc cho chúng, cậu có ích đối với chúng. Nói xong hoàng tử bé lại bỏ đi và nghĩ "người lớn quả tình là rất kỳ cục".

Hành tinh thứ năm có một cây đèn đêm và một người phu đốt đèn. Công việc của ông là cứ sáng thì tắt đèn, chiều tối thắp đèn. Ngày xưa ngày và đêm rất dài, ông chỉ cần thắp đèn vào chiều tối, đi ngủ rồi sáng dậy tắt đèn, nhưng bây giờ hành tinh ngày càng quay nhanh, cứ một phút hành tinh quay được một vòng, do đó người phu liên tục phải đốt đèn rồi lại tắt đèn không được ngơi nghỉ. Hoàn cảnh đã thay đổi nhưng quy định không thay đổi. Con người thật là cứng nhắc.

Hành tinh thứ sáu có một nhà địa lý, là một người biết rõ ở đâu có biển, có sông, có thành phố, có núi và có hoang mạc. Nghịch lý ở chỗ, dù là nhà địa lý học nhưng ông không bao giờ rời bàn giấy của mình, ông chỉ đón tiếp các nhà thám hiểm ghé thăm hành tinh của ông, hỏi han họ và ghi chép những gì họ kể. Và nếu trong những lời kể đó nhà địa lý thấy có chỗ nào thú vị, ông ta tổ chức điều tra về đạo đức của nhà thám hiểm để xem nhà thám hiểm có nói dối hay cung cấp thông tin sai lệch không, chứ ông không tự đến tận nơi mà kiểm chứng. 

Hành tinh thứ bảy mà hoàng tử bé ghé thăm là Trái đất, theo lời khuyên của nhà địa lý. Khi xuống Trái đất, cậu bé lần lượt gặp một con rắn, một bông hoa, một vườn hồng và một con cáo, và cuối cùng cậu đã gặp được một con người, là một phi công đang bị kẹt trong hoang mạc do động cơ máy bay bị hỏng, và cũng chính là người kể chuyện trong tác phẩm này. Thông qua những câu chuyện có vẻ vụn vặt giữa người phi công và hoàng tử bé, mình có thể rút ra được nhiều thông điệp sâu sắc và nhân văn.

Người lớn trong mắt của trẻ em

Đầu tiên, tác giả thể hiện sự bức xúc và khó chịu từ góc nhìn của trẻ em đối với lối sống thực tế quá đáng của người lớn. Với những bức vẽ sáng tạo của trẻ, người lớn nhìn vô sẽ không hiểu gì cả vì họ không thể tưởng tượng hay liên tưởng được, bọn trẻ "cứ phải giảng cho thì người lớn mới hiểu". Người lớn thường khuyên ngăn trẻ em đừng làm mấy thứ sáng tạo như vẽ tranh, thay vào đó hãy "để đầu óc vào học địa lý, lịch sử, tính toán và ngữ pháp". Chính vì vậy, trí tưởng tượng và sự mơ mộng vô tư của trẻ con dần bị mai một đi, đứa nào lớn lên cũng bị động, suy nghĩ rập khuôn, khô khan.

Tác giả cũng hết sức chán ghét những cuộc giao tiếp tẻ nhạt nói về việc đánh bài, chơi gôn, chuyện chính trị,... nhưng cứ "phải hạ mình xuống để nói những điều vừa tầm người ấy", vì nếu không nói những chuyện mà ai cũng nói đó thì sẽ rất khó để nói chuyện với ai. 

Nhà văn còn chán nản khi chỉ ra: Người lớn chỉ thích những con số. Khi bạn kể cho người lớn rằng bạn mới kết bạn với một ai đó, người lớn không khi nào hỏi bạn về những điều quan trọng nhất, như: "Giọng nói cậu ta ra sao? Cậu ta thích chơi những trò gì? Cậu ta có sưu tập bươm bướm không?". Mà người lớn lại hỏi: "Nó lên mấy? Nó có mấy anh em trai? Nó nặng bao nhiêu cân? Lương của bố nó bao nhiêu?"

Những thông điệp về tình yêu

Ở hành tinh của hoàng tử bé có một bông hoa hồng xinh đẹp, dịu dàng, ngây thơ nhưng tính nhõng nhẽo, khá rắc rối và không được khiêm tốn cho lắm. Mỗi ngày chú chăm sóc, quan tâm và nói chuyện với nàng. Hoàng tử dù thực lòng yêu nàng nhưng cũng nghi ngại. Chú coi trọng mấy lời nói chẳng đâu vào đâu của bông hoa, và chú thấy đau khổ. Vì vậy Hoàng tử đã bỏ đi. Sau này, chú mới hiểu rằng, "đối với một bông hoa, chỉ nên ngắm nhìn và hít hà thôi" chứ đừng nghe hoa nói, và "lẽ ra chỉ nên xét đoán nàng qua hành động, không qua lời lẽ". "Khi ấy cháu còn trẻ quá nên không hiểu hết và không biết cách yêu nàng", chú tâm sự với người phi công.

Khi đến Trái Đất, hoàng tử bắt gặp cả một vườn hoa hồng giống y hệt bông hoa ở nhà hoàng tử. Lúc đó chú thấy vô cùng đau khổ, vì bông hoa của chú từng kể cho chú rằng nàng là duy nhất trên đời. Bây giờ đột nhiên thấy có hẳn năm nghìn đóa hồng chỉ trong một thửa vườn. Chú bật khóc vì từng nghĩ là mình giàu có vì có một bông hoa duy nhất, thực ra chỉ có một bông hoa bình thường. Nhưng sau đó, qua cuộc gặp gỡ với một con cáo, chú được học một điều về sự "thuần hóa". Thuần hóa nghĩa là tạo ra những mối dây liên hệ. Trong một mối quan hệ, ban đầu, chúng ta nhìn nhận đối phương cũng giống như bao người khác trên đời, và đôi bên chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng nếu chúng ta "thuần hóa" nhau, tương tác với nhau, cần đến nhau, thì người kia sẽ trở thành duy nhất trên đời đối với ta, và ngược lại. Do đó, hoàng tử bé hiểu rằng bông hồng của cậu vẫn là duy nhất trên đời này, vì cậu đã trò chuyện, lắng nghe, che chở và chăm sóc cho nàng. Cậu đã thuần hóa bông hoa. "Chính cái thời giờ cậu dành cho một bông hồng riêng tư khiến cho bông hồng của cậu có ý nghĩa đến thế".

Và cuối cùng là một thông điệp đã trở nên rất nổi tiếng: "Muốn nhìn đúng phải nhìn bằng trái tim. Mắt thường làm sao thấy được những điều vô hình. Những điều quan trọng thường vô hình."


Thời gian người phi công và hoàng tử bé ở cạnh nhau chỉ vẻn vẹn 9, 10 ngày trong khi sửa máy bay trong hoang mạc, thế nhưng cảm xúc hoàng tử bé để lại cho người phi công lại rất đỗi mãnh liệt. Giữa họ đã nảy sinh một tình bạn sâu sắc đặc biệt, và chú phi công rất thích nghe tiếng cười của hoàng tử bé. Sự ra đi của hoàng tử đã khiến người phi công rất buồn bã và lưu luyến. Chú phi công đã bị chàng hoàng tử "thuần hóa" mất rồi.

Cái kết của "Hoàng tử bé" rất trừu tượng, dù đọc đi đọc lại và cố gắng suy diễn nhưng mình vẫn không thể có được cho bản thân một sự lý giải nào hợp lý và chính xác. Có những chi tiết khiến mình nghĩ hoàng tử bé đã tự sát bằng cách yêu cầu con rắn độc cắn mình, nhưng như vậy thì tiêu cực quá, và cũng không có lý do to lớn nào khiến cậu phải quyết định như thế, không lẽ chỉ vì gặp rắc rối tình cảm với một bông hoa mà lại vậy. Ngoài ra, mình nghĩ tới một cái kết đơn giản nhất chỉ là: hoàng tử bé đã trở về hành tinh của mình, nhưng nếu như vậy tại sao trong phần cuối sách cậu lại nói những lời lẽ và biểu cảm hết sức tiêu cực? Thật sự mình rất thắc mắc về cái kết, bạn nào có lời giải thích nào thuyết phục thì nói mình biết với =.='


Tóm lại, với những tầng lớp thông điệp sâu sắc, nhân văn và thơ mộng được truyền tải bằng phong cách độc đáo, đặc sắc, qua giọng văn nhẹ nhàng nhưng đầy sự bướng bỉnh trẻ con, "Hoàng tử bé" xứng danh là một tác phẩm vĩ đại có sức ảnh hưởng vượt thời gian và không gian. Phần review của mình chắc chắn chưa bao gồm hết tất cả thông điệp ý nghĩa của "Hoàng tử bé", cũng chẳng phân tích được gì về nghệ thuật hay chỉ ra được sự tài hoa của Saint-Exupery, nên bạn hãy tìm đọc cuốn sách để có thể trải nghiệm và chiêm nghiệm thêm được nhiều điều hơn nữa nhé. Mình tin "Hoàng tử bé" xứng đáng có một chỗ trên kệ sách nhà bạn và bạn sẽ không phải hối tiếc chút nào khi dành thời gian đọc cuốn sách này.
-

Xem video trên Youtube: https://youtu.be/4QD-VhtyD9Y

Mua sách: https://shope.ee/2pwNOhLG8A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét