Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

[Tóm tắt & review sách] THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY - Nikolai A.Ostrovsky

TÓM TẮT 

PHẦN I

Phần I kể về thời niên thiếu và quá trình giác ngộ cách mạng của nhân vật Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin. Đồng thời tường thuật lại cuộc đấu tranh của nhân dân Nga lật đổ chính quyền Sa hoàng, cuộc chiến tranh giữa Hồng Quân Liên Xô với quân Đức, Ba Lan, đấu tranh giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản.

Thời niên thiếu của Paven

Paven trong mắt của mẹ và những người khác là một cậu nhóc ngỗ ngược, cứng đầu, hung hăng, nhưng được cái dai sức, làm không biết mệt và chịu khó. "Ở con người anh ta có biết bao lửa sống và chí gan góc". Lớn lên trong nghèo khổ và đói rách, Paven có một thái độ thù địch với những kẻ mà anh cho là bọn giàu có.

12 tuổi, Paven bị đuổi học vì đã nghịch ngợm ném thuốc lá vào bột làm bánh thánh của lão cố ("cố" ở đây là "cha cố", "linh mục" trong nhà thờ, trong ngữ cảnh này thì lão cố vừa là linh mục vừa là thầy dạy học của Paven).

Vì không được đi học nữa nên Paven phải đi làm. Paven đến làm phụ bếp, rửa chén ở quán cơm gần nhà ga. Tại đây, chứng kiến những tên bồi bàn làm ít nhưng được bo nhiều tiền, sa đà vào rượu chè cờ bạc, Paven thấy bất công, căm ghét. Ở những nơi này, bọn chủ chỉ nhận đàn bà tản cư, không cửa không nhà, chết đói đến nơi, để dễ chi phối họ, bắt làm gì cũng phải làm, kể cả bán thân. Paven nói mình đã nhìn sâu vào cặn đáy cuộc đời. “Cậu thấy như mình nhìn vào một cái hố bẩn, mùi bùn đen cặn bã bốc lên.”

Một hôm, do phải làm 2 ca liên tục 24 tiếng, Paven mệt quá ngủ quên và để nước tràn lênh láng khắp quán ăn. Vì sự cố đó nên Paven bị đuổi.

Sau đó, Paven xin được một chân phụ đốt lò, làm ở nhà máy điện.

Quá trình giác ngộ cách mạng của Paven

Mùa xuân 1918, bộ đội đỏ/du kích đỏ (Đảng Bôn-sê-vích) tới đóng quân tại U-cơ-ren, lúc này đã không còn chính quyền. Biết quân Đức sẽ tới đây chiếm đóng nên ban tham mưu của Đảng đã bố trí Giu-khơ-rai vào làm ở nhà máy điện để làm công tác chính trị cho công nhân, nhân dân ở đây. Nhà máy điện này cũng là chỗ Paven làm việc. Paven dần quen thân với Giu-khơ-rai, Giu-khơ-rai chỉ bảo nhiều điều cho Paven, rèn nghề, dạy võ, khuyên giải để mẹ Paven bớt bực bội về tính nghịch ngợm, hung hăng của Paven.

Giu-khơ-rai thôi việc ở sở điện, chuyển sang làm ở sở đầu máy xe lửa để thuận tiện cho hoạt động hơn.

Dưới sự tuyên truyền, dẫn dắt của Giu-khơ-rai, công nhân đã có một cuộc đấu tranh đầu tiên có tính chất quần chúng ở nhà ga xe lửa.

Vào thời điểm tháng 4/1919, người dân mỗi sớm ngủ dậy lại ngơ ngác, kinh hoàng, tự hỏi “chính quyền tỉnh mình hôm nay về quân nào nhỉ?”. Thời điểm này, lửa đấu tranh giai cấp đang ác liệt, gay gắt. Giữa chủ & thợ là một cuộc đấu tranh không ngừng. Chủ chỉ tìm cách bòn rút cho nhiều sức lao động của thợ, mà tiền lương thì trả ít nhất. Còn thợ thì làm quần quật 12 tiếng/ngày, lương không tương xứng.

Trong một lần bị truy đuổi gắt gao, Giu-khơ-rai tìm đến lánh nạn ở nhà Paven. Trong thời gian vài ngày Giu-khơ-rai ở đây, là thời điểm quyết định tương lai của Paven. Bởi vì, Giu-khơ-rai đã truyền cho Paven tất cả ngọn lửa giận dữ và lòng căm thù bốc cháy của mình đối với bọn phản động. Giu-khơ-rai biết rõ và tin chắc con đường mình đang theo. Những từ như “xã hội cách mạng”, “xã hội dân chủ”, “xã hội Ba Lan”, đều là chỉ kẻ thù hiểm độc của giai cấp công nhân. Chỉ có một chính đảng duy nhất, kiên quyết chiến đấu chống lại bọn giàu có áp bức, đó là Đảng Bôn-sê-vích. Giu-khơ-rai nói Paven đủ điều kiện để trở nên một chiến sĩ trung thành chiến đấu cho sự nghiệp công nhân, nhưng Paven còn non quá, còn lờ mờ về ý thức đấu tranh giai cấp. Giu-khơ-rai sẽ chỉ cho Paven về con đường chân chính.

“Lửa cách mạng đã nung nấu thế gian. Những nô lệ đã vùng dậy và họ phải đạp phăng cuộc đời cũ. Nhưng muốn thế, phải có một lớp người tương thân, tương ái và dũng cảm.”

Quá trình giác ngộ cách mạng của nhân vật Xéc-gây

Trong một cuộc tấn công quyết liệt vào thành phố, Hồng Quân Liên Xô đã chiếm được nhà ga Tây – Nam, đuổi địch chạy vào rừng. Xéc-gây, một người bạn thân của Paven, đã tự nguyện gia nhập Hồng Quân. Mẹ Xéc-gây tức giận vì con mình gia nhập Hồng Quân (sợ nguy hại cho cả gia đình), bà tru tréo, quát tháo và yêu cầu Xéc-gây đi về. Xéc-gây bình thường im lặng nghe lời mẹ nhưng lần này kiên quyết không về. Mẹ Xéc-gây đuổi cậu đi luôn đừng có trở về. Xéc-gây cũng bảo: Con chẳng về nữa đâu.

Xéc-gây đã tìm được một gia đình mới của mình. Cuộc đời mới ập đến bất ngờ. Xéc-gây bị cuốn vào cơn gió lốc của phong trào, say sưa hiến tất cả cho phong trào. Anh chẳng nghĩ gì đến gia đình, tuy nhà ở ngay gần đây thôi. Sau một thời gian, Xéc-gây đã trở thành Bí thư khu đoàn thanh niên.

Nhiệm vụ của Xéc-gây là tuyên truyền vào các bạn bè, những con em công nhân, tổ chức nhóm thanh niên cộng sản. Xéc-gây hiểu rằng: “Mẹ chỉ nghĩ có một điều: giữ rịt con cái ở bên mình. Không phải mẹ không ưa chính quyền Xô Viết, trái lại còn có cảm tình nữa là đằng khác. Song mẹ chỉ muốn cho con cái nhà khác đánh nhau ngoài mặt trận, chứ không phải con nhà mình… Bây giờ chúng ta có quyền sống cho ra sống.”

Tác giả giải quyết mâu thuẫn giữa Xéc-gây với ba mẹ bằng một cuộc đối thoại mang tư tưởng sâu sắc. Xéc-gây nói với ba mẹ như sau:
“Con biết, nếu quân ta phải bỏ đất này mà đi thì quân Ba Lan tới sẽ rầy rà gia đình mình. Song, nếu chúng con đánh thắng, Hồng Quân thắng thì là thắng lợi chung của giai cấp công nhân ta. Con không thể cứ khoanh tay ngồi ở nhà được, thầy ạ. Thầy chắc hiểu cho con. Thế mà nhà còn cứ mè nheo con làm gì? Thầy biết con đi vào con đường phải, thầy phải nâng đỡ con, giúp con mới phải chứ.”
Ủy ban cách mạng tổ chức một mít-tinh để vận động thanh niên đoàn kết và tham gia Đảng cộng sản. Người đến buổi mít-tinh phần lớn là thanh niên tiểu tư sản, trí thức thành thị. Thế nhưng người nghe thờ ơ, không chú ý, nói chuyện riêng, thậm chí từ chối tham gia công tác chính trị. Sau sự việc đó, ủy ban cách mạng hiểu ra rằng: Một đứa thừa ăn với một người chết đói không đi đôi với nhau được. Họ gọi tầng lớp trí thức, tiểu tư sản là “lũ thanh niên nhởn nhơ”. Ủy ban hiểu rằng phải tiến hành công tác ở trong quần chúng thanh niên công nhân. Lê-nin đã nói: “Chúng ta không bao giờ thắng được, nếu ta không lôi cuốn vào cuộc đấu tranh những khối đông đảo quần chúng cần lao.”

Thép đã tôi thế đấy - Hành trình tôi luyện bản lĩnh và khí phách người anh hùng cách mạng

Đã một năm nay, Paven hành quân đi dọc ngang khắp miền quê hương xứ sở. Mắt anh đã thấy biết bao nhiêu cảnh đời ghê gớm. Cùng hàng ngàn chiến sĩ khác lòng hừng hực bốc cháy ngọn lửa không bao giờ tắt của cuộc đấu tranh vì chính quyền giai cấp. Cuộc đời của một chiến sĩ đã bao giờ là đơn giản đâu, đã thế họ phải chịu đựng bệnh chấy rận truyền nhiễm.

Trong thời gian hành quân, Paven đọc một tác phẩm là “Ruồi Trâu” (một truyện nổi tiếng nói về phong trào cách mạng ở Ý do thủ lĩnh lấy tên là Ruồi Trâu đề xướng ra). Đây là một cuốn sách có tác động rất lớn đến tinh thần và ý chí của Paven sau này.
“Ai mà tưởng có được những con người bản lĩnh như thế trên đời này. Một người thường không thể chịu được cực hình đến độ ấy. Nhưng khi người ấy đã vì lý tưởng mà chiến đấu thì nhất định giữ vững được tinh thần”.

“Chết mà biết mình chết vì một sự nghiệp gì thì chết cũng đáng lắm. Trong trường hợp ấy anh thấy mình có đủ sức mạnh để không sợ chết. Ta sẵn sàng đi đến cái chết một cách kiên nhẫn khi ta cảm thấy có chính nghĩa ở phía ta. Chính cái đó làm con người ta trở thành anh hùng đấy”.
Paven rất yêu mến Ruồi trâu bởi đức tính anh dũng, tinh thần kiên nhẫn không bờ bến, biết chịu đựng đau khổ, không kêu ca. Paven hâm mộ hình ảnh của con người cách mạng, con người thấy được rõ ràng so với sự nghiệp chung, thì bất cứ cái gì thuộc cá nhân mình thật không đáng là bao.

Có lần, Paven đòi bỏ Trung đoàn của mình để sang Quân đoàn kỵ binh thứ nhất, vì “Quân đoàn này sắp được đánh nhau với địch”, còn ở Trung đoàn thì “chết gí một chỗ, chán ngấy”. Đồng chí chính trị viên Cơ-ra-me đã nói: “Hồng Quân là rạp chiếu bóng hay sao mà đòi đổi đơn vị như đổi chỗ ngồi thế? Nếu ai cũng đòi đơn vị thế thì còn ra thế nào nữa? Chú có nhiều ưu điểm, song chú phải cái tính vô chính phủ. Chú thích sao, chú làm vậy. Chú quên rằng Đảng & Đoàn thanh niên dựa vào kỷ luật sắt ư. Đảng trên hết. Đảng cần mình ở đâu thì mình phải ở đấy, chứ không phải mình muốn ở đâu thì ở.”

6/1920, Tập đoàn quân kỵ binh thứ nhất do Bu-đi-on-ny chỉ huy tấn công thành phố Gi-tô-mia, giải phóng 7000 chiến sĩ cách mạng đang bị Ba Lan bắt làm tù binh, chờ ngày bị đem đi bắn hoặc treo cổ. Paven được một tù binh kể lại tất cả nỗi thống khổ của anh chị em tù binh. Họ bị lính đánh đập, tra tấn dã man, phụ nữ thì bị hiếp đến sống dở chết dở, có người còn phát điên, nhưng tất cả đều chết ra cái chết của những chiến sĩ chân chính.

Tuy chiến sĩ Hồng Quân bị bọn Ba Lan đày đọa đến thế, nhưng khi lính Ba Lan bị Hồng Quân bắt làm tù binh thì Hồng Quân không cho phép chiến sĩ của mình ngược đãi tù binh, thể hiện tinh thần nhân văn, cao thượng và giữ sự trong sạch. Đồng chí chính ủy trung đoàn căn dặn: “… Đừng để xảy ra chuyện gì ngược đãi đối với họ (tù binh). Ai ngược đãi tù binh sẽ bị xử bắn”.

Bản mệnh lệnh của Hội đồng Quân sự cách mạng cũng tuyên bố: “Đất nước của thợ thuyền và dân cày yêu mến Hồng Quân của mình và lấy làm tự hào về Hồng Quân. Đất nước đòi hỏi phải giữ cho lá cờ của Hồng Quân trong sạch, không một vết nhơ.”

Trong trận đánh ở vùng Lơ-vốp, Paven bị trúng một trái pháo và bị thương nặng ở sọ, phải nằm viện gần 2 tháng, khi xuất viện thì đã bị hư mắt phải.

Vì sức khỏe quá yếu, Paven được chỉ định là bí thư chi đoàn thanh niên cộng sản xí nghiệp xe lửa, vừa công tác vừa tham gia sản xuất. Thời điểm này, Đảng Bôn-sê-vích & quân Ba Lan đang tiến hành đàm phán lập lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh.

Hồng Quân điều quân đến Cơ-ri-mê để tiêu diệt ổ cuối cùng của bọn phản cách mạng.

Hòa ước với Ba Lan đã được ký. Paven về thăm nhà. Kết thúc phần 1.

PHẦN 2

Phần 2 của tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" tường thuật lại công cuộc khôi phục kinh tế của nước Xô-viết non trẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Bôn-sê-vích. Tuy không còn chiến tranh, nhưng đất nước Xô-viết vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: thù trong giặc ngoài, giặc đói, giặc rét,.... Bên cạnh đó, phần 2 miêu tả những khó khăn của Pa-ven vì những thương tật do chiến tranh ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, tâm lý và công tác chính trị của anh. Qua đó xây dựng thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng nhiều phẩm chất đáng quý: cương trực, trung thành, kiên cường, bất khuất, sống có lý tưởng, vì nước quên thân, vì dân phục vụ,...

Sau chiến tranh, ở khu trung tâm và các ngoại ô, cuộc sống yên ả. Thế nhưng, bọn tàn quân Pết-lu-ra bị Hồng Quân đuổi chạy sang nước Ba Lan trắng đã câu kết chặt chẽ với các phái đoàn nước ngoài, chuẩn bị tham gia vào một cuộc nổi loạn.

Đảng cộng sản biết được thông tin nên đã lên kế hoạch tấn công bọn phiến loạn trước 1 ngày (trước khi bọn phiến loạn tấn công mình). Kế hoạch thành công, ĐCS bắt được bọn phiến loạn và thu giữ tài liệu, âm mưu phiến loạn đã bị chặn đứng. Tình thế nguy ngập đã dịu dần.

Nhưng một kẻ thù mới đe dọa thành phố: thiếu củi, đường xe lửa bị tê liệt, giặc đói, giặc rét. Bánh mì và củi sẽ quyết định tất cả.

Ở công trường gỗ, đã có sẵn 21 vạn thước khối gỗ đã được đốn. Nhưng chỗ đó cách 7 dặm so với ga xe lửa gần nhất. Muốn vận chuyển gỗ tới nhà ga phải dùng ít nhất 5000 xe ngựa chở suốt 1 tháng, mỗi ngày 2 chuyến. Đây là điều bất khả thi đối với Đảng lúc bấy giờ.

Mùa đông gần kề. Nhà thương, trường học, các cơ quan và hàng trăm ngàn nhân dân lâm vào cảnh gió rét cắt da mà không có củi đốt; còn ở các nhà ga, hành khách đông như kiến mà xe lửa mỗi tuần chỉ chạy được có 1 tiếng (do không có củi đốt).

Giu-khơ-rai đưa ra biện pháp: Trong 3 tháng, làm một con đường sắt nhỏ từ ga tới chỗ công trường gỗ. Để làm được điều này, cần huy động tất cả đoàn viên thanh niên cộng sản. Một Đảng viên lớn tuổi cho rằng: “Nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng nếu giải thích được cho lứa trẻ biết rằng có thế mới cứu được thành phố khỏi chết rét, cứu đường xe lửa khỏi tê liệt, thì bọn trẻ sẽ làm bằng được”.

Công cuộc xây dựng đường sắt này vô cùng khó khăn, vì thiếu thốn tiện nghi, vì thời tiết khắc nghiệt, rét, mưa, lầy lội, bùn, dụng cụ thô sơ, thiếu nhân sự, bị thổ phỉ tập kích tấn công.

Công việc khó khăn đến nỗi, đã có không ít thanh niên cộng sản trở nên mệt mỏi rồi tức giận, hụt hẫng, căm phẫn, thậm chí có nhiều người đã đào ngũ, chấp nhận bị khai trừ khỏi Đoàn, khỏi Đảng. Ban lãnh đạo đã phải ra sức động viên thanh niên cố gắng, phải vì nhân dân, vì lý tưởng và kỷ luật. Tất cả Đoàn viên thanh niên còn lại đã kiên tâm vững chí và làm quần quật suốt thời gian dài. Một Đảng viên lão thành đã nhận xét: “Đám trẻ thật là những người quý vô giá. Thép tôi là ở chỗ này đây”.

Thi công đến gần giai đoạn cuối, có vài trận bão tuyết xảy ra, kéo theo dịch thương hàn. Paven không may đã bị thương hàn, bệnh rất nặng và được đưa lên tàu lửa để về với gia đình. Những người ở lại nghe tin Paven đã chết và xác bị đem xuống giữa chừng chứ không về tới nơi được (nhân viên xe lửa buộc phải chuyển xác người chết vào nhà xác). Thế nhưng đó chỉ là tin không đúng, Paven vẫn về được nhà và được mẹ chăm đến khi khỏe lại. Trong một lần đến viếng nghĩa trang của những chiến sĩ đã hy sinh, Paven lòng tràn ngập một mối buồn thương vô hạn và suy nghĩ miên man:
“Cái quý nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đơn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được. Vì tật bệnh vô lý hay một sự tình cờ bi đát nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời”.
Khỏi bệnh, Paven đến trụ sở tỉnh đoàn thanh niên, yêu cầu khôi phục quyền lợi sinh hoạt đoàn (Bởi vì sau khi nghe tin Paven từ trần, Đoàn đã gạch tên anh khỏi danh sách đoàn viên). Sau đó, Paven đến làm việc ở phân xưởng chính nhà máy xe lửa, không tham gia công tác lãnh đạo với lý do sức khỏe kém. Tuy không tham gia lãnh đạo, nhưng trong một cuộc họp Paven đã vạch ra những thói hư tật xấu của thanh niên cộng sản trong tổ chức lúc bấy giờ: đi trễ, nghỉ đột xuất, trốn viện, làm hỏng máy móc dụng cụ. Thanh niên cộng sản trong phần lớn các tổ công tác rất tồi, kỷ luật tồi. Paven đề nghị Đoàn phải đấu tranh với cái tính ẩu.

Sau sự kiện đó, Paven được cử vào thường vụ Đoàn, phụ trách công tác chính trị. Lúc này, Paven xin gia nhập Đảng, rất chăm chỉ đọc sách và học hỏi chính trị.

Vì sức khỏe ngày càng yếu không thể lao động, Paven được cử đến công tác ở một thôn nhỏ gần biên giới. Công việc chủ yếu là dọn dẹp vết tích chiến tranh. Tuyển cử lại các Xô-viết. Đấu tranh chống bọn phỉ. Công tác văn hóa. Đấu tranh chống bọn buôn lậu. Công tác quân sự của Đảng và Đoàn thanh niên cộng sản.

Một năm sau chiến tranh, đại hội lần thứ hai của Xô viết quận đã tuyên bố: Chúng ta đã củng cố vững mạnh chính quyền Xô-viết trong quận, đã diệt đến tận gốc bọn phỉ và tróc được tận rễ bọn buôn lậu. Những tổ chức thanh niên cộng sản đã đông lên gấp mười lần, những tổ chức Đảng đã được mở rộng.

Tuy nhiên lúc này Đảng bị phân rẽ. Có một phái thiểu số vu khống, thù địch, chống đối Đảng, nhưng đã bị Đảng đấu tranh kịch liệt và khai trừ.

1921, Lê-nin từ trần. “Lê-nin là lãnh tụ của vô sản toàn thế giới, đồng chí mất đi, tổn thất của Đảng ta không lấy gì hàn gắn được. Người đã sáng lập ra Đảng Bôn-sê-vích, Người đã giáo dục Đảng tinh thần đấu tranh không thỏa hiệp trước quân thù”. 

Sự kiện này đã làm rất nhiều người giác ngộ và tự nguyện gia nhập Đảng, vì họ hiểu ra rằng: “Tất cả chúng ta phải đồng tâm hiệp lực mà bù lại chỗ trống của đồng chí Lê-nin. Để chính quyền Xô-viết của chúng ta vũng mạnh như một núi thép. Chúng ta phải trở thành những đảng viên Bôn-sê-vích vì Đảng chính thật là Đảng của chúng ta!”

Sau hai năm, nhân dân Liên Xô đã khôi phục lại nền kinh tế quốc dân, đất nước đã hồi sức lại, trở nên cường tráng. Paven thì hối hả sống, ít ngủ, chỉ chăm lo học tập và nghiên cứu chính trị, trong khi các bạn đi nghỉ mát, nghỉ mệt thì Paven luôn làm việc không nghỉ ngày nào. Do vậy, sức khỏe mỗi năm một suy yếu và điều đó làm anh đau buồn. Có hai cách giải quyết: hoặc là tự nhận mình không đủ sức chịu được nữa những khó khăn của hoàn cảnh công tác căng thẳng, nhận mình là người tàn phế, hay là vẫn đứng vững ở cương vị công tác cho đến khi nào không kham được nữa mới thôi. Và anh đã chọn cách giải quyết thứ hai.

Đến khi Paven quá yếu, Đảng bắt buộc anh phải vào "nhà an dưỡng", Paven phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, mất máu và mất sức đi nhiều. Thế nhưng cứ khi nào khỏe hơn một tí xíu, Paven lại đề nghị Đảng phải giao ngay công tác cho anh. Tất nhiên Đảng không đồng ý nhưng Paven cứ nằng nặc đòi làm việc. Cuối cùng anh cũng được giao việc nhưng anh làm chậm chạp, đi trễ và ngày càng yếu hơn. "Lúc thì tay bại hẳn, lúc thì chân liệt đi. Đôi khi cả người bại liệt và sốt". Đến tháng thứ 2 thì anh phải nằm liệt giường. Đảng kiên quyết từ chối giao công tác cho anh. Paven rất nghẹn ngào:

"Các đồng chí không có quyền cắt đứt công tác của tôi. Tôi mới có hai mươi bốn tuổi đầu, tôi không muốn lang thang mãi trong các nhà thương mà sống nốt cuộc đời tàn tật"... Paven muốn làm việc để khỏi cảm thấy mình bị bỏ rơi. Nếu phải rời xa chiến đấu và lùi tít về hậu phương, điều đó thật ghê sợ đối với Paven, một người đã từng hiến cả cuộc đời mình cho Đảng. Nhưng, đời Paven cứ thế xuống dốc, không còn nghĩ đến công tác được nữa, càng ngày anh càng phải nằm liệt giường. Paven ngày càng tủi thân và tự ti nhiều hơn:
"Khi đã mất thứ quý báu nhất là khả năng chiến đấu thì còn sống làm gì nữa? Ngày hôm nay và ngày mai đây đầy u ám, làm thế nào để chứng minh là đời mình còn đáng sống? Lấy gì lấp được nỗi trống trải của cuộc đời?"
Thậm chí đã có lúc anh nghĩ đến việc tự tử: "Rồi đến phải hủy quách tâm thân tàn phế phản phúc này đi thôi. Một viên đạn vào giữa tim và thế là xong, đời hết vướng! Đã biết sống phải đạo làm người thì cũng cần phải biết chết đi và đúng lúc nên chết. Ai dám kết tội người chiến sĩ không muốn kéo dài cơn hấp hối của mình?"

Paven đã chĩa súng thẳng vào mặt và toan kết liễu đời mình, nhưng rồi anh lại tự chửi bản thân vì hành động khốn nạn và hèn hạ như thế. Anh tự vực dậy bằng cách nói với chính mình: "Hãy biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa. Hãy làm cho đời mi còn có ích". Paven dốc hết sức tàn của mình vào việc học tập và đọc sách, lãnh đạo một nhóm nghiên cứu gồm các đồng chí đảng viên trẻ, Paven giữ vững niềm tin một ngày sắp tới mình tiếp tục được cầm súng xuất hiện trong hàng trận xung phong. Ngoài ra Paven còn cưới được một cô gái đáng yêu tên Thai-a và động viên vợ tham gia công tác chính trị chung với mình, hai vợ chồng yêu nhau và chiều chuộng thắm thiết, sống hợp nhau lắm. 

Về sau, Paven bị liệt cả 2 chân và tay trái, chỉ còn dùng được tay phải, dần dần bị mù hẳn, không còn đọc sách được nữa mà chỉ còn có thể nghe ra-đi-ô, thế nhưng vẫn ham học tập. Không thể cầm súng được nữa, Paven chuyển sang cầm viết, dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu, chiến đấu trên mặt trận văn chương. 

Paven tập trung và miệt mài viết. Đến nỗi "Bà mẹ nhìn con hí hoáy viết cả ngày thì rất đỗi kinh sợ", bà tưởng Paven đã hóa rồ hóa dại vì viết sách. Đến khi viết xong, Paven hồi hộp gửi bản thảo đi để mong được xuất bản. Số phận cuốn sách sẽ quyết định số phận Paven. Nếu bản thảo bị từ chối, không in được thì đấy sẽ là cảnh chiều tàn cuối cùng của đời anh, Paven thú thật rằng "nếu cuốn sách bị bác đi, đời anh thế là hết, anh chẳng còn sống làm gì nữa". Sau nhiều ngày chờ đợi đau đớn đến cùng cực, cuối cùng Paven cũng nhận được tin cuốn tiểu thuyết của mình sắp được xuất bản. "Với vũ khí mới, anh đã giành lại được chỗ của anh trong đội ngũ và trong cuộc sống".

HẾT.
➖➖➖➖

Xem video trên Youtube: https://youtu.be/hX_W09VPZzs

Mua sách: https://shope.ee/408KoFlSoy

1 nhận xét: