Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

[Review sách] Nhật ký Đặng Thùy Trâm

"Nhật ký Đặng Thùy Trâm" được lấy nguyên bản từ hai cuốn nhật ký viết tay của Liệt sĩ Bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong thời kỳ chị tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hai cuốn nhật ký được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968 đến ngày 20 tháng 6 năm 1970 (hai ngày trước khi chị hy sinh). Khi xuất bản lần đầu tiên vào tháng 7/2005, cuốn sách cùng câu chuyện về cuốn nhật ký đã nhanh chóng trở thành 1 trong 10 hiện tượng văn hóa xã hội nổi bật của năm 2005. Một năm rưỡi sau, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" đã bán hết 430 ngàn bản ở một đất nước mà hiếm có cuốn sách nào bán được hơn 5 ngàn bản. 

Hai phần ba người VN được sinh ra sau năm 1975. Với họ, chiến tranh chỉ là một câu chuyện lịch sử xa xưa, và là một lịch sử chỉ được dạy lại một cách khô cứng. 

Có lẽ bạn không hiểu được tại sao "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" chỉ là một cuốn nhật ký với những mẩu ghi chép vụn vặt của một cô gái lại có sức hút đến thế, vậy thì hôm nay, hãy để mình giải thích cho bạn biết vì sao...

---

Lý do đầu tiên độc giả yêu mến "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" là bởi vì họ yêu mến chính người viết nên nó.

Nói sơ một chút về bối cảnh lịch sử thời của Đặng Thùy Trâm.

Vào năm 1954, sau Hiệp định Genève, nước ta thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp nhưng đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền để chờ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nướcNhưng ở miền Nam, Pháp vừa rút quân thì Mỹ liền dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam. Đất nước ta bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Có thể nói ngắn gọn là miền Bắc đã được độc lập, còn miền Nam thì chưa, do đó nhân dân cả nước vẫn hướng về miền Nam và quyết tâm đấu tranh chính trị chống Mỹ - Diệm và thống nhất đất nước.

Trong cuộc chiến tranh này, năm 1966, Đặng Thùy Trâm tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam với tư cách là một bác sĩ quân y và được điều vào công tác ở Đức Phổ, chiến trường Quảng Ngãi. Chị hy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1970.

Đặng Thùy Trâm được sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức. Mẹ cô là dược sĩ, giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội; bố là bác sĩ ngoại khoa. Suốt nhiều năm, Trâm ngồi học trong tòa nhà thanh nhã kiểu pháp, với những lớp học đặc biệt và những làn gió nhẹ thổi vào từ Hồ Tây. Cô rất yêu văn chương và thơ. Cô được miêu tả là một cô gái nhỏ nhắn, với nước da trắng trẻo, theo như bạn cùng lớp thì cô rất xinh đẹp, thông minh và tình cảm. Lên Đại học, cô học trường Y và được đào tạo thành một bác sĩ phẫu thuật. Sau khi tốt nghiệp, cô được nhận về đào tạo tiếp ở Viện Mắt. Nghe đến đây, các bạn cũng có thể hình dung ra một cô gái thành thị, sống trong bình yên và thơ mộng, không biết vất vả đói khổ là gì, có tương lai sáng lạn, nhưng thay vì chọn lối sống an nhàn và ổn định ấy, Trâm đã xung phong lên đường phục vụ ở chiến trường miền Nam, phục vụ cho lý tưởng thống nhất đất nước.

Nếu là chúng ta, chúng ta có dám hy sinh như thế không? Đang ăn sung mặc sướng, sống cuộc sống bình yên, êm ấm trong vòng tay gia đình, tự dưng bỏ hết để ra chiến trường đối mặt với đói khổ, hiểm nguy, xa gia đình. Chúng ta có dám không?

Đó là lý do đầu tiên khiến chúng ta nên mến phục cô gái tiểu tư sản nhỏ nhắn nhưng dũng cảm và mạnh mẽ này.

----

Lý do thứ hai khiến "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" có sức hấp dẫn có lẽ nằm ở câu chuyện xoay quanh số phận kỳ lạ của hai cuốn nhật ký. 

Sau khi Đặng Thùy Trâm bị lính Mỹ giết, họ thu hồi cuốn nhật ký của chị, chuyển cho Fred Whitehurst để xem xét lại và dự định tiêu hủy nhưng người phiên dịch bảo Fred đừng đốt. Năm 1972, Fred làm trái điều lệnh và đem cuốn nhật ký về Mỹ, cất vào tủ tài liệu và nó nằm yên ở đó trong khi anh học tiến sĩ và làm việc cho FBI. Fred thường cố nghĩ cách trả cuốn nhật ký về cho gia đình Đặng Thùy Trâm nhưng không biết làm cách nào. Fred hy vọng rằng nếu xuất bản cuốn nhật ký thì sẽ tìm được gia đình Thùy Trâm.

Anh đưa cuốn nhật ký cho anh trai mình là Rob cũng là một cựu chiến binh VN. Rob lấy vợ người VN và nói được tiếng Việt. Rob bắt đầu dịch cuốn nhật ký trong những lúc rỗi rãi. Tháng 3/2005, hai anh em đem cuốn nhật ký tới một cuộc hội thảo về chiến tranh VN được tổ chức tại trường ĐH công nghệ Texas. Ở đây họ gặp một cựu phi công VN sẽ sang VN trong vài ngày tới. Họ đưa cho anh một bản sao cuốn nhật ký, nhờ sự giúp đỡ của các nhân viên của một nhóm Quaker ở Hà Nội, phi công đó đã tìm được gia đình Thùy Trâm. Tháng 10/2005, mẹ của Thùy Trâm cùng với ba con gái sang Mỹ, tới trường ĐH công nghệ Texas (nơi đang lưu giữ nhật ký của Đặng Thùy Trâm) để được tận tay cầm cuốn nhật ký của đứa con yêu dấu đã mất. Và như bạn cũng biết, sau nhiều thăng trầm, nhiều năm lưu lạc, cuốn nhật ký đã được xuất bản để tới được tay của chúng ta.

---

Lý do tiếp theo khiến "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" cuốn hút độc giả là ở sự chân thật về nội dung cũng như của chính nội tâm người tác giả viết ra nó.

Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn (đồng thời là bạn học của Đặng Thùy Trâm) đã viết trong phần lời tựa của cuốn sách như sau:
Đọc "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", bạn sẽ bắt gặp một con người với một cuộc sống cụ thể của thời chiến. So với lớp thanh niên ngày nay, người thanh niên của năm mươi năm trước có một cách sống khác, một cách sống không lắm chiều cạnh phong phú, không tự do nhiều vẻ, nhưng lại trong sáng thánh thiện đến kỳ lạ. Sự tận tụy làm người của Thùy Trâm là nhân tố khiến cho những người lính Mỹ khác hẳn về lý tưởng cũng phải kính trọng.
Nếu cuốn sách có thể giúp mỗi người sau khi đọc xong quay trở lại tìm ra những thiết tha cao đẹp và cả những cay đắng bi thảm có thể có trong kiếp người của chính mình, tức là sự hy sinh của một con người ở tuổi 27 có thêm một ý nghĩa chân chính.
Đọc cuốn sách, ta có thể cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh thông qua những câu miêu tả sống động của Đặng Thùy Trâm.
"Trong một buổi đi càn, giặc Mỹ đã tìm thấy công sự của Khiêm. Chúng mở nắp công sự, Khiêm vọt lên dùng quả lựu đạn duy nhất trong tay quăng vào lũ giặc. Bọn quỷ khát máu sợ hãi nằm rạp xuống. Khiêm chạy được một đoạn nhưng quả lựu đạn chó chết đã câm, bọn giặc chồm dậy đuổi theo Khiêm, bắn Khiêm ngã xuống. Lũ quỷ khát máu ùa đến băm nát người Khiêm [...]"
"Vừa ở tù về chưa kịp lại sức, Đường đã phải đau xót khóc cha chết do Mỹ bắn. Tang cha chưa nguôi, cách đây mấy bữa, địch lại càn vào nhà bắn chết anh trai Đường, còn em thì bị chúng bắt đi. Nhà cửa chúng đốt tan hoang, bà mẹ của em khóc lặng bên xác đứa con trai đã gục ngã trên nền nhà cháy dở. Có cảnh nào thương tâm hơn nữa hay không?"

"Thằng bé con chị sáng nay bị hai mảnh cối xuyên vào ngực đúng vùng tim không hiểu có sống nổi không. Chiến tranh là vậy đó, nó không từ trẻ nhỏ, không từ một bà già và đáng ghê tởm vô cùng là bọn Mỹ khát máu." 

Đặng Thùy Trâm cho rằng: Đây là một cuộc kháng chiến vĩ đại được viết bằng xương máu và tuổi xuân của bao người.

Đọc cuốn sách này, ta còn được biết về cuộc sống thực tế của một người cách mạng trong thời chiến là như thế nào. Họ có suy nghĩ và tâm tư gì, họ đã được và mất những gì vì cuộc chiến này.

Với sự nhạy cảm của một trí thức, Đặng Thùy Trâm lắng nghe trong mình mọi băn khoăn xao động. Chị ghi ra gần hết tất cả những cung bậc tình cảm mà ai ở vào địa vị ấy đều trải qua. Nhật ký đã trở thành một phần cuộc đời. Trong nhật ký chị tìm ra một con người khác để chia sẻ, để thú nhận, để tìm thêm niềm tin, và đôi khi như là để làm nũng với mình một chút. Có một giai đoạn khoảng một tháng ngừng viết nhật ký, Trâm đã hết sức lo lắng, chị sợ rằng mình sẽ mất dần những suy tư của một con người biết suy nghĩ. Đặng Thùy Trâm tin rằng: "Quyển nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này". Và giờ đây đang cầm quyển sách này trên tay, mình tin rằng chị và cuốn nhật ký đã hoàn thành được sứ mệnh cao cả đó!

Đặng Thùy Trâm có một cuộc sống nội tâm dồi dào, phong phú và nồng nhiệt. Chị có những mơ mộng và khát khao như bất cứ người con gái mới lớn nào, chị cũng gặp đổ vỡ trong chuyện tình yêu riêng, nhưng ở thời đại của chị, mọi người không nói nhiều đến cô đơn cùng nỗi buồn. Mọi người sẽ hy sinh cuộc sống riêng vì sự nghiệp vĩ đại. 

Chuyện tình yêu cá nhân của Thùy Trâm không được nói rõ ràng nhưng đại loại là sau khi tham chiến vài năm thì người yêu của Trâm đã chia tay chị, mọi người xung quanh đều đau xót thay cho chị trước mối tình tan vỡ này. Trong thời gian tham gia kháng chiến, đôi lúc Trâm nhắc đến chuyện tình cảm đôi lứa này trong nhật ký, "Bên trong nỗi nhớ hình như có một nỗi buồn sâu kín, thầm lặng nhưng rất nặng nề. Dù sao vết thương lòng vẫn đang rỉ máu, dù mình có muốn lấy công việc, lấy mọi nỗi nhớ khác đè lên trên, nó vẫn trỗi dậy, xót xa vô cùng." 

Nhưng cho dù có đau xót, buồn bã thế nào, Trâm vẫn tin rằng mình "đủ sức chôn sâu cả chín năm thương yêu hy vọng ấy xuống tận đáy đất sâu, vẫn tin rằng mảnh đất tâm hồn mình vẫn màu mỡ, vẫn đủ sức để gieo lên đó một mùa hoa tươi đẹp".

Trong thời gian công tác, có đôi lúc Thùy Trâm nghĩ về nỗi buồn tình cảm riêng của mình, hoặc nhớ thương gia đình và quê nhà thân thương, nhưng rồi chị tự trách chính mình: "Không lẽ lúc nào tâm tư cũng chỉ biết có nhớ thương lo lắng thôi sao? Cuộc chiến đấu đòi hỏi người ta với một niềm vui lớn, một nghị lực và một niềm tin mãnh liệt, hãy dẹp những áng mây buồn vương trên đôi mắt". Chị luôn tự làm công tác tư tưởng cho chính bản thân: "Hãy nhìn lại đi, bên cạnh Trâm có bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu thanh niên đã cống hiến tuổi trẻ của họ cho cách mạng, họ ngã xuống mà chưa hề được hưởng hạnh phúc. Sao Trâm lại nghĩ đến riêng tư?"Và chị "dẹp mọi mơ ước riêng tư để tập trung vào công tác". 

Những lần không thể cứu được bệnh nhân, Đặng Thùy Trâm sẽ cảm thấy rất buồn bã. "Với những người như anh mà tôi không cứu chữa được thì đó sẽ là nỗi đau xót khó mà phai đi trong cuộc đời phục vụ của một người thầy thuốc". Khi tiếp nhận bệnh nhân, bao giờ Trâm cũng đối xử với họ bằng sự trách nhiệm cao độ và bằng một tình thương rộng rãi nhưng rất sâu xa, tình thương của một người thầy thuốc trước bệnh nhân, tình thương của một người chị đối với đứa em đau ốm và cả lòng mến phục. Trâm luôn tự nhủ phải luôn cố hết sức vì tất cả những người bệnh nhân và coi đó là niềm tự hào của một người thầy thuốc. Mỗi lần chị chứng kiến bệnh nhân ra đi, "nỗi buồn lại đến và lòng căm thù với quân xâm lược còn nặng hơn nghìn vạn lần. Còn quân khát máu đó thì chúng ta còn đau khổ".

Trong một cuộc chiến khốc liệt, đâu thể tránh khỏi những ngày cô đơn, đói khổ và tính mạng gặp nguy hiểm, Trâm luôn tự động viên chính mình hãy giữ vững nghị lực để đấu tranh đến cùng vì sự nghiệp cách mạng. 
"Dù gió mưa giông bão đang nổi lên, dù nước mắt chảy tràn thành suối nguồn đau khổ thì cũng hãy giữ vững tinh thần. Hãy bằng nghị lực, bằng niềm tin ở chính nghĩa, bằng lý tưởng cuộc đời mình mà đi tiếp những bước đường gai góc gian lao. Có thắng lợi nào đến với chúng ta mà không phải đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng suy nghĩ khổ đau, có khi bằng cả xương máu nữa".
Trong cuốn nhật ký không chỉ có những khổ đau, vất vả và hy sinh, trong đó còn có những dòng lạc quan về cuộc sống thời chiến. 
"Tang tóc còn đè nặng vậy mà chiều nay đứng giữa đồng lúa chín vàng mình bỗng thấy cuộc sống vẫn đang lên. Người ta vẫn gặt lúa tấp nập và nụ cười vẫn tươi trên khuôn mặt...". Cuộc cách mạng ở mảnh đất này mới kỳ lạ làm sao, đau thương tang tóc không đâu bằng mà lạc quan sôi nổi cũng không đâu bằng".
Và cũng có những con người đã trưởng thành từ trong gian khó, trong khói lửa chiến tranh. Trong nhật ký, Trâm kể về câu chuyện của Thiện.

Thiện từ nhỏ đã được mẹ nuông chiều quá mức. Thiện đòi mẹ trả công cho mỗi buổi đi học, bước chân về nhà là đòi ăn bánh, bữa nào cơm không có cá thì nó hờn và bỏ cơm làm mẹ nó phải chạy theo năn nỉ. Năm 15 tuổi Thiện đòi đi bộ đội, mẹ không cho, Thiện khai tăng một tuổi rồi theo một đồng chí bộ đội đi về đơn vị. Mẹ Thiện tin rằng giỏi lắm một tuần nữa con mình sẽ về. Vì nó suốt ngày đòi ăn vặt, chưa hề biết làm một việc nhỏ nào mà làm sao đi bộ đội! Nhưng chị đã lầm, cuộc đời gian khổ nhưng vinh quang của những người bộ đội đã lôi cuốn được Thiện, đã được hơn 3 năm. Thằng nhỏ chịu đựng mọi gian nan cực khổ mà nó chưa hề tưởng tượng được ra. 

Chính từ trong gian khổ này ta mới cùng hiểu cái giá trị của những con người cách mạng. Ai đứng vững trong lửa đỏ và nước sôi người đó sẽ là thép. 

Nhân tiện đang nói về thép, cũng nói về một tác phẩm mà Đặng Thùy Trâm và thế hệ của chị rất yêu thích - cuốn sách "Thép đã tôi thế đấy" của tác giả Nikolai A.Ostrovsky. Các bạn có thể xem video mình review cuốn sách đó tại link.
"Ba má và các em yêu thương, ở ngoài đó ba má và các em làm sao thấy hết được cuộc sống ở đây. Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc."
"Mẹ yêu ơi, nếu như con của mẹ có phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi thì mẹ hãy khóc ít thôi mà hãy tự hào vì các con đã sống xứng đáng. Đời người ai cũng chết một lần..."
Đọc mấy đoạn này tự dưng mắt mình rơm rớm nước. Thật sự là cảm phục và biết ơn sự hy sinh của những con người anh hùng trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược để giành lại tự do và hòa bình cho đất nước. Nếu không có họ, có lẽ ngày hôm nay đây mình chẳng có mặt ở đây để đọc cuốn sách này, làm video này giữa khung cảnh thanh bình và trong một xã hội văn minh. Tự thấy bản thân chỉ là một hạt cát bé nhỏ giữa dòng đời, giữa vũ trụ bao la này. Ta đã làm được gì cho Tổ quốc, cho đồng bào này chưa?

Vào ngày đầu năm mới của năm 1970, Đặng Thùy Trâm có một dòng suy nghĩ buồn: 
"Chiến tranh đã cướp của Thùy (Thùy Trâm) mọi mơ ước về tình yêu. Thùy không muốn và cũng không thể nghĩ đến nó bởi vì cuộc sống quanh Thùy không cho phép [...] Tuổi xuân của mình đã qua đi trong lửa khói, chiến tranh đã cướp mất hạnh phúc trong tình yêu và tuổi trẻ. Tuổi hai mươi của thời đại này đã phải dẹp lại những ước mơ hạnh phúc mà lẽ ra họ phải có. Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, là Tự do của đất nước. Từ ước mơ đó mới có được những gì gọi là của riêng mình. Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết."
Hãy cùng mình nhìn lại. Chúng ta là những thế hệ đang được sống trong thời bình, chúng ta nào có biết chiến tranh, bom đạn hay chế độ bao cấp là gì. Chúng ta có sự tự do, có hòa bình, ta có thể làm bất cứ việc gì chúng ta thích, học thứ chúng ta muốn, và thoải mái yêu đương, kết hôn và sinh con. Ta có thể ăn những bữa ăn thật ngon chứ không phải khoai độn ngô, ta được nằm những chiếc giường thật êm ngủ thẳng giấc tới sáng chứ không phải là thấp thỏm chẳng biết đêm nay giặc có ném bom vào nhà chúng ta không. Chúng ta hãy biết trân trọng những gì chúng ta đang được hưởng, đồng thời đừng quên tỏ lòng biết ơn những người anh hùng đã hy sinh tuổi trẻ và cả tính mạng để cho chúng ta được hưởng những điều này.

---

Kết

Tóm lại, với những ai đang cảm thấy chán đời và nản chí thì nên đọc "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" để thấy được rằng bản thân đang còn rất may mắn vì có được độc lập và tự do. Độc lập và tự do chẳng phải hai yếu tố cần và đủ để đạt được hạnh phúc hay sao? Những thứ khác có thể chúng ta chưa đạt được, nhưng sinh ra và sống trên đời này với sự độc lập và tự do đã là quý giá lắm và ta hoàn toàn có thể từ đó mà đạt được những điều khác. 

Hãy nghĩ về những đồng bào thời chiến bị mất độc lập và tự do vì giặc ngoại xâm. Hãy nghĩ về những người lính kháng chiến phải gác bỏ sự nghiệp học hành, đặt lý tưởng cá nhân và đời sống riêng qua một bên để phục vụ cho sự nghiệp chung chiến đấu giành lại độc lập tự do cho đất nước.

Đọc "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" để có thể cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh, để được biết cuộc sống thực tế của một người cách mạng trong thời chiến là như thế nào, để thêm biết ơn những người anh hùng đã ngã xuống để cho thế hệ mai sau được hưởng bình yên và tự do. Thật sự, không có gì quý hơn độc lập, tự do.

-

Xem video trên Youtube: https://youtu.be/OSXMyVG2_6Y

Mua sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm": https://shope.ee/3VChf2oChs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét