Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2024

[Review sách] Dạy con làm giàu (Tập 1) - Robert T. Kiyosaki

"Dạy con làm giàu" ("Cha giàu cha nghèo") là một cuốn sách kinh điển về tài chính cá nhân. Nội dung của sách nói về sự khác biệt trong cách suy nghĩ và tiếp cận về tiền bạc giữa hai người cha trong cuộc đời tác giả 
Robert Kiyosaki. 

Cha Nghèo (cha ruột của Robert Kiyosaki) là một giáo viên có trình độ cao và có vị trí trong xã hội, nhưng lại gặp khó khăn về tài chính.

Cha Giàu (cha của Bạn Thân Robert Kiyosaki) là người không có học vấn cao nhưng là một doanh nhân thành đạt và giàu có. 

Qua những câu chuyện về hai người cha đó, tác giả truyền đạt những bài học về tài chính cá nhân, đầu tư, và cách suy nghĩ để đạt được sự tự do tài chính.

Robert Kiyosaki sinh năm 1947, là một nhà đầu tư, doanh nhân, diễn giả và tác giả nổi tiếng về lĩnh vực tài chính tại Mỹ. "Dạy con làm giàu" đã bán được hơn 26 triệu bản, mang lại danh tiếng cho Kiyosaki như một chuyên gia tài chính hàng đầu cùng lượng fan hâm mộ khổng lồ. 

Tuy vậy, cuốn sách "Dạy con làm giàu" bị chỉ trích vì một số lý do sau:

  • Lời khuyên tài chính không cụ thể: Một số người cho rằng cuốn sách thiếu các lời khuyên cụ thể và chi tiết về cách đầu tư và quản lý tài chính, thay vào đó là những nguyên tắc chung chung.
  • Sự thật về cuộc sống cá nhân của tác giả: Có một số nghi vấn về tính xác thực của các câu chuyện trong cuốn sách, bao gồm cả sự tồn tại của "Cha Giàu" và "Cha Nghèo".
  • Khuyến khích rủi ro tài chính: Cuốn sách bị chỉ trích vì khuyến khích người đọc tham gia vào các hoạt động đầu tư có rủi ro cao mà không nhấn mạnh đầy đủ về những rủi ro này.
Mặc dù có những chỉ trích này, "Dạy con làm giàu" vẫn là một trong những cuốn sách về tài chính cá nhân bán chạy nhất và đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên khắp thế giới để suy nghĩ khác về tiền bạc và đầu tư. Diễn viên nổi tiếng Will Smith nói rằng anh dạy con trai mình về tài chính dựa trên kiến thức đọc từ cuốn sách này. Còn nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey từng quảng bá cho cuốn sách trên show truyền hình nổi tiếng của bà. Tỷ phú Donald Trump yêu thích những lời tư vấn từ cuốn sách và đã cùng hợp tác với Kiyosaki trong cuốn sách Why We Want You to be Rich (Tại sao chúng tôi muốn bạn giàu) hồi năm 2006.

Sau đây là những bài học hay nhất mình đúc rút từ cuốn sách Dạy con làm giàu (Tập 1)

-----

Bài học 1: Người giàu không làm việc vì tiền. Người giàu buộc tiền bạc làm việc vì mình.

Nếu chúng ta chọn làm việc vì tiền, cuộc sống của chúng ta sẽ như thế này: Phải ngồi chờ để được thuê làm việc và để hỏi xin tăng lương. Mỗi lần nhận lương thì cảm thấy không đủ, có vẻ như nó không là gì cả, rất thất vọng, nhất là sau khi phải trả thuế và những chi phí khấu trừ.

Nỗi lo sợ không có tiền kìm giữ chúng ta trong cái cạm bẫy: đi làm, kiếm tiền, đi làm, kiếm tiền, hy vọng nỗi lo sẽ vơi đi. Nhưng mỗi ngày khi thức dậy, sự lo lắng ấy thức dậy theo cùng chúng ta, gặp nhấm trái tim. Chúng ta luôn phải vội vã đi làm và trông không bao giờ có vẻ hạnh phúc. Tiền bạc điều khiển cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta không dám thú nhận sự thật đó. 

Người ta ham muốn tiền bạc vì những niềm vui mà người ta nghĩ nó có thể mua được. Nhưng niềm vui do tiền bạc mang đến thường rất ngắn ngủi, và người ta lại cần tiền để có được những niềm vui khác, tiện nghi hơn, an toàn hơn. Vì vậy mà người ta lại tiếp tục làm việc. Rất nhiều người cảm thấy tuyệt vọng và bị căng thẳng thần kinh, dù trông họ rất lộng lẫy và đang có nhiều tiền.

Đừng đổ lỗi cho người khác và nghĩ người khác là nguồn gốc của mọi vấn đề. Hãy nhận ra rằng vấn đề là ở chính bản thân mình, chúng ta mới có thể thay đổi chính mình, học được cái gì đó và trở nên khôn ngoan hơn. Hầu hết mọi người đều muốn người khác thay đổi chứ không muốn mình thay đổi. Quyết định dứt khoát, biết khi nào cần quyết định là một kỹ năng quan trọng trong việc học cách kiếm tiền. 

Bài học 2: Phải dạy con về tài chính

Có nhiều tiền thường không giải quyết được vấn đề, nó chỉ làm cho mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn thôi. Khi người ta được hưởng một vận may bất ngờ như trúng số, thừa kế gia tài, tăng lương, trước sau gì họ cũng sẽ trở về với tình trạng tài chính hỗn độn như ban đầu, nếu không muốn nói là tệ hơn.

Vấn đề không phải bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn giữ được bao nhiêu tiền và làm cho nó sinh sôi nảy nở như thế nào. 

Giống như trồng một cái cây. Ban đầu bạn sẽ phải mất rất nhiều công sức để chăm bón nó, khi rễ cây đã đâm sâu vào lòng đất, cái cây đã đủ lớn để tự mình phát triển, bạn sẽ không cần phải tốn công chăm bón nữa mà vẫn có thể được hưởng những mùa quả ngọt lành.

Quy luật quan trọng: Phân biệt được TÀI SẢN với TIÊU SẢN

Định nghĩa đơn giản: Tài sản bỏ tiền vào túi, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi.

Ví dụ một số tài sản thực sự:
  • Những việc kinh doanh không cần sự có mặt của bạn. Chẳng hạn bạn sở hữu một cơ sở kinh doanh, nhưng người khác quản lý và vận hành
  • Cổ phiếu
  • Ngân phiếu
  • Trái phiếu
  • Bất động sản phát sinh thu nhập
  • Giấy cho vay
  • Tiền bản quyền sở hữu chất xám như âm nhạc, kịch bản, bằng sáng chế,...
  • Và bất cứ thứ gì có giá trị, tạo ra thu nhập hay có khả năng tăng giá và có sẵn trên thị trường.
Đối với nhiều người, một ngôi nhà là sự đầu tư lớn nhất của họ, dù rằng nó không phải là một tài sản mà là một tiêu sản, vì nó làm cho tiền ra khỏi túi nhiều hơn, cụ thể:

1/ Hầu hết mọi người phải làm việc suốt đời để trả tiền cho một ngôi nhà mà họ không bao giờ thực sự được sở hữu.
2/ Nhà cửa không phải lúc nào cũng tăng giá.
3/ Nếu bạn đầu tư toàn bộ tiền bạc cho ngôi nhà, bạn bị buộc phải làm việc vất vả hơn để trả nợ và trả các chi phí phát sinh từ ngôi nhà. Bạn mất đi vốn, mất đi những cơ hội để rèn luyện trở thành một nhà đầu tư. 

Tác giả không có ý nói bạn đừng mua nhà. Nhưng khi muốn có một căn nhà, đầu tiên bạn phải mua một số tài sản để có thể phát sinh vòng quay tiền mặt đủ trả cho ngôi nhà ấy đã.

Một khi bạn đã hiểu được những khác biệt giữa tài sản và tiêu sản, hãy tập trung mọi nỗ lực để mua được những tài sản có khả năng phát sinh thu nhập. Cố gắng giảm tiêu sản và chi phí xuống, bạn sẽ có nhiều tiền hơn để đổ vào tài sản. 

Thật ra việc đầu tư không hề mạo hiểm. Chính sự thiếu nhanh nhạy về tài chính và thiếu kiến thức tài chính đơn giản mới là nguyên nhân gây ra sự mạo hiểm. 

Nguồn thu nhập duy nhất của giai cấp trung lưu là tiền lương. Sinh kế của họ phụ thuộc vào các ông chủ. Họ phải bám lấy công việc vì họ muốn được an toàn.

Nếu bạn làm theo những điều mà đa số mọi người thường làm, nói chung công việc của bạn sẽ như thế này:

1/ Nuôi chủ. Những nỗ lực và thành công của bạn sẽ giúp cho người chủ thành công hơn và có nhiều tiền hơn.
2/ Nuôi chính quyền. Khi cố gắng làm việc chăm chỉ hơn, bạn đang làm gia tăng số thuế phải nộp cho chính quyền.
3/ Nuôi ngân hàng. Sau khi trả thuế, chi phí lớn nhất kế tiếp thường là những món nợ tín dụng. 

Vấn đề là khi bạn cố gắng làm việc chăm chỉ hơn thì ba giới trên sẽ lấy đi một phần chia lớn hơn trong những nỗ lực của bạn. Bạn phải học cách làm thế nào để các nỗ lực của bạn có thể làm tăng lợi nhuận trực tiếp cho bản thân và gia đình mình.

Bài học 3: Hãy nghĩ đến việc kinh doanh của mình

Những khó khăn tài chính thường là kết quả trực tiếp do người ta suốt đời phải làm việc cho người khác. Sau những chuỗi ngày làm việc vất vả, nhiều người không có được gì cả.

Hệ thống giáo dục hiện tại tập trung vào việc chuẩn bị cho thanh niên có một việc làm tốt bằng cách phát triển những kỹ năng sách vở. Suốt đời họ quan tâm đến việc kinh doanh của một người nào khác và giúp cho người đó giàu lên.

Muốn được an toàn tài chính, một người cần phải nghĩ đến việc kinh doanh riêng của mình.

Bài học 4: Phải có Trí Thông Minh Tài Chính

Hãy xây dựng cho mình Trí Thông Minh Tài Chính, gồm những kiến thức từ bốn lĩnh vực chuyên môn sau:

1. Kế toán. Khả năng đọc và hiểu được các bản kê tài chính. Khả năng này cho phép bạn nhận biết mặt mạnh và mặt yếu của bất cứ một công ty kinh doanh nào.

2. Đầu tư

3. Hiểu biết thị trường, hay ngành khoa học của cung và cầu.

4. Hiểu biết luật pháp, tận dụng những lợi thế về Thuế dành cho Doanh nghiệp.

Đối với người lao động, khi họ kiếm được tiền, họ phải trả thuế cho chính phủ trước, sau đó mới được dùng số tiền còn lại để chi trả cho cuộc sống.

Nhưng nếu bạn thành lập một công ty, bạn chỉ phải trả thuế trên lợi nhuận. Tức là bạn kiếm tiền, chi trả mọi thứ và chỉ bị đánh thuế trên số còn lại. Bạn có thể hợp thức hóa, biến mọi khoản chi thành chi phí của công ty: chuyến đi nghỉ dưỡng ở Hawaii có thể là những kỳ họp; tiền mua xe, bảo hiểm, ăn nhà hàng,... đều là chi phí của công ty. 

Tóm lại, Trí Thông Minh Tài Chính được tạo ra nhờ 4 kỹ năng: đọc hiểu các con số, đầu tư, hiểu biết về cung cầu của thị trường, hiểu biết luật pháp.

Bài học 5: Hãy táo bạo trong đầu tư

Thông thường trong cuộc sống, không phải thông minh mà chính sự táo bạo sẽ giúp bạn vượt lên. Năng lực tài chính đòi hỏi cả kiến thức kỹ thuật lẫn sự can đảm. 

Có rất nhiều người phải vật lộn với cuộc sống, thường thì họ cố làm việc chăm chỉ hơn, đơn giản vì họ muốn mọi thứ đều theo lệ thường, họ phản đối các thay đổi. Nếu họ bị mất việc hay mất nhà, họ đổ thừa mọi thứ cho công nghệ, cho nền kinh tế hay cho ông chủ. Những suy nghĩ lỗi thời chính là tiêu sản lớn nhất của họ. 

Trong chương này, tác giả kể những phi vụ đầu tư của bản thân để minh họa cho sự táo bạo trong đầu tư.

Một trong những phi vụ đó là vào năm 1989, khi chạy bộ ở Portland, Oregon, tác giả Kiyosaki nhìn thấy nhiều tấm bảng bán nhà. Lúc ấy thị trường gỗ đang rất khủng khiếp, thị trường chứng khoán vừa suy sụp và kinh tế bị đình trệ. Kiyosaki thấy một tấm bảng rất cũ kỹ, có vẻ như đã treo lâu lắm rồi, tín hiệu này cho thấy chủ nhà sẽ dễ dàng chấp nhận mức giá thấp hơn mức mong đợi vì đã rao bán lâu rồi mà chưa bán được. Ông liên hệ với chủ nhà và mua được căn nhà với giá rẻ hơn 20.000$ so với giá trị thực. Sau khi mua được nhà, ông liền cho thuê. Mỗi tháng thu về 40$ tiền thuê nhà. Một năm sau, thị trường BĐS đình trệ ở Oregon bắt đầu hồi phục. Ông bán ngôi nhà với giá 95.000$, lời 40.000$ so với lúc mua.

Bài học 6: Hãy làm việc để học, đừng làm việc vì tiền

Khi nói đến tiền bạc, kỹ năng duy nhất mà hầu hết người ta biết chỉ là làm việc chăm chỉ. Nếu bạn chỉ làm việc chăm chỉ, bạn sẽ không bao giờ tiến xa được. Thế giới đầy những con người tài năng nhưng nghèo khổ. Họ tập trung vào việc hoàn thiện các kỹ năng để làm một chiếc bánh hamburger ngon, hơn là kỹ năng bán và phân phối chiếc bánh hamburger đó. Có thể McDonald's không làm nên chiếc bánh ngon nhất, nhưng họ có thể bán và phân phối những chiếc bánh trung bình tốt nhất.

Hãy tìm việc vì những gì sẽ được học, hơn là những gì sẽ kiếm được.

Tác giả Robert Kiyosaki thiên về sự tổng quát hóa hơn là chuyên môn hóa. Đối với ông, một nhân viên nên được chuyển từ phòng này sang phòng khác để học mọi khía cạnh trong hệ thống kinh doanh, để có kiến thức tổng quát về việc kinh doanh và sự tương quan giữa các phòng ban khác nhau. Bản thân ông cũng vậy. Ông học ĐH Hàng hải, sau khi tốt nghiệp thì trở thành sĩ quan hàng hải với một mức lương tốt và nhiều cơ hội thăng tiến. Nhưng sau khi đã học được về thương mại quốc tế, ông xin nghỉ làm để đi học lái máy bay, mục đích thực sự của ông là học cách lãnh đạo một tổ chức. Sau đó ông lại xin làm nhân viên bán hàng của một công ty có chương trình huấn luyện bán hàng tốt nhất nước Mỹ để trau dồi kỹ năng bán hàng. Sau khi đã trở thành một trong năm người bán hàng giỏi nhất, ông lại thôi việc và chuẩn bị thành lập công ty đầu tiên của mình.

Bài học 7: Vượt chướng ngại vật

Có năm lý do cốt yếu giải thích tại sao nhiều người hiểu biết về tài chính nhưng vẫn không thể phát triển được tài sản lớn:
  1. Sự lo sợ
  2. Sự hoài nghi
  3. Sự lười biếng
  4. Những thói quen xấu
  5. Tính kiêu ngạo
Vượt qua nỗi lo sợ bị mất tiền

Nỗi lo bị mất tiền là rất thực tế. Nhưng nỗi lo không phải vấn đề. Vấn đề là bạn xử lý nỗi lo đó như thế nào, xử lý các sai lầm như thế nào. Đó chính là điều làm nên sự khác biệt trong cuộc sống mỗi người. Khác biệt chủ yếu giữa người giàu và người nghèo chính là cách họ điều khiển nỗi sợ đó.

Thực ra nếu bạn không muốn mạo hiểm đầu tư, bạn vẫn có thể chọn cách tiết kiệm. Nếu bắt đầu lúc còn trẻ, bạn sẽ rất dễ làm giàu từ việc tiết kiệm, nhờ vào lãi kép. Để thành công nhờ tiết kiệm, bạn phải bắt đầu từ sớm, phải có kế hoạch chuẩn bị cho quỹ hưu trí và phải kỷ luật để kiên trì tiết kiệm. Nhưng nếu bạn không còn nhiều thời gian nữa hoặc nếu bạn muốn được nghỉ hưu sớm hơn thì sao? Bạn có thể chọn đầu tư. Nhưng bạn lại sợ mất tiền.

Với hầu hết mọi người, lý do họ không thành công về tài chính là vì nỗi đau bị mất tiền còn lớn hơn rất nhiều so với niềm vui được giàu có. "Mọi người đều muốn lên thiên đường nhưng không ai muốn chết". Hầu hết mọi người đều mơ được trở nên giàu có, nhưng lại rất sợ phải mất tiền. Vì vậy mà họ không bao giờ giàu lên được. 

Nếu bạn thực sự khao khát được giàu có, bạn phải có sự tập trung. Hãy đặt nhiều quả trứng vào ít rổ thôi. Đừng đặt thật ít trứng vào nhiều rổ.

Dấn vốn cho tài sản là một trò chơi đòi hỏi rất nhiều sự can đảm, kiên nhẫn và một thái độ hào hiệp khi thất bại. Những người thua trận luôn né tránh thất bại. Nhưng thất bại lại biến người thua trận thành người chiến thắng. Trong cuộc sống, chiến thắng thường đi sau sự thất bại. Nên nhớ trước khi có thể biết đi, chúng ta đã bị ngã rất nhiều lần. 

Vượt qua sự hoài nghi

Tất cả chúng ta đều có những mối nghi ngờ: "Tôi không khôn ngoan", "Tôi không đủ khả năng", hoặc "Điều gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế bị khủng hoảng ngay sau khi tôi bỏ tiền đầu tư?", "Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi thứ không theo kế hoạch?"... 

Trong lòng chúng ta có một cảm giác khủng khiếp, đến độ chúng ta không tiến được lên phía trước. Vì vậy mà ta đứng lại với những gì an toàn và để cơ hội vuột qua.

Tháng 12/1996, tác giả Robert Kiyosaki cùng một người bạn đi ngang qua một trạm xăng và thấy bảng thông báo giá dầu tăng. Người bạn của tác giả thì ưu tư và lo lắng trước thông tin này. Còn tác giả ngay lập tức lao vào tìm kiếm và phát hiện ra một công ty dầu tiềm năng. Ông mua 15.000 cổ phiếu của công ty này với giá 65 xu/cổ phiếu. Tháng 2/1997, hai người lại đi ngang qua trạm xăng và thấy rằng xăng đã tăng lên gần 15%. Người bạn kia lại tiếp tục lo lắng và phàn nàn. Còn tác giả thì mỉm cười vì số cổ phiếu đã tăng giá trị lên 3$/cổ phiếu.

Sự lười biếng

Nếu chúng ta không bận làm việc hay bận rộn với con cái, chúng ta thường xem tivi, câu cá, lướt mạng xã hội hoặc đi mua sắm. Chúng ta lười biếng bằng cách giữ cho mình bận bịu.

Cách điều trị bệnh lười biếng là: một chút tham lam. Tham lam ở đây nghĩa là khao khát có được những điều tốt hơn. 

Hãy đặt câu hỏi "Làm thế nào để mua được vật đó?", hoặc "Làm thế nào để tôi không cần phải làm việc đầu tắt mặt tối nữa?". Đầu óc bạn sẽ bắt đầu đưa ra những câu trả lời và các giải pháp. Những câu hỏi này sẽ mở ra triển vọng, sự hứng thú và niềm mơ ước. Như thế mới tạo ra một đầu óc mạnh mẽ và một tinh thần năng động.

Thói quen xấu

Đa số mọi người có thói quen "trả lương cho bản thân sau cùng". Tức là khi có lương, chúng ta sẽ đóng thuế, trả nợ, thanh toán các loại chi phí, còn dư bao nhiêu mới tiết kiệm hoặc đầu tư vào bản thân. 

Thực tế, thói quen tốt nên là "luôn trả lương cho mình trước". Khi có lương, hãy dành một khoản cho bản thân để tiết kiệm hoặc đầu tư. Sau khi trả lương cho mình xong, áp lực trả thuế và trả cho các chủ nợ sẽ buộc chúng ta phải tìm kiếm những dạng thu nhập khác. Nói cách khác, áp lực trả nợ trở thành động lực buộc chúng ta phải nghĩ ra những cách mới để kiếm thêm tiền. Sau đó bạn sẽ tăng khả năng kiếm tiền cũng như trí thông minh tài chính của mình lên. Nếu chúng ta trả lương cho mình sau, chúng ta sẽ không bị áp lực nào cả, nhưng chúng ta sẽ khánh kiệt.

-----

Trên đây là những nội dung, những bài học hay nhất mình rút ra được từ cuốn sách "Dạy con làm giàu (Tập 1)" của tác giả Robert Kiyosaki.

Cảm giác của mình sau khi đọc xong "Dạy con làm giàu (Tập 1)" là cảm giác trộn lẫn giữa tâm đắc và mơ hồ. Tâm đắc vì mình biết là nhiều điều trong cuốn sách này nói rất đúng, mơ hồ vì đọc xong mình cũng chưa biết bắt đầu từ đâu, cụ thể thế nào để thay đổi tình trạng của bản thân. 

Mình đã định trách móc tác giả rằng viết những điều quá lý thuyết, thì đọc đến trang gần cuối tác giả phủ đầu mình luôn: "Nhiều người không thỏa mãn với những cách trên của tôi. Họ thấy chúng có vẻ triết lý hơn là hành động. Hiểu được triết lý cũng quan trọng như hành động vậy".

Nếu bạn muốn hành động, sau đây là những điều bạn nên hành động sau khi đọc xong "Dạy con làm giàu (Tập 1)":
  • Hãy ngừng làm những gì bạn đang làm. Hãy ngưng những gì không tiến triển và tìm xem có gì mới để làm không. Bạn không thể cứ làm cùng một việc nhưng lại mong có được một kết quả khác.
  • Hãy tìm kiếm những ý tưởng mới. Để có những ý tưởng đầu tư, bạn có thể tìm sách để đọc. 
  • Hãy tìm một người đã từng làm những gì bạn muốn làm. Rủ họ đi ăn trưa. Hỏi họ những mẹo về kinh doanh. 
  • Hãy tham gia khóa học, hội nghị, chuyên đề về những điều mình muốn học.
  • Bạn phải tiếp cận thị trường, nói chuyện với nhiều người, trả giá nhiều, thương lượng, phản đối và chấp nhận. 
Hành động luôn chiến thắng sự không hành động. Hãy hành động ngay bây giờ! Bạn và tương lai của con bạn sẽ được quyết định bởi những lựa chọn của ngày hôm nay chứ không phải của ngày mai.

--

Mua sách "Dạy con làm giàu (Tập 1)": https://s.shopee.vn/AKGuhNYGJs
Xem video review sách "Dạy con làm giàu (Tập 1)" trên YouTube: https://youtu.be/ov4JQb4_rRc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét