"Muôn kiếp nhân sinh" là một trong những cuốn sách nhận nhiều ý kiến trái chiều từ độc giả, khen rất nhiều mà gạch đá thì cũng vô vàn. Mình đã đọc "Muôn kiếp nhân sinh" với một tinh thần vô tư nhất có thể, nghĩa là cố gắng không có định kiến gì về nó, đọc với tâm thế không biết nội dung cuốn sách là gì hay tác giả là ai (mà đúng là mình không biết thật, mình chỉ thấy trên mạng người ta khen và chê nó quá trời thôi).
Theo mình, cuốn sách "Muôn kiếp nhân sinh" là một nỗ lực lớn của tác giả Nguyên Phong trong ba việc: (1) giải thích nguồn gốc của con người, (2) trình bày về tác động của khoa học công nghệ đối với thế giới, (3) dự đoán tương lai của nhân loại.
Chủ đề chính của "Muôn kiếp nhân sinh" là nhấn mạnh tầm quan trọng của hai quy luật vũ trụ: Luật Luân hồi và Luật Nhân quả. Cuốn sách có mục đích giúp con người nhận ra điều gì là quan trọng, cần phải làm gì để cuộc sống và thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Tác giả đã thực hiện mục đích đó bằng hình thức kể chuyện.
Trong một chuyến bay vào vũ trụ, ông Mitchell bỗng dưng có một cảm giác bình an lạ lùng không thể diễn tả, đó là cảm giác hòa hợp với vũ trụ, không còn cảm thấy sự phân biệt giữa bản thân mình và vạn vật nữa. Ông luôn thắc mắc về cảm giác này và cố gắng tìm lời giải đáp thông qua sách vở khoa học, sách vở tôn giáo của phương Tây và những học giả thông thái, nhưng không tìm được.
Sau đó Phi hành gia Mitchell có dịp trao đổi với một người gọi là Hòa thượng Thánh Nghiêm. Hòa thượng Thánh Nghiêm cho biết: Cảm giác đó là một trải nghiệm tâm linh nằm trong phạm trù của tôn giáo mà khoa học không thể giải thích. Đó chỉ là một trải nghiệm có tính chất duyên căn cá nhân. Ai uống nước thì tự mình biết nóng hay lạnh. Trong trường hợp của ông, chỉ mình ông cảm nhận được sự an lạc hòa hợp cá nhân vào vũ trụ. Các phi hành gia khác cũng ở trong phi thuyền nhưng không có được trải nghiệm giống như ông. Nếu nói theo khoa học thì một khi ông cảm nhận được điều gì, tất cả những người khác cũng đều phải thấy như thế. Tóm lại, đây là điều mà khoa học không thể giải thích hay chứng minh, vì nó nằm ngoài phạm trù của khoa học.
Sau đó, cuộc trò chuyện dần dần dẫn đến luật Luân hồi và Nhân quả.
Tuy tác giả nói đó là "một câu chuyện có thật của một chuyên gia tài chính nổi tiếng và giàu có ở Mỹ", nhưng khi đọc thì chắc sẽ hiếm ai tin đó là sự thật, cảm giác như đang đọc tiểu thuyết hư cấu, hoặc ai phải có đời sống tâm linh phong phú lắm thì mới tin được. Đó là câu chuyện của người đàn ông tên Thomas có cơ hội nhớ được hai tiền kiếp của mình, một kiếp ông là y sĩ tài giỏi của Atlantis, là người thuộc đẳng cấp cao, được xã hội kính trọng, một kiếp khác thì ông là Pharaoh của Ai Cập.
-----
Theo cá nhân mình, "Muôn kiếp nhân sinh" không dở, không đến nỗi phải ném gạch đá, nhưng nó cũng không thể gọi là hay và khiến mình tâm đắc, muốn đọc lại hoặc muốn giới thiệu đến người khác.
Nó không dở bởi vì chủ đề về tiền kiếp cũng mới lạ đối với mình và một số độc giả, nên có thể vẫn thu hút và giữ chân được người đọc.
Nhưng "Muôn kiếp nhân sinh" không hay ở hai điểm sau:
Một, quá nhiều thoại gây ngộp cho độc giả. Trong cuốn sách dày gần 400 trang mà toàn thoại, tuy hình thức là đối thoại, nhưng thực chất hầu hết là độc thoại. Nội dung lời thoại thì một là kể lể, hai là giáo điều, gây cảm giác bị dạy đời, đôi lúc đọc hơi mệt mỏi.
Hai, nội dung của sách là những điều không thể hoặc rất khó kiểm chứng, nên người đọc không biết phản biện như thế nào. Có một số thông tin tác giả đưa ra còn khiến mình bị lú, trong đầu chỉ biết nhảy ra muôn vàn dấu chấm hỏi.
Ví dụ:
Ở trang 130 nói về Luật Nhân quả, tác giả viết rằng: Kẻ hung dữ thường tái sinh thành con vật bị đánh đập tàn nhẫn để học bài học về sự đau khổ mà họ đã gây ra cho người khác.
Nếu căn cứ vào quan điểm này, mấy em chó, em mèo bị ngược đãi mà chúng ta thấy thì kiếp trước là người ăn ở độc ác, hung dữ hả?
Chúng ta không biết chắc sự việc đang diễn ra là nhân hay quả, nhưng chắc chắn hành động tiếp theo của chúng ta trên sự việc đó sẽ là nhân hoặc quả. Sự việc một bé chó bị bạo hành dã man có thể là nghiệp của em chó đấy phải trả ở kiếp này do kiếp trước đã làm ác, nhưng cũng có thể đó là cái nhân đầu tiên của người ta gieo cho em, trước đó giữa hai đối tượng chưa từng có nghiệp - quả nào. Giải thích như vầy còn dễ nghe, chứ nói như tác giả - khẳng định nếu con chó bị bạo hành thì nghĩa là kiếp trước nó là người hung dữ thì nó cứ sai sai sái sái, khó chấp nhận lắm.
Trang 172, 173, 177 nói về việc chuyển kiếp là những trang khiến mình lú nhất:
Theo tác giả thì mấy loài thú được thuần hóa, sống gần con người thì sẽ dễ được thoát kiếp thú để chuyển thành người hơn, tùy thuộc vào những người mà loài thú này gần gũi. Nếu những con thú được đối xử tốt, thương yêu, chúng sẽ phát triển tình thương và sự thông minh, mau chóng chuyển sang kiếp người. Nhưng nếu loài thú bị đối xử khắc nghiệt, bị đánh đập tàn nhẫn thì phải trải qua nhiều kiếp nữa mới có thể thoát kiếp thú thành người.
Chó là loài dễ được chuyển kiếp thành người nhất vì tụi nó thông minh nhất, yêu thương chủ vô điều kiện, sẵn sàng hy sinh vì chủ.
Thú rừng cũng có thể thành người, nhưng mang thân xác của những con người man rợ, thấp kém, sống trong những bộ lạc sơ khai, thú tính dã man, hoặc là những kẻ trì độn, lười biếng, ngu si, tham lam, hung dữ.
Những người trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người khác thì kiếp sau thường tái sinh vào những nơi bần cùng nghèo khổ.
??? Cứu tôi, cứu tôi!!
Dựa vào những quan điểm trên của tác giả, chúng ta sẽ dễ dàng giải thích được tại sao trên đời này lại có người nghèo, có sự đau khổ, dốt nát, nhưng không dễ gì chấp nhận cách giải thích này. Như mình đã nói ở trên, chưa chắc sự việc hiện tại là quả, có thể nó mới bắt đầu là nhân thôi, chắc gì người ta nghèo khổ là tại kiếp trước người ta trộm cắp, biết đâu đây mới là kiếp sống đầu tiên của người ta. Mình thật sự không thể thẩm thấu nổi mấy câu này trong sách. Bạn cảm nhận như thế nào hoặc muốn phản biện gì về những thông tin này, hãy bình luận cho mình biết với nhé.
👀
Trên đây là một số câu, ý trong "Muôn kiếp nhân sinh" mà mình thấy rất khó nuốt, khó tiêu. Nếu không tính đến những câu khó hiểu này thì "Muôn kiếp nhân sinh" vẫn là một cuốn sách có câu chuyện thú vị và một số thông tin hữu ích.
Và sau đây là 9 nội dung đắt giá nhất mà mình đúc kết được từ cuốn sách "Muôn kiếp nhân sinh".
-----
1. Luật Luân hồi:
Con người dù sống ở nơi nào cũng đều đang trên lộ trình quay về với cội nguồn thiêng liêng. Con đường này kéo dài qua nhiều kiếp sống, gọi là luân hồi. Cuộc đời chúng ta trải qua hiện nay chỉ là một phần nhỏ của một đời sống kéo dài hàng trăm ngàn năm. Chúng ta chết đi và đầu thai trong kiếp sống khác. Trong mỗi kiếp, chúng ta phải học một số bài học để trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta sống để học hỏi, thu thập kinh nghiệm để tiến tới sự hiểu biết thật sự, để biết mình thật sự là ai, để biết mối liên hệ giữa chúng ta và những người khác, để biết về những quy luật của sự sống và vũ trụ.
Luật Luân hồi khác với thuyết Tiền định cho rằng mọi sự hay số mạng đều được định trước bởi một "đấng cao cả" nào đó, con người không có quyền tự do quyết định số phận của mình. Theo Luật luân hồi thì đời sống con người tốt xấu ra sao là do chính họ tạo nên qua nhiều kiếp sống. Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng là do chính cá nhân đó tạo ra cho chính mình chứ chẳng phải ai trừng phạt hay ban thưởng gì cho họ.
Khi xưa, con người có đức tin nên tôn giáo giúp cho họ học rất nhanh những gì cần học. Ngày nay, người ta đa số có tính nghi ngờ, chỉ nghe những gì họ muốn được nghe và bỏ qua những gì họ không thích. Do đó, họ thường hành động theo ý thích của mình, bất chấp hậu quả, nên sẽ còn phải học rất nhiều.
2. Luật Nhân quả:
Luật này nói rằng mọi tư tưởng, lời nói hay hành động phát xuất từ con người sẽ tạo ra những kết quả, xấu hoặc tốt, trong tương lai. Những gì xảy ra cho chúng ta trong đời sống hiện tại đều là quả của các nhân đã gieo trồng từ trước. Chúng ta là người tạo ra số phận của chính mình. Tất cả chúng ta trong mỗi giây phút đều có cơ hội để gieo trồng hay gây nhân cho chính mình. Nhân tốt hay xấu đều do ta tạo ra, và khi nào nó trổ quả còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác nữa.
Do sự chi phối của những động lực trong vũ trụ qua Luật Luân hồi và Nhân quả mà người này gặp gỡ người kia. Có khi là nợ, có khi là duyên, có khi gặp nhau để trả nợ, có khi gặp nhau để nối lại duyên xưa. Biết bao việc xảy ra trong đời tưởng như ngẫu nhiên nhưng thật ra đã được xếp đặt từ trước do nhân duyên để đem lại kết quả nào đó.
3. Cách để sống tốt trong cuộc sống hiện đại:
Hiện nay nhiều người làm việc vì phải làm chứ không phải thích làm, không tìm được nguồn vui trong công việc nên cảm thấy mệt nhọc, chán nản. Nếu biết tìm nguồn vui trong mọi hành động thì cuộc sống là một ân sủng chứ không phải là một sự ép buộc. Ngày nay đa số mọi người đều bận rộn quay cuồng vì chịu ảnh hưởng của các sản phẩm công nghệ: Nhắn tin, xem tivi, lướt Facebook,... Do đó không thấy bình an trong tâm hồn nữa, lúc nào cũng căng thẳng, mất đi sự hồn nhiên, số người bệnh thần kinh gia tăng, đa số người trẻ đều mắc chứng suy nhược tinh thần.
Muốn sống thoải mái, con người phải vận động, nghỉ ngơi đúng nghĩa đầy đủ, tránh nuôi dưỡng cảm xúc tiêu cực, quan tâm đến hơi thở, nuôi dưỡng lòng biết ơn.
Con người cần phải rèn luyện sự quân bình, tức là không bất động - lười biếng, thụ động, cũng không náo động - hoạt động quá mức, tham lam, vơ vét. Quân bình là biết thản nhiên với thành công cũng như thất bại, trong lúc vui cũng như buồn, trong khi vinh cũng như nhục, trong tình thương cũng như oán hận. Không tìm kiếm hành động khi nó không đến, không từ chối hành động khi nó xảy ra, mà vui vẻ hành động khi bổn phận bắt buộc và bình thản trước mọi kết quả.
4. Quan điểm của tác giả về việc ăn chay:
Con người đối xử tàn ác, là nguyên nhân gây ra đau khổ cho loài vật. Con người giăng lướt bắt cá, đặt bẫy bắt chim, lột lông thú để làm quần áo, săn bắn để giải trí.
Giống như con người khi lo lắng thì tiết ra những hóa chất độc hại làm chua bụng, mất ngủ,... khi súc vật bị giết, chúng sợ hãi và cơ thể cũng tiết ra chất độc. Nếu con người tiêu thụ những chất độc đó thì không tốt cho cơ thể. Trong một thời gian rất ngắn, số người mắc bệnh gia tăng theo cấp số nhân, từ đau bụng đến đau tim, ung thư, đột quỵ... Quan trọng hơn, nếu chỉ hấp thụ toàn năng lượng loài vật như thế thì sẽ bị chuyển hóa thành loài thú ở những kiếp sau.
Ở phần này, tác giả Nguyên Phong nói không sai nhưng phân tích chưa đủ sâu sắc. Nếu mọi người muốn tìm hiểu rõ hơn về tác hại của việc ăn thịt và muốn hướng đến cuộc sống thuần chay, mình giới thiệu với mọi người cuốn sách "Thức ăn vì thế giới hòa bình" của tiến sĩ triết học Will Tuttle. Trong cuốn sách này, tác giả đưa ra rất nhiều lập luận, dẫn chứng hùng hồn về việc ăn thực phẩm động vật là có hại cho sức khỏe thể chất, tâm linh, gây hại cho môi trường. Chốt lại, tác giả mong mỏi con người sẽ hướng tới việc chỉ sử dụng thực phẩm thực vật để không gây đau khổ cho bất cứ con vật nào, cũng như để bảo vệ sức khỏe bản thân (cả về thể xác lẫn tâm linh), bảo vệ môi trường, hướng tới sống hòa hợp với tự nhiên (chứ không phải khai thác, chinh phục tự nhiên). Xem video review sách tại đây.
5. Tầm quan trọng của tình yêu thương
Không có gì cần thiết cho con người hơn là tình yêu thương. Thỏa mãn nhu cầu ăn uống cho trẻ nhỏ là chưa đủ, tình thương mới giúp chúng có sức mạnh và đề kháng chống lại bệnh tật. Những đứa trẻ thiếu tình thương rất dễ mắc bệnh, chậm lớn. Khi lớn lên dễ thành kẻ phạm tội, hung ác, vô cảm và ích kỷ. Nó không thể thương ai được nếu như trước giờ nó chưa hề được ai thương. Đầu óc của chúng sẽ chỉ giới hạn trong những mối lợi nhỏ nhen, những thú vui vật chất tầm thường, những thói tham lam, ích kỷ.
Tình thương là một loại năng lực sáng tạo có thể làm chuyển hóa tất cả mọi thứ, chữa lành mọi bệnh tật. Với tình thương, người trao yêu thương và kẻ được thương yêu đều trở nên sung sướng. Tình thương là một thứ ai cũng có thể cho đi mà không bao giờ sợ phung phí.
Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của tình yêu thương đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ nhỏ, đừng ngần ngại tìm hiểu những cuốn sách viết về các vấn đề tâm lý nảy sinh khi đứa trẻ bị thiếu thốn tình thương:
6. Cách thực hành tâm linh đúng đắn:
"Hãy quay vào bên trong nội tâm, ngươi sẽ gặp Ta"
Đây là câu mà Đấng Thái Dương đã nói với nhân vật Pharaoh trong cuốn sách "Muôn kiếp nhân sinh". Đấng Thái Dương không hề ngự trị trong những đền thờ to lớn, Ngài luôn an ngự trong tâm trí và trong lòng tất cả mọi người.
"Đấng Thái Dương" là một vị thần được thờ phượng trong tôn giáo Ai Cập được nhắc đến trong sách "Muôn kiếp nhân sinh", nhưng tùy vào tôn giáo của chúng ta mà chúng ta có thể hiểu "Đấng Thái Dương" là ai. Nếu theo đạo Công giáo thì "Đấng Thái Dương" là Thiên Chúa, theo đạo Phật thì "Đấng Thái Dương" là Phật, v.v..
Tóm lại thì chúng ta chỉ có thể tìm được bình an khi hướng vào nội tâm của mình, đừng hướng ra bên ngoài.
Truyền thống tâm linh nào cũng chia làm hai phần: công truyền và bí truyền. Đối với các giáo sĩ tu tập theo phương pháp bí truyền thì họ quay vào bên trong để tìm hiểu chính mình qua các phương pháp tu tập nội quán. Do đó, đa số tìm đến những nơi thâm sâu, hoang vắng để tu tập chứ không mấy ai sống trong các đền thờ ồn ào, phức tạp.
Với các giáo sĩ tu tập theo giáo lý công truyền thì họ lại hướng ra bên ngoài, chỉ giảng dạy những gì có lợi cho họ. Thay vì giúp con người học hỏi để tiến bộ thì họ lại đánh lạc hướng mọi người với những lời hứa hẹn hòng bảo vệ quyền lợi cá nhân. Biến các quy luật tự nhiên thành một thứ luật pháp khắt khe đầy những áp chế, đe dọa.
7. Hướng dẫn Thiền đúng cách:
- Ngồi thoải mái.
- Giữ thẳng thân người để luồng sinh khí chạy đều trong cột sống.
- Tĩnh tâm để cho đầu óc thoải mái, không cần cố gắng hít thở làm cho phổi và tim hoạt động bất bình thường (Đây là điều mình thấy cuốn sách này khác biệt so với những chỉ dẫn khác về thiền. Phần lớn hướng dẫn mình biết đều hướng dẫn tập trung vào hơi thở khi thiền, còn tác giả Nguyên Phong cho rằng chỉ cần để đầu óc thoải mái chứ không cần tập trung vào điều gì, kể cả hơi thở).
- Nên thiền vào lúc sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu mọc. Không nên tập sau bữa ăn hay trong đêm khuya.
8. Quan điểm của tác giả về sự phát triển khoa học và công nghệ:
Tuy không phủ nhận giá trị hay lợi ích của các sản phẩm khoa học công nghệ hiện nay, nhưng theo tác giả Nguyên Phong thì tất cả sản phẩm khoa học công nghệ hiện nay chưa hoàn toàn phục vụ cho con người vì chúng được tạo ra bởi những người chưa có đủ sự hiểu biết về hậu quả của việc họ làm.
Ví dụ như việc phát minh ra thuốc súng đã châm ngòi cho những cuộc chiến tranh khốc liệt. Sự tiến bộ của khoa học về nguyên tử đưa đến thảm họa chiến tranh hạt nhân. Những món đồ công nghệ hiện đại như smartphone đang rút hết sinh lực và trí thông minh của con người, khiến con người ngày càng bị xao lãng. Video game thì dạy cho người trẻ những hành vi kỳ lạ, khác thường, học cách bắn giết, cướp bóc trong những cuộc phiêu lưu của thế giới ảo, dần trở nên dửng dưng vô cảm, không có trách nhiệm với thế giới chung quanh. Sự tiến bộ của trí thông minh nhân tạo thì vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Tác giả cho rằng: Khoa học mà không có lương tâm, công nghệ mà không có trách nhiệm thì chỉ mang lại thảm họa cho nhân loại sau này.
Nếu chưa thể làm chủ được mình thì phải biết tự giới hạn, đừng để tham vọng chi phối, điều khiển. Muốn sở hữu quyền năng siêu nhiên thì phải trải qua những giai đoạn tu tập phát triển đức tính hy sinh, nhẫn nại để kiểm soát chính mình. Tập tính hy sinh bằng cách từ bỏ những ham muốn mà mọi người thường muốn, chỉ làm những gì có lợi cho người khác, cho người khác những gì tốt nhất, làm những điều mà không ai muốn làm.
9. Nguồn gốc của con người và Tương lai của nhân loại
Mỗi thời đại đều cố gắng giải đáp câu hỏi này theo quan niệm và nền tảng giá trị thịnh hành vào thời đó. Khi xã hội thay đổi, khoa học tiến bộ, nền tảng giá trị thay đổi, thì các quan niệm, lập luận cũng thay đổi theo. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một lý thuyết nào có giá trị lâu dài. Ví dụ, thời xưa mọi người tin có một Đấng tạo ra vạn vật, bao gồm con người. Sau đó mọi người lại tin Thuyết Tiến hóa của Darwin, cho rằng loài người bắt nguồn từ những sinh vật đơn bào, dần tiến hóa thành những loài phức tạp hơn, cuối cùng trở thành loài người.
Theo các nhà khoa học thì nền văn minh của chúng ta ngày nay là kết quả của sự tiến hóa từ thấp lên cao, từ man rợ đến văn minh, chúng ta đang ở trên tột đỉnh. Nhưng từ ngàn xưa, các bậc hiền triết cho rằng mọi sự trên thế giới đều thay đổi theo vòng xoáy, chứ không phải theo đường thẳng. Mỗi vòng là một chu kỳ gồm bốn giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Diệt, trước khi chuyển qua một chu kỳ khác. Mỗi chu kỳ đều có những nền văn minh xuất hiện, phát triển, suy tàn rồi biến mất, nhường chỗ cho nền văn minh khác ở chu kỳ sau. Vào chu kỳ sau, tất cả phải bắt đầu từ con số 0, mỗi chu kỳ đều có những bài học và giá trị riêng, chỉ hữu ích cho con người vào thời đại đó.
Sống cần có mục đích, lòng trắc ẩn, lương tâm chức nghiệp. Trước khi hành động, phải biết nghĩ đến hậu quả của việc mình làm. Cần hiểu rõ luật Nhân quả và chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình. Khi tự tâm có ý thức làm việc tốt, phát tâm tích đức, tạo phúc, cũng có thể tác động giảm, tiêu trừ bớt nghiệp quả.
-----
"Muôn kiếp nhân sinh" là một cuốn sách gần 400 trang, mình đọc mất khoảng 13 tiếng, nhưng thực ra những điều mình có thể chắt lọc được từ nó là rất ít và có thể tóm gọn lại trong một bài viết chỉ mất khoảng 10 phút để đọc. Hy vọng mình đã giúp các bạn tiết kiệm được thời gian.
Bây giờ các bạn và mình cũng chỉ cần nhớ điều quan trọng nhất trong quyển sách này, đó là Luật Nhân Quả. Hãy nhớ rằng mọi tư tưởng, lời nói hay hành động đều sẽ tạo ra những kết quả trong tương lai. Vì vậy, trước khi hành động, phải biết nghĩ đến hậu quả của việc mình làm.
Tóm lại, đối với mình thì "Muôn kiếp nhân sinh" là một cuốn sách không dở cũng chẳng hay, đọc cho biết thôi chứ không có ý định đọc lại hoặc đọc thêm phần 2, phần 3. Bạn đã đọc "Muôn kiếp nhân sinh" chưa? Bạn có ý kiến và cảm nhận như thế nào về cuốn sách này, hãy chia sẻ cho mình và mọi người biết ở dưới phần bình luận nha.
Link mua sách: https://shope.ee/3L5AH0m8Z6
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét