Hôm nay mình đọc xong cuốn sách này và mong muốn tóm tắt lại nội dung để chia sẻ đến cho mọi người. Hãy cùng tham khảo nhé 😉
10 NGHỊCH LÝ CUỘC SỐNG (Kent M. Keith Ph.D.)
Nghịch lý #1: Người đời thường vô lý, không biết điều và vị kỷ. Dù
sao đi nữa, hãy yêu thương họ.
Tình yêu thương là món quà tuyệt vời nhất mà con người có thể dành tặng cho nhau. Cuộc sống không thể trọn vẹn nếu thiếu vắng tình yêu thương. Đừng tự giới hạn cuộc đời mình khi cảm thấy không thể yêu thương người khác, đừng khoanh vùng đối tượng để yêu thương. Tình yêu không phải thứ để mang ra trao đổi, suy tính được mất, thiệt hơn.
Tình yêu là một điều kỳ diệu tạo
nên sức mạnh có thể cảm hóa được con người. Được sống trong tình yêu thương,
con người sẽ trở nên thân thiện, đáng yêu, dễ gần hơn và giảm bớt tính xấu.
Mỗi người trong chúng ta đều có một
quá trình trưởng thành khác nhau và có những trải nghiệm khác nhau, dẫn đến sự
đa dạng về thế giới quan. Cùng một sự vật, hiện tượng, mỗi người ở những góc độ
khác nhau sẽ nhìn nhận sự vật hiện tượng đó ở những khía cạnh khác nhau.
Đừng đánh mất ý nghĩa cuộc sống
khi giới hạn tình yêu thương của mình đối với mọi người. Con người chúng ta
không ai tốt hơn hay xấu hơn ai cả, chỉ đơn giản là vì chúng ta không giống
nhau mà thôi.
Nghịch lý #2: Nếu bạn làm điều tốt, có thể mọi người sẽ cho là bạn
làm vì tư lợi. Dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.
Có nhiều người bàng quan với những
mảnh đời bé nhỏ, đáng thương, nhưng lại quy kết cho hành động tốt một ý đồ đen
tối, họ nghi ngờ những ai làm việc tốt bởi họ chưa từng làm những việc như vậy.
Chúng ta không tránh khỏi những
giây phút phải đối mặt với câu hỏi: “Anh ta là người tốt thật sự hay chỉ là kẻ
đạo đức giả?”, hoặc ta thường có cái nhìn đầy ác cảm khi cho rằng những ai hay
giúp đỡ mọi người chính là những kẻ thích “chõ mũi” vào chuyện của người khác.
Con người sẽ không bao giờ thôi
nghi ngờ, nhưng dù sao đi nữa thì bạn vẫn cần phải làm những gì mà bạn cho là
đúng. Đó là cách giúp bạn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, vì bạn được sống thật
và sống hết lòng với bản chất của mình mà không chịu tác động bởi lòng nghi kỵ
và lối suy diễn vô căn cứ.
Nghịch lý #3: Nếu thành công, bạn sẽ gặp những người bạn giả dối và những kẻ thù thật sự. Nhưng dù
sao đi nữa, hãy thành công.
Những người thành công sẽ quen
thuộc với hai khái niệm: “bạn bè chân thật” và “bạn bè tình thế”.
Một “người bạn chân thật” sẽ đến
với bạn bởi tính cách, phẩm chất của bạn chứ không vì chức tước hay quyền lực.
Cho dù bạn có rơi xuống đáy xã hội thì họ vẫn luôn ở bên bạn. Một “người bạn
tình thế” sẽ lập tức quay lưng lại khi bạn gặp khó khăn, họ chỉ làm bạn với bạn
khi bạn đang có quyền lực, giàu có.
Dù vậy, bạn cũng không nên lẩn
tránh những mối quan hệ mà bạn cho rằng không phải là một tình bạn chân thành. Bạn
có thể nhìn nhận mối quan hệ đó là sự lợi dụng lẫn nhau, cũng có thể xem đó là
sự cộng tác ăn ý, đôi bên cùng có lợi. Nếu họ không nhìn thấy ở bạn bất kỳ giá
trị nào khác ngoài quyền lực, chức vụ, sự giàu có,… thì đó chính là thiếu sót
và thiệt thòi của họ.
Điều quan trọng nhất vẫn là phải
biết quý trọng những mối quan hệ tốt đẹp với gia đình và bạn bè lâu năm.
Nghịch lý #4: Việc tốt bạn làm hôm nay sẽ bị lãng quên. Nhưng dù
sao đi nữa, hãy làm điều tốt.
Khi bạn làm điều đúng đắn, người
đầu tiên và duy nhất cần biết và ghi nhớ về hành động đó chính là bản thân bạn,
bởi nhận thức ấy, ký ức ấy sẽ là nền tảng giúp hình thành ý nghĩa cuộc sống của
chính bạn.
Giá trị của một hành động không nằm
ở việc nó có được thừa nhận hay không mà chính là hành động ấy đã khiến bạn tự
hào với chính mình như thế nào.
Hãy làm việc tốt vì bản chất của
chúng ta là như thế. Hãy làm việc tốt vì nó không những giúp ích cho người khá
mà còn giúp mang lại cho bạn cảm giác thật sự thoải mái và mãn nguyện. Hãy cứ
làm những điều bạn cho là nên làm mà không cần quan tâm đến việc liệu nó có được
thừa nhận hay tán thưởng không.
Nghịch lý #5: Thẳng thắn, trung thực thường làm bạn tổn thương. Nhưng
dù sao đi nữa, hãy sống thẳng thắn.
Muôn đời, niềm tin vẫn là nền tảng
vững chắc của mọi mối quan hệ. Bạn không thể xây dựng niềm tin bằng cách che giấu
những cảm xúc, suy nghĩ, niềm hy vọng hay nỗi sợ hãi của mình. Bạn chỉ có thể
vun đắp cho niềm tin ấy bằng sự sẻ chia, sống chân thành và thẳng thắn.
Sự thẳng thắn còn đồng nghĩa với
hành động tự phơi bày bản thân, tạo cơ hội cho người khác hiểu rõ về bạn, và vì
thế mà họ cũng sẽ dễ dàng làm hại bạn. Khi bạn bước ra khỏi bức tường bảo vệ, tức
là bạn đã để cho mọi người thấy rõ bạn là ai và bạn trông như thế nào.
Sống trong một thế giới phức tạp
và hỗn loạn, để bảo vệ mình, người ta có xu hướng khoác lên mình một bộ giáp được
nai nịt cẩn thận. Thế nhưng, điểm bất tiện khi bạn khoác lên mình lớp bảo vệ
này chính là cảm giác bị bó buộc, chắc chắn sẽ hạn chế sự trưởng thành của bạn.
Vì thế, bạn nên mạnh dạn bước ra khỏi chiếc vỏ bọc để được là chính mình.
Hãy cố gắng sống chân thành và thẳng
thắn, điều này đòi hỏi bạn phải rất nỗ lực, chắc hẳn sẽ gặp phải không ít sự
công kích và những ý đồ mưu hại mình, nhưng dù gì đi nữa hãy cứ dũng cảm bước
đi.
Nghịch lý #6: Người có ý tưởng lớn lao có thể bị đánh gục bởi những
kẻ suy tính thấp hèn. Nhưng dù sao đi nữa, hãy luôn nghĩ lớn.
Socrates, Galileo, Colombus,
Lincoln, Gandhi, Martin Luther King,… là một vài cái tên điển hình trong vô số
những con người vĩ đại đã làm nên lịch sử của nhân loại, nhưng đồng thời cũng
đã bị hạ gục – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – bởi những kẻ tầm thường.
Thế giới cần lắm những con người
vĩ đại với một nhân cách lớn, độ lượng, tận tụy, rất cần những cá nhân có khả
năng đưa ra ý tưởng có tính đột phá, có thể tạo nên sự khác biệt để đưa nhân loại
tiến thêm những bước tiến mới. Nhưng trớ trêu thay, những con người ấy lại trở
thành mối đe dọa và nỗi khiếp sợ đối với những kẻ tầm thường.
Những kẻ tầm thường có tầm nhìn hạn
hẹp, thiển cận, không muốn cuộc sống bị thay đổi hay xáo trộn. Dù ở đâu, làm
gì, họ cũng đều cố hạ gục những vĩ nhân để bảo vệ quyền lợi cá nhân của họ.
Nhân loại đã trải qua hàng loạt
những sự kiện – là kết quả của những ý tưởng lớn – từng làm rung chuyển và thay
đổi cả thế giới cũng như cuộc sống của mỗi cá nhân. Những ý tưởng lớn đó đã tạo
nên sự khác biết giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng trăm triệu người
trên toàn thế giới.
Một ý tưởng lớn, một ước mơ táo bạo
sẽ làm cho cuộc sống của bạn ý nghĩa hơn. Nó sẽ vạch ra một hướng đi và đặt mục
tiêu để bạn phấn đấu.
Nghịch lý #7: Người ta thường tỏ ra cảm thông với những người yếu
thế nhưng lại đi theo kẻ mạnh. Nhưng dù sao đi nữa, hãy tranh đấu cho những người
yếu thế.
Người yếu thế là người luôn phải
chịu thiệt thòi hoặc bị dồn vào thế bất lợi. Họ không có quyền lực, sức mạnh vật
chất, danh tiếng, hoặc thậm chí là không khỏe mạnh như một người bình thường.
Họ bị giày vò bởi cái nghèo, sự kỳ thị sắc tộc, dị tật bẩm sinh. Họ không có điều
kiện để nhận được một nền giáo dục căn bản và chăm sóc sức khỏe hợp lý.
Lẽ thường, chúng ta vẫn có khuynh
hướng cảm thông cùng những người cô thế. Chúng ta tỏ ra bất bình trước những bất
công, khó khăn mà họ phải đối mặt. Chúng ta thích những câu chuyện với một kết
thúc có hậu khi mà người yếu có thể vượt qua mọi trở ngại thử thác để giành được
thắng lợi cuối cùng. Chúng ta vẫn luôn cầu mong hạnh phúc sẽ đến với họ.
Nhưng không mấy ai trong chúng ta
dám mạo hiểm, hy sinh bản thân mình vì người khác. Trong rất nhiều trường hợp, trái tim chúng ta
vẫn hướng về họ nhưng lý trí lại thuận theo số đông, muốn tránh điều tiếng, và
cứ thế sống trong vô cảm.
Hãy mở rộng con tim đồng cảm với
những người phải chịu thiệt thòi và đừng quên vì họ mà tranh đấu. Điều tốt
không chỉ có ý nghĩa với người khác mà còn ý nghĩa với chính bản thân chúng ta,
bởi nó sẽ tạo nên ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Nghịch lý #8: Những thành quả mà bạn đã phải mất nhiều năm để tạo dựng
có thể bị phá hủy chỉ trong phút chốc. Nhưng dù gì đi nữa, hãy cứ tiếp tục dựng
xây.
Những tai họa như cháy nhà, phá sản,
lũ lụt,… đều đột ngột ập đến. Chỉ trong tích tắc, chúng có thể hủy hoại toàn bộ
những gì mà chúng ta đã phải mất nhiều năm gầy dựng. Xét cho cùng thì những gì
bạn phải mất bao công sức để dựng xây cũng không thể tồn tại mãi. Nhưng dù thế
nào đi nữa, chúng cũng chính là thành tựu của bạn, và hoàn toàn xứng đáng để bạn
hết lòng.
Những gì bạn cất công gầy dựng
nên trong suốt cuộc đời mình: sự nghiệp, các mối quan hệ, những thành quả,… đều
có thể bị sụp đổ hay bị phá hủy vào một thời điểm nào đó. Đó là quy luật tất yếu
trong một thế giới không ngừng đổi thay. Nhưng cảm giác mãn nguyện và niềm vui
trong quá trình sáng tạo và dựng xây thành công một điều gì đó vẫn sẽ tiếp tục
được lưu giữ mãi mãi và mãi mãi thuộc về chúng ta. Đó mới thật sự là điều quan
trọng.
Nghịch lý #9: Bạn có thể bị phản bội khi giúp đỡ người khác. Nhưng dù
sao đi nữa, hãy giúp đỡ mọi người.
Một số người luôn chối từ sự giúp
đỡ vì không thích cái cảm giác bản thân mình bất lực, phải cậy nhờ vào người
khác. Hoặc họ nhận sự giúp đỡ nhưng buồn bực vì cảm thấy lòng tự tôn của mình bị
tổn thương. Vì vậy, có những lúc bạn hào phóng ban tặng sự giúp đỡ cho những
người đang thật sự cần nó, nhưng đừng quá ngạc nhiên vì họ có thể sẽ đáp lại lòng tốt
của bạn bằng những hành động khác thường như phản kháng, công kích, cáu gắt hay
những phản ứng khiến bạn tổn thương. Tất cả những biểu hiện đó, nếu có, là do họ
đang phải vật lộn với lòng tự tôn và sự kiêu hãnh của chính mình. Họ đang tìm mọi
cách né tránh thực tế rằng mình đang trong trạng thái bế tắc, mọi việc đang diễn
ra không theo mong đợi.
Nếu muốn giúp đỡ ai đó, bạn phải
học cách thể hiện thiện chí bởi điều họ cần không phải sự thương hại mà là sự cảm
thông.
Xung quanh, bất cứ đâu cũng có những
con người đang cần được giúp đỡ. Những người này đặc biệt nhạy cảm khi có ai đó
nhận ra thực tế bế tắc của mình. Vì thế, nếu họ đền đáp tấm lòng của bạn bằng sự
công kích thì hãy cứ tin rằng đó không phải là điều họ muốn. Đừng để sự tủi
thân hay tự ái của họ ngăn cản bạn làm điều tốt.
Nghịch lý #10: Bạn trao tặng cuộc sống tất cả những gì tốt đẹp nhất
và nhận lại một cái tát phũ phàng. Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống hết mình cho
cuộc sống.
Cái giá phải trả cho sự cống hiến
có thể là rất đắt, nhưng chắc chắn nó sẽ đắt hơn rất nhiều nếu bạn quyết định
thôi không sống hết mình, bởi khi ấy bạn đã không thể sống thật với bản thân của
mình.
Thế giới không đòi hỏi bạn phải
luôn thể hiện mình, luôn nghĩ về người khác mà bỏ quên bản thân, cũng không đòi
hỏi bạn phải luôn cống hiến. Nhưng nếu muốn sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, hãy
nắm bắt tất cả những cơ hội để cống hiến sức mình. Hãy cho đi để thấy được mình
đang có những gì. Đừng xem việc giúp đỡ người khác là một sự hy sinh mà hãy
nghĩ rằng đó là cơ hội để thể hiện con người, năng lực và giá trị của bạn.
Hãy sống hết mình và hành động
theo những gì mà cá tính, lương tâm, nhận thức của bạn mách bảo. Thế giới đáp lại
bạn như thế nào cũng không quan trọng. Bởi vì, được sống với bản chất của chính
mình luôn là điều ý nghĩa nhất khiến cuộc đời này trở nên thi vị.
-
Xem video trên Youtube: https://youtu.be/9v0g8H1VyhA
Mua sách: https://shope.ee/99sRHRJ3oZ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét