Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

[Review & tóm tắt sách] ĐỌC VỊ BẤT KỲ AI - David J. Lieberman

"Đọc vị bất kỳ ai" là một cuốn sách cung cấp cho bạn những thủ thuật tâm lý để có thể đọc vị được đối phương một cách toàn diện và chính xác, nhờ đó có được lợi thế trong nhiều tình huống. Khi hiểu được và thực hành các thủ thuật trong cuốn sách này, bạn sẽ hiểu biết sâu hơn về bản năng của con người, trở nên nhạy bén hơn, nhận ra được người khác có đang lợi dụng, lừa dối hay thao túng mình hay không, từ đó tránh được những tổn thương không đáng có về tinh thần, thể xác hay tài chính, bên cạnh đó còn giúp bạn trở thành một con người khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, có được những mối quan hệ tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.

Hầu hết các thủ thuật được chia sẻ trong cuốn sách này đều được dựa trên cơ sở khoa học tâm lý và hành vi của con người, đã được kiểm chứng, nên cũng có thể nói là đáng tin cậy, có thể áp dụng cho hầu hết mọi người trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đó là những gì mà tác giả David J. Lieberman tự giới thiệu về cuốn sách của bản thân. Còn cảm nhận của cá nhân mình về cuốn sách "Đọc vị bất kỳ ai" thì mình sẽ chia sẻ ở phần cuối của video, sau khi đã giới thiệu trọn vẹn quyển sách này. Bình thường thì mình sẽ review, nêu cảm nhận trước rồi mới đi vào chi tiết của các quyển sách, nhưng riêng quyển này thì mình phải làm ngược lại, để các bạn không bị ảnh hưởng bởi ý kiến của cá nhân mình và có thể tiếp nhận được những cái hay ho của sách mà mình chuẩn bị chia sẻ sau đây.

Phần I: 7 CÂU HỎI CƠ BẢN

Chương 1: Liệu đối phương có đang che giấu điều gì không?

Khi nghi ngờ đối phương có dấu hiệu không thành thật, bạn hãy áp dụng một trong những thủ thuật sau để biết liệu người đó có thực sự làm vậy không.

Thủ thuật 1:   

Sử dụng những câu hỏi ám chỉ tới sự việc, quan sát phản ứng trả lời của đối phương.

Ví dụ: một giám đốc nghi ngờ một nhân viên của mình ăn cắp vật dụng văn phòng. Giám đốc hỏi người bị nghi ngờ: "Dường như dạo này có ai đó trong phòng đang lấy vật dụng văn phòng để mang về nhà. Cô có hướng giải quyết nào cho việc này không?". Nếu cô ta hỏi lại và có vẻ hứng thú với đề tài này, giám đốc có thể tạm an tâm rằng cô ta không lấy trộm, còn nếu cô ta đột nhiên trở nên không thoải mái và tìm cách đổi đề tài thì rõ ràng cô ta không trong sáng. Nếu cô gái đó hoàn toàn trong sạch, có lẽ cô ta sẽ đưa ra hướng giải quyết của mình và vui vẻ khi được sếp hỏi ý kiến. Ngược lại, cô ta sẽ có biểu hiện không thoải mái rõ rệt và có lẽ sẽ cố cam đoan với sếp rằng cô không đời nào làm chuyện như vậy.

Một cách khác để áp dụng thủ thuật đọc tâm trí là nói to suy nghĩ của mình về điều mà bạn nghĩ người đó đang có dấu hiệu giấu diếm rồi quan sát phản ứng của họ.

Ví dụ: Một phụ nữ nghi ngờ bạn trai mình đang sử dụng thuốc kích thích. Cô ta có thể nói to suy nghĩ của mình theo kiểu: "Em vừa đọc được một bài báo nói rằng 33% số người lớn chúng ta đều cố thử một loại thuốc kích thích nào đó ít nhất một lần trong đời đấy". Một cách gián tiếp, cô đã khơi trúng chủ đề và quan sát phản ứng của bạn trai xem có đúng là anh ta đang lén lút chơi thuốc không. Nếu không có chuyện đó, chắc hẳn anh ta sẽ tham gia vào câu chuyện một cách hào hứng, còn ngược lại, anh ta sẽ đổi chủ đề.

Thủ thuật 2:

Thủ thuật này dựa trên một nguyên tắc tâm lý: một người sẽ có mức độ quan tâm như nhau tới điều mà anh ta/cô ta không biết trước. Ngược lại, nếu đã biết trước một điều gì thì tự nhiên sẽ chú ý hơn tới điều đó.

Để áp dụng thủ thuật này, đầu tiên, bạn hãy đưa ra toàn bộ các dữ kiện mà cả bạn và đối tượng cùng biết. Đến một đoạn nào đó, hãy thay đổi một trong số các dữ kiện. Nếu đối tượng hướng sự chú ý tới dữ kiện đã được thay đổi này, bạn có thể kết luận anh ta có dính líu tới nó. 

Ví dụ: một thám tử đang thẩm vấn kẻ tình nghi của một vụ trộm. Từ các dữ kiện của bản báo cáo, anh ta nói với đối tượng về sự việc đã xảy ra thế nào một cách chính xác, nhưng thay đổi một chi tiết quan trọng trong đó. Nếu đó đúng là tên trộm, theo bản năng, hắn sẽ tập trung vào chi tiết này. Điều mà hắn vừa nghe khiến hắn ngạc nhiên và hắn sẽ muốn chắc chắn là liệu điều hắn vừa nghe có đúng không. Hắn sẽ sử dụng điểm "mâu thuẫn" như là chứng cứ cho việc vô tội của mình, nhưng hắn không biết rằng chỉ có kẻ phạm tội mới biết để nhận ra điều "mâu thuẫn" đó. Ngược lại, nếu đó là người vô tội, tất cả các dữ kiện đưa ra với anh ta đều như nhau vì anh ta không hề biết đến chúng trước khi được nghe, do đó sẽ không thể phân biệt đâu là dữ kiện đúng và đâu là dữ kiện sai.

Thủ thuật 3:

Bạn sẽ nói cho đối phương một thông tin mới, phản ứng của đối phương sẽ cho biết anh ta có giấu bạn điều gì không.

Ví dụ: Pauline đi khám sức khỏe và được bác sĩ cho biết cô đã nhiễm vi rút Herpes (gây bệnh mụn rộp). Cô nghi ngờ có hai bạn tình là Mike hoặc Howie có thể truyền bệnh cho cô. Cô gọi cho từng người và thông báo cô đã nhiễm vi rút Herpes. Phản ứng của hai người này đã giúp cô hiểu được ai đích thị là kẻ đã lây bệnh cho cô:
- Mike: "Này, đừng có nhìn anh như thế. Anh không lây bệnh cho em đâu. Anh hoàn toàn không mắc bệnh đó".
- Howie: "Cái gì?! Cô nhiễm bệnh đó bao lâu rồi? Không phải là cô đã truyền bệnh cho tôi đấy chứ! Không thể tin được."

Ngay khi nghe nói Pauline đã nhiễm vi rút này, Mike đã lập tức bảo vệ bản thân vì nghĩ rằng mình đang bị buộc tội đã truyền bệnh cho cô. Mike không quan tâm tới sức khỏe của mình vì bản thân đã biết mình là người có bệnh. Anh ta chỉ quan tâm tới chuyện làm sao thuyết phục được Pauline rằng anh ta không phải nguyên nhân khiến cô mắc bệnh. Ngược lại, Howie tiếp nhận cuộc gọi từ Pauline như một lời thông báo rằng cô đã lây bệnh cho anh ta. Vì vậy, anh tức giận vì anh ta quan tâm tới sức khỏe của mình trước tiên.

Người bị nghi ngờ nhầm sẽ dễ dàng nổi giận vì cho rằng mình bị xúc phạm, còn người thực sự mắc lỗi sẽ mặc định cho mình trạng thái phòng bị.

Thủ thuật 4: 

Khi sử dụng thủ thuật này, bạn gắn sự nghi ngờ vào một điều mà bạn biết chắc chắn là đúng, nhưng hoàn toàn không liên quan tới người bị nghi ngờ. Nếu người đó cố tình che giấu hay bác bỏ sự thật mà bạn đã biết chắc chắn, bạn đã có câu trả lời cho mình. Còn nếu người đó biết sự thật nhưng lại không nhìn ra mối liên hệ tới sự việc, thì sự nghi ngờ của bạn là không có cơ sở. 

Ví dụ: Henry nghi ngờ bạn gái nghiện rượu. Anh biết Amy hay ăn kẹo cao su sau khi dùng bữa, một thói quen không liên quan đến nghiện rượu. Nhưng anh có thể nói như sau: "anh có đọc được một tài liệu nói rằng người nghiện rượu thường có xu hướng nhai kẹo cao su sau khi ăn". Trong trường hợp Amy đúng là người nghiện rượu, cô sẽ không thoải mái và có lẽ sẽ chọn cách không ăn kẹo cao su sau bữa ăn nữa để tránh bị nghi ngờ. Tuy nhiên, nếu không phải là kẻ nghiện rượu, cô có thể nói với Henry rằng mình có thói quen ăn uống như vậy, nên tài liệu đó có thể không hoàn toàn đúng.

Chương 2: Dấu hiệu tán thành hay phản đối. Cách để biết một người có thích điều gì đó không.

Thủ thuật 1: Sử dụng nỗi ám ảnh

Thủ thuật này dựa trên định luật phản xạ có điều kiện, một hình ảnh, âm thanh, mùi vị, kỷ niệm,... có thể gắn với một cảm xúc nào đó của con người. Bằng việc liên tưởng hoàn cảnh hiện tại với một tác nhân kích thích trung gian, những cảm xúc thực của một người được gắn với tác nhân đó.

Ví dụ: Trong một cuộc nghiên cứu tại ĐH Warsaw, Ba Lan, các sinh viên trải qua một cuộc phỏng vấn với một nhà nghiên cứu và phải trả lời câu hỏi về tên họ và "thứ tự ngày sinh" của mình. Khi một sinh viên hỏi lại "thứ tự ngày sinh" có nghĩa là gì, sinh viên đó hoặc sẽ bị người phỏng vấn mắng vì không chịu nghe kỹ hướng dẫn, hoặc sẽ được trả lời một cách chung chung, vô thưởng vô phạt. Sau đó, các sinh viên được dẫn qua một căn phòng khác và nộp bài cho "bất cứ nhà nghiên cứu nào đang không bận việc". Thực tế thì cả hai nhà nghiên cứu trong phòng đều không bận gì. Nhưng, một trong số họ có ngoại hình giống với người đã thực hiện cuộc phỏng vấn trước đó. Kết quả là có đến 80% số sinh viên đã bị mắng trước đó chọn nộp bài cho người có ngoại hình không giống với người đã mắng họ. 

Có thể kết luận rằng, khi một người có hứng thú với tác nhân kích thích đã xuất hiện trong hoàn cảnh trước đó, chúng ta có thể giả định là anh ta đã có ấn tượng tích cực. Ngược lại, nếu anh ta tỏ ra khó chịu với tác nhân trung gian, có lẽ anh ta đã có ấn tượng không tốt.

Thủ thuật 2: Lưu ý cách đối phương sử dụng ngôn ngữ

Việc sử dụng các đại từ nhân xưng có thể tiết lộ khá nhiều về suy nghĩ thực sự của người nói. Khi một người tự tin vào những gì anh ta nói, anh ta sẽ có xu hướng xưng "tôi", "chúng tôi" hay "chúng ta". Còn khi có cảm giác không chắc chắn thì sẽ tìm cách đẩy xa mình khỏi những tuyên bố chắc nịch và không thêm quyền sở hữu trong câu nói của mình. 

Ví dụ: Nếu bạn hỏi sếp đánh giá thế nào về ý tưởng mới của bạn và sếp trả lời: "tôi thích nó đấy", bạn hoàn toàn có cơ sở tin tưởng vào lời khen ngợi của bà ấy. Còn nếu sếp nói: "ừ, tốt đấy" hoặc "cậu làm tốt đấy", bà không thêm quyền sở hữu của mình trong câu nói thì bạn không nên hoàn toàn tin vào câu trả lời của bà ấy.

Chương 3: Liệu đối phương có thực sự tự tin

Sự tự tin của một người trong một trường hợp cụ thể sẽ được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố: lần thể hiện trước, những kinh nghiệm, sự phản hồi và cả sự so sánh. Lòng tự trọng có thể gây ảnh hưởng đến sự tự tin. 

Để đo mức độ tự tin của một người, chúng ta cần quan sát các dấu hiệu sau:

Dấu hiệu cơ thể:
  • Khuôn mặt trở nên kích động, hoặc trắng bệch ra với vẻ rất sợ hãi, thở gấp, đổ mồ hôi, cố gắng hít sâu và thở mạnh.
  • Cơ thể run rẩy, đặc biệt là bàn tay, và tiếng nói như vỡ ra.
  • Khó nuốt nước bọt.
  • Tiếng nói bị thay đổi: có âm sắc cao hơn.
Dấu hiệu điểm tập trung:

Một người tự tin có khả năng tập trung vào bản thân sự việc, gạt "cái tôi" của anh ta ra ngoài. Một người kém tự tin sẽ có "cái tôi" chiếm trọn suy nghĩ của họ, những lúc đó suy nghĩ của anh ta tràn ngập nỗi lo lắng, bất an, vì thế không thể tập trung vào điều gì khác ngoài bản thân. 

Ví dụ: trong một cuộc trò chuyện thân mật với một người đồng nghiệp, bạn nhận thấy cô ấy với lấy một chai nước mà lại phải đưa mắt để ý tới cánh tay trong quá trình với lấy nó và trong lúc đưa chai lên miệng uống. Hành động này cho thấy người đồng nghiệp đang cảm thấy lo lắng, bất an, không "tin tưởng" vào khả năng thực hiện một hành động đơn giản như lấy nước uống. 

Chương 4: Mọi chuyện có thực là vậy?

Những thủ thuật trong chương này sẽ giúp bạn nhận biết tâm trạng và thái độ của một người dù anh ta có kín tiếng đến đâu chăng nữa. 

Thủ thuật 1

Khi cần biết thông tin của đối tượng, hãy hỏi anh ta một câu hỏi thật bất bình thường và mơ hồ về một sự kiện nào đó hoặc điều đang xảy ra, và quan sát phản ứng của anh ta. Nếu anh ta có vẻ cho đó là một dấu hiệu tốt, anh ta đang cảm thấy rất lạc quan. Ngược lại, anh ta đang rất bi quan.

Ví dụ: John vừa ra khỏi phòng họp về một dự án tối mật. Anh ta không thể tiết lộ bất cứ thông tin nào về kết quả cuộc họp. Nếu bạn muốn biết kết quả, bạn hãy hỏi John một điều gì tương tự như: "Anh có biết chuyện đồng hồ văn phòng chúng ta đã dừng lại ở đúng 7 giờ 11 phút rồi lại chạy tiếp không?". Nếu phản ứng của anh ta kiểu "chẳng có cái gì chạy tốt ở đây cả", bạn có thể suy ra anh ta không có kết quả tốt tại cuộc họp. Còn nếu anh ta đáp lại theo kiểu: "Thế thì chúng ta nên qua Atlantic City để chơi bài thôi", bạn có thể nghĩ anh ta đang rất lạc quan về buổi họp vừa xong. 

Thủ thuật 2: 

Khi một người đang nói chuyện gì đó, ta cần quan sát các cử chỉ của họ phối hợp với lời nói để có thể phát hiện ra những biểu hiện mâu thuẫn nhau, như lúc lắc đầu trong khi vẫn trả lời có, bạn có thể khá chắc chắn rằng người này đang không nói thực lòng mình.

Ví dụ: Một người đang cau mày hoặc nắm chặt tay khi biểu lộ tình cảm với bạn gái thì đó không phải là người anh ta thực sự yêu thương. 

Chương 5: Liệu anh ta có thực sự quan tâm?

Chương này sẽ cung cấp cho bạn các thủ thuật giúp bạn nhận ra mức độ quan tâm của một người với bất kỳ điều gì.

Mỗi khi bạn thăm dò sự quan tâm của một người cho một điều gì đó, hãy xem xét hành động của người đó, chứ không nhất thiết phải bận tâm những gì họ nói. Khi một người nói rằng anh ta không có thời gian dành cho việc gì đó, chẳng qua đó là việc không có ý nghĩa đối với anh ta mà thôi.

Thủ thuật 1: 

Để biết một người có quan tâm đến điều gì đó hay không, hãy quan sát đồng tử trong mắt của người đó. Khi một người có hứng thú với một điều gì đó, đồng tử của anh ta sẽ tự động giãn nở hơn bình thường, vì anh ta muốn tiếp nhận được nhiều thông tin hơn và đôi mắt muốn được "nhìn rõ hơn". Ngược lại, khi không muốn tiếp nhận thông tin, đồng tử của con ngươi sẽ co lại. 

Thủ thuật 2: 

Khi một người có hứng thú với một vật/việc/ai đó, họ sẽ muốn biết thông tin về vật/việc/người đó nhiều hơn bình thường. Áp dụng chiến thuật này, chúng ta sẽ tạo cho đối phương cảm giác tò mò. Nếu người đó muốn tiếp tục tìm hiểu sâu hơn, chúng ta có thể kết luận rằng anh ta cũng khá hứng thú. 

Ví dụ: giả sử bạn muốn biết liệu công ty cũ có muốn bạn quay trở lại hay không, bạn có thể gửi qua công ty một email trống. Nếu công ty vẫn còn muốn bạn quay lại, họ sẽ tò mò về điều bạn định viết cho họ và viết email trả lời bạn ngay. Ngược lại, họ sẽ lờ tịt email đó.

Chương 6: Đồng minh hay kẻ phá hoại. Cách nhận biết một người có đang thực lòng ủng hộ, giúp đỡ bạn không, hay đang muốn đâm sau lưng bạn.

Thủ thuật 1:
 
Người có thành ý với bạn là người sẽ luôn muốn thông tin trao đổi giữa hai phía là chính xác. Ngược lại, nếu anh ta không màng tới việc bạn có chắc chắn nắm được mọi thông tin cần thiết hay không thì bạn có thể hiểu rằng anh ta không hoàn toàn muốn giúp bạn và có thể sẽ đâm sau lưng bạn.

Ví dụ: Một đồng nghiệp nói với bạn rằng cô ấy muốn giúp bạn chuẩn bị cuộc họp với một khách hàng. Bạn không chắc động cơ của cô ta là gì nên muốn thử bằng cách đưa ra một số thông tin mà cô ta biết chắc chắn là không đúng, để xem liệu cô ta có nhắc bạn hay không. Bạn có thể nói thế này: "Nancy, khách hàng rất thích cái lần trước chúng ta đã làm cho họ vào năm ngoái, tớ nghĩ lần này chúng ta cũng có thể làm một cái tương tự thế". Thực ra, bạn biết chắc rằng người khách hàng này không thích chương trình lần trước và Nancy cũng biết điều đó. Vì vậy, nếu cô ta không nói ra, nghĩa là cô ta không thực lòng muốn giúp bạn.

Thủ thuật 2: 

Bạn có thể xác định độ thành thật của một người dựa vào mức độ hợp tác của họ trong những hoàn cảnh cụ thể. Người không thành thật thì luôn giả bộ là họ sẵn sàng ủng hộ. Mẹo tâm lý ở đây là: ban đầu bạn yêu cầu đối tượng làm một việc không gây tổn hại tới bản thân anh ta, sau đó lật ngược vấn đề bằng cách đặt lợi ích của anh ta vào thế bất lợi.

Ví dụ: một vị giám đốc tin rằng một trong ba nhân viên nhà máy đã vào kho hàng để trộm một số kiện hàng. Bà thông báo tới cả ba đối tượng tình nghi rằng: "một phần hình ảnh của tên trộm đã được ghi lại bằng máy quay trong kho, và từ đó xác định được áo khoác của người này không đính logo công ty. Các anh có thể mang áo khoác của mình tới văn phòng của tôi được không?" (thực tế không có chuyện camera quay được áo khoác của tên trộm, đó chỉ là cái cớ để thẩm vấn được cả ba).

Cả ba người bị tình nghi đều đưa ra được chiếc áo khoác có đính logo công ty. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là không phải cứ đưa ra được cái áo khoác không mất logo công ty thì có thể chứng minh mình vô tội, vì trên thực tế camera đâu có quay được hình ảnh cái áo khoác nào như vậy. 

Khi mỗi người mang áo khoác của họ tới văn phòng của giám đốc, bà chuyển hướng như sau: "tôi có chút nhầm lẫn, thực ra máy quay đã quay được hình ảnh logo công ty trên áo, nhưng vì hình ảnh quá mờ nên chúng tôi không nhận ra ngay từ đầu. Vậy nên giờ chúng tôi muốn kiểm tra xem áo các anh có dấu vết nào của "bụi trong kho" không. Các anh có thể để lại áo khoác của mình ở đây hoặc đưa lại cho tôi vào cuối giờ làm ngày hôm nay.

Người vô tội sẽ muốn để lại áo ngay để chứng minh sự trong sạch của mình, còn kẻ phạm tội thì sẽ viện một cớ nào đó để có thời gian phủi sạch dấu vết để lại trên áo trước khi nộp lại cho người ta kiểm tra.

Bạn thấy đấy, nếu ngay từ đầu người giám đốc yêu cầu ba người nộp lại áo để kiểm tra, thì chắc chắn bà sẽ không thể biết được ai là người muốn rũ sạch mọi dấu vết trên áo và ai sẵn sàng để áo lại mà không cần làm giả bằng chứng. Bằng cách đột ngột thông báo hướng giải quyết mới khi đã có trong tay những chiếc áo khoác, bà có thể chắc chắn rằng ai có thiện chí hợp tác, ai không.

Thủ thuật 3: 

Khi muốn biết một người có phải là bạn tốt thực sự không, bạn có thể dựa vào mức độ quan tâm của người đó tới cuộc sống của bạn. Hãy nói với họ về một điều thật đặc biệt, có ý nghĩa lớn trong cuộc sống của bạn và xem liệu cô ấy có liên lạc lại với bạn để tiếp tục tìm hiểu về nó hay không. Bên cạnh đó, một người bạn tốt còn phải là người không đem lòng ghen tỵ với bạn, họ sẽ tự hào với thành công của bạn. Rất nhiều người sẵn sàng "động viên" bạn khi mọi chuyện không thuận lợi, ngược lại, khi mọi chuyện xuôi chèo mát mái thì không phải ai cũng sẵn sàng chúc mừng bạn. Ngoài ra, một người bạn đúng nghĩa có thể nói ra điều mà bạn không muốn nghe, nhưng vì điều đó có lợi cho bạn nên người đó sẵn sàng chấp nhận nếu bạn có khó chịu với cô ấy.

Chương 7: Có phải bạn đang nói chuyện với một người ôn hòa không.

Chương này sẽ giúp bạn nhận biết đối phương có bất ổn hoặc có dấu hiệu bạo lực tiềm tàng hay không, để có thể bảo vệ bản thân. Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu điều gì khiến một người trở nên "bình thường" hay "không bình thường".

Trong mỗi người chúng ta có ba nhân tố cùng tồn tại: tâm hồn (lương tâm), bản ngã (cái tôi) và cơ thể.

Tâm hồn tìm cách làm điều đúng đắn, bản ngã thì muốn trở nên đúng, còn cơ thể chỉ muốn thoát khỏi tất cả những lý luận lằng nhằng này. Cơ thể chỉ muốn làm cái mà nó thích làm, bản ngã muốn làm điều sẽ làm nó được nhìn nhận tốt, còn lương tâm chỉ muốn làm điều đ úng đắn. 

Sự thoải mái thực sự không phải là việc có thể làm điều mà chúng ta thích làm, mà là có thể làm điều mà chúng ta thực sự muốn làm, bất chấp việc chúng ta có thích làm hay không. Giả sử bạn đang ăn kiêng và rất thèm ăn socola. Bạn cố gắng đấu tranh chống lại ham muốn này, nhưng rồi bạn không thể cưỡng lại và đã ăn một ít. Bạn có thể nói rằng mình thoải mái không? Khi bạn thích ăn, bạn đã ăn. Đây là sự tự do hay bó buộc? Sau khi làm như vậy, cảm giác của bạn ra sao? Bạn có cảm giác thế nào về bản thân nếu bạn cưỡng lại được sự thèm ăn đó?

Khi vượt qua được những cám dỗ, tức là chúng ta đã trải qua quá trình tự kiềm chế bản thân. Chỉ khi có thể hành động vì trách nhiệm, chúng ta mới có được lòng tự trọng. Nếu chúng ta không thể kiềm chế mà làm một điều chỉ để thỏa mãn sự hài lòng nhất thời hay chỉ để đánh bóng hình ảnh của bản thân thì chúng ta sẽ nhanh chóng cảm thấy tồi tệ. Khi đó, chúng ta sẽ chỉ sống vì những cơn bốc đồng khó kiểm soát và lệ thuộc vào sự đánh giá của người khác để duy trì bản ngã của mình.

Một người khi đã rơi vào trạng thái như vậy thường rất dễ cáu gắt và tức giận khi mọi chuyện không được như ý muốn. Họ không bao giờ thỏa mãn với cuộc sống của mình, luôn nghĩ mình thiếu sót so với người khác, bám víu vào bất kỳ thứ gì có thể để tồn tại - như một lời khen xã giao, quyền lực, quyền kiểm soát, thậm chí cả nỗi sợ hãi. Một khi không thỏa mãn với bản thân, người ta thường có xu hướng tìm cách khỏa lấp bằng những thú vui nhất thời, bốc đồng. Giá trị của họ được quyết định bởi những đánh giá của người khác, họ luôn luôn phải tìm kiếm sự ủng hộ và chú ý từ người khác.

Tóm lại, giờ chúng ta đã xác định được người thiếu tự trọng (thiếu tôn trọng bản thân) thì cảm xúc của họ sẽ không ổn định. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo đặc biệt của ba loại bạo lực tiềm tàng.

Dấu hiệu chung về nguy cơ bạo lực tiềm tàng:
- Nói cay nghiệt về thời thơ ấu hay họ hàng.
- Từng bị lạm dụng. Ở đây tác giả không có ý nói rằng cứ bị lạm dụng thì lớn lên sẽ trở thành kẻ lạm dụng người khác, nhưng xét về mặt thống kê thì một người khi đã từng là nạn nhân cũng có khả năng sẽ gây tổn thương cho người khác.
- Có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
- Đa nghi và hay phản ứng thái quá.
- Đối xử độc ác với động vật.

Dấu hiệu trong quan hệ tình cảm
- Ghen tuông quá nhiều, xuất phát tự sự thiếu tin tưởng và an toàn. Hay kết tội bạn
- Đe dọa.
- Chỉ đối xử tốt với bạn và tệ với những người khác.
- Nóng vội, không thực tế.

Dấu hiệu nhận biết liệu một người có gây hại gì cho bạn tại nơi làm việc hay không:
- Người đó lúc nào cũng thui thủi một mình. Một người không hợp tác được với ai có thể vô hại, nhưng cũng có thể nguy hiểm. 
- Vướng vào rắc rối cá nhân, khủng hoảng tài chính, phá sản, ly dị, chịu lệnh cấm, kiện tụng,...
- Không đạt được sự thăng tiếng và rất thất vọng về điều đó, cho là sếp/công ty bất công với anh ta. 
- Có biểu hiện bất thường trong thái độ, hiệu suất công việc hay hành xử với đồng nghiệp.

Lưu ý: Bất kỳ dấu hiệu nào cũng phải được kiểm nghiệm trong ngữ cảnh riêng và tránh rút ra kết  luận một cách nóng vội dựa trên những dấu hiệu rời rạc.

Phần II: 

Trong phần 2, tác giả sẽ giúp chúng ta hiểu kỹ hơn về tâm lý con người, để dự đoán chính xác hơn phản ứng của họ trong trường hợp nhất định.

Theo tác giả thì cái ảnh hưởng nhiều nhất đến tâm lý một người vẫn là lòng tự trọng và cái tôi. Nếu chúng ta biết cái tôi của một người lớn đến đâu, chúng ta sẽ biết chính xác người đó nhìn nhận vấn đề như thế nào. Người có lòng tự trọng thì biết nhìn nhận bản thân mình, chấp nhận đối mặt vởi thử thách. Chúng ta có thể nhận biết một người có lòng tự trọng cao qua cách anh ta đối xử tốt với bản thân và với những người khác, hướng tới niềm hạnh phúc lâu dài.

Tiếp theo, tác giả cho biết có 3 loại tính cách: một là loại tính cách LE-D, người tự coi mình là thấp kém, hai là loại tính cách LE-A, người kiêu ngạo, ba là loại tính cách kết hợp giữa LE-D và LE-A. Chương cuối cùng, tác giả đưa ra một số ví dụ đọc vị được suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin của một số người. 

Phần này mình không thấy thuyết phục nên sẽ không tóm tắt và trình bày cụ thể hơn. Mình không tin là chỉ có 3 loại tính cách cực đoan như trên, mà một khi đã không tin vào tri thức mà tác giả đang cung cấp thì mình sẽ không thể tiếp nhận thêm thông tin khác của tác giả, do đó mình sẽ kết thúc phần tóm tắt cuốn sách này tại đây, không sao đâu bạn, cũng gần hết sách rồi.

一一一一

Sau khi đọc xong cuốn sách "Đọc vị bất kỳ ai" thì mình thấy nó không hoàn toàn hay ho như cái tiêu đề cũng như lời tự giới thiệu của tác giả. Phần lớn nội dung khá hay và hữu ích, nhưng một phần nội dung còn lại thì không đủ thuyết phục, nên đối với mình là không hay. Một điểm trừ cực lớn của cuốn sách là cách trình bày bố cục lộn xộn, lủng củng, cách tác giả đặt tiêu đề cho các chương cũng hơi khó hiểu, ít có sự liên kết với nhau, làm cho việc đọc cuốn sách này trở nên rất là thách thức. Khi tóm tắt lại cuốn sách này, mình đã phải rất vất vả để sắp xếp các ý một cách hợp lý hơn, chắt lọc và hệ thống hóa các thông tin để giúp mọi người hiểu dễ dàng hơn. 

"Đọc vị bất kỳ ai" không phải là một cuốn sách dành cho bất kỳ ai :))) Theo mình, cuốn này phù hợp với những người có nhu cầu đọc vị người khác, muốn chiếm thế thượng phong trong cuộc trò chuyện hoặc trong mối quan hệ, những người làm các công việc đặc thù cần phải giao tiếp, đối ngoại, tiếp xúc nhiều với người khác, ví dụ như bán hàng, luật sư, công an, doanh nhân,... Còn nếu bạn nào mà giống như mình, thuộc tuýp người đơn giản, bản thân có sao sống vậy, người ta nói sao thì tin vậy, thì chắc sẽ không có nhu cầu đọc cuốn này (nhưng mà thực ra không có nhu cầu đọc cũng tại nó hơi dở á chứ). 

Nói chung là mình hơi chê cuốn này, nên mình mới nói là để phần cảm nhận cá nhân ở cuối video, mình sợ nếu chê ngay từ đầu thì mọi người sẽ không xem tiếp cái phần nội dung cũng khá hay ở giữa. Mình rất hiếm khi chê một cuốn sách nào đó, nên khi buộc lòng phải chê cuốn "Đọc vị bất kỳ ai" thì mình cũng thấy kỳ kỳ, do đó mình phải thử search mấy bài review khác xem sao, thì phát hiện ra là số lượng bài đánh giá về cuốn sách này rất ít, và cũng không có ai khen rõ ràng hết, toàn là nói bâng quơ hời hợt thôi, nên chắc là nó thật sự không hay nên mới không có ai khen. Không sao, hy vọng là phần tóm tắt nội dung của mình đã giúp bạn thấy được phần hay của cuốn sách này và có thể tham khảo áp dụng được vào cuộc sống của bạn. 

Mình thấy lượt bán của cuốn "Đọc vị bất kỳ ai" rất là khủng, có lẽ mọi người mua vì cái tiêu đề :))) Bạn có muốn mua không? Mua bằng link mình giới thiệu nha 😆 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét