Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

[Review sách] 3 người thầy vĩ đại - Robin Sharma

"3 người thầy vĩ đại" là cuốn sách kể về hành trình tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh và tươi đẹp hơn của người đàn ông tên Jack Valentine.

Cuốn sách được bắt đầu bằng việc nghĩ về cái chết. Nghĩ về cái chết là một sự khẳng định cuộc sống rất mạnh mẽ. Chỉ khi chúng ta biết rằng cuộc sống rất ngắn ngủi, thời gian rất hạn chế, thì chúng ta mới có thể sống trọn vẹn. Nếu chỉ còn sống được một năm, chúng ta sẽ sống rất khác so với lúc này. Ta sẽ quyết tâm sống mà không phải hối tiếc, sẽ tận dụng mọi cơ hội, sẽ mạo hiểm mở rộng trái tim mình để yêu thương, sẽ sống với tất cả đam mê, tận hưởng, và tập trung vào những gì đáng giá.

Khi nằm trên chiếc giường chờ chết và thở những hơi cuối cùng, sẽ chỉ có ba câu hỏi hiện ra trong tâm trí chúng ta:
  1. Ta đã sống một cách khôn ngoan chưa?
  2. Ta đã yêu thương chưa? 
  3. Ta đã cống hiến thật nhiều chưa?
Để tìm được câu trả lời cho ba Câu Hỏi Cuối Cùng này, chúng ta sẽ cùng theo chân nhân vật chính của quyển sách - Jack Valentine, để đi đến ba nơi trên thế giới. Nơi đầu tiên là Rome, thông qua một Giáo sĩ thông thái, chúng ta sẽ khám phá cách thế giới thật sự vận hành, học được cách đi sâu vào bên trong con người mình, biết cách điều khiển cuộc đời mình để sống sao cho cao quý và hiểu biết hơn. Nơi thứ hai là Hawaii, thông qua một vận động viên lướt sóng sống ẩn dật đã từng có một công ty quảng cáo thành công, chúng ta sẽ học được cách yêu chính cuộc đời và từng khoảnh khắc xảy ra trong đời mình, sẽ được truyền cảm hứng để sống với cảm xúc phiêu lưu tuyệt vời, và mở rộng trái tim. New York là điểm đến cuối cùng, chúng ta sẽ được một nữ CEO chỉ dẫn cách để trở thành thủ lĩnh trong cuộc sống của mình, kinh doanh/làm việc thành công tột bậc dựa trên triết lý "cùng thắng", thay vì cạnh tranh trong sợ hãi.

★★

VỊ THÁNH


Khám phá cách thế giới thật sự vận hành

Trước khi tới Rome, Jack là một người không hài lòng với cuộc sống, dường như chẳng bao giờ có được niềm vui, mọi thứ đều hết sức nghiêm trọng và đơn điệu. Tới đây, Jack biết được rằng: "Trong cuộc đời, rốt cuộc chúng ta không thật sự có được những gì mình muốn, chúng ta có được những gì dành cho ta".

Để có được những điều mới mẻ trong đời, chúng ta cần phải thật sự biết rõ những điểm yếu của mình; chấp nhận phần tăm tối của mình để có thể sống bằng phần tươi sáng; cần thừa nhận các điểm mù và khắc phục chúng; định hình lại những niềm tin sai lệch của mình và vượt qua những cảm xúc bị hạn chế của bản thân.

Mỗi ngày, chúng ta hãy đặt ra cho mình một ý định thực hiện những thay đổi một cách có chủ ý. Não bộ của ta đương nhiên rất sợ hãi những sự thay đổi, nó rất chuộng nề nếp và sự an toàn. Nhưng ta phải dạy cho não rằng thay đổi là tốt. Chúng ta hãy liên tục đặt mình vào những tình huống thách thức để buộc ta phải khắc phục những cảm giác sợ hãi lớn nhất của mình. 

Khi mọi chuyện suôn sẻ, chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Khi mọi chuyện không đâu vào đâu, chúng ta cảm thấy buồn chán. Đó là một cách sống rất yếu đuối, chẳng khác gì một khúc củi trôi nổi theo sóng. Hãy ngừng quy định thế này thế khác cho những trải nghiệm cuộc đời, hãy đơn giản là chấp nhận chúng mà không cần phản kháng. 

Cuộc sống là một trường học trưởng thành, mọi thứ xảy ra với chúng ta đều tuyệt vời. Dĩ nhiên hơi khó chấp nhận rằng cái chết của một người thân yêu hoặc mất đi một mối quan hệ hạnh phúc lại là chuyện tuyệt vời. Nhưng, chỉ có những suy nghĩ hạn hẹp của con người mới khiến cho một việc trở thành đúng hoặc sai. Một sự kiện trong cuộc đời chúng ta về bản chất không hề đúng hay sai - nó đơn giản là như vậy. Do con người có xu hướng kiểm soát mọi thứ, nên chúng ta cứ đi quy định đúng sai cho nó. Mọi thứ xảy ra với chúng ta đơn giản là một cơ hội để trưởng thành và khắc phục cái phần trong chúng ta vốn rất cần khắc phục. 

Mọi trải nghiệm xảy đến với ta để dạy ta bài học mà ta cần học. Cuộc sống sẽ liên tục gửi đến cuộc đời ta những con người và tình huống để giúp chúng ta học được những bài học. Ví dụ, ở giai đoạn A của cuộc đời, nếu bài học mà bạn cần học nhất là sự chấp nhận, thì cuộc đời sẽ gửi đến bạn vô số những người khiến bạn phát khùng; ở giai đoạn B của cuộc đời, nếu bài học của bạn là bớt kiểm soát, bạn sẽ thấy rất nhiều kẻ thích kiểm soát xuất hiện hằng ngày. Nếu chúng ta không chấp nhận bài học mà trải nghiệm mang đến, tình huống ấy sẽ tiếp tục lặp lại hoặc tái hiện trong cuộc đời chúng ta cho tới khi chúng ta hiểu được nó. Và chúng ta càng bỏ lỡ nhiều bài học được đặt ra thì mỗi sự kiện mang theo những bài học ấy càng trở nên đau đớn với chúng ta, cho tới khi chúng ta chịu đau khổ đến mức lựa chọn duy nhất của chúng ta là chấp nhận nó.

Ví dụ với câu chuyện của nhân vật chính - Jack:

Khi theo đuổi những cô bạn gái, Jack mong muốn một mối quan hệ sâu hơn, nhưng khi họ càng quan tâm và thể hiện tình cảm với anh, thì anh càng trở nên xa lánh, vì anh sợ đánh mất tự do cá nhân. Điều này cứ tiếp diễn liên tục, có một bài học gì đó mà anh vẫn chưa học được. Giờ đây anh nhận ra, anh đã thực hiện lại một mẫu thức mà anh đã tiếp nhận một cách vô thức từ mối quan hệ của cha mẹ mình (cha mẹ Jack đã ly dị và người bố bỏ đi biệt tăm từ khi anh còn rất nhỏ). Anh sợ mở lòng, sợ thân mật, sợ mất tự do. Bây giờ, nếu Jack chấm dứt được những nỗi sợ này và hiểu rằng niềm vui đích thực trong cuộc đời chỉ xuất hiện khi nó được chia sẻ với ai đó mình yêu quý, thì anh đã tiếp thu được bài học mà anh cần học trong cuộc đời mình và từ đó sẽ có những mối quan hệ thân mật, có thể tiến xa hơn.

Từng người trên hành tinh này có một giáo trình khác nhau dành cho họ - đó là quá trình học tập riêng biệt cho từng người. Giáo trình của anh A có thể được vạch ra để dạy anh biết giảm bớt công kích và biết chấp nhận hơn. Giáo trình của chị B gồm những bài học dạy cho chị biết cho đi nhiều hơn, quên đi cảm giác thiếu thốn, vứt bỏ nhu cầu kiểm soát, và chấp nhận dòng chảy của cuộc đời.

Mỗi sự kiện và mỗi con người bước vào cuộc đời chúng ta đều có một lý do nào đó, không hề có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thế giới là một cỗ máy ra-đa khổng lồ, chuyên phát hiện những nhu cầu trưởng thành của chúng ta và sau đó gửi cho chúng ta những con người và sự kiện tương ứng để thúc đẩy sự trưởng thành này. Những người xuất hiện trong cuộc đời ta chính là những tấm gương, phản chiếu cả những phần sáng nhất và tối nhất của chính chúng ta.

Chúng ta không thể nhìn thấy phẩm chất tuyệt vời của người khác trừ phi chúng ta biết phẩm chất đó ở chính mình. Nếu ta chưa từng thấy trứng cá muối trông như thế nào thì ta không thể nhận ra nó trên đĩa thức ăn của người khác tại một buổi dạ tiệc. Tương tự, nếu ta không nhận ra tài năng hoặc nét tích cực nào đó trong chính mình thì ta không thể nhìn thấy điều đó ở người khác. Nếu ta không biết thực sự yêu thương người khác là thế nào, thì ta sẽ không có cách nào biết được khi nào ai đó thể hiện tình yêu với mình. Nhìn thấy điều gì đó vĩ đại ở người khác chính là nhìn thấy sự vĩ đại ngay trong chính mình. Nguyên tắc này cũng đúng với cả những tích cách tiêu cực mà ta không thể chịu được ở người khác. Để gọi ai đó là đang giận dữ thì trong chính ta phải có sự giận dữ; để nhận ra ai đó là ích kỷ thì ta phải có chút ích kỷ trong mình. Toàn bộ cuộc sống này là sự phản chiếu, như một chiếc máy chiếu khổng lồ, chúng ta chiếu ra thế giới bên ngoài xung quanh chúng ta chính con người chúng ta ở thế giới bên trong. Chúng ta tập hợp những gì chúng ta phản chiếu.

Cuộc sống thật sự là một hành trình trở về chính bản ngã thật sự của bản thân

Khi còn bé, chúng ta nhận thức được tất cả những tài năng của mình. Ngây thơ và thuần khiết. Sáng tạo và say mê. Trí tưởng tượng không hề có giới hạn. Chúng ta tin người khác và tin vào chính mình. Không có nhu cầu phán đoán tất cả mọi thứ. Chúng ta sống trọn vẹn và tận hưởng mọi món quà giản dị mà cuộc sống mang lại. Theo thời gian, chúng ta bắt đầu phản bội chính mình, không thừa nhận cái bản ngã đích thực của mình nữa, thay vào đó, ta bắt đầu chấp nhận niềm tin của người khác về cách thế giới này vận hành và bản chất vai trò của chúng ta trong đó. Chúng ta đóng sập mọi cảm xúc tươi đẹp và bắt đầu sống theo lý trí - dành cuộc đời mình để lý giải, phán xét và lo lắng. Chúng ta làm những gì được bảo, hành động như được hướng dẫn, và nghĩ theo cách người khác dạy ta nghĩ. Cha mẹ bảo con cái mình rằng chúng phải làm bác sĩ hoặc luật sư, hay kết hôn cho môn đăng hộ đối bởi vì bản thân họ sợ thất bại nếu như con cái mình không trở nên "thành đạt" theo đúng định nghĩa về thành đạt trong xã hội của chúng ta. 

Chúng ta cần đi sâu vào bên trong và tự tìm hiểu chính mình. Hãy khám phá những giá trị lớn nhất của mình, xác định cách mình thật sự muốn thực hiện cuộc đời mình, và nghĩ về những gì làm mình hạnh phúc. 

NGƯỜI LƯỚT SÓNG


Người lướt sóng sẽ giúp Jack tìm câu trả lời cho Câu Hỏi Cuối Cùng thứ hai: "Ta đã yêu thương chưa?"

Có nhiều kiểu tình yêu: tình yêu nhục dục, yêu bản thân, yêu gia đình, và yêu cuộc sống cùng những điều kỳ diệu của nó. Trong phạm vi phần này, tác giả sẽ bàn về tình yêu cuộc sống. Chúng ta cần mở rộng trái tim để có thể mở lòng với cuộc sống và những điều thú vị của nó. Mở rộng trái tim chính là sống với tình yêu - mở rộng trước những khả năng của con người, vững tin vào sự phát triển hoàn hảo của cuộc đời chúng ta, và sống sôi nổi hơn. Hãy diện diện với tất cả sự tuyệt vời xung quanh chúng ta.

Hiện nay có thể chúng ta chỉ đang sống theo lý trí, cố gắng phán đoán mọi việc, lên kế hoạch, lo lắng và cảm thấy buồn bực với quá khứ, hiện tại và cả tương lai của mình. Chúng ta dành nhiều thời gian phân tích những gì có thể và sẽ xảy ra đến mức bỏ lỡ việc sống cuộc đời mà chúng ta cần sống.

Nếu thế giới bên trong của chúng ta hỗn độn và không lành mạnh thì chúng ta sẽ chẳng thu được gì ở thế giới bên ngoài để khiến cho ta thấy hạnh phúc. Mặt khác, nếu thế giới bên trong của ta lành mạnh và hoàn chỉnh thì những điều đơn giản và cơ bản nhất ở thế giới bên ngoài sẽ ngập tràn trái tim và tâm hồn ta.

Để sống cuộc đời tốt đẹp nhất, bí quyết là phải có trái tim và khối óc kết hợp hài hòa với nhau. Một số người sống hoàn toàn theo con tim của họ - đó thuần túy là tình cảm và cảm xúc. Những người này thường gặp rắc rối trong thế giới thực, như những gã khờ lụy tình phân định rất kém và không nhận biết được thực tế. Những người khác lại sống hoàn toàn theo đầu óc - họ quá lý trí và logic, không còn chỗ cho trực giác và đam mê chỉ dẫn họ. 

Một trong những điều đầu tiên chúng ta có thể làm để kết nối lại với trái tim mình là kích thích những đam mê đã chết ngay trong chúng ta. Hãy bắt đầu làm những việc mà trước kia đã từng đầy ắp trái tim của mình. Hãy khám phá lại những gì làm ta xúc động và rơi nước mắt. Hãy hỏi mình những câu hỏi như: 
  • Trước kia mình đã làm những gì khiến mình cảm thấy hài lòng với bản thân?
  • Nếu mình không phải làm việc, mình sẽ dành thời gian như thế nào?
  • Những mục tiêu gì khiến cho mình tràn trề năng lượng và mỉm cười?
Chúng ta cũng nên bắt đầu lắng nghe tiếng gọi bên trong nhiều hơn, hãy chú ý tới những lời nhắc nhở thầm lặng và dịu dàng cất lên từ những nơi sâu nhất trong mình. 

Khi ta theo đuổi những khát vọng của trái tim và lắng nghe những khao khát của cái tôi đích thực, rất nhiều khả năng sẽ mở ra. Chẳng hạn, công việc thích hợp sẽ đến vào đúng thời điểm, ta sẽ thu hút những con người phù hợp và những cơ hội tốt nhất đến với cuộc đời mình.

Hãy ngừng đấu tranh và bắt đầu sống. Hãy sống trong tâm thế của một người bình thản chấp nhận, thuận theo những gì cuộc sống có sẵn cho chúng ta. Đừng cưỡng lại cuộc sống của mình, làm cho hạnh phúc của mình phụ thuộc vào mọi thứ theo một cách thức nhất định. Đừng cố xoay xở để đạt được những gì ta muốn trong đời nữa. Những thứ ta theo đuổi sẽ không bao giờ đến với ta. Ta càng bớt lo lắng về cách cuộc sống của ta diễn tiến thì cuộc sống của ta sẽ càng diễn ra suôn sẻ. Hãy chấm dứt việc tìm cách điều khiển cuộc sống của mình và chỉ việc đi theo nó, tin tưởng rằng cho dù hiện tại nó như thế nào thì nó cũng là một phần trong một kế hoạch lớn hơn dành cho mình. Hãy chuyển từ việc cố gắng kiểm soát cuộc sống thành việc luôn tò mò về cuộc sống.

Hãy bắt đầu nhận thức và có ý thức hơn. Chúng ta có thể rèn luyện nhận thức bằng cách chú ý hơn tới những gì đang diễn ra quanh chúng ta. Chẳng hạn, khi đi làm, thay vì sa vào cuộc độc thoại nội tâm, hãy rèn cho trí óc biết phát hiện những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài. Chú ý đến màu sắc của bầu trời và hình dạng của những đám mây, quan sát chiếc lá rơi từ trên cây xuống và cảm nhận ánh năng ấm đang vờn trên gương mặt. Hãy chú ý tới những cảm xúc của cơ thể. Khi ta sống theo con tim nhiều hơn, ta sẽ nhận thấy rằng ta đang tận hưởng hành trình cuộc đời của mình.

Một trong những cách tốt nhất để sống theo trái tim là thay đổi từ chỗ trách cứ sang biết yêu thương. Việc trở thành một con người nhân ái hơn sẽ mở rộng trái tim bạn rất nhiều. Hãy chú ý hơn đến cách bạn đối xử với những người khác. Hãy dành thêm thời gian nhìn vào những thế mạnh của họ chứ đừng bận tâm đến những nhược điểm. Hãy chủ động và có ý thức hơn trong tình yêu thương và sự ân cần bạn dành cho những người khác, bạn sẽ làm cho trái tim của bạn thêm mạnh mẽ. Khi chuyển từ chỗ chê trách và tìm lỗi ở những người quanh mình sang nhìn nhận họ với điểm mạnh của họ, bằng thái độ nhân ái và tình yêu thương chân thật, bạn sẽ có thể nhận ra sự trong sáng của họ, và yêu quý con người thật của họ. 

Một cách quan trọng nữa để mở lò ng là biết giúp đỡ, biết phục vụ người khác. Cách tốt nhất để giảm đi những khổ đau cho chính mình là giảm khổ đau cho người khác. Bạn càng chân thành giúp đỡ những người khác thì trái tim sẽ càng đập theo một nhịp mới. Bạn càng dành cho người khác ý định chân thành nâng đỡ cuộc sống của họ lên một mức cao hơn thì thế giới sẽ càng ban thưởng cho bạn bằng cách nâng đỡ bạn. Bạn càng vì người khác, bạn càng cảm nhận về bản thân mình tốt hơn. Lòng tự trọng của bạn sẽ tăng lên và cảm thấy tốt hơn về bản thân mình. 

Chúng ta cũng hãy học cách tha thứ cho người khác. Tha thứ không phải là bỏ qua những gì ai đó làm với bạn trong quá khứ, tha thứ là chấp nhận điều ấy và nhận ra rằng họ chỉ làm đau bạn bởi vì họ đang ở một trạng thái sợ sệt nào đó. Khi ai đó làm bạn đau là vì họ sợ hãi ở một cấp độ rất sâu. Ví dụ, giả sử bạn đang điều hành một doanh nghiệp và một nhân viên của bạn lấy trộm rất nhiều tiền. Trường hợp này, anh ta đã làm việc đó vì sợ hãi, chúng ta hãy tha thứ cho anh ta. Nỗi sợ đó có thể là nỗi sợ bị túng thiếu. Cũng có thể anh ta tin rằng nếu chỉ làm việc chăm chỉ thì không thể sống một cuộc sống sung túc. Hoặc có thể anh ta sợ bị sa thải, anh ta cần tiền để nuôi sống gia đình mình. Hành vi của anh ta rõ ràng là sai trái, và cách hành xử của anh ta không thể tha thứ, nhưng anh ta đang sợ hãi, đang khiếp sợ. Bạn hãy tha thứ cho anh ta, giúp đỡ anh ta, và cho anh ta thấy tình yêu thương của mình.

Điều tiếp theo chúng ta cần làm là rèn luyện thái độ biết ơn. Bằng cách trân trọng những gì là tốt trong đời mình, những điều tốt đẹp đó sẽ tăng thêm. Chúng ta có thể rèn luyện thái độ biết ơn bằng những cách như sau:
  • Trân trọng đồ ăn.
  • Viết ra danh sách những thứ làm mình hạnh phúc.
  • Cầu nguyện mỗi ngày. Hãy tạo ra một lời cầu nguyện ngắn gọn nhưng tình cảm, thể hiện thái độ trân trọng của bạn dành cho tất cả những gì bạn có. Đọc lời cầu nguyện đó vào buổi sáng và tối. 
  • Gửi đi những lá thư cảm ơn khi người khác làm điều gì đó cho mình. Ví dụ, nếu bạn đưa xe đi bảo dưỡng và người sửa xe cho bạn làm việc rất chuyên nghiệp, hãy gửi một lá thư tới sếp của anh ta và cho biết rằng bạn hài lòng với dịch vụ và đánh giá cao sự ân cần của người nhân viên kia. 
  • Dành cho mọi người bạn gặp một món quà, đó không hẳn là một món quà vật chất tốn kém, đó có thể là một nụ cười, một cái ôm, một lời khen chân thành, một bông hoa tươi từ vườn nhà hay một chiếc bánh nóng hổi bạn vừa nướng xong, thậm chí bạn lắng nghe ai đó với sự chú tâm hoàn toàn, không phán xét cũng là một món quà.
Phát triển tình yêu bản thân.

Bạn dành cho mình tình yêu càng lớn thì bạn sẽ có sẵn tình yêu dành cho người khác. Bạn không thể ban phát thứ mình không có. Hãy tốt với chính mình. Hãy đối xử với bản thân như thể bạn chính là người hùng vĩ đại nhất của mình. Một cách để bắt đầu là nói lời hay với chính mình. Hãy sử dụng những ngôn từ tích cực và đầy sức mạnh, bạn sẽ trở nên tích cực và mạnh mẽ. Một cách khác để thực sự yêu thương chính bản thân mình là bảo đảm rằng có thật nhiều hoạt động tự chăm sóc mình. Ví dụ như xoa bóp thư giãn, dành thời gian ngắm sao, ăn những đồ ăn ngon bổ dưỡng, đọc những cuốn sách hay, nghe những bài hát thú vị giúp cho tinh thần thăng hoa. 

Sau đây là năm bài tập tự chăm sóc để giữ cho bạn thăng bằng, thư giãn và vui vẻ.

Bài tập 1: Đơn giản hóa cuộc sống. 

Hãy luôn tự hỏi mình: "làm cách nào để khiến cho cuộc sống của mình đơn giản hơn". Hãy thận trọng với bất kỳ điều gì xuất hiện để làm cho cuộc đời bạn thêm phức tạp, từ một mối quan hệ khó khăn, đến việc đặt mua thêm đồ.

Bài tập 2: Ghi chép hàng ngày. 

Vì cuộc sống của bạn đáng sống cho nên nó cũng đáng ghi lại. Hãy viết về câu chuyện đời mình và cách nó diễn ra. Viết về những khát khao vẫn chưa thực hiện được và ca ngợi những thắng lợi mà bạn có được. Viết về những gì làm bạn hạnh phúc và những gì làm bạn buồn. Viết về nỗi đau của mình và nêu rõ những bài học bạn tiếp thu được từ những gì khiến bạn tổn thương trong quá khứ. Viết là một cách rất hay để khám phá những nơi sâu kín nhất của chính bạn và giải phóng những năng lực cao nhất của bạn. Ghi chép làm cho bạn trở thành một người tư duy rành mạch hơn và đem lại cho bạn năng lượng khi kết hợp hài hòa cuộc sống bên ngoài với cuộc sống bên trong của mình. Ghi chép cho bạn nơi để trò chuyện với chính mình, và khi làm thế, bạn tăng thêm khả năng tự nhận thức, tự biết mình. Khi viết, hãy thổ lộ mọi điều đang huyên thuyên trong tâm trí bạn, giải phóng nó, hãy ghi lại tất cả những cảm xúc đến với bạn. Sau khi đã giải tỏa được hết tiêu cực, hãy viết về những gì tích cực trong cuộc đời và tâm hồn bạn, viết về những giấc mơ lớn lao của mình, viết về con người của mình và tuýp người bạn thích mình trở thành.

Tác giả cũng đề xuất mỗi sáng chúng ta viết ra câu trả lời cho 5 câu hỏi:
  • Mình sẽ sống ngày hôm nay như thế nào nếu mình biết đây là ngày cuối cùng của mình?
  • Mình phải biết ơn điều gì trong đời mình?
  • Hôm nay mình có thể làm gì để giúp cuộc sống của mình trở nên đặc biệt?
  • Mình có thể làm gì để ngày hôm nay thật sự thú vị?
  • Làm thế nào mình có thể giúp ai đó ngày hôm nay?

Bài tập 3: Dành thời gian để có được một khoảng tĩnh lặng mỗi ngày.

Bài tập 4: Giao tiếp với tự nhiên.

Bài tập 5: Chăm sóc cơ thể.

Cơ thể bạn là một thánh điện - đó là nơi tinh thần của bạn trú ngụ. Bằng cách chăm chút đến khía cạnh thể chất, bạn sẽ có một sự đầu tư tuyệt vời cho chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của mình. Một trong những việc quan trọng nhất cần làm là tập thể dục, xoa bóp thư giãn và có chế độ dinh dưỡng tốt.

NỮ CEO


Nữ CEO là người sẽ giúp Jack tìm câu trả lời cho Câu Hỏi Cuối Cùng thứ ba: "Ta đã cống hiến thật nhiều chưa?"

Nữ CEO này điều hành một công ty tài chính rất lớn ở Phố Wall, New York. Công ty trị giá hàng triệu đô la và là một trong những công ty đẳng cấp thế giới. Cho dù ở trong lĩnh vực kinh doanh, công ty của cô không hoạt động theo kiểu cạnh tranh, hơn thua lợi nhuận, mà dựa trên tình yêu, sự phục vụ, dựa trên triết lý "cùng thắng".

Để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng ta phải duy trì việc lựa chọn cách chúng ta sống. Mỗi khoảnh khắc cuộc đời chúng ta đều là khoảnh khắc của chân lý. Dựa vào những gì bạn chọn lựa trong từng khoảnh khắc, bạn hoặc sẽ trưởng thành hoặc teo tóp lại. Bạn lúc này là tổng hòa của những lựa chọn mà bạn đã thực hiện từ ngày bạn mới chào đời cho đến tận hôm nay. Nhờ những lựa chọn của bạn, bạn thực sự sẽ quyết định số phận của mình. Những lựa chọn giúp quyết định suy nghĩ mà bạn nghĩ, những con người ở xung quanh bạn, những cuốn sách mà bạn đọc, và những hành động bạn thực hiện. Bạn tạo ra cuộc sống của mình. Bạn chính là nguyên nhân của mọi thứ trong đời mình. Mọi hành động luôn có hậu quả, hãy làm những điều tốt cho chính mình và người khác trong cuộc đời bạn.

Triết lý kinh doanh của nữ CEO này là cởi mở, tử tế, cởi bỏ tâm thế tự vệ và dành sự quan tâm thật sự dành cho người khác. Người khác có thể cảm nhận được chúng ta có quan tâm đến họ hay không. Cho dù có thông minh đến đâu thì bạn cũng không thể giả vờ quan tâm được. Bạn có thể nói những lời bạn muốn, nhưng trừ phi bạn thật lòng giúp đỡ khách hàng của mình và làm cho cuộc sống của họ tốt hơn, nếu không họ sẽ không làm ăn với bạn, họ sẽ cảm nhận được rằng bạn không chân thành. Thành công trong kinh doanh đến từ lòng tin, người ta làm ăn với người mà họ tin tưởng. 

Tình yêu là một công cụ kinh doanh 

Để tốt cho sự nghiệp của mình, trước hết bạn hãy đối xử thật lòng với mọi người. Hãy quan tâm nhiều hơn đến việc làm sâu sắc các mối quan hệ hơn là lo bán hàng, doanh số sẽ tự động đến. Thành công lớn trong kinh doanh thật sự liên quan đến những mối liên hệ con người. Các mối liên hệ con người xuất hiện khi chúng ta thật sự cố gắng phục vụ người khác và tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của họ - khi chúng ta học cách giao tiếp từ trái tim, nói ra chân lý của mình, chân thành làm người lắng nghe biết đồng cảm.

Những người thành đạt siêu hạng trong cuộc đời dành thời gian của họ tập trung vào việc tạo ra và xây dựng giá trị chứ không phải kiếm tiền. Họ tìm cách làm giàu cho người khác. Để có nhiều hơn trên thế giới này, bạn phải cho người khác nhiều hơn. 

Mục tiêu cơ bản của kinh doanh là để giúp những người bạn phục vụ tìm ra ý nghĩa, niềm vui và thành công lớn hơn thông qua những sản phẩm và dịch vụ mà bạn dành cho họ. Dĩ nhiên, kiếm tiền là rất quan trọng, nhưng nó không phải là động lực cơ bản nếu bạn tìm kiếm thành công đích thực. Những công ty làm ăn được đều tập trung vào lợi nhuận, những công ty thành công thì tập trung tạo ra những kết quả lớn lao cho khách hàng của mình và tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của họ.

Khi còn là trẻ con, chúng ta đã được huấn luyện phải cạnh tranh để giành lấy những nguồn lực khan hiếm, phải luôn là người xuất sắc nhất trong lớp học và những môn thể thao, điều này tạo ra một định kiến và tình trạng khan hiếm, chúng ta bắt đầu tin rằng thế giới thực sự là một nơi có những nguồn lực hạn chế. Suy nghĩ sai lầm này sinh ra tâm lý sợ hãi, sợ rằng thế giới này không có đủ cho tất cả mọi người, chúng ta phải vật lộn mới tích góp được. Chúng ta sợ rằng mình sẽ thua nếu giúp người khác thắng. Chúng ta ám ảnh với việc phải vượt lên những người khác. 

Nếu tất cả những gì bạn nghĩ đến chỉ là có tất cả mọi thứ cho mình và không giúp người khác đạt được giấc mơ của họ thì khi đó bạn sẽ truyền nỗi sợ hãi của mình ra thế giới, bạn sẽ sống một cuộc sống thiếu thốn. Sợ cạnh tranh làm cho chúng ta cảnh giác với những người khác. Sợ thất bại sẽ đóng chặt sức sáng tạo, hạn chế cơ hội, tạo ra áp lực rất lớn, khiến cơ thể căng thẳng. 

Giải pháp rất đơn giản: chỉ tập trung vào việc sống tốt nhất có thể. Thâm nhập vào trị trường của mình và dành hết mình để phục vụ một cách chân thành, tạo ra các giá trị, xây dựng các mối quan hệ, và những kết quả cùng có lợi cho mọi người trong mọi trường hợp, thì cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ thay đổi. Khi mục đích chính của bạn là làm giàu cho người khác và hỗ trợ họ phát triển thành con người mà số phận họ đã định sẵn, bạn truyền những tư duy phong phú ra với thế giới chứ không phải là phát đi sự sợ hãi. 

Sống đúng với khát vọng và ước mơ


Năm bước đơn giản giúp bạn theo đuổi khát vọng:

Bước 1: Rõ ràng tầm nhìn.

Bạn phải gọi tên được những gì bạn khao khát trong đời. Xác định được các mục tiêu của mình. 

Bước 2: Phát triển chiến lược, là kế hoạch hành động để thực hiện tầm nhìn đã vạch ra.

Bước 3: Cam kết thực hiện, chịu trách nhiệm cho giấc mơ của mình.

Cách tốt nhất là bạn thuê một huấn luyện viên cá nhân để cùng giám sát việc thực hiện những kế hoạch bạn lập ra. Nếu không có điều kiện thuê huấn luyện viên, bạn có thể hình thành một liên minh quân sư, có thể là người thân, bạn thân, giám sát lẫn nhau trong việc thực hiện kế hoạch theo đuổi khát vọng của bản thân. Bạn có thể gặp gỡ họ mỗi tuần. Trong buổi gặp đó, hãy điểm lại những khát vọng và mục đích mà mỗi người đặt ra cho chính mình. Thảo luận những gì đang tiến triển và những gì chưa. Hãy đảm bảo là bạn trung thực. 

Bước 4: Đánh giá.

Cuối mỗi ngày, hãy dành ra 10-15 phút để đánh giá xem mình đã sống như thế nào so với tầm nhìn mình đặt ra. 

Bước 5: Ăn mừng những Khoảnh Khắc Tự Hào.

Hãy dành một thời gian nhất định mỗi tuần để ghi lại những Khoảnh Khắc Tự Hào, những sự tiến bộ của mình. Bạn có thể chia sẻ với các thành viên trong liên minh quân sư. Khoe một chút sẽ giúp bạn thêm động lực và năng lượng, tự tin đi theo giấc mơ của mình. 


Tóm lại, "3 người thầy vĩ đại" là một quyển sách thuần self-help với vô vàn triết lý sống và hướng dẫn cách để chúng ta tự làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn. Cuốn sách đỏi hỏi mỗi người trả lời ba câu hỏi thường xuất hiện trong lòng khi hấp hối:
  1. Ta đã sống một cách khôn ngoan chưa?
  2. Ta đã yêu thương chưa? 
  3. Ta đã cống hiến thật nhiều chưa?
Để trả lời cho câu hỏi "Ta đã sống một cách khôn ngoan chưa", ta cần hiểu được cách thế giới này vận hành: Mọi trải nghiệm xảy đến với ta để dạy ta bài học mà ta cần học. Cuộc sống sẽ liên tục gửi đến cuộc đời ta những con người và tình huống để giúp chúng ta học được những bài học. Nếu chúng ta không chấp nhận bài học mà trải nghiệm mang đến, tình huống ấy sẽ tiếp tục lặp lại hoặc tái hiện trong cuộc đời chúng ta cho tới khi chúng ta hiểu được nó.

Để trả lời trả lời cho câu hỏi "Ta đã yêu thương chưa?", ta cần phải mở rộng trái tim để có thể mở lòng với cuộc sống và những điều thú vị của nó. Để làm được điều này, chúng ta phải biết giúp đỡ và phục vụ người khác, rèn luyện lòng biết ơn, phát triển tình yêu dành cho bản thân mình thông qua việc ghi chép, sống đơn giản, gần gũi với tự nhiên, dành khoảng tĩnh lặng cho mình và chăm sóc cơ thể.

Để trả lời cho câu hỏi "Ta đã cống hiến thật nhiều chưa?", ta sẽ phải đối xử thật lòng với mọi người. Nếu bạn đi làm, hoặc kinh doanh, hãy nhớ mục tiêu cơ bản của kinh doanh là để giúp những người bạn phục vụ tìm ra ý nghĩa, niềm vui và thành công lớn hơn thông qua những sản phẩm và dịch vụ mà bạn dành cho họ, tiền bạc sẽ tự đến sau, tương đương với những giá trị mà bạn đem lại cho thế giới.

★★

Trên đây là một số nội dung được mình chắt lọc từ cuốn sách "3 người thầy vĩ đại".

Sau khi đã đưa ra cho mọi người phần tinh túy nhất của sách, mình mới dám nói thêm một chút về cảm nhận thật sự của mình về cuốn sách này.

Thú thực mình cảm thấy hơi ngộp với những triết lý của cuốn sách, thấy nó khá giáo điều. Mình không chắc có phải tại mình cố đọc nhanh để làm video review nên bị cảm giác này hay không, nhưng mình sẽ khuyên các bạn nên đọc cuốn sách này một cách thật chậm rãi, thật chậm, thật chậm thôi để còn kịp tiêu hóa, để không bị rơi vào tình trạng bội thực như mình.

Dù biết đây là một câu chuyện hư cấu thôi, nhưng mình vẫn thấy cách tác giả xây dựng và dẫn dắt câu chuyện không hợp lý, không hề thực tế, gây cảm giác bị dội ngược. Nhân vật ông Cal (cha của nhân vật chính Jack, chỉ xuất hiện một ít ở đầu sách) là người đàn ông đã ly hôn vợ từ khi con ông còn rất nhỏ và ông không bao giờ quay trở về gặp con trai mình, vậy mà khi "Vị Thánh" vừa gặp Jack đã khen nức nở ông Cal là một hiền triết, một người hoàn hảo. Cả người lướt sóng và nữ CEO cũng khen lấy khen để. Mình kiểu: "gì vậy???", người đọc chẳng biết gì về ông Cal cả, chẳng biết ông đã sống thiện lành ra sao hay có cống hiến vĩ đại gì cho thế giới, chỉ biết ông là một người từng thất bại trong kinh doanh rồi ly dị vợ, bỏ con đi biệt nhiều năm, rồi gặp được vị thánh, người lướt sóng và nữ CEO. Người đọc chỉ biết ông Cal là người như vậy, thế nhưng ai cũng khen ông cao quý, tốt đẹp, thông tin nó vô lý và không chút thuyết phục. Ở bìa phụ của sách, mình thấy nhà xuất bản phân loại "3 người thầy vĩ đại" vào danh mục "Văn học" và "Tiểu thuyết tâm lí". Nếu thật sự cuốn này thuộc thể loại văn học, tiểu thuyết thì mình sẽ đánh cho 1 điểm, tiểu thuyết dở tệ :))) Cốt truyện không có gì mới mẻ, lại còn quá nhiều chi tiết vô lý, gây hoang mang mơ hồ cho người đọc. 

Mình vẫn xếp "3 người thầy vĩ đại" vào thể loại self-help. Tạm bỏ qua những tình tiết phi lý mang lại cảm giác khá khó chịu, nếu chúng ta cố gắng gạn đục khơi trong, thì vẫn tìm ra được rất nhiều bài học ý nghĩa cho cuộc sống của mình, như những nội dung mà mình đã chia sẻ ở trên. Nhưng, lại một cái nhưng, lại thật lòng mà nói thì những bài học mà tác giả Robin Sharma đưa ra trong cuốn sách này, đối với mình không mới mẻ mấy, toàn những kiến thức mình đã đọc được ở một số cuốn sách khác, ví dụ như kiến thức Luật hấp dẫn trong cuốn "Bí Mật" và "Sức Mạnh", lòng biết ơn trong cuốn sách "Phép Màu", việc theo đuổi ước mơ trong cuốn "Người Hùng", 4 cuốn này đều của tác giả Rhonda Byrne, tư duy "cùng thắng" trong "7 Thói Quen Hiệu Quả" của Stephen Covey. Nói thật thì cách trình bày của các tác giả kia còn logic, cuốn hút và dễ tiếp thu hơn ông Robin Sharma này nhiều. 

Nếu bạn muốn hiểu thêm về lòng biết ơn, mình rất khuyến khích bạn tìm đọc cuốn "Phép Màu", nếu bạn muốn tìm hiểu thêm cách để khai phá bản thân, có can đảm theo đuổi ước mơ và khát vọng của mình, thì có thể tham khảo cuốn "Người Hùng", và đừng quên đọc thêm cuốn "7 Thói Quen Hiệu Quả" để hiểu rõ hơn về tư duy cùng thắng.

Ngoài ra, nếu bạn muốn biết cách cụ thể để áp dụng kinh doanh bằng sự chân thành được nữ CEO đề cập đến, mình recommend cuốn "Trải nghiệm khách hàng xuất sắc" của Nguyễn Dương - một chuyên gia quản trị trải nghiệm khách hàng. Cuốn này cung cấp một nền tảng lý thuyết căn bản và toàn diện về trải nghiệm khách hàng và văn hóa "lấy khách hàng làm trung tâm". Bên cạnh đó là những case study đắt giá về phương thức xây dựng trải nghiệm khách hàng xuất sắc của những công ty hàng đầu như Thế Giới Di Động, Amazon, Zappos, The Ritz-Carlton để chúng ta tham khảo và học hỏi.

Quay lại với cuốn sách "3 người thầy vĩ đại", tất nhiên mình không hoàn toàn phủ nhận những giá trị mà sách mang lại, đâu đó trong cuốn sách mình vẫn học được những điều mới, vẫn được đánh động để suy tư và thay đổi. Như mình đã từng nói vài lần khi mình đọc phải những cuốn sách không hay lắm, cho dù cuốn sách có không hay đến đâu, chúng ta vẫn luôn có thể gạn đục khơi trong để học hỏi được từ cuốn sách mà ta đã cất công đọc, vả lại điều quan trọng nhất khi đọc sách vẫn là tự suy ngẫm và thực hành, có thể cách truyền đạt của sách chưa hay nhưng nội dung vẫn có giá trị nếu ta có thể áp dụng vào cuộc sống của mình. Còn bạn thì sao? Hãy chia sẻ với mình cảm nhận của bạn về "3 người thầy vĩ đại" ở phần bình luận nhé!

-

Bạn có thể mua sách "3 người thầy vĩ đại" tại đây: https://shope.ee/5pjHrateuh
Xem video review: https://youtu.be/koyW6h3csS0

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét