- - -
Hôm nay mình sẽ giới thiệu đến các bạn cuốn sách "Tâm lý học đám đông".Cuốn sách này sẽ giúp bạn hiểu được đám đông là gì, nó được hình thành như thế nào, nó có những đặc điểm gì và tại sao nó có sức mạnh ghê gớm.
Đặc biệt trong thời đại Internet và mạng xã hội, một đám đông đáng sợ mang tên "cư dân mạng" được ra đời, thông qua cuốn sách "Tâm lý học đám đông" này, ta sẽ lý giải được một cách khoa học tại sao cư dân mạng rất đáng sợ và nguy hiểm.
Người ta có thể lợi dụng đám đông để thực hiện điều xấu, như kích động đám đông cướp bóc và đốt phá, nhưng cũng có thể tận dụng đám đông để tạo nên những điều vĩ đại như đấu tranh bảo vệ Tổ quốc hoặc niềm tin tôn giáo,..v.v..
- - -
- - -
Trước khi vô nội dung chính thì mình có 3 lưu ý:
- Ngày nay, lý thuyết của Le Bon vẫn chịu một số chỉ trích. Tuy vậy, cuốn sách này vẫn thực sự là tác phẩm quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng thời đại của Le Bon nói chung và của tâm lý học hiện đại nói riêng. Dù tán thành hay phản đối, chúng ta vẫn nên tìm hiểu cuốn sách và tư tưởng của Le Bon theo góc nhìn cởi mở, với mục đích tham khảo và mở rộng tầm nhìn.
- Cụm từ chủ nghĩa xã hội mà Le Bon nhắc đến có hàm ý là chủ nghĩa xã hội không tưởng đã tồn tại từ thế kỷ 16 đến 19 ở Tây Âu, chứ không đồng nghĩa với khái niệm chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx và Engels. Mình phải lưu ý kỹ chứ không thôi mọi người lại bảo mình đang chống đối hay bài xích gì chế độ của nhà nước, khổ lắm.
- Lưu ý rằng đây là một cuốn sách khó hiểu, do nó được viết từ năm 1905 (đầu thế kỷ 20), đến nay gần 120 năm rồi, nên lối viết và cách diễn đạt của tác giả khiến người đọc rất khó tiếp thu. Tuy mình sẽ cố gắng giải thích cho các bạn một cách dễ hiểu nhất có thể, nhưng nếu có chỗ nào các bạn thấy khó hiểu, cứ... kiên nhẫn xem tiếp thì sẽ hiểu.
- - -
Phần 1: Tâm hồn đám đông
Chương I: Đặc điểm tổng quát của đám đông: Quy luật tâm lý học về sự đồng nhất tâm hồn của đám đông
Định nghĩa đám đông tâm lý:
Theo tâm lý học, một đám đông tâm lý là một đám đông có chung một mục đích xác định. Và khi đám đông đó được hình thành thì cá tính có ý thức biến mất, những tình cảm và tư tưởng của tất cả các đơn vị đều hướng về cùng một hướng, đám đông ấy sẽ có những tính cách mới rất khác những tính cách của những cá nhân họp thành quần tụ ấy. Khi một đám đông tâm lý được hình thành, nó có những tính cách chung tạm thời.
Bất kể những cá nhân trong đám đông ấy có đời sống, nghề nghiệp, tính cách, trí tuệ như thế nào, khi họ chuyển thành đám đông, họ có một thứ tâm hồn tập thể làm cho họ cảm nhận, suy nghĩ và hành động theo một cách hoàn toàn khác với cách mà một cá nhân riêng lẻ vẫn cảm nhận, suy nghĩ và hành động. Có những tư tưởng, tình cảm hoặc hành động chỉ nảy sinh khi cá nhân ấy nằm trong đám đông.
Ví dụ: 10 người có chỉ số IQ trung bình là 100 => khi họ hợp thành một đám đông, không có nghĩa là IQ của đám đông đó sẽ bằng 10 * 100, không có nghĩa đám đông ấy sẽ thông minh hơn một cá nhân riêng lẻ gấp 10 lần. Chỉ số IQ của đám đông ấy sẽ là một con số mới, ngẫu nhiên, nhưng thường thì con số đó sẽ thấp (Quan điểm của tác giả Le Bon là đám đông ngu hơn cá nhân mà, ngu hơn như thế nào và tại sao ngu thì đọc tiếp bạn sẽ biết).
Một ngàn cá nhân ngẫu nhiên tụ họp trên một quảng trường công cộng không có một mục đích xác định thì không hề là một đám đông tâm lý.
Vô thức
Trong đời sống, vô thức đóng một vai trò hoàn toàn ưu trội. Đời sống ý thức của tâm trí chỉ biểu thị một phần rất kém bên cạnh đời sống vô thức. Phần lớn hành động hằng ngày của chúng ta chỉ là hậu quả của những động cơ ẩn giấu mà ta không nắm được.
Chính những yếu tố vô thức hình thành nên tâm hồn của một chủng tộc, là những yếu tố hàng đầu làm cho mọi cá nhân trong chủng tộc ấy giống nhau. Còn những yếu tố ý thức - kết quả của giáo dục và di truyền - là những yếu tố làm cho các cá nhân khác nhau. Những con người khác nhau nhất về trí thông minh, lại đều có những bản năng, những đam mê, những tình cảm rất giống nhau. Giữa một nhà toán học vĩ đại với người thợ giày của ông ta, về mặt trí tuệ có thể tồn tại một vực thẳm, nhưng về mặt tính cách thì sự khác biệt thường không có hoặc rất nhỏ.
Trong tâm hồn tập thể, những khả năng trí tuệ và tính cách của cá nhân bị mờ nhạt đi, những tính chất vô thức chiếm ưu thế. Do đó, đám đông không bao giờ có thể thực hiện được những hành động đòi hỏi trí tuệ cao.
Tại sao cá nhân ở trong một đám đông có thể xuất hiện những tính cách mà nếu chỉ tách riêng cá nhân đó thì không có tính cách ấy?
Nguyên nhân đầu tiên: Nếu là một cá nhân riêng lẻ, họ sẽ phải kìm nén nhiều thứ bản năng, nhưng khi ở trong đám đông thì họ sẽ có sức mạnh của đám đông cho phép họ nương theo những bản năng. Nếu đám đông càng vô danh thì các cá nhân trong đó càng ít có xu hướng kìm nén bản năng, và do đó càng vô trách nhiệm.
Ví dụ: Bạn, bình thường sẽ không dám đứng trước cửa nhà ông chủ tịch tỉnh để hô to rằng: "Đả đảo ông chủ tịch tham nhũng", nhưng nếu cả một đám đông hàng nghìn người cùng tập hợp trước cửa nhà ổng và hô câu đó thì có thể bạn sẽ là thằng hô to nhất.
Tương tự, đó cũng là cách hình thành của một bộ phận được gọi là "cư dân mạng". Khi là một người riêng lẻ, chúng ta thường sẽ không dám công khai chỉ trích một người nổi tiếng nào đó, nhưng nếu đó là cả một cái fanpage mấy triệu thành viên, chúng ta sẽ không còn phải kìm nén bản năng, ta không còn phải tỏ ra điềm đạm lịch sự, ta dễ dàng hùa vào đám đông và buông những lời thóa mạ người nổi tiếng kia dù ta chưa biết sự thật như thế nào. Ngay cả khi người đó tự tử vì không chịu nổi búa rìu dư luận, ta cũng không phải đứng ra chịu trách nhiệm cho hành vi sỉ nhục, xúc phạm người khác. Báo chí nếu muốn lên án những người đã bức tử người nổi tiếng kia thì cũng chỉ gọi tên "cư dân mạng", chứ không chỉ đích danh được ta. Ta ẩn mình trong đám đông và lợi dụng sức mạnh của nó để sống theo bản năng, để vô trách nhiệm.
Nguyên nhân thứ hai: Sự lây nhiễm
Trong một đám đông, mọi tình cảm, mọi hành động đều có tính lây nhiễm, đến mức cá nhân rất dễ dàng hy sinh quyền lợi riêng cho quyền lợi tập thể. Đó là một khả năng rất trái ngược với bản tính cá nhân, con người hầu như chỉ có thể làm được khi nó là bộ phận của một đám đông.
Nguyên nhân thứ ba: Tính dễ bị gợi ý
Người ở trong đám đông dễ bị rơi vào một tình trạng đặc biệt, giống trạng thái mê hồn khi bị thôi miên. Nhân cách có ý thức, ý chí và óc phân biệt hoàn toàn biến mất. Họ không còn ý thức về những hành động của mình nữa. Chỉ cần một gợi ý, cá nhân này sẽ lao vào thực hiện một vài hành vi nào đó với sự mãnh liệt không thể cưỡng nổi.
Đứng tách riêng, có thể đó là một cá nhân có văn hóa, nằm trong đám đông, anh ta là một kẻ dã man, bản năng, có thói tự phát, bạo lực. Khi thuộc về đám đông, cá nhân còn có thể bị biến đổi về mặt tư tưởng và tình cảm, từ kẻ hà tiện trở thành kẻ hoang phí, kẻ hoài nghi thành kẻ có niềm tin, người lương thiện thành tội phạm, kẻ hèn nhát thành người anh hùng.
Kết luận: Đám đông bao giờ cũng thấp kém về mặt trí tuệ so với con người đứng riêng lẻ. Nhưng xét về mặt tình cảm và hành động mà tình cảm này gây ra, đám đông có thể tốt hơn hay xấu hơn tùy theo hoàn cảnh, tùy vào cái cách đám đông được gợi ý. Người ta có thể lợi dụng đám đông để phạm tội, nhưng cũng có thể tận dụng đám đông để đám đông hy sinh bản thân mình để chiến đấu bảo vệ đất đai, bảo vệ tổ quốc hoặc bảo vệ một niềm tin nào đó.
Chương II: Tình cảm và đạo đức của đám đông
1. Thói bốc đồng, tính hay thay đổi và tính dễ bị kích động
Đám đông hầu như bị vô thức dẫn dắt. Những hành vi của nó chịu nhiều ảnh hưởng của tủy sống hơn là của não bộ. Cá nhân hành động tùy theo những ngẫu nhiên của các kích thích. Cá nhân tác riêng có khả năng làm chủ những phản xạ của mình, còn đám đông không có được điều đó.
Đối với cá nhân nằm trong đám đông, khái niệm về sự bất khả đã biến mất, nghĩa là khi ở trong đám đông, điều gì cũng có thể làm được. Cá nhân đơn độc cảm thấy rõ rằng anh ta không thể một mình đốt cháy lâu đài, cướp cửa hàng, và nếu anh ta định làm việc đó, thì anh ta sẽ dễ dàng cưỡng lại được ý đồ của mình. Nhưng khi là bộ phận của đám đông, anh ta có ý thức về quyền lực mà số đông đem lại cho mình, chỉ cần gợi ý cho anh ta ý tưởng về sự giết người và cướp phá là anh ta lập tức ngả theo ý đồ ấy.
2. Tính dễ bị gợi ý và tính nhẹ dạ
Đám đông thường ở trong trạng thái chăm chú chờ đợi, điều này làm cho sự gợi ý trở nên dễ dàng. Gợi ý đầu tiên được đưa ra, qua sự lây nhiễm, nó lập tức được áp đặt vào mọi bộ não, và ngay tức khắc sự định hướng được thiết lập.
Đối với đám đông, điều khó tin không tồn tại, đó là lý do những truyền thuyết và những câu chuyện khó tin nhất lại dễ dàng được tạo ra và lan truyền. Những biến cố đã bị làm biến dạng ghê gớm do trí tưởng tượng của những con người tụ họp với nhau. Biến cố đơn giản nhất dưới cái nhìn của đám đông sẽ nhanh chóng trở thành một biến cố bị biến dạng. Đám đông suy nghĩ bằng hình ảnh, và hình ảnh được gợi ra, bản thân nó lại gợi thêm một loạt hình ảnh khác chẳng có liên hệ logic nào với hình ảnh ban đầu.
Đó là cơ chế của những hoang tưởng tập thể rất thường xảy ra trong lịch sử. Khi con người nằm trong đám đông, kẻ ngu dốt và nhà bác học đều không có khả năng nhận xét, năng lực quan sát và tinh thần phê phán biến mất.
Đây là một ví dụ điển hình về hiện tượng hoang tưởng tập thể:
Chiến thuyền “Belle Poule” đang tiến hành tìm kiếm tàu hộ tống “Berceau” bị lạc sau một cơn bão biển lớn. Lúc đó trời quang mây tạnh. Bỗng nhiên một thuyền viên báo động có tàu gặp nạn. Tất cả thủy thủ đoàn hướng mắt về phía được chỉ, từ thuyền viên đến sĩ quan trên tàu ai cũng đều trông thấy rõ ràng một xác tàu đầy ắp người gặp nạn đang được những chiếc bè kéo đi và trên đó có những cờ hiệu cấp cứu đang vẫy vẫy. Đô đốc Desfossés liền ra lệnh thả xuồng tiến về phía xác tàu để cứu những người bị nạn. Trên đường tiếp cận, tất cả thủy thủ và sĩ quan trên xuồng ai cũng đều nhìn thấy “rất nhiều người đang chuyển động hỗn loạn, nhiều bàn tay vẫy vẫy, và nghe thấy vố số những âm thanh yếu ớt khó hiểu”. Khi tới nơi họ chẳng thấy gì ngoài những thân cây với những cành lá trôi dạt đến từ một bờ biển gần đó. Ảo giác đã biến mất trước một bằng chứng hiển nhiên.
Kết luận: Những nhận xét tập thể thường sai lạc nhất trong mọi nhận xét. Ta nên cảnh giác với sự làm chứng của đám đông. Nói rằng một sự kiện đã đồng thời được hàng ngàn nhân chứng quan sát, thông thường có nghĩa là sự kiện thực sẽ khác nhiều so với câu chuyện đã được chấp nhận. Ta cũng suy ra rằng cần phải coi sách lịch sử như là những cuốn sách tưởng tượng thuần túy. Đó là những câu chuyện thêu dệt về các sự kiện được quan sát sơ sài, đi kèm những lời giải thích được thực hiện sau đó.
3. Sự phóng đại và giản đơn trong tình cảm
Trong đám đông, một tình cảm được biểu lộ lan truyền rất nhanh bằng con đường gợi ý và lây nhiễm. Một sự khởi đầu ác cảm sẽ lập tức trở thành hận thù hung dữ ở một cá nhân nằm trong đám đông.
Sự mãnh liệt của tình cảm trong đám đông còn được phóng đại lên do không có trách nhiệm. Tin chắc không bị trừng phạt và tin vào sức mạnh đám đông, điều này làm cho tập thể có những tình cảm và hành động mà cá nhân riêng lẻ không thể có. Trong đám đông, kẻ ngu đần và kẻ đố kỵ được giải phóng khỏi ý thức về sự vô giá trị và sự bất lực của mình, ý thức ấy được thay thế bằng ý niệm về một sức mạnh tàn bạo, nhất thời nhưng vô cùng to lớn.
Vì sợ bị trừng phạt nên những cá nhân riêng rẽ và có trách nhiệm buộc phải hãm những bản năng ấy lại. Đó là điều làm cho đám đông dễ dàng bị dẫn tới những quá khích xấu xa nhất. Tuy nhiên, nếu được gợi ý khéo léo, đám đông có thể có hành vi anh hùng, tận tụy.
4. Lòng bất khoan dung, tính độc đoán và bảo thủ
Cá nhân có thể chịu đựng được mâu thuẫn và tranh cãi, còn đám đông thì không bao giờ chịu đựng được điều đó.
Đám đông bị cái vô thức thống trị quá nhiều, do đó chịu ảnh hưởng bởi sự di truyền lâu đời, nên nó thành ra cực kỳ bảo thủ.
Theo tác giả, khi hiểu được những bản năng sâu xa của đám đông, ta sẽ hiểu được lịch sử, đặc biệt là lịch sử của những cuộc cách mạng quần chúng.
5. Đạo đức của đám đông
Nếu ta hiểu từ đạo đức theo nghĩa luôn tôn trọng quy ước xã hội và thường xuyên kiềm chế những tham vọng cá nhân, thì rõ ràng là đám đông đã quá bốc đồng và bản năng để có thể gọi là có đạo đức. Nhưng nếu trong khái niệm đạo đức, ta đưa vào sự xuất hiện nhất thời một số đức tính như: sự quên mình, lòng tận tụy, sự hy sinh bản thân, thì đám đông đôi khi có thể có đạo đức rất tốt.
Nếu đám đông có khả năng giết người, đốt nhà và làm mọi thứ tội ác, thì nó cũng có khả năng hành động tận tụy, hy sinh và vô tư rất cao. Người ta có thể khiến đám đông hy sinh mạng sống bằng cách khơi gợi ý thức về vinh quang, danh dự, tôn giáo và tổ quốc. Đã có biết bao nhiêu đám đông từng hy sinh anh dũng vì những niềm tin, những tư tưởng và những ngôn từ mà họ hầu như không hiểu.
Chương III: Tư tưởng, sự suy luận và trí tưởng tượng của đám đông
1. Tư tưởng của đám đông
Những tư tưởng có hình thức thật nguyên vẹn và thật giản đơn mới có thể thống trị đám đông. Tư tưởng chỉ tiếp cận với đám đông sau khi đã mang một hình thức rất đơn giản, nó thường phải chịu những biến đổi hoàn toàn nếu muốn trở nên đại chúng. Nhất là những tư tưởng triết học hay khoa học khá cao siêu, nó thường bị giảm thiểu hóa và đơn giản hóa để đám đông có thể hiểu, dù lúc đầu nó có vĩ đại và chân thực đến thế nào.
Những tư tưởng cần thời gian rất lâu để xâm nhập vào vô thức đám đông và trở thành tình cảm và sinh ra những hiệu quả, kể cả khi tư tưởng ấy đúng đắn, đã được chứng minh. Những tư tưởng triết học dẫn tới cuộc Cách mạng Pháp phải mất gần một thế kỷ mới bám rễ được vào tâm hồn đám đông.
Phải mất nhiều thời gian để tư tưởng được xác lập trong tâm hồn đám đông, nhưng muốn thoát ra khỏi đó cũng phải mất chừng ấy thời gian. Vậy nên, đứng trên phương diện tư tưởng, đám đông bao giờ cũng đi chậm hơn vài thế hệ so với những nhà bác học và triết gia.
2. Sự suy luận của đám đông
Không hẳn là đám đông không suy luận, nhưng đám đông chỉ sử dụng những luận chứng rất sơ đẳng, các lý lẽ có thể tác động tới logic của đám đông cũng phải rất sơ đẳng, rất cơ bản.
Ví dụ:
- Người Esquimau biết rằng nước đá là một vật thể trong suốt, tan chảy trong miệng ⟶ khi họ thấy kính là vật thể cũng trong suốt thì họ kết luận nó cũng tan chảy trong miệng.
- Người dã man hình dung rằng khi ăn trái tim của một kẻ thù can đảm ⟶ họ sẽ có sự gan dạ.
- Người công nhân bị một ông chủ bóc lột ⟶ anh ta lập tức kết luận mọi ông chủ đều là những kẻ bóc lột.
Đám đông liên tưởng những sự vật không giống nhau, giữa chúng chỉ có những quan hệ bề ngoài; và họ khái quát hóa tức thời những trường hợp đặc biệt.
⟶ Người biết tác động tới đám đông đều luôn dùng cách suy luận thuộc loại sơ đẳng ấy, đó là kiểu suy luận duy nhất có thể ảnh hưởng đám đông. Đám đông không thể hiểu được một chuỗi các suy luận logic.
Do không thể suy luận hợp lý nên đám đông không có khả năng phân biệt chân lý với sai lầm, nó không thể đưa ra một phán xét chính xác về bất cứ điều gì. Những phán xét được đám đông chấp nhận chỉ là những phán xét áp đặt chứ không bao giờ là những phán xét đã được thảo luận. Trong đám đông, một số ý kiến dễ dàng trở thành ý kiến chung, bởi phần lớn mọi người không có khả năng tự hình thành một ý kiên riêng dựa trên sự suy luận của riêng mình.
Mình khuyên bạn nên hạn chế đọc các bình luận của cư dân mạng trong những drama và scandal, vì lúc đó bạn không đưa ra nổi ý kiến khách quan nào về sự việc, mà bạn chỉ bị ảnh hưởng bởi ý kiến từ những bình luận khác. Nó khiến bạn bị áp đặt, mất khả năng phân biệt đúng sai. Đừng tham gia vào đám đông bình luận đó. Hãy tách bản thân ra, tự đưa ra suy luận, phân tích phải trái đúng sai rồi tự đưa ra ý kiến, đưa ra kết luận.
3. Trí tưởng tượng của đám đông
Đám đông hơi giống trường hợp người đang ngủ, lý trí nhất thời tạm ngừng, để cho những hình ảnh có cường độ cực mạnh nổi dậy trong tâm trí.
Đám đông chỉ có thể suy nghĩ bằng hình ảnh, chỉ bị ấn tượng bởi hình ảnh. Chỉ có những hình ảnh mới làm nó khiếp sợ hoặc cám dỗ được nó, và trở thành động cơ hành động.
Bằng cách tác động lên trí tưởng tượng, người ta đã lôi cuốn được đám đông. Mọi sự kiện lịch sử vĩ đại, sự sáng tạo ra đạo Phật, đạo Ki-tô, đạo Hồi, thời Cải cách tôn giáo, Cách mạng, và chủ nghĩa xã hội ngày nay đều là những hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của những ấn tượng mạnh mẽ được sinh ra từ trí tưởng tượng của đám đông.
Những gì tác động vào trí tưởng tượng của đám đông đều xảy ra dưới hình thức một hình ảnh gây xúc động và rất rõ ràng, kèm theo một số sự kiện kì diệu hay bí ẩn: một chiến thắng vĩ đại, một phép lạ diệu kỳ, một tội ác tày trời, một hy vọng lớn lao. Những điều vụn vặt sẽ không tác động vào trí tưởng tượng của đám đông, nhưng một tai nạn nghiêm trọng hay một tội ác tày trời lại tác động sâu sắc tới đám đông.
Ví dụ: Sự kiện "một dịch cúm làm chết 5000 người trong vài tuần" tác động rất ít tới trí tưởng tượng của đám đông. Nhưng một vụ động đất làm chết 500 người trong một ngày sẽ gây ra cho trí tưởng tượng của đám đông một ấn tượng vô cùng to lớn.
Không phải bản thân những sự kiện đã tác động vào trí tưởng tượng của đại chúng, mà chính là cái cách những sự kiến ấy xảy ra và được trình bày. Cần phải có sự cô động các sự kiện để tạo ra hình ảnh gây xúc động tràn vào và ám ảnh tâm trí. Người nào biết nghệ thuật gây ấn tượng cho trí tưởng tượng của những đám đông cũng sẽ biết nghệ thuật thống trị chúng.
Chương IV: Mọi niềm tin của đám đông đều mang hình thức tôn giáo
Những niềm tin của đám đông luôn mang một hình thức đặc biệt, được gọi là "tình cảm tôn giáo". Tình cảm này có những đặc tính rất giản dị: tôn thờ một con người được giả định là cao siêu, sợ hãi quyền năng thần bí giả định người ấy có, mù quáng tuân theo mọi mệnh lệnh của người ấy, không thể thảo luận những tín điều của người ấy, ước muốn truyền bá chúng, khuynh hướng coi mọi người không chấp nhận những tín điều ấy là kẻ thù.
Người ta đặt mọi khả năng của tinh thần, mọi sự thuần phục của ý chí, mọi nhiệt tình của sự cuồng tín cho việc phục vụ một lý tưởng hay một con người đã trở thành mục đích và là người dẫn đường cho tư tưởng và hành động.
Những niềm tin của đám đông đều mang tính chất ngu trung, cố chấp dữ tợn và nhu cầu tuyên truyền bạo lực. Những tính chất này gắn liền với tình cảm tôn giáo, vì vậy có thể nói rằng mọi niềm tin của đám đông đều có một hình thức tôn giáo.
Phần 2: Ý kiến và niềm tin của đám đông
Chương I: Những nhân tố xa ảnh hưởng tới niềm tin và ý kiến của đám đông
1. Chủng tộc
Chủng tộc là nhân tố hàng đầu, quan trọng nhất. Khi những tính cách của chủng tộc đã hình thành thì quy luật di truyền khiến nó có một sức mạnh đến niềm tin, thiết chế, nghệ thuật của nó. Tất cả những thành tố của nền văn minh chỉ là sự biểu hiện bên ngoài của tâm hồn chủng tộc ấy.
Đám đông của các nước khác biệt nhau trong niềm tin và hành xử, và không thể bị ảnh hưởng theo cùng một cách giống nhau.
2. Truyền thống
Truyền thống biểu thị tư tưởng, nhu cầu, tình cảm của quá khứ. Nó là cái tổng hợp của chủng tộc và đè lên chúng ta với tất cả sức nặng của nó.
Cái dẫn dắt đám đông là truyền thống. Không có truyền thống, sẽ không có hồn nước, không có văn minh. Nhưng không có sự thủ tiêu từ từ những truyền thống ấy, thì sẽ không có sự tiến bộ. Khi một dân tộc để cho những tập quán đóng chốt quá vững qua nhiều thế hệ, dân tộc ấy không thể thay đổi được nữa.
3. Thời gian
Thời gian là người sáng tạo đích thực duy nhất và là kẻ phá hủy vĩ đại duy nhất.
Thời gian làm cho mọi niềm tin nảy sinh, lớn lên, chết đi. Chính nhờ thời gian, những niềm tin đạt được sức mạnh và cũng qua nó những niềm tin mất đi sức mạnh. Vì vậy, một số tư tưởng có thể được thực thi ở một thời đại này lại không thể thực thi trong một thời đại khác.
Thời gian là ông chủ đích thực của chúng ta, chỉ cần để cho nó tác động, ta sẽ thấy mọi sự vật biến đổi.
4. Những thiết chế chính trị và xã hội
Phải cần nhiều thế kỷ để hình thành một chế độ chính trị, và nhiều thế kỷ để thay đổi nó. Thiết chế nào tốt ở một thời điểm nhất định cho một dân tộc nhất định, có thể là đáng ghét đối với một dân tộc khác.
Một dân tộc không có khả năng thay đổi thực sự những thiết chế của mình. Bằng những cuộc cách mạng bạo lực, ta có thể thay đổi tên gọi của những thể chế, nhưng nội dung không thay đổi.
Ví dụ:
Nước Anh là một đất nước dân chủ nhất trên thế giới, tuy sống dưới chế độ quân chủ. Trong khi những nước Mỹ-Latinh theo chế độ cộng hòa nhưng lại là những đất nước chuyên chế nhất.
⇨ Chính tính cách của dân tộc dẫn dắt số phận của một dân tộc chứ không phải chính phủ. Các dân tộc đều bị tính cách của chính họ thống trị, và tất cả những thiết chế nào không được đúc khuôn vừa vặn với tính cách ấy sẽ chỉ là thứ quần áo vay mượn, một thứ giả trang tạm thời.
5. Giáo dưỡng và giáo dục
Triết gia Herbert Spencer chỉ ra rằng: giáo dục chẳng làm cho con người đạo đức hơn, sung sướng hơn, nó không thay đổi được bản năng và đam mê mang tính di truyền của con người; đôi khi, chỉ đạo kém một chút, giáo dục sẽ có hại nhiều hơn có ích.
Theo các nhà thống kê: tội phạm tăng lên cùng với sự phổ cập giáo dục.
Adolphe Guillot, một quan tòa ưu tú nhận xét rằng ngày nay người ta đếm được cứ 3.000 tội phạm có học thì chỉ có 1.000 tội phạm vô học. Tình trạng phạm tội gia tăng đặc biệt ở những người trẻ tuổi được đến trường không mất tiền và bắt buộc (ở Pháp).
Tất nhiên tác giả không phủ nhận ích lợi của việc giáo dục và đào tạo, việc đào tạo nếu không nâng cao được đạo đức thì ít nhất cũng phát triển được khả năng nghề nghiệp. Nhưng các dân tộc Latin đã đặt cơ sở cho hệ thống giáo dục trên những nguyên lý rất sai lầm, đó chính là phát triển trí tuệ bằng cách học thuộc lòng sách giáo khoa.
Học sinh chỉ cố học thuộc càng nhiều càng tốt, còn khả năng phán đoán và óc sáng kiến không bao giờ được sử dụng. Giáo dục đối với chúng ta là đọc thuộc lòng và vâng lời, là bắt chước. Nhiều điều cần thiết để dạy ở trường học, nhưng người ta lại thích dạy phả hệ của con cái nhà vua, các cuộc chiến vương triều, phân loại động vật.
Nền giáo dục ấy làm cho người tiếp nhận chán ghét cái thân phận mà anh ta được sinh ra, và ước ao mãnh liệt được thoát khỏi thân phận ấy. Thay vì chuẩn bị cho người ta vào đời, trường học lại chỉ chuẩn bị cho họ trở thành công chức, có thể thành công mà không cần phải tự định hướng cho mình, cũng không phải bộc lộ một chút sáng kiến nào.
Nền giáo dục ấy tạo ra những đạo quân vô sản bất mãn với số phận mình và luôn sẵn sàng nổi loạn, còn tầng lớp tư sản phù phiếm vừa hoài nghi vừa cả tin, có lòng tin mù quáng vào Nhà nước, nhưng lại không ngừng công kích nó, luôn đổ trách nhiệm cho chính phủ những sai lầm của chính mình và không có khả năng thực hiện một điều gì nếu không có sự can thiệp của quyền lực.
Nhờ vào sách giáo khoa, Nhà nước tạo ra tất cả những con người có bằng cấp ấy, chỉ có thể sử dụng một số ít, những người còn lại phải thất nghiệp. Số người may mắn thì ít, số người bất mãn rất nhiều. Sở hữu kiến thức mà không thể tìm được việc làm là một phương cách chắc chắn để biến con người ta thành một kẻ nổi loạn.
Chúng ta phải thay thế những cuốn giáo khoa và các kỳ thi bằng một nền giáo dục dạy nghề. Ví dụ như kỹ sư được đào tạo trong một xưởng máy chứ không phải trong một trường học, điều này cho phép mỗi người đạt tới chính xác mức độ trí tuệ của anh ta vốn có. Đó là một phương pháp dân chủ hơn nhiều và ích lợi cho xã hội hơn nhiều. Dưới một chế độ như vậy, khả năng thực hành tăng lên và tự phát triển đúng đến mức độ mà năng lực của người học trò có.
Nền giáo dục lý thuyết của chúng ta chỉ tạo ra những kẻ vô tích sự và bất mãn, đọc thuộc lòng và sở hữu nhiều kiến thức nhưng không thực sự nâng cao trí tuệ. Chính sự xét đoán, kinh nghiệm, sáng kiến, tính cách mới là những điều kiện thành công ở đời, còn sách vở không cho những điều đó.
Nhiều nền giáo dục quá chú trọng lý thuyết chỉ vì mục đích thi cử, cấp bậc, bằng cấp, chứng chỉ, huấn luyện giả tạo và nhồi nhét máy móc, bỏ qua thế giới thực. Học sinh cần có sự vững vàng về lương tri, về ý chí, tinh thần, thì trường học lại không cung cấp. Nó làm cho ta không đủ năng lực đáp ứng hoàn cảnh sống trong tương lai. Do đó, khi vào đời, những bước chân đầu tiên của ta trong môi trường hành động thực tế thường chỉ là một loạt vấp ngã đau đớn, ta bị tổn thương, bị vò xé lâu dài, đôi khi bị què quặt mãi mãi. Sự cân bằng tinh thần bị phá hỏng và có nguy cơ không hồi phục được. Sự vỡ mộng xảy ra quá đột ngột, thất vọng quá lớn và nỗi đắng cay quá nặng nề.
Những điều ở trên không lạc đề đâu. Nếu ta muốn hiểu những tư tưởng, những niềm tin đã nảy mầm và nở hoa ra sao thì ta phải biết mảnh đất đã được chuẩn bị thế nào. Nền giáo dục của một đất nước cho phép ta biết đất nước ấy sau này sẽ thế nào. Tâm hồn đám đông được cải thiện hay hỏng đi một phần chính là do giáo dưỡng và giáo dục.
Chương II: Những nhân tố trực tiếp ảnh hưởng tới ý kiến của đám đông
1. Hình ảnh, từ ngữ và công thức
Trí tưởng tượng của đám đông đặc biệt bị những hình ảnh gây ấn tượng. Ta có thể gợi lên những hình ảnh bằng việc sử dụng đúng đắn từ ngữ và công thức. Đó là những từ ngữ có ý nghĩa kém xác định nhất và chi phối hành động nhiều nhất, ví dụ như dân chủ, chủ nghĩa xã hội, bình đẳng, tự do,... Nghệ thuật của những người cầm quyền là biết cách sử dụng những từ ngữ.
Có một số tên gọi các sự việc mà đám đông không thể chịu đựng nổi, ví dụ như các loại thuế ➡ Các lãnh đạo Nhà nước thay đổi từ ngữ bằng những từ bình dân, trung tính, khiến đám đông dễ chấp nhận sự việc đó hơn.
Ví dụ:
- Thuế thân ➡ đóng góp ruộng đất
- Thuế muối ➡ gabelle
- Thuế trợ giúp ➡ đóng góp gián tiếp và thuế gộp
- Thuế cho các hãng buôn và phường hội ➡ môn bài
2. Ảo tưởng
Ngay từ buổi bình minh của các nền văn minh, đám đông luôn phải chịu ảnh hưởng của các ảo tưởng. Người ta đã xây dựng nhiều đền đài, nhiều tượng, nhiều bàn thờ nhất cho những người sáng tạo ra các ảo tưởng. Xưa kia là những ảo tưởng tôn giáo, ngày nay là những ảo tưởng triết học và xã hội.
Kẻ nào biết gây ảo tưởng cho đám đông sẽ dễ dàng làm ông chủ của nó, kẻ nào định phá giải ảo tưởng cho đám đông, kẻ ấy sẽ là nạn nhân của nó.
3. Kinh nghiệm
Kinh nghiệm là phương pháp duy nhất hiệu nghiệm để thiết lập vững chắc một chân lý trong tâm hồn đám đông, và để phá hủy những ảo tưởng đã trở nên quá nguy hiểm.
Những kinh nghiệm phải được lặp đi lặp lại từ thời này qua thời khác để gây được ảnh hưởng nào đó.
4. Lý trí
Chúng ta đã biết rằng sự suy luận không thể ảnh hưởng tới đám đông. Những diễn giả thường kêu gọi tới tình cảm chứ không bao giờ kêu gọi tới lý trí của đám đông.
Không phải lý trí, chính những tình cảm như danh dự, niềm tin tôn giáo, tình yêu dành cho vinh quang và tổ quốc vẫn là những động lực lớn của mọi nền văn minh.
Chương III: Người cầm đầu đám đông và cách thuyết phục của họ
1. Người cầm đầu đám đông
Ngay khi tập hợp thành một đám đông, theo bản năng, chúng ta tự đặt mình dưới quyền uy của một thủ lĩnh.
Thông thường những người cầm đầu đều không phải là các nhà tư tưởng, mà là những người hành động. Họ đều kém sáng suốt, và sẽ không thể sáng suốt, vì sự sáng suốt thường dẫn tới nghi ngờ và không hành động. Dù cho tư tưởng mà họ bảo vệ có phi lý đến thế nào, thì mọi lý luận đều bất lực trước lòng xác tín mạnh mẽ của họ. Quần chúng luôn sẵn sàng lắng nghe con người được thiên phú cho ý chí mạnh mẽ biết làm cho nó kính nể. Những con người tập hợp thành đám đông đánh mất toàn bộ ý chí, và theo bản năng, sẽ hướng theo người nào có một ý chí.
Vai trò chủ yếu của những lãnh tụ vĩ đại là tạo ra niềm tin, cho dù đó là niềm tin tôn giáo, chính trị hay xã hội, niềm tin vào một tác phẩm, một nhân vật, một ý niệm. Trong tất cả các sức mạnh mà nhân loại sẵn có, niềm tin bao giờ cũng là sức mạnh to lớn nhất. Đem lại cho con người một niềm tin, tức là tăng gấp bội sức mạnh của họ.
Phần lớn con người, nhất là trong đám bình dân, đều không có những ý niệm rõ ràng có suy tính đối với bất cứ chuyện gì. Họ không có khả năng tự dẫn dắt. Người đứng đầu là người dẫn đường chỉ lối cho họ.
Có hai kiểu người lãnh đạo:
- Thứ nhất là những người cương nghị, ý chí mạnh mẽ, nhưng nhất thời. Loại này thì dữ tợn, can đảm, táo bạo. Họ có ích khi chỉ đạo một trận đánh úp, lôi kéo quần chúng bất chấp hiểm nguy. Nhưng nghị lực của những người lãnh đạo này không bền. Họ cũng cần phải được dẫn dắt và được kích thích không ngừng, bên trên họ luôn phải có một con người hay một ý niệm, theo một đường lối ứng xử đã được vạch ra rõ ràng.
- Thứ hai là những người có một ý chí vừa mạnh mẽ vừa lâu bền. Mặc dù hình thức kém nổi trội, họ lại có ảnh hưởng to lớn hơn nhiều. Đó là những nhà sáng lập ra các tôn giáo hay những sự nghiệp lớn, như:
- Thánh Paul - người tổ chức học thuyết Kitô giáo, người có công biến Kitô giáo thành tôn giáo thế giới;
- Mohamed - người sáng lập Hồi giáo;
- Christophe Colombus - nhà hàng hải người Ý, phát hiện ra châu Mỹ;
- Ferdinand de Lesseps: kỹ sư người Pháp, đảm nhận việc xây dựng kênh đào Suez và Panama.
2. Phương tiện hành động của người cầm đầu: khẳng định, nhắc đi nhắc lại, lây nhiễm
Khi phải lôi kéo đám đông trong một thời khắc và xui khiến đám đông tiến hành một hành vi nào đó, chẳng hạn cướp phá một tòa lâu đài, hy sinh thân mình để bảo vệ một chiến lũy → cần phải tác động lên đám đông bằng những gợi ý nhanh. Sự gợi ý mạnh nhất là nêu gương. Đặc biệt người cầm đầu cần phải có uy tín.
Nhưng khi muốn làm cho những tư tưởng và niềm tin thâm nhập vào tâm trí đám đông thì những người đứng đầu chủ yếu dùng ba phương pháp: khẳng định, nhắc đi nhắc lại, lây nhiễm. Tác dụng của những phương pháp ấy khá chậm, nhưng một khi đã tạo được hiệu quả thì rất lâu bền.
- Sự khẳng định thuần túy và đơn giản là một trong những phương tiện chắc chắn nhất để làm cho một tư tưởng thâm nhập vào tâm trí đám đông. Sự khẳng định càng súc tích, càng thiếu chứng cứ và chứng minh, thì nó càng nhiều uy lực.
- Sự khẳng định chỉ có ảnh hưởng thực sự với điều kiện thường xuyên được nhắc đi nhắc lại, càng nhiều càng tốt. Sự việc được khẳng định bằng cách nhắc đi nhắc lại, cuối cùng người ta sẽ chấp nhận nó như một chân lý đã được chứng minh, kể cả đối với những đầu óc sáng suốt nhất (Bạn có thể tham khảo video "Hiệu ứng chân lý ảo tưởng" trên kênh của mình)
- Trong đám đông, tư tưởng, tình cảm, xúc cảm, niềm tin có một khả năng lây nhiễm mãnh liệt như khả năng của vi trùng. Sự lây nhiễm không đòi hỏi nhiều cá nhân đồng thời hiện diện tại một điểm duy nhất, nó có thể xảy ra từ xa, dưới ảnh hưởng của một số biến cố định hướng mọi tâm trí vào cùng một hướng. Ví dụ, sự bùng nổ cách mạng 1848 xuất phát từ Paris, bỗng đột ngột lan rộng ra phần lớn châu Âu và làm chao đảo nhiều chế độ quân chủ.
Chính bằng cơ chế lây nhiễm, chứ không bao giờ bằng cơ chế suy luận, mà những ý kiến và niềm tin của đám đông được truyền bá.
3. Uy tín
Uy tín có thể bao hàm một số tình cảm như khâm phục hoặc sợ hãi.
Uy tín là một thứ thống trị mà một cá nhân/sự nghiệp/tư tưởng tác động lên tâm trí chúng ta. Sự thống trị này làm tê liệt mọi khả năng phê phán và rót đầy tâm hồn ta sự ngạc nhiên và lòng kính trọng.
Uy tín có hai hình thức chính: Uy thế và uy lực.
- Uy thế là loại uy tín nhờ tên tuổi, của cải, sự nổi tiếng mà có. Nó có thể độc lập với uy lực.
- Uy lực là cái gì đó thuộc về cá nhân, có thể cùng tồn tại với sự nổi tiếng, vinh quang, của cải, nhưng cũng có thể hoàn toàn tồn tại mà không có chúng.
- Uy thế
Uy thế, hay uy tín giả tạo, là loại uy tín phổ biến nhất. Chỉ cần chiếm một vị trí nào đó, sở hữu một tài sản nào đó, được phong một chức tước nào đó, thì một cá nhân đã có uy tín, dù giá trị cá nhân có thể chẳng có gì. Ví dụ: nhìn thấy một người mặc vest, tóc chải keo bóng loáng, tự dưng ta đã thấy người đó uy tín hơn một kẻ ăn mặc xuềnh xoàng và tóc bù xù. Hoặc trong thời đại mạng xã hội như hiện nay, chỉ cần nhìn thấy một ai đó xuất hiện xinh đẹp và giàu có trên Tiktok, cũng đủ để ta tin vào sản phẩm mà họ giới thiệu.
Còn có loại uy tín do những ý kiến khác tác động, đó thường là sự nhắc đi nhắc lại được tích tụ. Ví dụ, ta được học trong lịch sử rằng vị vua A là một vị vua đáng kính, mặc dù ta không biết điều đó có thật không nhưng khi đến viếng đền thờ của vị vua đó ta vẫn tỏ ra thành kính tôn nghiêm. Có một tác phẩm văn học ta đọc thấy dở ơi là dở nhưng người ta đã dạy chúng ta rằng đó là một tác phẩm vô cùng vĩ đại, nên ta sẽ không dám chê nó.
Cái đặc thù của uy tín là ngăn cản ta nhìn sự vật đúng như nó vốn có và làm tê liệt mọi đánh giá của chúng ta.
- Uy lực:
Uy lực là một quyền uy mà chỉ một số ít người có được, cho phép họ tạo ra một sự lôi cuốn có sức hấp dẫn huyền diệu đối với những người xung quanh, trong khi đó, về mặt xã hội, họ bình đẳng với những người xung quanh, họ không hề có một phương tiện nào để thống trị.
Những lãnh tụ vĩ đại của đám đông, như Đức Phật, Chúa Jesu, Mohamed, Jeanne d'Arc, Napoleon đều sở hữu hình thức uy tín này ở mức độ cao. Họ sở hữu quyền năng mê hoặc từ rất lâu trước khi trở nên nổi tiếng. Có khi chỉ bằng một ánh nhìn mà họ đã khuất phục được tất cả người khác.
Chương IV: Những giới hạn về tính hay thay đổi của niềm tin và ý kiến đám đông
1. Những niềm tin cố định
Những niềm tin và ý kiến của đám đông tạo thành hai lớp khá phân biệt nhau:
- Những niềm tin bền lâu, kéo dài nhiều thế kỷ, và cả một nền văn minh phải dựa vào chúng. Ví dụ như ngày xưa, đó là quan niệm phong kiến, những tư tưởng Ki tô giáo, nhưng tư tưởng thời cải cách tôn giáo, còn như ngày nay, đó là nguyên tắc chủ quyền dân tộc, những tư tưởng dân chủ và xã hội.
- Những ý kiến nhất thời và thay đổi, được phát sinh thường xuyên. Ví dụ như những lý thuyết sản sinh ra chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa thần bí,...
Những niềm tin lớn mang tính tổng quát thường có số lượng rất hạn chế. Chúng cấu thành khung cốt đích thực của các nền văn minh. Những niềm tin chung là giá đỡ cần thiết của những nền văn minh, chúng quy định hướng đi cho tư tưởng. Chỉ có chúng mới có thể gợi hứng cho niềm tin và tạo ra bổn phận.
Rất dễ khi thiết lập một ý kiến tạm thời trong tâm hồn đám đông. Nhưng thật khó để thiết lập một niềm tin lâu dài đối với nó. Cũng rất khó khăn để phá hủy được một niềm tin lâu dài khi nó đã được thiết lập. Một dân tộc không bao giờ có thể thay đổi những niềm tin mà không đồng thời buộc phải thay đổi mọi yếu tố trong nền văn minh của mình.
2. Những ý kiến có tính chất động của đám đông
Bên trên những niềm tin cố định còn có một lớp gồm những ý kiến, ý tưởng, tư tưởng luôn luôn sinh ra và mất đi.
Được hình thành do sự gợi ý và lây nhiễm, những ý kiến bao giờ cũng có tính nhất thời.
Ngày nay, tổng số những ý kiến lưu động của đám đông nhiều chưa từng có, vì 3 lý do:
- Những niềm tin cũ càng ngày càng mất ảnh hưởng.
- Sức mạnh của đám đông trở nên càng ngày càng to lớn, càng ngày càng có ít đối trọng.
- Vì báo chí không ngừng đưa ra trước mắt đám đông những ý kiến trái ngược nhất.
Chính quyền cũng đã bất lực trong việc hướng dẫn dư luận. Ngày xưa, hoạt động của chính quyền, ảnh hưởng của một vài nhà văn và của các tờ báo là những thứ thực sự điều chỉnh dư luận. Ngày nay, các nhà văn đã mất hoàn toàn ảnh hưởng, và những tờ báo chỉ còn làm công việc phản ánh ý kiến. Còn những chính khách còn lâu mới điều khiển được dư luận, họ chỉ tìm cách chạy theo đuôi nó mà thôi. Ý kiến của đám đông càng lúc càng có khuynh hướng trở thành cái biểu lộ tối cao của chính trị.
- - -
Tóm lại:
Đám đông bao giờ cũng thấp kém về mặt trí tuệ so với con người đứng riêng lẻ. Đám đông có những đặc điểm: bốc đồng, dễ thay đổi, dễ bị kích động, nhẹ dạ và dễ bị gợi ý, có sự phóng đại và đơn giản trong tình cảm. Đám đông chỉ hiểu được những tư tưởng giản đơn, đám đông không thể suy luận, hoặc suy luận rất sơ đẳng, đám đông suy nghĩ bằng hình ảnh và bị ấn tượng bởi hình ảnh.
5 nhân tố xa ảnh hưởng đến niềm tin và ý kiến của đám đông: chủng tộc, truyền thống, thời gian, những thiết chế chính trị xã hội, sự giáo dục.
4 nhân tố trực tiếp ảnh hưởng tới ý kiến của đám đông: hình ảnh, từ ngữ và công thức; ảo tưởng; kinh nghiệm; lý trí.
Nhu cầu bản năng của con người trong đám đông là tuân theo một người cầm đầu. Để làm cho những tư tưởng và niềm tin thâm nhập vào tâm trí đám đông thì những người đứng đầu chủ yếu dùng ba phương pháp: khẳng định, nhắc đi nhắc lại, lây nhiễm. Những người đứng đầu sẽ thống trị bằng uy tín, đó có thể là uy thế hoặc uy lực.
Hy vọng sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ tỉnh táo trước khi quyết định tham gia bất cứ một đám đông nào.
Xem video trên Youtube: https://youtu.be/v87jEb2FtUM
Mua sách TÂM LÝ HỌC ĐÁM ĐÔNG: https://shope.ee/4fP2zPp32Z
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét