Một chủ nhật Sài Gòn đẹp trời ngày 05 tháng 02 năm 2023
Mình mở mắt thức giấc lúc 6 giờ 13 phút. Hoang mang vô định chẳng biết làm gì, ngồi thiền được 15 phút thì nằm xuống ngủ tiếp tới 8 giờ lại dậy và pha một ly cafe rồi ngồi đọc bài trên blog của cô Nguyễn Phi Vân trong một tâm trạng hoang mang và tinh thần kiệt quệ, cố gắng tìm ra lý do và một lối thoát cho hiện cảnh của bản thân.
Từ trước đến nay, danh tính của mình gắn liền với công việc. Mình chỉ cảm thấy tồn tại khi bản thân được có một công việc, một chức danh. Khi ai đó hỏi mình là ai, mình sẽ giới thiệu với người đó rằng mình là X [nghề nghiệp] của Y [công ty]. Trong nhiều năm, luôn luôn "Tôi là X của Y". Thế là, khi mình dù cố ý hay vô tình thất nghiệp, bùm, mình không còn biết bản thân là ai, là gì trong cuộc đời này. Và rồi mình cảm thấy rất tồi tệ, quay cuồng trong hoang mang vô định và rơi vào hố sâu trầm uất.
Khái niệm "khủng hoảng danh tính" này mình đã biết đến từ rất lâu rồi qua những cuốn sách mình đọc. Người ta khuyên rằng chúng ta nên đa dạng hóa vai trò của bản thân trong cuộc sống, đừng để bản thân gắn liền với duy nhất một thứ gì đó. Ví dụ, chức danh "tiến sĩ'', "trưởng phòng kinh doanh công ty A", vai trò "bà nội trợ trong gia đình" hoặc "con ông A", "bố thằng Tí", danh hiệu "đại gia", "hoa hậu", vân vân. Mình đã biết đến khủng hoảng danh tính nhưng vẫn chưa thể tìm cách ngăn ngừa nó. Mình vẫn luôn cảm thấy rằng cuộc sống này thực sự rất khó khăn.
Cách đây 2 ngày, cô Phi Vân đăng một bài với tiêu đề "Chỉ có con người là bất ổn".
Thế giới này, ngàn năm trước ngàn năm sau vẫn thế. Vạn vật vẫn tự sinh tự diệt. Vũ trụ vẫn thành trụ hoại không. Con người vẫn sinh lão bệnh tử. Bản chất của cuộc sống thăng trầm, sau cao trào là thoái trào, sau thành công là thất bại, sau hội ngộ là chia ly, sự sống đi đến tận cùng lại là cái chết…
Chỉ có con người là bất ổn.
Chỉ có con người là bất ổn.
Chỉ có mình là bất ổn trong cuộc sống vốn dĩ vô cùng đơn giản và vô thường này.
Nó làm mình nhớ lại một bài diễn thuyết trên TEDx Talk mình đã xem từ hồi sinh viên và vô cùng ấn tượng: Life is easy. Why do we make it so hard? Trong bài diễn thuyết này, chú Jon Jandai trình bày về việc chú đã sống thuận theo tự nhiên như thế nào và cuộc sống chú trở nên đơn giản như nó vốn là. Sau 7 năm lăn lộn để làm công việc vất vả lương thấp với mức sống cao ở thủ đô, chú từ bỏ, trở về quê làm ruộng và sinh sống. Chú chỉ cần làm ruộng ít giờ một ngày mà vẫn đủ ăn và thậm chí nuôi sống cả gia đình 6 người. Chú có rất nhiều thời gian rảnh thảnh thơi, ngủ, nghỉ. Chú tự xây những ngôi nhà, đúng nghĩa "nhà chỉ đơn giản là nơi trú thân, che nắng che mưa" trong khi rất nhiều người trong chúng ta có học thức cao, có công việc ổn định nhưng không thể mua nổi một căn nhà riêng hoặc phải mất vài chục năm cày cuốc mới có thể sở hữu nhà kèm theo đó là một khoản nợ lớn. Chú cũng không cần mua quần áo vì người ta tưởng chú nghèo nên người ta cho chú rất nhiều quần áo, chú không cần diện đẹp, quần áo chỉ đơn giản là thứ để che thân.
Mình tự hỏi, liệu mình có thể sống một cuộc sống đơn giản đến như vậy không giữa một thế giới hiện đại hối hả và thực dụng này.
Mình là ai nếu mất job?
Mình muốn mình là người như thế nào...
---
Dù muốn dù không, mình phải thừa nhận từ lâu mình đã biết được sứ mệnh của cuộc đời mình, rằng mình được gửi đến thế giới này để làm gì.
Mình có thể là gì khác khi không thực hiện sứ mệnh chữa lành những con người tổn thương? Mình phải trở thành một nhà trị liệu tâm lý để giúp đỡ những người đang đau khổ. Mình phải trở thành một người đem ánh sáng tri thức đến với những người đang sống trong tăm tối của vô minh. Mình phải trở thành một người đem tình yêu đến để hàn gắn những tổn thương của nhân loại. Đã nhiều năm mình cố chôn vùi và né tránh việc này, nhưng ngày nào mình còn chưa thực hiện nó, ngày đó trái tim mình vẫn nhức nhối.
Mình đã hiểu tại sao ông chủ tiệm pha lê trong "Nhà giả kim" lại sợ hãi khi phát hiện ra bản thân cũng có ước mơ. Bởi vì khi có ước mơ, ta phải chiến đấu vì nó. Khi biết được sứ mệnh, ta bị thôi thúc phải thực hiện nó. Để thực hiện nó, ta phải vượt qua những sự lười biếng, nỗi sợ hãi và phải gạt bỏ đi những niềm vui thú trước mắt để hướng về thứ dài hạn, lớn lao vĩ đại và ý nghĩa hơn.
Con người ưa sự dễ dàng và thoải mái, không ai muốn sự khó khăn và bất tiện. Mình cũng vậy thôi.
Khi tốt nghiệp Đại học, mình nôn nóng muốn tìm được ngay một công việc để kiếm ra tiền, dù mình biết rằng mình nên học cao lên để có thể thực hiện ước mơ trở thành một bác sĩ tâm lý, mình tự nhủ rằng khi nào công việc ổn định mình sẽ đi học sau. Khi đã đi làm thì mình lại thấy đi học nữa thì vất vả quá, mình tự nhủ rằng khi nào mình lên chức cao hơn và có nhiều tiền hơn thì mình sẽ yên tâm đi học. Nhưng khi lên chức thì mình lại quá bận rộn với hàng tá trách nhiệm và luôn trong tình trạng mệt nhoài, mãi mà mình vẫn chưa đi học. Trong suốt thời gian qua, mình làm gì cũng thấy cuộc sống không trọn vẹn, vì mình đã dẹp ước mơ qua một bên để chạy theo cơm áo gạo tiền, danh vọng và địa vị xã hội, những lúc ước mơ ngủ quên thì không sao, nhưng đã có rất nhiều lần, ước mơ nó sống dậy và liên tục làm trái tim mình đau nhói vì đã không theo đuổi nó.
Vừa qua, mình đọc cuốn sách "Chủ nghĩa Khắc kỷ", trong đó ý tác giả có nói rằng nếu chúng ta chỉ đơn thuần sống để thực hiện những mục tiêu cá nhân, thì ta vẫn thấy cuộc đời này chẳng ý nghĩa trọn vẹn. Cuộc đời chỉ trọn vẹn khi ta hiến thân vì một lý tưởng lớn lao hơn. Vào năm 28 tuổi, mình nhận ra đúng là như vậy.
Có những ngày mình ngồi cố nghĩ: Trong cuộc đời mình, mình nhớ nhất điều gì trong số những điều mình đã làm?
Đáng tiếc, mình không thể nhớ được những cảnh quan ở những địa điểm du lịch mình từng đến, mình không thể nhớ món mình đã ăn ngon như thế nào, tiền kiếm được mình đã vui ra sao. Những điều mình nhớ nhất, là:
- Cảm xúc hài lòng khi mình có kỷ luật để làm những điều mình phải làm để đạt được mục tiêu, chẳng hạn như việc dậy sớm, nấu ăn, tập thể dục, và chăm chỉ học bài.
- Cảm giác có ý nghĩa khi mình đã có ảnh hưởng tích cực đến người khác.
- Cảm xúc hạnh phúc khi ở bên cạnh người mình yêu thương.
Mình có thể không nhớ nổi mình đã đi ăn gì với người đó, nhưng mình nhớ rõ cảm giác hạnh phúc khi cùng ngồi ăn với họ. Mình không thể nhớ cái nệm mình đã mua bao nhiêu tiền hay là nó êm như nào, nhưng mình nhớ cảm giác ngất ngây vui sướng khi ôm người yêu trong lòng và tỉ tê tâm sự cùng họ. Mình không thể nhớ nổi mình đã mua cho em gái mình thứ gì, nhưng mình nhớ cảm giác có ích khi mình ngồi giải thích cho nó về quy luật 10.000 giờ để trở nên thông thạo thứ gì đó. Mình không nhớ nổi gương mặt của Thảo Anh, một bạn học đại học của mình, nhưng mình không bao giờ quên sự xúc động khi Thảo Anh gửi email cho mình cách đây 4 năm và cảm ơn mình vì hồi năm 3 mình đã động viên Thảo Anh theo đuổi ước mơ của bạn ấy.
Mình sẽ hạnh phúc khi yêu và được yêu, khi kỷ luật và tự trọng, khi giúp đỡ được người khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét