Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

[Truyện ngắn] Sân bay nhiều kỷ niệm

Hôm nay là một ngày rất trọng đại và tràn ngập hạnh phúc của gia đình anh Phong và chị Tâm. Vì gia đình anh chị vừa đón chào sự ra đời của một bé gái rất dễ thương, kháu khỉnh và bụ bẫm. Anh đặt tên con gái là Hoàng Yến – một cái tên rất hợp với khuôn mặt dễ thương nhưng mạnh mẽ của bé. Tuy gia đình chẳng khá giả gì, anh và vợ chỉ buôn bán rau, củ, trái cây lặt vặt kiếm sống qua ngày, song gia đình anh luôn tràn ngập tình thương và tiếng cười. Hoàng Yến suốt ngày bập bẹ, hiếu động vô cùng, lật đật như con gấu con bụ bẫm trông dễ thương lắm. Đi làm về dù mệt mỏi đến đâu, chỉ cần nhìn thấy con khoẻ mạnh, thoải mái chơi đùa là bao mệt nhọc của anh chị tan biến. 

Những tháng ngày hạnh phúc, bình yên thấm thoắt trôi đi. Rồi đột nhiên khu chợ mà vợ chồng anh đang buôn bán thông báo sẽ giải thể. Anh chị biết làm sao? Thật không dễ để có được một chỗ bán mới. Đêm nào anh chị cũng nhìn Hoàng Yến bé bỏng say giấc nồng mà khẽ thở dài. Gần sát ngày chợ chính thức giải thể, anh gọi vợ vào phòng riêng nói chuyện: 

- Anh mới thưa chuyện với bác anh ở bên Đức, bác ấy nói sẽ bảo lãnh anh qua đó và nhận anh vào nhà hàng của bác làm. Em cứ ở nhà nuôi dạy con cho thật tốt, anh sẽ gửi tiền về hàng tháng. Em thấy sao? 

- Được không đó anh? Một mình anh làm thì có nuôi nổi mẹ con em và cả bản thân anh không ? 

- Được mà, bác bảo lương thử việc cũng hai triệu một tháng, nếu anh làm tốt, anh sẽ được nhận vào làm chính thức, lương ba triệu rưỡi một tháng cơ. Còn nữa, lương sẽ tăng tuỳ theo thâm niên và tay nghề. Em yên tâm chưa? 

- Chưa! Không có em thì ai chăm sóc anh chứ, sao mà em yên tâm được. Với lại con nó sẽ nhớ anh lắm! 

- Thì em phải lựa lời mà khuyên bảo con, em phải thay vị trí của anh trong nhà đó! Chứ bây giờ không làm như vậy thì biết làm như nào? Bằng cấp mình không có, mình cũng lớn tuổi rồi, xin việc thì công ty nào mà nhận mình?! 

- Thôi, em cũng đành vậy chứ biết sao. 

Sau một tuần làm thủ tục, chuẩn bị hành lí và chia tay họ hàng, giờ anh Phong chuẩn bị lên đường: 

- Em nghe nói đàn ông mà đi xa thì sẽ sinh lắm sự không hay. Anh mà lôi thôi gì thì “chết” với em đấy! – chị Tâm cốc đầu anh đe doạ. 

- Thưa vợ! Chồng biết rồi ạ! – anh Phong trả lời lém lỉnh và đưa tay véo má chị. 

- Ba đi nha con. 

Bé Yến không dám đứng gần ba để tạm biệt. Mặc cho anh Phong kêu hết lời bé vẫn đứng níu ống quần mẹ, không chịu ra cho ba ôm hôn tạm biệt. 

Máy bay đã cất cánh. Anh Phong đang đi đến một nơi mà đối với anh, đó là cả một tương lai tươi sáng hơn lúc này. Còn đôi mắt ngây thơ của bé Yến vẫn ngơ ngác nhìn theo chiếc máy bay chở ba mà không hề biết rằng cả một bầu trời phía trước đang dần sụp đổ. Năm ấy Yến tròn 5 tuồi. 

➖➖➖➖➖➖

Bốn năm kể từ khi anh Phong sang Đức, tháng nào anh cũng gửi về cho mẹ con chị Tâm một số tiền đủ để chị trang trải những việc trong nhà và lo cho Hoàng Yến đi học. Anh cũng thường xuyên viết thư gửi về cho mẹ con Yến, những lúc ấy Yến đang học cấp 1, mẹ Yến đưa Yến đọc những lá thư đó, Yến đọc hơi chậm nhưng dứt khoát và truyền cảm, chị Tâm vừa nhìn Yến vừa cảm nhận được niềm hạnh phúc đang tràn dâng lên trong mình. 

Sang năm thứ sáu, nhờ sự tằn tiện lo xa, chị Tâm đã xây được căn nhà mới khang trang hơn, ấm cúng hơn. Một tay chị lo hết những chuyện trong việc xây nhà: từ việc chọn mua nguyên vật liệu, đến việc giám sát thi công – những việc mà lẽ ra phải do người đàn ông gánh vác. Và cũng trong năm đó, anh Phong bỗng dưng biến mất khỏi cuộc sống của mẹ con Yến. Lúc đầu, không thấy anh gửi tiền về, chị Tâm cũng chỉ nghĩ là do làm ăn khó khăn hoặc anh đang kẹt chuyện gì đó, hay tiền gửi về bị thất lạc,… Nhưng về sau, không thấy cả những thư từ gì của anh, chị đâm lo, nhưng chị không làm được gì cả. Chị không có địa chỉ, thậm chí số điện thoại để liên lạc của anh chị cũng không có, và chị càng không thể “bay” sang đó để gặp anh. Họ hàng và bà con chòm xóm cũng bắt đầu để ý đến chuyện nhà chị. Lâu lâu họ lại hỏi: “Sao thằng Phong đi lâu quá không về? Nó có chuyện gì à?” hoặc “Thằng Phong nó không nhớ mẹ con mày hay sao vậy?”,… Chị cũng chỉ biết cười trừ và nói đỡ: “Bên đó phải dè xẻn để gửi về bên này nên không dư giả để có tiền mua vé máy bay mà về bác ạ”. Bé Yến cũng hay hỏi ba nó, nhưng chị cứ kiếm hết lí do này sang lí do kia để biện minh cho sự vắng mặt của ba nó trong nhà, nhưng nó không cảm thấy hài lòng với những câu trả lời của chị, nên dần dần nó cũng không muốn hỏi nữa, nó mặc nhiên xem như ba nó không còn tồn tại, và “gia đình của nó” chỉ có mẹ Tâm và nó thôi. 

Độ một năm sau không biết lấy tin tức ở đâu, mà chị gái của chị Tâm, tức là dì ruột của bé Yến, hoảng hốt chạy qua nhà chị Tâm: 

- Tâm ơi, Tâm ơi, thằng Phong chồng mày có vợ có con bên đó rồi kìa! 

- Cái…cái…gì? Sao? Chị…sao chị biết?! 

- Thì con Hạnh làm ở thẩm mĩ viện bạn tao đó, mày nhớ không? Bữa hổm nó qua Đức du lịch, lúc đi chơi nó thấy thằng nào người Việt trông quen quen, nó chợt nhớ ra đó là thằng Phong chồng mày. Mà nó lại thấy thằng Phong đi chung với con nào nữa, không phải người Việt Nam, bế theo thằng nhỏ khoảng 1 tuổi. Con Hạnh nó vừa về nước, đến gặp tao ngay rồi nói cho tao biết nè. 

Dì bé Yến còn nói phụ hoạ thêm những câu gì nữa, nhưng chị Tâm như không tin vào những gì tai mình nghe được, chị đứng trân trối, đúng hơn là chị đã không nghe được gì nữa từ lâu rồi. 

Từ khi biết được sự thật phũ phàng đó, chị Tâm suy sụp tinh thần, bé Yến không hiểu tại sao ngày nào cũng thấy mắt mẹ mình cũng thâm quầng mà lại sưng đỏ lên, là vì đêm nào chị cũng khóc suốt. Đang không biết sinh sống thế nào, chị được một người quen hướng dẫn cho chị “nghề” ghi số đề. Từ lúc anh Phong không gửi tiền về nữa, chị chỉ sống nhờ khoản tiền chị tiết kiệm được, vừa lúc hết tiền thì chị biết được tin động trời đó. Đã không còn gì để mất, chị lao theo “nghề” đó luôn. Chỉ tội cho bé Yến, từ khi chị làm “nghề” đó, bé không biết ghi vào phần “nghề nghiệp của mẹ” trong sơ yếu lí lịch là gì. Thầy cô chỉ thấy trong sơ yếu lí lịch của Yến, phần “Nghề nghiệp của mẹ” ghi hai chữ: “Tự do”. Cũng bởi hai chữ đó mà có lần Yến suýt đánh nhau với thằng lớp trưởng hồi học lớp 8. Khi nó thấy Yến không ghi rõ ràng nghề nghiệp của mẹ ra nên nó vặn vẹo Yến, nó bảo Yến mà ghi như vậy thì nó sẽ sửa lại là “Ăn cướp”, ăn cướp cũng là nghề tự do vậy. Yến nóng bừng cả mặt lên rồi từ từ chuyển thành màu đỏ, Yến đã định cho nó ăn mấy đấm nhưng may sao kiềm chế được. 

Sự “khởi nghiệp” của chị Tâm có vẻ khá thuận lợi, chị kiếm được rất nhiều tiền từ công việc đó. Bởi thế nên khi buồn khi tủi, chị thường đi bar, đi café, hoặc đi hết sàn nhảy này đến sàn nhảy khác, những nơi ồn ào, đông đúc nhộn nhịp có thể giúp chị quên đi chuyện đời của chị. Và bé Yến cũng được theo mẹ đến những nơi ấy. Yến chẳng hiểu tại sao mẹ lại có nhiều tiền như vậy, và càng không hiểu tại sao mẹ lại đến những nơi đó. Dần dà Yến quen với cuộc sống ấy, sau này Yến thường trốn không đi với mẹ, để đi riêng với bạn bè, vui hơn! Suốt cả một đoạn đường đời dài, Yến trượt trên hết con dốc này đến con dốc khác trong những cuộc vui. 

Một buổi chiều, chị Tâm và dì bé Yến ngồi nói chuyện với nhau về chuyện của ba Yến: 

- Mày tính làm sao hả Tâm? 

- Em cũng không biết, ra sao thì ra. 

- Ơ cái con này ăn nói ngang ngược nhỉ? Bảo sao con Yến nó không ngang phè giống mày. Mày định để nó không có cha sao mày? 

- Ơ chẳng lẽ giờ em phải đi lấy chồng khác?! 

- Không phải, ý tao không phải vậy. Tao nghĩ mày phải qua đó, bắt tận tay, day tận mặt, ba mặt một lời, làm rõ mọi chuyện đi chứ. Phải biết con đàn bà đó là con nào? Ở đâu? Quen nhau ra sao? Còn thằng nhỏ kia có phải con bọn nó hay không? 

- Ôi dào! Anh đi xa xứ, anh đã quên em, anh có người khác, em biết làm gì? Phận em đàn bà, chỉ biết chờ thôi. 

Chị Tâm nói mà như đang ngâm thơ, một “bài thơ” được sáng tác trong nỗi tủi của thân phận đàn bà, có chút gì đó nghẹn ngào trong “bài thơ” của chị. 

Lúc ấy, đằng sau cửa, Yến đã về học từ bao giờ và nghe được hết cuộc trò chuyện của mẹ và dì. Yến dựa lưng vào cửa, cắn môi ráng không để bật ra tiếng khóc. Tim Yến đau quá! Nhói quá! Tưởng chừng như sắp vỡ tung ra đến nơi. 

- Thưa mẹ, thưa dì con đi học về. 

- Ờ! Về rồi đó hả con – cả mẹ và dì Yến đồng thanh. 

- Thôi, vô ăn cơm, con. 

Bữa cơm hôm đó với Yến thật nặng nề, Yến không ăn được gì nhiều. Trong đầu Yến chỉ hiện lên một suy nghĩ: Nhất định phải qua đó gặp ba. Dự định thật nhỏ nhoi với nhiều người khác nhưng lại cực kì khó thực hiện đối với Yến. Muốn làm được như thế, Yến phải học thật giỏi, phải giành được hổng bổng sang Đức du học, phải có thật nhiều tiền. Năm đó Yến đang học lớp 8. 

Yến lao đầu vô học, lúc nào cũng chỉ học, vừa để học thật giỏi, vừa để khỏi đi chơi để tiết kiệm tiền. Nhiều lúc Yến tưởng mình như mũi tên muốn điên lên, muốn lao ra khỏi đường bay để rơi vào một nơi khác yên bình hơn, nhẹ nhàng hơn, còn hơn phải cắm phập vào bia một cách đau đớn. 

Đôi khi, Yến thấy nhớ ba. Vì ba Yến đi từ lúc Yến năm tuổi. Nên tất cả những kỉ niệm về ba trong Yến chỉ được ghi nhớ vào khoảng thời gian trước lúc ấy thôi. 

Có lần, thầy giáo dạy môn Toán không đến lớp, mấy đứa bạn trong lớp kéo nhau nhìn ra cửa sổ ngắm hoa lá cành. Chợt một đứa reo lên: “Máy bay kìa! To quá mày ơi”. Bỗng dưng cả lớp thấy Yến bật khóc, dỗ cách nào cũng không nín. Một lúc lâu sau, nhỏ lớp trưởng đến bên Yến, nhẹ nhàng vỗ vai Yến, Yến nức nở lên, vừa mếu máo vừa kể hết cho nó về những tâm sự giấu kín trong lòng bấy lâu. Hồi nhỏ, mẹ Yến hay chỉ lên trời mỗi khi thấy có máy bay bay qua và nói với Yến: "Ba ở trên đó đó con, con gọi ba đi". Yến hớn hở kêu to “Ba ơi, về với con!”. Vậy mà giờ… 

➖➖➖➖➖➖

Cuối năm lớp 10, Yến nộp đơn xin học bổng, nhưng không được nhận. 

Không nản lòng, Yến cố gắng rèn luyện thêm, đến cuối năm lớp 11, Yến lại nộp đơn một lần nữa. Lần này đơn của Yến đã được nhận. Yến được gọi đi phỏng vấn, nhưng không may Yến không qua được thử thách này. 

Đến giữa năm lớp 12, Yến cố gắng nộp đơn xin một lần nữa. Yến tự nhủ đây là lần cuối cùng, không được nữa thì thôi, từ bỏ ý định sang Đức đi. Lần này đơn của Yến cũng được chấp nhận, vì bảng điểm và thành tích của Yến rất tuyệt vời, tiến bộ hơn nhiều so với hai năm trước. Nhưng Yến lại rơi vào nỗi lo sợ sẽ bị rớt vòng phỏng vấn như năm trước, nên Yến vào phỏng vấn với một tâm trạng không mấy lạc quan, không hi vọng nhiều, nhưng rồi lại được. 

Vậy là Yến đã thành công. Yến vội vàng chạy về nhà khoe ngay với mẹ. 

Khi nghe Yến thông báo, chị Tâm tỏ ý nghi ngờ mục đích sang Đức của Yến, Yến biết vậy nên vội nói ngay: 

- Hai năm trước con xin sang Pháp với Mĩ rồi mà không được. Vừa rồi con quyết định chuyển qua xin đi Đức mới được đó mẹ. Cũng may là điều kiện nhẹ nhàng hơn. 

- Rồi! cô muốn đi đâu cũng được. Nhưng phải cố gắng học hành, giữ gìn sức khoẻ, đừng có mà ốm yếu hay hư hỏng gì để bị người ta trả về cho tôi đấy! – chị Tâm nhéo mũi Yến. 

- Dạ! Con biết rồi mà mẹẹẹẹẹ. 

- Thế bao giờ đi? 

- Dạ, con đang làm hộ chiếu và xin visa, thủ tục cũng sắp hoàn tất rồi mẹ ạ. Nếu không có gì thay đổi, con sẽ đi vào tháng tới. 

- Ừm! 

Chị Tâm quay lưng đi vào phòng, chị nói với Yến là đi ngủ nhưng thực ra là để cố giấu những giọt nước mắt đang từ từ lăn xuống. Nhà chỉ có hai mẹ con, anh chồng tệ bạc đã quên chị từ bao năm trước, giờ đến cả cô con gái duy nhất cũng muốn “bỏ” chị mà đi nữa. 

➖➖➖➖➖➖

Một tháng sau. Tại sân bay. 

- Con đi đây mẹ. Mẹ nhớ giữ gìn sức khoẻ nha. Nếu buồn mẹ cứ qua nhà dì, nhà cậu hay đi chơi với bạn của mẹ, chứ đừng đi bar hay đi nhảy nữa, không tốt đâu mẹ. 

- Ừ mẹ biết rồi. Cứ khéo lo. Tôi chỉ sợ tôi nhớ cô quá rồi phát bệnh thôi. 

- Con sẽ thường xuyên gọi điện về cho mẹ mà. Với lại mỗi năm con sẽ về một lần. Mẹ đừng lo nghĩ nhiều nha mẹ. Mẹ hứa đi. 

- Ừ, mẹ hứa, con đi đi. Sắp đến giờ bay rồi kìa. 

Vừa lúc đó, tiếng loa thông báo chuyến bay sắp khởi hành vang lên. Hai mẹ con lại bịn rịn chia tay nhau lần nữa. Đứng từ phòng cách li nhìn máy bay bay lên, và nghe tiếng ầm ầm của động cơ chiếc máy bay đó, chị lại nhớ lại ngày anh Phong lên máy bay sang Đức. Chị lo sợ không biết con bé Yến có bỏ rơi chị giống như ba nó đã làm với chị hay không. 

➖➖➖➖➖➖

Thành phố Dresden, nước Đức 

Hơn 9 giờ đêm, một bóng người chạy băng băng qua những con đường, vừa chạy vừa lẩm bẩm: “Khu 7 Quận Blasewitz, khu 7 quận Blasewitz”. Bỗng: 

- BỘP! – Bóng người đó vừa va vào ai đó. 

- RẦM! – Và tiếp theo đó là tiếng va đập mạnh. 

- KÉTTTTTT! - Ngay lúc đó tiếng thắng gấp của xe ôtô vang lên. 

Hoá ra, bóng người đó là Hoàng Yến. Cô vừa qua đến đây, đã vội truy cập Internet để tìm thông tin về ba mình. Dường như cô đã chuẩn bị điều này khá kĩ lưỡng. Thao tác của cô rất gọn lẹ. Cô đăng nhập vào những trang thông tin của chính quyền một cách dễ dàng. Cuối cùng cô cũng tìm được khu phố nơi ba cô đang sống - ở quận Blasewitz - đúng nơi cô đang ở, cô liền chạy đến khu phố đó mặc cho ngoài trời đã 9 giờ đêm lạnh buốt, vắng vẻ. Và khi Yến đang chạy như bay thì va phải một cậu bé khoảng 5,6 tuổi. Do lực va quá mạnh, thằng bé bị ngã ra và lăn xuống đường, vừa lúc một xe ôtô đang lao tới, thắng không kịp, liền tông vào thằng bé. 

Bây giờ, khi đã hoàn hồn, Yến vội chạy ra đỡ thằng bé và lay lay nó, Yến nhận ra nó đang bị chảy máu khá nhiều ở đầu, lập tức Yến nhờ người tài xế đưa thằng bé đến bệnh viện. 

Sau khi thằng bé đã được đưa vào phòng cấp cứu. Yến ra ngoài làm thủ tục nhập viện và đóng viện phí. Nhưng cô chợt thấy rằng việc đó khó khăn hơn cô tưởng. Vì cô y tá không biết nói tiếng Việt, cô thử chuyển sang nói tiếng Anh: 

- Sorry, can you speak English, help me! (Xin lỗi, cô có biết nói tiếng Anh không, xin giúp đỡ tôi!) 

- Yes! I can speak some English. 

Yến mừng rỡ nói một hơi về hoàn cảnh của cô. 

Nhưng cô y tá đó ngơ ngác và không một ai hiểu cô đang nói gì, cô muốn gì, vì đây chỉ là một bệnh viện nhỏ của quận nên đội ngũ nhân viên trình độ ngoại ngữ không cao. May sao lúc đó có một vị bác sĩ trưởng khoa đi ngang qua, thấy một cô gái người Việt vừa nói tiếng Anh vừa khua tay múa chân một cách hoảng loạn và bối rối, ông liền ra bắt chuyện, sau một hồi ông đã hiểu được và nhiệt tình giúp đỡ cô trong việc làm thủ tục nhập viện cho thằng bé. Thật may vì cuối cùng mọi chuyện cũng được yên ổn, Yến thở phào nhẹ nhõm. 

Đêm đó, Yến ngồi trong phòng bệnh của thằng bé, thằng bé đã qua cơn nguy kịch và đang ở trong phòng hồi sức. Đang lơ mơ ngủ thì thấy một người đàn ông chạy vào phòng, tiến tới giường và ôm thằng bé: 

- Con ơi con, có làm sao không? Cô y tá, con tôi bị làm sao đây?! 

- Anh cứ bình tĩnh, cháu bé bị xe tông, nhưng được cấp cứu kịp thời và giờ đã qua cơn nguy kịch rồi, ông cứ im lặng để cho cháu nghỉ. 

Cô y tá trực ở đó đã lên tiếng. 

Người đàn ông liền thở phào nhẹ nhõm, lẳng lặng buông thằng bé ra và ngồi xuống cạnh giường, vừa lúc đó Yến tỉnh ngủ và thốt lên: 

- Ba! Có phải ba đó không? Con là Yến nè ba. 

Người đàn ông ngạc nhiên tột độ, đang ậm ừ chưa biết nói gì thì cậu con trai tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn ông rồi nhìn Yến. Ông biết chắc nó đang không hiểu tại sao chị gái lạ hoắc kia lại gọi ba nó là ba. Ông liền đỡ thằng bé ngồi dậy và nói thật nhanh với Yến: 

- Cám ơn cô, con tôi đã tỉnh rồi, cô cứ về nhà nghỉ ngơi đi, cám ơn cô, cô về nhà đi, cám ơn cô rất nhiều. 

Đến lượt Yến bối rối và ngạc nhiên. Rõ là ba của mình, sao mình nhận ra ba mà ba lại không nhận ra mình chứ? Mình có nhầm lẫn gì chăng? 

Người đàn ông thấy Yến chưa chịu về, ông liền nói thêm mấy lần nữa. Cuối cùng Yến cũng đi về. 

Đêm ấy nằm trong kí túc xá của học sinh du học, Yến không sao ngủ được. Yến suy nghĩ mãi về người đàn ông cô gặp hồi nãy. 

Sáng hôm sau, mặc cho tuyết rơi đầy ngoài trời lạnh thấu xương, Yến vẫn đi bấm chuông và hỏi từng nhà một về người đàn ông tên Nguyễn Khải Phong – tên của ba Yến hồi ở Việt Nam. Đến ngôi nhà thứ 25 rồi mà vẫn chưa tìm ra, Yến bắt đầu nản. Cô lê bước chân về cuối dãy phố, tiến về ngôi nhà nho nhỏ nhưng có vẻ ấm cúng, miễn cưỡng đưa tay bấm chuông. Một lát sau, một người phụ nữ trạc bốn mươi tuổi, nhìn Yến một hồi, có lẽ nhận ra Yến là người Việt Nam nên bà nói tiếng Việt với cô luôn, không sõi lắm: 

- Có việc gì thế cô? 

- Dạ. Con muốn tìm chú Phong ạ. Chú ấy có ở nhà không ạ? 

- Ờ, có nhà. Nhưng con tìm chú ấy có việc gì? Mà con là ai? 

- Ơ, dạ…dạ…Con là cháu của chú Phong bên Việt Nam, giờ con qua đây du học nên tìm chú ấy nhờ giúp đỡ một tí ạ. 

- À ra thế. Thế con tên gì để cô nói với chú? 

- Ơ… Dạ không cần đâu ạ. Chú biết mà. 

- Ờ, vậy đợi tí. 

Anh Phong từ từ bước ra, nghiêng mình lách qua cái cổng. Khi nhìn thấy Yến thì anh thực sự bối rối, nhưng anh rào trước ngay: 

- Cháu đến đây có việc gì? Thằng con chú khoẻ rồi, mấy ngày nữa thì xuất viện thôi. Cháu không phải lo nữa đâu. Thôi cháu về đi. 

- “Chú” cứ bình tĩnh. “Cháu” cần nói chuyện với “chú” một lát. 

- Thôi. Chú đang bận lắm. Cháu về đi. 

- “Chú” mà không nói chuyện với “cháu” ngay bây giờ thì “cháu” sẽ không về. 

- Vậy nếu thích thì cháu cứ ở đây. Chú vào nhà đây. 

Nói vậy mà anh Phong làm thật. Anh đi ngay vô nhà, để mặc Yến đứng phỗng dưới trời lạnh đầy tuyết. 

Nửa tiếng sau, anh Phong nhìn ra, vẫn thấy Yến đứng ngoài đó. Xem chừng đã lạnh và mệt lắm rồi nhưng vẫn không bỏ cuộc. Không chịu được, cuối cùng anh Phong cũng phải ra. Đồng ý sẽ nói chuyện với Yến, nhưng không phải ở đây, mà ở một quán café gần đó. 

- Có phải “chú” là Nguyễn Khải Phong không? – Yến mở lời. 

- Ờ. Đúng là tên chú. 

- Vậy thì “chú” đúng là ba con. Ba à, tại sao ba không nhận ra con chứ? 

- Ai nói với con là ba không biết con là ai? 

- Tại sao ba biết con là con của ba mà ba lại không thèm nhận con? Rồi còn chuyện ba với bà ta là sao? Ba còn có cả thằng con kháu quá nhỉ? 

Yến nói mà không che giấu sự khinh miệt lẫn bức xúc trong câu nói đó. 

- Bà nào? Thằng con nào? 

- Cái bà ra mở cổng cho con không phải vợ ba sao? Còn thằng bé bị xe tông nằm trong bệnh viện không phải con của hai người chắc?! 

- Ừm. Có thể nói hai người đó là vợ con, cũng có thể nói là không phải. 

- Thế là thế nào? – Yến bắt đầu thấy câu chuyện này còn khó hiều hơn cả những bài toán nâng cao Yến từng phải giải. 

- Cách đây năm năm, ba đang đi trên đường. Chợt thấy trong góc phố có một người phụ nữ đang mang thai ngồi co ro ở đó. Nghĩ trời lạnh như thế mà để cô ấy ở đó thì tội nghiệp. Ba đưa cô ấy về nhà. Cô ấy nói chồng cô ấy bị tai nạn giao thông vừa qua đời cách đó mấy ngày, nhà thì đến hạn trả tiền thuê nhưng cô đang mang thai không thể đi làm nên không có tiền trả. Thế là bị bà chủ nhà đuổi ra ngoài. Người thân thì không có ở đây, vì vợ chồng cô ấy là dân nhập cư, họ hàng ở bên Thái Lan hết. Không biết đi đâu, làm gì, cô chỉ biết lang thang, kiếm cơm từ thiện ăn qua ngày. Hôm ba phát hiện cô ấy ở góc phố là lúc cô ấy sắp trở dạ. Khi ba vừa đưa cô ấy về nhà thì cô ấy đau dữ dội. Đưa đến bệnh viện thì cô ấy sinh luôn. Đó là thằng bé mà con ở cùng trong bệnh viện đêm hôm trước. Còn mẹ nó là người phụ nữ ra mở cửa cho con khi nãy. 

- Rồi sao nữa chứ? Chẳng lẽ vì mẹ con nó mà ba bỏ rơi mẹ con con sao? Con không hiểu. Con không thể hiểu nổi !!!!!!!!! 

- Mẹ với con không có ba thì vẫn sống được mà phải không? Còn mẹ con cô ấy biết nương tựa vào ai? Coi như con đang hy sinh, làm một việc thiện đi. Ba nói đúng chứ? 

- Ba muốn làm gì thì cũng phải viết thư hay gọi điện về nói cho mẹ con một tiếng chứ? Ba có biết là mẹ con đã lo như thế nào khi mất liên lạc với ba không? Ba có biết là mẹ con con đã sống thế nào khi biết được chuyện của ba bên này không? 

- Nếu ba nói với mẹ con con thì làm sao cô ấy và thằng bé đó còn sống được đến bây giờ không? Con nghĩ thử xem. 

- Ông mới là người cần phải suy nghĩ lại đó! Ông chỉ biết nghĩ đến chuyện trước mắt thôi phải không? Ông không hề biết rằng hằng ngày tôi và mẹ phải sống trong sự soi mói, khinh thường, dè bỉu của mọi người. Và mỗi khi tôi làm điều gì sai trái, mọi người đều chửi tôi là “đồ không cha”. Tôi có cha đấy chứ! Chỉ là tôi thật vô phước khi có một người cha như thế này – tệ bạc, phũ phàng, suy nghĩ nông cạn, không hề quan tâm đến tôi và mẹ tôi. 

Nói liền một hơi rồi Yến vụt chạy ra khỏi quán café, mặc cho anh Phong gọi với theo khản cả cổ. Yến chạy mãi, chạy mãi, những giọt nước mắt rơi vãi khắp đoạn đường cô chạy. 

Về kí túc xá, Yến không ăn uống được gì cả. Yến không còn tâm trí nào mà làm những việc đó. Yến chỉ muốn nằm mãi, khóc mãi, khóc cho đến khi không còn nước mắt nữa thì thôi, nằm cho đến khi không còn dậy được nữa thì thôi. Bạn bè cùng phòng hỏi cỡ nào cũng không chịu nói, khuyên cỡ nào cũng không chịu nghe. 

Ba ngày sau, cả phòng hốt hoảng khi thấy Yến xách va li ra khỏi phòng. Họ liền chạy ra ngăn lại. Nhưng Yến vẫn một mực đòi đi. Sau ba ngày dài đằng đẵng suy nghĩ, Yến đã quyết định về nước. Yến không thể sống được ở một nơi có một con người tệ bạc, vô tâm đến đáng sợ như vậy được. Yến rời khỏi thành phố Dresden này một cách ấm ức, cục nghẹn dâng lên đến tận cổ, cố nuốt nó đi nhưng không thể được. 

Trên máy bay, Yến bối rối không biết nên về nhà hay đi đâu nữa. Nếu về nhà thì biết nói sao với mẹ. Còn không về nhà thì biết đi đâu, không có tiền, không có công ăn việc làm, làm sao sống? Đang rối bời trong mớ suy nghĩ, thì máy bay hạ cánh. 

Lững thững đi trên sân bay, Yến cảm thấy bước chân của mình thật nặng nề. Yến dừng lại, lấy chai nước ra uống cho đỡ khát, vừa ngẩng cổ và nâng chai nước lên, Yến bỗng khựng lại, cô đang thấy cái gì thế này? Yến dụi dụi mắt, không biết mình có nhìn lầm không. Trước mắt cô là tấm bảng ghi tên Yến thật to, đỏ chói, được nâng bằng tay nhưng lại rất lâu, rất cao, cao nhất trong các tấm bảng của những người khác. Yến ngạc nhiên, có ai biết được chuyện cô về nước hay sao, và bước nhanh về phía tấm bảng đó. Yến không dám ngẩng lên mà chỉ cúi đầu mà đi. Càng đến gần Yến càng thấy hồi hộp. 

Còn khoàng 10 mét nữa thôi. Cô hơi ngước lên một chút, thấy được đôi chân của người đó, người đó mang đôi giày của nam giới. Cô càng thấy khó hiểu, trước giờ cô đâu có quen thân với người con trai nào, mà người đó lại còn biết cô về nước mà đón nữa chứ. 

Cơn tò mò không thể kìm nén được nữa, cô ngẩng lên. Đột nhiên cô khựng lại, nhưng rồi bước chân của cô nhanh hơn nữa, cô chạy mà hai chân ríu cả vào nhau, vừa chạy nước mắt vừa rơi ướt đẫm mặt, tiếng thét của cô vang khắp bầu trời và âm vang mãi trong đầu của những người ở sân bay chứng kiến cảnh tượng hôm đó: 

- Baaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaa! 

Tháng 5, 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét