Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

[Review sách] Đi Tìm Lẽ Sống - Viktor Frankl

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 800.000 người chết vì tự sát mỗi năm. Riêng ở Việt Nam, khoảng 40.000 người tự tử mỗi năm do trầm cảm. Những con số này có thể cao hơn ở trong thực tế. Tại sao nhiều người lại tự sát đến vậy và có cách nào để ngăn chặn hoặc hạn chế những sự việc đau lòng như vậy xảy ra hay không?

Trước khi trả lời cho câu hỏi trên, mình muốn dẫn các bạn quay về quá khứ một chút, khoảng năm 1941 - 1945, giai đoạn xảy ra chiến tranh thế giới II, cũng là khoảng thời gian diễn ra nạn diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành và dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái.

Có lẽ mọi người cũng đã nghe nói rất nhiều về những tội ác kinh khủng mà Đức Quốc Xã đã gây ra cho tù nhân Do Thái trong các trại tập trung, mình sẽ chỉ nhắc sơ lại dựa vào lời kể của một cựu tù nhân. 

Khi nhập trại, mỗi người tù bị tước đoạt hết mọi thứ, từ giấy tờ tùy thân đến những vật dụng cá nhân, họ chỉ được mặc một bộ đồ rách tả tơi của người tù đã chết để lại. Mỗi tù nhân chỉ được gọi bằng một con số tù, không có tên, tuổi, chức vụ hay danh hiệu gì ở đó cả. Mỗi ngày họ chỉ được phát một mẩu bánh mì khô khốc và một chén xúp lõng bõng nước, nhưng lại phải lao động vô cùng vất vả 12 - 14 giờ mỗi ngày trong những điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Họ luôn ở trong trạng thái đói, rét, thiếu ngủ, đau đớn vì bị đánh đập hoặc vì phải đi trên tuyết với một đôi giày rách nát. Nếu một tù nhân để cho bọn lính canh thấy họ không còn đủ sức lao động, lập tức họ sẽ bị đưa vào phòng hơi ngạt và cuộc sống họ sẽ chấm dứt tại đây.

Với hoàn cảnh như vậy - không còn của cải, địa vị xã hội, danh dự, quyền lực, sức khỏe, tính mạng có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào và không biết bao giờ chuỗi ngày địa ngục trần gian này mới chấm dứt - vậy thì điều gì đã khiến cho một số người tù vẫn có thể sống sót được cho đến ngày được trả tự do? Trong khi đó đã có rất nhiều tù nhân tuyệt vọng và tự tử bằng cách đâm đầu vào hàng rào kẽm gai có điện. Và thực ra nếu mình ở trong hoàn cảnh đó thì có lẽ mình cũng đã chết quách cho rồi, vừa đau đớn, khổ sở, nhục nhã, vừa không có một chút hy vọng nào. 

Mọi người thường cho rằng mục đích sống của con người chúng ta là để đạt được thành công, địa vị xã hội, sống để hạnh phúc. Thế mình hỏi ngược lại: trong hoàn cảnh của những tù nhân Do Thái trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã, họ đã bị mất đi tất cả của cải, danh dự, địa vị, thậm chí cả quần áo cũng bị lột sạch, tóc cũng bị cạo trọc, cái tên cũng bị vứt bỏ, và cầm chắc cái chết trong tay - chỉ là sớm hay muộn mà thôi, tại sao họ vẫn cố gắng sinh tồn trong hoàn cảnh đó? Đó là một điều vô cùng đáng để chúng ta suy ngẫm. Và nếu chúng ta tìm được câu trả lời của họ, chúng ta cũng sẽ có cơ hội tìm được ý nghĩa cuộc sống của chính mình. Thông qua cuốn sách "Đi Tìm Lẽ Sống" của tác giả Viktor Frankl, có thể chúng ta sẽ tìm được câu trả lời.

一一一

"
Đi Tìm Lẽ Sống" là cuốn sách được viết bởi một cựu tù nhân trong trại tập trung của Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến. Ông bị giam giữ 3 năm, chuyển qua 4 trại giam khác nhau. Cuốn sách được chia làm hai phần: phần Một tác giả kể về những trải nghiệm trong trại tập trung, xen kẽ là các diễn giải của ông về tâm lý tù nhân dưới góc độ khoa học tâm lý, phần Hai là sơ lược về liệu pháp ý nghĩa. Cuốn sách có thêm phần hai là bởi vì tác giả Viktor Frankl là một bác sĩ tâm lý, là người sáng lập ra phương pháp trị liệu bằng ý nghĩa.

Theo mình, cuốn Đi Tìm Lẽ Sống tuy khá mỏng (chỉ hơn 200 trang) nhưng không quá dễ đọc và dễ ngấm, đặc biệt là vì phần hai của cuốn sách hơi nặng lý thuyết tâm lý học, nên sẽ là một thách thức đối với những người chưa có kiến thức nền tảng về tâm lý học, hoặc không quen đọc sách khoa học.

Hình như đây cũng là cuốn sách đầu tiên mà mình để ý đến ý nghĩa của bìa sách. Bìa sách in hình hai cọng dây kẽm gai và một con chim. Cọng kẽm gai tượng trưng cho những hàng rào kẽm gai có điện, nơi mà nhiều tù nhân đã lao đầu vào đó để chấm dứt nỗi đau khổ cùng cực mà họ phải trải qua; con chim tượng trưng cho sự tự do. Đứng trước một nghịch cảnh, con người chúng ta luôn có sự lựa chọn, một là buông xuôi, đầu hàng số phận, hai là hướng đến bầu trời cao xa rộng lớn kia, hướng về tương lai và sự tự do như loài chim.

一一一

Văn hào Nga Dostoevski đã nói rằng: "Con người là một sinh vật có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh". Trước khi bị tù đày, người ta có thể bảo rằng tôi không thể ngủ mà không có cái này, hoặc tôi không thể sống với cái kia cái nọ. Thế nhưng khi bị tù, có tới 9 người tù chen chúc nằm trên những tấm ván chỉ dài khoảng 2 - 2,5m, chỉ có thể nằm nghiêng, chia nhau 2 tấm chăn, không có gối. Tất cả bọn họ đều ngạc nhiên trước sức chịu đựng của chính mình. 

Những người xuất thân là trí thức có thể cảm thấy rất đau đớn về thể xác (do thể chất ốm yếu) nhưng thế giới nội tâm của họ lại rất kiên cường. Họ thường có thể tự rút mình ra khỏi hoàn cảnh khủng khiếp xung quanh để đến với cuộc sống nội tâm phong phú và sự tự do về tinh thần. Điều này giải thích được nghịch lý tại sao một số tù nhân trông bề ngoài yếu đuối lại có thể tồn tại trong trại tốt hơn những người cường tráng khác. 

Trong những ngày tháng ngục tù tăm tối, tác giả Viktor Frankl thường mường tượng về người vợ thân yêu của mình, trò chuyện với nàng trong tâm trí của mình để có động lực sống tiếp. Ông nhận ra tình yêu là mục đích cuối cùng và là mục đích cao cả nhất của nhân loại. Tình yêu không chỉ gắn liền với sự hiện hữu của thể xác. Tình yêu tìm thấy ý nghĩa sâu sắc nhất trong tâm trí, trong chính nội tâm của con người. Trong lúc cảm thấy cô độc, khi điều duy nhất một người có thể làm là nhẫn nại chịu đựng thì nỗi nhớ về những người yêu thương là niềm hạnh phúc duy nhất của các tù nhân. Sức mạnh bên trong giúp cho người tù tìm thấy sự cứu rỗi trong nỗi cô đơn, trống vắng và buồn chán trước cuộc sống. 

Sự hài hước là một loại vũ khí tinh thần trong cuộc đấu tranh duy trì sự sống. Nó có sức mạnh hơn bất cứ phẩm chất nào khác, có thể đưa con người vượt lên bất kỳ hoàn cảnh nào. Nỗ lực phát triển khiếu hài hước và nhìn mọi việc theo cách vui nhộn là một mánh khóe để làm chủ nghệ thuật sống. Đau khổ sẽ chế ngự tâm hồn và trí não của một người, cho dù đau khổ ấy là lớn hay nhỏ. 

Một trong những cách để tồn tại được trong trại giam đó là biết ơn cả những ân huệ nhỏ nhặt nhất. Chẳng hạn như có thời gian để bắt chấy cho nhau trước khi đi ngủ, vì nếu không làm được việc đó thì sẽ bị lũ chấy rận đánh thức vào lúc nửa đêm.

一一一一

Có một lý thuyết tâm lý học cho rằng: con người chẳng qua chỉ là một sản phẩm của hoàn cảnh và môi trường. Tính cách của con người được quyết định bởi các nhân tố thuộc về bản chất sinh học, tâm lý hoặc xã hội. Chúng ta hãy cùng theo chân tác giả để xem hoàn cảnh ngục tù tàn bạo có thể thay đổi một tù nhân như thế nào:

Những tù nhân của Phát xít Đức thường bị vô cảm sau một thời gian bị giam, cảm giác của họ bị chai sạn và có thể thản nhiên chứng kiến những cảnh bạo lực tàn bạo trong nhà tù, thậm chí khi có một tù nhân qua đời, những người tù khác không những không có chút cảm xúc thương tiếc nào, họ còn lục soát xem trên thi thể đó còn món đồ nào xài được nữa không để họ lấy và dùng. Một số tù nhân không từ bất cứ một cách nào để giữ lại mạng sống cho mình, kể cả đó là biện pháp tàn bạo, trộm cướp và phản bội bạn bè của họ. Sự vô cảm của người tù là một cơ chế tự vệ tâm lý, và là kết quả của những nhân tố như đói, thiếu ngủ.

Ngoài ra, đa số tù nhân đều có phức cảm tự ti, cảm giác mình bị thoái hóa và vô giá trị, vì ở trong trại họ bị đối xử như những sinh vật vô giá trị. 

Họ cũng phải liên tục chứng kiến những cảnh đánh nhau cho nên tính bạo lực trong họ cũng gia tăng. 

Theo những thông tin trên từ tác giả Viktor Frankl, chúng ta dễ đi đến kết luận rằng lý thuyết được nêu ra ở trên là đúng và "con người hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh".

Thế nhưng, đào sâu hơn nữa, những trải nghiệm của tác giả từ cuộc sống trong trại cho thấy con người có sự lựa chọn cho hành động của mình. Con người có thể vượt qua sự vô cảm và kiềm chế sự tức giận, có thể giữ vững sự tự do về tinh thần, sự độc lập về tâm trí, ngay cả trong những điều kiện tồi tệ do căng thẳng về tinh thần lẫn thể chất. Có thể những người này chỉ là số ít, nhưng chỉ vài người cũng đủ để chứng minh rằng người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do - sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và sự tự do lựa chọn hướng đi của mình.

Bạn luôn phải quyết định sẽ khuất phục hay sẽ ngẩng cao đầu trước những thế lực đang đe dọa cướp đi con người thật của bạn, cướp đi sự tự do bên trong bạn, quyết định về việc bạn có trở thành trò đùa của hoàn cảnh, chối bỏ sự tự do và phẩm giá của mình hay không.

Theo quan điểm này, các phản ứng tâm lý của người tù trong trại dường như xuất phát từ chính bản thân họ hơn là từ tác động của những điều kiện nhất định về vật chất và xã hội. Rõ ràng người tù trở thành loại người nào là kết quả từ quyết định bên trong của họ, chứ không đơn thuần chỉ là kết quả từ ảnh hưởng của hoàn cảnh sống trong trại. 

Vì vậy, về cơ bản, bất cứ ai cũng có thể quyết định mình sẽ trở thành người như thế nào về mặt tinh thần và tâm hồn, bất kể hoàn cảnh nào. Chính sự tự do về tinh thần này - vốn không thể bị cướp đi - đã khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa và có mục đích.

Thông thường, con người có thể tìm được ý nghĩa cuộc sống bằng một trong hai hình thức: một cuộc sống chủ động sáng tạo ra điều gì đó, hoặc là một cuộc sống hưởng thụ thụ động thông qua việc trải nghiệm cái đẹp, nghệ thuật hoặc tự nhiên. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh của người tù, họ bị cấm đoán sống một cuộc sống sáng tạo lẫn một cuộc sống hưởng thụ. Vậy chẳng lẽ cuộc sống của tù nhân không còn ý nghĩa? Đến đây, tác giả nói rằng "không chỉ có cuộc sống sáng tạo và cuộc sống hưởng thụ mới có ý nghĩa. Nếu cuộc sống có ý nghĩa, thì sự đau khổ nhất định cũng phải có ý nghĩa. Không có đau khổ và cái chết, cuộc sống của con người không thể hoàn thiện." Cách một người chấp nhận số phận và những đau khổ của mình, dám vượt qua những thử thách đó đem lại cho người ấy nhiều cơ hội để hiểu được ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc sống ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

Dưới tác động của một thế giới đã không còn công nhận giá trị của cuộc sống và phẩm giá của con người, cướp đi ý chí của con người và biến họ thành đối tượng để tiêu hủy, bản ngã của con người cũng mất đi chân giá trị. Nếu một người trong trại không đấu tranh chống lại điều này để giữ lấy phẩm giá của mình thì người ấy sẽ mất luôn cảm giác mình là con người, sự tồn tại của người đó rơi xuống cấp độ sống của loài thú, chẳng hạn như loài cừu - chỉ còn nghĩ được hai việc - làm sao để có được chút thức ăn và làm sao để tránh lũ chó xấu xa (là bọn lính canh).

Chỉ những người nào giữ được tâm hồn và tinh thần bên trong tĩnh tại thì mới không trở thành nạn nhân của những ảnh hưởng suy đồi trong trại.

一一一

Một trong những lý do khiến rất nhiều tù nhân đã kết liễu cuộc sống của mình đó là vì họ không thể nhìn thấy được sự kết thúc quãng thời gian tù đày đau khổ này.

Khi một người không thể nhìn thấy sự kết thúc của việc "tồn tại tạm bợ" của mình thì không thể hướng tới một mục đích tối hậu trong đời. Người đó ngừng sống cho tương lai, và họ bắt đầu suy thoái. Người tù nào mất niềm tin vào tương lai của chính mình thì coi như người ấy đã chết. Hầu hết mọi người trong trại đều tin rằng cơ hội được trở lại cuộc sống thực sự của họ đã hết. Thế nhưng trên thực tế, cơ hội và thử thách vẫn còn đó. 

Một trong những cách để giữ lại mạng sống cho một người tù là chỉ ra một mục tiêu ở tương lai mà người đó có thể nhìn thấy được. Phải cho họ hiểu được rằng cuộc sống vẫn còn đang trông đợi ở họ một điều gì đó ở tương lai. Đối với một người tù là một người cha, đó chính là đứa con mà anh ấy hết mực yêu thương đang chờ anh ấy. Đối với một người tù khác là một nhà khoa học, ông đã viết rất nhiều sách và vẫn cần phải hoàn thiện các công trình ấy. Người khác không thể tiếp tục các nghiên cứu của ông, giống như không ai có thể thay thế vị trí của người cha trong tình yêu thương với đứa con. Khi nhận ra rằng không ai có thể thay thế được vị trí của mình, con người buộc phải có trách nhiệm cho sự tồn tại và tiếp tục cuộc sống của mình. Người nào hiểu được "lý do" cho sự tồn tại của mình, sẽ có thể chịu đựng được bất cứ điều gì. 

Nietzsche - nhà triết học Đức có ảnh hưởng lớn trong triết học hiện đại đã nói: "Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh". Thảm họa sẽ đến với những người không nhìn thấy được ý nghĩa cuộc sống của mình, không mục tiêu, không mục đích, vì nó khiến họ không còn lý do để tiếp tục sống và sẽ nhanh chóng tự xóa đi chính sự tồn tại của mình.
一一一

Sức mạnh của hy vọng

Cho dù tù nhân trong trại tập trung chết vì bệnh hay vì tự tử, nguyên nhân thực sự của những cái chết đó là sự mất hy vọng. Khi tuyệt vọng, họ sẽ tự kết liễu cuộc đời mình, khi mất hy vọng, hệ miễn dịch của họ cũng suy giảm cộng với cuộc sống khắc nghiệt trong trại, do đó họ dễ nhiễm bệnh và chết một cách nhanh chóng. 

Những người này đã không hiểu một điều rằng: ai còn sống là vẫn còn có lý do để hy vọng. Sức khỏe, gia đình, hạnh phúc, công việc, vận may, vị trí xã hội, tất cả những điều này có thể tạo dựng lại được. Vậy thì chúng ta vẫn chưa mất hết tất cả. Tất cả những gì chúng ta phải trải qua, bất kể điều gì, đều có thể trở thành tài sản cho chúng ta trong tương lai. "Điều gì không đánh gục được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn" (Nietzsche). 

Cuộc đời của một con người, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng không bao giờ mất đi ý nghĩa, ý nghĩa vô hạn của cuộc sống bao gồm cả sự chịu đựng và khát khao, thiếu thốn và cái chết. Hãy dũng cảm đối mặt với hoàn cảnh nghiêm trọng của mình. Có người đang nhìn vào chúng ta trong những giờ phút khó khăn - đó có thể là một người bạn, người vợ, hoặc có thể là Thượng Đế - và người đó sẽ mong nhìn thấy chúng ta đang vượt qua đau khổ một cách đầy kiêu hãnh. 

Những người hiểu rằng mình còn có việc phải hoàn thành thường có nhiều khả năng sống sót nhất.

一一一

Đến đây là kết thúc phần Một. Chúng ta đã được biết về cuộc sống cùa những tù nhân Do Thái trong trại tập trung của Đức Quốc Xã, tâm lý của họ và cách mà một số tù nhân đã vượt lên được nghịch cảnh, sinh tồn được trong trại tập trung và trở về được với cuộc sống bình thường.

Tiếp theo là phần Hai, về một liệu pháp trị liệu tâm lý do chính tác giả cuốn sách sáng lập: liệu pháp ý nghĩa.

一一一

Từ thế kỷ 20 đã xuất hiện một hiện tượng tâm lý phổ biến của con người: trạng thái tồn tại chân không. Những người rơi vào trạng thái này cảm thấy cuộc sống vô nghĩa, luôn có cảm giác trống rỗng, không nhận thấy được ý nghĩa trong cuộc sống. Họ không biết mình muốn làm gì, thay vào đó, họ làm những gì mà người khác làm, hoặc làm những gì mà người khác yêu cầu làm. Biểu hiện chủ yếu của trạng thái tồn tại chân không là tâm trạng chán nản, ngoài ra còn có các biểu hiện trầm cảm, cáu bẳn và nghiện ngập. Theo một nghiên cứu, 90% những người nghiện rượu đều trải qua cảm giác vô nghĩa nặng nề. 100% những người nghiện ma túy tin rằng "mọi thứ dường như vô nghĩa".

Liệu pháp ý nghĩa tập trung vào ý nghĩa của sự hiện hữu của con người, cũng như ý nghĩa của việc con người đi tìm lẽ sống của đời mình. Theo liệu pháp ý nghĩa, nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống chính là động lực thúc đẩy con người. 

Nói một cách dễ hiểu: nếu như bạn bị rối loạn tinh thần, một trong những lý do là bạn đang bị mâu thuẫn trong các vấn đề về sự tồn tại, thất vọng về ý nghĩa cuộc sống. Liệu pháp ý nghĩa có nhiệm vụ trợ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của bạn, giúp bạn nhận ra điều mà bạn thực sự khao khát tận sâu bên trong sự tồn tại của mình. 

Một cuộc khảo sát ý kiến công chúng tại Pháp cho thấy kết quả có 89% người thừa nhận rằng con người cần một điều gì đó để sống, 61% cho rằng có một điều gì đó/một người nào đó trong cuộc đời mà họ sẵn sàng chết cho điều ấy/người ấy. 

Các nhà khoa học xã hội của ĐH Johns Hopkins đã tiến hành một cuộc khảo sát kéo dài 2 năm với 7.948 sinh viên ở 48 trường ĐH, khi được hỏi điều gì là quan trọng nhất ở hiện tại, chỉ có 16% sinh viên đánh dấu vào ô "kiếm được nhiều tiền", 78% người cho rằng mục tiêu đầu tiên của họ là "tìm được mục đích và ý nghĩa của cuộc sống".

Vậy thì, ý nghĩa cuộc sống là gì?

一一一

Tác giả Viktor Frankl cho rằng không thể trả lời câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống một cách tổng quát, bởi vì ý nghĩa cuộc sống của mỗi người mỗi khác nhau, và có thể thay đổi theo từng ngày, từng giờ. Vì vậy, điều quan trọng không phải là ý nghĩa cuộc sống nói chung mà là ý nghĩa cụ thể trong cuộc sống của một người vào từng thời điểm nhất định.

Một người không nên tìm kiếm ý nghĩa trừu tượng về cuộc sống. Mỗi người đều đảm nhận một công việc, vai trò cụ thể trong cuộc sống. Vì vậy, không ai có thể thay thế người đó và cuộc đời của người đó cũng không thể lặp lại. Nhiệm vụ của một người là duy nhất, và cơ hội mà người ấy thực hiện nhiệm vụ đó cũng là duy nhất.

Mình muốn chia sẻ một chút với các bạn cách mình đã tìm được ý nghĩa cuộc sống của mình. Tại thời điểm hiện tại, một trong những ý nghĩa cuộc sống của mình nằm ở việc xây dựng kênh Youtube Thanh Đọc Sách này, lan tỏa giá trị của việc đọc sách đến với mọi người. Mình review sách để giúp mọi người biết được những cuốn sách hay để mọi người tìm đọc, sách hay ở chỗ nào, tại sao hay. Có nhiều người đã nói với mình là nhờ những video của mình mà họ đã hiểu hơn về những cuốn sách mà họ đọc, hoặc có những bạn không có khả năng đọc sách, kiểu như là mỗi lần đọc thì buồn ngủ, không tập trung được, đọc không hiểu, thì nhờ video của mình mà họ đã tiếp cận được với những kiến thức hữu ích từ sách. Vì vậy mình cảm thấy việc làm của mình rất có ý nghĩa với mọi người, từ đó mình cũng cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.

Mà đâu phải tự dưng đùng một cái mình tìm được ý nghĩa cuộc sống này, mình đã phải liên tục liên tục cố gắng, bền bỉ trong suốt 3 năm rưỡi mới có kết quả như hôm nay. Mình đã bắt đầu kênh từ con số 0, tự mày mò cách để quay và dựng video, nghiên cứu thuật toán của Youtube, tập nói trước ống kính, dành rất nhiều thời gian để đọc sách, nghiền ngẫm, lên ý tưởng và viết kịch bản cho video. Suốt 2 năm liền từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2022, mình làm gần trăm cái video mà không kiếm được một đồng nào, phải bỏ tiền ra để mua sách, mua thiết bị quay dựng video và không đi chơi bời du lịch gì cả. Nhưng mình vẫn cặm cụi làm, vì lúc đó mình bắt đầu nhận được bình luận từ một số bạn cảm ơn về các video mà mình làm, mình dần nhận ra được ý nghĩa của việc mình đang làm, mình càng làm càng mang lại giá trị cho nhiều người hơn, từ đó mình cũng càng củng cố được ý nghĩa cuộc sống của mình. Đến bây giờ, mình có thể tin tưởng rằng ý nghĩa cuộc sống mình ở thời điểm hiện tại này là xây dựng kênh Youtube Thanh Đọc Sách này và lan tỏa giá trị của việc đọc sách đến cho cộng đồng. Cho dù mình có thất nghiệp, thất tình, mất đi của cải, mình vẫn sẽ không cảm thấy mình vô giá trị, có cảm giác trống rỗng, vì cơ bản là mình đã tìm được ít nhất một ý nghĩa cho cuộc sống của mình.

Sau này khi hoàn cảnh thay đổi, có thể mình sẽ không còn làm review sách được nữa, nhưng nếu như mình còn may mắn được sống, mình chắc chắn sẽ vẫn chịu trách nhiệm với cuộc sống này để tìm ra được một (vài) ý nghĩa nào đó của cuộc đời mình.

-

Xét cho cùng, con người không nên cứ hỏi rằng điều gì là có ý nghĩa cho cuộc sống của mình, mà bản thân anh ta phải là người trả lời cho câu hỏi đó. Con người chỉ có thể trả lời cuộc sống thông qua chính cuộc sống riêng của mình; trả lời cuộc sống bằng thái độ sống có trách nhiệm của bản thân. Liệu pháp ý nghĩa xem trách nhiệm là điều cần thiết cho sự tồn tại của con người.

Liệu pháp ý nghĩa cố gắng giúp bệnh nhân nhận ra trách nhiệm của bản thân, nhiệm vụ của họ là gì, mục tiêu là gì, hướng về ai. Chuyên gia liệu pháp ý nghĩa sẽ mở rộng tầm nhìn của bệnh nhân, khiến họ thấy cuộc sống giàu ý nghĩa hơn.

Con người phải hành động để hiện thực hóa ý nghĩa cuộc sống và có trách nhiệm về điều đó. Một người càng quên đi bản thân mình - bằng cách cho mình một lý do để phụng sự hoặc chọn sách sống vì một người mà mình thương yêu - thì người đó càng có nhiều nhân tính và càng phát triển bản thân hơn. 

Ý nghĩa cuộc sống luôn thay đổi, nhưng nó không bao giờ dừng lại. 

Nếu ai cũng có định hướng rõ ràng cho ý nghĩa cuộc đời mình thì nguy cơ tự tử trong xã hội sẽ được ngăn chặn, vậy làm thế nào để những người nung nấu ý định tự sát thay đổi quyết định, hay nói cách khác làm thế nào để họ có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc đời?

Theo liệu pháp ý nghĩa, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống theo ba cách khác nhau:

1. Tạo ra một công việc hoặc thực hiện một điều gì đó, nói cách khác là đạt được thành công hoặc thành tựu nào đó.

2. Trải nghiệm điều gì đó hoặc gặp gỡ một ai đó, thông qua những trải nghiệm tự nhiên, văn hóa và dành tình yêu thương cho ai đó. 

3. Bằng thái độ chúng ta đối mặt với đau khổ. Con người sẵn sàng chịu đựng khổ đau, miễn rằng họ biết chắc sự chịu đựng của mình là có ý nghĩa.

Có lần, một bác sĩ đa khoa đã tìm đến Viktor Frankl vì ông không thể vượt qua được nỗi đau mất vợ hai năm trước, bà ấy là người ông yêu thương nhất đời. Viktor Frankl đã hỏi ông bác sĩ rằng:

"Bác sĩ, điều gì sẽ xảy ra nếu như ông chết trước và vợ ông là người ở lại?".

Ông bác sĩ thốt lên: "Ồ, điều đó thật khủng khiếp đối với bà ấy, làm sao bà ấy có thể chịu đựng nổi!".

Viktor Frankl đáp lại lời ông: "Ông thấy đó, bà ấy không phải chịu nỗi đau đó và ông đã là người gánh chịu thay cho bà, vì vậy, việc giờ đây ông phải sống và nhớ thương bà ấy là có ý nghĩa sâu sắc của nó". 

Ông bác sĩ đã không nói gì mà chỉ nắm lấy tay Frankl và thanh thản rời khỏi phòng.

Nếu không thể thay đổi hoàn cảnh khiến mình đau khổ thì chúng ta vẫn có thể chọn cho mình một thái độ sống. Những người được cảm phục nhất là những người biết vượt lên số phận.

一一一

Kết

Qua cuốn sách Đi Tìm Lẽ Sống, chúng ta đã hiểu được lý do một số tù nhân trong trại tập trung của Đức Quốc Xã vẫn có thể sống sót qua hoàn cảnh khắc nghiệt. Những lý do đó bao gồm: sự may mắn, tinh thần lạc quan trong bi kịch, khiếu hài hước, giữ vững sự tự do trong tâm hồn và đặt niềm tin vào tương lai. 

Quay trở lại với câu hỏi mình đã đặt ra ở đầu bài, trong cuộc sống đủ đầy hiện đại ngày nay, tại sao nhiều người vẫn tự sát? 

Đa phần con người tự sát là vì cảm giác trống rỗng, không tìm được ý nghĩa của cuộc sống. 

Vậy thì làm thế nào để con người có thể giảm bớt tình trạng trống rỗng, cảm thấy cuộc sống vô nghĩa và tự sát? 

Theo như những gì mình đã học được từ cuốn sách "Đi Tìm Lẽ Sống" thì cách đó là chúng ta hãy sống có trách nhiệm, trách nhiệm với chính bản thân mình, trách nhiệm với gia đình, với xã hội và với tất cả những gì mà cuộc sống gửi đến chúng ta. 

Bên cạnh đó, đừng quên nuôi dưỡng sự tự do bên trong, nắm lấy giá trị của vẻ đẹp trong tự nhiên, nghệ thuật, thơ ca, văn chương và cảm giác yêu thương dành cho gia đình và bạn bè. Những lựa chọn, hoạt động, mối quan hệ, sở thích và những niềm vui giản dị cũng có thể đem lại ý nghĩa cuộc sống. Một thái độ tích cực có thể cho phép một người gia tăng sức chịu đựng và niềm hạnh phúc. Một thái độ tiêu cực sẽ tăng nỗi đau và sự thất vọng, nó phá hủy và tiêu giảm niềm vui, hạnh phúc và sự thỏa mãn, thậm chí có thể dẫn đến bệnh trầm cảm và các bệnh lý khác. 

Hãy dấn thấn vào cuộc sống để làm việc, để yêu thương, bạn sẽ tìm được ý nghĩa đời mình, và hãy tích cực hành động để hiện thực hóa ý nghĩa đó. Nếu chẳng may số phận gửi đến bạn những đau khổ, nếu không thể thay đổi hoàn cảnh khiến mình đau khổ thì xin nhớ rằng bạn vẫn có thể chọn cho mình một thái độ sống, vượt lên trên số phận. Chỉ có bạn mới tìm ra được ý nghĩa cuộc đời bạn.

Xin lưu ý rằng những lời khuyên trong cuốn sách "Đi Tìm Lẽ Sống" cũng như những gì mình nói nãy giờ chỉ có thể được xem như những phương pháp giúp mọi người phòng tránh được trầm cảm hoặc các bệnh tâm lý khác, thông qua việc giúp mọi người biết cách để tìm được ý nghĩa cuộc sống. Còn nếu lỡ như bạn đang thật sự có vấn đề về tâm lý, bị rối loạn tinh thần thì nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Bởi vì một khi bạn đã rơi vào trầm cảm nói riêng và các bệnh tâm lý nói chung thì gần như không ai có thể bắt bạn sống có trách nhiệm, suy nghĩ tích cực và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa được. Bạn cần phải được trợ giúp bởi một người có chuyên môn tốt.

Nếu mọi người muốn tìm hiểu kỹ hơn về bệnh trầm cảm, mọi người có thể tham khảo video mình review cuốn sách "Đại Dương Đen" của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.

Ngoài ra, mình khuyên bạn nên kết hợp đọc cuốn sách "Phép Màu" của tác giả Rhonda Byrne và thực hành các phương pháp nuôi dưỡng Lòng biết ơn. Lòng biết ơn giúp bạn cảm thấy luôn đủ đầy, giảm đáng kể cảm giác trống rỗng vô nghĩa trong cuộc sống, luôn tìm ra được điều tích cực để biết ơn trong mọi hoàn cảnh. 

Tóm lại, nếu một ngày nào đó bạn cảm thấy lạc lối, chán nản, trống rỗng, đừng quên trên đời này có một cuốn sách có thể cứu rỗi tâm hồn bạn: "Đi Tìm Lẽ Sống".

-

Mua sách tại đây
Xem video review tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét