Trong các cuốn sách của mình, Vãn Tình chủ yếu chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của cô về các vấn đề xoay quanh tình yêu, hôn nhân, cách đối nhân xử thế. Sách của Vãn Tình thường đánh trúng tâm lý của phụ nữ, cổ vũ tinh thần, góp phần thay đổi tư duy và quan điểm của độc giả.
Hôm nay mình sẽ review cuốn sách “Bạn đắt giá bao nhiêu”.
Bản thân mình đã đọc khá nhiều sách self-help, nên mình đánh giá cuốn “Bạn đắt giá bao nhiêu” là cuốn sách self-help khá nhạt và nông. Bởi vì hầu như tất cả các sách self-help mình từng đọc đều được viết dựa trên công trình nghiên cứu khoa học bài bản và cả cuốn sách chỉ có một chủ đề được đào sâu phân tích rất kỹ lưỡng. Ví dụ:
- Kỹ năng đi trước đam mê: Nói về việc hãy ngừng trông chờ vào chuyện tìm thấy được đam mê, thay vào đó hãy chăm chỉ rèn luyện kỹ năng và chuyên môn để trở thành người giỏi trong lĩnh vực/kỹ năng đó, rồi cuối cùng bạn sẽ đam mê thứ mà bạn giỏi. [Video review]
- 7 bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc: cuốn sách được viết dựa trên một công trình nghiên cứu kỳ công của tác giả, kéo dài trong suốt 16 năm liền, với 700 cặp vợ chồng tham gia. Cuối cùng, tác giả dùng kết quả nghiên cứu đó để viết nên cuốn sách "7 bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc", đồng thời thiết kế một liệu pháp và các khóa học để giúp đỡ cho các cặp vợ chồng đang gặp rắc rối trong hôn nhân. [Video review]
Nên khi đọc mấy cuốn kiểu Vãn Tình, mình cảm thấy sách khá nhạt, nông. Cách Vãn Tình đặt vấn đề rất ok, ví dụ như:
- Đừng than thở khi không có được điều mình muốn, bạn đã đủ dũng khí và nỗ lực để thực hiện điều bạn muốn chưa?
- Tôn trọng sự bình đẳng. Tôn trọng sự khác biệt.
- Sự độc lập của phụ nữ.
- Lòng tốt đặt không đúng chỗ sẽ là tội ác.
Vân vân. Tuy đặt vấn đề mang tính thực tế, hợp thời nhưng cách giải quyết khá nông, không quá sâu sắc. Cuốn sách có hơn 40 bài viết, đặt ra 40 vấn đề khác nhau (hoặc không khác lắm).
Hầu như các bài viết đều theo một motif như thế này: Mở đầu bằng một câu chuyện của bản thân hoặc của người thân, bạn bè. Tiếp theo là đánh giá câu chuyện đó. Cuối cùng kết luận tôi thấy như vầy đúng nè, bạn nên làm như vầy để được hạnh phúc hơn, sống đúng hơn. Hơn 40 bài viết đều kiểu đó, hơi nhàm chán.
Sau khi đọc “Bạn đắt giá bao nhiêu”, mình thấy sách cũng tạm được, mình thật sự không "hảo" loại sách này, nhạt quáaa. Nói chung cuốn này mình đọc như đọc truyện thôi, để giải trí, đọc cho biết sách Vãn Tình viết cái gì mà "hot" thế. Mấy người bạn con gái xung quanh mình thì lại cực kỳ thích sách Vãn Tình nha nên mình mạo muội cho rằng nếu bạn là con gái thì bạn vẫn rất thích, rất hợp mấy cuốn này á.
Trong sách có một số bài viết mình đồng tình với quan điểm tác giả, còn lại mấy bài khác mình không thấy ấn tượng mấy.
- - -
Dưới đây là một số nội dung trong cuốn sách “Bạn đắt giá bao nhiêu” mà mình thấy tâm đắc và muốn chia sẻ với các bạn:
1. Quan niệm khác biệt, đừng cố tranh cãi
Bài viết này mở đầu bằng câu chuyện bà hàng xóm khuyên Vãn Tình nên đẻ một đứa con trai đi, vì đẻ một thằng con trai thì mới giữ chân được chồng mình, địa vị mới vững chắc, về già có nơi nương tựa. Vãn Tình tuy không đồng ý quan điểm này của bà hàng xóm, nhưng cô không cố tranh cãi, chỉ cảm ơn và ngỏ ý sẽ ghi nhớ lời dặn của bà.
Vãn Tình nói: Mỗi người đều có quan niệm riêng dựa trên hoàn cảnh sống, trải nghiệm và tính cách riêng của mình, dù chúng ta có cố gắng tới mấy thì đối phương cũng chẳng chấp nhận quan niệm của mình, đã thế còn chuốc bực vào thân, phí phạm thời gian tốt đẹp. Tranh chấp cãi cọ chỉ làm tổn thương tình cảm, cũng không đạt được mục đích.
Trong một cuộc tranh luận, không bao giờ có người thắng thực sự. Cùng lắm thì chỉ thắng được về mặt lời lẽ do có khả năng hùng biện khiến đối phương không nói lại được nữa, nhưng nghĩ thế nào thì vẫn là quyền của đối phương, chúng ta không thay đổi được suy nghĩ của họ.
2. Hãy suy xét mọi kết quả tốt lẫn xấu trước khi đưa ra quyết định
Trong cuộc sống khi người ta đưa ra quyết định, thường chỉ cân nhắc tới mặt tốt, luôn cho rằng bản thân sẽ may mắn, không xui xẻo. Rồi đưa ra quyết định vượt xa khả năng chịu đựng của bản thân. Trên thực tế, người suy xét tới mọi khả năng cả tốt và xấu thường đạt được kết quả tốt nhất. Khi suy ngẫm về kết quả xấu nhất, nếu nhận thấy bản thân có thể chấp nhận, chịu đựng được kết quả tồi tệ nhất thì chúng ta sẽ không còn lo sợ nhiều, có thể tiếp tục thực hiện kế hoạch. Việc suy xét này giúp chúng ta tỉnh táo, nhận rõ mặt lợi và mặt hại của sự lựa chọn, chuẩn bị đủ kế hoạch để ứng phó với mọi tình huống, dù kết quả có xấu thì cũng đã chuẩn bị tâm lý rồi.
Quan điểm này của Vãn Tình tương đồng với kỹ thuật tưởng tượng tiêu cực của chủ nghĩa khắc kỷ. Các nhà Khắc kỷ sẽ thường xuyên suy ngẫm về những điều tồi tệ có thể xảy đến với mình. Thứ nhất, nhằm ngăn chặn những điều đó xảy ra, nghĩ trước các biện pháp phòng ngừa và trở nên cẩn trọng hơn. Thứ hai, nghĩ trước về những điều tồi tệ sẽ giảm bớt tác động của chúng đến bản thân khi chúng xảy ra. Thứ ba, việc thường xuyên suy ngẫm về những điều tồi tệ có thể xảy đến với mình sẽ khiến chúng ta biết sợ mất đi những gì mình đang có, từ đó biết trân trọng những điều đó hơn.
Nếu bạn quan tâm đến chủ nghĩa khắc kỷ, bạn có thể xem video mình review cuốn sách này tại link.
3. Hãy trở nên giỏi vì chính mình chứ không phải cho ai khác
Có nhiều cô gái có tư tưởng sai lầm: Đàn ông cũng chẳng xuất sắc, cớ gì bắt tôi phải giỏi giang? Bởi vậy không chịu hoàn thiện bản thân.
Nhưng chúng ta nỗ lực khiến bản thân mình trở nên tốt đẹp hơn không phải vì bất kỳ ai, mà vì chính chúng ta, vì chúng ta có thể lựa chọn cuộc sống của chính mình.
Nếu một người nghĩ rằng mình hoàn thiện bản thân là vì người khác, vậy người này không bao giờ có thể làm chủ số phận của mình.
4. Hi sinh có chọn lọc
Sau khi kết hôn, đừng cắm đầu vào hy sinh, thỉnh thoảng cũng nên ngẩng đầu xem thử phản ứng của đối phương. Nếu đối phương trân trọng sự hi sinh của bạn, cũng cố gắng báo đáp, vậy bạn có thể tiếp tục hi sinh. Nhưng nếu đối phương coi sự hi sinh của bạn như lẽ đương nhiên, thậm chí đòi hỏi nhiều hơn nữa, vậy bạn nên mau chóng điều chỉnh chiến lược. Với người ích kỷ thì bạn càng hy sinh họ càng đòi hỏi nhiều hơn.
- - -
Bên cạnh một số bài viết mình tâm đắc và đồng tình với quan điểm của Vãn Tình thì trong cuốn sách này có một bài viết mình không đồng tình với quan điểm của tác giả, đó là bài viết có tên "Nghèo quá lâu là lỗi của bạn".
Bài viết được mở đầu bằng câu chuyện Vãn Tình đi ăn cùng bạn thân, tình cờ chứng kiến cảnh một cô gái 30 tuổi chia tay người yêu của mình với lý do chàng trai nghèo, 30 tuổi vẫn chưa giàu. Họ yêu nhau 10 năm, tốt nghiệp ĐH đã 7 năm, sau 7 năm mà chàng trai vẫn chưa giàu, cô gái không còn muốn đợi và tuyên bố chia tay anh ta để đi lấy chồng giàu.
Sau khi chứng kiến chuyện đó, Vãn Tình và bạn thân đã đưa ra những nhận xét:
"Xin chúc mừng, cuối cùng cô ấy cũng có một quyết định chính xác là bỏ quách thằng cha nghèo mạt rệp này đi".
"Một người đàn ông chỉ cần nghiêm túc một chút, chăm chỉ một chút, chú tâm một chút, thì trong bảy năm đã tích cóp đủ tiền mua một căn nhà nhỏ từ lâu rồi. Tới giờ anh ta vẫn nghèo kiết xác thì đây không còn là vấn đề nghèo hay không nữa, mà là thái độ với cuộc sống, thậm chí là vấn đề nhân phẩm, anh ta là kẻ vô tích sự".
"7 năm là quá đủ để một người đàn ông đứng vững trong xã hội, thậm chí có thành tựu nhất định... Sau ba mươi tuổi mà vẫn nghèo thì mọi thứ đã trở nên nghiêm trọng".
Sau khi phán xét về chàng trai bị người yêu bỏ và tất cả đàn ông nghèo trên thế gian thì Vãn Tình và cô bạn thân còn liệt kê ra: Quanh tôi cũng có kha khá người yêu những chàng trai nghèo, giờ cũng đường ai nấy đi, nếu còn quen thì cũng gắng gượng yêu nhau. Không thấy "một mái nhà tranh hai trái tim vàng".
Đọc bài viết này mình không khỏi bất mãn. Thứ nhất là ở thái độ (coi thường người khác, cụ thể là người nghèo). Thứ hai là định kiến giới (đàn ông là phải giàu mới được yêu). Thứ ba là áp đặt về thời điểm một người đàn ông phải giàu (trước 30 tuổi là phải giàu). Sau đây mình sẽ trình bày thêm góc nhìn của mình để phản biện các luận điểm đầy mùi định kiến và áp đặt trên của Vãn Tình và cô bạn thân.
1. Thế nào là giàu? Bao nhiêu tiền là giàu? Mỗi người có những định nghĩa riêng về sự giàu có và thành công, không ai có quyền áp đặt "phải thế này mới là giàu có", "phải thế kia mới gọi là thành công". Bạn có 10 tỷ, biệt phủ và xe hơi thì bạn cho là bạn giàu, tôi có 500 triệu tiền tiết kiệm thì tôi cũng thấy mình giàu, nhưng bạn bảo tôi không giàu. Bạn làm giám đốc, tiền gửi đầy trong ngân hàng, đi du lịch thế giới, bạn cho là bạn thành công. Tôi làm nhân viên bình thường, hàng ngày tôi dành thời gian dạy học và chơi đùa cùng con cái, gia đình nội ngoại chúng tôi thuận hòa, tôi coi đó là thành công của mình, lấy cớ gì bạn bảo tôi thất bại dựa trên định nghĩa của bạn?
Chúng ta đâu biết chàng trai trong câu chuyện trên có bao nhiêu tiền và định nghĩa giàu của anh ta là gì, cũng không biết đối với cô gái trong câu chuyện thì như thế nào mới gọi là giàu, nên với tư cách là người ngoài chỉ mới chứng kiến bề nổi của câu chuyện, chúng ta không có đủ căn cứ để kết luận rằng "thằng cha nghèo mạt rệp đó bị bồ bỏ là đáng".
Bên cạnh đó, mỗi người có múi giờ thành công riêng, có người 20 tuổi đã là tỷ phú, có người 40 tuổi mới kiếm được 1 tỷ, có người giàu có cả cuộc đời đến khi gần đất xa trời thì lại mất trắng,... Ai có quyền áp đặt đàn ông đến 30 tuổi PHẢI giàu có và thành đạt? Đâu phải cứ 30 tuổi chưa giàu nghĩa là thất bại, là phế nhân xứng đáng bị vứt bỏ. Áp đặt như thế có khác gì nói một cô gái 30 tuổi chưa lấy chồng là ế, nhân phẩm có vấn đề.
2. Nếu bạn đã đọc cuốn sách "Tâm lý học về Tiền" của tác giả Morgan Housel thì bạn sẽ biết một điều: Trên đời này luôn có may mắn và rủi ro. Không phải sự thành công nào cũng nhờ vào chăm chỉ, và không phải sự nghèo đói nào cũng do lười biếng. Hãy luôn ghi nhớ điều này khi đánh giá con người, kể cả bản thân mình. Không gì là tốt hay xấu như vẻ ngoài của nó.
Trên thực tế có rất nhiều người nỗ lực và chăm chỉ, nhưng có lẽ do chưa gặp thời, chưa đến thời điểm, hoặc gặp chuyện xui rủi, nên sự giàu có vẫn chưa đến với họ. Rõ ràng "không phải sự nghèo đói nào cũng do lười biếng".
Và cũng có rất nhiều người lười biếng hoặc không thông minh nhưng gặp may mắn nên lại trở nên giàu có, hoặc đơn giản có bố mẹ giàu, hết.
Sự giàu có của một người phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan: hoàn cảnh sống, bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội, thời đại,... chứ không hẳn chỉ như Vãn Tình nói: "chỉ cần nghiêm túc một chút, chăm chỉ một chút, chú tâm một chút".
Việc Vãn Tình đánh giá một người đàn ông 30 tuổi chưa giàu là "có vấn đề về nhân phẩm", "vô tích sự" thì mình cho rằng quá đáng.
3. Lập luận cho rằng "Một người đàn ông chỉ cần nghiêm túc một chút, chăm chỉ một chút, chú tâm một chút, thì trong bảy năm đã tích cóp đủ tiền mua một căn nhà nhỏ từ lâu rồi" và "7 năm là quá đủ để một người đàn ông đứng vững trong xã hội" là một lập luận phi thực tế. Bạn cần lưu ý con số 7 năm trong bài viết này của Vãn Tình muốn ám chỉ thời gian 7 năm từ khi tốt nghiệp ĐH (22t) đến 29 tuổi.
Khảo sát lương 2023 của Navigos Group phân tích mức lương của 23 ngành nghề với nhiều vị trí việc làm khác nhau mà các doanh nghiệp trên cả nước đăng ký tuyển dụng.
Trong ngành xây dựng - bất động sản, cùng vị trí nhân viên hành chính, sinh viên mới ra trường và có ít hơn 2 năm kinh nghiệm được trả mức lương khoảng 8-14 triệu đồng/tháng, người có kinh nghiệm làm việc được trả lương khoảng 12-22 triệu đồng/tháng ở Hà Nội và khoảng 14-28 triệu đồng/tháng ở TPHCM.
Đối với nhân viên hành chính ở ngành thiết bị điện tử: Sinh viên mới ra trường và có ít hơn 5 năm kinh nghiệm chỉ được trả khoảng 8-12 triệu đồng/tháng ở Hà Nội và 10-12 triệu đồng/tháng ở TPHCM. Người có kinh nghiệm làm việc được trả khoảng 12-17 triệu đồng/tháng ở Hà Nội và khoảng 11-19 triệu đồng/tháng ở TPHCM.
Lập trình viên - một trong những công việc đang hot nhất thời điểm hiện nay. Mức lương trung bình cho SV mới ra trường khoảng từ 15 – 30 triệu/tháng.
Nguồn: Dân Trí
Cứ theo Vãn Tình, mình tạm cho là tiêu chuẩn để đánh giá một người đàn ông giàu hay không là "có một căn nhà". Từ những thông tin về mức lương trung bình của sinh viên mới ra trường ở trên, so sánh với giá nhà tại VN, chúng ta không khó để thấy được một sự thật: Chỉ số giá nhà ở Việt Nam cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình. Giá nhà đất tăng liên tục 5 năm qua, chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội khiến nhiều người Việt khó sở hữu được nhà ở.
Nguồn: tuoitre.vn |
Trên thực tế, không cần mình phải cung cấp đủ thứ số liệu thống kê như trên, tự bản thân bạn cũng có thể nhìn xung quanh, thậm chí nhìn vào chính bản thân bạn để thấy rằng quan điểm đó của Vãn Tình rất áp đặt và phi thực tế.
4. Đúng là trong xã hội vẫn luôn tồn tại rất nhiều phụ nữ thực dụng, chỉ muốn yêu và lấy chồng giàu. Đối với họ, đàn ông không có tiền thì không xứng đáng được yêu, đừng mơ tưởng đến việc được kết hôn và có hạnh phúc. Có những cô gái chỉ muốn ăn sẵn thôi, muốn cưới một người đàn ông giàu sẵn, thành đạt sẵn. Nhưng thực ra vẫn còn những người phụ nữ sẵn sàng đồng hành cùng người đàn ông của mình từ lúc tay trắng, và cho dù chồng mình có thất bại thì vẫn ở cạnh động viên. Chúng ta yêu và cưới một người ĐÂU CHỈ VÌ tiền của họ, chúng ta còn phải quan tâm đến tính cách, nhân cách, cách người ta đối xử với mình và gia đình của mình. Cho nên, vẫn đầy người con trai chưa giàu hoặc không giàu được người con gái của mình yêu thương và tôn trọng. Do đó, bản thân mình thực sự thấy bài viết này của Vãn Tình rất phiến diện và vơ đũa cả nắm.
Nghèo chưa chắc là hoàn toàn lỗi của bạn, giàu cũng chưa chắc là hoàn toàn công của bạn.
Cũng trong bài viết này, mình đồng tình với quan điểm:
- "Dù tình yêu có thuần túy tới đâu thì cuộc sống cũng cần có cơ sở tiền tài vật chất". Điều này không ai có thể phủ nhận.
- "Tôi không chê anh ta nghèo, nhưng tôi không thể chịu được việc anh ta không có chí tiến thủ. Đàn ông không có chí tiến thủ thường rất lười, vừa lười trong sinh hoạt vừa lười trong công việc, và còn rất thích vu vạ cho người phụ nữ của mình".
-
Thông qua phần phản biện của mình về bài viết "Nghèo quá lâu là lỗi của bạn", mình hy vọng các bạn khi nhận được bất cứ một thông tin gì thì nên có tư duy phản biện, nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau, không phải cứ là một người nổi tiếng, giàu có, có hôn nhân hạnh phúc thì nói gì cũng là chân lý. Nếu bạn không có tư duy phản biện, không tự kiểm chứng thông tin, không suy xét đa chiều, bạn sẽ rất dễ bị truyền thông dắt mũi. Nếu bạn chỉ mù quáng tin Vãn Tình bảo "30 tuổi là đủ để một người đàn ông có chỗ đứng vững trong xã hội và đủ tiền mua một căn nhà nhỏ" thì bạn sẽ tự tạo ra áp lực quá lớn, vô lý và bất công lên bản thân hoặc lên người bạn trai của mình.
Và các bạn cũng không nhất thiết phải tin hết những gì mình nói, bạn cũng nên tự kiểm chứng thông tin. Mà nếu bạn thích, mình gợi ý bạn tìm hiểu thêm về vấn đề "giới trẻ Trung Quốc càng ngày càng không muốn kết hôn", một trong những lý do đó là mất cân bằng giới tính khiến con gái TQ "rất có giá", dẫn đến chuyện nhà gái càng ngày càng tăng tiền sính lễ và đòi hỏi cao hơn về vật chất đối với phía nhà trai, gây nên áp lực cực kỳ kinh khủng cho nam giới TQ.
- - -
Mình sẽ kết lại bài viết hôm nay bằng chính một ý của cuốn sách này: Nếu một người giải quyết được vấn đề của họ và họ cảm ơn bạn vì bạn đã tư vấn hoặc khuyên bảo họ, thì bạn cần hiểu rằng, thực ra không phải bạn giúp họ, mà chính sức mạnh nội tại của họ đã giúp họ. Có rất nhiều người chịu khó nghe chuyên gia tư vấn phân tích và đưa ra giải pháp, họ cũng rất thành khẩn, ham học hỏi, nhưng cuối cùng họ vẫn không thay đổi được quan niệm của họ, họ vẫn hành động như cũ.
Chúng ta không thể học giỏi lên chỉ dựa vào việc nghe thầy cô giảng bài. Chúng ta không thể giải quyết được vấn đề của bản thân bằng cách ngồi đó nghe lời khuyên từ người khác. Chúng ta không thể giàu lên chỉ nhờ việc tham gia mấy khóa học làm giàu. Vân vân. Trí tuệ của người khác không thể tự động cứu giúp bạn, chỉ có sức mạnh nội tại trong chính con người bạn kết hợp với hành động thực tiễn mới tạo nên thay đổi được thôi.
Tương tự, cho dù bạn có đọc cuốn sách này đến 100 lần và được Vãn Tình cổ vũ để thay đổi tư duy và cách sống, nhưng bạn không hành động thì cũng vô ích mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét