Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

[Review & Tóm tắt sách] Nghĩ Giàu Làm Giàu - Napoleon Hill

REVIEW

"Nghĩ giàu làm giàu" ắt hẳn là một cuốn sách không hề xa lạ với chúng ta, nó được coi là một trong các cuốn sách kinh điển, là sách gối đầu giường của rất nhiều người. Tuy vậy, cùng với "Đắc nhân tâm" của Dale Carnegie, "Nghĩ giàu làm giàu" là tựa sách thuộc dòng self-help bị nhiều người tẩy chay và ghét cay ghét đắng với lý do rằng các cuốn này khiến cho người đọc trở nên ảo tưởng sức mạnh, do trong sách hay xuất hiện các thủ thuật tâm lý như thế này thế kia để đánh lừa bộ não, bắt bộ não phải thực hiện những gì chúng ta muốn; ngoài ra, có người cho rằng các lời khuyên trong sách đều mang tính tự truyện và dẫn chứng khoa học thì không chính xác,... vân vân

Mình cũng đã từng bị ảnh hưởng bởi những review tiêu cực như thế nên đã không chọn đọc cuốn này. Mãi đến gần đây, trong một lần đứng ngắm kệ sách thì vô tình cuốn "Nghĩ giàu làm giàu" lọt vào mắt mình, mình chỉ dự định cầm nó lên để xem thử thế nào thôi. Nhưng... khi mở ra đọc thử trang đầu tiên, ngay lập tức mình đã bị cuốn theo mấy chục trang về sau, nghĩa là, ít nhất ban đầu mình cảm thấy sách rất cuốn hút và dễ hiểu.

Khi đọc, có nhiều chỗ mình thấy gật gù tâm đắc ngay vì thông tin khá dễ hiểu và dễ đón nhận, nhưng có đôi chỗ cứ thấy lùng bùng, mơ hồ, khó tin lắm. "Nghĩ giàu làm giàu" chia sẻ về 13 nguyên tắc, 13 bước để đạt được sự giàu có và thành công trong cuộc sống. Tuy vậy, với những ai kỳ vọng sẽ được chia sẻ những bí quyết cụ thể và rõ ràng để trở nên giàu có, như kiểu nên đầu tư vào đâu, học ngành gì, làm nghề gì, kinh doanh cái gì để giàu,... thì chắc chắn sẽ vô cùng thất vọng khi đọc quyển sách này, bởi vì nó không cung cấp những thông tin trên.

"Nghĩ giàu làm giàu" chỉ có mục đích giúp bạn phát triển được "ý thức làm giàu". Giàu có và thành công, tất cả bắt đầu từ cách nghĩ. Tất nhiên, ý mình hay tác giả không phải là chỉ cần nghĩ rồi sẽ giàu, mà cuốn sách giúp chúng ta biết tầm quan trọng của ý nghĩ, cách để xây dựng những suy nghĩ tích cực và nuôi dưỡng những khát vọng rồi biến chúng thành của cải vật chất tương đương.

Tóm lại, mình thích cuốn này, từ nội dung bổ ích đến cách diễn đạt tỉ mỉ, chân thành của tác giả. Ừm, mình có đọc thấy một số phản hồi không tích cực lắm về Napoleon Hill, kiểu như là ông này giả tạo, rồi viết sách chỉ để kiếm tiền thôi, lập lờ về kiến thức, thông tin. Nhưng mà, do chính bản thân đã từng có những trải nghiệm mà Napoleon Hill đề cập đến nên mình vẫn cảm nhận những kiến thức và thông tin ông nói là đúng. Có thể nó chẳng thể được kiểm chứng về mặt khoa học, nhưng... chuyện tâm linh không đùa được đâu 😁 Mình sẽ cố gắng thực hành nhiều hơn những phương pháp này, đơn giản vì mình đã từng vô tình áp dụng nó trong cuộc sống rồi và đạt được những thành quả nhất định, do đó mình vẫn có niềm tin vào 13 nguyên tắc này và sẽ tiếp tục thực hành.

🔼🔽🔼

Phần tiếp theo là phần tóm tắt sách. Mình tóm tắt, chủ yếu là để cho bản thân nhớ bài, chứ mình khuyên mọi người nên đọc trọn cuốn sách để có thể tự lĩnh hội được trọn vẹn kiến thức mà tác giả muốn truyền tải (Hmmm, thật sự là nó mông lung lắm).

TÓM TẮT

MỞ ĐẦU

Người thành công là người có nhận thức rõ ràng bản thân mình muốn gì và quyết tâm theo đuổi ước muốn ấy cho đến khi thành công.

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của thất bại là thói quen dễ dàng từ bỏ mơ ước khi gặp phải những thất bại tạm thời. Hơn 500 người thành đạt nhất nước Mỹ đều nói với Napoleon Hill rằng những thành quả lớn lao nhất mà họ đạt được thường chỉ cách thất bại trong ganh tấc.

Ý thức về sự thành công 

Một trong những điểm yếu của người bình thường là họ luôn có xu hướng nghĩ mọi việc đều "không thể"Thành công chỉ đến với những ai thật sự có ý thức mãnh liệt muốn đạt được nó. Thất bại sẽ đến với những người luôn nghĩ ràng mình sẽ thất bại. Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn nắm bắt được nghệ thuật thay đổi tư duy của bạn từ ý thức về sự thất bại sang ý thức về sự thành công.

Một điểm yếu khác của con người là thói quen đánh giá sự việc và người xung quanh bằng lăng kính chủ quan. Rất nhiều người đọc cuốn sách này nhưng không tin rằng chỉ bằng suy nghĩ người ta có thể đạt được sự giàu sang. Chúng ta thường không tin cái mà chúng ta không hiểu. Chúng ta luôn có thói quen nhìn cuộc sống bằng quan niệm của mình vì thế chúng ta cho rằng giới hạn của chúng ta là thước đó đúng đắn cho mọi giới hạn.

Bất kì điều gì con người tưởng tượng ra được và tin tưởng rằng sẽ đạt được chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Chương 1: KHÁT VỌNG


Điểm khởi đầu của mọi thành công - Bước làm giàu thứ nhất 

Mỗi con người khi đến tuổi hiểu được giá trị của tiền bạc đều mong muốn có được nó. Nhưng chỉ mong muốn thôi sẽ không mang đến cho bạn sự giàu có. Bạn cần có Khát vọng làm giàu, biến khát vọng đó thành một nỗi ám ảnh, lập một kế hoạch chi tiết về cách thức và phương tiện để đạt được sự giàu có, kiên trì thực hiện bằng được những kế hoạch đó mà không lo sợ thất bại.

6 bước để biến khát khao thành vàng.

- Bước 1: Xác định rõ trong tâm trí bạn số tiền chính xác mà bạn muốn có. "Tôi muốn có rất nhiều tiền" thôi thì chưa đủ.

- Bước 2: Xác định rõ bạn định đánh đổi cái gì để nhận được số tiền mà bạn mong muốn.

- Bước 3: Xác định rõ ràng ngày mà bạn muốn có được số tiền đó.

- Bước 4: Lên một kế hoạch cụ thể và bắt đầu thực hiện ngay, dù đã sẵn sàng hay chưa.

- Bước 5: Viết một bản tuyên bố rõ ràng và ngắn gọn gồm 4 bước trên.

- Bước 6: Đọc to thành tiếng bản tuyên bố này hai lần một ngày. Trong lúc đọc hãy tập tưởng tượng, cảm nhận và tin rằng bạn đã có được số tiền đó rồi.

Sức mạnh của những giấc mơ lớn

Trong khi vạch ra kế hoạch cụ thể để đạt được sự thành công và giàu có, bạn đừng bị lung lay hay nhụt chí vì những người xem bạn như kẻ mơ mộng.

Chương 2. NIỀM TIN

Tưởng tượng và tin tưởng vào những gì bạn khát khao vươn tới - Bước làm giàu thứ 2

Làm thế nào để xây dựng và nuôi dưỡng niềm tin?

Niềm tin là một trạng thái tinh thần có thể được tạo rađiều khiển bằng việc không ngừng khẳng địnhlặp đi lặp lại một cách nghĩ nào đó vào tiềm thức.

Bạn sẽ "thuyết phục" tiềm thức của mình rằng những gì bạn tin tưởng và mong muốn thì chắc chắn bạn sẽ đạt được. Tiềm thức của bạn sẽ tiếp nhận sự tin tưởng đó và chuyển hóa nó thành niềm tin/nỗi ám ảnh trong tâm trí bạn. Niềm tin đó sẽ "dẫn đường chỉ lối" cho bạn vạch ra một kế hoạch cụ thể nhằm đạt được những gì mình khao khát.

Bạn sẽ nhận được những lợi ích không ngờ nếu như truyền vào tiềm thức những khát vọng tích cực và tin rằng những khát vọng đó sẽ được chuyển hóa thành những giá trị vật chất/tiền bạc tương đương. Bạn cần luôn suy nghĩ và hành động như thể bạn đã có được tất cả những gì mình mong muốn. Bạn cần phải khuyến khích những cảm xúc tích cực cũng như những nguồn năng lượng chi phối tâm trí mình. 

Niềm tin là liều thuốc thần diệu mang lại sự sống, sức mạnh và hành động cho tư tưởng con người. Niềm tin là nền tảng của những điều kỳ diệu, những phép màu mà không một luật nào của khoa học có thể phân tích và lý giải trọn vẹn.

Tư duy khi được hòa trộn với cảm xúc sẽ trở thành một thanh nam châm, hút tất cả các ý tưởng tương tự hoặc có liên quan khác. Tâm trí con người liên tục nắm bắt những tần số rung động của những ý tưởng phù hợp với tư duy đang chi phối tâm trí bạn.

Chương 3. TỰ KỶ ÁM THỊ

Biện pháp trung gian tác động đến tiềm thức con người - Bước làm giàu thứ 3

Tự kỷ ám thị là quá trình tự tâm niệm, tự khích lệ.


Quay trở lại với 6 bước chuyển hóa khát vọng thành những giá trị tiền bạc tương đương, lưu ý khi đọc thành tiếng những khát vọng của bạn, phải hòa quyện được tình cảm/cảm xúc vào ngôn từ của mình. Vì từ ngữ không có cảm xúc sẽ không tác động đến tiềm thức được. 

Khi sử dụng biện pháp tự kỷ ám thị, cần tập trung vào một khát vọng nhất định, cho đến khi khát vọng đó biến thành một nỗi ám ảnh cháy bỏng.

Tiềm thức nhận lấy tất cả những mệnh lệnh được truyền đến trên tinh thần một niềm tin tuyệt đốihành động dựa trên mệnh lệnh đó. Những mệnh lệnh này cần phải được lặp đi lặp lại liên tục cho đến khi được tiềm thức chấp nhận. Tiềm thức sẽ chỉ dẫn cho bạn những kế hoạch thực tiễn để đạt được số tiền xứng đáng thuộc về bạn ⇒ Hãy trông đợi tiềm thức chuyển cho bạn những kế hoạch cần thiết. Những kế hoạch này có thể lóe lên trong tâm trí bạn dưới dạng một niềm cảm hứng hay trực giác nào đó.

Những hướng dẫn này lúc đầu có thể hơi trừu tượng, đừng để điều này làm bạn nản lòng. Hoài nghi với tất cả những ý tưởng mới là bản chất của con người. 

Nhiều nhà triết học đã tuyên bố rằng con người điều khiển được số phận của mình nhưng phần lớn đều không giải thích được tại sao. Lý do con người có thể kiểm soát được số phận của mình và cả môi trường xung quanh là bởi vì chúng ta có khả năng ảnh hưởng lên chính tiềm thức của mình. 

Chương 4. KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN

Kinh nghiệm cá nhân hoặc óc quan sát - Bước làm giàu thứ tư

Có 2 loại kiến thức: tổng quát & chuyên sâu. Kiến thức tổng quát dù phong phú và đa dạng đến đâu cũng không giúp bạn được nhiều trong việc tích lũy tiền bạc và của cải. Nhiều người lầm tưởng "kiến thức là sức mạnh". Không! Kiến thức chỉ trở thành sức mạnh khi và chỉ khi nó kết tinh thành những kế hoạch hành động rõ ràng và hướng tới những mục đích rõ ràng.

Trước khi bạn có thể biến khát vọng làm giàu thành đồng tiền cụ thể, bạn cần có những kiến thức chuyên môn về những loại dịch vụ, thương mại mà bạn dự định cung cấp cho người tiêu dùng để đổi lấy tiền bạc. 

Đầu tiên, hãy quyết định loại kiến thức chuyên sâu mà bạn cần và mục đích bạn cần có nó, sau đó tìm hiểu xem những kiến thức này có thể được tìm thấy ở đâu. Kiến thức thu được phải được áp dụng vào thực tiễn. 

Những người thành đạt ở mọi lĩnh vực đều không ngừng tích lũy thêm kiến thức chuyên ngành liên quan đến mục đích, công việc kinh doanh hay nghề nghiệp của họ. Những người không thành đạt thường cho rằng thời gian thu nhận kiến thức sẽ kết thúc khi rời khỏi ghế nhà trường. Các ông chủ thường để ý hơn đến những lao động đã tham gia những khóa đào tạo chuyên môn. Họ nghiệm ra rằng, bất cứ người nào có tham vọng dành một phần thời gian rỗi để học ở nhà thì người đó thường có những phẩm chất để trở thành một nhà lãnh đạo tốt.

Napoleon Hill cho rằng kiến thức chuyên môn giúp chúng ta có những ý tưởng đáng đồng tiền bát gạo. Và trí tưởng tượng là thứ giúp kết nối kiến thức chuyên môn với ý tưởng.

Chương 5. ÓC TƯỞNG TƯỢNG

Xưởng làm việc của tâm trí - Bước làm giàu thứ năm

Động cơ và khát vọng đều được định hình và biến thành hành động thông qua sự giúp đỡ của óc tưởng tượng. Người ta cho rằng con người có thể tạo nên bất kỳ thứ gì mà anh ta tưởng tượng ra. 

2 dạng tưởng tượng:

Khả năng tưởng tượng tổng hợp: sắp xếp những khái niệm, ý tưởng hay kế hoạch cũ thành những kết hợp mới. Khả năng này không tạo ra cái gì cả, chỉ dựa trên kinh nghiệm, học vấn và quan sát. 

Khả năng tưởng tượng sáng tạo: khả năng này cho phép trí tuệ hữu hạn của con người liên hệ trực tiếp với miền trí tuệ vô biên. Khả năng này mang đến cho con người tất cả những ý tưởng cả cũ lẫn mới.

Trí tưởng tượng là quan trọng, vì trí tưởng tượng giúp chúng ta có được nhiều kế hoạch và ý tưởng để đạt được sự giàu có. Chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn về trí tưởng tượng trong chương 10.

Chương 6. LẬP KẾ HOẠCH

Khát vọng kết tinh thành hành động - Bước làm giàu thứ sáu

Kế hoạch giúp chuyển cái trừu tượng (khát vọng) thành cái cụ thể (tiền bạc). 

Hướng dẫn cơ bản để xây dựng những kế hoạch thực tế:

Liên kết bản thân bạn với một nhóm gọi là "trí tuệ ưu tú", thường xuyên gặp gỡ và duy trì sự hòa hợp với nhóm. Lưu ý, bạn phải gánh vác những nhiệm vụ rất quan trọng; bạn phải có lợi thế về kinh nghiệm, kiến thức, năng lực bẩm sinh và trí tưởng tượng so với những người khác. Nói chung, hãy hợp tác với những người khác và lãnh đạo nhóm này để đạt được những kế hoạch về tài chính. Chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn về Trí tuệ ưu tú trong chương 9.

Người lãnh đạo

Những phẩm chất chủ yếu của người lãnh đạo:

- Dũng cảm, kiên định.

- Tự chủ, công bằng, quyết định rõ ràng, có kế hoạch cụ thể.

- Có thói quen làm việc vượt quá thù lao.

- Có một tính cách dễ chịu, cảm thông và thấy hiểu.

- Nắm vững các chi tiết (ở đây mình nghĩ Hill muốn nói đến kiến thức nghiệp vụ)

- Chịu trách nhiệm, có sự hợp tác.

Có 2 dạng lãnh đạo: (1) Lãnh đạo bằng sự đồng thuận và cảm thông của cấp dưới (2) Lãnh đạo bằng quyền lực mang tính cưỡng chế mà không cần có sự đồng cảm của cấp dưới. Cách lãnh đạo thứ (2) không thể tồn tại lâu dài.

10 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong việc lãnh đạo:

- Không có khả năng tổ chức, sắp xếp các chi tiết: Khi một người thừa nhận rằng anh ta quá bận rộn để thay đổi những kế hoạch của mình hay chú ý đến những vấn đề cấp bách khác, nghĩa là đã thừa nhận sự kém cỏi của mình. Một người lãnh đạo thành công phải biết làm chủ tất cả những chi tiết nhỏ nhặt liên quan đến vị trí của mình, nghĩa là phải có thói quen giao những việc nhỏ cho những cộng sự có năng lực làm.

- Không sẵn lòng làm những việc mà người khác cho là thấp kém.

- Mong được trả công cho những gì họ "biết" thay vì những điều họ "làm" với những kiến thức đó.

- Lo sợ sự cạnh tranh với cấp dưới: Người lãnh đạo có tài luôn sẵn lòng đào tạo, huấn luyện lớp người kế cận để có thể ủy thác và giao phó trách nhiệm công việc cụ thể. Người lãnh đạo tổ chức và khuyến khích người khác làm việc bao giờ cũng được trả công nhiều hơn so với số tiền kiếm được nếu họ tự làm công việc đó. 

- Thiếu trí tưởng tượng.

- Ích kỷ.

- Thái độ không đúng mực.

- Bất trung.

- Cường điệu quyền uy lãnh đạo.

- Xem trọng danh hiệu.

Tiếp theo tác giả chia sẻ Thời điểmcách thức xin việc, các thông tin cần có trong sơ yếu lí lịch (ngày nay chúng ta hay gọi là CV). Đừng lo sợ hồ sơ của bạn quá dài, nhà tuyển dụng cũng muốn có được tất cả những thông tin có thể có về bạn. Nhớ chuẩn bị gọn gàng và kĩ lưỡng hồ sơ của bạn, ấn tượng đầu tiên sẽ đọng lại rất lâu. Nếu công việc này xứng đáng để bạn xin vào làm thì nó xứng đáng được quan tâm. 

Mọi công ty đều tìm kiếm những người có thể mang đến cho họ một giá trị nào đó: ý tưởng, khả năng hay "mối quan hệ". Mọi công ty đều có chỗ dành cho những người có kế hoạch hành động rõ ràng cho sự phát triển thuận lợi của công ty đó.

"Bộ não" là một dạng vốn không bao giờ mất giá qua các thời kì suy thoái kinh tế và cũng không thể bị đánh cắp hay tiêu xài hết.

31 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại:

- Những yếu tố di truyền bất lợi: thiếu năng lực trí tuệ.

- Thiếu mục đích rõ ràng.

- Thiếu tham vọng lớn.

- Không được giáo dục đầy đủ. Đây là một bất lợi có thể khắc phục tương đối dễ dàng. Người có giáo dục không nhất thiết phải có tất cả mọi loại kiến thức, nhưng biết áp dụng những kiến thức họ có một cách kiên trì và hiệu quả.

- Thiếu sự nghiêm khắc với bản thân. Bạn phải kiểm soát được những tích cách tiêu cực của mình.

- Sức khỏe kém.

- Có tuổi thơ không lành mạnh.

- Sự do dự.

- Thiếu kiên trì.

- Tính cách tiêu cực.

- Không kiểm soát được những ham muốn tình dục.

- Máu cờ bạc.

- Thiếu quyết định rõ ràng. Thiếu quyết đoán, chần chừ.

- Có một/nhiều hơn 6 nỗi sợ hãi căn bản (sợ đói nghèo, sợ bị chỉ trích, sợ sức khỏe yếu, sợ mất tình yêu, sợ tuổi già và sợ cái chết).

- Sai lầm khi lựa chọn bạn đời. Nếu mối quan hệ hôn nhân không được hòa hợp thì thất bại thường tiếp nối theo sau, hơn nữa, nó sẽ là một dạng thất bại phá hủy tất cả khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

- Thận trọng thái quá.

- Chọn sai đối tác kinh doanh.

- Mê tín và định kiến.

- Chọn sai nghề.

- Thiếu tập trung nỗ lực.

- Tiêu xài bừa bãi → Hãy hình thành thói quen tiết kiệm. Tiền gửi ngân hàng tạo cho bạn sự an tâm khi "mặc cả" để "bán" năng lực cá nhân. Không có tiền, bạn phải chấp nhận và buộc lòng nhận lấy tất cả những gì được đề nghị.

- Thiếu nhiệt tình.

- Hẹp hòi.

- Không điều độ.

- Không có khả năng hợp tác.

- Sở hữu những tiềm lực mà không nhờ vào nỗ lực cá nhân (con nhà giàu/thừa kế). Giàu xổi còn nguy hiểm hơn đói nghèo.

- Không trung thực.

- Tự cao tự đại

- Đoán mò thay vì suy nghĩ.

- Thiếu vốn.

Hãy biết giá trị của bản thân

Lập bảng phân tích bản thân cuối mỗi năm để biết được bạn đang tiến lên, dừng lại hay thụt lùi, để có thể thêm vào hướng giải quyết, cải thiện trong năm mới. Tự trả lời những câu hỏi sau để phân tích bản thân:

- Tôi đã giành được mục tiêu đặt ra trong năm nay chưa?

- Tôi đã làm việc với chất lượng tốt nhất chưa, có thể làm tốt hơn không?

Tôi đã làm việc với số lượng nhiều nhất chưa?

- Thái độ làm việc của tôi có hòa nhã và hợp tác với mọi người mọi lúc không?

- Tôi có để thói chần chừ làm giảm năng suất làm việc của mình không? 

- Tôi đã hoàn thiện nhân cách của mình chưa?

- Tôi đã kiên trì theo đuổi kế hoạch cho đến lúc hoàn thành chưa?

- Tôi đã quyết định nhanh chóng và rõ ràng mọi tình huống chưa?

- Tôi có cho phép bất cứ nỗi sợ nào làm giảm hiệu suất làm việc không?

- Tôi có quá cẩn trọng hay quá bất cẩn không?

- Quan hệ của tôi với đồng nghiệp có thoải mái không? Nếu không thì lỗi do tôi mấy phần?

- Tôi có phung phí năng lượng của mình do thiếu tập trung nỗ lực hay không?

- Tôi có sẵn sàng tiếp thu cái mới không?

- Tôi đã làm cách nào để phát triển khả năng làm việc của bản thân?

- Tôi có lạm dụng bất cứ thói quen nào không?

- Tôi có biểu lộ tính tự cao tự đại không?

- Những ý kiến và quyết định của tôi dựa trên sự suy đoán hay phân tích đúng đắn có suy nghĩ?

- Tôi có tiết kiệm thời gian, tiền bạc không? Thận trọng trong chi tiêu?

- Thái độ và cách cư xử của tôi với đồng nghiệp có làm cho họ tôn trọng tôi hay không?

- Tôi đã dành ra bao nhiêu thời gian cho những nỗ lực vô ích?

- Làm sao tôi có thể tái phân bổ lại thời gian và thay đổi những thói quen để làm việc hiệu quả hơn?

- Tôi có làm gì tội lỗi khiến lương tâm cắn rứt?

- Tôi đã làm việc nhiều hơn và tốt hơn so với những gì tôi được trả như thế nào?

- Tôi có đối xử bất công với ai không? Theo cách nào?

- Nếu tôi là người bỏ tiền ra để mua chính khả năng làm việc của mình, tôi có hài lòng với quyết định mua đó không?

- Tôi đã chọn đúng nghề chưa?

- Người đã bỏ tiền ra để có được năng lực làm việc của tôi có hài lòng với những gì tôi đã làm không? Nếu không thì tại sao?

- Hiện tôi có những phẩm chất gì trong những phẩm chất cơ bản dẫn đến thành công?

Thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc những kiến thức trong chương này giúp bạn quảng bá năng lực cá nhân và biết cách phân tích tốt hơn khi cần đánh giá người khác.

Chương 7. TÍNH QUYẾT ĐOÁN

Làm chủ sự do dự - Bước làm giàu thứ 7

Những người giàu ra quyết định rất nhanh chóng và thay đổi rất chậm. Những người thất bại trong việc làm giàu đều ra quyết định rất chậm nhưng lại thay đổi nhanh chóng và thường xuyên.

Phần đông những người không kiếm đủ tiền để trang trải cho cuộc sống là những người dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác. Ý kiến là món hàng rẻ tiền nhất trên trái đất này, mỗi người đều có một đống ý kiến và sẵn sàng tặng cho những ai muốn nghe. Nếu bạn để mình bị tác động bởi ý kiến của người khác trong việc ra quyết định, bạn sẽ không thể thành công trong bất cứ việc gì. Bạn có tâm hồn và khối óc của riêng mình, hãy sử dụng nó và tự ra quyết định. Trong trường hợp cần tham khảo thông tin từ người khác để ra quyết định, hãy âm thầm thu thập thông tin và đừng tiết lộ mục đích của mình.

Một đặc điểm của những người kiến thức nông cạn là luôn cố tỏ ra thông thái, thường nói quá nhiều và ít khi chịu lắng nghe. Nếu bạn nói nhiều hơn nghe, không những bỏ qua các cơ hội tích lũy thêm kiến thức bổ ích mà còn để lộ kế hoạch và mục đích của bạn cho người khác. Hãy học cách im lặng để lắng nghe và quan sát nhiều hơn.

Chương 8: LÒNG KIÊN TRÌ

Những nỗ lực liên tục cần thiết để tạo lập niềm tin - Bước làm giàu thứ 8

Thiếu kiên trì la một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại. Khắc phục tính thiếu kiên trì có dễ dàng hay không phụ thuộc vào độ mãnh liệt trong khát khao của mỗi người. Điểm khởi đầu của mọi thành quả đều là khát vọng. Những khát khao yếu ớt mang lại những kết quả yếu ớt.

Hãy kiên trì và cho dù có chậm thế nào đi nữa, bạn phải tiếp tục cố gắng.

Kiên trì là một trạng thái tinh thần, vì vậy có thể được trau dồi và rèn luyện. Lòng kiên trì dựa trên những động cơ rõ ràng như:

- Mục đích, kế hoạch rõ ràng.

- Khát vọng.

- Sự tự lực.

- Có hiểu biết đúng đắn.

- Sự hợp tác.

- Sức mạnh ý chí.

- Thói quen.

Các bước để xây dựng lòng kiên trì:

- Xác định rõ ràng mục đích kèm một khát khao cháy bỏng thực hiện được nó.

- Có kế hoạch rõ ràng, hành động liên tục.

- Một tâm trí miễn dịch với những ảnh hưởng tiêu cực và gây nản lòng, bình phẩm thiếu tích cực.

- Kết giao thân thiện với người cùng chí hướng.

Chương 9. SỨC MẠNH CỦA NHÓM TRÍ TUỆ ƯU TÚ

Sức mạnh dẫn dắt - Bước làm giàu thứ 9

Trí tuệ ưu tú có thể được định nghĩa là "sự phối hợp giữa kiến thức và nỗ lực trên tinh thần hòa hợp giữa 2 hay nhiều người nhằm đạt được một mục đích xác định". Nói nôm na mình hiểu đây là một dạng liên minh hợp tác giữa những cá nhân ưu tú sẵn lòng cống hiến để đạt được mục đích chung.

Trí tuệ con người cũng là một dạng năng lượng. Khi trí tuệ của hai người phối kết với nhau trên tinh thần hòa hợp, năng lượng của trí tuệ này dường như "kích thích" năng lượng trí tuệ kia.

Tìm kiếm thành viên cho nhóm Trí tuệ ưu tú của bạn

- Lựa chọn cộng tác với những người chia sẻ những giá trị, mục tiêu và mối quan tâm chung với bạn, có một khát vọng mãnh liệt muốn cống hiến và đóng góp vào nỗ lực chung.

- Chọn người có khả năng làm việc. Đừng chọn người vào nhóm chỉ vì bạn biết họ và thích họ.

- Người có tinh thần hợp tác, tâm đầu ý hợp, không có sự nghi ngại.

- Hãy công bằng và rộng lượng khi phân chia lợi nhuận.

- Sự công nhận và cho người khác cơ hội thể hiện mình cũng quan trọng không kém tiền bạc.

- Thường xuyên gặp gỡ và duy trì nhóm.

"Hãy nhạy cảm với những gì không được nói ra."

Khi hai hay nhiều người cùng hợp tác trên tinh thần hòa hợp và cùng làm việc vì một mục đích xác định, có thể hấp thu được sức mạnh trực tiếp từ miền Trí tuệ vô biên, đây là nguồn sức mạnh vĩ đại nhất. 

*Khái niệm về Trí tuệ vô biên bạn sẽ được hiểu rõ hơn ở những chương tiếp theo.

Tiền bạc rất "nhút nhát" và khó "chinh phục", bạn cần phải theo đuổi và sử dụng nhiều phương pháp để chinh phục nó, như chinh phục người mà bạn yêu vậy. Sự nghèo khổ thì không cần kế hoạch nào cả, nghèo khổ luôn có thể "táo tợn" tự đến với bạn. Giàu có thì ngược lại, muốn có được nó bạn cần phải mất công chinh phục.

Cuốn sách chỉ có thể giúp bạn nếu bạn biết ứng dụng và thực hiện những nguyên tắc được trình bày trong đó. Chỉ đọc và nhận xét thoáng qua sẽ không mang đến lợi ích gì cho bạn.

Chương 10. TÌNH DỤC

Sức thu hút và tính sáng tạo - Bước làm giàu thứ 10

Sức thu hút

Trí não con người phản ứng lại những tác nhân kích thích. Những yếu tố kích thích mà tâm trí con người phản ứng lại một cách tự nhiên nhất là:

1/ Ham muốn tình dục

2/ Tình yêu

3/ Khát khao cháy bỏng danh vọng, quyền lực và sự giàu có

4/ Âm nhạc

5/ Tình bạn thân thiết và/hoặc sự ngưỡng mộ của người khác đối với mình.

6/ Một liên minh Trí tuệ ưu tú

7/ Đồng cam cộng khổ

8/ Tự kỷ ám thị

9/ Nỗi sợ hãi

10/ Ma túy & rượu

Ham muốn tình dục đứng đầu danh sách những yếu tố kích thích tâm trí và làm quay "bánh xe" hành động. Khi có động cơ là sự ham muốn, con người sẽ chứng tỏ lòng can đảm, sức mạnh ý chí, tính kiên trì, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo mà bình thường họ không có.

Khát khao tình dục là bẩm sinh và tự nhiên trong mỗi con người, không thể và không nên bị đè nén hay loại bỏ, nó nên được giải tỏa bằng những lối thoát có lợi cho thể xác, tâm hồn và trí tuệ. Các khai thác và định hướng đúng là dùng xung lực này như một lực đẩy sáng tạo trong văn chương, nghệ thuật và các sự nghiệp khác, kể cả sự nghiệp làm giàu. Chà, ở đây mình nghĩ dùng từ "thăng hoa" là phù hợp.

Theo một kinh nghiệm tuyển nhân viên bán hàng cho rằng những người thiếu loại năng lượng tình dục này sẽ không bao giờ có sự nhiệt tình hoặc không thể kích động người khác bằng lòng nhiệt tình của mình. 

Phân tích thông tin rút từ các tiểu sử vĩ nhân và ghi chép lịch sử cho phép đi đến kết luận sau:

1/ Những người thành đạt vĩ đại nhất là những người có bản năng tình dục phát triển cao, song họ đã học được nghệ thuật chuyển hóa năng lượng tình dục này.

2/ Những người tích lũy được gia tài lớn và tên tuổi được thừa nhận trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, công nghiệp, kiến trúc và nhiều chuyên ngành khác, đều được truyền cảm hứng từ người tình của họ. 

Khi được những cảm xúc đó dẫn dắt, con người sẽ nhận được một sức mạnh siêu việt để hành động. Sự chuyển hóa năng lượng tình dục chứa đựng bí quyết sáng tạo. 

Trí tưởng tượng sáng tạo

Tất cả những cái được gọi là sự mặc khải, những khám phá mới, phát minh,... dều diễn ra thông qua năng lực của trí tưởng tượng sáng tạo.

Khi một ý nghĩ hay ý tưởng chợt lướt qua tâm trí bạn, nó chỉ có thể đến từ một/nhiều nguồn gốc sau:

1/ Từ tâm trí của một người khác - người vừa đưa ra ý kiến, ý tưởng đó

2/ Từ tiềm thức của bạn, nơi chứa đựng mọi ý nghĩ và cảm giác mà não bộ của bạn đã tiếp nhận thông qua 5 giác quan.

3/ Từ tiềm thức của một người khác

4/ Từ Trí tuệ vô biên

Khi hoạt động của trí óc bị kích thích bởi một/nhiều tác nhân kích thích (đã nêu trên) ⇒ nâng một cá nhân lên khỏi đường biên tư duy thông thường để có thể vượt ra khỏi những phạm vi giới hạn tầm nhìn, khả năng sáng tạo được tự do vận hành. Trí óc mở ra đón nhận những ý tưởng mà bình thường thì không thể đến được ⇒ giao hòa với trí tuệ vô biên, thâm nhập vào tiềm thức của chính mình thậm chí có thể vào tiềm thức của cả người khác.

Các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ lớn trở nên vĩ đại vì đã tập được thói quen lắng nghe những tiếng nói thì thầm phát ra từ bên trong họ, thông qua khả năng tưởng tượng sáng tạo ("linh cảm")

Tầm quan trọng của tình yêu

Tình yêu, sự lãng mạn và tình dục đều là những xúc cảm có thể dẫn dắt con người đến những thành quả phi thường. Khi được kết hợp lại với nhau, ba xúc cảm này có thể biến một người bình thường thành thiên tài.

Những ai không thể được kích thích bởi tình yêu để đạt được những thành quả to lớn, là người tuyệt vọng - họ đã chết, dù họ có vẻ vẫn đang sống.

Nếu bạn tự cho mình là người kém may mắn vì bạn đã từng yêu và thất bại, thì bạn sai rồi. Người đã yêu thật sự không bao giờ thất bại hoàn toàn. Hãy chấp nhận và tận hưởng khi có tình yêu nhưng đừng phí thời gian lo lắng về sự ra đi của nó nữa. 

Cũng phải gạt bỏ ý nghĩ rằng tình yêu chỉ đến một lần duy nhất trong đời. Tình yêu có thể đến rồi đi, không biết bao nhiêu lần, nhưng không có cuộc tình nào tác động đến bạn giống cuộc tình nào.

Ngay cả những kỷ niệm về tình yêu cũng có thể nâng bạn lên và kích thích trí tuệ của bạn.

Tình yêu là một tình cảm có tác dụng như van an toàn, mang lại cân bằng, lý trí và tinh thần xây dựng. Tình yêu là kinh nghiệm vĩ đại nhất trong cuộc sống, nó giúp bạn liên thông được với trí tuệ vô biên. Khi tình yêu dẫn dắt cảm xúc, nó sẽ đưa bạn đến với các nỗ lực sáng tạo.

Chương 11. TIỀM THỨC

Mối liên kết tư duy và hành động - Bước làm giàu thứ 11

Bạn có thể cấy vào trong tiềm thức của mình bất cứ kế hoạch, ý tưởng hay mục đích nào mà bạn khát khao muốn biến thành các giá trị vật chất/tiền bạc tương đương.

Tiềm thức của bạn hoạt động bất kể bạn cố gắng tác động đến nó hay không. Tiềm thức không ngừng làm việc. Nếu bạn không đặt những khát khao vào tiềm thức của mình thì tiềm thức sẽ được nuôi dưỡng bằng bất cứ ý nghĩ nào nó nhận được, đó là kết quả của sự xao lãng trong bạn.

Hàng ngày, các xung lực của ý nghĩ va chạm với tiềm thức của bạn mà bạn không hay biết. Một số ý nghĩ là tiêu cực, số khác là tích cực. Bạn cần cố gắng "Khóa" những ý nghĩ tiêu cực lại, hành động một cách tích cực để tác động vào tiềm thức của mình thông qua các khao khát mang tính tích cực.

Bạn đang tìm hiểu một quyền sách nhằm mục đích giúp bạn phát triển được "ý thức làm giàu" bằng cách lấp đầy tâm trí bạn những xúc cảm tích cực.

Chương 12. NÃO BỘ

Trạm thu phát sóng tư tưởng - Bước làm giàu thứ 12

Tác giả cho rằng bộ não con người vừa là trạm thu, vừa là trạm phát "sóng tư tưởng". Bộ não có khả năng đón nhận những nhịp xung động trong tư tưởng phát ra từ bộ não người khác (linh cảm, ý tưởng đột sáng trong trực giác). Tiềm thức là trạm phát tín hiệu của não bộ. Nhờ tiềm thức mà những nhịp xung động trong tư tưởng được truyền đi. Trí tưởng tượng sáng tạo là "đầu nhận tín hiệu", nơi tập hợp sức mạnh của ý nghĩ, của tư tưởng.

Kiến thức được thu nhận khi tâm trí chịu ảnh hưởng của những kích thích mạnh.

Để kết nối và kích thích trí tuệ trong một nhóm ⇒ thảo luận về những chủ đề rõ ràng giữa một nhóm 3 người. Càng tiếp tục làm việc nhiều cùng nhau, mỗi thành viên càng học được cách thấy trước được những ý tưởng của người khác và liên kết ngay lập tức với sự nhiệt tình và khát vọng mãnh liệt của họ.

Chương 13. GIÁC QUAN THỨ 6

Cánh cửa dẫn vào ngôi đền của sự khôn ngoan - Bước làm giàu thứ 13

Nhờ giác quan thứ 6 mà Trí tuệ Vô biên có thể giao tiếp một cách tự nguyện mà không cần một nỗ lực hay yêu cầu nào từ chủ thể - con người. Đây là nguyên tắc đỉnh điểm của toàn bộ triết lý làm giàu. Tuy nhiên nó chỉ có thể được tiếp nhận, thấu hiểu và ứng dụng khi bạn làm chủ trọn vẹn 12 nguyên tắc đầu tiên. 

Giác quan thứ 6 là một phần của tiềm thức, cũng được xem là bộ thu tín hiệu chuyên ghi nhận và truyền những ý kiến, kế hoạch, tư tưởng vào bộ não con người (linh cảm/cảm hứng).

Sau khi nắm vững tất cả các nguyên tắc được mô tả trong quyển sách này, bạn sẽ sẵn lòng chấp nhận một chân lý có thể không tưởng: Nhờ sự hỗ trợ của giác quan thứ 6, bạn sẽ được cảnh báo về những hiểm họa đang treo lơ lửng trên đầu để phòng tránh, được thông báo đúng lúc những cơ hội để cho bạn nắm bắt.

Nếu bạn chưa làm chủ được các nguyên tắc đó, bạn phải đọc lại trước khi bạn có thể khẳng định rõ ràng rằng những tuyên bố trong quyển sách này là đúng hay sai.

Hãy thực hành thường xuyên. Cuối cùng, thế nào bạn cũng sẽ thấy mình đang sở hữu một sức mạnh cho phép bạn quẳng đi sự nản lòng và làm chủ được nỗi sợ hãi, vượt qua sự chần chừ do dự và mặc sức tưởng tượng về tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét