Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

[Review sách] YÊU - Osho

Osho (1931 - 1990) là một nhà triết học, bậc thầy tâm linh người Ấn Độ.

Osho thường tự nhận mình là người chống lại tất cả các tôn giáo. Những bài thuyết giảng của ông hướng đến việc thúc đẩy tình yêu, sự thức tỉnh, thiền định, sáng tạo, hài hước và tự do tình dục. Ông chủ trương xóa bỏ hết những truyền thống cứng nhắc, những áp đặt tư tưởng của nhiều tôn giáo khác nhau.

Hầu hết sách của Osho được các môn đệ tổng hợp từ các bài diễn thuyết của ông.

Và hôm nay tôi sẽ đem đến cho bạn một trong những cuốn sách đó - YÊU.

Review 

Trước và trong khi đọc cuốn sách này, tôi đã đọc một số nhận xét trên mạng xã hội và tôi thấy tất cả đều khen cuốn sách, khen tác giả Osho. Nhưng đến khi chính bản thân tôi đọc thì lại không thấy hay đến mức đấy và thậm chí còn thấy khó hiểu ở một số đoạn

Sau rất nhiều nỗ lực để hoàn tất việc đọc cuốn sách này, về tổng thể thì tôi thấy cuốn sách "Yêu" cũng hay, có nhiều tư tưởng và quan điểm có giá trị, độc đáo, tôi chưa bao giờ thấy ở những tác giả khác. Những nội dung trong cuốn sách "Yêu" buộc tôi phải nghiêm túc suy ngẫm thêm về tình yêu và bản chất của tình yêu. Tôi đồng tình với đa số quan điểm và tư tưởng của Osho về tình yêu trong cuốn sách này, nhưng bên cạnh đó tôi cũng không đồng tình với một số quan điểm của ông. Cụ thể những điểm nào tôi đồng tình và không đồng tình thì tôi sẽ chia sẻ trong phần tiếp theo - tóm tắt sách "Yêu" của Osho.

一一一一一

Tóm tắt

Phần I: Hành trình từ "Tôi" đến "Chúng ta"


Chương 1: Thoát khỏi vỏ bọc của cái tôi

Khi mới sinh, đứa trẻ yếu đuối, phải dựa vào người khác nhưng nó lại nghĩ nó là trung tâm của vũ trụ. Bởi vì bất cứ khi nào nó khóc, mẹ sẽ chạy ngay đến, bất cứ khi nào tè ra quần, chỉ cần khóc là ai đó sẽ đến thay tã. Cộng với việc đứa trẻ thấy mình được tất cả mọi người yêu thương, nó cảm thấy mình như là cái rốn của vũ trụ. Từ những điều ấy, cái tôi được tạo ra. 

Đứa trẻ cần cái tôi để cảm thấy rằng nó được chấp nhận, yêu thương, chào đón. Gia đình và sự ấm áp quanh đứa trẻ sẽ giúp nó phát triển mạnh mẽ và vững vàng. 

Nhưng cái tôi sẽ không cho phép bạn yêu thương. Cái tôi muốn mọi người đều phải dâng nộp cho bạn, nó sẽ không cho phép bạn dâng nộp cho bất cứ ai. Mà tình yêu chỉ xảy ra khi bạn dâng nộp.

Tóm lại chương 1: Khi chúng ta còn bé, cái tôi là cần thiết và hữu ích, nó giúp bảo vệ đứa trẻ, giống như lớp vỏ bọc hạt giống. Nhưng khi lớn lên, lớp vỏ đó phải tan biến tự nhiên để hạt giống có thể nảy mầm và bắt đầu sự sống mới. Nghĩa là chúng ta phải từ bỏ cái tôi để có thể yêu thương thật sự.

Chương 2: Sống và yêu - các giai đoạn tự nhiên

Theo Osho, cuộc sống có các chu kỳ bảy năm. 

Bảy năm đầu tiên là giai đoạn quan trọng nhất bởi vì nền móng của cuộc đời đang được xây dựng. Ở giai đoạn này, cách bày tỏ tình yêu đầu tiên đối với đứa trẻ là để nó được hoàn toàn vô tư, tự do, không bị gò bó. Hãy bảo vệ đứa trẻ khỏi những người có thể gây ảnh hưởng lên nó, để nó có thể được là chính nó. Nếu được như vậy, sau bảy năm đó, đứa trẻ sẽ có nền tảng vững vàng, có trọng tâm và đủ mạnh mẽ. 

Chu kỳ bảy năm tiếp theo (7 - 14 tuổi) đứa trẻ bắt đầu trải nghiệm những rung động đầu tiên của năng lượng giới tính. Chúng cần được vui chơi thỏa thích, gặp gỡ, hòa nhập, chơi đùa và làm quen với nhau. Những bé trai và bé gái sẽ cùng nhau phát triển một cách tự nhiên. Bạn đừng dựng lên những rào cản, phải để đứa trẻ được hoàn toàn tự do khám phá năng lượng tình dục đang phát triển của mình mà không bị cấm cản, buộc tội. 

Chu kỳ từ 14 đến 21 tuổi, giới tính phát triển hoàn thiện. Lúc này bạn bắt đầu đem lòng yêu ai đó. Đây là những năm tháng yêu đương lãng mạn.

Từ tuổi 21 đến 28 là thời gian ổn định. Bạn có thể lựa chọn bạn tình bằng trải nghiệm của hai chu kỳ phát triển trước. 

Giai đoạn vui vẻ nhất của cuộc đời là từ độ tuổi 28 đến 35 - giai đoạn hân hoan nhất, yên bình và hòa hợp nhất, bởi vì hai người bắt đầu tan chảy vào nhau. 

*Osho còn liệt kê vài giai đoạn 7 năm nữa cho đến năm con người 70 tuổi. Nhưng cá nhân tôi thấy phần này cũng không quá dễ hiểu và không quá thiết thực, nên sẽ lược đi để bài viết được ngắn hơn.

Chương 3: Ngọn nến tỉnh thức

Ở chương này, tác giả chỉ có một lời khuyên đơn giản cho mọi người: 

"Hãy tỉnh táo hơn về hành động, các mối quan hệ và các cử động của bạn". 

Bất kể làm gì, dù là hành động bình thường như đi bộ, hãy cố giữ tỉnh táo. Khi bạn tỉnh táo cao độ, ngay cả những điều nhỏ nhặt cũng trở thành thiêng liêng. Chẳng hạn đối với việc lau nhà. Nếu bạn tỉnh thức, không chỉ có sàn nhà mà cả bạn cũng cảm nhận được sự sạch sẽ tận sâu trong lòng.

Phần II: Tình yêu là cơn gió mát lành


Chương 4: Những ý nghĩ vô nghĩa trong đầu bạn

Tình yêu đến với bạn từ lúc chào đời, nhưng nó vẫn chưa phát triển. Xã hội cứ mãi áp đặt lên tâm trí đứa trẻ những ý nghĩ về tình yêu không thật. Chẳng hạn như "tình yêu là vĩnh cửu", nhưng trong cuộc sống, không có gì là mãi mãi. Bạn kỳ vọng về một tình yêu lâu bền, nhưng tình yêu thật sự cũng bất định như cuộc sống. Một tình yêu thật sự cũng sẽ thay đổi.

Nếu bạn hiểu rằng tình yêu sẽ thay đổi, rằng một lúc nào đó người yêu của bạn có thể sẽ quan tâm đến người khác, và bạn sẽ phải hiểu biết, phải yêu thương, quan tâm và cho phép cô ấy đi theo cảm nhận của mình. Bạn yêu cô ấy, ngay cả khi cô ấy yêu người khác.

Tình yêu của bạn có khả năng sẽ trở thành mối quan hệ trọn đời, nhưng hãy nhớ rằng nó không bất biến. Tình yêu đó sẽ có những thăng trầm, có những thay đổi. 

Để sống một cuộc sống nhẹ nhàng hơn, tươi vui hơn, bạn cần phải linh hoạt. Bạn phải nhớ rằng tự do là giá trị cao nhất và nếu tình yêu không mang đến cho bạn tự do, đó không phải là tình yêu. Tự do là một tiêu chí - bất cứ điều gì cho bạn tự do đều đúng và bất cứ điều gì phá hủy sự tự do của bạn đều sai.

Tình yêu phải thuần khiết, trong sáng. Bạn yêu ai đó, bạn bày tỏ tình yêu của mình và nói với đối phương: "Em không cần phải nói 'Có'. Câu trả lời 'Không' của em được tôn trọng tuyệt đối. Đây chỉ là tình cảm từ phía anh. Em không cần miễn cưỡng đồng ý".

Văn hóa, xã hội đã giết chết năng lực yêu của một số người. Bởi vì ở nhiều nơi, xã hội không được vận hành bằng tình yêu, mà bằng sự xảo quyệt. Để thành công trong xã hội này, bạn không cần tình yêu, bạn cần một trái tim cứng rắn và một cái đầu sắc sảo. Thậm chí bạn không cần cả trái tim.

Nếu bạn làm một việc và nói: "Tôi làm bởi vì tôi cảm thấy thích làm", mọi người sẽ cười lớn: "Cảm thấy ư? Cậu mất trí rồi sao? Hãy cho biết lý do vì sao cậu làm điều đó. Cảm thấy không phải là lý do". 

Ngay cả khi phải lòng ai đó, bạn vẫn phải tìm ra lý do vì sao bạn phải lòng, điều này thật là ngốc nghếch.

Đóa hoa tình yêu chỉ có thể bung nở khi không có cái tôi, khi không có nỗ lực giành quyền kiểm soát, khi bạn khiêm nhường.

Chương 5: Những hiểu lầm về tình yêu

Hiểu lầm 1: "Yêu là đau khổ"

Tình yêu không bao giờ khiến ai phải nếm chịu đau khổ cả. Nếu bạn cảm thấy bị tổn thương bởi tình yêu, nghĩa là có điều gì khác bên trong bạn đang cảm thấy bị tổn thương. Thứ mà bạn gọi là tình yêu có thể ẩn giấu nhiều điều không phải tình yêu.

Từ "tình yêu" mà mọi người vẫn sử dụng không phải là tình yêu mà là lòng ham muốn. 

"Ham muốn" là sử dụng người khác để thỏa mãn dục vọng của bản thân. "Tình yêu" thì tôn trọng người khác vì lợi ích của chính người đó, sẽ không cảm giác tổn thương; tình yêu đó sẽ càng khiến bạn trở nên giàu có. 

Tình yêu dưới dạng thuần khiết nhất chính là sự chia sẻ niềm vui. Nó không đòi hỏi đền đáp, không kỳ vọng điều gì cả. Khi không có kỳ vọng, bạn sẽ không có cơ hội bị tổn thương. 

Tình yêu là một hiện tượng tinh thần; còn lòng ham muốn thì thuộc về thể xác. Cái tôi thuộc về tâm lý, còn tình yêu thì thuộc về tinh thần.

Nỗi sợ không bao giờ là tình yêu, và trong tình yêu không bao giờ có sự sợ hãi. Yêu là hướng ra bên ngoài, can đảm tìm đến người khác, với niềm tin vô bờ rằng mình sẽ được đón nhận. Hãy sợ cái tôi, lòng ham muốn, lòng tham, tính chiếm hữu của bạn, đừng bao giờ sợ tình yêu.

Hiểu lầm 2: "Để đạt đến một tình yêu viên mãn hơn, hành trình học hỏi và phát triển đó thường rất đau đớn. Sự đau đớn là điều tất yếu trong quá trình trưởng thành".

Trưởng thành chỉ đau đớn khi bạn đã né tránh ngàn lẻ một nỗi đau trong suốt cuộc đời mình. 

Nỗi đau và niềm vui là hai phần vốn có của cuộc sống. Nhưng con người quá lo sợ nỗi đau đến mức kìm nén nó, né tránh mọi tình huống gây ra nỗi đau. Thực tế, nếu bạn muốn né tránh nỗi đau, bạn cũng phải né tránh cả niềm vui. 

Để thoát khỏi nỗi đau, bạn phải chấp nhận nỗi đau, không né tránh. Nỗi đau đơn giản là nỗi đau. Nguyên nhân khiến con người đau khổ và phải chịu đựng là vì họ từ chối chấp nhận nỗi đau, cho rằng cuộc sống không nên đau đớn. Đó chính là cự tuyệt sự thật, phủ nhận cuộc sống và bản chất tự nhiên của mọi vật. 

Nỗi đau chỉ là nỗi đau, không có sự chịu đựng nào trong đó. Sự chịu đựng đến từ ước muốn rằng nỗi đau đó không tồn tại, rằng có gì đó không đúng trong nỗi đau.

Sự trưởng thành sẽ đau đớn do những ước định của bạn. Bạn đã được dạy bảo là phải luôn luôn không đổi, phải neo bám vào những thứ quen thuộc và những thứ đã biết. Đó là lý do vì sao mỗi khi thứ gì đã biết vụt khỏi tay bạn, bạn đều khóc. Một món đồ chơi bị vỡ, một chiếc ti giả bị lấy mất.

Sự trưởng thành vẫn sẽ đau đớn nếu bạn không chấp nhận cuộc sống và tình yêu với tất cả những thăng trầm của nó.

Chương 6: Lực hút và lực đẩy

Đàn ông và đàn bà là hai nửa của nhau, nhưng mặt khác lại là hai cực đối lập nhau. Hai cực đối lập đó hấp dẫn họ đến với nhau. Khoảng cách càng xa, họ càng khác biệt thì sức hấp dẫn càng lớn. 

Nhưng khi họ đến gần nhau, muốn hòa vào nhau, chính sự đối lập từng tạo nên sức hút đó sẽ biến thành xung đột.

Đàn ông và đàn bà là hai nửa của một tổng thể toàn vẹn. Thay vì lãng phí thời gian tranh cãi, hãy nhận thức được thực tế rằng nó là cuộc gặp gỡ của hai cực đối lập, hãy tìm cách để hiểu nhau. Cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương, nỗ lực nhìn nhận mọi việc theo cách nhìn của đối phương. 

Nếu muốn có một mối quan hệ hòa hợp với người tình, bạn sẽ phải học cách thiền. Nếu không có thiền, bạn sẽ không có được tình yêu. Tình yêu của bạn sẽ càng sâu sắc hơn khi bạn thiền sâu hơn và ngược lại. Nhưng hầu hết các cặp đôi đều không kết nối trong thiền. Họ không bao giờ ngồi im lặng cùng nhau trong một giờ để cảm nhận tâm thức của nhau. Họ chỉ liên quan về mặt cơ thể, phần thể xác. Họ không kết nối về mặt nội tâm. 

Thiền mang đến cho bạn sự tĩnh lặng, tỉnh thức, kiên nhẫn, khả năng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Từ "medicine" (thuốc) có cùng nguồn gốc với từ "meditation" (thiền). Thuốc chữa lành cơ thể, thiền chữa lành tâm hồn.

Chương 7: Thoát khỏi đám đông ồn ào

Bạn cảm thấy cô đơn khi một mình nên bạn tìm kiếm ai đó để gắn kết. Khi gắn kết rồi, bạn lại thấy đau khổ, cảm thấy thà một mình còn tốt hơn. Vì sao vậy???

Bởi vì khi hai kẻ cô đơn gặp nhau nghĩa là sự đau khổ bị nhân lên. Làm sao hai cái xấu có thể trở thành cái đẹp? Làm sao hai sự đơn chiếc đến bên nhau có thể mang lại cảm giác toàn vẹn? Cô đơn là nỗi buồn, là cảm giác không trọn vẹn. Bạn cảm thấy cô đơn nên muốn neo bám vào điều gì đó, vào ai đó, chỉ để tạo nên ảo giác rằng bạn không cô đơn.

Tình yêu thật sự không tìm cách đánh bại sự cô đơn. Tình yêu thật sự sẽ biến sự cô đơn thành cô độc. Cô độc là cảm giác rằng bạn đã hoàn thiện. Bạn không cần ai khác, chỉ bạn là đủ. Hãy nỗ lực tìm thấy nội tâm của bạn, nơi bạn luôn cô độc. Trong cuộc sống, và cả cái chết, cho dù đi đâu, bạn cũng sẽ cô độc, sẽ đi một mình. Nhưng nó không trống rỗng. Bạn cần phải nhận biết về sự cô đơn của bản thân. Bạn tự do khi bạn không còn sợ cô đơn.

Có khả năng ở trong trạng thái cô độc nghĩa là có khả năng yêu thương. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó lại là sự thật. Chỉ những người có khả năng ở trong cô độc mới có năng lực yêu, năng lực chia sẻ, đi đến tận cùng nội tâm của người khác mà không sở hữu người khác, không phụ thuộc vào người khác. Họ cho phép người khác được tự do tuyệt đối, bởi vì họ biết rằng nếu người đó bỏ đi, họ vẫn sẽ hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của họ không thể bị tước đoạt bởi vì nó chưa từng được vay mượn từ bất cứ ai.

Một người thật sự yêu bạn sẽ không bao giờ phá hủy sự cô độc của bạn. Người đó sẽ luôn tôn trọng tính cá nhân và sự cô độc của bạn. 

Nhưng thường thì những người yêu nhau lại rất lo ngại sự độc lập của đối phương. Họ nghĩ rằng nếu độc lập, người kia sẽ không cần họ, sẽ vứt bỏ họ. Do đó họ tìm cách kiểm soát nhau. Đó không phải tình yêu.

Tình yêu cho bạn tự do. Những thứ hủy hoại sự tự do thì không phải là tình yêu. Bất cứ khi nào bạn nhận thấy rằng tình yêu của bạn đang đi ngược lại với sự tự do của bạn, nghĩa là bạn chỉ đang làm điều gì đó nhân danh tình yêu.

Hãy yêu một người nhưng cho phép người đó hoàn toàn tự do. Hãy yêu một người nhưng ngay từ đầu nói rõ rằng bạn không bán sự tự do của mình. 

Chương 8: Bạn tâm giao hay bạn tù?

Chúng ta bị gieo vào đầu ý nghĩ rằng: khi có tình yêu, mọi thứ sẽ hòa hợp, ăn khớp với nhau, sẽ không có xung đột, những người yêu nhau được sinh ra để dành cho nhau.

Không ai được sinh ra để dành cho người khác. Mọi người đều khác nhau.

Chừng nào bạn chưa có một trái tim đủ lớn để chứa ai đó khác với mình, ai đó có những ý nghĩ khác với mình, thì bạn không nên vướng vào những rắc rối không cần thiết. 

Bạn cần chấp nhận thực tế rằng: Cả hai chỉ đơn giản là hai cá thể quyết định ở cùng nhau bất kể những khác biệt. Khác biệt sẽ làm tăng hương vị cho tình yêu của bạn. Nếu một người giống bạn, bạn sẽ không thấy hấp dẫn. Người đó phải khác biệt, xa cách, bí ẩn để bạn muốn khám phá. 

Hai người yêu nhau không nhất thiết phải đồng quan điểm về mọi việc. Tranh cãi nảy sinh bởi vì bạn muốn hai người phải đồng quan điểm. Tình yêu có khả năng đón nhận cả những bất đồng, tranh cãi. Tình yêu phải là một mối quan hệ thân thiện, trong đó không ai hơn ai, không ai quyết định mọi việc, cả hai hoàn toàn nhận thức được rằng họ khác biệt, nhưng họ vẫn yêu nhau. 

Hãy từ bỏ ý nghĩ rằng mọi thứ phải vừa với nhau, phải hòa hợp trọn vẹn. Nếu mọi thứ vừa với nhau, bạn sẽ thấy chán nhau. Nếu mọi thứ không hòa hợp, vẫn ổn. Nếu có khoảng cách, bạn vẫn luôn có điều gì đó khám phá, điều gì đó để vượt qua. Cả cuộc đời có thể là một hành trình khám phá lẫn nhau nếu chúng ta chấp nhận những điểm khác biệt.

Chương 9: Yêu và nghệ thuật vô hành

"Vô hành" nghĩa là "không làm gì". Osho gọi đó là thiền. Về cơ bản, thiền có nghĩa là bắt đầu không-làm-gì, thư giãn, trôi theo dòng, như một đám mây bay theo gió.

Trong cuộc sống, bạn luôn nỗ lực làm mọi thứ. Hãy để lại vài thứ cho vô hành, bởi vì đó mới là những thứ duy nhất có giá trị. Hãy từ bỏ cái tôi, để mọi thứ tự xảy ra. Buông bỏ.

Vợ chồng nói với nhau: "Anh phải yêu em, bởi vì em là vợ anh". Tình yêu là thứ không thể đòi hỏi. Nếu nó đến với bạn, hãy cảm thấy biết ơn, nếu nó không đến, hãy chờ đợi. Thậm chí khi chờ đợi, bạn cũng không nên than vãn, bởi vì bạn không có quyền. Tình yêu không thuộc quyền của ai hết. 

Chúng ta đã tạo ra một xã hội nơi người ta chỉ tin vào "những gì đang làm", trong khi phần tinh thần lại bị bỏ đói. Trên thực tế, những khoảnh khắc thật sự của tình yêu luôn diễn ra trong im lặng. Khi bạn thật sự cảm nhận tình yêu, chính cảm nhận đó sẽ tạo ra quanh bạn một thứ thần thái có khả năng diễn đạt tất cả những gì bạn không thể nói ra, những gì không bao giờ được nói. 

Mỗi ngày bạn hãy cho phép mình có vài khoảnh khắc không làm gì cả. 

Bản chất của buồn chán và bất an.

Chỉ có con người mới cảm thấy chán, bởi vì chỉ có con người mới có tâm thức. Càng nhạy cảm, càng tỉnh táo, nhận thức, bạn càng cảm thấy chán. Vì cảm thấy chán nên con người mới tìm cách thay đổi. Họ dọn đến nơi ở mới, mua chiếc xe mới, ly hôn người chồng cũ, tìm kiếm người yêu mới. Nhưng cái mới đó sớm muộn gì cũng sẽ trở thành cũ và được lặp lại. Việc thay đổi nơi ở, người yêu hay xe cộ sẽ không thay đổi được điều gì cả. Vậy chúng ta phải làm gì đây?

Hãy nhận biết hơn. Đó không phải là việc thay đổi hoàn cảnh của bạn. Việc thay đổi những thứ bên ngoài sẽ không giúp ích được gì. Hãy biến đổi bản thể của bạn, trở nên nhận biết hơn. Khi trở nên nhận biết hơn, bạn có thể nhận thấy rằng mỗi khoảnh khắc đều mới mẻ, bạn nhìn thấy điều gì đó mới mẻ trong mỗi lần lặp lại.

Nếu bạn trở nên tỉnh thức hơn, cuộc sống cũng sẽ trở nên sống động, đáng yêu hơn. Đừng kỳ vọng một cách hành xử cố định từ vợ/chồng bạn trong khi vẫn mong muốn người vợ/chồng đó phải mới mẻ.

Chương 10: Nhảy khỏi vòng quay ngựa gỗ

Nếu một ngày bạn muốn chia tay, hãy chia tay một cách đầy yêu thương, với lòng biết ơn về những khoảnh khắc tuyệt đẹp mà cả hai đã trao cho nhau.

Lần chia tay đó cũng phải đẹp như khi gặp gỡ, bởi vì bạn đã sống cùng nhau và đã từng yêu nhau. Cho dù lúc này bạn cảm thấy khó có thể ở cùng đối phương, nhưng đã có thời điểm bạn muốn ở bên người ấy trọn đời. Do đó, hãy chia tay trong hòa bình, không cãi vã. Các bạn là hai người xa lạ gặp nhau, và một lần nữa, lại trở thành hai người xa lạ, nhưng giữa hai người đã xuất hiện một kho báu quý giá. Bạn phải cảm thấy biết ơn lẫn nhau khi chia tay. 

Có những việc đến và đi mà ta không thể kiểm soát được. Khi bạn đem lòng yêu ai đó, không phải do bạn làm - bạn không quyết định điều đó. Bỗng nhiên nó xảy ra, bạn không biết được lý do vì sao nó xảy ra. Và khi sự gắn bó với nhau không còn nữa, bạn không thể ép nó quay trở lại.

Phần III: Từ mối quan hệ đến sự kết nối - Yêu là một trạng thái hiện hữu


Chương 11: Yêu là một động từ

Yêu là khẳng định sự tồn tại, nỗi sợ là do thiếu vắng tình yêu.

Tình yêu được sinh ra cùng với bạn, nó là phẩm chất vốn có của bạn. Bạn phải để cho tình yêu được tuôn tràn. Nhưng thực tế, chúng ta thường cản trở tình yêu, không cho nó xảy ra, chúng ta quá keo kiệt trong tình yêu. Bởi vì chúng ta được dạy về kinh tế. 

Kinh tế học nói rằng: nếu có thật nhiều tiền và cứ mãi đem cho mọi người, bạn sẽ sớm trở thành kẻ ăn mày. Do đó đối với tình yêu bạn cũng sợ như vậy, bạn sợ rằng nếu bạn cho đi quá nhiều tình yêu thì bạn sẽ không còn gì. 

Nhưng tình yêu được vận hành hoàn toàn khác: bạn càng cho đi nhiều, bạn càng có nhiều; cho đi ít, bạn sẽ có ít. Nếu không cho đi gì cả, bạn sẽ đánh mất hết mọi phẩm chất tự nhiên của mình. Bạn chỉ nhận được khi cho đi. 

Chương 12: Lời khuyên cho các đôi đang yêu

#1: Hãy nói rõ mọi thứ với nhau

Các đôi đang yêu thường không rõ ràng với nhau, chỉ hy vọng người kia sẽ đọc được suy nghĩ của mình và tự hiểu. Nhưng nếu không có sự giao tiếp, vấn đề không thể nào được trình bày rõ ràng. Lời khuyên đầu tiên: Hãy nói rõ mọi thứ với nhau.

#2: Chấp nhận sự lạc nhịp

Khi yêu nhau, có thể bạn sẽ luôn cảm thấy có gì đó lạc nhịp, điều đó cũng tự nhiên, bởi vì hai người là hai thế giới khác biệt gặp nhau. Bạn đừng kỳ vọng rằng hai người sẽ hòa hợp một cách hoàn hảo. Nếu đồng điệu hoàn toàn và không có gì lạc nhịp, mối quan hệ sẽ trở nên lờ đờ, trì trệ. 

Bạn cứ nỗ lực hết sức để tạo sự đồng điệu, nhưng luôn sẵn sàng chấp nhận nếu nó không xảy ra một cách hoàn hảo.

#3: Chấp nhận sự thất thường

Có lúc trời lạnh, có lúc trời nóng. Con người cũng luôn thay đổi như thời tiết. Mọi thứ luôn thay đổi. Khi yêu một người, bạn yêu tất cả những khả năng đó. Nếu người kia hiểu và yêu bạn, họ sẽ chấp nhận, họ sẽ giúp bạn bước ra khỏi những giai đoạn tiêu cực, khó khăn - bởi vì họ biết rằng đó chỉ là các trạng thái cảm xúc, các giai đoạn chuyển tiếp, nó đến rồi lại đi.

一一一

Trên đây là những nội dung trong cuốn "Yêu" mà tôi thấy dễ hiểu nhất và thiết thực nhất để tóm tắt cho mọi người cùng được biết. Đồng thời đó cũng là những gì tôi có thể đồng tình với Osho.

Còn dưới đây là một số tư tưởng và quan điểm của Osho trong cuốn sách "Yêu" mà tôi tạm thời không đồng tình với Osho.

#1: Tôi cảm thấy Osho có vẻ cổ súy cho việc sống thử 

Ở chương 9, trang 244, khi nói về sự thân mật, Osho cho rằng: 
"Hôn nhân là cách né tránh sự thân mật. Bởi vì sự thân mật là không chính thức, còn hôn nhân là chính thức, là thứ rất đảm bảo. Nhưng cũng chính vì hôn nhân đảm bảo và an toàn nên không có gì phát triển trong đó, bạn chỉ mắc kẹt trong hôn nhân. Hôn nhân là sự sắp đặt về mặt tình dục. Cuộc sắp đặt đó có lợi về mặt kinh tế, không thuộc về tâm lý và trái tim."
Và Osho khuyên "mọi người nên sống cùng nhau trước khi kết hôn. Tuần trăng mật không nên xảy ra sau khi kết hôn, nó nên xảy ra trước đó. Bạn nên sống cùng nhau qua những đêm tối, những ngày tươi đẹp, những khoảnh khắc vui buồn".

#2: Tôi cảm thấy Osho có vẻ cổ súy cho một thứ mà giới trẻ hiện nay gọi là "mối quan hệ mập mờ", và không ủng hộ việc gắn kết lâu dài bằng hôn nhân.

Ở chương 11, trang 301, khi nói về mối quan hệ và hôn nhân, Osho thể hiện quan điểm rằng:
"Tình yêu không phải là mối quan hệ. Tình yêu là động từ, mối quan hệ là danh từ. Mối quan hệ sẽ kết thúc nhưng tình yêu thì không. Tình yêu là sự kết nối, nó là một dòng sông luôn tuôn chảy không ngừng". 
Osho phê phán: "Chúng ta luôn vội vã biến sự kết nối thành mối quan hệ". Khi yêu ai đó, chúng ta luôn muốn nhanh chóng xác lập mối quan hệ, tiến tới hôn nhân. Đó là bởi vì sự kết nối mang tính không đảm bảo, còn mối quan hệ có tính đảm bảo. Kết nối chỉ là cuộc gặp gỡ giữa hai người xa lạ, có lẽ chỉ qua một đêm, rồi sáng hôm sau sẽ nói lời tạm biệt. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai? Chúng ta muốn ngày mai phải diễn ra theo ý của chúng ta, chúng ta không cho phép nó được tự do theo cách của nó. 

Bạn yêu một người và lập tức nghĩ đến việc kết hôn. Biến nó thành một hợp đồng pháp lý? Vì sao lại để luật pháp chen vào tình yêu? Osho nói rằng "Luật pháp chen vào tình yêu bởi vì tình yêu không có ở đó". 

Osho cho rằng: 
"Trong một thế giới tốt đẹp hơn, với những con người thiền tịnh hơn, mọi người sẽ yêu một cách nồng cháy, nhưng tình yêu của họ vẫn là một sự kết nối, không phải là mối quan hệ. Nhưng có khả năng tình yêu của họ sẽ sâu sắc hơn tình yêu của bạn, có mức độ thân mật cao hơn, có điều gì đó thơ hơn, thần thánh hơn trong đó. Sự đảm bảo đến từ bên trong. Nó sẽ là sự cam kết từ trái tim, là sự chia sẻ trong thinh lặng".  
Tất nhiên, tôi không cố ý tách đoạn văn của Osho ra khỏi bối cảnh toàn diện của cuốn sách chỉ để gây hiểu lầm, tranh cãi. Tôi hiểu ý tốt của Osho. Osho biết rằng khi hai người xác lập mối quan hệ hoặc đã bước vào hôn nhân thì họ thường xem đối phương là sự hiển nhiên, cho rằng mình đã hiểu rõ đối phương lắm rồi cho nên không còn khám phá, không còn thích thú như những ngày đầu nữa, từ đó họ mất đi sự kết nối. Điều đó được thể hiện ở đoạn văn sau:
Hãy quên các mối quan hệ đi và học cách kết nối. Một khi ở trong mối quan hệ, bạn bắt đầu xem nhau như là một điều hiển nhiên. Đó là thứ hủy hoại tất cả các cuộc tình. 

Con người là quá trình, không phải là sự vật. Người phụ nữ mà bạn đã biết hôm qua không còn ở đó vào hôm nay. Bạn hãy kết nối lại, bắt đầu lại. 

Kết nối có nghĩa là bạn luôn bắt đầu, luôn nỗ lực làm quen. Bạn phải không ngừng giới thiệu bản thân với người kia. Bạn luôn nỗ lực nhìn thấy nhiều khía cạnh trong tính cách của người kia. Đó chính là niềm vui của tình yêu: Khám phá tâm thức. Khi khám phá người khác, bạn cũng đang khám phá chính mình. Khi đi sâu vào nội tâm của người khác, biết được cảm giác, suy nghĩ và cả những xáo trộn thầm kín của người khác, bạn cũng sẽ biết được những xáo trộn thầm kín của chính mình. 

Không có gì lặp lại, mọi thứ đều mới mẻ mỗi ngày. Chỉ có mắt của bạn trở nên cũ kỹ. Hãy không ngừng tìm kiếm, khám phá nhau, tìm kiếm những cách yêu mới. Mỗi người đều là một bí ẩn vô tận mà bạn không bao giờ có thể nói rằng: "Tôi đã biết rõ cô ấy/anh ấy".
Nói chung, Osho có ý tốt để bảo vệ tình yêu của hai người, bảo vệ sự thiêng liêng của tình yêu. Tuy nhiên, việc Osho nói thẳng toẹt ra là đừng kết hôn, "kết hôn chỉ dành cho những người không có tình yêu", hoặc "bạn sẽ chỉ mắc kẹt trong hôn nhân",... thì tôi thấy tư tưởng này không thật sự phù hợp với văn hóa Việt Nam và với đại đa số tôn giáo. Nếu những bạn khác trẻ hơn, chưa đủ chín chắn và trải nghiệm mà đọc được những tư tưởng này của Osho, có khi lại khiến các bạn ấy tích cực ngụy biện cho thái độ mập mờ của họ trong các mối quan hệ tình cảm, khiến mối quan hệ giữa con người với nhau ngày càng trở nên mong manh và dễ đứt gãy hơn.

Theo tôi, tất nhiên Osho có quyền ủng hộ việc sống thử hoặc ngăn cản mọi người bước vào hôn nhân, nhưng ông nên phân tích những điều ấy trên nhiều khía cạnh hơn so với việc chỉ kết luận một chiều như vậy. Ông khuyên người ta nên sống thử, nhưng lại không chỉ ra được những mặt trái, những hệ lụy của việc sống thử để người ta có thể xem xét và cân nhắc. Ông bảo rằng "hết yêu thì cứ rời đi thôi", nhưng ông quên rằng sẽ có nhiều hậu quả khi người ta cứ dễ dàng từ bỏ mối quan hệ hay cuộc hôn nhân của mình. Ông nói rằng không nên để luật pháp chen vào tình yêu, nhưng ông không nhắc đến hậu quả khôn lường của những mối quan hệ không có sự ràng buộc, những cuộc hôn nhân không được pháp luật bảo hộ.

Tóm lại, cuốn sách "Yêu" của Osho có nhiều quan điểm và tư tưởng khá mới lạ và thú vị, chúng giúp người đọc có cơ hội hiểu biết sâu sắc hơn về tình yêu, từ đó khiến tình yêu trở nên thiêng liêng và thuần khiết hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi nghĩ người đọc cũng nên cẩn trọng chắt lọc những tư tưởng phù hợp với văn hóa và tôn giáo của bản thân, nhìn nhận và suy xét những nội dung trong sách một cách cởi mở và đa chiều hơn. 

Những điểm mà tôi không đồng tình với Osho cũng chỉ là cảm nhận và quan điểm của riêng cá nhân tôi. Tôi hy vọng nếu bạn đọc bài viết này mà không đồng tình với tôi thì cũng chỉ nên đưa ra quan điểm chứ không nên chỉ trích và tranh cãi, đó không phải là môi trường tôi muốn xây dựng trên kênh của mình.

一一一

Xem video review sách "Yêu": https://youtu.be/t-UoQN3p20Y

一一一

Tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét