Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025

[Review sách] Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm - Mark Manson

“Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” của tác giả Mark Manson là cuốn sách có nhiều thông tin mới lạ và bổ ích, góp phần giúp tôi thay đổi nhiều quan niệm và tư duy quan trọng để có một cuộc sống tốt hơn. Trong video này, tôi sẽ chia sẻ đến các bạn 9 bài học giá trị mà tôi đã đúc kết được từ cuốn sách “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm”.

一一一

  1. Những thứ cần đếch quan tâm


Sự “đếch quan tâm” mà tác giả đề cập trong cuốn sách này không phải sự bất cần, thờ ơ với mọi thứ, hay đạt đến cảnh giới có thể bình thản vượt mọi bão tố, không bị lung lay trước bất kì điều gì. Có 2 thứ mà chúng ta cần đếch quan tâm:


Thứ nhất, đếch quan tâm đến những thứ không đáng bận tâm. Cuộc sống này rất ngắn ngủi, chúng ta không thể bận tâm tới tất cả mọi thứ, mọi điều, mọi người, thay vào đó hãy tự giới hạn những mối bận tâm của mình, học cách chắt lọc và chọn lựa những thứ có giá trị với bản thân, ưu tiên và tập trung vào những thứ đó. Khi bạn tìm thấy điều quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc đời, bạn sẽ sử dụng thời gian và năng lượng của mình hiệu quả nhất.


*Nếu bạn muốn biết cách để chọn lọc và sắp xếp những mối quan tâm của bản thân, tôi gợi ý bạn tìm hiểu Ma trận quản trị thời gian Eisenhower. Đây là một phương pháp sắp xếp công việc dựa trên mức độ khẩn cấp và quan trọng, giúp bạn sử dụng thời gian và năng lượng hiệu quả hơn.


Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm kỹ thuật “Tam phân quyền kiểm soát” của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Bạn hãy phân chia những thứ trong cuộc sống thành 3 loại:


  • Thứ nhất, những thứ bạn có toàn quyền kiểm soát (Những mục tiêu, những giá trị sống, tính cách của bản thân). Bạn nên tập trung thời gian và năng lượng vào những thứ này. 

  • Thứ hai, những thứ bạn hoàn toàn không thể kiểm soát (Ngày mai có mưa hay không). Không nên quan tâm đến những thứ bạn hoàn toàn không thể kiểm soát. Thời gian và năng lượng mà bạn bỏ ra sẽ không có bất cứ tác động nào đến kết quả của các sự kiện.

  • Thứ ba, những thứ bạn có thể kiểm soát một phần (Bạn có được tăng lương hay không). Bạn nên quan tâm đến những thứ mà bạn có thể kiểm soát một phần, nhưng cần thận trọng nội tại hóa những mục tiêu đặt ra cho bản thân.


Trở lại với cuốn sách “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm”. Điều thứ hai bạn cần đếch quan tâm là: đếch quan tâm đến những thách thức khó khăn trong cuộc sống, sẵn sàng đối mặt với thất bại, vượt qua nghịch cảnh. Hạnh phúc là khi bạn trở nên thoải mái với ý tưởng rằng đau khổ là điều không thể tránh. Cho dù bạn có làm gì đi nữa, cuộc đời vẫn luôn có thất bại, mất mát, hối tiếc. Khi bạn trở nên thoải mái với mọi thứ rác rưởi mà cuộc đời ném vào mặt, bạn sẽ trở nên bất bại. Xuyên suốt cuốn sách này, tác giả cũng giúp chúng ta thay đổi những tư duy cố hữu về nỗi đau. Tôi sẽ chia sẻ cụ thể hơn ở những bài học sau.


  1. Luật trái ngược


Nhà triết học Alan Watts cho rằng: “Khao khát một trải nghiệm tích cực vốn dĩ đã là một trải nghiệm tiêu cực. Ngược lại, chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực lại là một trải nghiệm tích cực.”


Bạn càng theo đuổi một thứ gì đó chỉ càng nhân lên cảm giác rằng bạn thiếu nó ngay từ đầu. Bạn càng muốn giàu thì bạn càng thấy mình nghèo, càng muốn đẹp thì bạn càng cảm thấy mình xấu. Từ quy luật này của Alan Watts, tác giả sách Mark Manson rút ra rằng: “Khi ta không quan tâm tới điều gì đó thì sẽ mang tới kết quả ngược lại”. Hay nói cụ thể hơn, theo đuổi sự tiêu cực sẽ tạo ra điều tích cực. Theo đuổi những cơn đau đớn trong phòng tập gym sẽ giúp bạn có cơ thể cân đối và khỏe mạnh. Theo đuổi những giờ học tiếng Anh nhàm chán và mệt mỏi sẽ giúp bạn đạt IELTS band 8. Tóm lại, khi đương đầu và vượt qua được những trải nghiệm tiêu cực, bạn sẽ đạt được những kết quả tích cực.


Sau khi đọc đoạn này trong sách, tôi đã hoàn toàn thay đổi cách đặt mục tiêu. Ban đầu, tôi đặt mục tiêu là làm giàu, đúng thật là cho dù tôi có kiếm được nhiều tiền hơn thì tôi vẫn cứ thấy bản thân không có đủ tiền. Hiện tại, tôi sửa mục tiêu thành chấp nhận những giờ làm việc căng thẳng mệt mỏi và vượt qua những cơn cám dỗ tiêu tiền, tôi không quan tâm đến mục tiêu giàu có nhưng thực ra tài sản vẫn được gia tăng dần lên. Bạn có thể thử áp dụng quy luật này với các mục tiêu của bạn xem sao. Ví dụ, nếu mục tiêu ban đầu của bạn là có cơ bụng 6 múi, bạn sẽ chỉ tập trung vào cái bụng phệ của mình và cảm thấy tệ vì cơ thể mình không đủ đẹp. Hãy thử chuyển sự quan tâm sang chế độ ăn toàn rau xanh và ức gà nhàm chán, cũng như những cơn đau nhức khi nâng tạ, kết quả là bạn sẽ có cơ thể săn chắc và khỏe mạnh, dù bạn chẳng bận tâm đến kết quả đó.


  1. Những bài học về sự đau khổ trong cuộc sống


Con người thường nghĩ rằng hạnh phúc là khi được sống ở trạng thái không có gì để lo lắng, không phải đau khổ. Thế nhưng, thực tế thì đau khổ luôn tồn tại, rắc rối liên tục xảy ra. Hạnh phúc đến từ việc giải quyết các rắc rối trong cuộc sống. Từ khóa ở đây là “giải quyết”. Đừng né tránh các rắc rối của mình như thể mình chẳng có rắc rối nào hết. Cũng đừng trách móc hay đổ lỗi cho người khác về vấn đề của mình.


Đau khổ là một phần của cuộc sống. Những nỗi sợ hãi, lo lắng, buồn bã không phải lúc nào cũng xấu, chúng thường đại diện cho nỗi đau thiết yếu cho quá trình phát triển tâm lý. Nếu chối bỏ nỗi đau, bạn đang chối bỏ tiềm năng phát triển của mình. Nếu muốn có cơ bắp săn chắc, bạn phải trải qua những giờ đau đớn nâng tạ. Tương tự, bạn cũng phải vượt qua những đau đớn tinh thần để trở nên kiên cường, chắc chắn hơn về bản thân, thêm trắc ẩn và nói chung là hạnh phúc hơn.


Truyền thông và xã hội dường như khuyến khích chúng ta phải luôn cảm thấy tích cực và do đó hắt hủi những cảm xúc không tích cực như đau khổ, tức giận, buồn bã. Vì thế, chúng ta thường cố né tránh những kiểu cảm xúc tiêu cực. Hoặc mỗi khi có cảm xúc tiêu cực, chúng ta cố tìm cách thoát ra càng nhanh càng tốt, bất chấp việc lừa dối cảm xúc bản thân, thậm chí sử dụng chất kích thích, ăn uống quá độ,... miễn là chúng ta hết buồn, hết mệt. Hãy nhớ: Đau khổ là một phần của cuộc sống. Hãy học cách chịu đựng nỗi đau. Hạnh phúc đến từ việc giải quyết các rắc rối trong cuộc sống.


Ngay cả khi không biết làm gì, hãy CỨ LÀM GÌ ĐÓ, đừng chỉ ngồi yên. Khi bạn hành động, dù chỉ là một hành động nhỏ, điều đó cũng giúp bạn tìm ra được đường hướng, chiến thắng được sự trì hoãn, tạo cảm hứng và động lực để bạn hoàn thành. Ví dụ, nếu sếp yêu cầu bạn làm 30 trang báo cáo mà sếp chẳng hướng dẫn gì hết. Thay vì ngồi ì ra đó và than thở, lo lắng, bạn hãy tự nhủ: “Chỉ cần làm trước 1 trang đầu thôi”. Khi bạn bắt tay vào làm và làm xong trang 1, bạn sẽ thấy bản thân mình tự dưng hăng hái làm qua trang 2, trang 3 và cứ thế đến hoàn tất.


  1. Bạn lựa chọn nỗi đau nào?


Như đã đề cập ở trên, thật ra chẳng có cuộc sống hoàn hảo mà chúng ta liên tục tìm kiếm. Mọi thứ đều có cái giá của nó. Người mà bạn yêu cũng có thể là người khiến trái tim bạn tan vỡ. Công việc ở một tập đoàn xịn mà bạn ao ước sẽ trở thành nhân tố chính khiến bạn thường kiệt sức. Cuốn sổ tiết kiệm 500 triệu là thứ khiến bạn phải chắt bóp chi tiêu, không dám ăn, không dám mặc. Mọi thứ đều đi kèm với sự hy sinh tương xứng. Bạn phải chọn lựa lấy một thứ gì đó. Bạn không thể nào có được một cuộc đời không đau đớn gì. Hãy tự hỏi bản thân: Tôi muốn có nỗi đau nào trong cuộc đời? Tôi sẵn sàng đấu tranh vì điều gì? Khi trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ quyết định cuộc đời mình sẽ chuyển sang hướng nào. Hạnh phúc đòi hỏi sự đấu tranh. Nó phát triển từ những rắc rối. Đừng chỉ muốn phần thưởng mà không muốn phải chịu đựng, chỉ muốn kết quả mà không cần đến quá trình, chỉ yêu thích chiến thắng mà không cần phải tranh đấu. Cuộc đời không vận hành như thế đâu.


Có người chọn lựa chịu đựng những giờ làm việc đầy căng thẳng để đổi lấy một vị trí cao hơn với mức thu nhập tốt hơn. Có người lựa chọn sống với nỗi lo lắng về cân nặng thay vì phải chịu đựng những cơn đau đớn trong phòng tập gym. Ngoài ra còn rất nhiều sự lựa chọn và đánh đổi khác nữa trong cuộc sống. Còn bạn, bạn chọn nỗi đau nào?


  1. Bạn không đặc biệt


Các cuốn sách self-help khác đã khiến chúng ta tin rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể trở nên đặc biệt và thành công rực rỡ, rằng chúng ta cần nâng cao lòng tự tôn bằng cách luôn có suy nghĩ và cảm nhận tích cực về bản thân. Nhưng tác giả Mark Manson phản biện rằng: Thước đo đúng đắn và chính xác về giá trị của một con người nằm ở chỗ người đó cảm thấy thế nào về những khía cạnh tiêu cực của bản thân, chứ không phải là cảm nhận tích cực về bản thân dù bản thân tiêu cực. Một người thực sự biết rõ giá trị của bản thân thì có thể thẳng thắn nhìn nhận những phần tiêu cực trong tính cách của mình, chẳng hạn như lười biếng, phụ thuộc, phung phí,...


Bạn nên biết rằng, thực ra bạn cũng chẳng có gì đặc biệt cho lắm. Nếu bạn gặp phải một vấn đề nào đó thì hàng triệu người khác đã, đang và sẽ gặp phải vấn đề tương tự bạn. Nếu như bạn cứ tự cho rằng bản thân mình đặc biệt, và chỉ riêng các vấn đề của bạn mới là vấn đề nghiêm trọng, dần dần bạn sẽ trở nên thiếu khả năng phục hồi về mặt cảm xúc và đòi hỏi ích kỷ quá độ. Bạn dễ bị căng thẳng thần kinh chỉ vì những lý do cực kỳ bình thường như cãi nhau với đồng nghiệp hoặc bị điểm kém.


Tác giả rút ra kết luận: Để có một tinh thần khỏe mạnh, bạn phải chấp nhận sự thật nhạt nhẽo và phàm tục của cuộc sống, rằng bạn không đặc biệt, bạn chỉ là người bình thường mà thôi. Khi chấp nhận sự thật này, bạn sẽ vơi bớt áp lực phải trở nên vĩ đại, phải chứng tỏ bản thân và thoát khỏi cảm giác luôn cảm thấy không đủ. Bạn sẽ ngày càng trân trọng những trải nghiệm căn bản của cuộc sống như đọc một quyển sách hay, uống một ly cafe ngon, trò chuyện với người mà bạn quan tâm.


  1. Hãy có trách nhiệm


Hãy chịu trách nhiệm trước mọi điều trong cuộc đời mình, bất chấp ngoại cảnh là gì. Chúng ta không thể kiểm soát những gì xảy đến với mình, nhưng kiểm soát được cách ta lý giải và phản ứng với chúng. Càng lựa chọn chịu trách nhiệm, ta sẽ càng rèn luyện được nhiều sức mạnh.


Nếu người yêu phản bội bạn, bạn có thể buộc tội cô ấy, nhưng bạn có vượt qua được nỗi đau và hạnh phúc trở lại hay không là trách nhiệm của bạn, không phải của người yêu cũ. Nếu công ty làm ăn kém hiệu quả nên đơn phương chấm dứt hợp đồng mặc dù bạn chẳng làm gì sai, công ty là bên có lỗi, nhưng bạn có tìm kiếm một công việc khác tốt hơn và tự chủ được tài chính hay không, đó là trách nhiệm của bạn, không phải của công ty.


  1. Hãy tập thoải mái với sự không chắc chắn


Không biết bạn có bị bệnh cầu toàn không? Bạn muốn rằng phi vụ đó phải chắc chắn thành công hoặc khi nào bạn cảm thấy hoàn toàn sẵn sàng thì mới bắt tay vào làm. Thế nhưng thực tế sẽ chẳng bao giờ xuất hiện thời điểm mà bản thân bạn cảm thấy 100% chắc chắn và sẵn sàng. Nếu bạn định đầu tư chứng khoán nhưng lại muốn luôn luôn có lãi, bạn sẽ không bao giờ bắt đầu đầu tư và cho dù có đầu tư thì cũng sẽ không thành công. Bởi vì thị trường chứng khoán không phải là nơi có thể đảm bảo cho bạn tỷ lệ thắng là 100%. Nếu bạn muốn bắt chuyện với con gái nhưng không chắc rằng cô ấy có thích mình không, sợ bị từ chối nên bạn quyết định không bắt chuyện, bạn sẽ không bao giờ có bạn gái. 


Chúng ta không nên tìm kiếm câu trả lời đúng tuyệt đối, thay vào đó, ta nên tìm cách dần dần loại bớt những sai lầm của mình ngày hôm nay để ngày mai ta có thể ít sai hơn.


Câu trả lời của chúng ta có thể đúng ở thời điểm hiện tại. Nhưng theo thời gian, câu trả lời ấy sẽ thay đổi và được điều chỉnh, bởi vì chính bản thân ta cũng sẽ thay đổi và tự điều chỉnh. Đừng kỳ vọng rằng chúng ta phải luôn luôn đúng ở mọi thời điểm trong cuộc đời mình.


Sự chắc chắn là kẻ thù của sự phát triển. Chẳng có gì là chắc chắn cho tới khi nó đã xảy ra. Thay vì cố đạt đến sự chắc chắn, chúng ta nên tìm kiếm mối nghi ngờ: Nghi ngờ về niềm tin và cảm giác của chính chúng ta.


Bạn càng cố chắc chắn về một điều gì đó, bạn sẽ lại càng cảm thấy bấp bênh và thiếu an toàn hơn. Ngược lại, bạn càng chấp nhận sự không chắc chắn, bạn càng cảm thấy thoải mái hơn khi nhận thức về những điều mình không biết. 


Sự không chắc chắn là gốc rễ của mọi sự tiến bộ và phát triển. Nếu bạn khăng khăng rằng bạn đã biết rõ điều đó rồi, bạn sẽ chẳng tìm tòi học hỏi thêm nữa. Càng thừa nhận mình không biết thì bạn càng có nhiều cơ hội trau dồi.


Xa hơn nữa, Mark Manson còn khuyên chúng ta không cần phải cố hiểu rõ bản thân, hay tìm ra chính mình. Vì khi đó, ta sẽ bị gắn chặt vào những vai trò cứng nhắc, nặng nề với những kỳ vọng không cần thiết. Việc đó cũng ngăn chúng ta khám phá năng lực tiềm ẩn và nhiều cơ hội ngoài kia.


Đừng lựa chọn đánh giá bản thân như một ngôi sao đang lên hay một thiên tài chưa được phát hiện. Cũng đừng đánh giá bản thân như một nạn nhân bất hạnh, hay một kẻ thất bại thảm hại. Hãy chỉ xem bản thân là một người bình thường: một sinh viên, một người bạn, một đứa con, một người bạn đời. Hãy định nghĩa bản thân theo cách đơn giản nhất có thể. Bởi vì khi bạn càng lựa chọn cho mình những đặc tính tỉ mỉ và hiếm hoi thì càng nguy hiểm. Nếu bạn coi mình là một người thông minh, tài năng, hấp dẫn, hay ngược lại, là một nạn nhân đặc biệt, bạn đang tự cho mình đặc quyền cũng như có một niềm tin rằng thế giới này mắc nợ bạn.


Tóm lại, hãy tập thoải mái với sự không chắc chắn và chấp nhận rằng bản thân mình chỉ là một người bình thường mà thôi.


  1. Đừng sợ thất bại


Thực ra thành công là một khái niệm tương đối, tùy vào thước đo của mỗi người. Có người dùng tiền bạc và địa vị làm thước đo thành công. Có người lại xem thước đo thành công là hạnh phúc gia đình. Có người nghĩ bản thân thành công là khi vượt qua được căn bệnh trầm cảm để trở lại cuộc sống bình thường.


Đa số chúng ta thường lảng tránh thất bại. Đó là do hệ thống giáo dục luôn đánh giá khắt khe chúng ta dựa trên thành tích học tập. Một phần là do các bậc phụ huynh không cho phép con cái phạm sai lầm dù là nhỏ nhặt. Cộng thêm truyền thông thường xuyên đưa tin về những tấm gương thành công vượt bậc, bạn này kiếm 100 triệu một tháng, bạn kia thành thạo 3 ngoại ngữ,... Nền giáo dục, phụ huynh và truyền thông là các nhân tố khiến chúng ta sợ phải thất bại. Nhưng thực ra, ta chỉ có thể thật sự thành công khi ta sẵn lòng thất bại. Sự tiến bộ được tạo ra dựa trên hàng ngàn sai lầm nhỏ, sự vĩ đại của thành công mà bạn có được dựa trên số lần bạn thất bại. Nếu bạn không thất bại, làm sao bạn có thể tiến bộ và thành công. Vì vậy, đừng sợ thất bại.


  1. Học cách nói “Không” để Có được nhiều hơn


Văn hóa tiêu dùng khiến chúng ta ngày càng muốn nhiều và nhiều hơn nữa. Chúng ta được thúc giục phải sở hữu nhiều đồ đạc hơn, kiếm nhiều tiền hơn, du lịch và trải nghiệm nhiều hơn. Khi quá nhiều sự lựa chọn, chúng ta sẽ đối mặt với “nghịch lý của sự lựa chọn”. Càng có nhiều quyền lựa chọn thì ta càng cảm thấy ít hài lòng hơn bất kể thứ ta đã chọn là gì, bởi vì ta nhận thức được những lựa chọn tiềm năng khác mà ta đã bỏ qua. 


Chẳng hạn, bạn đang kiếm việc và đã đi phỏng vấn 10 nơi, sau đó bạn được 2 công ty A và B mời nhận việc. Sau khi cân nhắc, bạn chỉ đơn giản là chọn A và từ chối B. Nếu công ty A vượt trội hơn hẳn B thì bạn hoàn toàn không có gì phải luyến tiếc B, cực kỳ hài lòng với lựa chọn của mình. Nếu công ty B có điểm nào đó tốt hơn A một xíu, bạn sẽ thấy tiếc một xíu, nhưng nhìn chung bạn vẫn khá hài lòng vì đã chọn làm việc tại A. 


Nhưng trong trường hợp bạn nhận được tận 5 thư mời nhận việc, cho dù bạn chọn công ty A, bạn vẫn ít hài lòng hơn về lựa chọn của mình, bởi vì bạn đã thấy 4 công ty B, C, D, E có những điểm hấp dẫn khác mà công ty A không có. Bên B tuy lương thấp hơn nhưng lại gần nhà hơn. Bên C tuy xa nhà một chút, lương thấp hơn một chút nhưng lại review lương tới 2 lần một năm. Bên D thì chỉ làm việc 4 ngày một tuần. Càng biết nhiều về những phúc lợi mà bạn đã phải nhắm mắt bỏ qua, bạn càng tiếc. Do đó mặc dù có tới 5 lựa chọn và bạn đã lựa chọn công ty tốt nhất rồi nhưng thực chất bạn vẫn ít cảm thấy hài lòng hơn so với khi chỉ có 2 lựa chọn.


Chúng ta chỉ thật sự hạnh phúc khi ít sự lựa chọn hơn. Hãy chủ động giới hạn sự lựa chọn của mình.


Khi tập trung cao độ vào một người, một nơi chốn, một công việc, có thể bạn sẽ mất đi cơ hội được khám phá những điều khác để được trải nghiệm đa dạng hơn. Nhưng ngược lại, khi chỉ tập trung vào một điều và trải nghiệm sâu, bạn sẽ hình thành được sự cam kết. Bạn cần phải gắn kết bản thân với một điều gì đó, đi sâu và khai thác nó. Hãy cam kết trong mối quan hệ, sự nghiệp, lối sống. Sự cam kết sẽ mang đến cho bạn tự do vì bạn không còn bị những điều khác làm sao nhãng, giúp bạn ra quyết định dễ dàng hơn và loại bỏ nỗi sợ bỏ lỡ. Có những trải nghiệm mà bạn chỉ có thể có được khi sống tại một nơi năm năm liền, khi bạn ở bên một người cả chục năm trời, khi bạn đã gắn bó với một sự nghiệp và rèn luyện cùng một kỹ năng trong cả thập kỷ. 


Đừng cố gắng tìm kiếm cho bản thân càng nhiều sự lựa chọn càng tốt. Hãy cố gắng cam kết với một điều gì đó, một mối quan hệ, một sự nghiệp. Việc cam kết và ít sự lựa chọn mới có thể giúp bạn cảm thấy thật sự hạnh phúc, vì bạn không còn sợ mình đã bỏ lỡ những lựa chọn khác tốt hơn.


一一一


Trên đây là 9 bài học mà tôi thấy cực kỳ giá trị từ cuốn sách “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” của tác giả Mark Manson. Nhìn chung, đây là một cuốn sách ngắn gọn, dễ đọc, dễ thẩm thấu. Nếu bạn đang tìm kiếm những thông điệp đủ mạnh mẽ và thuyết phục để giúp cho cuộc sống của mình trở nên tốt hơn thì bạn có thể tham khảo “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm”.


Mua sách: https://s.shopee.vn/qUfzpAZvk

Xem video review: https://www.youtube.com/watch?v=XrMnuBODAPg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét