Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025

"Thiên nga đen" của thị trường chứng khoán và 3 bài học xương máu của tôi

Hôm nay tôi mới hoàn hồn được một chút sau sự kiện “thiên nga đen” của thị trường chứng khoán Việt Nam hôm qua (3/4/2025). Ngay sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ áp thuế lên đến 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một phiên giao dịch đen tối nhất lịch sử với tình trạng nhà đầu tư liên tục bán tháo hoảng loạn khiến chỉ số giảm điểm kỷ lục. Trong ngày 3/4, Chứng khoán Việt Nam là thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới (-6.17%).

Chỉ số VN-Index đang đà tăng vài tháng qua bỗng rơi không phanh
Nguồn ảnh: https://nguoiquansat.vn/

Có gặp ác mộng tôi cũng không mơ đến cảnh chỉ vừa mở cửa giao dịch là hầu hết cổ phiếu “nằm sàn”.

*Chú thích cho những ai chưa biết:

  • Cổ phiếu nằm sàn là khi giá cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất cho phép trong một phiên giao dịch.
  • Màu xanh lơ thể hiện cổ phiếu nằm sàn.

Nguồn: https://vnreport.vn/vn-index-giam-sau-nhat-lich-su-do-tin-my-ap-thue-quan-voi-viet-nam/


Quá thất vọng. Quá kinh hãi. Tôi không biết nên làm gì. Tôi chưa từng đối mặt với tình huống này. 

Tôi tham khảo ý kiến vài bên. 

Có một số người khuyên rằng:

- “Phải bán bất chấp đi, chờ gì nữa, không thể biết được cái đà rơi này bao giờ mới chấm dứt đâu”. 

- “Phải quản trị tài khoản đi chứ”. 

- “Nếu tài khoản lỗ dưới 15% thì sau này gỡ lại khá nhanh thôi, chứ để lỗ trên 20% là rất khó để gỡ”.


Có một số người lại khuyên:

- "Không nên bán đuổi, không nên bán khi thị trường hoảng loạn, biết đâu thị trường lại rút chân, có lực cầu vào đỡ, cổ phiếu lại được kéo lên”. Hoặc

- “Nếu muốn chạy thoát thân thì phải bán ngay trong phiên hôm qua, chứ để đến hôm nay là đã muộn rồi, lỡ muộn rồi thì cầm luôn đi, khỏi bán nữa”.


Tôi vô cùng hoang mang.


Cuối cùng, trong phiên ngày hôm nay 4/4, tôi đã quyết định bán một nửa số cổ phiếu đang nắm giữ. 


------


Bán cũng bán xong rồi, lỗ cũng lỗ rồi. Giờ tôi bình tâm ngồi xuống, cặm cụi ghi chép lại 3 bài học quan trọng cho hành trình đầu tư của riêng mình.


Thứ nhất, giá vốn tốt và cổ phiếu mạnh là hai yếu tố thực sự quan trọng. Tôi đã từng nghe rất nhiều môi giới chứng khoán lặp đi lặp lại điều này, nhưng vì chưa trải qua nên tôi chưa thể thấm được, cho đến khi gặp sự cố thị trường sập. 


Trong 5 cổ phiếu mà tôi sở hữu, chỉ có mỗi STB là cổ phiếu mà tôi đã mua được ở vùng giá tốt, khi nó vừa chớm có dấu hiệu vào sóng. Tôi mua được với giá 35.9, cầm 2 tháng, nó tăng được 12%, tôi vẫn giữ, vì tôi biết nó còn có một nhịp chạy nước rút có thể mang lại cho tôi thêm khoản lợi nhuận khoảng 20%. Trong 3 tháng tăng giá vừa qua, thị trường có vài phiên giảm điểm để rũ bớt lượng nhà đầu tư đu bám, đã có nhiều cổ phiếu bị giảm mạnh, nhưng STB vẫn giữ giá tốt. Nó đánh lên rất chậm chạp, nhưng rất chắc chắn.


Trong 2 ngày thị trường hoảng loạn, hôm qua STB cũng nằm sàn, nhưng trước đó trong mấy tiếng giao dịch tôi quan sát thấy nó đã “chiến đấu” cực kỳ kiên cường. Trong khi các cổ phiếu khác đã nằm sàn ngay từ lúc mở cửa, STB vẫn liên tục cầm cự được, cho đến vài phút cuối phiên, hết hơi hết sức thì nó mới nằm xuống. Phiên hôm nay, trong khi nhiều cổ phiếu khác tiếp tục nằm sàn và chết cứng, STB bật tăng giá trở lại, còn cao hơn cả mức giá đóng cửa của hôm qua.


Thực ra trong phiên hôm nay tôi đã bán mất STB rồi, lúc nó ở giá 36.4. Mất khoản lãi đã nuôi suốt 3 tháng, nhưng vẫn còn may mắn là không lỗ nặng như mấy mã khác.


Tôi nhận ra rõ ràng: Trong sự cố này, thương vụ đầu tư STB của tôi không bị thua lỗ là bởi vì tôi đã mua được cổ phiếu khỏe với giá vốn tốt. Người ta hay nói là có vị thế tốt thì không dễ bị ảnh hưởng khi cổ phiếu giảm giá. Nay tôi trải qua rồi, thấy đúng ơi là đúng!


Hành trình tôi đầu tư STB. Canh mua được tại vùng giá thấp từ ngày 21/1, có những thời điểm lãi 12% nhưng chưa bán, chờ giai đoạn giá tăng mạnh cuối cùng trong nhịp sóng này. Nhưng rất tiếc trong phiên giao dịch đen tối hôm 3/4 tôi đã mất lãi. Đến 4/4, vì e ngại rủi ro mất luôn cả vốn nên tôi đã bán, coi như hòa vốn.

Trong các cổ phiếu còn lại của danh mục đầu tư, có tới 3 mã tôi mua khi FOMO, tức là khi thấy chúng tăng giá cao đột biến, sợ bị bỏ lỡ một đợt tăng giá mạnh nên tôi đã lao vào mua, thành ra đã mua phải giá vốn rất cao. Khi thị trường sập, cổ phiếu nằm sàn thì tôi bị thâm vốn rất nặng.

Chỗ đu lần 2 lẽ ra phải bán thì đã lời :)

Bài học xương máu đầu tiên tôi rút ra là phải chọn được cổ phiếu mạnh và mua từ khi nó còn ở giá nền, tuyệt đối KHÔNG mua đuổi khi cổ phiếu đang nằm chênh vênh trên cao, khi nó gãy thì tôi ngã rất đau.

-----


Điều thứ hai tôi nhận ra được là bản thân không có đủ kỷ luật cần thiết trong đầu tư (như tôi luôn tưởng).


Trong năm 2024, tôi đã chọn sai một cổ phiếu, nó không những không tăng giá được mà còn liên tục giảm. Khi nó giảm một vài phần trăm, tôi thấy bình thường. “Không sao, mình phải cố chịu đựng những lúc thế này thì mới đến được lúc có lãi chứ” - Tôi nhiều ngày tự nhủ như thế. Đến khi giá cổ phiếu giảm đến 15%, tôi hơi băn khoăn, nhưng vẫn tặc lưỡi cho qua, nghĩ rằng nó sẽ hồi phục thôi, chỉ cần chịu đựng thêm. Cổ phiếu tiếp tục giảm qua 20%, tôi nghĩ mình vẫn chịu đựng được, tiếp tục nhắm mắt phớt lờ những tin nhắn của app chứng khoán nhắc nhở “nhà đầu tư nên cân nhắc bảo toàn vốn”.


Cho đến khi thị trường chung đã tăng giá được hơn 2 tháng mà cổ phiếu đó vẫn không chịu ngóc đầu dậy, tôi mới bắt đầu thấy có gì đó không ổn trong cách đầu tư của mình. Tôi dần khó chịu khi người người khoe lãi 20%, 30%, trong khi nhìn vào tài khoản chứng khoán của bản thân chỉ luôn thấy một màu đỏ. Cuối cùng, vì ngứa mắt, tôi bán nó đi, lúc đó lỗ tận 19%.


Sau vụ đó, tôi quyết định thiết lập cảnh báo đối với từng mã cổ phiếu mình mua. Nếu cổ phiếu của tôi giảm giá 7% thì app sẽ bắn thông báo và tôi sẽ bán.


-


Ngày 28/2, có một thông tin xấu liên quan đến một mã cổ phiếu trong danh mục của tôi. Cổ phiếu bị bán tháo. Tôi nhận được báo động phải cắt lỗ vì giá đã giảm đến 7%. Lúc nhận được cảnh báo đó, tôi tặc lưỡi bảo rằng: "Đây chỉ là một thông tin xấu nhất thời, cổ phiếu sẽ ổn định lại".


Tôi có ba lý do để tin tưởng. Thứ nhất vì thị trường đang có sóng ngân hàng, mà cổ phiếu đó là cổ phiếu ngân hàng. Thứ hai vì thị trường đang trong xu hướng tăng, khi thị trường tăng thì dù cổ phiếu yếu cũng sẽ tăng (kiểu ăn theo). Thứ ba, quan trọng nhất, đó là một doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, không phải dạng doanh nghiệp ất ơ. Tự tin như thế, nên tôi vẫn không chịu bán cắt lỗ. 


Khoảng 2 tuần sau, thông tin tiếp tục xấu hơn, cổ phiếu càng giảm sâu hơn nữa. App liên tục bắn cảnh báo phải cắt lỗ, tôi cũng liên tục phớt lờ. Tôi dự tính lần này mình sẽ xử lý khoản lỗ bằng cách trung bình giá, tức là cứ chờ cổ phiếu giảm tới đáy rồi mua vào, lúc này giá vốn của tôi sẽ bằng giá cao cộng với giá thấp, thành giá trung bình. Sau đó canh nhịp cổ phiếu hồi lên thì bán, làm vậy sẽ gỡ lại được một khoản, còn hơn là bây giờ bán một phát ngay đáy luôn.


Tôi cứ lần lữa như thế, cho đến cú sập ngày hôm qua thì tôi chỉ biết ngồi đó tiếc. Nếu như tôi tuân thủ kỷ luật và cắt lỗ ngay từ khi giá giảm 7%, thì tôi đã không chịu khoản lỗ trên 22% trong hôm nay.



Bài học xương máu thứ hai tôi cần rút ra sau sự cố này: Sự mất kỷ luật sẽ dẫn đến mất rất nhiều tiền.


-----

Bài học thứ ba: Chỉ được đầu tư bằng tiền nhàn rỗi, tuyệt đối không dùng đòn bẩy.


Trước giờ tôi luôn giữ quan điểm chỉ đầu tư khi có tiền nhàn rỗi. "Tiền nhàn rỗi" theo định nghĩa của tôi là "số tiền mà tôi sẽ không dùng đến trong 1-2 năm tiếp theo, thậm chí có thể chấp nhận mất trắng".

Thật may mắn vì tôi vẫn luôn tuân thủ nghiêm ngặt quan điểm này. Nếu không, đợt sập thị trường lần này có lẽ tôi đã "chết ngắc".

Trong đợt này, tôi mới biết thế nào là sự kinh khủng của vay margin. 

Vay margin hiểu một cách đơn giản là nhà đầu tư vay tiền từ công ty chứng khoán để mua cổ phiếu và dùng chính cổ phiếu của mình làm vật thế chấp. Margin là một dạng đòn bẩy tài chính, cũng là một con dao hai lưỡi. Nếu cổ phiếu tăng giá thì nhà đầu tư có lời gấp đôi, nhưng nếu cổ phiếu giảm giá thì lỗ gấp đôi. Trong trường hợp cổ phiếu giảm sâu, công ty chứng khoán sẽ thực hiện margin call, nghĩa là họ bán bất kỳ chứng khoán nào trong danh mục đầu tư của NĐT mà không bắt buộc phải hỏi ý kiến trước. Họ phải làm vậy để thu hồi vốn, tránh trường hợp NĐT không có khả năng trả nợ.

Giả sử đợt vừa rồi tôi sử dụng margin, có lẽ không những mất trắng vốn mà còn thâm hụt vốn gấp đôi, gấp ba. Vì tôi vừa mua phải giá cao, vừa lì lợm cố chấp không chịu cắt lỗ, vừa sử dụng margin. May mắn cho tôi, cơn ác mộng này không xảy ra, vì tôi không dùng margin.

Thành thật với chính bản thân, trong thời gian thị trường tăng giá, cũng đã có lúc tôi nghĩ đến việc sử dụng margin để thu được lợi nhuận lớn hơn sức mua của mình. Nhưng do bận công việc nên tôi còn lười tìm hiểu, lười áp dụng. Sự chần chừ lười biếng đúng lúc này đã giúp tôi không cháy tài khoản đầu tư. Sau sự kiện này, chắc tới già tôi cũng không bao giờ dám đụng vào margin (Mong là thế, chứ cái nết của tôi đôi khi lại liều mạng lắm).

Tóm lại, bài học xương máu thứ ba của tôi là: Nếu còn non thì không được sử dụng tiền vay để đầu tư chứng khoán. Chỉ đầu tư bằng tiền của bản thân, hơn nữa đó nên là tiền nhàn rỗi.

-----

Hành trình đầu tư của tôi có lẽ sẽ còn rất dài phía trước (hy vọng là vậy). Với tôi, đầu tư không chỉ để kiếm tiền, để đạt tự do tài chính, mà còn là một cách hay ho và hiệu quả để khám phá bản thân. Nhờ đầu tư, tôi có dịp nhìn nhận được nhiều khía cạnh của bản thân mà trước giờ tôi chưa biết. Chẳng hạn như chuyện tôi khá là liều lĩnh và dại dột chứ không chín chắn như vẻ bề ngoài, cố chấp, thiếu kỷ luật mà lúc nào cũng tưởng mình rất kỷ luật. Nếu bây giờ tôi vẫn tặc lưỡi nói “chả sao” thì có sao không nhỉ :))) Tôi khá lạc quan, dù đầu tư thất bát thì tôi vẫn được hiểu thêm về bản thân rất nhiều. Tôi vẫn rất vui vẻ vì mình có tiền bạc, thời gian và sức trẻ để được trải nghiệm một hành trình thú vị mang tên "đầu tư chứng khoán".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét