Tôi sẽ tiếp tục viết về bộ phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt". Hôm nay tôi xem xong tập 6.
Ở tập này, một biến cố lớn đã xảy đến với gia đình nhỏ của hai nhân vật chính Ae Sun và Gwan Sik: Đứa con trai út 3 tuổi của họ qua đời.
Hôm đó ở đảo có bão. Ae Sun đang ở nhà trông nom 2 cậu con trai Dong Myeong (có lẽ khoảng 6 tuổi) và Eun Myeong (3 tuổi) thì một bạn học của Geum Myeong (con gái lớn) đập cửa và báo với Ae Sun rằng con gái cô bị tai nạn khi đạp xe. Ae Sun trong cơn hoảng loạn đã tức tốc chạy đến chỗ của Geum Myeong, không kịp khóa cửa cũng không kịp nhờ người khác trông con, nên 2 cậu nhóc đã chạy ra khỏi nhà. Đứa con trai út từ đó đã gặp nạn và qua đời.
Sau biến cố đó, mỗi người trong gia đình Ae Sun đều cố nén nỗi đau và sự dằn vặt vào bên trong, lặng lẽ, tránh né nhau, tránh nói về nỗi đau.
Sau đám tang, Ae Sun chỉ nằm sõng soài trên sàn nhà, không thể làm được gì khác. Mẹ chồng nhìn cảnh đó, tuy mất cháu và cũng thấu hiểu được nỗi đau mất mát của Ae Sun nhưng bà vẫn phải nói:
- "Phải sống tiếp thôi. Ngoài sống còn làm gì được? Cô còn hai đứa con trông vào cô mà sống đấy".
Bất lực, bà mẹ chồng xách đồ ra về và buông thõng câu cuối:
- "Người muốn sống thì sẽ sống. Cứ sống, rồi sẽ sống".
Câu "cứ sống, rồi sẽ sống" cũng chính là lời mà mẹ của Ae Sun đã dặn dò với cô bé năm 10 tuổi, khi mẹ cô bé sắp qua đời.
"Khi con sống, sẽ có những ngày khó khăn. Rồi khi con sống, sẽ có những ngày con chỉ muốn chết. Đừng chỉ nằm yên, vùng vẫy mạnh vào. Vứt chăn ra, giẫm lên nó, bước ra mà cày ruộng, mà bán hàng. Tự nhủ: Mình sẽ không chết, mình phải sống bằng mọi giá. Cứ lắc thật mạnh tay chân vào, vượt qua làn nước đen tối rồi, con chắc chắn sẽ thấy bầu trời, chắc chắn được hít thở."
Cho đến khi Ae Sun đứng lên được, cô mới nói chuyện lại với Dong Myeong, nhưng nó không trả lời. Mất một lúc gặng hỏi tại sao không chịu nói chuyện với mẹ, thằng bé mới trả lời rằng nó nghĩ mẹ giận nó. Tại nó không giữ em ở trong nhà nên em mới chết. Ae Sun sững người, cô đâu ngờ đứa con ngây thơ của mình lại trở nên câm lặng và tự giày vò bản thân về cái chết của em trai.
Cho đến khi Gwan Sik bớt đau buồn và ngồi dậy được, anh lấy cặp của Geum Myeong ra xem và thấy nhiều bài kiểm tra được 100 điểm. Gwan Sik hỏi Geum Myeong tại sao được 100 điểm mà không khoe, Geum Myeong mới bật khóc nức nở và nói rằng tại nó đạp xe khi trời bão nên mẹ mới phải chạy ra khỏi nhà, vì thế nên em mới chết. Gwan Sik chết lặng, đau đớn khi biết rằng cô con gái bé bỏng của mình lại tự đổ lỗi cho bản thân và dằn vặt về cái chết của em trai.
Chính Gwan Sik cũng ngầm đổ lỗi cho bản thân, anh cho rằng nếu hôm đó anh không đi xây bờ kè thì con trai anh đã không chết. Ae Sun cũng âm thầm giày vò bản thân, cô nói rằng vì cô đã liên tục dạy con trai là "nếu đứng ở đê chờ bố về thì bố nhất định sẽ trở về dù giông bão ra sao", vì thế nên khi trời mưa bão nó mới ra đó chờ bố để rồi gặp nạn.
---
Khi gặp biến cố mất con, nhiều gia đình sẽ thay đổi mọi mặt. Nếu không vượt qua được nỗi đau, gia đình có thể tan vỡ và không thể trở lại trạng thái như trước. Mọi người sẽ sống trong dằn vặt, tự đổ lỗi cho bản thân hoặc đổ lỗi cho đối phương về cái chết của người con đó.
Hai ví dụ mà tôi ấn tượng nhất trên màn ảnh:
Đầu tiên là gia đình của Tú (do Gil Lê thủ vai) trong phim "Yêu" (2015) của đạo diễn Việt Max. Trong bộ phim này, cậu con trai ở độ tuổi cấp 2 (em trai Tú) xin bố mẹ cho đi du lịch với bạn bè, mẹ đồng ý nhưng bố thì không. Mẹ đã thuyết phục bố cho cậu đi, cuối cùng cậu cũng được đi. Tuy nhiên cậu đã gặp tai nạn trong chuyến đi này và qua đời. Sau cái chết đột ngột của cậu con trai độc nhất, người bố liên tục đổ lỗi tại mẹ cho đi chơi nên cậu mới chết. Cũng vì quá sốc nên ông gần như đã bị tâm thần, ông luôn lầm tưởng rằng đứa con gái tên Tú của mình là cậu con trai đó. Để làm bố vui, Tú đã sống với thân phận là một thằng con trai. Nhìn chung, cái chết của người con trai đã hủy hoại cả một gia đình, khi bố mẹ không thể vượt qua được cú sốc này.
Thứ hai là gia đình của Tam và Nhàn trong "Tro tàn rực rỡ" (2022) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Khi đứa con nhỏ bị chết đuối, Tam từ một người đàn ông yêu vợ, chất phác, chăm chỉ, giờ căm hận vợ vì cho rằng tại vợ không trông con cẩn thận nên con mới chết. Tam có lẽ trở nên tâm thần, thường xuyên đốt nhà để giải tỏa nỗi đau mất con. Một gia đình nhỏ vốn hạnh phúc nay thành địa ngục theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Gia đình Gwan Sik suýt chút nữa cũng rơi vào cảnh tan nát sau biến cố. Nhưng thật may mắn vì cả hai đã quyết tâm vực dậy sau mất mát, tiếp tục sống, vì còn hai đứa con.
Cứ sống, rồi sẽ sống. Đừng chỉ nằm yên, vùng vẫy mạnh vào.
Sau cơn mưa trời lại sáng thôi mà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét