Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

Trách nhiệm với người khác

Nói ra thì thấy kì nhưng mà thật tình là trời nóng thế này cơ thể cứ mệt rũ rượi, cổ họng thì cứ khô không khốc không thể nào hát hò được, không tập trung làm được gì. Ở nhà cả ngày chỉ thấy mệt hơn mà thôi. Không làm được gì nên cảm thấy thất vọng về bản thân.

✢✢✢✢✢

Hôm nay sẽ viết về vấn đề "trách nhiệm với người khác".
Yup. Như một câu lý thuyết mà ai cũng biết: Bạn không phải chịu trách nhiệm về hạnh phúc, nỗi buồn, sự sung sướng hay tương lai của bất kỳ ai khác. Nói chung là cuộc sống của ai người đó tự chịu trách nhiệm. 

Mình của những năm 20 tuổi trở về trước, luôn coi bản thân là cái rốn của vũ trụ, mặc định rằng bổn phận của mọi người xung quanh là phải giúp đỡ mình. Một ví dụ gần nhất mình có thể nhớ, xảy ra vào năm nhất Đại học. Mình - chưa đủ 18 tuổi - rời gia đình để tới Sài Gòn học Đại học. Mẹ cho mình tiền ăn và học phí, chị gái cho mình tiền đóng nhà trọ, và mình nhận những khoản tiền ấy hằng tháng trong suốt 4 năm Đại học với một suy nghĩ "đó là trách nhiệm của ba mẹ, của anh chị đối với con em của họ". 

Nhớ ngày đầu nhập học, một người chú đã được mẹ mình nhờ đưa mình tới trường Đại học vì mình mới tới SG ngày đầu tiên chưa biết gì. Khi đưa mình tới cổng trường, chú mời mình ăn ổ bánh mì heo quay mà chú mua cho chú, lúc ấy mình ngây ngô cho rằng "bổn phận của chú là đưa mình đến trường và chú đưa mình ổ bánh mì thì mình ăn thôi". Mãi sau này mình mới hiểu ra, có lẽ chú chỉ mời theo phép lịch sự tối thiểu, và đáng lẽ nếu là một đứa biết điều thì mình không nên nhận ổ bánh mì đó vì sẽ khiến chú mất thời gian và tiền bạc công sức để đi mua ổ bánh mì khác, lỡ chú trễ giờ làm hoặc sáng hôm đó đói meo thì sao? Mình có chân tay có tiền, tự đi mà ăn sáng. Đó là điều mà mình đã dại khờ mãi về sau mới ngộ ra. 

Cũng trong những ngày đầu nhập học, mình mặc định trong đầu rằng "những anh chị khóa trên có bổn phận phải dìu dắt và hướng dẫn cho đàn em khóa dưới như mình". Vì nghĩ như thế cho nên mình đã tỏ ra khó chịu khi không nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình như mình mong muốn, mình tỏ ra chống đối khi phải làm theo những chỉ dẫn mà mình không mong đợi ở họ.

Ở nhà trọ cũng vậy, ỷ mình là đứa nhỏ tuổi nhất nên mình cũng mặc nhiên cho rằng mọi người phải nhường nhịn mình. Họ phải nhường mình tắm trước, phải cho mình chỗ học và chỗ ngủ tốt nhất, họ phải abc phải xyz cho mình

Một mặt, mình đinh ninh rằng người xung quanh phải chịu trách nhiệm với hạnh phúc và niềm vui của mình, nếu mình thất bại là lỗi của người nào đó chắc chắn không phải tại mình. Nhưng mặt khác, mình cũng luôn là đứa cho rằng bản thân mình phải có trách nhiệm với hạnh phúc của người khác, nếu làm người khác buồn thì luôn là lỗi của mình. 

Mình đã răm rắp về nhà vào mỗi cuối tuần, vì mẹ và bà luôn bảo "Thanh về mẹ mới vui", "Thanh ở nhà bà vui như tết". Chính vì cứ phải đi đi về về như vậy khiến bản thân không còn thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích vào cuối tuần. Mình đã nghĩ rằng mình phải có mặt ở nhà để làm vui lòng mẹ và bà.

Mình đã cúp học vì có đứa bạn than thở buồn phiền và cần người đi chơi cùng. Mình đã tin rằng mình phải có trách nhiệm giúp bạn mình bớt buồn, và mình không được bỏ rơi bạn bè khi chúng nó cần, kết quả học tập của mình sa sút dần vì quá nhiệt tình đi chơi để mua vui cho bạn bè. Tất cả sinh viên trong lớp đều mặc định "những đứa chơi với nhau ngoài trường học thì sẽ vào chung một nhóm thuyết trình với nhau". Và cứ thế, mình ở trong một cái nhóm học tập mà tụi nó cứ ề ề làng nhàng, làm những bài thuyết trình chán ngắt buồn tẻ và cầm giấy lên đọc cho đến hết giờ. Mình luôn tin rằng tiềm năng trong con người mình nhiều hơn thế, mình không thể chấp nhận một kết quả học tập làng nhàng và những bài thuyết trình chán nhất trên thế giới như vậy. Nhưng vì cả nể, vì sợ một mình cô đơn, vì sợ bạn bè mình buồn, mình vẫn tiếp tục đi chơi cùng và làm theo tụi nó.

✢✢✢✢✢

Một bước ngoặt xảy đến vào năm mình 20 tuổi, sau một vài khóa học kỹ năng và nâng cao nhận thức về bản thân, mình không còn sống như vậy nữa. 

Mình bắt đầu rời bỏ tụi bạn trong nhóm để học và thuyết trình theo cách riêng mà mình cho là tốt nhất và phù hợp nhất với bản thân. Lúc bắt đầu, tụi nó ngỡ ngàng và còn níu kéo Thanh hiền lành dễ thương của ngày xưa, một thời gian sau, tụi nó tổn thương vì bị mình bỏ rơi, một thời gian sau nữa, tụi nó ghét mình luôn. Nhưng mình nhận lại được gì. Một bảng điểm chói lòa mà những học kì trước và sau đó mình không bao giờ có được. Một tiếng tăm vang dội vì những bài thuyết trình độc đáo, phong cách thuyết trình cuốn hút và các slides powerpoint đơn giản mà sáng tạo. Những bạn khác trong lớp bắt đầu ngưỡng mộ mình, thầy cô bắt đầu ấn tượng với mình. Quãng thời gian còn lại của thời sinh viên mình cứ thế tiến bộ trong sự thù địch của một số đối tượng. Tất nhiên mình vẫn lâu lâu cảm thấy tội lỗi với đám bạn cũ, nhưng mình đã quyết tâm không bao giờ quay lại lối sống cũ. Mình mặc kệ những chỉ trích và những tổn thương tuổi trẻ vớ vẩn của tụi nó. Đến bây giờ thì ai cũng vẫn sống vui sống khỏe, chẳng chết thằng nào.

Mình học cách từ chối giúp đỡ người khác. Vấn đề ở đây không phải là sự ích kỷ, lạnh lẽo không có tình người. Mình phải học cách phân biệt đâu là người thực sự cần giúp đỡ và đâu là con người ỷ lại. Với những người thực sự cần giúp đỡ và do họ không biết bắt đầu từ đâu, mình sẽ chỉ dẫn họ, chứ cũng không "cầm tay chỉ việc", với những người chỉ biết ỷ lại và lười động não, mình mặc kệ. Họ cứ chửi mình, họ cứ ghét mình, nhưng rồi đến cuối cùng họ cũng phải tự tìm cách làm và cũng làm được. Là do lười suy nghĩ, lười lao động, chứ có phải không có khả năng làm đâu mà nhờ với chẳng vả.

Có những người còn bám víu thời gian của người khác nữa cơ, thật đáng sợ. Họ cứ tìm tới mình, than vãn, kể lể, làm tốn thời gian và năng lượng của bản thân mình. Tại sao mình lại phải chịu trách nhiệm với cảm xúc của họ cơ chứ, mình nghĩ vậy. Họ lười biếng và suốt ngày lướt FB nhưng lại than rằng lương thấp, họ làm việc qua loa vớ vẩn nhưng lại chỉ trích sếp không thăng chức cho họ, họ mua sắm đi chơi tẹt ga rồi than vãn thiếu tiền. Với những người hay than, mình chỉ nghe 1, 2 lần và cố gắng đưa ra lời khuyên cho họ, đến lần thứ 3 trở về sau, mình chỉ seen và không buồn trả lời nữa. Họ chỉ trích mình là người lạnh lùng, bạn bè vô tâm, mình cũng chỉ biết lắc đầu cho qua. Một thời gian gặp lại, một là họ đã tự tìm được cách thay đổi bản thân để trở nên tốt hơn vì không tìm được ai để than nữa, hai là họ đã tìm được người khác để than và vẫn tiếp tục than thở như vậy. Nhưng mà mặc kệ chứ! Cuộc đời của mình thì tự chịu trách nhiệm, than với chẳng thở gì.

Với gia đình, mình cũng vậy. Từ khi trưởng thành, mình đã không còn xem ba mẹ như một cỗ máy kiếm tiền cho mình xài nữa, mình cũng không oán trách ba mẹ đã không cho mình được những thứ vật chất hấp dẫn mà mình thích. Mình hiểu được rằng, ba mẹ không thể cho mình tất cả những thứ tốt nhất, nhưng họ đã cho mình tất cả những thứ tốt nhất mà họ có thể. Mẹ gom được 8 triệu để đi du lịch, mình đòi đi học tiếng anh hết 8 triệu, mẹ cũng chấp nhận. Ba gom được 22 triệu, mình cần mua xe máy, ba chỉ mua được cho mình chiếc xe số Sirius nhưng đã là cho hết số tiền ba dành dụm được. 

Mình vui hay buồn, mình tự hào hay xấu hổ về bản thân, mình thành công hay thất bại, tất cả là do bản thân mình nỗ lực đến mức nào, chứ mình không còn bắt gia đình mình phải làm cho mình vui, phải khiến mình tự hào, không thể đổ lỗi mình thất bại là do gia đình không tạo điều kiện, bla bla. 

Mặt khác, mình sẽ lo cho gia đình trong khả năng của bản thân, mình vẫn là con người của trách nhiệm, nhưng mình không còn chịu trách nhiệm về niềm vui hạnh phúc của bất kỳ ai trong gia đình nữa. Mình đã lớn, mình được quyền xăm hình, mình được quyền để tóc ngắn và mặc đồ theo ý muốn. Ba mẹ không thể bắt mình phải đẹp nết na thùy mị để ba mẹ vui. Em mình thèm trà sữa, nếu mình có dư giả mình sẽ mua cho nó, nhưng nếu tháng đó mình kẹt thật thì mình sẽ không mua, mình dạy em mình không được bắt các anh chị phải có bổn phận cung phụng trà sữa hay những thứ em muốn, nó cũng có tiền mẹ cho, thèm thì có thể tự mua nếu không ai mua cho.

✢✢✢✢✢

Nếu bạn đang bắt người khác chịu trách nhiệm cho cảm xúc và sự thành bại của bạn, hãy nhìn lại những hậu quả tệ hại mà mình đã gặp phải và từ bỏ sớm nhất có thể.

Nếu bạn đang bị một (vài) người khác bắt chịu trách nhiệm cho cảm xúc và cuộc đời họ, hãy can đảm học cách từ chối và tránh xa càng xa càng tốt. Ban đầu thì họ sẽ ghét bạn, bạn thì cảm thấy tội lỗi. Nhưng như mình đã nói, họ sẽ tự tìm được cách giải quyết và vượt qua. Việc này về lâu dài sẽ tốt cho cả hai mà.

"Trách nhiệm", tưởng không dễ, mà dễ không tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét