Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

[Review Sách] Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn - Phạm Lữ Ân

"Nếu biết trăm năm là hữu hạn" là một cuốn sách dạng tản văn, trong đó gồm nhiều bài viết nhỏ với nhiều chủ đề khác nhau, thể hiện góc nhìn cuộc sống rất nhẹ nhàng, lý giải mọi thứ nghe chừng khác biệt và lạ lùng nhưng lại hết sức hợp logic của tác giả Phạm Lữ Ân. Phạm Lữ Ân là bút danh chung của cặp vợ chồng tác giả Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy. Họ đã xuất bản nhiều đầu sách, "nếu biết trăm năm là hữu hạn” có vẻ là cuốn sách nổi tiếng và được nhiều bạn đọc yêu thích nhất của tác giả này.

Nhìn thấy bạn trẻ ngày nay đang bị khủng hoảng niềm tin và các giá trị, tác giả đã viết nhiều bài viết để chia sẻ trải nghiệm và cách nhìn của mình một cách cởi mở, thành thật, không định kiến và không áp đặt. Nếu như bạn là một người nhiều phân vân, suy tư và mơ hồ về (những) điều gì đó trong cuộc sống mà bạn không biết phải đúc kết, gọi tên hay diễn đạt nó thế nào, thì "nếu biết trăm năm là hữu hạn” sẽ giúp bạn làm điều đó. Sách nói thay tiếng lòng của nhiều người. Đọc "nếu biết trăm năm là hữu hạn” để nhìn đời, nhìn người một cách bao dung, vị tha và sống một cách dũng cảm, chân thực hơn và biết hy vọng. 

Cuốn sách có giọng văn trong sáng, từ ngữ giản dị, có chọn lọc, câu văn có nhịp điệu, mạch văn logic, dễ hiểu. Mình đặc biệt bị ấn tượng bởi những lập luận chặt chẽ và dẫn chứng thuyết phục của tác giả. Cuốn này nếu học sinh cấp III cần dùng để tham khảo viết văn nghị luận xã hội thì cũng khá là hữu ích. 

Tác giả dùng nhiều trích dẫn từ các tác phẩm thơ ca, văn chương, phim ảnh và câu nói của người nổi tiếng khiến cho mỗi bài viết trở nên sinh động, phong phú, vừa thể hiện vốn hiểu biết của tác giả vừa giúp bạn đọc mở mang thêm nhiều tri thức mới thú vị. Ví dụ như trong bài viết về tình cảm cha mẹ dành cho con cái, tác giả trích dẫn một câu trong cuốn sách "Ba ơi mình đi đâu" của tác giả Jean-Louis Fournier, nhưng thực sự chỉ qua vài ba dòng nhắc đến một cách bình thường tác giả đã khiến mình rất quan tâm đến cuốn sách này và tìm mua nó. Dù rất tiếc vì cuốn "Ba ơi mình đi đâu" hiện tại đã hết hàng nhưng mình cũng đã đọc review về nó và mong muốn một ngày nào đó sẽ mua được cuốn sách này.

Ngoài ra, hai anh chị tác giả cực kì sâu sắc, hiểu biết, khiêm tốn và dịu dàng, đặc biệt những đức tính đó được thể hiện rõ ràng thông qua những câu trả lời phỏng vấn được in trong phần Phụ lục cuối sách (mình thấy phần trả lời phỏng vấn hay không kém gì phần nội dung chính được tác giả viết).

Như mình đã nói, đây là cuốn sách bao gồm nhiều bài viết ngắn nên việc đọc rất nhẹ nhàng và dễ dàng, không nặng nề và khô khan. Bạn hoàn toàn có thể đọc mỗi ngày một, hai bài viết nếu bạn không có nhiều thời gian, bạn cũng có thể đọc đi đọc lại một bài viết chỉ để suy ngẫm về những điều tác giả viết. Không có gì phải vội vàng với "nếu biết trăm năm là hữu hạn”, bạn cứ đọc và cảm nhận, suy ngẫm để thấu, để làm.

🌟🌟🌟

Cụ thể "nếu biết trăm năm là hữu hạn” có gì? Có những bài viết về:
  • Tình cảm gia đình, về ông bà, cha mẹ, về tuổi ấu thơ thật đẹp của mỗi người, về bảo vệ môi trường.
  • Chủ đề nhạy cảm như quan hệ tình dục (bài viết "khoảnh khắc nào thơ dại bỏ ta đi"). Mọi người hay đặt câu hỏi "khi nào là thích hợp để quan hệ tình dục?", nhưng thực ra thời điểm không quan trọng, quan trọng là "với ai". Chúng ta chỉ quan hệ tình dục khi cảm thấy sẵn sàng, đủ tin cậy và tôn trọng.
  • Hạnh phúc (bài viết "đơn giản chỉ là hạnh phúc"). Hạnh phúc là khi biết yêu mình, trân trọng và giữ gìn niềm hạnh phúc của chính mình trước, rồi mới giúp người khác và xã hội hạnh phúc được.
  • Ước mơ. Ước mơ không bao giờ biến mất, nếu không theo đuổi nó, nó sẽ trở lại, khiến ta day dứt, dằn vặt. Vậy sao ta không nghĩ đến nó và thực hiện ngay từ bây giờ.
  • Sự tự tin (bài viết "bản thân chúng là những giá trị có sẵn"). Sự tự tin đến từ sự tự biết mình, trân trọng chính bản thân, từ đó mới có thể tôn trọng người khác và chấp nhận sự riêng biệt.
  • Cái Thiện và Ác (trong bài viết "khi bạn đau lòng, đừng ngại rơi nước mắt"). Người ta không làm việc thiện, không bày tỏ lòng trắc ẩn không phải vì quá bận rộn, lơ đễnh hay ích kỉ. Mà vì người ta không tin rằng hành động của mình sẽ đem lại một kết quả rõ rệt. Nếu biết mình bỏ phiếu để bầu cử mà không được tính, bạn sẽ không muốn đi bỏ phiếu hoặc không thực sự nghiêm túc bỏ phiếu. Nếu bạn cho một đứa trẻ lang thang một bữa ăn và hôm sau đứa bé tiếp tục đói, nếu bạn quét rác cho sạch rồi hôm sau người ta tiếp tục xả,... bạn sẽ không muốn làm nữa. Nhưng giọt nước mắt của bạn sẽ nuôi dưỡng lòng trắc ẩn nơi bạn, và đánh thức lòng trắc ẩn nơi người khác. Và giảm thiểu cái ác, xoa dịu tổn thương mãi mãi là vấn đề của toàn nhân loại, của từng con người trong từng giây ta sống.
  • Hôn nhân. Chúng ta luôn mong được chia sẻ vui buồn, hạnh phúc, khổ đau với ai đó mình thương yêu và yêu thương mình. Đó là một nhu cầu mạnh mẽ. Chúng ta cần nhau cho một cuộc khám phá rất sâu, một cuộc phiêu lưu rất dài. Hôn nhân chính là bằng chứng cao nhất cho sự cần nhau đó. Dù nghĩ về hôn nhân theo cách lạc quan hay bi quan, thì khi thực sự yêu ai đó ta cũng mong muốn gắn kết với người ấy đến cuối cuộc đời.
  • Tiền tài như phấn thổ (bụi đất). Đây là một bài viết nói về cách nhìn nhận đồng tiền, cách xài tiền. Tiền không mua được hạnh phúc không phải vì nó không có đủ sức mạnh, mà vì không ai bán hạnh phúc. Đồng tiền có thể mất giá, nên những gì mua được bằng tiền cũng có thể bị mất giá. Tờ tiền có thể tan thành bụi đất, nên những thứ mua được bằng tiền cũng vậy.
  • Sự thấu cảm. Theo Daniel Goleman, tác giả cuốn sách nổi tiếng "trí tuệ cảm xúc", sự thấu cảm là một phần của trí tuệ xã hội. Và chúng ta đang đánh mất nó. Có vẻ như chúng ta càng ngày càng dựa dẫm vào ngôn ngữ để có thể hiểu nhau. Khi hỏi thăm một ai đó: "Mọi chuyện sao rồi?" và câu trả lời: "Cám ơn. Vẫn tốt" làm chúng ta dễ dàng hài lòng đến nỗi chúng ta bỏ qua những gì có thể nằm sau đó. Sự mệt mỏi nơi khóe môi. Nét buồn trong ánh mắt. Sự nhạy cảm, khả năng thấu cảm của chúng ta giờ đây giống như chiếc ăng ten bị bỏ quên. Nó vẫn ở đó nhưng không ai dùng nó để bắt sóng nữa. Chúng ta dựa vào từ ngữ nhiều đến nỗi, khi ai đó nói rằng ta không hiểu gì về họ cả, ta sẽ trả lời rất nhanh: "bạn không nói làm sao tôi hiểu được" như thể đó hoàn toàn là lỗi của họ. Chúng ta có thể mài giũa trí tuệ xã hội, lấy lại khả năng thấu cảm bằng cách: chuyển sự chú ý của ta sang người ta yêu. Ngay khi ta thực sự chú ý đến họ, ta sẽ ngay lập tức bắt được trường cảm xúc của người ấy. Phía sau lời nói, phía sau biểu hiện, thậm chí phía sau sự yên lặng.
Tóm lại, nếu mình bị giới hạn một năm chỉ được đọc một cuốn sách thì mình sẽ chọn "Nếu biết trăm năm là hữu hạn" để đọc. Mỗi ngày đọc một bài và suy ngẫm, chiêm nghiệm, thực hành theo nó, chắc chắn cuộc sống sẽ tốt lên rất nhiều ở tất cả mọi khía cạnh: tinh thần, sự nghiệp, gia đình, tình yêu, mối quan hệ giữa người với người,... Một lần nữa mình xin khẳng định, "Nếu biết trăm năm là hữu hạn" là một cuốn sách quá hay và đáng đọc.

Nếu biết trăm năm là hữu hạn, bạn còn định lãng phí một ngày, một giờ nào đó trong đời không.
Nếu biết trăm năm là hữu hạn, bạn có định sống thật sâu không.
Nếu biết trăm năm là hữu hạn, bạn sẽ yêu một ai đó thật nhiều không.

-

Xem video trên Youtube: https://youtu.be/XEw3Etb89i4

Mua sách: https://shope.ee/6pSW9r6Gz1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét