Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

[Review sách] Nhà Đầu Tư Thông Minh - Benjamin Graham

Không biết các bạn như thế nào, chứ với mình, trong môi trường mà mình lớn lên, thì mọi người xung quanh mình đều luôn cho rằng đầu tư là một điều gì đó rất xa vời, đầu tư chỉ dành cho những người có rất nhiều tiền dư (tiền nhàn rỗi), đầu tư chỉ phù hợp với những người có máu liều, thích mạo hiểm,... Do bị ám thị như vậy nên hai mươi mấy năm vừa qua mình chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể đầu tư và sẽ đầu tư. Thế nhưng bỗng có một ngày ở tuổi 26 mình nhận ra là:
  • ba mẹ mình đã già và sẽ ngày càng yếu đi
  • mình cần phải lập gia đình, mức sống cao hơn, nhiều gánh nặng hơn
  • đi làm thì áp lực khiến mình khao khát được sớm tự do tài chính
  • và không phải lo lắng tiền bạc khi về già (😗)
Vậy nên mình đã bắt đầu tìm hiểu xem có những cách nào để làm giàu. Thế rồi mình khám phá ra một cách khá an nhàn và bền vững để làm giàu đó chính là ĐẦU TƯ.

Với mọt sách như mình, để bắt đầu đầu tư, mình chọn đọc sách để trang bị kiến thức nền tảng. Giữa một rừng sách về đầu tư, cuốn sách mình muốn tìm hiểu là "Nhà đầu tư thông minh" của Benjamin Graham, bởi vì được nghe giới thiệu là:

Ben Graham là nhà đầu tư giỏi nhất trên đời, là nhà tư tưởng về thực hành đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại. Cuốn "nhà đầu tư thông minh" là cuốn sách đầu tiên miêu tả cho các nhà đầu tư cá nhân nền tảng cảm xúc và các công cụ phân tích thiết yếu cho sự thành công trong tài chính, được mệnh danh là cuốn sách hay nhất về đầu tư từng được viết cho công chúng. 

Mục đích chính của cuốn sách:
  • Hướng dẫn người đọc tránh khỏi các lĩnh vực có thể gặp phải sai lầm lớn và phát triển các phương thức đầu tư mà cảm thấy thoải mái.
  • Giúp người đọc tạo được thái độ đúng về mặt tâm lý, tinh thần đối với các quyết định đầu tư của mình.
  • Tạo cho người đọc khả năng đo lường, xác định số lượng. 
  • Người đọc nên giới hạn mình chỉ mua những chứng khoán phát hành có giá bán không vượt quá xa giá trị tài sản hữu hình của nó.
Nhận xét của cá nhân mình sau khi đọc xong "nhà đầu tư thông minh":

📌 Ưu điểm: Chắc chắn ưu điểm đó là những giá trị to lớn mà phần lý thuyết của sách đem lại. Số lượng sách được bán ra trong vài chục năm qua đã chứng minh những điều Graham viết trong sách là hữu ích, đúng đắn, nên được áp dụng.

📌  Nhưng... Nhược điểm cũng nhiều:
  • Sách quá nặng về lý thuyết, thực sự rất khô khan vì nhiều số liệu. Không rõ là do mình vốn là dân văn vở nên khi đọc sách kinh tế thì gặp khó khăn, hay do sách khô khan và chán thiệt. Đối với mình thì đọc hết được quyển sách kinh tế dày hơn 600 trang này đúng là một sự nỗ lực vượt bậc!
  • Bên cạnh việc dài dòng và khô khan, sách còn có một hạn chế là thiếu diễn giải, thiếu chú thích cần thiết đối với các thuật ngữ. Không phải ai khi đọc cuốn này cũng đã có kiến thức nền tảng về đầu tư, nên mình nghĩ việc giải thích các thuật ngữ là rất cần thiết. Ví dụ như mình là nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới) thì mình chưa biết tỷ số P/E, lạm phát, chứng chỉ quyền mua là gì, nhưng sách thì không chú thích hoặc chú thích không rõ nên việc đọc hơi vất vả. 
  • Đây không nên là cuốn sách dành cho người mới bắt đầu. Nếu bạn hoàn toàn mới bắt đầu thì nên tìm hiểu sơ sơ về đầu tư rồi mới đọc "nhà đầu tư thông minh". Sách này không nói nhiều về kỹ thuật phân tích chứng khoán. Trọng tâm của cuốn này chỉ là giúp bạn nắm được các nguyên tắc đầu tư, những sai lầm nên tránh, thái độ và tâm lý cần có khi đầu tư. Vì vậy, nếu bạn kỳ vọng là sau khi đọc xong hơn 600 trang sách này rồi có thể tự tin cầm tiền đi đầu tư thì ... bạn ... không nên kỳ vọng nữa.
  • Các ví dụ trong sách thì quá xa xôi và quá cổ, toàn là lấy ví dụ về thị trường của Mỹ, từ các năm một chín hồi đó, không cảm thấy gần gũi lắm.
Chốt lại, review chân thật là mua cuốn này mình thấy hơi tiếc tiền và đọc thì thấy hơi tốn thời gian. Nếu mà có ai tóm tắt cho mình thì chắc mình sẽ đọc bản tóm tắt thôi. Vì cơ bản là tác giả đã nói ngay từ đầu là cuốn này không dạy người đọc cách phân tích chứng khoán sao cho mua được các mã cổ phiếu và trái phiếu đảm bảo sinh lời, đến cuối cùng đọc xong mình cũng chỉ cần biết là: mình nên có thái độ đầu tư thế nào cho đúng mực, nên rèn luyện tâm lý gì. Chỉ vậy thôi đó mà đọc một quyển sách dài ngoằng thấy cực quá.

Bây giờ mình sẽ tóm tắt các ý tưởng tinh túy nhất của cuốn "nhà đầu tư thông minh" này.

★★★

PHẦN MỞ ĐẦU
  • Để đầu tư thành công không đòi hỏi chỉ số IQ, hiểu biết kinh doanh sâu sắc khác thường, hay thông tin nội bộ. Để đầu tư thành công, cần có một trí tuệ sáng suốt để đưa ra quyết định, tự đưa ra kỷ luật cho cảm xúc.
  • Để đầu tư thông minh vào chứng khoán, cần chuẩn bị lượng kiến thức kha khá về cách các trái phiếu và cổ phiếu đã thực sự biểu hiện thế nào trong các điều kiện thay đổi.
  • Một quan điểm phổ biến là: chọn những ngành có khả năng cao sẽ phát triển trong tương lai, tìm ra những công ty hứa hẹn nhất trong những ngành đó để mua chứng khoán của các công ty đó. Nhưng, triển vọng rõ ràng về sự phát triển trong một ngành kinh doanh không tự động chuyển thành lợi nhuận chắc chắn cho nhà đầu tư. Không có cách thức đáng tin cậy để lựa chọn và tập trung vào các công ty hứa hẹn nhất trong những ngành hứa hẹn nhất.
CHƯƠNG 1: ĐẦU TƯ - ĐẦU CƠ
Cách thức phân bổ danh mục đầu tư thích hợp đối với nhà đầu tư riêng lẽ không chuyên nghiệp.
  • Chương này phân biệt giữa nhà đầu tư (investor) với nhà đầu cơ (speculator).
  • Hoạt động đầu tư là hoạt động dựa trên sự phân tích kĩ lưỡng, hứa hẹn sự an toàn của vốn và mang lại một phần lời lãi thỏa đáng. Các hoạt động không đáp ứng được các yêu cầu đó là hoạt động đầu cơ.
  • Sự phân biệt giữa đầu tư và đầu cơ đối với chứng khoán luôn là một điều hữu ích.
  • Đầu cơ công khai không phi pháp, phi đạo lý, cũng không phải để làm phồng túi tiền. Một số loại đầu cơ là cần thiết, vì trong nhiều tình huống về cổ phiếu thường, khả năng xảy ra lãi và lỗ đều rất lớn, và rủi ro trong trường hợp đó cần được ai đó gánh chịu.
  • Đầu cơ có ích ở hai khía cạnh:
+ Không có đầu cơ thì những công ty mới không huy động được vốn cần thiết để mở rộng kinh doanh.
+ Rủi ro được hoán đổi mỗi lần chứng khoán được mua/bán. Người mua chịu rủi ro cơ bản là chứng khoán đó có thể đi xuống. Người bán chịu rủi ro là khả năng chứng khoán vừa bán có thể sẽ lên.
  • Kiểu đầu cơ kém thông minh:
+ Đầu cơ trong khi lại nghĩ mình đang đầu tư.
+ Đầu cơ nghiêm túc trong khi thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết.
+ Đánh liều đầu cơ nhiều tiền hơn những gì bạn có thể đáp ứng được khi thua lỗ. 
Nếu muốn thử vận may, hãy dành một khoản - càng nhỏ càng tốt để phục vụ mục đích này. Nhưng đừng bao giờ đổ thêm tiền vào tài khoản này chỉ vì thị trường đã đi lên và lợi nhuận tuôn vào.

1. Nhà đầu tư phòng vệ (an toàn):
  • Giá chứng khoán không bao giờ có thể dự đoán được. Bạn không thể dự đoán được hành vi của thị trường, bạn phải học cách dự đoán và kiểm soát hành vi của bản thân mình.
  • Phương châm thỏa hiệp cơ bản: luôn nắm giữ đáng kể trái phiếu và cổ phiếu, phân chia đơn giản 50 - 50 hoặc 25 - 75.
  • Mua cổ phiếu của một quỹ đầu tư có tiếng thay cho việc tự lập một danh mục đầu tư của mình. 
  • Nếu vốn lớn, có thể sử dụng dịch vụ của một công ty tư vấn đầu tư có tiếng.
  • Phương pháp "bình quân chi phí đô la": dành một khoản tiền cố định mỗi tháng/quý để đầu tư vào các cổ phiếu.
2. Nhà đầu tư xông xáo:
  • Kinh doanh theo thị trường: mua cổ phiếu khi thị trường đi lên và bán khi thị trường đi xuống.
  • 2 phương pháp đầu tư:
- Chọn lọc ngắn hạn: mua cổ phiếu các công ty đang báo giá, đang được trông đợi để báo cáo về lợi tức đã tăng.
- Chọn lọc dài hạn: căn cứ thành tích phát triển xuất sắc trong quá khứ và có nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong tương lai.
  • Chướng ngại của NĐT xông xáo:
- Nhầm lẫn dự báo
- Cạnh tranh.
Trên lý thuyết, một NĐT có thể lãi khi dự báo đúng trong khi cả thị trường dự báo sai.
  • Mua 1 cổ phiếu phát hành bị quên lãng, định giá thấp, để kiếm lời là một việc kéo dài và thứ thách lòng kiên nhẫn.
  • Bạn chỉ nên đầu tư nếu vẫn thoải mãi khi sở hữu một cổ phiếu cho dù không biết giá cổ phần hàng ngày của nó.
  • NĐT kiếm tiền cho bản thân, nhà đầu cơ kiếm tiền cho nhà môi giới => Wall Street hạ thấp các phẩm chất bền bỉ của sự đầu tư và tăng sự hấp dẫn màu mè của sự đầu cơ.
  • Mạo hiểm là một phần của bản chất con người vô ích khi cố kìm nén. Nhưng phải kìm giữ và hạn chế nó. 10% tổng tài sản là lượng tối đa có thể chấp nhận được để đặt vào đầu cơ.

CHƯƠNG 2: NHÀ ĐẦU TƯ VÀ LẠM PHÁT

Trong sách không giải thích lạm phát là gì (thì mình cũng đã nhận xét ở trên rồi đó, sách này không chú giải gì mấy), theo như mình hiểu một cách đơn giản thì lạm phát là đồng tiền bị mất giá, sức mua của đồng tiền giảm. Kiểu như, năm 2002 mua một ổ bánh mì là 3,000đ nhưng năm 2022 là 15,000đ, hoặc với 10,000đ vào năm 2000 thì mua được 5kg rau nhưng chỉ mua được 1kg vào năm 2022.

Các cách để bảo vệ tiền của chúng ta:
  • Mua cổ phiếu, trái phiếu
  • Mua vàng
  • Mua bất động sản
Bạn phải coi trọng việc đo lường thành công trong đầu tư của bạn không chỉ bằng những gì bạn làm ra, mà còn bằng những gì bạn giữ được sau lạm phát.

CHƯƠNG 3: MỘT THẾ KỈ TRONG LỊCH SỬ CHỨNG KHOÁN: CÁC MỨC GIÁ CỔ PHIẾU VÀO ĐẦU 1972
  • Nhà đầu tư thông minh không bao giờ được dự đoán tương lai chỉ bằng cách suy diễn từ quá khứ.
  • Giá trị của bất kì đầu tư nào cũng luôn luôn là hàm số của cái giá mà bạn trả cho nó. Không bao giờ cổ phiếu đáng được mua với bất cứ giá nào. Vì lợi nhuận các công ty có thể đạt được là hữu hạn, giá cả mà nhà đầu tư sẵn sàng trả cho cổ phiếu cũng phải hữu hạn.
  • Hãy giảm các kỳ vọng của mình xuống, nhưng cũng đừng quên hy vọng.
CHƯƠNG 4: PHƯƠNG CHÂM PHÂN BỔ DANH MỤC ĐẦU TƯ CHUNG: NĐT PHÒNG VỆ

Một nguyên tắc lâu đời: Những ai không có khả năng liều lĩnh nên hài lòng với mức sinh lợi tương đối thấp từ quỹ đầu tư của mình ➡ Mức sinh lợi tỷ lệ thuận mức rủi ro NĐT có thể chấp nhận.

Nhưng Ben có quan điểm khác: Mức sinh lợi cần tìm kiếm phải phụ thuộc vào lượng nỗ lực thông minh mà NĐT sẵn sàng và có thể đặt vào công việc của mình. 
  • Mức sinh lợi tối thiểu danh cho NĐT thụ động, người muốn cả an toàn và thoải  mái không phải lo nghĩ.
  • Mức sinh lợi tối đa sẽ được hiện thực hóa bởi NĐT nhạy bén và mạo hiểm, người sử dụng tối đa sự thông minh và kỹ năng của mình.
*Việc phân bổ trái phiếu - cổ phiếu: 50 - 50, duy trì mức phân chia ngang bằng giữa trái phiếu và cổ phiếu.
➡ Đây là sự phân bổ hợp lí với NĐT phòng vệ:
  • Cực kì đơn giản, chắc chắn nhắm đúng hướng.
  • Tạo cho người làm theo nó cảm giác là ít nhất anh ta đang có một số hành động để phản ứng với diễn biến của thị trường.
  • Ngăn anh ta khỏi bị lôi cuốn nhiều hơn vào các cổ phiếu thường trong khi thị trường đang lên.
Thông thường: việc liều đầu tư bao nhiêu phụ thuộc chủ yếu vào độ tuổi của bạn. Lấy 100 - số tuổi = số % đầu tư vào cổ phiếu, còn lại vào trái phiếu.

Nhưng, Ben quan niệm khác: Tại sao tuổi của bạn lại có thể quyết định những gì bạn nên liều?

Cho dù trẻ cỡ nào, bạn có thể bỗng nhiên cần phải rút tiền ra. Bạn có thể mất việc, phải li dị, tàn tật hoặc chịu bất kì một bất ngờ nào. Những điều không lường trước có thể rơi vào bất cứ ai, vào bất cứ tuổi nào. Tất cả mọi người đều phải giữ một số tài sản dưới dạng tiền mặt an toàn tuyệt đối.

Để hiểu rõ hơn về lượng rủi ro có thể chịu được, hãy nghĩ về những hoàn cảnh cơ bản trong đời sống của bạn, khi nào chúng sẽ có ảnh hưởng, khi nào chúng sẽ thay đổi, và chúng sẽ có khả năng tác động như thế nào tới sự cần tiền mặt của bạn.
  • Bạn độc thân hay kết hôn? Vợ/chồng của bạn làm gì để kiếm sống?
  • Có/sẽ có con? Khi nào đến hạn đóng học phí?
  • Bạn có được thừa kế? hay chịu trách nhiệm tài chính cho bố mẹ già yếu?
  • Yếu tố có thể tác động xấu tới sự nghiệp?
  • Nếu bạn làm chủ, các công ty tương tự như của bạn thường tồn tại được bao lâu?
  • Bạn có cần các đầu tư của mình để bổ sung cho thu nhập tiền mặt không?
  • Với mức lương và nhu cầu tiêu của bạn, bạn có thể mất bao nhiêu vào các đầu tư của mình?
➡ Xem xét các yếu tố trên, nếu thấy mình có thể chịu rủi ro cao hơn thì tỷ lệ đầu tư là 75% cổ phiếu, 25% trái phiếu; nếu thấy mình không thể chịu rủi ro cao thì tỷ lệ đầu tư là 75% trái phiếu, 25% cổ phiếu.
  • Một khi đã thấy được tỷ lệ mục tiêu, chỉ được thay đổi khi hoàn cảnh đời sống của bạn thay đổi. Đừng mua thêm cổ phiếu chỉ vì thị trường cổ phiếu đã đi lên, đừng bán chỉ vì thị trường đi xuống.
  • Cốt lõi phương pháp của Graham là thay thế sự phỏng đoán bằng kỉ luật.
  • Ngoài ra, nên nhớ tái cân bằng tỷ lệ này 6 tháng/lần.
CHƯƠNG 5: NHÀ ĐẦU TƯ PHÒNG VỆ VÀ CỔ PHIẾU THƯỜNG

4 quy tắc cho thành phần cổ phiếu thường: 
  • Sở hữu ít nhất 10 và nhiều nhất là 30 cổ phiếu khác nhau.
  • Chọn công ty lớn, nổi bật, được tạo nguồn vốn một cách thận trọng.
  • Mỗi công ty nên có thành tích lâu dài về việc thanh toán cổ tức liên tục.
  • Nên thiết lập giới hạn lên mức giá sẽ trả cho một cổ phiếu được phát hành, tính theo lợi nhuận trung bình của nó trong khoảng 7 năm.
* Cổ phiếu tăng trưởng: Cổ phiếu đã tăng lợi tức trên mỗi cổ phiếu của mình trong quá khứ với mức cao hơn cho các cổ phiếu thường, được trông đợi sẽ tiếp tục tăng như vậy trong tương lai ➡ Rất hấp dẫn để mua và sở hữu. 

Vì các cổ phiếu tăng trưởng từ lâu đã được bán với mức giá cao so với lợi tức hiện tại và ở các hệ số nhân cao hơn so với lợi nhuận trung bình của chúng trong một thời kì quá khứ 
➡ Chọn nhóm các công ty lớn tương đối ít được ưu chuộng và có thể được mua với các P/E hợp lý.

* Bình quân chi phí đô la: 
  • Đặt cùng một lượng tiền mỗi tháng vào việc mua một hoặc nhiều loại cổ phiếu thường.
  • Đặt một khoản tiền nhất định vào một khoản đầu tư tại các thời điểm đều đặn. Mỗi tuần/tháng/quý, bạn mua thêm cho dù thị trường đã (hoặc sắp) đi lên, đi xuống, đi ngang.
- Nếu thị trường xuống  lượng cổ phiếu mua được nhiều hơn.
- Nếu thị trường lên → mua được ít cổ phiếu hơn.
➡ HÃY MUA MỘT CÁCH KỶ LUẬT.
Lượng hàng tháng có thể nhỏ, nhưng kết quả sau 20 năm (hoặc hơn nữa) có thể rất ấn tượng và quan trọng đối với người tiết kiệm.

* Mua cổ phiếu:

1/ Mua qua web/app môi giới trực tuyến chuyên môn hóa
  • Phí thấp nếu mua định kỳ
  • Bán nhanh là điều xấu trong đầu tư (vì phí cao)
  • Có phí giao dịch. Nhưng nếu đấy là tất cả những gì bạn có thể bỏ ra để giúp đa dạng danh mục đầu tư thì phí giao dịch là đáng trả.
2/ Mua cổ phiếu lẻ từ công ty phát hành ra chúng (lưu ý về thuế)
3/ Mua cổ phiếu thông qua nhà môi giới chi phí thấp. Phải nghiên cứu xem nhà tư vấn có đáng tin cậy và phí hợp lý không.
4/ Các quỹ tương hỗ bám theo chỉ số.

CHƯƠNG 6: PHƯƠNG CHÂM PHÂN BỔ DANH MỤC ĐẦU TƯ CHO NĐT MẠNH BẠO: CÁCH TIẾP CẬN TIÊU CỰC

*Điều không nên làm: 
1. Mua các trái phiếu có tỷ suất lợi tức cao. Phí cao, kém trong việc bảo toàn lượng vốn đầu tư ban đầu.
2. Nếu kinh doanh chứng khoán sẽ bị nhiều chi phí giao dịch, ăn mòn lợi nhuận, thuế cao.
3. Mua các IPO (initial public offering - phát hàng ra công chúng lần đầu), vì:
  • Có rất nhiều thua lỗ.
  • Khó để có lợi nhuận cao (lợi nhuận đã bị thâu tóm bởi các bên khác, chưa đến lượt bạn).
  • Bạn chỉ có thể tiếp cận được với các IPO sau khi cổ phiếu của chúng đã vượt quá xa so với mức giá độc quyền ban đầu, các kết quả của bạn sẽ rất tồi tệ.
  • Cho dù có bao nhiêu người khác muốn mua một chứng khoán, bạn chỉ nên mua chứng khoán đó nếu đó là một cách rẻ để sở hữu một doanh nghiệp đáng giá.
CHƯƠNG 7: PHƯƠNG CHÂM PHÂN BỔ ĐẦU TƯ CHO NĐT MẠNH BẠO: MẶT TÍCH CỰC

*Cách tiếp cận cổ phiếu tăng trưởng:
  • Tỷ lệ giá/lợi tức >20 lần.
  • Giới hạn giá mua là 25 lần lợi tức trung bình trong 7 năm qua. Công chúng càng thích với nó, và sự tăng giá của nó càng nhanh bao nhiêu so với sự tăng lợi tức thực, thì nó càng trở thành một đầu tư rủi ro.
* 3 lĩnh vực gợi ý:

1. Công ty lớn nhưng tương đối ít được ưa chuộng.
2. Mua chứng khoán phát hành giá hời: Giá trị bán của nó giảm ít nhất hơn 50% so với giá của nó. Kiểm định giá bằng:
  • Phương pháp định giá: ước tính lợi tức tương lai, nhân nó với một hệ số thích hợp đối với phát hành cụ thể đó. Nếu kết quả giá trị đủ cao hơn giá thị trường → có thể coi là chứng khoán giá hời.
  • Kiểm định giá trị doanh nghiệp: giá trị có thể chuyển hóa thành tiền của các tài sản, tài sản ròng/vốn lưu động.
3. Những tình huống đặc biệt, hay "tái cơ cấu nợ": Công ty bị mua lại, bị kiện pháp lý.

- Các công ty càng tăng trưởng nhanh thì chứng khoán của các công ty đó càng trở nên đắt hơn.
- Một công ty tuyệt không phải một đầu tư tuyệt nếu bạn phải trả giá quá cao cho chứng khoán của nó.
- Cái gì càng trở nên lớn thì càng phát triển chậm hơn.
- Không mua cổ phiếu tăng trưởng khi tỷ lệ giá/lợi tức tăng hơn 25 hoặc 30.

CHƯƠNG 8: NĐT VÀ CÁC DAO ĐỘNG THỊ TRƯỜNG
  • Khác biệt thực tế giữa NĐT và nhà đầu cơ là ở thái độ của họ với các động thái của thị trường chứng khoán. 
  • Mối quan tâm chủ yếu của nhà đầu cơ là dự đoán và thu lợi từ những dao động của thị trường. 
  • Mối quan tâm chủ yếu của nhà đầu tư nằm trong việc mua và giữ những chứng khoán phù hợp với mức giá phù hợp.
  • Mục đích chính của việc đầu tư không phải kiếm nhiều tiền hơn trung bình, mà là kiếm đủ tiền để phục vụ nhu cầu của mình. 
  • Cách tốt nhất để đo sự thành công đầu tư của mình không phải là xem bạn có thắng thị trường hay không, mà là bạn đã thực hiện được một kế hoạch tài chính và kỷ luật về hành vi có thể đưa bạn đến nơi cần đến chưa.
  • Hãy dùng cách bình quân chi phí đô la và tái cân đối.
  • Đặt phần lớn danh mục đầu tư của bạn dưới dạng tự động, có thể chống lại việc nghiện các dự báo, tập trung vào mục đích tài chính dài hạn, bỏ qua những dao động tâm lý của thị trường.
CHƯƠNG 9: ĐẦU TƯ VÀO CÁC QUỸ ĐẦU TƯ
  • Quỹ tương hỗ (quỹ mở): quỹ có thể hoàn trả tiền vốn theo yêu cầu của người nắm giữ vốn, tại mức giá trị tài sản ròng.
  • Quỹ đóng: quỹ với cổ phần không thể hoàn trả lại tiền vốn.
*Phân loại quỹ đầu tư:

- Theo sự phân chia danh mục đầu tư chung:
  • Quỹ cân đối: có thành phần trái phiếu đáng kể.
  • Quỹ cổ phiếu: nắm giữ hầu hết cổ phiếu.
  • Quỹ phòng vệ.
  • Quỹ trái phiếu.
- Theo mục tiêu: Mục đích chính của quỹ là:
  • Lợi nhuận
  • Sự ổn định giá
  • Sự tăng vốn (tăng trưởng)
- Theo cách bán:
  • Quỹ cộng phí bán.
  • Quỹ không cộng phí bán.
Các quỹ mở tương đối rẻ, tiện lợi, đa dạng, được quản lý chuyên nghiệp. Làm cho việc đầu tư dễ dàng, các quỹ đã đưa nhiều gia đình trên khắp thế giới vào dòng chảy đầu tư. Đây là tiến bộ vĩ đại nhất trong nền dân chủ tài chính.

Nhưng các quỹ mở không phải hoàn hảo.
Hầu hết hoạt động kém thị trường nói chung, tính phí quá cao, thất thường về kết quả hoạt động.
➡ NĐT phải chọn quỹ một cách rất cẩn thận để tránh việc sở hữu một đống hỗn tạp.
Hầu hết NĐT mua một quỹ bởi nó đang đi lên nhanh, dựa trên giả định là nó sẽ còn tiếp tục như vậy. Việc mua quỹ dựa trên kết quả hoạt động trong quá khứ là việc ngớ ngẩn.
Dù sao, quỹ mở cũng cung cấp một phương thức tiết kiệm để đa dạng hóa các cổ phần của bạn, giúp bạn có thêm thời gian làm việc khác thay vì ngồi tự chọn chứng khoán cho mình.

*Các điều cần xem xét khi mua một quỹ:
  • Các chi phí
  • Đánh giá rủi ro
  • Danh tiếng của nhà quản lý
  • Kết quả hoạt động
Tránh những quỹ với tỷ suất lợi nhuận quá khứ luôn luôn kém.
Hãy giữ một quỹ đầu tư về chỉ số trong 20 năm hoặc hơn, thêm tiền vào mỗi tháng, thì bạn gần như hoàn toàn chắc chắn mình sẽ vượt qua phần lớn các NĐT chuyên nghiệp và cá nhân.
Nếu bạn không sẵn sàng để gắn bó với một quỹ trong ít nhất 3 năm đầy đủ, ngay từ đầu bạn không nên mua nó. Sự kiên nhẫn là đồng minh hùng mạnh nhất của NĐT quỹ.

CHƯƠNG 10: NĐT VÀ CÁC CỐ VẤN

Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp nếu có một số dấu hiệu:

1. Thua lỗ nặng: danh mục đầu tư mất hơn 40% trong khoảng 2 năm.
2. Ngân quỹ thủng: một nhà tư vấn có thể giúp bạn kiểm soát tiền của mình bằng cách thiết kế một kế hoạch tài chính toàn diện, nó sẽ phác thảo ra việc bạn nên chi tiêu, vay nợ, tiết kiệm và đầu tư như thế nào và bao nhiêu.
3. Các danh mục đầu tư hỗn loạn: nếu tất cả cổ phiếu của bạn đi lên và đi xuống cùng lúc với nhau thì bạn thiếu sự hài hòa đầu tư mà sự đa dạng hóa đích thực đem tới ➡ Cần một kế hoạch "phân bổ tài sản".
4. Những thay đổi lớn: tự kinh doanh, kế hoạch nghỉ hưu, trả tiền cho con vào Đại học,...

CHƯƠNG 11: PHÂN TÍCH CHỨNG KHOÁN ĐỐI VỚI NĐT KHÔNG CHUYÊN: CÁCH TIẾP CẬN CHUNG

5 Nhân tố định giá một chứng khoán: 

1. Triển vọng dài hạn:
- Hãy tải xuống báo cáo hàng năm của năm năm, trả lời hai câu hỏi:
+ Cái gì làm cho công ty đó tăng trưởng?
+ Lợi nhuận của công ty đến (và sẽ đến) từ đâu?
- Xem xét điểm mạnh, điểm yếu. Các dấu hiệu tốt: Lợi thế cạnh tranh rộng, bản sắc thương hiệu mạnh, sự độc quyền, lợi thế kinh tế nhờ quy mô,...
- Doanh thu và lợi nhuận ròng có tăng một cách trơn tru và đều đặn trong 10 năm trước đây? Nếu lợi tức tăng ở mức dài hạn 10% trước thuế (hay 6-7% sau thuế) thì có lẽ bền vững.
- Công ty có chi tiền cho Nghiên cứu & Phát triển.

2. Chất lượng và sự thực hiện quản trị:
- Hãy đọc báo cáo hàng năm trong quá khứ để xem các nhà quản lý đã đưa ra những dự báo nào và họ có hoàn thành được không.
- Liệu những người đang điều hành công ty có hành động vì lợi ích của cổ đông?
+ Nếu một công ty định giá lại/tái phát hành các hợp đồng quyền mua cổ phiếu cho người nội bộ → tránh xa. 
+ Kiểm tra các nhà quản lý cấp cao và giám đốc cty có mua/bán cổ phiếu không? Có t hể có các lý do chính đáng cho một người nội bộ bán ra (đa dạng hóa đầu tư, muốn có nhà to hơn, giải quyết vụ ly hôn,...), nhưng những vụ bán lớn nhiều lần là BÁO ĐỘNG. Một nql không thể là đối tác hợp pháp của bạn nếu anh ta cứ tiếp tục bán ra trong khi bạn thì đang muốn mua vào.
+ Các nhà quản lý cần phải dành phần lớn thời gian của mình để điều hành cty một cách kín đáo chứ không phải để quảng cáo nó với công chúng đầu tư. Cty nên cung cấp nhiều chi tiết hơn về ngân quỹ hiện tại và các kế hoạch dài hạn của họ.
+ Kế toán có cho kết quả tài chính minh bạch không? Các chi phí "không định kì" cứ luôn là định kì, các mục "đột xuất" cứ nổi lên liên tục, các từ "thu nhập trước thuế", lãi vay, khấu hao tài sản, chiếm ưu tiên hơn là lợi nhuận ròng, hoặc lợi tức "dự đoán theo lệ" được dùng để che đậy thua lỗ thực sự.

3. Sức mạnh tài chính và cơ cấu vốn:
- Cty tạo ra nhiều tiền hơn là tiêu xài  cty tốt.
- Hãy đọc báo cáo về các dòng tiền trong báo cáo năm của cty. Tiền từ các hoạt động có tăng đều đặn trong suốt 10 năm qua không?
- Nếu lợi tức người sở hữu trên 1 cổ phiếu tăng ở mức trung bình đêu đặn ít nhất là 6% hoặc 7% trong vòng 10 năm qua thì cty là một cái máy tạo ra tiền ổn định, triển vọng phát triển tốt.
- Nhìn vào cơ cấu vốn: 
+ Xem bảng cân đối xem bao nhiêu nợ.
+ Nợ dài hạn phải dưới 50% tổng số vốn. 
+ Xác định liệu nợ dài hạn có lãi suất cố định (trả lãi không đôi) hay thay đổi (tốn kém nếu lãi tăng).
- Nên từ bỏ nếu như cty không trả cổ tức.

CHƯƠNG 12: NHỮNG ĐIỀU CẦN ĐƯỢC SUY XÉT VỀ LỢI TỨC TRÊN 1 CỔ PHIẾU

*Lời khuyên: Đừng coi trọng quá mức lợi tức của một năm đơn lẻ nào đó.
  • Hãy sử dụng lợi tức trung bình từ 7-10 năm.
  • Phải hết sức kiên nhẫn, cẩn thận khi phân tích báo cáo tài chính của một doanh nghiệp vì họ có thể đánh lạc hướng bạn, lắt léo, mập mờ, vi phạm các nguyên tắc kế toán.
  • Một số cách giúp bạn tránh mua phải chứng khoán dỏm:
+ Hãy đọc ngược từ cuối lên đầu. Bất cứ điều gì mà cty không muốn bạn tìm ra đều được vùi lấp ở phía sau.
+Hãy đọc các ghi chú, chú giải. Hãy dè chừng các thông báo về nợ, hợp đồng quyền chọn mua/bán cổ phiếu, cho khách hàng vay, dự trữ phòng lỗ. Nếu gặp những từ "được vốn hóa", "được hoãn lại", "tái cấu trúc", "bắt đầu", "thay đổi", "tuy nhiên",...  cần phải khảo sát tiếp.

CHƯƠNG 13: SO SÁNH 4 CÔNG TY NIÊM YẾT

Trong chương này, tác giả lấy 4 cty ra để phân tích  quyết định nên chọn đầu tư vào cổ phiếu nào.

7 yêu cầu về mặt thống kê để được đưa vào danh mục đầu tư của một NĐT phòng vệ:
  1. Quy mô phù hợp
  2. Một vị thế tài chính đủ mạnh
  3. Cổ tức đều đặn ít nhất 20 năm gần đây
  4. Không có thâm hụt lợi tức trong 10 năm gần đây
  5. Tăng trưởng 10 năm ở mức ít nhất 1/3 đối với lợi tức trên mỗi cổ phiếu.
  6. Giá chứng khoán không cao hơn 1,5 lần giá trị tài sản ròng.
  7. Giá không cao hơn 15 lần lợi tức trung bình của 3 năm gần đây.

CHƯƠNG 14: LỰA CHỌN CHỨNG KHOÁN ĐỐI VỚI NĐT PHÒNG THỦ
2 cách tiếp cận:
- Mua cùng một số lượng toàn bộ 30 cổ phiếu trong chỉ số trung bình.
- Áp dụng một bộ tiêu chuẩn đối với mỗi lần mua
  1. Quy mô: Doanh số năm không ít hơn 100 triệu $ đối với một cty công nghiệp, không ít hơn 50tr % đối với một cty cung cấp tiện ích công cộng.
  2. Tình hình tài chính đủ mạnh: tài sản có hiện tại phải ít nhất gấp đôi tài sản nợ hiện tại (tỷ lệ 2 trên 1). Nợ dài hạn không được vượt tài sản có ròng hiện tại (vốn lưu động). 
  3. Sự ổn định của lợi tức (của 10 năm gần đây)
  4. Lịch sử trả cổ tức: không gián đoạn trong ít nhất 20 năm gần đây.
  5. Tăng trưởng cổ tức: Mức tăng ít nhất 1/3 về lợi tức trên một cổ phiếu trong 10 năm gần đây sử dụng mức trung bình của 3 năm vào lúc bắt đầu và kết thúc.
  6. Tỷ lệ giá/lợi tức: Giá không quá 15 lần lợi tức trung bình của 3 năm gần nhất.
  7. Tỷ lệ giá/tài sản có vừa phải. Giá hiện tại không được >1,5 lần giá trị sổ sách gần nhất.
Tỷ số lợi tức/giá tổng cộng (nghịch đảo của P/E) ít nhất bằng với lãi suất trái phiếu cấp cao hiện tại.

CHƯƠNG 15: LỰA CHỌN CHỨNG KHOÁN ĐỐI VỚI NĐT MẠNH BẠO
  • Giá hiện tại của thị trường chứng khoán trên thực tế không chỉ phản ánh các sự kiện quan trọng về kết quả hoạt động của cty trong quá khứ và hiện tại, mà còn cả các kỳ vọng về tương lai của chúng  Rất khó dự đoán. Các chuyển động của giá là hoàn toàn bất ngờ và ngẫu nhiên.
  • Các nhà phân tích thường tìm kiếm các ngành công nghiệp, cty có triển vọng tăng trưởng tốt nhất và mua với bất kì giá nào nhưng tránh các ngành công nghiệp, các cty kém hứa hẹn hơn bất kể giá cổ phiếu của chúng có thấp bao nhiêu đi nữa ➡ Nhưng, cực kì ít cty có tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong những giai đoạn dài. Đối với hầu hết cty đều có thăng, trầm, trồi sụt.
- Đại đa số những người thử chọn chứng khoán đã hiểu được rằng họ không giỏi như họ đã tưởng.

*Ben Graham bày cho bạn cách thực hành như sau:
  • Dành 1 năm theo dõi và lựa chọn chứng khoán (không dùng tiền thật)
  • Sau 1 năm, thử so kết quả của bạn với kết quả mà bạn có nếu như đầu tư vào một quỹ chỉ số.
  • Nếu bạn không cảm thấy thích thú sự thử nghiệm hoặc kết quả của bạn kém  hãy tìm một quỹ chỉ số, đừng lãng phí thời gian của bạn vào việc lựa chọn chứng khoán.
- Hãy nhìn vào tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC). 10% là hấp dẫn.

* Một chút Kỹ thuật: 
  • Xem các nhà quản lý tiền tệ chuyên nghiệp hàng đầu nào đang sở hữu đúng những chứng khoán bạn đang sở hữu.
  • Xem báo cáo gần đây của các quỹ đó. Xem họ đang sở hữu chứng khoán nào để học hỏi.
CHƯƠNG 16: CÁC PHÁT HÀNH CHỨNG KHOÁN CHUYỂN ĐỔI VÀ CHỨNG CHỈ QUYỀN MUA CỔ PHIẾU
  • Trái phiếu chuyển đổi là trái phiếu có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu. Trái phiếu chuyển đổi có mức lãi suất thấp hơn so với hầu hết các trái phiếu tương tự khác. Trái phiếu chuyển đổi là "cổ phiếu cho những kẻ nhát gan".
  • Chứng chỉ quyền mua cổ phiếu (stock - option warrant): các quyền dài hạn để mua các cổ phiếu thường ở mức giá quy định.
  • Việc phát hành CCQM chẳng phục vụ cho mục đích nào cả, ngoài việc tạo ra các giá trị thị trường ảo.
CHƯƠNG 17: 4 BỆNH ÁN BỔ ÍCH

Trong chương này, tác giả dẫn ra 4 trường hợp - 4 công ty có dấu hiệu không bền vững, nếu gặp cty nào có dấu hiệu tương tự thì không nên đầu tư vào.

Penn Central Co. : ví dụ về việc bỏ qua các tín hiệu cảnh báo sơ đẳng nhất về sự yếu kém tài chính. Công ty đã không đóng thuế thu nhập suốt 11 năm → phải đặt câu hỏi về tính xác thực của lợi nhuận được báo cáo của cty.
Ling-Temco-Vought Inc: một ví dụ cực đoan về việc "xây dựng đế chế" một cách nhanh chóng và không bền vững, chắc chắn sụp đổ nhưng lại được giúp đỡ bởi sự cho vay tiền không phân biệt của 2 ngân hàng.
NVF Corp.: một ví dụ cực đoan về tiếp quản cty, trong đó 1 cty nhỏ đã hấp thụ một cty khác lớn gấp 7 lần nó về quy mô, do vậy đã phải chịu những khoản nợ khổng lồ và phải sử dụng một số mưu mẹo kế toán gây sửng sốt.
AAA Enterprises: 1 ví dụ cực đoan về sự huy động vốn bằng chứng khoán phát hành ra công chúng của một cty nhỏ. Giá trị của cty này chỉ dựa trên cụm từ thần diệu "nhượng quyền thương mại" và không có gì khác ngoài điều đó, được tài trợ bởi các cty buôn bán chứng khoán lớn. Phá sản đã xảy ra trong vòng 2 năm kể từ khi bán ra chứng khoán và sự tăng gấp đôi của mức giá đã được thổi phồng ngay từ đầu tại một thị trường chứng khoán bất cẩn.

★★★

Còn 3-4 chương cuối sách nữa nhưng mà (vẫn) lại là lười nên mình không viết tiếp nữa.

Tóm lại, sau một tháng miệt mài đọc cuốn "Nhà Đầu Tư Thông Minh" dày cộp này thì mình kết luận đây là một cuốn sách hay, đáng đọc, tuy nhiên điều kiện đầu vào là bạn đọc cần có chút kiến thức về chứng khoán để có thể hiểu được nội dung sách, cần nhiều kiên nhẫn để tiếp nạp lượng dữ liệu khủng được đề cập tới trong cuốn này.

Nếu bạn có gợi ý về cuốn sách nào khác hay ho về chủ đề đầu tư thì để lại bình luận cho mình biết với nha!

-

Xem video trên Youtube: https://youtu.be/5VXPIRAvhH8

Mua sách: https://shope.ee/1q5qXaco7Q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét