Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

[Review & tóm tắt sách] Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống - Dale Carnegie

REVIEW

Nếu bạn là một người hay lo lắng, phiền muộn, "Quẳng gánh lo đi và vui sống" có thể là cuốn sách dành cho bạn. Đến với cuốn sách này, bạn sẽ được biết đến: Những điều cơ bản về lo lắng, phiền muộn, tác hại của lo lắng, phương pháp phân tích và giải quyết rắc rối, cách để bớt lo lắng bị chỉ trích, hoặc giảm lo lắng về tiền bạc, và những cách để tâm hồn bình yên.

Dale Carnegie rất thích kể chuyện người thật việc thật để minh họa cho mỗi ý trong sách, cái gì cũng phải có dẫn chứng, đây là một điểm tốt bởi vì giúp cho thông tin trong sách đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, cũng bởi cuốn sách tràn ngập những câu chuyện, nên nhiều khi tạo cảm giác khá mệt mỏi khi đọc. Khi mình chỉ muốn biết, làm sao để hết âu lo, thì ông Dale kể hết chuyện người này tới chuyện người khác, mãi mới chốt lại được một câu, đọc sốt ruột lắm. Nhưng được cái là dù nói dông dài lan man nhưng cuối mỗi phần đều có một trang tổng kết lại nội dung của phần đó, và thật kinh ngạc khi tất cả những gì bạn cần nhớ đều chỉ nằm trong những trang đúc kết đó, rất ngắn gọn súc tích. Nếu bạn lười đọc nguyên cuốn sách dày hơn 400 trang, có khi bạn chỉ cần mở những phần tổng kết đó ra đọc là đã nắm được toàn bộ thông điệp của sách rồi.

Mục đích của cuốn sách này cũng không có ý định nói cho các bạn điều gì đó mới mẻ. Những điều tác giả nói trong cuốn sách này mình nghĩ các bạn cũng đã nghe, đã đọc đã biết hết rồi. Cuốn sách chỉ nhằm nhắc nhở, gợi nhớ bạn về những điều bạn đã biết hết nhưng có thể bạn không để ý và để bạn có thể vận dụng nó phần nào trong cuộc sống này. 

Nếu như nghe/đọc thoáng qua, bạn sẽ có cảm tưởng như những thứ trong cuốn sách này rất sáo rỗng, giáo điều, quá lý thuyết hoặc lỗi thời (ban đầu mình cũng có cảm giác như vậy), nhưng khi nghiêm túc chiêm nghiệm và kiên nhẫn thực hành, bạn sẽ nhận ra những điều tưởng chừng như nhảm nhí ấy lại phát huy tác dụng đến bất ngờ. Vì vậy, mình mong các bạn hãy đón nhận cuốn sách này với sự cởi mở, thoải mái và quan trọng là cố gắng thực hành, dù chỉ là chọn một, hai điều nhỏ nhỏ trong sách để thực hành thôi.

TÓM TẮT SÁCH

"Chúng ta trưởng thành với sự chuẩn bị ít ỏi để đối phó với vô vàn những trải nghiệm đầy áp lực."

Phần 1 - Những điều cơ bản về những nỗi lo lắng, phiền muộn

1. Sống trong những khoảng thời gian khép kín của hiện tại:

Bi kịch con người hay gặp nhất là có xu hướng đánh mất cuộc sống của mình, luôn mơ tưởng đến những vườn hồng kỳ diệu ở phía chân trời thay vì tận hưởng vẻ đẹp rực rõ của những cánh hoa hồng mọc ngay ngoài cửa sổ nhà mình. 

Nếu bạn muốn tránh những ưu phiền, hãy sống trong một "khoảng thời gian khép kín của hiện tại". Đừng quá lo nghĩ về quá khứ và tương lai. Hãy sống thật tốt ngày hôm nay.

2. Những phương cách kỳ diệu giúp bạn giải quyết âu lo:

Nếu bạn đang gặp phải một vấn đề khiến bạn vô cùng lo lắng, hãy làm 3 bước sau:

  • Tự hỏi mình: Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
  • Chuẩn bị tinh thần chấp nhận điều đó.
  • Bình tâm lại và tìm cách cải thiện tình hình.

3. Lo lắng sẽ gây ra tác hại gì?

  • Những cảm xúc lo lắng và sợ hãi chính là nguyên nhân của bệnh tâm thần/thần kinh/suy nhược. Những người hay lo lắng và mệt mỏi thường không có khả năng thích nghi và chấp nhận sự thật, họ tách biệt khỏi những người xung quanh và chui vào sống trong một thế giới mà họ tự tưởng tượng để tránh mọi ưu phiền.
  • Lo âu có khả năng làm cho người mạnh mẽ nhất cũng phải suy sụp. 
  • Lo âu còn có thể khiến bạn bị phong thấp, sưng khớp xương, thậm chí có thể gây bệnh sâu răng.

Hãy luôn tự nhắc nhở mình về những tác hại to lớn đối với sức khỏe mà những nỗi lo lắng mang lại cho bạn.

Cách giải trí tốt nhất là theo đuổi một tín ngưỡng lành mạnh, ngủ, nghe nhạc và vui cười nhiều hơn. Hãy tin vào Thượng đế và học cách ngủ ngon. Hãy nghe những bản nhạc hay, hãy nhìn vào những mặt thú vị của cuộc đời.

Phần 2 - Phương pháp phân tích và giải quyết những vấn đề rắc rối

1. Làm sao để phân tích và giải quyết những vấn đề rắc rối:

Phải phân tích vấn đề theo 3 bước sau:

  • Vạch rõ vấn đề. Nếu như chúng ta không hiểu rõ vấn đề, không nắm vững được các sự kiện thì ta không thể đưa ra bất kỳ giải pháp sáng suốt nào cả. "Vấn đề được đưa ra rõ ràng là vấn đề đã được giải quyết một nửa."
  • Phân tích vấn đề 
  • Đưa ra quyết định dứt khoát và làm theo quyết định đó.

Khi đang cố gắng tìm hiểu về sự việc, hãy vờ coi rằng bạn đang tìm kiếm thông tin cho một người khác chứ không phải cho bản thân mình. 

Khi đi thu thập thông tin về vấn đề rắc rối của mình, hãy tự coi mình như một luật sư và nhìn vấn đề theo một hướng ngược lại. Sau đó ghi chép lại cả hai mặt thuận nghịch của vấn đề và bạn sẽ phát hiện ra sự thật nằm ở khoảng giữa hai thái cực ấy. 

2. Phương pháp loại trừ 50% nỗi lo trong công việc của bạn: Bằng cách trả lời 4 câu hỏi:

  • Vấn đề của bạn là gì?
  • Nguyên nhân của nó do đâu?
  • Có những giải pháp khả thi nào?
  • Giải pháp nào là tốt nhất?

Phần 3 - Hãy xóa bỏ những lo lắng trước khi chúng hạ gục bạn

1. Làm sao để thoát khỏi sự ám ảnh của những nỗi lo âu phiền muộn: Hãy bận rộn. Làm việc là phương pháp chữa trị hữu hiệu để quên đi những nỗi lo lắng của mình.

Nếu như bạn chẳng có gì để bận rộn, chúng ta cứ ngồi vật vờ vô định, sẽ rơi vào tình trạng vô công dồi nghề, khiến chúng ta trở nên rỗng tuếch, nhụt chí và xóa đi hết tất cả sức mạnh hành động và niềm đam mê của chúng ta.

"Nguồn gốc của sự khốn khổ chính là những khoảng thời gian rảnh rỗi bạn ngồi dằn vặt mình xem liệu mình có hạnh phúc hay không".

Hãy bắt tay vào công việc và cuốn mình vào công việc. Dòng máu trong người bạn sẽ được hâm nóng lên, đầu óc bạn sẽ nhanh nhạy hơn, bầu nhiệt huyết cho công việc trong người bạn sẽ đẩy những lo nghĩ ra khỏi tâm trí bạn.

2. Đừng để những điều vụn vặt khiến ta nản lòng và lo lắng: Đừng quá bận tâm đến những điều nhỏ nhặt. Đừng ôm đồm những điều vặt vãnh nếu như muốn thanh thản trong lòng. Hãy tạo cho mình một thói quen nhìn nhận mọi việc một cách đơn giản và thoải mái.

3. Quy luật rũ bỏ nỗi lo lắng, phiền muộn: Hãy dùng xác suất để đánh giá lại nỗi lo lắng của mình. Hãy tự đặt câu hỏi: "Theo xác suất thì vấn đề mình đang lo lắng liệu có bao nhiêu phần trăm có thể xảy ra?"

4. Hãy biết chấp nhận những điều không thể tránh khỏi: Nếu như một sự việc xảy ra quá với khả năng của bạn và không thể thay đổi hoặc sửa chữa được, hãy tự nói với mình rằng: "sự đã thế, không thể nào khác".

5. Hãy định ra giới hạn cho nỗi lo lắng, phiền muộn của mình

Bất cứ khi nào chúng ta có dấu hiệu lo lắng phiền muộn, hãy tự hỏi những điều sau:

  • Nỗi lo lắng này làm ta phải phiền lòng đến cỡ nào?
  • Mình sẽ đặt cho nỗi lo lắng đó một giới hạn đến đâu và rồi quên nó đi?
  • Chính xác mình sẽ phải trả giá như thế nào cho nỗi lo lắng này? Mình đã trả giá quá đắt cho nó không?

6. Đừng cố níu kéo những gì đã qua.

Chúng ta chẳng thể nào thay đổi được hiện thực đã xảy ra. Có một cách để chúng ta có thể làm cho quá khứ của chúng ta tốt đẹp và tích cực hơn, đó là phân tích những lỗi lầm mà chúng ta đã mắc phải trong quá khứ và rút ra bài học cho mình - và rồi quên ngay cái lỗi lầm đó đi.

Phần 4 - Bảy cách để tâm hồn bình yên và có hạnh phúc

1. Cuộc sống được tạo nên bởi ý nghĩ. 

Bài học thiết thực nhất là việc nhận thức được tầm quan trọng của những điều chúng ta nghĩ. Thái độ chính là nhân tố quyết định số phận của mỗi chúng ta. Vấn đề lớn nhất mà bạn và tôi phải giải quyết là lựa chọn những suy nghĩ và tư duy đúng đắn.

"Không gì và không ai có thể mang lại sự bình yên cho bạn ngoại trừ chính bạn mang lại sự bình yên cho mình".

"Con người không bị tổn thưởng bởi những biến cố xảy ra trong đời họ mà tổn thương bởi những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân về những biến cố đó. 

Khi bạn bị suy sụp bởi những vướng mắc và tâm thần của bạn đang rối bời, chỉ cần thực sự muốn, bạn có thể thay đổi trạng thái tinh thần và cảm xúc của mình, những gì bạn cần chỉ là một chút nỗ lực: Hãy thay đổi hành động của mình. Khi chúng ta thay đổi hành động, chúng ta sẽ tự động thay đổi được tình cảm của chúng ta. Một lời khuyên có vẻ sáo rỗng khi bạn buồn chán: hãy vui lên và hành động như thế niềm vui và hạnh phúc của mình vẫn còn đó. Nghe có vẻ giáo điều, nhưng bạn hãy thử xem. Hãy thật lòng cười thật mãn nguyện, ngả vai về phía sau và nghêu ngao hát. Bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn sẽ không thể cảm thấy buồn hay căng thẳng trong khi bạn đang cố gắng hành động một cách vui vẻ và hạnh phúc. Đây là cách bạn đánh lừa bộ não của mình.

Nếu như chỉ cần suy nghĩ tích cực và làm mọi việc với tinh thần vui vẻ là có thể cứu được mạng sống của một con người, vậy tại sao bạn không dừng lại đôi phút và vui vẻ chấp nhận những lỗi lầm nhỏ và giải tỏa những căng thẳng của mình? Tại sao chúng ta lại cứ làm cho chúng ta nhiều người khác xung quanh buồn phiền, không được hạnh phúc, vui vẻ trong khi chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu tự tạo cho chúng ta hạnh phúc bằng cách hãy suy nghĩ và làm mọi việc một cách thật vui vẻ?

2. Cái giá của sự trả thù.

Tức giận và oán hận sẽ khiến chúng ta bị cao huyết áp, bệnh tim, đau dạ dày, đột tử, tàn phai nhan sắc và mất cảm giác ăn ngon.

Chúng ta có thể sẽ không đủ thánh thiện để có thể yêu quý kẻ thù của chúng ta nhưng vì sức khỏe và hạnh phúc của bản thân, ít nhất bạn hãy tha thứ và quên họ đi.

3. Cách giúp bạn không phải bận tâm về sự vô ơn

Việc người khác quên ơn bạn là một chuyện hết sức bình thường, vì thế nếu bạn cứ quanh quẩn với ý nghĩ mong người khác phải biết ơn mình thì chỉ chuốc lấy những suy nghĩ đau đầu vô ích.

Đừng đỏi hỏi người khác phải trả ơn mình, và bắt đầu cho đi tình thương yêu mà không yêu cầu sự đền đáp.

Điều đó dường như có vẻ quá tuyệt đối, không thực tế và quá lý tưởng phải không? Thực ra đó là một điều rất giản dị. Đó là cách tốt nhất để chúng ta tìm kiếm hạnh phúc cho mình. 

Nếu như bạn muốn có được hạnh phúc, bạn đừng quan tâm đến việc người ta sẽ trả ơn hay quên ơn bạn mà hãy cho đi tình yêu thương và tận hưởng hạnh phúc được giúp đỡ người khác bên trong lòng mình.

4. Đếm những niềm vui thay vì các phiền muộn. "Chúng ta ít khi nghĩ đến những gì chúng ta có mà thường chỉ hay nghĩ về những gì chúng ta chưa có".

5. Hãy là chính mình. Đừng bắt chước người khác

6. Nếu bạn có một quả chanh, hãy pha nước chanh.

Một trong những sức mạnh kỳ diệu của con người là "biến những cái mất thành những cái được". Hạnh phúc chỉ đến với những người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào: tốt, xấu, thuận lợi, khó khăn họ vẫn thích nghi, vẫn vui vẻ và làm tốt trách nhiệm của mình.

7. Gạt bỏ u sầu trong 14 ngày. 

Nhà tâm lý học Adfred Adler nói với bệnh nhân: "Anh có thể khỏi bệnh trong 14 ngày nếu anh theo lời khuyên này. Mỗi ngày cố gắng đem lại hạnh phúc cho một ai đó. Anh có thể dùng thời gian không ngủ được để suy nghĩ tìm cách đem lại hạnh phúc cho ai đó, điều đó sẽ rất có lợi cho sức khỏe của anh". Nhà tâm lý học biết gốc rễ của vấn đề mà họ gặp phải là sự đơn độc và ông muốn bản thân bệnh nhân nhìn nhận được vấn đề ấy. Chỉ cần họ có thể hòa nhập với cộng đồng là bệnh sẽ tự nhiên khỏi. Cá nhân nào mà không yêu người khác là những người thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và có nguy cơ làm hại người khác nhất.

Cho dù cuộc sống của bạn có buồn tẻ đến đâu đi chăng nữa thì bạn ít nhất mỗi ngày cũng gặp ai đó. Bạn đã làm gì cho người ấy? Mỉm cười với bác giữ xe, hỏi thăm cô lao công, giúp đỡ một người đồng nghiệp,...

"Làm điều tốt cho người khác không phải là nghĩa vụ mà là niềm vui, làm bạn khỏe mạnh và hạnh phúc hơn". 

Phần 5 - Cách tốt nhất để kiềm chế lo âu

Liều thuốc hữu hiệu nhất để cắt đứt đi những lo lắng của bạn là có niềm tin vào tôn giáo. Tôn giáo cho tôi niềm tin, hy vọng và sự dũng cảm. Nó xóa tan đi những căng thẳng, lo âu, sợ hãi. Nó cho tôi một mục đích trong cuộc sống, một hướng đi của riêng mình. 

Những lời cầu nguyện và niềm tin mãnh liệt vào Chúa sẽ giúp cho con người thoát khỏi những lo âu phiền muộn, căng thẳng, sợ hãi.

Khi rơi vào cảnh túng quẫn và đã đi đến bước đường cùng, tưởng chừng như không còn sức lực có thể chống chọi được nữa, người ta thường có xu hướng tìm đến một cõi linh thiêng nào đó. Nhưng tại sao chúng ta lại phải đợi tới tận khi chúng ta đã đi đến bước đường cùng? Tại sao lại phải đợi đến tận Chủ Nhật hàng tuần?

Ngay cả khi bạn không phải là người theo đạo, thậm chí khi bạn là người theo chủ nghĩa hoài nghi, những lời cầu nguyện có thể giúp bạn nhiều hơn những gì mà bạn tưởng, bởi đó là một hoạt động rất thực tế. 

Lời cầu nguyện chứa đựng trong nó 3 nhu cầu về tâm lý học cơ bản mà bất cứ người nào cũng cần phải có, bất kể họ có tin vào Chúa hay không:

  • Những lời cầu nguyện giúp chúng ta nói ra được chính xác chúng ta đang gặp phải chuyện gì. Như mình đã nói ở đầu phần 2: "Vấn đề được đưa ra rõ ràng là vấn đề đã được giải quyết một nửa."
  • Cầu nguyện giúp chúng ta có một cảm giác là chúng ta đang chia sẻ được gánh nặng, không còn cảm thấy bị cô đơn và đơn độc. 
  • Những lời cầu nguyện là động lực khiến chúng ta phải làm, phải hành động.

Phần 6 - Cách thức thoát khỏi nỗi lo lắng bị chỉ trích

Nguyên tắc 1, hãy nhớ: Cây càng cao, đón gió càng lớn. Người ta cạnh khóe bạn chẳng qua người ta cảm thấy ghen tức với bạn.

Nguyên tắc 2, hãy cố gắng hết sức làm những điều có thể làm, rồi giương ô lên và để cho những lời chỉ trích như những hạt mưa rơi xuống đất, đừng để chúng làm bạn bận tâm.

Nguyên tắc 3. Hãy để chúng ta là những người đầu tiên công kích chính mình. Hãy phát hiện ra và đấu tranh với những thói hư tật xấu của chúng ta. Tất cả chúng ta dường như cố lảng tránh và chống đối lại những lời chê trách, chỉ trích và chỉ thích nghe những lời tán dương, ca tụng mình bất kể những lời đó đã được kiểm chứng hay chưa. Chẳng có ai hoàn hảo cả, hãy xin và lắng nghe những lời nhận xét, đóng góp.

Phần 7 - 6 cách chống lại mệt mỏi và lo lắng, nâng cao tinh thần và sức lực

1. Hãy nghỉ ngơi thường xuyên, nghỉ ngơi trước khi bạn kiệt sức.

2. Thư giãn.

Bộ não gần như hoạt động không mệt mỏi. Hầu hết những nguyên nhân mệt mỏi của chúng ta đều bắt nguồn từ trạng thái tinh thần và tình cảm của chính chúng ta. Biện pháp cho sự mệt mỏi thần kinh là thư giãn. Bạn hãy bắt đầu với việc thư giãn đôi mắt. Nếu bạn để cho những cơ mắt của bạn được nghỉ hoàn toàn thì bạn có thể sẽ quên đi được hết những rắc rối của bạn. Ngồi dựa vào ghế, nhắm mắt lại và nói với đôi mắt bạn rằng: "Nào, nào, hãy thôi không căng ra nữa, hãy thôi không nhíu mày nữa. Nào, nào....". Nhắc đi nhắc lại thật chậm trong vòng 1 phút. Cũng làm như vậy với quai hàm, các cơ mặt, cổ, hai vai và toàn bộ cơ thể. 

3. Chia sẻ những khó khăn và âu lo với người khác. Dù việc nói ra chưa chắc bạn giải quyết được rắc rối nhưng nhờ việc chia sẻ với một ai đó, nhận lấy những lời khuyên nho nhỏ và sự cảm thông cũng đã khiến bạn cảm thấy bình tĩnh và thanh thản hơn

4. Bốn thói quen tốt khi làm việc giúp tránh mệt mỏi và lo âu:

  • Giữ bàn làm việc gọn gàng.
  • Giải quyết công việc lần lượt theo mức độ quan trọng của việc đó. Bạn có thể tham khảo video mình review sách "7 thói quen hiệu quả", trong đó tác giả Stephen Covey có nhắc đến ma trận ưu tiên, giúp bạn nhận thức được công việc nào có mức độ ưu tiên hơn để chú trọng giải quyết nó trước, giúp cho cuộc sống của bạn trở nên hiệu quả hơn.
  • Khi bạn gặp phải vấn đề thì phải giải quyết ngay nếu bạn có đủ mọi yếu tố cần thiết để quyết định. Đừng ra quyết định chậm trễ.
  • Hãy học cách tổ chức, phân quyền và giám sát. Đây cũng là một trong những nội dung có trong video review "7 thói quen hiệu quả", bạn có thể học cách ủy thác từ cuốn sách này, hoặc video mình review sách "Để trở thành vị sếp tuyệt vời", trong đó cũng có nội dung hướng dẫn bạn cách ủy quyền trong công việc để bớt bận rộn, mệt mỏi hơn.

5. Cách loại bỏ nỗi buồn chán:

Nếu bạn là người làm việc trí óc, số lượng công việc chưa hẳn đã làm bạn mệt. Bạn có thể mệt bởi chính những việc bạn chưa làm được. Bạn lo lắng, bực bội và tức giận vì công việc có sai sót, hoặc chưa được hoàn thành.

Nếu chúng ta thích làm việc gì thì sẽ có nghị lực và quyết tâm để làm công việc đó. Nhưng nếu bạn chưa tìm được công việc mình yêu thích, hãy vẫn cư xử như bạn yêu thích công việc của mình, điều đó sẽ làm cho bạn yêu thích công việc thực sự, làm bạn bớt mệt, căng thẳng và lo lắng.

Bằng cách tự khuyên nhủ mình mỗi ngày, bạn sẽ hướng bản thân tới những suy nghĩ về hạnh phúc, lòng can đảm, những ý nghĩ về sức mạnh và hòa bình. Khi nuôi dưỡng tâm trí bằng những tư tưởng tốt đẹp, bạn có thể làm cho công việc đỡ tẻ nhạt hơn nhiều. Khi ta yêu thích công việc thì mọi lo lắng sẽ tiêu tan và chưa kể tới về lâu dài, bạn sẽ được thăng tiến và trả lương cao hơn. Và thậm chí nếu không được như vậy, bạn cũng cảm thấy không mệt mỏi và thanh thản để tận hưởng cuộc sống hơn.

6. Cách tránh những lo lắng về chứng mất ngủ:

Không có ai chết vì bệnh mất ngủ cả. Nhưng có những người lo lắng về căn bệnh này quá mức đến nỗi suy sụp sức khỏe mà chết. 

Những người nào cảm thấy lo lắng về bệnh mất ngủ sẽ thường ngủ nhiều hơn họ nghĩ. 

Điều kiện thứ nhất để có một giấc ngủ ngon là cảm giác an toàn. 

Nếu mất ngủ, hãy thử cách cầu nguyện, thư giãn, hoặc vận động cơ thể cho đến khi cảm thấy mệt (làm vườn, chơi thể thao, làm việc nặng nhọc)

Phần 8 - Làm thế nào để tìm thấy công việc có thể khiến bạn vui vẻ và thành công 

Theo tác giả, hai quyết định quan trọng nhất của cuộc đời bạn là chọn nghề để kiếm sống và chọn người để kết hôn. Một nghiên cứu cho thấy "công việc phù hợp" là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ. Rất nhiều lo lắng, tiếc nuối và buồn bực phát sinh từ công việc mà bạn không yêu thích. Với người không có hứng thú trong công việc, anh ta ko cho rằng anh ta đã được đặt đúng vị trí, không được coi trọng, tin rằng tài năng của anh ta không được sử dụng, những tâm trạng này dễ dẫn đến tinh thần kiệt quệ. Vì vậy, hãy dành nhiều thời gian để tìm hiểu và cân nhắc để chọn ra một nghề nghiệp phù hợp với bản thân. 

Bạn có thể trò chuyện và xin ý kiến từ những người có nhiều năm kinh nghiệm trong công việc mà bạn chọn. Hãy hỏi người đó một số câu hỏi như:

  • Nếu làm lại cuộc đời, ông vẫn cứ muốn là một kiến trúc sư không?
  • Sau khi ông đánh giá tôi thật kỹ, tôi muốn hỏi ông liệu ông có nghĩ rằng tôi có thể trở thành một kiến trúc sư thành công như ông không?
  • Nghề này có được nhiều người ưa thích không?
  • Sau khi tốt nghiệp khoa kiến trúc, liệu tìm một công việc của kiến trúc sư có khó không? Trước hết phải làm công việc gì đầu tiên?
  • Nếu khả năng của tôi thuộc loại bình thường thì liệu mỗi năm tôi kiếm được bao nhiêu tiền?
  • Đâu là những khó khăn và thuận lợi của nghề?

Đó sẽ là những lời khuyên rất vô giá, giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian quý báu sau này và thoát khỏi cả bệnh đau tim nữa.

Nên nhớ rằng, bạn đang thu thập dữ liệu để đưa ra một trong hai quyết định quan trọng trong cuộc đời bạn, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tương lai của bạn. Vì thế hãy dành thời gian để làm việc đó trước khi quyết định, nếu không cả nửa cuộc đời của bạn sẽ phải sống trong hối hận, tiếc nuối.

Phần 9 - Làm sao để giảm những lo lắng về tài chính

Theo kết quả của một khảo sát, 70% lo lắng của chúng ta liên quan đến tiền.

Nếu bạn muốn giảm đi những lo âu về tài chính thì hãy thử tuân theo các nguyên tắc sau:

  • Hãy viết ra các khoản chi tiêu trong một cuốn sổ theo dõi chi tiêu hoặc file excel. Bạn có biết tiền của bạn đi đâu không?
  • Lập ngân sách phù hợp với nhu cầu của bạn. "Những người sống có kế hoạch về ngân sách thì hạnh phúc hơn"
  • Hãy mua bảo hiểm để đề phòng những lúc ốm đau, bị sa thải hay tài chính khó khăn.
  • Tìm cách gia tăng thu nhập.

Đây cũng là những lời khuyên có trong cuốn sách "Thịnh vượng tài chính tuổi 30" mà mình đã review trước đó, bạn có thể xem video đó nhé, đó cũng là một cuốn sách dạy quản lý tài chính cá nhân rất hay và dễ đọc.

Một quy tắc cuối cùng nghe tưởng chừng vô dụng nhưng thực ra cũng có ích: Nếu bạn không thể làm cho tình hình tài chính khá hơn, hãy sống thanh thản và đừng tự dằn vặt bản thân. Nếu chúng ta không thể có cái chúng ta muốn thì xin hãy đừng làm hỏng cuộc đời của chính mình bằng những lo âu và dằn vặt. Hãy suy nghĩ thật thanh thản về vấn đề này. Một triết gia đã nói rằng: "Nếu anh luôn không cảm thấy hài lòng với những cái mình đã có thì dẫu anh có trong tay cả thế giới, anh vẫn cảm thấy buồn phiền".

KẾT

Trên đây là những nhận xét và cảm nhận của mình sau khi đọc "Quẳng gánh lo đi và vui sống", đồng thời mình cũng đã tóm tắt lại toàn bộ nội dung của sách một cách cô đọng nhất. Chúc các bạn có thể thấm nhuần được những ý tưởng trong sách, thực hành được nó để có một cuộc sống thanh thản và bớt âu lo hơn.

-

Xem video trên Youtube: https://youtu.be/4Wo_IPLTr8g

Mua sách: https://shope.ee/5fIUQNlWYC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét