Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

[Review sách] 7 Bí Quyết Giúp Hôn Nhân Hạnh Phúc - John M Gottman, Nan Silver

"7 bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc" là một trong số ít cuốn sách viết về tình yêu - hôn nhân mà mình cực tâm đắc. Bởi vì, khác với rất nhiều cuốn sách chủ đề hôn nhân - gia đình chỉ được viết dựa trên những kinh nghiệm và trải nghiệm chủ quan của người viết, "7 bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc" lại là cuốn sách được viết dựa trên một công trình nghiên cứu kỳ công của tác giả, kéo dài trong suốt 16 năm liền, với 700 cặp vợ chồng tham gia. 

  • Trong suốt 16 năm, nhóm tác giả đã theo dõi 700 cặp vợ chồng chia theo 7 chương trình khác nhau. 700 cặp vợ chồng này cũng rất đa dạng, gồm các cặp mới cưới và các đôi đã sống một thời gian dài bên nhau; những người vừa lên chức cha mẹ và các bậc phụ huynh đang nuôi con nhỏ, trẻ chưa đến tuổi đi học và teen.
  • Trong thời gian nghiên cứu, nhóm tác giả đã phỏng vấn các cặp vợ chồng về thời gian chung sống, triết lý của họ về hôn nhân, cách họ nhìn nhận hôn nhân của cha mẹ mình. 
  • Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn ghi hình những lần các cặp vợ chồng trao đổi với nhau về những việc xảy ra trong ngày, thảo luận về những điểm bất đồng và chia sẻ những câu chuyện vui. 
  • Để biết được họ đang cảm thấy thoải mái hay căng thẳng, nhóm nghiên cứu sẽ đo nhịp tim, lưu lượng máu, lượng mồ hôi toát ra, huyết áp và chức năng miễn dịch qua từng thời điểm.
  • Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ phát lại băng ghi hình cho các cặp vợ chồng xem và tìm hiểu thêm thông tin từ người trong cuộc, họ nghĩ gì và cảm thấy gì khi nhịp tim hay huyết áp của họ tăng đột ngột lúc trao đổi.
  • Nhóm nghiên cứu tiếp tục ghi nhận thông tin từ các cặp vợ chồng này ít nhất một lần mỗi năm để xem mối quan hệ của họ đi đến đâu.

Các dữ kiện nhóm nghiên cứu thu nhập được đã hé lộ những ý niệm cơ bản đầu tiên về những gì thật sự diễn ra bên trong cuộc hôn nhân. Cuối cùng, tác giả dùng kết quả nghiên cứu đó để viết nên cuốn sách "7 bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc", đồng thời thiết kế một liệu pháp và các khóa học để giúp đỡ cho các cặp vợ chồng đang gặp rắc rối trong hôn nhân. 

Mình thích cuốn sách này bởi vì nó được dựa trên cơ sở khoa học, kết quả rút ra từ những nghiên cứu này không phải là ý kiến chủ quan của tác giả. Về văn phong, tác giả viết rất chi tiết, gần gũi, mộc mạc theo kiểu chân thành chia sẻ chứ không hề khô khan và giáo điều. Đọc cuốn này mình được mở mang đầu óc rất nhiều, nó có những nội dung mới lạ khiến cho người đọc thật sự bất ngờ, cảm thấy thú vị hoặc những thông tin đi ngược lại những gì mà số đông suy nghĩ về hôn nhân. 

Cuốn sách "7 bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc" có tính ứng dụng rất cao, sách có các bộ câu hỏi và bài tập để bạn thực hành và chủ động hành động để cải thiện mối quan hệ tình cảm của mình. 

Đọc và thực hành được những điều trong cuốn sách này sẽ giúp bạn thật sự hiểu rõ được chính mình, người bạn đời và hiểu thấu bản chất của mọi khía cạnh trong hôn nhân. Có những ý tưởng khá trừu tượng, có những điều bạn không thể ngờ tới, có những thứ không dễ để chấp nhận, nhưng hãy cố gắng cởi mở và nỗ lực thấu hiểu, chắc chắn cuốn sách này sẽ giúp ích cho bạn và hôn nhân của bạn rất rất nhiều.

Nói tóm lại, đây chính là cuốn sách bạn cần nếu bạn đang muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nó thật sự đáng để đọc.

一一一一

PHẦN TÓM TẮT SÁCH

Sự thật về hôn nhân hạnh phúc 

    Tại sao phải gìn giữ hôn nhân?

    Một cuộc hôn nhân bất hạnh có thể gia tăng khả năng nhiễm bệnh của bạn, tổn hao tuổi thọ. Lý do là vì bạn phải chịu những xáo trộn tâm lý nặng nề, căng thẳng về mặt tinh thần lẫn thể xác. Nó có thể dẫn tới suy giảm miễn dịch, đau tim, cao huyết áp, suy nhược, tự vẫn, hành vi bạo lực, rối loạn tâm thần,... Ngược lại, những người hạnh phúc trong hôn nhân sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, không những tránh được suy giảm miễn dịch mà còn tăng cường được sức đề kháng.

    Khi hôn nhân tồi tệ, đối tượng phải hứng chịu hậu quả không chỉ là người chồng và người vợ, mà còn là những đứa con. Những trẻ lớn lên trong gia đình luôn xảy ra mâu thuẫn có lượng kích thích tố căng thẳng cao thường trực so với những trẻ khác; thường có hành vi trốn học, bị suy nhược, bị bạn bè tẩy chay, có vấn đề trong cách hành xử (đặc biệt là dễ gây hấn), kết quả học tập không cao thậm chí bỏ học.

    Những quan niệm sai lầm trong hôn nhân:

    ❌ Các vấn đề về tâm lý hoặc tính cách phá hủy hôn nhân. Có thể bạn cho rằng những ai bất thường về tâm lý không nên kết hôn. 

    ✅ Nhưng không hẳn yếu tố đó gây cản trở hôn nhân. Chìa khóa hôn nhân hạnh phúc không nằm ở chỗ sở hữu một tính cách "bình thường", mà là tìm được một người bạn có thể chung sống hòa hợp. Ví dụ: bạn là người không thích làm theo mệnh lệnh, nếu bạn cưới một người vợ độc tài thích lớn tiếng sai bảo và yêu cầu bạn phải làm việc này việc nọ, hôn nhân đó chắc hẳn là thảm họa. 

    Những vấn đề về tâm lý không nhất thiết làm hôn nhân đổ vỡ. Chủ yếu là bạn đối phó với nó như thế nào. Nếu bạn chấp nhận những điểm khác thường nơi người bạn đời với lòng yêu thương, sự quan tâm và tôn trọng, thì cuộc hôn nhân của bạn vẫn thành công tốt đẹp.

    ❌ Những mối quan tâm chung sẽ gắn kết hai vợ chồng.

    ✅ Điều đó còn tùy thuộc vào việc bạn tương tác với nhau ra sao về mối quan tâm chung đó. 

    Ví dụ: hai vợ chồng có cùng sở thích chèo thuyền kayak, họ xuôi theo dòng nước, cười đùa và trò chuyện với nhau ➡ đam mê chèo thuyền giúp tô điểm và làm đậm đà thêm tình cảm họ dành cho nhau. Nhưng, một cặp vợ chồng khác cũng yêu thích chèo thuyền kayak, nhưng lại không tôn trọng nhau. Khi chèo thuyền chung với nhau họ thường chỉ trích nhau: "Ai mà chèo như vậy chứ, cô đúng là ngu!" hoặc tràn ngập sự im lặng khó chịu. 

    ❌ Em làm việc này cho anh đi, rồi... (Hai vợ chồng đối xử với nhau theo kiểu có qua có lại)

    ✅ Nhưng khi cả hai vợ chồng đều cần thấy mình phải tính toán, tị nạnh xem ai đã làm được gì cho ai thì cuộc hôn nhân sẽ không hạnh phúc. Giữa các cặp vợ chồng hạnh phúc không có chuyện phân chia anh rửa chén em đã nấu bữa tối cho anh. Họ làm đơn giản vì họ thương yêu người bạn đời và trân trọng mối quan hệ. 

    ❌ Việc né tránh mâu thuẫn sẽ hủy hoại hôn nhân.

    ✅ Thành thật không hẳn là điều tốt cho mọi cuộc hôn nhân. Có vô vàn mối quan hệ hạnh phúc nhờ người trong cuộc biết giấu đi một số thứ. 

    Các cặp đôi đơn giản là có quá nhiều loại mâu thuẫn khác nhau. Vài cặp cố tránh phải đối đầu bằng mọi giá, số khác tranh cãi kịch liệt, số khác nữa lại có khả năng "dàn xếp" những điểm khác biệt và tìm ra một thỏa hiệp tốt cho cả đôi bên mà không cần lớn tiếng. Không có phương pháp nào tốt hơn phương pháp nào - miễn là nó phù hợp cho cả hai.

    ❌ Quan hệ ngoài luồng là nguồn gốc của ly hôn.

    ✅ Trong đa số trường hợp, điều xảy ra thường ngược lại. Vấn đề trong hôn nhân dẫn đến quyết định ly hôn chính là lý do khiến một (hoặc cả hai) người vướng vào các mối quan hệ ngoài luồng. Các cuộc hẹn hò ngoài luồng thường không xuất phát từ nhu cầu tình dục, mà họ tìm kiếm tình bạn, sự ủng hộ, cảm thông, tôn trọng, cảm giác được quan tâm, yêu thương và lo lắng - những gì lẽ ra họ phải có trong hôn nhân.

    ❌ Về mặt sinh học, nam giới không phù hợp với hôn nhân một vợ một chồng. Vì giống đực được tạo hóa ban cho chức năng truyền giống nên theo quy luật tự nhiên, con đực luôn tìm cách giao phối và sinh càng nhiều con càng tốt, vì thế ít chung thủy.

    ✅ Tần suất ngoại tình không phụ thuộc vào giới tính mà chủ yếu vì có cơ hội. Ngày nay, phụ nữ và đàn ông cùng ra ngoài đi làm, tỷ lệ phụ nữ ngoại tình bỗng tăng đột biến. Theo Tiến sĩ Annette Lawson thuộc ĐH California, kể từ khi số lượng nữ giới bước vào công sở gia tăng, số lượng phụ nữ trẻ ngoại tình đã nhỉnh hơn so với nam giới.

    Phương pháp dự đoán ly hôn

    Trong cuộc nghiên cứu, tác giả có khả năng dự đoán ly hôn chính xác đến 91% chỉ trong khoảng 5 phút quan sát và lắng nghe cách các cặp vợ chồng cãi nhau.

    Dấu hiệu thứ nhất: Mở lời gay gắt Bắt đầu cuộc đối thoại bằng việc chỉ trích/mỉa mai, một kiểu coi thường người khác. Nếu cuộc đối thoại giữa hai bạn xảy ra hiện tượng mở lời gay gắt, chắc chắn nó sẽ kết thúc trong mùi vị tiêu cực, dẫu trong quá trình ấy hai vợ chồng đã nỗ lực "giảng hòa". Tình trạng mở lời gay gắt mặc nhiên đẩy bạn vào thế thất bại. Vì thế nếu bạn mở đầu theo cách này thì tốt nhất là ngừng ngay, hít thở sâu và làm lại từ đầu.

    Dấu hiệu thứ hai: Xuất hiện Bốn căn bệnh trong quá trình tranh cãi

    Căn bệnh 1: Chỉ trích.

    Lúc nào bạn cũng sẽ có lý do để phàn nàn về người mình đang chung sống. Nhưng phàn nàn và chỉ trích khác nhau một trời một vực. Những câu phàn nàn chỉ nhắm vào hành động mà người bạn đời làm sai. Chỉ trích mang theo cả những lời lẽ tiêu cực châm chích hành vi hoặc tính cách của người bạn đời.

    Ví dụ:
    • Phàn nàn: Xe hết xăng rồi. Anh nói là anh đi đổ xăng mà sao anh chưa đổ?
    • Chỉ trích: Sao anh chẳng nhớ gì hết vậy? Em nhắc anh đi đổ xăng cả ngàn lần rồi, anh vẫn không làm.
    Căn bệnh 2: Khinh thường = Giọng điệu châm chọc, giễu cợt; mạt sát, ngó lơ đi chỗ khác, mỉa mai, chế nhạo và nói đùa ác ý. Đây là liều thuốc độc đối với mối quan hệ vợ chồng vì nó truyền tải thái độ ghê tởm. Sẽ không còn cách nào cứu vãn nữa một khi người bạn đời nhận ra bạn ghê tởm họ. 

    Căn bệnh 3: Bào chữa.

    Mọi người thường sẽ bào chữa khi bị chỉ trích hoặc khinh thường vì lỗi lầm nào đó của mình. Nhưng bào chữa cũng hiếm khi mang lại kết quả như mong đợi. Người bạn đời đang công kích sẽ không chịu thôi hoặc xuống nước xin lỗi. Bởi bào chữa cũng là một cách bạn trách móc đối phương.

    Căn bệnh 4: Dửng dưng
     
    Khi cuộc trò chuyện được mở đầu gay gắt bằng những lời chỉ trích và xem thường, dẫn đến hành động bào chữa, rồi càng bào chữa thì càng khinh thường, rồi lại bào chữa tiếp tục, rốt cuộc sẽ có một người rút khỏi cuộc chiến. Đây là thời điểm căn bệnh thứ tư xuất hiện. Người vợ/chồng dửng dưng sẽ có xu hướng nhìn đi chỗ khác hoặc nhìn xuống, không nói một lời, ngồi như một tượng đá lạnh lùng như thể chẳng hề bận tâm đến bất kỳ điều gì bạn nói.

    Dấu hiệu thứ ba: Quá tải

    Người ta thường có thái độ bất cần, dửng dưng là để chống lại sự quá tải trong cảm xúc. Quá tải nghĩa là khi cảm giác tiêu cực mà người bạn đời mang lại cho bạn trở nên quá sức chịu đựng và bất ngờ gây cho bạn cảm giác choáng váng, bất lực (rút lui khỏi mối quan hệ về mặt cảm xúc).

    Dấu hiệu thứ tư: Ngôn ngữ cơ thể

    Khi quan sát những thay đổi thể chất của hai vợ chồng trong quá trình thảo luận căng thẳng, tác giả có thể nhận thấy mức độ quá tải lớn đến mức nào.

    Dấu hiệu rõ ràng nhất: tốc độ gia tăng nhịp tim, bài tiết adrenaline - chất xúc tác gây ra phản ứng "chống trả hoặc chạy trốn"; huyết áp tăng.

    Tình trạng quá tải tái diễn thường xuyên sẽ dẫn đến ly hôn vì 2 lý do:
    • Chúng báo hiệu ít nhất một bên đang phải hứng chịu cảm giác khốn khổ khi đối diện với người bạn đời.
    • Những thay đổi về mặt sinh lý do cảm giác quá tải mang lại - nhịp tim tăng, đổ mồ hôi,... - khiến cho quá trình trao đổi, giải quyết vấn đề hiệu quả khó xảy ra.
    Khi tranh luận với bạn đời, nếu hiện tượng tim đập nhanh cùng các phản ứng căng thẳng khác xảy ra thì kết cục của nó đúng là thảm họa. Khả năng xử lý thông tin của bạn sụt giảm, khó mà tập trung được vào những gì người kia đang nói. Những giải pháp sáng tạo cũng bay biến. Bạn chỉ còn biết phản ứng theo bản năng, không còn lý trí: chống trả (chỉ trích, xem thường, bào chữa) hoặc chạy trốn (dửng dưng)

    Dấu hiệu thứ năm: Mọi nỗ lực chữa cháy đều thất bại

    Nỗ lực chữa cháy = những lời nói, hành vi - có thể ngớ ngẩn, có thể không - nhằm ngăn chặn cho các vấn đề tiêu cực không vượt quá tầm kiểm soát, giải tỏa bớt căng thẳng trong quá trình thảo luận nhạy cảm - chặn đứng cảm giác quá tải.

    Ví dụ: 
    • Lời nói chữa cháy: "Này, anh xin lỗi", "Ta nghỉ giải lao chút nào", "Khoan, em cần lấy lại bình tĩnh",...
    • Hành vi chữa cháy: chống nạnh và lè lưỡi lúc đang cãi nhau cao trào, ôm, mỉm cười cầu hòa,...
    Những nỗ lực chữa cháy cứu vãn hôn nhân không chỉ vì nó giải tỏa căng thẳng giữa hai vợ chồng, mà còn vì nó giúp ổn định nhịp tim và làm cho bạn không cảm thấy quá tải. Khi quá tải, bạn không thể nào nhận ra dấu hiệu muốn "ngừng chiến" từ phía đối phương. Những hành động xoa dịu bất thành chính là dấu hiệu cho một tương lai đen tối. 

    Dấu hiệu thứ sáu: Ký ức xấu.

    Trong những cuộc hôn nhân hạnh phúc, hai vợ chồng thường có xu hướng nhắc lại chuyện ngày xưa một cách trìu mến, họ nhớ về những lúc suôn sẻ hơn là những lúc không như ý. Họ nhớ về những cảm xúc bồi hồi xao xuyến thuở mới quen, cảm giác mong chờ gặp gỡ mỗi khi hẹn hò và cả sự ngưỡng mộ dành cho nhau. Khi nói về những thời điểm khó khăn đã qua, họ trân trọng những lúc được sát cánh bên nhau vượt qua khó khăn. 

    Nhưng nếu đó là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, họ sẽ toàn nhớ về những điều tồi tệ trong quá khứ

    Và một dấu hiệu đáng buồn nữa là khi họ gần như không nhớ được gì về quá khứ, nó đã không còn quan trọng hoặc quá đau lòng nên họ để nó phai nhạt đi. Cảm giác tiêu cực giữa họ đã quá mạnh mẽ, đến mức tất cả những gì người vợ hoặc chồng làm - hoặc từng làm - đều bị nhìn dưới con mắt tiêu cực.

    Bí quyết làm hồi sinh các cuộc hôn nhân hoặc ngăn chặn một mối quan hệ đi đến kết cục ly hôn không nằm ở cách hòa giải mâu thuẫn, mà chính là cách hai bạn đối xử với nhau trong "thời bình". Vì thế, dù cuốn sách này hướng dẫn bạn cách xử lý mâu thuẫn, gốc gác sâu xa của nó vẫn là thắt chặt tình bằng hữu giữa hai vợ chồng, vốn là cốt lõi của bất kỳ cuộc hôn nhân nào.

    Bí quyết 1 - Vẽ bản đồ tình yêu

    Những cặp vợ chồng thông minh cảm xúc hiểu rất rõ về thế giới riêng của nhau, nắm trong tay tấm bản đồ tình yêu đầy đủ thông tin chi tiết, ghi nhớ tất cả những thông tin liên quan đến cuộc sống của người bạn đời. 

    Hiểu nhau không chỉ mang đến tình yêu mà còn cho bạn nguồn sức mạnh để vượt qua biến động/bão tố trong hôn nhân (sinh con đầu lòng, chuyển nhà, đổi việc, lâm bệnh, về hưu,...). Bạn càng hiểu rõ về nhau, bạn càng dễ dàng duy trì sự gắn bó với nhau, mặc cho cuộc sống xoay vần xung quanh.

    Ở phần này, bạn sẽ trả lời một bảng câu hỏi để ra được bản đồ tình yêu hiện tại của mình. Trong bảng này sẽ bao gồm 60 câu hỏi, xoay quanh mọi vấn đề trong cuộc sống hôn nhân, từ những điều đơn giản như sở thích của đối phương, quê quán, bạn bè, thể loại nhạc, bộ phim yêu thích,... đến những thứ trừu tượng, sâu sắc hơn như ước mơ của vợ/chồng bạn, đức tin tôn giáo, triết lý sống, nỗi sợ, điều khao khát nhất,... Bản đồ này vẽ nên những nét về cuộc đời của người bạn đời, không chỉ về chiều rộng, mà còn cả về chiều sâu.

    Bản đồ tình yêu chỉ mới là bước đầu tiên. Những cặp vợ chồng hạnh phúc không chỉ hiểu nhau, họ còn có cả sự yêu mến và ngưỡng mộ nhau - đó chính là nền tảng tạo nên bí quyết thứ hai.

    Bí quyết 2 - Nuôi dưỡng sự cảm mến và ngưỡng mộ dành cho nhau

    Sự cảm mến và ngưỡng mộ là hai trong số các yếu tố trọng yếu của một mối quan hệ lâu dài và viên mãn. Khi tình cảm ấy biến mất hoàn toàn khỏi một cuộc hôn nhân, xem như mối quan hệ ấy đã chết. 

    Bằng cách nhớ lại những điều tốt đẹp của người bạn đời - thậm chí cả khi bạn phải chật vật với những lỗi lầm mà người ấy gây ra - bạn có thể giúp hôn nhân của mình tránh bị hủy hoại. Vì sự cảm mến và ngưỡng mộ chính là liều thuốc giải cho căn bệnh xem thường. Nếu lúc nào bạn cũng cảm thấy tôn trọng người bạn đời, thì khi bất đồng ý kiến với nhau, bạn sẽ không bị cảm giác chán ghét xâm lấn.

    Cách để khơi dậy và bồi đắp sự cảm mến và ngưỡng mộ:
    • Suy ngẫm về người bạn đời và về những gì khiến bạn cảm thấy cô ấy/anh ấy đáng yêu. Hãy để cô ấy/anh ấy biết bạn đánh giá cao những điểm tốt đẹp ấy đến mức nào.
    • Kể về những kỷ niệm vui ngày trước để tìm lại sự cảm mến và ngưỡng mộ dành cho nhau, giúp hai bạn nhớ lại vì sao và bằng cách nào hai người thành vợ thành chồng.
    Bí quyết 3 - Hướng về nhau thay vì quay lưng lại với nhau

    Hướng về nhau từ những điều nhỏ nhặt cũng là cách thức duy trì cảm xúc lãng mạn lâu dài.

    Bước đầu trong việc hướng về nhau đơn giản chỉ là bạn nhận thức được những phút giây bình thường trong cuộc sống quan trọng như thế nào, không chỉ đối với sự ổn định của hôn nhân mà còn đối với việc duy trì sự lãng mạn. Không nên xem thường việc tương tác hàng ngày với nhau. Đừng cứ mải lo việc này việc kia mà bỏ bê vợ/chồng mình, vì cho rằng vợ/chồng mình chẳng đi đâu mất mà sợ. 

    Để thực hiện bí quyết Hướng về nhau, tác giả đưa ra một số bài tập giúp cho hai vợ chồng chia sẻ với nhau các cảm xúc và hoạt động hàng ngày, làm điều này, điều kia cho nhau,... 

    "Ngày hôm nay của anh/em thế nào?" 

    Đôi khi, ta hỏi thăm "ngày hôm nay của anh/em thế nào?" lại đem lại nhiều căng thẳng hơn cho cuộc hôn nhân. 

    Ví dụ: Khi chồng vừa bước vào nhà, bạn liền hỏi "ngày hôm nay của anh thế nào?", và ngày hôm đó của chồng bạn rất tệ hại, và thế là anh ấy trút hết mọi bực bội lên bạn, bạn cũng đang mệt mỏi khi vừa mới đi làm về và đang phải nấu cơm lại còn bị chồng trút giận lên đầu, cho nên bạn cũng nổi đóa với chồng. Như vậy, tuy mục đích ban đầu là hỏi thăm và quan tâm nhau nhưng kết cục lại là cáu kỉnh và tức tối với nhau.

    Phải chú ý đến thời điểm cuộc trò chuyện. Cho dù hôm ấy bạn có bao nhiêu chuyện tệ hại ở công ty, hay gặp điều bực bội nào đó trên đường, hãy đợi đến khi mình bình tâm lại rồi mới trò chuyện với vợ/chồng mình.

    Khi trao đổi, hãy trao đổi bất kỳ chuyện gì trừ cuộc hôn nhân của hai bạn ra. Đây không phải lúc giải quyết mâu thuẫn. Đây là cơ hội để hai bạn trở thành chỗ dựa cảm xúc cho nhau ở những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Và bởi vì, nếu bạn lôi những mâu thuẫn của mối quan hệ vợ chồng ra nói, đối phương sẽ rất khó bình tĩnh lắng nghe bạn, bởi vì họ bị hoảng sợ, đau khổ hoặc tức điên khi cảm thấy bị bạn "công phá".

    Trong lúc lắng nghe, đừng tự ý đưa ra lời khuyên, vì có thể khiến phản tác dụng. Cứ bày tỏ sự quan tâm, thấu hiểu và đồng cảm với người bạn đời trước, khuyên nhủ tính sau. Thường thì người bạn đời không có ý định nhờ bạn đưa ra giải pháp, họ chỉ muốn trút bầu tâm sự. Mà để chắc chắn nhất, bạn hãy hỏi "Anh muốn em chỉ lắng nghe hay muốn em cùng anh tìm giải pháp cho lần tới?"

    Và đặc biệt, hãy đứng về phía người bạn đời, công nhận cảm xúc của họ, ngay cả khi trong lòng bạn cảm thấy anh ấy/cô ấy hơi vô lý. Đừng đứng sang phía đối lập, bởi nó sẽ khiến người bạn đời cảm thấy bực bội hay thất vọng. 

    Tình bằng hữu sẽ là tấm lá chắn chống lại những mâu thuẫn. Tuy không giúp bạn tránh khỏi những cuộc cãi vã, nhưng nó giúp cho sự bất đồng ý kiến giữa hai vợ chồng không ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ. 

    Bí quyết 4 - Hãy để người bạn đời ảnh hưởng bạn 

    Có những ông chồng thẳng tay bác bỏ mọi ý kiến vợ mình đưa ra và khi quyết định mọi việc, các ông chẳng bao giờ thèm bận tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của vợ. Những cuộc hôn nhân bền vững nhất với thời gian đều có một người chồng biết trân trọng vợ, không ngại việc chia sẻ quyền lực và cùng vợ ra quyết định.

    Càng có khả năng lắng nghe những gì bạn đời bày tỏ và xem xét quan điểm của người đó một cách trân trọng, bạn càng có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề khiến cả hai bên đều thấy thoải mái và hài lòng. Nếu bạn bỏ ngoài tai những mong muốn, ý kiến và giá trị sống của người bạn đời, thỏa hiệp là chuyện không tưởng.

    Bí quyết 5 - Giải quyết những vấn đề có thể giải quyết

    Bạn phải đối xử với người bạn đời lịch thiệp không kém gì cách bạn đối xử với khách mời. Nếu một người khách bỏ quên cây dù, bạn sẽ nói "Dù của anh/chị đây". Chứ không bao giờ thô lỗ kiểu "Anh/chị bị làm sao vậy? Lúc nào cũng quên thứ này thứ kia. Làm ơn để tâm cho tôi nhờ được không! Tôi là ai chứ, người hầu đi theo dọn dẹp cho anh/chị à?" Hãy hành xử như những gì bạn sẽ làm đối với một người sơ giao, chứ đừng nói gì đến người mà bạn đã thề sẽ sống chung suốt đời.

    Bí quyết 5 gồm các bước:
    • Mở lời một cách nhẹ nhàng
    • Học cách thực hiện và đón nhận những nỗ lực chữa cháy
    • Xoa dịu chính mình và người bạn đời 
    • Thỏa hiệp
    • Khoan dung cho những lỗi lầm của nhau
    Bước 1: Mở lời một cách nhẹ nhàng. 

    Hãy tránh chỉ trích hoặc khinh thường nhau. Mở lời nhẹ nhàng đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết mâu thuẫn, vì một cuộc đối thoại luôn kết thúc y như cách nó được bắt đầu. Nếu đa số những lần hai bạn tranh cãi được mở lời một cách nhẹ nhàng, cuộc hôn nhân của hai bạn sẽ bền vững và hạnh phúc hơn. 

    Nếu người bạn đời có xu hướng mở lời gay gắt, bạn hãy làm cho người bạn đời cảm thấy được thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương. Kiểu mở lời khó nghe thường là phản ứng leo thang khi thấy vợ/chồng không phản hồi lại những lời phàn nàn hay thái độ khó chịu nhẹ nhàng của mình.

    Một số gợi ý để mở lời một cách nhẹ nhàng:

    - Than phiền nhưng không đổ lỗi.
    "Này, em thấy phân chó đầy trong sân. Lỗi của anh cả. Em biết ngay là anh sẽ vô trách nhiệm về con chó này" ⟶ "Anh, em thấy phân chó vương vãi khắp sân. Chúng ta đã thống nhất là anh sẽ dọn dẹp khi mang Banjo về nuôi. Em thật sự rất bực về chuyện này". 

    - Khi mở lời, hãy nói về chính bạn, thay vì nói về người bạn đời.
    "Anh không chịu nghe em nói" "Em muốn anh hãy lắng nghe em"
    "Anh không quan tâm gì đến em hết" ⟶ "Em thấy mình bị bỏ bê"

    - Hãy nói rõ ràng. Đừng mong người bạn đời có khả năng đọc được suy nghĩ của bạn.
    "Anh làm ơn trông con một lần được không" ⟶ "Anh giúp em thay tã cho Emmy và đút cho con bình sữa nhé"

    - Tỏ ra lịch sự, bằng cách thêm vào những cụm từ như "cảm ơn", "em/anh rất vui nếu..."

    Bước 2: Học cách thực hiện và đón nhận nỗ lực chữa cháy

    Khi bạn học lái xe, điều đầu tiên người ta dạy bạn là làm sao để xe dừng lại. Biết đạp thắng là một kỹ năng quan trọng trong hôn nhân. Khi cuộc đối thoại của hai bạn khởi đầu không mấy suôn sẻ, hoặc bạn thấy mình rơi vào vòng lẩn quẩn của những lời buộc tội lẫn nhau, bạn có thể ngăn chặn được thảm họa nếu biết cách dừng lại. Hành động đạp thắng này là nỗ lực chữa cháy.

    Dưới đây là một loại những câu nói mẫu dùng để chữa cháy. Khi sử dụng chúng vào những lần tranh cãi tồi tệ, bạn có thể tránh cho cuộc đối thoại không vượt ngoài tầm kiểm soát. Đa phần, các câu nói này ban đầu nghe có vẻ kiểu cách và thiếu tự nhiên đối với bạn, nhưng dần dần việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn với bạn thôi.

    Cảm thấy:
    • Anh/em thấy sợ
    • Anh/em hãy nói chuyện nhẹ nhàng hơn
    • Điều đó khiến anh/em bị tổn thương
    • Anh/em thấy mình đang bị đổ lỗi. Em/anh có thể nói khác đi được không?
    • Anh/em cảm thấy không được trân trọng
    • Không cảm thấy anh đang hiểu em ngay lúc này cho lắm
    Lấy lại bình tĩnh:
    • Anh cần làm một cái gì đó để bình tĩnh hơn ngay bây giờ
    • Làm ơn lắng nghe và cố hiểu em lúc này.
    • Xin em hãy nhẹ nhàng.
    • Anh có thể rút lại câu nói đó được không?
    • Em bắt đầu cảm thấy quá tải
    Xin lỗi:
    • Hãy để anh thử lại
    • Em thật sự đã làm hỏng việc
    • Anh phải làm sao để mọi chuyện khá hơn?
    • Chúng ta cùng bắt đầu lại nào
    • Anh xin lỗi. Hãy thay thứ cho anh.
    • ......
    Bước 3: Xoa dịu bản thân và người bạn đời 

    Quá trình giải quyết mâu thuẫn có thể khiến bạn rơi vào tình trạng quá tải, cảm thấy bị áp đảo cả về mặt cảm xúc lẫn thể chất. Cơ thể bạn rơi vào tình trạng kiệt sức, nhịp tim nhanh hơn, vã mồ hôi và nín thở. Bạn không thể tiếp tục nghe những gì người bạn đời bày tỏ.

    Trước tiên, hãy tự trấn tĩnh bằng việc nghe nhạc hoặc tập thể thao, ngồi thiền, đọc tạp chí,... trong 20 phút, sau đó quay lại quá trình tranh luận.

    Một khi đã trấn tĩnh được bản thân mình, bạn có thể giúp cho người còn lại được trấn tĩnh. 

    Bước 4: Thỏa hiệp

    Trước khi nỗ lực giải quyết bất đồng, hãy nhớ nền tảng của mọi thỏa hiệp chính là bí quyết thứ tư trong hôn nhân - chấp nhận sự ảnh hưởng. Để việc thỏa hiệp thật sự hiệu quả, bạn không thể không quan tâm đến ý kiến và mong muốn của người bạn đời. Bạn không nhất thiết phải đồng ý với tất cả những điều người bạn đời nói nhưng bạn phải thành thật cởi mở xem xét quan điểm của cô ấy/anh ấy.

    Bước 5: Hãy khoan dung cho những lỗi lầm của nhau

    Một cuộc hôn nhân thường đầy rẫy những câu "giá mà...". Giá mà người bạn đời của mình đẹp hơn, thông minh hơn, giàu hơn, ngăn nắp hơn,.... Chừng nào thái độ này còn tồn tại thì những mâu thuẫn vẫn còn nan giải. Nếu không thể chấp nhận những khiếm khuyết và điểm yếu của người bạn đời, bạn sẽ không thể thỏa hiệp thành công. 

    Bí quyết 6: Thoát khỏi tình trạng bế tắc

    Bế tắc là dấu hiệu cho thấy bạn có những ước mơ trong đời nhưng không thể nói ra hoặc người bạn đời không tôn trọng ước mơ ấy của bạn. Ước mơ bao gồm cả những hy vọng, khao khát và ước nguyện làm nên con người bạn, và chúng mang đến ý nghĩa, mục đích sống cho cuộc đời bạn. Thường những ước mơ sâu thẳm của chúng ta bắt nguồn từ thời thơ ấu.

    Một số ước mơ "thầm kín" mà các cặp vợ chồng được nghiên cứu đã thổ lộ:
    • Cảm giác tự do
    • Hòa mình với thiên nhiên
    • Phiêu lưu
    • Một cuộc hành hương về đất thánh
    • Thấy mình có quyền lực
    • Vượt qua những nỗi đau trong quá khứ
    • Trở nên giỏi giang hơn
    • Được chuộc lỗi
    • Xây dựng một thứ gì đó quan trọng
    ...

    Không cái nào trên đây có thể ảnh hưởng xấu đến hôn nhân cả. Nhưng chúng có thể gây ra vấn đề nếu bị chôn giấu hoặc không được bạn đời tôn trọng. Họ sẽ cãi nhau suốt về vấn đề này, hoặc ngấm ngầm chống đối nhau. 

    Ví dụ: Một đôi vợ chồng cứ hục hặc mãi về chuyện có ra ngoài ăn tối hay không vào mỗi chiều chủ nhật, nhưng vấn đề cốt lõi lại nằm ở một thứ sâu xa hơn chuyện đi ăn nhà hàng. Tối chủ nhật có một vị trí quan trọng trong trái tim mỗi người, bắt nguồn từ thưở nhỏ. Gia đình người vợ thường đi ra ngoài ăn vào mỗi chiều chủ nhật, một dịp khiến cô cảm thấy mình đặc biệt. Còn với người chồng, do mẹ của anh rất bận rộn nên chỉ có mỗi tối chủ nhật là có thể chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Vì thế, lựa chọn giữa ăn nhà hàng hay ăn ở nhà đều thật sự tượng trưng cho những gì khiến họ cảm thấy mình được yêu thương. 

    Nếu bạn gặp bế tắc trong bất kỳ vấn đề nào đó của hôn nhân, dù to dù nhỏ, bước đầu tiên bạn cần làm là tìm ra (những) ước mơ nào gây nên mâu thuẫn đó. Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang vật lộn với ước mơ thầm kín của mình là khi bạn xem người bạn đời là nguyên nhân duy nhất gây ra mọi rắc rối trong hôn nhân. 

    Sau khi đã tìm ra được ước mơ thầm kín của mình, hãy chọn một mâu thuẫn cụ thể để tháo gỡ. Viết lời giải thích về quan điểm của bạn. Đừng chỉ trích hay trách móc bạn đời. Chỉ tập trung vào nhu cầu, mong muốn và cảm nhận của người bạn đời về tình huống đó. Hãy giải thích xem những ước mơ ấy bắt nguồn từ đâu và tại sao chúng lại có ý nghĩa với bạn đến thế.

    Bí quyết 7: Sẻ chia cuộc sống 

    Hôn nhân không chỉ là chuyện nuôi dạy con cái, chia nhau việc nhà và quan hệ tình dục. Nó còn bao hàm cả một khía cạnh thiêng liêng hơn, đó là hai bạn xây dựng một cuộc sống tinh thần chung - một nét văn hóa giàu ý nghĩa và đặc trưng, giúp bạn hiểu được vai trò của mình trong gia đình có ý nghĩa như thế nào.

    Xây dựng văn hóa gia đình không có nghĩa là đôi vợ chồng ấy phải đồng tâm hợp ý về mọi khía cạnh trong quan điểm sống. Thay vào đó, họ hòa hợp với nhau. Họ trân trọng những ước mơ của nhau.

    Hãy nói chuyện nghiêm túc với nhau về gia đình mình, về lịch sử gia đình riêng của mỗi người, về các giá trị và biểu tượng trong cuộc sống. 

    Ví dụ: Helen kể cho chồng mình nghe câu chuyện về cuộc hôn nhân của ông bà cố - họ đã đính hôn với nhau rồi ông cố tìm đường từ Ireland sang Mỹ. Ông vẫn một lòng chung thủy, thương yêu bà trong suốt 4 năm trước khi ông dành dụm đủ tiền và đưa bà sang Mỹ sống cùng ông. Lòng chung thủy đóng vai trò trụ cột trong hôn nhân và cuộc sống gia đình Helen. Về phần mình, Kevin nhớ lại câu chuyện về bà anh. Bà điều hành một cửa hàng tạp hóa và suýt phá sản vì bà thường phát thức ăn miễn phí cho hàng xóm nghèo quanh vùng trong suốt thời kỳ Đại suy thoái. Quan điểm hào phóng ấy đã thấm nhuần vào anh khi trưởng thành - từ chuyện anh khăng khăng đóng góp một khoản tiền từ thiện thật lớn, cho đến chuyện anh cho thêm người bồi bàn số tiền hậu hĩnh vào dịp Giáng sinh. 

    Kể từ lần nói chuyện đó, Helen và Kevin nói với nhau nhiều hơn về những giá trị của lòng chung thủy và tính hào phóng vốn đã in sâu vào họ từ những câu chuyện trong gia đình. Bạn càng chia sẻ cuộc sống với nhau nhiều bao nhiêu, mối quan hệ của hai bạn sẽ càng sâu sắc, phong phú và viên mãn bấy nhiêu, giúp thắt chặt thêm tình bằng hữu giữa hai vợ chồng. Rồi nó lại quay sang giúp bạn đối phó dễ dàng hơn với những mâu thuẫn nảy sinh. 

    Hãy tìm cách tôn vinh những giá trị, triết lý và ước mơ của cả hai. Cùng tạo ra những nét truyền thống giúp gia đình nhỏ của bạn trở nên gắn bó. Ví dụ một số truyền thống như: ăn tối chung với nhau, đọc truyện cho con trước giờ đi ngủ, luôn đón Giáng sinh cùng nhau, tổ chức ăn mừng khi có những thành tựu lớn nhỏ trong nhà,...

    KẾT

    Vì đây chỉ là một bài review và tóm tắt sơ lược nội dung sách, nó không thể đầy đủ hết tất cả nội dung của sách, có những đoạn mình tóm tắt lại và mình thấy nó hơi lý thuyết vì mình không thể trình bày hết tất cả các ví dụ và dẫn chứng, cho nên mình thật sự mong mỏi các bạn hãy tìm mua/tìm đọc quyển sách "7 bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc" này, để có thể tiếp cận được toàn bộ nội dung hữu ích của sách, đọc hết được các ví dụ cụ thể, đặc biệt là có thể hoàn thành các bài tập thực hành trong sách. 

    Không một quyển sách hay một nhà trị liệu nào có thể giải quyết hết mọi trở ngại trong hôn nhân cho bạn. Những bí quyết được chia sẻ trong cuốn này thật sự rất đơn giản, nhưng không đồng nghĩa là nó dễ thực hiện và đem lại hiệu quả tức thời. Cải thiện hôn nhân là cả một quá trình. Cần phải có sự chủ động, nỗ lực và kiên trì của chính những người vợ, người chồng chứ không chỉ là cứ đọc một cuốn sách hay là có thể giải quyết được tất cả vấn đề trong hôn nhân của hai người.

    Chúc các bạn xây dựng được những mối quan hệ hạnh phúc.

    ---

    Xem video trên Youtube: https://youtu.be/ziVBqKuZYR4

    Mua sách: Hiện sách đã ngừng bán. Bạn có thể tạm đọc bản PDF: https://books.evol.vn/wp-content/uploads/sites/3/2017/02/Hon-nhan-hanh-phuc-Ban-doc-thu-14-Sep-2014.compressed.pdf

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét