Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2023

[Review] Chúc Một Ngày Tốt Lành - Nguyễn Nhật Ánh

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là cái tên không còn xa lạ với độc giả Việt Nam. Ông được xem là một trong những tác giả thành công nhất trong thể loại tiểu thuyết văn học lứa tuổi thanh thiếu niên, với hơn 100 tác phẩm đã xuất bản và một số đầu sách đã được chuyển thể thành phim. Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Nhật Ánh bao gồm: Kính Vạn Hoa, Nữ Sinh, Tôi là BêTô, Ngồi khóc trên cây, Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ, Mắt Biếc, Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,... Và hôm nay, trong tâm trạng khá là vui tươi, mình sẽ giới thiệu đến các bạn cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng mang màu sắc rất là tươi vui: Chúc Một Ngày Tốt Lành.

"Chúc Một Ngày Tốt Lành" kể câu chuyện về cuộc sống hàng ngày của các con vật trong vườn nhà bà Đỏ. Các con vật đó bao gồm: 2 anh em chú heo tên là Lọ Nồi và Đuôi Xoăn, chú chó Mõm Ngắn, đàn gà chíp với thủ lĩnh là con gà tên Cánh Cụt. Tên của các con vật được đặt dựa theo đặc điểm nổi bật nhất trên cơ thể của chúng. 

Vào một ngày nọ, do cảm thấy cuộc sống hàng ngày quá tẻ nhạt nên chú heo Lọ Nồi đã bày ra trò heo giả tiếng kêu của gà, chó  kêu tiếng của heo, gà sủa tiếng chó. Sự việc này đã khiến các con vật trở nên nổi tiếng, thu hút khách tham quan đến với vườn nhà bà Đỏ. Lúc này, thức ăn trở nên dư thừa, không còn thiếu thốn như xưa nữa, mấy con vật liên tục được khen ngợi, trở thành tâm điểm sự chú ý, khiến chúng cảm thấy sung sướng, khoái chí. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, bọn trẻ thấy phiền với việc cứ bị người khác tới ngắm nghía, chụp ảnh. Chúng thấy cuộc sống như này thật khốn khổ, tồi tệ. Thế là chúng quyết định không kêu tiếng của loài khác nữa, và không còn ai tìm đến chúng nữa.

Tuy được trở về cuộc sống bình yên, không còn xáo trộn nữa nhưng đối với bọn heo, chó và gà con vốn rất tinh nghịch thì chúng lại chẳng thấy còn gì vui. Thế nên chú heo Lọ Nồi lại nghĩ ra việc giao tiếp với con người bằng tiếng của con vật. Để làm được việc này thì Lọ Nồi được cậu chủ có biệt danh là "Cu" hỗ trợ. Thằng Cu là con bà Đỏ và thường ngày nó phụ bà Đỏ làm mấy việc trong vườn, như là tưới rau, chăm đàn lợn, gà và chó. 

Lần đầu tiên khi nghe mấy chú heo kêu: "Un un gô - gô un un", bà Đỏ ngạc nhiên hỏi thằng Cu "tụi nó đang kêu gì thế" thì thằng Cu tỉnh bơ đáp câu đó có nghĩa là "Chào buổi sáng". Và từ đó mỗi khi thằng Lọ Nồi sáng tạo ra tiếng kêu nào mới thì thằng Cu sẽ hỗ trợ nó dịch ra tiếng người, tất nhiên đây cũng chỉ là trí tưởng tượng của thằng Cu mà thôi, thằng Cu đã bơm ý nghĩa cho những âm thanh vô nghĩa phát ra từ cổ họng của chú heo Lọ Nồi. 

Trong vòng 1 tuần, chúng đã sáng tạo ra một vài mẫu câu giao tiếp thông dụng kiểu như:
  • Un un gô - gô un un = Chào buổi sáng.
  • Chiếp un un? = Anh có khỏe không?
  • Un un - chiếp un un? = Tôi khỏe - còn anh?
  • Un un = Khỏe ạ.
  • Un gô gô = Chúc ngủ ngon.
  • Ăng gô gô = Chúc một ngày tốt lành.
  • Chiếp chiếp gô = Cảm ơn.
Một ngày nọ, bà Đỏ vô tình nói "Un un gô - gô un un" và được chú heo Lọ Nồi đáp lại "Un un gô - gô un un", từ đó bà Đỏ liên tục nói chuyện với mấy con vật trong vườn. Dần dần, chuyện này lọt ra ngoài và vườn nhà bà Đỏ lại tấp nập khách tới tham quan, nhà báo và các nhà nghiên cứu. Bằng thứ ngôn ngữ độc đáo và khả năng vận dụng ngôn ngữ thiên tài, con người và con vật đã có thể trò chuyện với nhau. Ranh giới giữa các loài bị xóa nhòa. 


Đến đây thì Nguyễn Nhật Ánh đã cho kết thúc cuốn truyện. Chẳng có gì bảo đảm là thằng Cu và đám con vật sẽ thích thú mãi với trò này, biết đâu chúng lại chán như trước đây đã từng chán trò giả tiếng kêu của loài khác, nhưng như thế này cũng đã kịp kể một câu chuyện khác về thế giới tinh thần giàu có của trẻ con. 

Tại 1 buổi phỏng vấn, chia sẻ về ý tưởng cho thứ ngôn ngữ lạ lùng mà đáng yêu của các con vật trong tập truyện, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phát biểu: "...đây chỉ là sự pha trộn từ tiếng kêu của 3 loài vật này (chó, heo và gà), xuất phát từ những tiếng kêu ủn ủn ỉn ỉn, gâu gâu, chiếp chiếp. Đây vốn là những điều rất quen thuộc với tôi thời bé. Khu vườn trong cuốn sách tôi mô tả cũng là từ phiên bản khu vườn của mẹ tôi ở Bảo Lộc năm 1978".

Cuốn truyện này tuy ngắn và nội dung đơn giản, không cầu kỳ, nhưng vẫn ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc, nổi bật trong số những thông điệp mà tác giả muốn truyền tải là thông điệp về tinh thần lao động và tư duy cởi mở.

Khi bọn heo, chó, gà nhà bà Đỏ cảm thấy phiền vì con người đến tham quan quá nhiều khiến cuộc sống của chúng bị đảo lộn, chúng muốn dừng kêu tiếng của loài khác để không còn ai đến tham quan nữa, chúng sẽ được bình yên trở lại. Nhưng chúng lo sợ rằng chúng sẽ phải quay lại cuộc sống vất vả như trước, phải tự bới giun, nhặt sâu mà thức ăn luôn bị thiếu trước hụt sau. Chú heo Lọ Nồi đã khuyên "các đệ tử" của mình rằng: tự mình bươn chải kiếm ăn, chính điều đó đem lại giá trị cho cuộc sống. Đó là cách tốt nhất dạy cho chúng ta bài học làm người. Nếu sống mà chỉ ườn ra cho người khác lo liệu thì gần như là không sống.

Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ và kỳ diệu, liệu chúng ta có đủ cởi mở để sẵn sàng đón nhận những điều đó không? Giả sử như một ngày bạn thấy heo sủa gâu gâu, chó kêu chiếp chiếp còn gà kêu ủn ỉn, và bạn có thể nói chuyện với heo, chó, gà, bạn sẽ mừng rỡ hân hoan vì được chứng kiến điều kỳ diện của tự nhiên, hay bạn sẽ muốn ngất xỉu như bà Đỏ. Hay bạn như ông thuế vụ, lo lắng về việc thuế sẽ thất thu nghiêm trọng, hay bạn như ông an ninh, thấp thỏm nghĩ đến những khó khăn trong việc quản lý những công dân trao đổi thông tin bằng thứ ngôn ngữ mà ngành an ninh đến nay vẫn chưa hoàn toàn nắm bắt được. Vì mải lo nghĩ, chúng ta không cảm nhận và thưởng thức được những gì thiên nhiên ban tặng.

Suy nghĩ của trẻ con rất khác với người lớn. Chúng làm mọi thứ chẳng có toan tính gì, chúng làm chỉ vì một lý do duy nhất là "chúng thích làm thế". Nhưng người lớn thì nhìn những điều đó là cơ hội để hái ra tiền, nên luôn khai thác triệt để nhằm kiếm lợi cho bản thân mà không quan tâm đến cảm xúc của những đứa trẻ. Như trong truyện, đám heo, chó gà nhà bà Đỏ giả tiếng kêu của loài khác hay sáng tạo ra ngôn ngữ mới chỉ vì chúng tinh nghịch và muốn làm mới cuộc sống tẻ nhạt của mình, nhưng mẹ của chúng (là Chị Mái Hoa, Nái Sề và Vện) và những người lớn khác như bà Đỏ, ông chủ tịch tỉnh, bà y tế, ông thuế vụ, ông an ninh, bà kế hoạch đầu tư,... lại chỉ chăm chăm muốn tận dụng đám vật nuôi để khai thác về mặt kinh tế, không để ý rằng đám vật nuôi trở nên thiếu ngủ và khó chịu khi liên tục có người đến nhìn ngó chúng.

Cuối cùng thì thiên đường vẫn thuộc về trẻ con. Trẻ con thì hồn nhiên, được quyền làm mọi thứ, được phép nói những câu kỳ quặc, suy nghĩ giản đơn, người lớn thì không.

Đây là một cuốn sách nhẹ nhàng và có thể tưới mát tâm hồn cằn cỗi, đầy lo toan và mệt mỏi của người lớn chúng ta trong thế giới hối hả này. Bạn nên dành khoảng 2 tiếng đọc "Chúc Một Ngày Tốt Lành" để đắm chìm trong câu chuyện hư cấu thú vị đầy sáng tạo này, giúp bạn xua tan căng thẳng sau một ngày hoặc một tuần vất vả.

Xem video review "Chúc Một Ngày Tốt Lành" tại link
Mua sách tại link 

"Ăng gô gô"!
"Chiếp chiếp gô"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét