Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2023

[Review & Tóm tắt] Đắc Nhân Tâm - Dale Carnegie

“Đắc Nhân Tâm” – một trong những quyển sách bán chạy nhất thế giới, nổi tiếng mọi thời đại, một quyển sách nhận được rất nhiều lời khen nhưng cũng không ít lời chê bai, chỉ trích. Người yêu mến sách thì nói rằng sách này giúp người ta biết cách đối nhân xử thế, thu phục lòng người, rất đáng để đọc. Người chỉ trích nó thì cho rằng nó rất giả tạo, nó hướng dẫn người đọc cách thuyết phục người khác nhằm phục vụ cho lợi ích bản thân, giả dối.

Bản thân mình sau khi đọc hết quyển sách với một tinh thần cởi mở thì mình thấy quyển sách này cũng bình thường, không quá hay cũng chẳng quá giả dối như lời đồn. Chính tác giả Dale Carnegie cũng luôn nhấn mạnh rằng chúng ta phải thực hiện các nguyên tắc được đề cập đến trong sách với sự chân thành, không được giả dối, mánh khóe, vì nếu xu nịnh, lừa dối sẽ bị người khác phát hiện thôi.

Dale Carnegie (1888 – 1955) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại tiểu bang Missouri, Mỹ. Dale Carnegie bắt đầu sự nghiệp của mình với nghề bán hàng và diễn viên, nhưng không thành công. Tự nhận mình là một trong số những người bất hạnh nhất New York năm 1909, chỉ sau một thời gian ngắn, bằng những nỗ lực vượt bậc của mình, ông đã được hàng triệu người trên thế giới biết đến và ngưỡng mộ bởi tài năng xuất chúng trong nghệ thuật hùng biện và khả năng thuyết phục người khác. Năm 1912, ông đã xây dựng một hệ thống huấn luyện mang tên Dale Carnegie, một tổ chức đến nay vẫn hoạt động và phát triển rộng khắp trên toàn thế giới.

Bỏ qua nghi vấn rằng những nội dung trong “Đắc Nhân Tâm” là giả tạo, mình vẫn thấy “Đắc Nhân Tâm” có một số điểm chưa hay:

Thứ nhất, tất cả những lời khuyên Dale Carnegie đưa ra đều hợp lý, chỉ có điều, những điều đó chẳng có gì mới mẻ cả. Ví dụ như: không nên chỉ trích người khác, hãy thân thiện, hãy thể hiện thái độ biết ơn người khác, hãy mỉm cười,… Mấy điều này hầu như ai cũng biết, chúng ta đều đã được dạy bởi gia đình hoặc nhà trường, ông Dale chỉ tổng hợp lại và tìm thêm dẫn chứng minh họa mà thôi.

Thứ hai, sách có vài ý bị lặp đi lặp lại gây cảm giác nhàm chán, có vài phần thì mình có cảm giác là tác giả viết chưa đúng trọng tâm khiến mình bị bối rối, kiểu, đặt một cái tiêu đề như thế này xong lấy dẫn chứng như thế kia.

Thứ ba là nó chưa được sâu sắc và chi tiết về cách thực hành, tức là vẫn còn khá lý thuyết. Chủ yếu tác giả sử dụng câu chuyện của người nào đấy làm dẫn chứng minh họa, từ đó người đọc tự suy ra cách để làm điều đó, chứ tác giả không chỉ dẫn chi tiết cách thực hiện. Ví dụ, tác giả khuyên chúng ta “muốn lấy mật thì đừng phá tổ ong”, đừng bao giờ chỉ trích người khác. Để không chỉ trích người khác thì chúng ta phải là một người biết tự chủ, có tâm hồn bao dung. Mà làm thế nào để trở nên bao dung thì tác giả không nói, chỉ kể về những tấm gương có cách hành xử rộng lượng, và nói về tác hại của việc chỉ trích người khác.

Tuy “Đắc Nhân Tâm” có nhiều thiếu sót về mặt thể hiện nội dung, mình vẫn đọc hết cuốn sách bởi vì nhờ nó mà mình được ôn lại các kiến thức về nghệ thuật đối nhân xử thế mình đã được gia đình và nhà trường dạy. Nhờ sách mà mình nhớ ra rằng mình nên cười nhiều hơn thay vì cứ chau mày, tạo cảm giác không thân thiện. Nhờ đọc cuốn này mà mình ý thức rằng trước khi phê bình người khác thì mình nên tự nhìn nhận lỗi lầm của bản thân,.v.v. Sách nào cũng có cái hay, cái dở, có người khen, kẻ chê, nhưng cái gì có thể học hỏi thì chúng ta vẫn nên học hỏi. Nếu thực hành được những lời khuyên về cách đối nhân xử thế trong quyển “Đắc Nhân Tâm” này thì mình tin là các mối quan hệ sẽ được cải thiện, từ đó kéo theo đời sống tình cảm, gia đình và sự nghiệp cũng sẽ tốt lên.

Hôm nay trong bài viết này mình sẽ chắt lọc những nội dung cốt lõi của cuốn “Đắc Nhân Tâm” để chia sẻ đến các bạn.

PHẦN 1: NGHỆ THUẬT ỨNG XỬ CĂN BẢN

Nguyên tắc 1: Không chỉ trích, oán trách hay than phiền

Chỉ trích là vô bổ, nó chỉ gây ra thái độ chống đối và bào chữa, vì nó chạm vào lòng kiêu hãnh cố chấp của con người, gây tổn thương tới ý thức về tầm quan trọng của họ và tạo nên sự tức giận, căm thù. Chỉ trích còn gây phản ứng chối bỏ trách nhiệm, phát sinh tâm lý chán nản và nhụt chí, trong khi lỗi lầm vẫn không được giải quyết.

Nhà tâm lý học lỗi lạc Hans Selye cho biết: “nỗi sợ bị lên án ở con người cũng lớn như việc khao khát được tán thưởng.”

Con người rất hiếm khi suy xét đúng sai rõ ràng bằng lý trí. Con người hay hành xử theo cảm xúc, thành kiến và lòng kiêu hãnh vốn có của mình.

Bất cứ người thiếu suy nghĩ nào cũng có thể chỉ trích, oán trách và than phiền người khác. Nhưng phải là người biết tự chủ, bao dung mới có thể hiểu và biết tha thứ cho người khác.

Bob Hoover là phi công lái máy bay trình diễn nổi tiếng ở Mỹ. Trong một lần bay thử, do sơ suất của một người thợ máy mà ông suýt mất mạng, và chiếc máy bay rất đắt tiền đã bị hỏng. Những tưởng ông sẽ mắng nhiếc thậm tệ và trút giận xuống người thợ máy đó, nhưng không, Hoover đã ôm vai người thợ máy ấy và nói: “tôi tin chắc rằng anh sẽ không bao giờ lặp lại sai sót này nữa. Để minh chứng cho lòng tin của tôi đối với anh, tôi muốn sáng mai anh tiếp tục chuẩn bị cho chiếc F-51 của tôi”. Người thợ máy đã vô cùng xúc động và cảm kích đối với Hoover sau nghĩa cử bao dung đó.

Nguyên tắc 2: Thành thật khen ngợi và biết ơn người khác.

Thay vì cưỡng bức người khác phải làm theo ý mình, cách đơn giản hơn có thể khiến người khác làm bất cứ điều gì chính là: Hãy để họ làm điều họ muốn.

Tổng thống Lincoln viết: “Mọi người đều thích được khen ngợi”, nhà tâm lý học nổi tiếng William James thì tin rằng “con người thèm khát được tán thưởng”. Con người luôn khao khát được cảm thấy mình quan trọng. Khi chúng ta mặc quần áo thời trang, dùng hàng hiệu, đi những chiếc xe thời thượng, dùng điện thoại sành điệu, kể về những đứa con thông minh, chính là lúc chúng ta thể hiện sự khao khát được tỏ ra quan trọng trước mọi người.

Vậy nên, những ai có khả năng thỏa mãn sự thèm khát này một cách chân thành thì người đó sẽ kiểm soát được những hành vi của người khác. Chúng ta hãy luyện tập thói quen khen ngợi và bày tỏ lòng biết ơn đối với người khác, khiến cho họ cảm thấy họ là người quan trọng. Mọi người sẽ ghi nhận những lời khen ngợi của bạn và có động lực để thực hiện những điều tốt đẹp tương tự trong suốt cuộc đời họ.

Charles Schwab – chủ tịch đầu tiên của Tập đoàn Thép Hoa Kỳ được trả lương rất cao (1 triệu đô la/năm ở thời điểm năm 1921). Người ta sẽ tưởng Schwab là một thiên tài, có kiến thức về thép hơn những người khác. Nhưng thực tế, nhiều người dưới quyền ông có kiến thức chế biến thép hơn hẳn ông, lý do ông được trả lương cao như thế là vì ông có khả năng thu phục lòng người. Ông chia sẻ: “Không có cách nào giết chết ước mơ và nỗ lực phấn đấu của con người bằng thái độ và những lời chỉ trích của cấp trên. Tôi không bao giờ chỉ trích một ai. Tôi tin tưởng vào việc tạo ra động lực cho mọi người làm việc. Tôi luôn khen ngợi người khác và không thích làm tổn thương thêm những lỗi lầm của họ. Nếu tôi thích thú một điều gì đó, tôi sẽ luôn động viên, khuyến khích bằng tất cả sự chân thành và hưởng ứng nhiệt tình nhất của mình.” Những vị quản lý tầm thường sẽ làm ngược lại Schwab. Nếu họ không thích điều gì, họ sẽ quát mắng nhân viên, còn nếu họ thích, họ sẽ chẳng nói gì.

Dĩ nhiên, những lời khen ngợi và cảm ơn của chúng ta phải thực sự chân thành. Xu nịnh ít khi thành công với những người hiểu biết và có khả năng phân biệt nịnh hót và lời khen chân thành.

Một trong những giá trị bị chúng ta lãng quên nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày chính là sự cảm kích, trân trọng. Hãy thắp lên ngọn lửa của sự biết ơn chân thành đối với mọi người trong cuộc sống. Chỉ trích hay xúc phạm người khác không bao giờ làm họ thức tỉnh hay thay đổi được họ trở nên tốt hơn, vậy nên bạn đừng bao giờ làm thế.

Nguyên tắc 3: Gợi cho người khác ý muốn thực hiện điều bạn muốn họ làm

Cách để gây ảnh hưởng đến người khác là nói về những điều họ mong muốn và hướng dẫn họ làm thế nào để đạt được điều đó.

Nếu bạn muốn thuyết phục ai đó làm việc gì thì trước khi làm điều đó, bạn hãy tự hỏi mình: “Tôi có thể làm gì để người đó tự nguyện làm điều này”?

Một ông bố có đứa con trai nhỏ bị suy dinh dưỡng và biếng ăn. Bố mẹ nó dùng đủ mọi biện pháp mà không đạt được kết quả gì. Mẹ nó nói: “Mẹ muốn con ăn cái này và cái kia”. Bố nó nói: “Bố muốn con lớn lên thành một người cường tráng, khỏe mạnh như hiệp sĩ”. Tất nhiên thằng bé không hề quan tâm đến những lời nói đó. Ông bố tự hỏi: “Thằng bé muốn gì nhỉ? Làm sao có thể kết hợp điều mình muốn với điều nó muốn?”. Ông quan sát và để ý thấy cậu con trai mình rất thích đạp xe ba bánh trên hè phố, nhưng có một thằng bé hàng xóm bự con hơn luôn giành xe của con ông. Những lúc như thế cậu bé thường mếu máo và chạy đi mách mẹ. Ông bố nói với cậu con trai bé nhỏ rằng: “Nếu con chịu ăn những gì cha mẹ bảo thì một ngày nào đó con sẽ đủ sức khỏe và không bị thằng bé bự con kia ăn hiếp nữa”. Thế là việc ăn uống của thằng bé chẳng gặp vấn đề gì khó khăn nữa.

Những người bán hàng thường chỉ nghĩ đến điều họ muốn mà không nhận ra điều khách hàng muốn. Chúng ta bao giờ cũng chỉ quan tâm tới việc giải quyết những vấn đề của mình mà thôi. Và nếu như những người bán hàng có thể chỉ cho chúng ta thấy hàng hóa của họ sẽ giúp giải quyết những vấn đề của chúng ta như thế nào, họ sẽ không cần phải bán cho chúng ta. Chúng ta sẽ tự mua. Khách hàng muốn cảm thấy mình đang mua chứ không phải được bán.

Nếu như sau khi đọc quyển sách này, bạn chỉ thực hành được một điều, đó là bao giờ cũng nghĩ theo quan điểm của người khác và nhìn sự việc từ góc độ của họ, chỉ cần điều duy nhất này thôi cũng đủ tạo nên cột mốc vô cùng quan trọng trên con đường phát triển sự nghiệp của bạn.

Mỗi khi bạn có được một ý tưởng đặc biệt, bạn nên gợi cho người khác ý tưởng đó và để họ biến nó thành hiện thực. Lúc đó họ sẽ xem ý tưởng ấy là của họ, họ sẽ yêu thích nó và dốc sức thực hiện bằng mọi giá.

PHẦN 2: 6 CÁCH TẠO THIỆN CẢM

Nguyên tắc 4: Thật lòng quan tâm đến người khác

Nếu chúng ta muốn có những người bạn thật sự thì hãy nghĩ và làm việc gì đó cho họ, dành cho họ thời gian, sức lực và sự quan tâm không vụ lợi. Ví dụ, bạn hãy cố gắng nhớ sinh nhật của bạn bè và gửi lời chúc mừng hoặc quà tặng cho họ; nói về những chủ đề mà họ quan tâm; hỏi thăm sức khỏe của họ khi họ đau ốm,… Cách biểu lộ sự quan tâm phải thật lòng, không giả dối, đảm bảo đôi bên cùng có lợi.

Biểu lộ sự quan tâm chân thành đối với người khác không những giúp bạn có thêm bạn bè mà còn có thể làm tăng lòng trung thành của khách hàng đối với công ty bạn.

Nguyên tắc 5: Hãy cười

Có một câu danh ngôn: “Hãy yêu người nào có thể làm bạn luôn mỉm cười vì chỉ có nụ cười mới có thể xua đi những góc khuất tăm tối trong tâm hồn”. Nụ cười có sức tác động vô cùng mạnh mẽ - ngay cả khi người ta không nhìn thấy nó. Nhiều công ty yêu cầu các tổng đài viên phải luôn mỉm cười khi trả lời điện thoại của khách hàng, vì người nghe có thể “nghe” được nụ cười của tổng đài viên qua giọng nói.

Giáo sư tâm lý học James V. McConnell nói: “Những ai biết mỉm cười đều có thiên hướng biết cách quản lý, bán hàng hiệu quả, tạo hạnh phúc và nuôi dạy con cái nên người. Một nụ cười chuyển tải nhiều thông điệp hơn hẳn một cái cau mày.”

Bạn cần có thái độ vui vẻ khi tiếp xúc với mọi người nếu bạn muốn họ cũng có ý nghĩ tương tự. Hãy tích cực mỉm cười với mọi người bạn gặp trong ngày và đón nhận kết quả. Trong môi trường công sở, bạn không thể hy vọng các đồng nghiệp tự đến với bạn, thân thiện và cởi mở với bạn, mà bạn phải chủ động ra gặp họ. Hãy mỉm cười thật tươi với những người mà bạn gặp và hỏi thăm “Hôm nay anh/chị thế nào?”. Văn phòng sẽ trở nên tươi vui hơn, mối quan hệ đồng nghiệp được cải thiện, công việc trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hẳn lên.

Nguyên tắc 6: Nhớ và gọi đúng tên riêng của người khác

Mỗi khi mới làm quen với một người nào đó, hãy tìm hiểu và ghi nhớ tên đầy đủ cũng như một vài sự kiện về gia đình và công việc của người ấy. Trong lúc nói chuyện, lặp lại tên người đối thoại nhiều lần và tìm cách ghi nhớ tên ấy kết hợp với những đặc điểm gương mặt, phong thái và dáng điệu.

Mọi người bình thường đều quan tâm đến tên riêng của mình nhiều hơn mọi tên riêng khác trên trái đất này. Mọi người rất tự hào về tên riêng của mình nên luôn cố gắng lưu danh bằng mọi giá. Vì vậy, chỉ cần nhớ tên riêng của mọi người, phát âm nó chuẩn xác là bạn đã tặng một lời khen tế nhị và rất hiệu quả cho người ấy. Mỗi cái tên, dù đơn giản đến đâu, cũng chính là điều quan trọng và niềm vui của người đó. Cho dù họ là ai, người phục vụ hay vị tổng giám đốc, cái tên vẫn luôn đem lại điều kỳ diệu khi chúng ta gọi đúng nó.

Hầu hết chúng ta không nhớ được tên người khác và chúng ta đổ lỗi do bận rộn, do trí nhớ kém, mà không dành thời gian và công sức cần thiết để tập trung nhớ, lặp đi lặp lại và khắc sâu những thông tin đó vào tâm trí mình. Ngay cả một người rất bận rộn như tổng thống Franklin D. Roosevelt mà vẫn dành thời gian để nhớ và có thể gọi tên riêng của từng người, kể cả một người thợ máy bình thường mà ông có dịp tiếp xúc. Bạn đừng ngụy biện là do quá bận rộn hoặc trí nhớ kém để không nhớ và gọi đúng tên người khác.

Khi chúng ta có thể nhớ và gọi tên người khác một cách chính xác, thân mật, chúng ta đã thể hiện một sự quan tâm chân thành đến người đó. Và dĩ nhiên, những ai được quan tâm chân thành cũng sẽ dành tình cảm tương tự cho chúng ta. Khả năng nhớ được tên riêng rất quan trọng trong kinh doanh và giao tiếp xã hội. Hãy dành thời gian và công sức để rèn luyện và phát triển thói quen này.

Nguyên tắc 7: Biết lắng nghe.

Lắng nghe rất quan trọng. Lắng nghe là một trong những cách trân trọng nhất mà chúng ta có thể bày tỏ với người đối diện.

Đa số mọi người chỉ bận tâm đến những vấn đề của bản thân mình thôi. Muốn được người khác quan tâm, bạn nên quan tâm người khác. Hỏi những câu mà họ thích trả lời, khuyến khích họ nói về chính họ và thành tích của họ.

Ngay cả những người hung hăng nhất cũng sẽ phải dịu giọng trước một người biết lắng nghe một cách kiên nhẫn và thiện chí.

Ngày xưa khi mới ra trường thì mình làm nhân viên chăm sóc khách hàng, mình làm tổng đài viên cho một sàn thương mại điện tử. Đôi khi có những khách hàng tức giận về sản phẩm họ nhận được và khi mình vừa nhấc máy lên là họ đã chửi mắng liên tục trong cuộc gọi, không cho mình nói gì hết, mình cũng không nói gì hết, mình chỉ yên lặng nghe khách hàng nói hết, đến khi họ xả hết cơn giận và họ không thấy mình cãi gì cả nên họ nghi ngờ hỏi: “Này em có đang nghe không đấy”, thì mình nói là dạ em vẫn đang lắng nghe chị đây, có gì bức xúc thì chị cứ nói hết đi, em rất xin lỗi vì trải nghiệm không tốt mà chị gặp phải khi mua hàng ở bên em. Em xin phép tóm tắt lại vấn đề của chị nãy giờ mà em đã lắng nghe và hiểu được…. Lúc này khách hàng đã có thể bình tĩnh để nghe mình đưa ra giải pháp cho vấn đề của họ và khách hàng sẽ rất hài lòng về sự chăm sóc của mình. Bởi vì, thứ nhất là họ đã được xả hết cơn bực. Thứ hai là mình không ngắt lời, không cãi họ, không thêm dầu vào lửa. Thứ ba là họ cảm thấy họ được mình lắng nghe, bằng chứng là mình đã có thể tóm tắt lại các vấn đề mà họ đã nói lan man trong cơn bực bội. Thậm chí có những khách hàng còn chốt lại bằng câu: Thôi chị không bắt đền bên em đâu, chị chỉ gọi lên chửi cho bõ giận thôi, cám ơn em đã lắng nghe chị.

Nguyên tắc 8: Nói về điều người khác quan tâm

Con đường nhanh nhất dẫn đến trái tim một người là bàn luận về những điều người ấy quan tâm nhất.

Ông Duvernoy đang tìm cách để bỏ mối bánh mì cho một khách sạn ở New York. Suốt 4 năm, ông liên tục đến thăm chủ khách sạn nhưng vẫn chưa có được hợp đồng với khách sạn đó. Duvernoy phát hiện ông chủ khách sạn là chủ tịch của Hiệp hội các nhà kinh doanh khách sạn hiếu khách Hoa Kỳ. Thế là vào lần sau khi đến thăm ông chủ khách sạn này, Duvernoy bắt đầu nói đến hoạt động của hiệp hội. Ông chủ khách sạn đã rất hào hứng trò chuyện với Duvernoy trong nửa tiếng đồng hồ về hiệp hội. Trong cuộc nói chuyện, Duvernoy không nhắc một lời nào về bánh mì. Nhưng vài ngày sau, khách sạn đã mời Duvernoy đem các mẫu bánh mì và bảng giá đến. Duvernoy rút ra một điều rằng: 4 năm trời chạy đôn đáo quảng cáo sản phẩm, nói về bản thân sản phẩm không bằng nửa giờ bàn luận về chủ đề yêu thích của đối tác.

Nguyên tắc 9: Làm cho người khác thấy rằng họ quan trọng

Có một quy tắc hết sức quan trọng trong việc đối nhân xử thế, đó là: Luôn luôn làm cho người khác cảm thấy họ quan trọng. Ai cũng muốn được tán thành, được thừa nhận giá trị của bản thân. Ai cũng muốn được người thân, bạn bè hay các đối tác khen ngợi chân thành và thật lòng.

Hall Caine là con một người thợ rèn, học chưa hết lớp 8, nhưng sau đó lại là nhà văn giàu có nhất trong các nhà văn đương thời. Hall Caine thích thơ của Dante Gabriel Rossetti và đã viết một bài ca ngợi Rossetti rồi gửi cho ông ấy. Rossetti rất cảm kích nên đã mời Hall Caine đến London làm thư ký cho ông. Ở đó, Hall Caine được gặp gỡ rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đương thời. Họ đã chỉ dẫn và khuyến khích ông bước vào con đường văn chương, đưa tên tuổi của ông lên đỉnh cao vinh quang. Có thể Hall Caine đã chết lặng lẽ trong nghèo khó nếu như không biểu lộ sự thán phục một nhân vật nổi tiếng bằng bài viết đó.

Có một sự thật rõ ràng là hầu hết mọi người bạn gặp đều cảm thấy họ hơn bạn ở một điểm nào đó. Cách chắc chắn để chiếm được cảm tình của họ là khiến họ nhận thấy, bằng một cách tế nhị, rằng bạn thành thật thừa nhận tầm quan trọng của họ.

PHẦN 3: 12 CÁCH HƯỚNG NGƯỜI KHÁC SUY NGHĨ THEO BẠN

Nguyên tắc 10: Không tranh cãi

Kết quả cuối cùng của bất cứ cuộc tranh cãi nào là không có ai thắng cả. Bởi vì nếu như bạn thua, thì rõ ràng là bạn đã thua. Còn nếu như bạn thắng, thì bạn vẫn cứ thua. Đơn giản là vì khi bạn thắng một người khác, khi bạn chứng tỏ rằng kiến thức của đối phương thấp kém, lập luận của anh ta đầy những lỗ hổng và đầu óc anh ta có vấn đề… nghĩa là bạn đã làm cho lòng tin, lòng tự hào của người đó bị tổn thương. Anh ta sẽ bi quan hoặc tức tối vì sự đắc thắng của bạn…. Bạn mất đi một mối quan hệ, một khách hàng, như vậy, bạn cũng đã thua.

Nhà thông thái Ben Franklin thường nói: “Nếu bạn cố tranh cãi để thắng thì đấy cũng chỉ là một chiến thắng vô nghĩa, bởi vì bạn sẽ không bao giờ nhận được thiện chí và sự hợp tác của đối phương”.

Tranh cãi không giải quyết được bất hòa, chỉ có lòng khoan dung và thiện chí nhìn nhận sự việc bằng quan điểm của đối phương mới hòa giải được.

Có một anh nhân viên bán xe tên Pat rất hay cãi lý với khách hàng. Khi thấy khách hàng khen xe của hãng đối thủ, Pat sẽ nóng mặt và cố tìm nhược điểm của loại xe đó để cãi với khách. Pat càng cố cãi thì khách hàng lại càng bênh vực nó và khi càng bênh vực nó thì khách lại càng tin chắc rằng xe của hãng ấy tốt hơn xe Pat đang bán. Sau đó Pat thay đổi. Nếu khách hàng nói: “Cái gì? Xe hãng A à? Kém lắm! Có cho không tôi cũng không nhận. Tôi sẽ mua xe từ hãng B” thì Pat sẽ đáp: “Vâng, xe của hãng đó rất tốt. Nếu ông mua hãng đó, ông sẽ không sợ lầm. Công ty đó uy tín, phục vụ chu đáo”. Lúc đó khách hàng sẽ không nói gì được nữa. Không có chỗ nào để tranh luận. Lúc đó, hai người rời khỏi chủ đề xe của hãng B và bắt đầu nói về những điểm tốt của xe hãng A. Pat đã dần trở thành một trong những người bán hàng xuất sắc nhất của công ty.

Nguyên tắc 11: Tôn trọng ý kiến của người khác

Ít người suy nghĩ theo logic. Hầu hết chúng ta đều có thành kiến và thiên vị. Hầu hết mọi người đều không muốn thay đổi, bất kể đó là quan điểm chính trị, tôn giáo, hay kiểu tóc hoặc lòng hâm mộ đối với một ngôi sao điện ảnh. Cho nên bạn đừng chỉ trích quan điểm của người khác. Làm thay đổi ý kiến của người khác là rất khó, ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất.

Biểu lộ lòng tôn trọng mọi ý kiến của khách hàng và đối xử với họ một cách lịch sự và chân thành sẽ giúp ta chiến thắng trong thương trường cạnh tranh khốc liệt.

Đừng bao giờ tranh cãi với khách hàng hoặc vợ chồng bạn hay những người chống đối bạn. Đừng bao giờ bảo rằng họ đã sai. Đừng chọc giận họ. Hãy cư xử với họ một cách tế nhị, lịch thiệp và chân tình nhất.

Nguyên tắc 12: Thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình

Tự phê phán mình sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc nghe lời phê phán từ miệng người khác.

Nếu chúng ta chịu nhìn nhận những điều sai trái của mình trước khi người khác có dịp nói ra, chúng ta sẽ có 99% cơ hội được đối xử bằng thái độ hào hiệp, tha thứ và những lỗi lầm sẽ được giảm bớt.

Đừng cố bào chữa lỗi lầm. Việc tự nhận lỗi sẽ giúp chúng ta khác biệt với số đông tầm thường và cho chúng ta một cảm giác tự hào cùng niềm vui cao thượng.

Trong nội chiến Mỹ, có một trận thua gây tổn thất lớn nhất và là sai lầm nghiêm trọng nhất trong cuộc đời cầm quân oanh liệt của Tướng Robert E. Lee, đó là trận Gettysburg. Thất bại này đánh dấu sự kết thúc vai trò lịch sử của quân miền Nam. Nếu Lee muốn gán thất bại tệ hại đó cho một người nào khác thì ông đã có thể tìm được hàng chục lời bào chữa cho mình: chỉ huy sư đoàn không mang quân đến chi viện cho ông, kỵ binh đã không đến kịp thời để hỗ trợ cho bộ binh,…

Nhưng Tướng Lee đã chân thành tự nhận lỗi: “Tất cả việc này là do lỗi của ta. Ta, và chỉ mình ta đã khiến cho trận chiến này đại bại”. Trong lịch sử chiến tranh trên thế giới, hiếm thấy vị tướng nào có lòng dũng cảm và tinh thần lãnh đạo kiệt xuất như thế.

Nếu bạn quan tâm đến nội chiến Mỹ, thì có một tác phẩm văn học kinh điển rất hay lấy về chủ đề này, đó là “Cuốn theo chiều gió”. Mình đã review và tóm tắt tác phẩm này, bạn có thể xem tại link này nhé!

Nguyên tắc 13: Luôn bắt đầu bằng một thái độ thân thiện

Sự cảm thông, tình thương yêu và lòng trắc ẩn chính là phương cách tốt nhất giúp bạn nhận được sự đồng tình của mọi người.

Ngôi nhà của Winn vừa mới xây xong đã bị nước mưa làm ngập chân móng, gây nứt nền, hỏng lò sưởi,.v.v Chi phí sửa chữa hơn 2000$. Lỗi là do chủ khu đất không lắp đặt hệ thống thoát nước mưa. Winn đến thăm ông chủ đất, không hề giận dữ, trách móc hay than phiền gì. Winn bắt đầu hỏi thăm về chuyến đi nghỉ ở miền Tây Ấn của ông chủ đất. Cuối cùng, đến lúc thuận lợi, Winn mới nói về sự cố của mình. Ông chủ đất hứa ngay sẽ đóng góp phần nào phí tổn. Cuối cùng, ông ta nhận đền bù mọi thiệt hại và cho lắp đặt hệ thống thoát nước. Nếu Winn không mở đầu bằng thái độ thân mật thì chắc gì người chủ đất đã chịu hết trách nhiệm mặc dù đó là lỗi của ông ta.

Nguyên tắc 14: Hỏi những câu khiến người khác đáp “có” trước

Khi nói chuyện với mọi người, bạn không nên bắt đầu bằng những điểm khác biệt. Ngược lại, bạn có thể bắt đầu bằng cách nhấn mạnh những điểm mà hai bên đều đồng ý. Câu trả lời “đồng ý” ngay từ đầu sẽ tốt hơn rất nhiều.

Khi một người đã nói “không” thì tất cả niềm kiêu hãnh cá nhân đòi hỏi người đó phải nhất quán với chính mình. Sau đó, dù có nhận ra câu trả lời “không” là bất ổn thì lòng kiêu hãnh vốn có của người đó cũng không cho phép họ thay đổi. Do đó, cần phải để cho người ta đồng ý với bạn ngay từ đầu. Đó là điều hết sức quan trọng. Câu trả lời “đồng ý” ngay từ đầu của một người sẽ khiến cho quá trình suy nghĩ và quyết định của người ấy đi theo hướng đồng tình.

Một vị khách vào ngân hàng để mở tài khoản. Trong quá trình điền thông tin vô giấy tờ thì anh ta lại từ chối trả lời vài câu hỏi. Thay vì dọa khách hàng rằng nếu anh ta không chịu cung cấp thông tin đầy đủ thì sẽ không mở tài khoản, giao dịch viên nói rằng thông tin mà anh không chịu cung cấp cũng không cần thiết lắm, và tìm cách để khách hàng nói “vâng”. Giao dịch viên hỏi:

-      Giả như chẳng may ông có bề gì, ông có muốn ngân hàng trao số tiền trên tài khoản của ông cho người thừa kế của mình theo luật pháp không?

-      Vâng, dĩ nhiên là có – anh ta đáp

-      Vậy ông nghĩ có nên cho chúng tôi biết tên của người họ hàng gần nhất để trong trường hợp đó chúng tôi có thể thực hiện những nguyện vọng của ông không?

-      Vâng

Thái độ của người khách dịu đi và bắt đầu hiểu rằng ngân hàng yêu cầu những thông tin này không phải vì lợi ích của ngân hàng mà là phục vụ lợi ích cho anh ta. Và anh ta cung cấp toàn bộ thông tin cần thiết.

Nguyên tắc 15: Để người khác cảm thấy họ là người làm chủ cuộc nói chuyện

Khi cần thuyết phục người khác, bạn đừng nói quá nhiều, bạn nên để người khác được dịp trình bày quan điểm của họ. Bạn chỉ nên hỏi và lắng nghe những câu trả lời của họ. Người ta tin bạn không phải vì bạn nói nhiều mà vì bạn biết lắng nghe.

Không ai chú ý đến bạn khi họ vẫn còn nhiều điều cần phải nói. Bạn nên kiên nhẫn lắng nghe với một thái độ quan tâm và khuyến khích họ chia sẻ hết mọi suy nghĩ của mình. Điều quan trọng nhất của cuộc trò chuyện là để người khác bộc lộ mình. Sau khi được nói hết, tự nhiên họ sẽ lắng nghe chúng ta.

Nguyên tắc 16: Để người khác tin rằng chính họ mới là người đưa ra ý tưởng đầu tiên

Việc buộc người khác chấp nhận ý kiến của mình sẽ là một sai lầm nghiêm trọng của bạn. Tốt hơn là đưa ra một vài gợi ý và để người khác tự đưa ra quan điểm của họ.

Một người quản lý bán hàng muốn khơi dậy tinh thần làm việc của nhân viên nên đã triệu tập một cuộc họp và yêu cầu các nhân viên nêu lên những gì họ mong đợi ở ông. Vừa lắng nghe họ, ông vừa viết những ý kiến ấy lên bảng. Sau đó, ông cam kết: “Tôi sẽ cố gắng đáp ứng mọi điều mà các bạn mong đợi ở tôi. Để đáp lại, xin hỏi tôi có thể mong đợi điều gì ở các bạn?”. Các nhân viên trả lời: lòng trung thực, sự chân thành, sáng tạo, tinh thần đồng đội, tận dụng hiệu quả tám giờ làm việc mỗi ngày, lòng nhiệt huyết,… Cuộc họp kết thúc với một tinh thần mới, một cảm hứng mới. Ngay sau đó, doanh số đã tăng lên không ngờ. Ở đây, người quản lý đã không hề ép các nhân viên phải sáng tạo, phải kỷ luật phải làm việc hiệu quả hơn, mà người quản lý đã khéo léo gợi ý để chính các nhân viên đã tự đề xuất những ý kiến này, tự cam kết họ sẽ như vậy. Chính vì họ tự nguyện đề xuất, nên họ quyết tâm giữ đúng những gì họ cam kết, làm việc với tinh thần cao nhất.

Nguyên tắc 17: Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác

Một người có thể sai hoàn toàn nhưng thường thì không bao giờ chấp nhận mình sau. Vì vậy chúng ta đừng nên kết án họ bởi điều đó không có tác dụng. Thay vào đó, chúng ta tìm cách hiểu họ.

Luôn có nguyên do khiến người ta hành động và suy nghĩ như cách mà họ đang sống. Bạn nên cố gắng hiểu điều gì chi phối suy nghĩ, hành động và tính cách của người ấy. Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của người ấy. Tự nhủ rằng: “Mình sẽ cảm thấy như thế nào, sẽ phản ứng thế nào nếu ở trong hoàn cảnh của người ấy lúc đó”, bạn sẽ tránh được sự bực mình, hơn nữa, bạn sẽ có thêm sức mạnh và sự khéo léo trong việc giải quyết các vấn đề đó.

Nguyên tắc 18: Đồng cảm với mong muốn của người khác

Một câu thần chú có thể chấm dứt việc tranh cãi, loại trừ ác cảm, tạo ra thiện chí, đó là câu nói: “Tôi hoàn toàn hiểu được cảm giác của bạn. Nếu ở trong hoàn cảnh ấy chắc chắn tôi cũng sẽ làm như vậy”. Câu nói này sẽ khiến người thô lỗ nhất cũng phải dịu giọng. Sự thông cảm, đồng tình của người khác với ước muốn của mình là điều con người khao khát nhất.

Nguyên tắc 19: Khơi gợi sự cao thượng nơi người khác

Trong kinh doanh, tốt nhất là hãy luôn nghĩ rằng khách hàng trung thực và công bằng. Mà quả thật đa số khách hàng đều như thế, họ sẵn lòng thanh toán sòng phẳng nếu họ thật sự yên tâm về sự chính xác của các hóa đơn. Hầu hết những cá nhân gian tham hay có thiên hướng gây khó khăn cho người khác vẫn sẽ hợp tác hơn nếu bạn chứng tỏ cho họ thấy rằng, bạn xem họ là người trung thực, thẳng thắn và lịch sự.

Nguyên tắc 20: Trình bày vấn đề một cách sinh động

Trình bày ý tưởng đơn thuần chưa đủ sức thu hút sự chú ý. Ý tưởng phải được trình bày sinh động, hấp dẫn và thú vị.

Một ông bố không thể bắt các con của mình thu dọn đồ chơi chúng vứt bừa bãi trên sàn nhà. Ông đã nghĩ ra trò chơi “tàu hòa chở hàng”. Ông gọi đồ chơi là “than đá”, ông bảo mấy đứa trẻ đi gom than đá và chất vào toa hàng. Cậu anh lái tàu chở cô em đi loanh quanh khắp nhà để gom than. Bằng cách này, căn phòng được dọn sạch mà không phải dùng đến cách giảng dài dài dòng hay đe dọa trừng phạt mà không hề hiệu quả.

Nguyên tắc 21: Khơi gợi nơi người khác tinh thần vượt lên thử thách

Có một người quản đốc bị giám đốc quở trách vì không thể làm cho xưởng của mình đạt được chỉ tiêu. Mặc dù người quản đốc đã cố làm đủ mọi cách, từ động viên, thúc giục, la mắng, thậm chí cả dọa đuổi việc công nhân mà họ không thay đổi gì cả. Ông cho rằng công nhân của ông không có năng lực làm việc. Người giám đốc đã hỏi một công nhân gần nhất rằng: “Ca làm của anh hôm nay đã đổ được bao nhiêu mẻ nung?”. “Sáu”. Giám đốc lấy phấn vẽ một con số 6 thật to trên sàn và bước đi. Các công nhân trong ca làm việc buổi tối đều để ý con số đó và được biết rằng đó là số mẻ nung mà ca sáng đã làm được. Sáng hôm sau, con số 6 đã được ca tối chỉnh lại thành số 7 rất to. Các công nhân ca sáng nói với nhau rằng ca tối nghĩ là đã làm tốt hơn chúng ta, họ muốn chứng tỏ cho ca tối biết khả năng của họ. Khi kết thúc ca làm, con số 7 đã được xóa và thay bằng con số 10. Trong thời gian ngắn sau đó, xưởng này trở thành nơi có năng suất làm việc cao nhất nhà máy.

Cách tốt nhất để hoàn thành công việc là khơi gợi một sự thi đua lành mạnh trong công ty. Khuyến khích, tạo điều kiện cho những ham muốn, khát khao được thể hiện năng lực xuất sắc trỗi dậy trong lòng mọi người. Hầu như ai cũng có sự khao khát được thể hiện mình. Đưa ra thách thức là một cách làm để khuyến khích người khác thay đổi.

Yếu tố động viên quan trọng nhất đối với người đi làm không phải là tiền bạc, phúc lợi hay môi trường làm việc tốt, mà là bản thân công việc. Nếu công việc thú vị, tạo điều kiện để phát triển, thể hiện năng lực, nhân viên sẽ rất gắn bó và luôn có động lực hoàn thành công việc thật tốt.

PHẦN 4: CHUYỂN HÓA NGƯỜI KHÁC MÀ KHÔNG GÂY RA SỰ CHỐNG ĐỐI HAY OÁN HẬN

Nguyên tắc 22: Trước khi phê bình, hãy khen ngợi

Tổng thống Calvin Coolidge nói với cô thư ký: “Chiếc áo của cô đẹp quá, cô quả là một cô gái rất duyên dáng”. Lời khen bất ngờ này làm cô thư ký đỏ mặt, lúng túng. Coolidge nói tiếp: “Tôi nói thật lòng đấy! Cô xứng đáng với lời khen đó. Tuy nhiên từ nay xin cô cẩn thận hơn một chút về cách chấm câu trong các văn kiện và thư từ”.

Tổng thống Calvin hiểu rằng khi một người đã được nghe lời khen rồi thì họ cũng sẽ dễ dàng nhận lời chê trách, góp ý hơn.

Khen ngợi trước khi góp ý cũng giống như nha sĩ tiêm thuốc tê trước khi nhổ răng, giúp bệnh nhân bớt đau đớn hơn.

Nguyên tắc 23: Góp ý sai lầm của người khác một cách gián tiếp

Việc người khác góp ý một cách gián tiếp những sai lầm của mình sẽ làm cho những người nhạy cảm rất cảm kích, họ có thể cảm thấy rất khó chịu trước bất kỳ lời phê phán trực tiếp nào.

Những công nhân xây dựng không dọn dẹp sân vườn sau mỗi ngày thi công, bà chủ nhà không muốn làm phật ý những người thợ xây giỏi việc nên bà tự dọn dẹp sạch sẽ gọn gàng, sáng hôm sau bà gọi riêng người quản đốc vào và bảo: “Tôi rất vui khi ông giữ gìn cái bồn hoa xinh tươi, sạch sẽ phía trước và không làm cho những người láng giềng khó chịu”. Từ đó trở đi, dù ngôi nhà vẫn đang được thi công, bà không cần phải dọn dẹp mà sân vườn của bà vẫn luôn gọn gàng.

Nguyên tắc 24: Nhìn nhận sai lầm của bản thân trước khi phê bình người khác

Việc nhìn nhận sai lầm của chính mình – ngay cả khi chưa kịp sửa chữa – có thể giúp ta thuyết phục người khác thay đổi hành vi của họ.

Một ông kỹ sư có một cô thư ký thường xuyên viết sai chính tả. Ông cầm bức thư có lỗi chính tả, ngồi cạnh người thư ký và nói: “Hình như từ này viết không đúng. Tôi cũng từng khổ sở ghê lắm với nó. Vì vậy lúc nào tôi cũng thủ sẵn một quyển sổ chính tả để cứu nguy đây. Đây rồi. Chữ ấy ở đây. Bây giờ phải chú ý viết đúng chính tả thôi, vì người ta sẽ xét đoán tôi qua những bức thư tôi viết. Những lỗi chính tả sẽ khiến họ nghĩ chúng ta kém chuyên môn đấy.” Sau cuộc trao đổi đó, số lượng lỗi chính tả của cô thư ký đã giảm đi đáng kể.

Nguyên tắc 25: Gợi ý thay vì ra lệnh

Ra lệnh bằng cách đặt câu hỏi là tạo điều kiện cho người nhận lệnh được cùng đưa ra quyết định. Và một khi họ tham gia ra quyết định, họ sẽ chủ động thực hiện quyết định ấy một cách sáng tạo và tích cực nhất.

Một nhà máy nhỏ đang đứng trước cơ hội được nhận một đơn đặt hàng rất lớn. Tuy nhiên ông giám đốc ngần ngại chưa dám nhận vì lo không đủ khả năng hoàn thành đúng thời hạn hợp đồng. Ông tập hợp tất cả công nhân lại, giải thích rõ ràng về tình hình hiện tại cho họ biết và thành thật nhìn nhận rằng đơn đặt hàng này quan trọng như thế nào đối với công ty cũng như đối với họ. Sau đó, ông đưa ra những câu hỏi:

Chúng ta cần làm gì để giải quyết đơn đặt hàng này? Ai có sáng kiến gì gia tăng năng suất để có thể thực hiện hợp đồng này? Có cách nào để tận dụng giờ làm việc và phân công lao động hợp lý, hiệu quả hơn không?

Các nhân viên tích cực đưa ra nhiều ý kiến và thể hiện quyết tâm nhận lấy đơn đặt hàng. Như vậy là chính họ đã quyết định nhận hợp đồng, chính họ đã quan hệ nên làm thế nào và họ đã hoàn thành được hợp đồng đó. Giả sử, ông giám đốc làm ngược lại, chỉ đùng đùng ra lệnh cho các công nhận làm ngày làm đêm theo ý chủ quan của mình mà bất chấp phản ứng của công nhân thì có lẽ ông sẽ chẳng bao giờ đạt được điều mình mong muốn.

Nguyên tắc 26: Giữ thể diện cho người khác

Giữ thể diện cho người khác là một điều hết sức quan trọng.

Chúng ta cứ tùy tiện quát nạt, phê phán, chỉ trích, đe dọa kẻ khác trước đám đông mà không hề quan tâm gì tới lòng tự trọng mà ai cũng có. Thậm chí nhiều khi chúng ta còn cố tình xúc phạm người khác, cố bới móc ra lỗi lầm của ai đó. Chỉ cần suy nghĩ vài phút, với vài lời nói ân cần, thông cảm là chúng ta đã tránh được việc làm tổn thương người khác.

Nguyên tắc 27 & 28: Khuyến khích người khác. Khen ngợi để khuyến khích người khác sống xứng đáng với lời khen đó

Nếu bạn biết cách thì chỉ cần một lời động viên khích lệ, một lời khen đúng lúc cũng có thể tạo nên một nguồn động viên lớn lao cho người khác. Đôi khi, một lời khen ngợi, động viên được nói ra đúng lúc có tác động phi thường mà ngay chính bản thân người tạo ra lời khen ấy cũng không ngờ đến.

Lời khen của chúng ta có thể sẽ đánh thức những đức tính tốt đẹp trong một con người, khi chúng ta tin rằng người đó tốt đẹp, họ sẽ thể hiện rằng họ tốt đẹp như lời khen của chúng ta.

Hồi bé, có lần mẹ mình khen mình trước mặt một vị khách rằng “Con nhà em nó ngoan ngoãn và học giỏi lắm”. Thế là mặc dù lúc đó mình không ngoan cho lắm và cũng không giỏi gì, nhưng vì mẹ mình đã đặt niềm tin đó vào mình, và còn đi nói với người khác điều đấy nữa, nên mình quyết tâm trở nên ngoan ngoãn và học giỏi. Mình tin là trong cuộc sống của các bạn cũng ít nhất có một câu chuyện tương tự như thế.

Mọi người đều muốn được khen, nhưng lời khen phải cụ thể, rõ ràng, thể hiện sự chân thành chứ không phải lời sáo rỗng nghe cho êm tai. Chúng ta đều khao khát được tán thưởng, được thừa nhận, đều sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được công nhận. Nhưng không ai muốn sự giả dối và nịnh hót.

Nguyên tắc 29: Mở đường cho người khác sửa chữa lỗi lầm

Nếu bạn bảo con cái, vợ chồng hay nhân viên của bạn rằng họ ngốc nghếch, vụng về hay bất tài… nghĩa là bạn đã hủy diệt hầu hết mọi động cơ để họ tiến bộ. Nhưng nếu ngược lại, bạn khuyến khích, làm cho sự việc có vẻ dễ dàng hơn, thể hiện sự tin tưởng rằng họ có năng khiếu nhưng chưa được phát triển thì họ nhất định sẽ cố gắng phát triển năng khiếu mà bạn đã phát hiện hay thậm chí là gán cho họ.

Nguyên tắc 30: Tôn vinh người khác, làm cho họ vui vẻ thực hiện đề nghị của bạn

Có một người phụ nữ rất khó chịu vì những cậu bé hàng xóm cứ chạy bừa lên thảm cỏ của bà. Quát mắng, dỗ dành mãi vẫn không có tác dụng. Bà nghĩ ra cách tặng cho đứa trẻ nghịch phá nhất trong đám một danh hiệu và cảm giác về uy quyền. Bà gọi cậu bé là “thám tử” và giao cho cậu trách nhiệm ngăn không cho bất kỳ ai chạy ngang qua thảm cỏ. Điều này đã giải quyết được vấn đề. “Thám tử” đã ra sức bảo vệ thảm cỏ để không còn ai giẫm đạp lên thảm cỏ nữa.

Bạn có thể mua Đắc Nhân Tâm tại đây nhé. Chúc các bạn đọc sách vui vẻ và học được nhiều điều hay ho :D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét