Một lý do khác mình không làm video về lợi ích của việc đọc sách là vì mình thấy đã có rất nhiều video trên YouTube và bài báo bàn về chủ đề này, nên mình không thấy cần thiết phải có thêm một cái video của mình.
Tuy nhiên, thời gian trôi thì con người cũng thay đổi quan điểm, đến nay mình cũng thấy cần thiết phải nghiêm túc ngồi xem lại xem việc đọc sách thực sự có lợi như thế nào cho riêng bản thân mình và cho mọi người nói chung. Do đó hôm nay chúng ta có bài viết này: Những lợi ích của việc đọc sách.
Lợi ích thứ nhất của việc đọc sách:
Đọc sách giúp ta kết nối được với những con người cách xa chúng ta cả về mặt không gian và thời gian, hoàn toàn khác biệt về thế hệ, ngôn ngữ, lĩnh vực, khả năng, cách tư duy,... Và chúng ta được lĩnh hội tri thức từ những bộ não có thể nói là tinh hoa nhất của nhân loại trong hàng ngàn năm qua.
1. Đọc sách chắc chắn giúp chúng ta mở mang đầu óc.
Trong video "Mấy cuốn sách về tiền (đã giúp mình cải thiện tài chính sau một năm)", mình đã từng kể rằng trước đây mình luôn muốn đổi xe máy từ xe số sang xe tay ga, kể cả khi mình không có đủ tiền mua, bởi vì mình sợ người ngoài sẽ đánh giá thấp mình nếu thấy mình đi xe số cà tàng. Thế nhưng, sau khi đọc cuốn sách "Tâm lý học về tiền", mình vẫn đi xe số tới giờ. Miễn là mình tiết kiệm được mấy chục triệu đồng để dành cho việc khác quan trọng hơn.
Bình luận nào chê nhưng có sự góp ý mang tính xây dựng thì mình sẽ tiếp thu để cải thiện chất lượng video.
Bình luận nào chê mà chỉ có công kích cá nhân, không mang tính xây dựng thì mình sẽ lờ đi.
Để lấy tất cả ví dụ về lợi ích của từng cuốn sách đối với mình thì sẽ khiến cho bài viết này quá dài, nếu cần thì bạn cứ xem các video mình đã review sách, bạn sẽ nhận ra rất nhiều kiến thức mới mẻ và bổ ích từ sách.
Mỗi một cuốn sách hay sẽ mở ra trước mắt chúng ta một chân trời mới, chỉ cần chúng ta luôn giữ tư duy cởi mở và ham học hỏi, thế giới sẽ mở ra với chúng ta.
2. Khi đọc nhiều sách, bạn sẽ dần liên kết được những mảng kiến thức vụn vặt trong các quyển sách khác nhau thành một bức tranh tri thức hoàn chỉnh.
Nói nghe có vẻ khó hiểu, để mình lấy ví dụ cho bạn.
Ví dụ 1:
Trong cuốn "7 thói quen hiệu quả", tác giả Stephen Covey cho rằng một trong những thói quen hiệu quả là tư duy cùng thắng (win-win), trong đó chúng ta cần rèn luyện tư duy "có đủ cho mọi người". Tư duy "có đủ cho mọi người" là mô thức tin rằng ngoài kia luôn có rất nhiều và có đủ cho tất cả, thành công của người này không hề đe dọa thành công của người khác. Người có tư duy nghèo nàn sẽ nhìn cuộc đời như thể chỉ có một miếng bánh ngoài kia, và nếu có ai đó giành được phần nhiều của chiếc bánh thì tức là những người còn lại sẽ nhận được ít hơn. Họ không thực sự thấy vui vì thành công của người khác, như thể khi người khác đạt được một thành tựu nào đó thì họ bị mất đi một thứ gì đó vậy.
Một lời nói dối đã được lan truyền trong tâm trí nhân loại lâu nay là: “Không có đủ những điều tốt đẹp cho tất cả mọi người”. Lời nói dối ấy đã khiến con người sống trong trạng thái sợ hãi, tham lam và keo kiệt. Thực tế là trong vũ trụ có rất nhiều điều tốt đẹp, đủ cho tất cả mọi người. Rất nhiều ý tưởng sáng tạo, năng lượng, tình yêu và niềm vui.
"Vũ trụ cung cấp tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người thông qua Luật hấp dẫn".
Thông qua quá trình thực hành Luật hấp dẫn, mình cũng ngày càng có tư duy "có đủ cho mọi người", mình tin rằng vũ trụ này không có giới hạn, chúng ta có thể đạt được bất kỳ điều gì chúng ta muốn mà không làm người khác bị thiệt thòi. Ngược lại, người khác cũng có thể đạt được bất kỳ điều gì họ muốn mà không làm chúng ta bị thiệt thòi. Khi ai đó biết nói tiếng Anh, họ không hề cướp đi cơ hội biết nói tiếng Anh của chúng ta, vấn đề ở chỗ là chúng ta có chịu dành thời gian và nỗ lực để học tiếng Anh hay không. Khi ai đó cưới được một người vợ xinh đẹp giỏi giang, họ không hề cướp đi cơ hội cưới được một người vợ xinh đẹp giỏi giang của chúng ta, vấn đề ở chỗ là chúng ta có nỗ lực để tìm được và xứng đáng với người vợ như vậy hay không.
Ví dụ 2:
Khi mình đọc cuốn sách "Nghĩ giàu làm giàu" của tác giả Napoleon Hill, mình thấy rằng một nửa bí quyết thành công nằm ở một số phẩm chất như có khát vọng, quyết đoán, sáng tạo, biết hợp tác, có kiến thức chuyên môn, một nửa bí quyết còn lại thuộc về những thứ trừu tượng như: óc sáng tạo, trí tưởng tượng, ý nghĩ và tiềm thức, thậm chí ổng còn nói đến giác quan thứ 6.
Mình lấy ví dụ Bước làm giàu thứ 2: Tưởng tượng và tin tưởng vào những gì bạn khát khao vươn tới. Niềm tin là một trạng thái tinh thần có thể được tạo ra và điều khiển bằng việc không ngừng khẳng định và lặp đi lặp lại một cách nghĩ nào đó vào tiềm thức. Bạn sẽ "thuyết phục" tiềm thức của mình rằng những gì bạn tin tưởng và mong muốn thì chắc chắn bạn sẽ đạt được. Tiềm thức của bạn sẽ tiếp nhận sự tin tưởng đó và chuyển hóa nó thành niềm tin/nỗi ám ảnh trong tâm trí bạn. Niềm tin đó sẽ "dẫn đường chỉ lối" cho bạn vạch ra một kế hoạch cụ thể nhằm đạt được những gì mình khao khát.
Bạn sẽ nhận được những lợi ích không ngờ nếu như truyền vào tiềm thức những khát vọng tích cực và tin rằng những khát vọng đó sẽ được chuyển hóa thành những giá trị vật chất/tiền bạc tương đương. Bạn cần luôn suy nghĩ và hành động như thể bạn đã có được tất cả những gì mình mong muốn. Bạn cần phải khuyến khích những cảm xúc tích cực cũng như những nguồn năng lượng chi phối tâm trí mình.
Lúc đọc cuốn đó vào khoảng tháng 9 năm 2021, mình chả hiểu mấy. Mình nghĩ ông này viết lan man, mơ hồ, khó tin. Cho đến tháng 8 năm 2023 (năm nay), khi đọc cuốn sách "Bí mật" và "Sức mạnh" của tác giả Rhonda Byrne, thì mình mới hiểu đó là Luật hấp dẫn: Mỗi suy nghĩ có một tần số riêng. Khi bạn suy nghĩ, những suy nghĩ đó được gửi vào vũ trụ và chúng bắt đầu thu hút tất cả những gì có tần số tương ứng với tần số của chúng. Bạn tạo ra cuộc sống của mình thông qua những suy nghĩ. Điều mà bạn nghĩ đến nhiều nhất hoặc tập trung nhiều nhất sẽ xuất hiện và trở thành cuộc sống của bạn.
Ví dụ 3:
Trong cuốn "Nhà giả kim" của tác giả Paulo Coelho, có một nhân vật khá thú vị đó là ông chủ tiệm pha lê. Ông chủ tiệm này là người Hồi giáo, mà ước mơ và nhiệm vụ của mọi người Hồi Giáo là một lần trong đời phải đặt chân đến Thánh địa Mecca. Ông này cũng có ước mơ được tới thánh địa Mecca nhưng ông nói với Santiago rằng ông không muốn thực hiện ước mơ của mình, tại vì ông sợ khi đạt được ước mơ rồi ông không biết làm gì nữa, không biết làm gì tiếp theo, ông mất động lực sống.
Dù đã đọc "Nhà giả kim" 6, 7 lần từ năm 2017 đến giờ, mình vẫn luôn luôn chỉ đơn giản cho là ông này nhàm chán thế, lý do lãng xẹt để không thực hiện ước mơ. Ông cứ đi hành hương đi, đạt được mục tiêu đó rồi thì đặt ra mục tiêu khác, có gì đâu mà xoắn.
Nhưng phải cho đến khi đọc cuốn "Thói quen tí hon hiệu quả bất ngờ" (Atomic Habits) của tác giả James Clear, mình mới hiểu rõ hành vi và tâm lý của ông chủ tiệm pha lê dựa trên khoa học về thói quen. Tác giả James Clear chỉ ra rằng: nếu bạn chỉ tập trung vào mục tiêu, bạn sẽ rất dễ lạc lối sau khi đạt được mục tiêu ấy. Nếu tất cả khổ luyện của bạn chỉ tập trung vào một mục tiêu nhất định thì sau khi mục tiêu ấy đã đạt được, cái gì còn lại để thúc đẩy bạn tiến bước? Đây là lý do rất nhiều người phát hiện bản thân mình trượt về các thói quen cũ sau khi hoàn thành một mục tiêu.
Nếu như ông chủ tiệm pha lê trong cuốn sách "Nhà giả kim" chỉ có một mục tiêu duy nhất trong đời là đặt chân đến Thánh địa Mecca, sau khi làm lụng vất vả và tích cóp, sau khi vượt hàng ngàn dặm đường hiểm nguy, sau rất nhiều năm mong đợi, đến được Mecca và trở về thì ông sẽ rơi vào hoang mang, mình đạt được mục tiêu đời mình rồi, mình còn làm việc và tiết kiệm vì điều gì nữa đây, đâu còn cái gì để mình hướng tới. Để trả lời cho câu hỏi này thì bạn có thể đọc bài viết hoặc xem video mình review cuốn sách "Thói quen tí hon hiệu quả bất ngờ".
Lợi ích thứ hai của việc đọc sách:
Thời chưa có internet, ngoài việc đi học ở trường, có thể nói cách duy nhất để con người có thể tiếp cận tri thức là thông qua sách. Có nhiều người cho rằng hiện nay sách không còn quá quan trọng vì chúng ta có nhiều nguồn thay thế để tiếp cận với kiến thức, như Youtube, Google, podcast, các khóa học,... Thậm chí có nhiều bạn còn chọn học từ Tiktok, ví dụ như lướt xem các video dạy tiếng Anh, trích đoạn sách...
Tuy vậy, càng trong bối cảnh này, mình càng khuyến khích mọi người nên chọn đọc sách, vì 3 lý do sau:
1. Tri thức trong sách sẽ được sàng lọc kỹ càng. Để xuất bản một cuốn sách phải trải qua nhiều khâu biên tập, kiểm duyệt và hậu kiểm. Ngược lại, nội dung trong video hoặc podcast không được kiểm duyệt chặt chẽ và kịp thời, rất dễ dẫn đến trường hợp kiến thức mà bạn nhận được bị sai lạc, độc hại.
Để sản xuất video và podcast thường thì sẽ không tốn nhiều thời gian, công sức và chất xám bằng viết một cuốn sách. (Ở đây mình hoàn toàn không có ý xem nhẹ những người làm sáng tạo nội dung trên nền tảng số nha, bởi vì chính mình cũng đang sản xuất nội dung số, mình chỉ đang so thời gian và công sức giữa việc làm một video/podcast và viết một cuốn sách). Mình từng được biết rất nhiều cuốn sách mà tác giả dành hàng năm trời để nghiên cứu, khảo sát, sau đó tổng hợp kết quả thành một cuốn sách.
Ví dụ như cuốn "7 bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc" được tác giả John M Gottman và Nan Silver viết dựa trên kết quả công trình nghiên cứu kỳ công kéo dài trong suốt 16 năm liền của ông, với 700 cặp vợ chồng tham gia.
Một ví dụ khác, để viết được cuốn "Đại dương đen" - cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bệnh trầm cảm, tác giả - tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã phải trải qua hành trình kéo dài hai năm để phỏng vấn và đồng hành với nhiều người trầm cảm. Quá trình này không đơn giản vì có những lúc các nhân vật bị rơi vào giai đoạn trầm cảm nên không muốn gặp gỡ ai. Nhiều cuộc gặp bị hoãn vào phút cuối vì đêm trước họ thức trắng. Email của tác giả có thể nhiều tuần không được phản hồi, bởi với người trầm cảm, mở email ra vất vả giống như leo qua một quả núi. Có những địa điểm gặp bị thay đổi bởi họ bị ám ảnh bởi một nỗi bất an không gọi được tên. Có những ký ức mà tác giả và họ không tiếp cận được bởi chúng vẫn còn khiến họ run rẩy sợ hãi.
Nói chung là để viết được một cuốn sách thì cần nhiều nỗ lực, nguồn lực và thời gian, còn phải qua khâu biên tập và kiểm duyệt nữa, nên kiến thức trong sách thường rất chất lượng.
2. Đọc sách giúp bạn không bị phân tâm, coi video thì phải có wifi, có điện, mở điện thoại hoặc máy tính thì khả năng rất cao là bạn sẽ bị cuốn vào mạng xã hội hoặc các thông báo.
3. Đọc sách giúp bạn có thời gian để nghiền ngẫm, dừng lại, ghi chú.
Lợi ích thứ ba của việc đọc sách:
Đây là một lợi ích mà có thể bạn mới nghe lần đầu: rèn khả năng đọc sẽ tạo ra lợi thế đối với cuộc đời và sự nghiệp của bạn.
Để đạt được trình độ học vấn cao, bạn cần phải đọc rất nhiều, đọc giáo trình, đọc các nghiên cứu khoa học, đọc luận văn, v..v. Để đạt được thành công trong công việc, bạn phải đọc được các văn bản dài như tài liệu, hợp đồng, emails. Nói chung là bạn phải không-sợ-chữ.
Việc đọc sách giúp bạn tăng khả năng tập trung và không bị sợ chữ. Khi lướt mạng xã hội, chắc chắn bạn đã từng gặp những bình luận kiểu: "Dài quá ai tóm tắt giùm mình đi", hoặc "viết dài như vầy ai mà đọc được",... Giữa một xã hội chỉ toàn những người thích video ngắn, thích xem ảnh và sợ đọc chữ, nếu bạn có thể tập trung đọc những đoạn văn dài, rất dài, bạn sẽ thu thập được nhiều kiến thức hơn và dẫn đến kết quả là có nhiều khả năng thành công hơn.
Có thể mình nhận định hơi chủ quan, hạn hẹp, nhưng từ góc nhìn của mình, mình chưa thấy một người quản lý tài năng nào mà sợ chữ và lười đọc cả.
*Bạn có thể research thêm chủ đề "mạng xã hội đã khiến con người bị giảm sự tập trung chú ý như thế nào", để thấy được tác hại của việc chỉ thích lướt xem video ngắn và xem ảnh, lười đọc chữ.
Lợi ích thứ tư của việc đọc sách:
Đọc sách giúp bạn phát triển khả năng viết, vì thông qua việc đọc có thể giúp trau dồi vốn từ, cách dùng từ, cách diễn đạt, ngắt câu. Có rất nhiều tác giả nổi tiếng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi văn phong từ một hoặc nhiều tác giả khác. Có khi phong cách viết của bạn bây giờ cũng là sự pha trộn giữa trào phúng của Tony Buổi sáng, lãng mạn của Marc Levy, chặt chẽ của Giản Tư Trung.
Kết
Tóm lại, theo mình, đọc sách có 4 lợi ích chính: một là giúp mở mang đầu óc, hai là so với việc tiếp thu kiến thức qua video và mạng xã hội thì đọc sách sẽ giúp bạn tiếp cận được với tri thức được chọn lọc kỹ càng hơn, ba là việc đọc giúp tăng khả năng tập trung, bốn là đọc sách giúp rèn kỹ năng viết.
Tuy là một người đã có thói quen đọc sách từ nhỏ và làm review sách, nhưng mình không thần thánh hóa việc đọc sách và tỏ ra hâm mộ những ai đọc nhiều. Mình cũng không khoe là mình đọc sách rất nhiều và muốn mọi người ngưỡng mộ mình về điều đó. Bởi vì theo quan điểm của mình thì bên cạnh việc đọc, còn cần phải thực hành và áp dụng được những điều từ trong sách vào chính cuộc sống của bản thân thì mới thực sự tốt. Chứ nếu chỉ đọc đơn thuần, đọc ngấu nghiến hết cuốn này sang cuốn khác thì bao nhiêu mình cũng đọc được. Đọc nhiều mà không nghiền ngẫm, không thực hành, đọc chỉ để đếm số lượng thì không có ý nghĩa với mình.
Đối với mình, đọc sách thì có lợi. Do đó mình miệt mài lan tỏa tình yêu tri thức này đến với mọi người, tạo ra những video giúp cho khán giả dễ tiếp cận với tri thức trong sách, để ngày càng có thêm nhiều người đọc sách và hưởng những lợi ích tích cực mà việc đọc sách mang lại, từ đó nâng cao dân trí. Nhưng nếu ai không đọc thì thôi, đó là lựa chọn của họ, mình cũng không phê phán hoặc ra sức thuyết phục.
Hy vọng thông qua bài phân tích của mình về những lợi ích của việc đọc sách, các bạn sẽ có thêm lý do để đọc sách. Nếu bạn không đồng tình với quan điểm nào của mình, mong rằng bạn hãy tranh luận một cách văn minh và thể hiện đúng tinh thần của người đọc sách. Nếu bạn biết thêm lợi ích nào khác của việc đọc sách mà mình chưa đề cập tới, bạn có thể bổ sung giúp mình ở dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn bạn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét