Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

Về việc viết

Trước đây (từ cấp II đến Đại học), trong mắt bạn bè thì mình là đứa viết rất nhiều và rất hay, đến mức nếu hơi lâu mình không viết gì thì các bạn sẽ hỏi thăm "ủa sao lâu rồi không thấy mày đăng gì vậy". Mọi người thường động viên mình "sau này hãy viết sách nhé", "mày mà ra sách tao nhất định sẽ ủng hộ". Mình chẳng nhớ hồi đó đã viết gì mà mọi người cứ bảo là hay, vì Blog Yahoo!360 đã bị xóa sổ rồi, còn trên Facebook thì có một giai đoạn mình "lên cơn" nên unfriend hết và xóa hết mọi thứ đã viết, mình thật tiếc vì không còn có thể nhìn lại mình đã từng bộc bạch những điều gì và như thế nào. 

Tuy sau đó mình vẫn tiếp tục viết, nhưng những người bạn mới trên Facebook của mình (chủ yếu là đồng nghiệp) không hiểu được mình viết gì, lại hay cười cợt chế giễu về nội dung mình chia sẻ, hoặc chỉ đơn giản là vào ô bình luận gõ 2 từ "dài quá". Mình biết là họ không có ý xấu, chỉ là họ ... vừa nông cạn vừa vô duyên thôi, nhưng cũng vì thế mình không viết nữa. Cho đến khi tìm được cách viết trên blogspot như này, mình như tìm lại được chính bản thân, mình lại tiếp tục vùng vẫy giữa đại dương chữ nghĩa, thỏa thích diễn đạt những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân thành câu chữ rõ ràng, vô tư kể lể về những thứ mình đã trải qua. 

Với mình, blog này là một nơi rất cá nhân, tuy mình để chế độ công khai nghĩa là bất cứ ai cũng có thể đọc và bình luận được, nhưng nó vẫn là nơi của-riêng-mình, đồng nghĩa mọi thứ được viết ra đều là từ suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của-cá-nhân-mình, chỉ của mình. Do đó, mọi người chỉ nên đọc khi muốn hiểu mình, chứ đừng kì vọng gì.

Việc viết là rất quan trọng đối với cuộc sống của mình, và mình rất trân trọng những người có thể đọc những gì mình viết, cũng như mình rất có thiện cảm với những người viết thường xuyên. Bởi vì, việc viết thật sự rất đau đớn và người viết là những người dũng cảm. Admin trang Người Kể Chuyện nhận định "viết là một công việc bạo lực", còn tác giả tristan1404 trong bài đăng Vì sao bạn nên đọc ít lại và viết nhiều hơn? cho rằng "để viết một cách nghiêm túc thì đó là một quá trình đầy kiên trì và thậm chí là đau đớn".

Không phải ai cũng có thể sẵn sàng đào xới và đối diện cảm xúc và suy nghĩ của bản thân, đem nó trải lên một mặt phẳng, ngồi nhìn vào nó, rồi sắp xếp lại nó bằng cách sử dụng ngữ pháp và ngôn từ phù hợp. 

Không phải ai cũng đủ can đảm phơi bày nội tâm của bản thân ra thành một thứ hữu hình (là văn bản) để người khác có thể nhìn thấu, đánh giá và thậm chí chỉ trích nữa. 

Khả năng viết cũng thể hiện năng lực tư duy. Thời buổi này trong công sở chủ yếu giao tiếp qua các group chat, email, nên ngôn ngữ viết có khi được dùng còn nhiều hơn ngôn ngữ nói. Sau nhiều năm đi làm, mình nhận ra một điều rất rõ ràng rằng những người làm việc tốt thường là những người viết rất tốt. Không hẳn là phải viết văn hoặc viết sách, nhưng khi một người có thể trình bày suy nghĩ, ý tưởng một cách mạch lạc, hợp lí, dễ hiểu, chứng tỏ họ có tư duy logic thì làm việc sẽ đâu ra đó, giải quyết mọi việc rất nhanh gọn, và khi diễn đạt ý tưởng của mình cho người khác hiểu được thì khả năng biến ý tưởng đó thành hiện thực sẽ rất cao. Còn những người mà chat và email lủng củng, mơ hồ, lòng vòng, thì trong cách làm việc của họ cũng bộc lộ rất nhiều sự thiếu tổ chức, rõ ràng. Nếu chưa có dịp được gặp gỡ và làm việc trực tiếp với một người nào đó, cách chắc chắn nhất mình có thể đánh giá năng lực của họ là qua cách họ giao tiếp bằng văn bản, cách họ gửi và trả lời tin nhắn trên group chat. Mình hoàn toàn tin tưởng vào câu "văn là người".

Mình không đánh giá một người qua những thứ vật chất hoặc thành tích họ khoe trên mạng xã hội, mình sẽ đánh giá một người có thú vị hay không qua cách họ phản ánh nội tâm của chính mình, mà cách phản ánh nội tâm hay và chính xác nhất chính là việc viết

Ai đó có thể không đăng được một tấm ảnh đẹp tuyệt vời sau chuyến đi du lịch Tây Bắc, nhưng nếu trong bài viết họ có thể mô tả được cánh đồng tam giác mạch ở Hà Giang đẹp như thế nào, khiến họ nức lòng ra sao và họ nhớ về điều gì sau chuyến đi,... mình vẫn cảm nhận được người đó vô cùng thú vị và họ có một chuyến du lịch thật ý nghĩa. 

Ai đó có thể không có nhiều mối quan hệ, không quảng giao, không thường xuyên đăng ảnh đi cà phê và nhậu nhẹt với bè bạn, nhưng nếu họ có thể kể được những cảm xúc họ dành cho người họ yêu thương, mô tả được những hành động dễ thương họ làm khi yêu nhau, mình vẫn cảm nhận được người đó là một người sâu sắc và sống tình cảm, đáng mến.

Trước đây, mình sử dụng rất nhiều emoji và sticker (biểu tượng cảm xúc) khi chat, gần đây thì còn cả meme nữa. Nhưng một người bạn đã giúp mình nhận ra mình đang lạm dụng chúng, bạn bảo chỉ cần sử dụng bảng chữ cái và 6 thanh điệu của tiếng Việt là đã quá đủ để chúng ta diễn tả cảm xúc và suy nghĩ rồi

Hàng ngàn năm qua con người không có emoji, sticker, meme thì vẫn giao tiếp tốt, truyền đạt đầy đủ thông tin. Có vô số tác phẩm văn học mang giá trị nghệ thuật - nhân văn được lưu truyền rộng rãi, và chúng chẳng hề có một cái biểu tượng cảm xúc nào! 

Việc lạm dụng các biểu tượng cảm xúc, các nội dung phi ngôn ngữ viết (video, stream,...) trên mạng xã hội lâu dần sẽ khiến con người lệ thuộc vào chúng, trở nên dễ dãi hơn trong việc tiếp nhận thông tin và diễn tả cảm xúc, lười biếng đọc và viết những thứ nhiều chữ.

Hiện tại, dù chỉ là khi chat chit bình thường, mình cũng cố gắng tập trungnỗ lực sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt cảm xúc, ý nghĩ và mong muốn, hạn chế dùng biểu tượng cảm xúc.

Tâm trí của chúng ta chứa những gìchứa được bao nhiêu không quan trọng bằng việc chúng ta sắp xếp và diễn đạt chúng ra sao.

Mình sẽ vẫn tiếp tục viết, dù không có ai đọc, dù có người chê mình viết không hay không cuốn hút. Mình viết, chỉ là viết mà thôi, đó là cách mình kể câu chuyện cuộc đời mình, là cách mình có thể nhìn thấy được nội tâm và sự trưởng thành của bản thân qua thời gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét