Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

[Review sách] Dọn Cho Gọn Tâm Trí - Yuko Hirose

(Viết lại một bài cũ từ 16/03/2020)

Trong vài năm trở lại đây, có lẽ các bạn cũng nghe rất nhiều người nhắc đến lối sống tối giản, hay Minimalism. Tối giản đang là một xu hướng thịnh hành của giới trẻ. Vậy tối giản là gì? 

Có rất nhiều định nghĩa về chủ nghĩa tối giản, tuy nhiên, tất cả đều có chung một ý niệm: đây là triết lý sống hướng đến sự giản đơn và ít vật chất.

Chủ nghĩa tối giản có thể được áp dụng vào mọi mặt trong đời sống: suy nghĩ, công việc, các mối quan hệ… Tuy nhiên, trọng tâm của lối sống tối giản thường hướng đến việc thay đổi không gian sống.

Lối sống tối giản đem đến cho con người rất nhiều lợi ích, lợi ích dễ thấy nhất là tiết kiệm chi phí, có nhiều thời gian hơn, cải thiện sức khỏe, bảo vệ môi trường,... 


Trên thị trường hiện nay có rất nhiều cuốn sách viết về chủ đề Lối sống tối giản, có thể kể đến là Lối sống tối giản của người Nhật – Sasaki Fumio, Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản – Chi Nguyễn, Nghệ thuật theo đuổi sự tối giản – Greg McKeown, Dọn Cho Gọn Tâm Trí - Yuko Hirose,...

Hôm nay mình sẽ đem đến cho các bạn phần review về cuốn sách Dọn Cho Gọn Tâm Trí của tác giả Yuko Hirose.

Đây là một cuốn sách mang hơi hướng của thiền, có lẽ hợp với những người có tư duy tổng quát hơn là một người có tư duy chi tiết như mình, vì khi đọc mình cứ thấy hơi mông lung, dù cuộc sống ngắn nhưng đôi chỗ vẫn còn dài dòng.

Trong cuốn sách này, tác giả chỉ ra bản chất tâm lý của việc mua đồ và tích trữ đồ đạc:
  • Bản tính con người là thường sử dụng những gì xuất hiện trong tầm mắt, nếu không thì cũng có khả năng xoay sở. Tâm lý này không chỉ đúng với đồ đạc, nó còn đúng với tiền bạc nữa. Ví dụ lương tháng của bạn là 10 triệu, bạn trích ra 1 triệu để bỏ vào tài khoản tiết kiệm. Hàng ngày bạn chỉ nhìn thấy 9 triệu trong tài khoản chứ không nhìn thấy 1 triệu mà bạn đã cho vào tài khoản tiết kiệm, nên một cách bản năng bạn vẫn sống được với 9 triệu còn lại. Bạn cứ thử giấu tiền đi mà xem, bạn sẽ bất ngờ về khả năng xoay sở của mình với 90% lương, và một thời gian sau bạn sẽ có được một khoản tiết kiệm kha khá. 
  • Nguyên nhân đồ đạc gia tăng bởi tâm lý "không có thì sẽ thấy bất an" nên chúng ta cứ tích trữ thêm đồ mới đồng thời không muốn vứt đồ cũ đi → càng ngày càng nhiều đồ đạc.
  • Chúng ta hay tranh thủ lấy thứ này thứ nọ thứ kia vì nghĩ biết đâu mai sau lại cần.
  • Nhiều khi con người cần những thứ tưởng chừng không hề cần thiết.
Hồi mới tốt nghiệp, mình vẫn còn định vị bản thân là một sinh viên nghèo, nên ai cho gì mình cũng lấy mặc dù mình chả cần, và mình cho rằng đó là mình đang tiết kiệm vì mình đâu có bỏ tiền ra mua. Đồng nghiệp biết mình hay nhận đồ nên họ thường cho mình đồ, từ cái nón bảo hiểm 3/4 đầu, đôi giày, bộ chén dĩa,... Và thực tế là mình hầu như không dùng đến những món đồ người khác đã cho, bởi vì thực chất là mình không hề có nhu cầu, vậy mà mình cứ lấy về. Lâu dần nhà mình chất đầy những thứ linh tinh vớ vẩn mà mình chẳng đụng tới. 

Ngoài ra, tác giả còn chỉ ra mối liên kết giữa việc dọn dẹp, bày biện đồ đạc với tâm trí:

Hàng ngày ta liên tục tích lũy bên trong cơ thể nỗi buồn, nỗi lo lắng, bất mãn nho nhỏ, cảm giác bất an vô cớ. Dọn dẹp giúp thổi bay một nửa những cảm xúc tiêu cực → Có một sợi dây liên kết giữa việc sắp xếp lại không gian với việc sắp xếp lại tâm hồn và lý trí.

Nếu bạn cảm thấy cuộc sống mình rối bời, lo lắng, muộn phiền, bạn cứ thử dọn dẹp phòng của mình mà xem. Thông qua việc sắp xếp lại đồ đạc, hoặc vứt bớt đồ đạc đi, tâm trí bạn cũng sẽ trở nên thông thoáng, suy nghĩ trở nên gọn gàng hơn, và bạn sẽ cảm thấy khá hơn nhiều đấy.

Nếu dọn dẹp nửa vời → tâm trạng bị ảnh hưởng → cần quyết tâm cao độ → phấn chấn, tập trung hơn.

Sau tầm nửa ngày dọn dẹp, căn phòng bắt đầu đón một luồng không khí mới. Dù bề ngoài vẫn y như cũ, nhưng ta sẽ nhận ra sự thay đổi rõ rệt của bầu không khí.

Sau khi dọn dẹp → nhìn bao quát, cảm nhận bản thân cảm thấy như nào. Nếu cảm thấy dễ chịu → những lựa chọn bày biện trong không gian sống đang đi đúng hướng. Nếu cảm thấy chưa vừa ý → chỉnh sửa để cảm thấy thoải mái.

Thông qua việc cử động cơ thể, cảm xúc cũng lay động theo → cơ thể, cảm xúc cứng ngắc vì căng thẳng sẽ dần dãn ra, bắt đầu cuốn theo dòng chảy một cách nhịp nhàng.

Có nhiều cách thức dọn dẹp. Mỗi người sẽ tự tìm thấy cách làm hợp với mình. 

Dọn dẹp mỗi ngày → mỗi ngày ta đều có thể tặng bản thân một không gian sống trong lành và mới mẻ. Cách ta dọn dẹp, sắp xếp, nấu nướng đều thay đổi. Cộng thêm, nếu những phương pháp đó hợp với bạn, chúng sẽ dần trở thành phong cách đặc trưng của bạn.

Nhờ dọn dẹp, ta có thể nắm rõ được tình trạng sức khỏe của mình. Nếu mệt, dọn dẹp dễ biến thành một việc nhàm chán, nếu tâm không tĩnh thì khó mà nảy sinh ra ý chí muốn dọn dẹp.

Sách còn đưa ra quan điểm của tác giả về không gian sống
  1. Không gian sống chính là tấm gương nội tâm của con người. Mọi suy nghĩ/cảm xúc đều được phản chiếu rõ rệt. Nếu đồ đạc có thể tồn tại hài hòa, chứng tỏ chúng rất tương thích với chủ nhân của không gian ấy.
  2. Nhà là nơi tĩnh dưỡng cho tâm hồn ↣ Ta cần kiểm soát lượng thông tin ta tiếp nhận để duy trì năng lượng và sự tích cực.
  • Với đồ đạc xung quanh nên hạn chế màu sắc, giảm tải số lượng chữ viết bên trong nhà → giảm lượng thông tin phải tiếp nhận.
  • Internet, mạng xã hội đem đến lượng thông tin ồ ạt và không cần thiết → con tim quặn đau trước những việc không đáng tổn thương; vì ỷ lại vào thông tin mà ta ngừng tự suy nghĩ.
+ Xác định Internet, mạng xã hội là công cụ giúp cập nhật tình hình người thân, nắm bắt những điều bản thân hứng thú, thưởng lãm ảnh và dòng văn đẹp, nhận biết sự đa chiều của thế giới.
+ Bỏ qua những thứ không cần đọc, giữ bản thân tránh xa những thông tin khiến cảm xúc bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tác giả có những liên tưởng khá thú vị: Cuộc đời với tủ chứa đồ giống nhau.

Không nên có nhiều tủ chứa. Khi ít chỗ chứa thì sẽ không mua thêm nhiều đồ đạc. Sẽ cẩn thận hơn mỗi khi có ý định mua thêm đồ. Tủ chứa đồ nên có khoảng trống thay vì nhét cho thật chặt.

Khoảng trống của tủ chứa đồ giống với điều mà trái tim một người cho là quan trọng. Sắp xếp đồ nhanh gọn cho xong chuyện, hay là cất sao cho dễ lấy? Xếp đồ sao cho thật khít thật đều, hay là nhét sao cho càng nhiều càng tốt?

Cuối cùng, tác giả gợi ý các mẹo để dọn dẹp, bày biện đồ đạc cho gọn:
  • Để tìm kiếm, sở hữu một món đồ mới ta phải tiêu hao thời gian và sức lực, hãy tạm biệt ham muốn đó, thay vào bằng suy nghĩ "chỉ cần có thứ này" → Mãn nguyện với thứ hiện có và dành thời gian suy nghĩ việc sử dụng món đồ như thế nào.
  • Thứ cần thiết sẽ hiện hữu vào thời khắc cần thiết nhất.
  • Không để bất cứ thứ gì trên mặt bàn để mỗi sáng thức dậy có cảm xúc tươi mới.
  • Ngừng thói quen "mua cho chắc ăn", "mua về rồi sẽ có lúc dùng".
  • Mua nguyên liệu thực sự muốn ăn và đủ lượng.
  • Đem cho những thứ không còn dùng.
  • Khiến dòng chảy chuyển động liên tục. 
Không khí chuyển động không ngừng rất quan trọng. Nếu không khí đọng lại ở một nơi, chứng tỏ ta không hề đặt chân tới nơi đó. Cánh cửa không mở, ngăn kéo chưa từng kéo ra, ở những nơi như thế, không khí sẽ ngưng đọng → bầu không khí khu vực đó sẽ chùng xuống ⇉ Những thứ ít dùng hãy đặt ở nơi dễ thấy.

Tóm lại, "Dọn cho gọn tâm trí" là một cuốn sách nhập môn cho người mới tìm hiểu về lối sống tối giản, tuy nhiên như mình đã nói từ đầu, với những người có tư duy chi tiết, cuốn sách có thể hơi dài dòng khó hiểu, khi đọc nếu chịu khó chắt lọc ý và cố gắng diễn giải ý của tác giả ra theo ý thích của mình thì vẫn sẽ cảm nhận được cái hay cái lợi của sách. Nói chung, mình đánh giá "Dọn cho gọn tâm trí" là cuốn sách khá hay và không nên bỏ qua nếu bạn đang bước đầu tìm hiểu về "Lối sống tối giản".

Ngoài ra, mình đã review Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản của chị Chi Nguyễn, bạn có thể xem video tại đây. Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản là cuốn sách đầu tiên mình đọc khi cần tìm hiểu về lối sống tối giản, mình đã áp dụng được vô số điều từ cuốn sách này và cũng trở thành fan chị Chi Nguyễn từ đấy luôn. Tính đến hiện tại mình đã thực hành sống tối giản được hơn 3 năm và mình cảm thấy rất thoải mái với lối sống này, nó đem đến cho mình nhiều lợi ích cả về mặt vật chất và tinh thần. Mình hy vọng phần review của mình về 2 cuốn sách về lối sống tối giản có thể giúp bạn quyết định việc đọc sách và theo đuổi lối sống tối giản. 

Link mua sách: à đang tạm hết hàng
Link video review sách: https://youtu.be/htWGna6Na9c 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét