Tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió" có 930 trang, là cuốn dày nhất mình từng đọc. Mình đọc với tâm thế là không biết gì cả, không biết một tí gì về nội dung, hay dở ra sao, chỉ biết là nó kinh điển và rất nhiều người đọc. Lý do duy nhất mình chọn đọc cuốn này là vì muốn biết tại sao "Cuốn theo chiều gió" lại nổi tiếng đến vậy.
*Phần review của mình có tham khảo từ saigonmetromall và Wikipedia.
"Cuốn theo chiều gió" là thiên tiểu thuyết về miền Nam nước Mỹ trong thời Nội chiến (1861 - 1865) và Tái thiết (1865 - 1877) xoay quanh cuộc sống và các cuộc tình của Scarlett O'Hara - một tiểu thư hoa khôi con nhà giàu có, tính tình mạnh mẽ, ngang bướng. Tác phẩm chứa đựng những giằng xé tư tưởng, vừa là hoài niệm, nuối tiếc về nền văn minh nông nghiệp của miền Nam cũ, vừa là nỗ lực đứng lên từ đống tro tàn để xây dựng một miền Nam mới của người da trắng quý tộc miền Nam.
Có 2 thông tin đáng chú ý về cuốn tiểu thuyết này, một là, "Cuốn Theo Chiều Gió" là tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của Margeret Mitchell, bà viết trong khoảng 10 năm, sau đó bà không viết cuốn nào nữa và qua đời khi chỉ mới 49 tuổi; hai là, do nhãn quan chính trị của tác giả, "Cuốn theo chiều gió" bộc lộ những quan điểm về lịch sử và chính trị chưa khoa học. Cụ thể "chưa khoa học" ở chỗ cuốn tiểu thuyết đã "tô hồng" cho chế độ nô lệ ở nước Mỹ, thể hiện tư tưởng phân biệt chủng tộc và cái nhìn trìu mến từ tác giả với chế độ nô lệ. Trong truyện, chủ nô da trắng và nô lệ da đen sống chan hòa như người thân, phớt lờ những tội ác khủng khiếp của chế độ nô lệ ngoài đời thực. Tác giả miêu tả cuộc sống nô lệ rất bình yên, được chủ đối đãi tốt, đến mức dù được giải phóng vẫn có rất nhiều nô lệ mong muốn được quay lại cuộc sống nô lệ như trước kia. "Bà chủ rất tốt với người da đen, bà săn sóc tui hết một tuần lễ lúc tui đau phổi. Tự do quá đủ rồi. Tui muốn có người cho đồ ăn, biểu tui làm việc, săn sóc cho tui mỗi khi tui đau." Hoặc trong truyện có đoạn như sau: "bọn hắc nô đều lười biếng và vô cùng nguy hiểm, kết quả của ý thức hệ mới vừa hấp thụ. Chen chúc trong những túp lều bẩn thỉu, bọn họ là môi trường tốt cho các chứng đậu mùa, thương hàn và lao phổi. Vốn quen được các nữ chủ chăm sóc lúc đau yếu, bây giờ họ đành bó tay trước bệnh hoạn của mình. Vốn quen được chủ nhân bảo vệ cho gia đình con cái, bây giờ họ hoàn toàn không có chút ý thức trách nhiệm nào với chính bản thân. Con cái người da đen bị bỏ rơi chạy rong ngoài đường như một con vật cho tới khi được một gia đình da trắng hảo tâm nào đó đem về nhà nuôi nấng". Ý như muốn nói việc giải phóng nô lệ da đen là sai lầm vì người da đen không có khả năng tự chăm sóc và bảo vệ bản thân, nuôi dạy con cái.
🌟🌟