Tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió" có 930 trang, là cuốn dày nhất mình từng đọc. Mình đọc với tâm thế là không biết gì cả, không biết một tí gì về nội dung, hay dở ra sao, chỉ biết là nó kinh điển và rất nhiều người đọc. Lý do duy nhất mình chọn đọc cuốn này là vì muốn biết tại sao "Cuốn theo chiều gió" lại nổi tiếng đến vậy.
*Phần review của mình có tham khảo từ saigonmetromall và Wikipedia.
"Cuốn theo chiều gió" là thiên tiểu thuyết về miền Nam nước Mỹ trong thời Nội chiến (1861 - 1865) và Tái thiết (1865 - 1877) xoay quanh cuộc sống và các cuộc tình của Scarlett O'Hara - một tiểu thư hoa khôi con nhà giàu có, tính tình mạnh mẽ, ngang bướng. Tác phẩm chứa đựng những giằng xé tư tưởng, vừa là hoài niệm, nuối tiếc về nền văn minh nông nghiệp của miền Nam cũ, vừa là nỗ lực đứng lên từ đống tro tàn để xây dựng một miền Nam mới của người da trắng quý tộc miền Nam.
Có 2 thông tin đáng chú ý về cuốn tiểu thuyết này, một là, "Cuốn Theo Chiều Gió" là tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của Margeret Mitchell, bà viết trong khoảng 10 năm, sau đó bà không viết cuốn nào nữa và qua đời khi chỉ mới 49 tuổi; hai là, do nhãn quan chính trị của tác giả, "Cuốn theo chiều gió" bộc lộ những quan điểm về lịch sử và chính trị chưa khoa học. Cụ thể "chưa khoa học" ở chỗ cuốn tiểu thuyết đã "tô hồng" cho chế độ nô lệ ở nước Mỹ, thể hiện tư tưởng phân biệt chủng tộc và cái nhìn trìu mến từ tác giả với chế độ nô lệ. Trong truyện, chủ nô da trắng và nô lệ da đen sống chan hòa như người thân, phớt lờ những tội ác khủng khiếp của chế độ nô lệ ngoài đời thực. Tác giả miêu tả cuộc sống nô lệ rất bình yên, được chủ đối đãi tốt, đến mức dù được giải phóng vẫn có rất nhiều nô lệ mong muốn được quay lại cuộc sống nô lệ như trước kia. "Bà chủ rất tốt với người da đen, bà săn sóc tui hết một tuần lễ lúc tui đau phổi. Tự do quá đủ rồi. Tui muốn có người cho đồ ăn, biểu tui làm việc, săn sóc cho tui mỗi khi tui đau." Hoặc trong truyện có đoạn như sau: "bọn hắc nô đều lười biếng và vô cùng nguy hiểm, kết quả của ý thức hệ mới vừa hấp thụ. Chen chúc trong những túp lều bẩn thỉu, bọn họ là môi trường tốt cho các chứng đậu mùa, thương hàn và lao phổi. Vốn quen được các nữ chủ chăm sóc lúc đau yếu, bây giờ họ đành bó tay trước bệnh hoạn của mình. Vốn quen được chủ nhân bảo vệ cho gia đình con cái, bây giờ họ hoàn toàn không có chút ý thức trách nhiệm nào với chính bản thân. Con cái người da đen bị bỏ rơi chạy rong ngoài đường như một con vật cho tới khi được một gia đình da trắng hảo tâm nào đó đem về nhà nuôi nấng". Ý như muốn nói việc giải phóng nô lệ da đen là sai lầm vì người da đen không có khả năng tự chăm sóc và bảo vệ bản thân, nuôi dạy con cái.
🌟🌟
Sau khi đọc xong "Cuốn theo chiều gió" mình đã hiểu tại sao nó lại nổi tiếng đến vậy. Bởi vì nó thật sự rất hay và cuốn hút. Cuốn tiểu thuyết đã cho mình một cái nhìn vừa tổng quan vừa cụ thể về cuộc Nội chiến đẫm máu khốc liệt nhất trong lịch sử nước Mỹ, từ giai đoạn mới chớm có mầm mống chiến tranh đến khi cuộc chiến nổ ra và kết thúc, đặc biệt có cả giai đoạn tái thiết sau chiến tranh. Bên cạnh việc mô tả cuộc nội chiến, tiểu thuyết còn khắc họa vô cùng chi tiết, rõ nét cuộc sống và diễn biến tâm lý con người trước, trong và sau chiến tranh để chúng ta có thể cảm nhận được chiến tranh tàn khốc và biến đổi con người tiêu cực đến thế nào.
Sau khi đọc "Cuốn theo chiều gió", mình khá hứng thú với việc tìm hiểu về cuộc nội chiến Mỹ và biết thêm được nhiều kiến thức mới về lịch sử.
Nguyên nhân dẫn đến Nội chiến:
Đến giữa thế kỷ 19, lãnh thổ nước Mỹ gồm có 36 bang, chia làm 2 vùng rõ rệt:
- Miền Bắc phát triển công nghiệp tư bản chủ nghĩa, kinh tế trại chủ nhỏ dựa trên chăn nuôi và sản xuất lúa mì.
- Miền Nam phát triển kinh tế đồn điền (chủ yếu là trồng bông) dựa trên sự bóc lột lao động nô lệ (chủ yếu là người da đen).
Chế độ nô lệ bị các nhà tư bản công nghiệp miền Bắc coi là vật cản trở kinh tế phát triển, bởi lao động nô lệ không được tự do khiến cho họ không thể tham gia sản xuất công nghiệp trong các nhà xưởng. Ngoài ra, việc dồi dào nhân công nô lệ giá rẻ khiến các bang miền Nam không chịu mua các sản phẩm máy móc từ các nhà tư bản công nghiệp ở miền Bắc. Ngược lại, các chủ trang trại miền Nam kiên quyết đòi duy trì chế độ nô lệ, bởi nếu không có lao động nô lệ thì các trang trại của họ sẽ không còn nhân công lao động.
Vào những năm 1850, nước Mỹ bành trướng lãnh thổ sang miền Tây là vùng rộng mênh mông để phát triển nền kinh tế của mình. Cả hai miền đều coi miền Tây như vùng dự trữ của mình, nhưng họ muốn phát triển vùng này theo hai hướng khác nhau: công nghiệp tư bản chủ nghĩa hoặc chế độ nô lệ đồn điền. Điều này càng đẩy mâu thuẫn giữa 2 miền lên cao.
Ngoài ra, cuộc nội chiến cũng phản ảnh sự mâu thuẫn về chế độ tập quyền (quyền hành tập trung ở chính quyền liên bang) được đảng Cộng Hòa (chiếm đa số ở miền Bắc) ủng hộ và chế độ phân quyền (quyền hành được chia cho các tiểu bang) được ủng hộ bởi Đảng Dân chủ (chiếm đa số ở miền Nam). Sự mâu thuẫn này đã kéo dài từ khi Hoa Kỳ mới lập quốc.
Nguyên nhân trực tiếp làm bùng nổ nội chiến là cuộc bầu cử Tổng thống 1860. Trong cuộc bầu cử 1860, Đảng Cộng hòa do giới tư sản công nghiệp hậu thuẫn với ứng cử viên Abraham Lincoln đã đắc cử Tổng thống. Sự thắng lợi của Đảng Cộng hòa với chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ làm cho chủ nô và các bang miền Nam bất bình, họ tuyên bố tách khỏi liên bang. Còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến nội chiến là nhu cầu thủ tiêu nền kinh tế đồn điền ở miền Nam, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
Cuộc chiến tranh đẫm máu đã dẫn tới thành quả là người da đen thoát khỏi kiếp nô lệ, đây thường được mô tả là thành quả to lớn của cuộc chiến. Quyền bầu cử dành cho người da đen cũng lần đầu tiên trong lịch sử được công nhận.
Trong quá trình tìm tư liệu để viết bài này, mình đã đọc được một bài viết mà theo mình là cực kỳ thú vị và sâu sắc về tác phẩm này. Bài viết có nội dung chính về vấn đề chủng tộc trong tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió", tác giả đứng ở nhiều góc độ khác nhau để phân tích tác phẩm. Ngôn từ trong bài viết đúng thật là của một người nghiên cứu văn học chuyên nghiệp, đa dạng phong phú đọc rất cuốn hút và khác hẳn với mấy dòng review nông cạn mình viết. Bạn có thể tham khảo bài viết tại link: https://saigonmetromall.com.vn/y-nghia-truyen-cuon-theo-chieu-gio-gia-tri-vang-trong-tac-pham-cuon-theo-chieu-gio/
Ngoài ra, nếu bạn muốn hiểu thêm một chút về chế độ nô lệ ở Mỹ, bạn có thể tìm xem bộ phim "12 năm nô lệ" (12 years a slave), là bộ phim dựa trên cuốn hồi ký cùng tên của Solomon Northup - một người Mỹ gốc Phi sinh ra tự do ở tiểu bang New York thế kỷ 19 bị bắt làm nô lệ và cuối cùng được phóng thích sau 12 năm. Phim phát hành năm 2013 và đã nhận nhiều bình luận tích cực, được nhiều cơ quan thông tấn ở Hoa Kỳ bình chọn là phim xuất sắc nhất năm 2013, bộ phim cũng đã đạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải Oscar cho phim xuất sắc nhất.
🌟🌟🌟
TÓM TẮT
PHẦN I
Phần 1 vẽ ra một bức tranh tổng quát về nhân vật chính Scarlett O'Hara, lịch sử gia đình cô gồm bố, mẹ, hai người em gái, những người nô lệ trong gia đình, một vài gia tộc khác xung quanh khu vực đồn điền Tara nơi Scarlett sống và mối quan hệ giữa họ với nhà O'Hara, và một số thông tin rời rạc về cuộc chiến tranh sắp nổ ra. Trong đó, trọng tâm của phần 1 là miêu tả về ngoại hình, tính cách, tâm lý và nổi bật là câu chuyện về mối tình thất bại của Scarlett dành cho Ashley.
Khi nghe tin Ashley sắp lấy vợ, Scarlett rất sốc. Scarlett tưởng Ashley yêu mình nhưng chỉ do Ashley không nhận ra rằng mình cũng yêu anh, anh không dám thổ lộ nên sau đó mới lấy người khác mà thôi. Do nghĩ vậy, Scarlett đã vứt hết tất cả thể diện của một thiếu nữ để chủ động tỏ tình với Ashley nhưng không ngờ bị Ashley thẳng thừng từ chối và vẫn khẳng định sẽ lấy Melanie làm vợ. Scarlett thất vọng, quê và tức giận đến mức ngay lập tức nhận lời cầu hôn chóng vánh của Charles Hamilton - một người mà cô vừa không yêu vừa khinh thường. Cô muốn chứng tỏ với Ashley rằng cô chỉ tán tỉnh anh cho vui chứ không thực sự cần anh (chắc nghĩ vậy đỡ quê lắm), để rồi "chỉ trong hai tuần Scarlett đã thành một người vợ và chỉ hơn hai tháng sau, nàng đã thành góa phụ" vì Charles đã chết sau khi đi lính không lâu. Tuy thời gian chung sống ngắn ngủi vậy, nhưng Scarlett đã có con với Charles. Vấn đề là, tuy thể xác hồi phục mau lẹ sau khi sinh bé Wade, nhưng tinh thần cô vẫn còn ngơ ngẩn và kiệt quệ mà không ai biết tại sao, chỉ một mình cô biết. Cô chẳng quan tâm tới em bé, đôi khi còn quên đó là con của mình. Phần 1 khép lại khi Scarlett lên đường tới Atlanta để thăm cô của Charles và cố gắng tìm cách để nguôi sầu.
Đọc xong phần 1 (144 trang, khoảng 1/8 của cuốn tiểu thuyết), trước mắt thì cảm nhận là tác giả rất kỹ lưỡng, bà dành hẳn cả một phần lớn để khắc họa hết các nhân vật, tạo tiền đề cho người đọc hiểu rõ động cơ và hành động của nhân vật ở các phần tiếp theo. Phần 1 còn khá là thiên về giới thiệu và miêu tả nhân vật nên đọc thấy chưa thực sự thu hút, mình vẫn đang trông đợi ở những phần sau có nhiều tình tiết cao trào và cuốn hút hơn.
PHẦN II
Phần 2 nói về giai đoạn đầu của cuộc nội chiến. Đầu phần 2, tác giả giới thiệu cho người đọc về hai nhân vật cũng đóng vai trò quan trọng xuyên suốt tác phẩm: cô Pittypat - cô của Charles Hamilton, và Melanie - em gái của Charles (em dâu của Scarlett).
Cô Pittypat là người thích nói lăng nhăng, có thể nói tía lia hàng giờ, dù đã già nhưng tính tình khá nhõng nhẽo, "như một đứa bé được nuông chiều". Melanie nhút nhát, dễ thẹn thùng và khiêm nhường; tâm hồn mộc mạc và khoan thứ. Đặc biệt, Melanie lúc nào cũng cảm thấy tràn trề hạnh phúc và nàng luôn thấy cái hoàn thiện ở mọi người. Scarlett rất ghét Melanie vì Melanie đã lấy Ashley, nhưng Melanie không hay biết điều đó, vẫn rất yêu quý Scarlett vì cô là em dâu của nàng.
Đến Atlanta, trong khi Scarlett không hề quan tâm tới chiến tranh nhưng vì Scarlett là góa phụ và vì nàng không biết làm sao từ chối mọi người, nên phải làm nữ điều dưỡng trong nhà thương. Bên cạnh đó, ba chiều một tuần, nàng phải tới hội may vá và cuộn băng.
Trong một phiên hội chợ để gây quỹ giúp bệnh viện, Scarlett xí một chân bán hàng ở quầy hàng để được có cớ ra ngoài chơi. Scarlett đang rất chán ghét cuộc sống hiện tại bởi vì "chồng nàng đã chết còn để lại một đứa con kêu khóc luôn mồm, và nàng bị loại hẳn ra ngoài những gì vui thú trên đời". Scarlett chỉ mới 17 tuổi và cực kỳ ham vui. Nhưng giờ đang phải để tang chồng, Scarlett chỉ được phép mặc đồ đen, phải ở trong nhà, không còn là một thiếu nữ có thể nhảy nhót hoặc được tán tỉnh, cũng không còn là một người vợ để có thể ngồi chung với các bà có chồng khác. Nhất là nàng cũng không đủ già để làm một quả phụ. Đối với Scarlett, một quả phụ phải già thật già để không thể thèm khiêu vũ, làm dáng hoặc được đàn ông ngưỡng mộ nữa. Chồng Scarlett lại chẳng chết trong vinh quang ngoài chiến trận để nàng còn có thể hãnh diện khoe khoang (Charles Hamilton chết vì bệnh sởi khi đi lính mới có 2 tháng, chứ không hy sinh anh dũng trên chiến trường).
Quan điểm của Scarlett về chiến tranh: Dù sống giữa những con người phải nói là cuồng tín vì chiến tranh, Scarlett vẫn thấy mình không chia sẻ được cảm xúc của họ, không ước ao được hy sinh hoặc làm những gì có thể được cho chính nghĩa. Đại nghĩa đối với nàng chẳng có nghĩa gì, không hề thiêng liêng, chiến tranh không phải là thần thánh mà chỉ là để hủy diệt con người một cách mù quáng, làm hao tốn tiền bạc và khiến cho xa xỉ phẩm khó kiếm hơn. Scarlett cố làm ra vẻ nhiệt thành và hãnh diện về cái chính nghĩa mà nàng chẳng cảm thấy gì cả, phải làm như quả tim đã cùng vùi theo dưới mồ chồng, và phải cảm thấy cái chết của chồng chỉ là một đóng góp cho chính nghĩa trên con đường chiến thắng kẻ thù. Theo ý nàng, chiến tranh phải được chấm dứt để mọi người trở về nhà lo chăm sóc bông vải và tiệc tùng, hội họp với trai trẻ.
-
Chiến tranh kéo dài hơn nhiều so với dự tính của dân miền Nam và hậu quả nó để lại ngày càng nặng nề hơn. Bệnh viện tràn ngập thương bệnh binh, số phụ nữ mặc tang phục đen ngày càng nhiều, tiền của Liên bang miền Nam mất giá, và thành phố bị phong tỏa khiến nhiều mặt hàng khan hiếm và cao giá. Trong bối cảnh này, xuất hiện một nhân vật nổi bật lên - thuyền trưởng Rhett Butler.
Đối với dân miền Nam thời điểm đầu cuộc chiến, Rhett Butler là một "người hùng", vì Rhett "phi thường" và "dũng cảm" đi qua những vùng phong tỏa để mang về thuốc men, nhu yếu phẩm, thậm chí cả xa xỉ phẩm. Ngoài những anh hùng trận mạc, Rhett là nhân vật được nói tới nhiều nhất ở Atlanta. Ai cũng biết là hắn bị đuổi khỏi Đại học Võ bị West Point vì say rượu và "dính líu chuyện gái ghiếc", hắn đã bắn chết người anh của cô gái đó. Cha hắn đã đuổi hắn khỏi nhà năm hắn 22 tuổi và xóa luôn tên trong gia phả. Rhett là người phóng khoáng. Xài tiền như nước, ăn mặc đúng thời trang. Rhett bị rất nhiều người ghét vì luôn châm biếm thành phố, nghi ngờ lòng dũng cảm của các chiến sĩ ngoài mặt trận và đưa các công dân danh vọng vào tình cảnh khó xử trí. Rhett cho rằng quân đội Liên bang miền Nam chỉ toàn là những kẻ điên, liều mạng vì tiếng trống trận và những lời hô hào của các diễn giả... những tên khùng đâm đầu vào chỗ chết trong khi những người khôn ngoan hái ra tiền. Từng có thời gian Rhett bị Atlanta xua đuổi. Nhưng đối với hắn, các loại vũ khí như khinh bỉ, lạnh lùng và nhục mạ đều vô hiệu.
Rhett rất khoái chọc tức Scarlett, dám gọi Scarlett là kẻ đạo đức giả. Hắn luôn chọc cho Scarlett phải nói thẳng toẹt ra mọi suy nghĩ hoặc toan tính của mình, hắn cũng rất hiểu tâm tính và bản chất của Scarlett - kể cả những thứ Scarlett muốn chối bỏ. Rhett là kẻ rất thẳng thắn và thức thời, Scarlett thì dùng từ "ti tiện và hám lợi" để nói về Rhett. Tuy Scarlett và Rhett có vẻ rất khắc khẩu, cứ gặp nhau là một bên chọc một bên chửi, nhưng "Scarlett không nhìn thấy vì bị ảnh hưởng bởi hắn mà nàng đã đi quá xa khỏi những lời giáo huấn của mẹ. Sự biến đổi xảy ra từ từ, chậm chạp đến nỗi nàng chẳng nhận thấy có gì liên quan tới Rhett".
PHẦN III - Giai đoạn cao trào của cuộc nội chiến và sau đó kết thúc.
Cuộc chiến ngày càng lan rộng ra và đã tới sát Atlanta. Binh sĩ Liên bang miền Nam mệt nhoài vì thiếu ngủ, kiệt sức, đói khát. Nhưng quân Yankee ("Yankee" là tên gọi đối thủ Liên bang miền bắc được người miền Nam sử dụng trong Nội chiến) liên tục tiến công. Số thương vong của quân đội miền Nam ngày càng lên cao. Thương binh tràn ngập cả Atlanta. Lúc này Melanie đang mang thai đứa con của Ashley. Scarlett thì đang rất chán ghét không khí bệnh viện, chán những mùi hôi thối, những con rận, những đau đớn và những thân người dơ bẩn.
Một ngày, quân Yankee tới Atlanta, nhưng quân đội miền Nam rút khỏi Atlanta kệ mặc người dân. Chiến tranh ngày càng khốc liệt. "Hàng trăm thương binh được đặt nằm sát nhau trên đường rầy, trên lề đường, dưới mui xe. Một số đã cứng đờ nhưng phần đông vẫn còn vật mình, rên xiết dưới ánh nắng cháy da. Khắp nơi, từng bầy ruồi nhặng vo ve quanh các thương binh, bu đen vào mặt mũi. Đâu đâu cũng có dấu máu, có băng dơ, có tiếng rên rĩ, gào thét vì đau đớn. Mùi mồ hôi, mùi máu, mùi thân người bẩn thỉu, mùi phân người bốc lên trong hơi nóng...". Quả là một địa ngục gồm đủ cả sự đau đớn.
Trong hoàn cảnh cực kì rối ren đó, Melanie lại đến sát ngày sinh, và do Melanie khó sinh nên cần bác sĩ hỗ trợ nhưng tất cả bác sĩ đều đang tập trung chữa trị và cấp cứu cho thương binh bại trận từ nơi khác đổ về. Scarlett đã phải tự đỡ đẻ cho Melanie. Sau khi đỡ đẻ thành công, Scarlett nhờ Rhett Butler đưa Scarlett, bé Wade con của Scarlett, cùng Melanie và đứa con mới sinh về quê nhà Tara. Scarlett dù không ưa Rhett nhưng vẫn luôn cảm thấy "sự có mặt của hắn cũng đủ làm nàng yên lòng. Thật là hạnh phúc khi có một người đàn ông bên cạnh để dựa vào, được chạm vào cánh tay lực lưỡng của hắn, để biết chắc rằng hắn sẽ che chở cho mình khỏi những khủng khiếp đe dọa chung quanh". Nhưng đi được một đoạn, Rhett bỏ Scarlett giữa đường để gia nhập quân đội, khiến Scarlett phẫn nộ tột cùng. Nàng bị bỏ lại trên con đường tối đen với một người đàn bà không biết chết lúc nào, một đứa trẻ mới sinh, một con bé da đen đần độn và một thằng nhỏ lúc nào cũng cuống cuồng sợ hãi. Phải đi hàng dặm đường xuyên qua mặt trận, giữa bọn bất lương, quân Yankee, các đám cháy và những bất trắc khác. Trước khi ra đi, Rhett ngỏ lời yêu Scarlett, vì "chúng mình tương đồng, đều là những kẻ phản phúc và cùng một giống ích kỷ, chỉ cần được yên ổn và đầy đủ tiện nghi lâu dài là được rồi". Sau khi Rhett bỏ đi, gánh nặng đè nặng lên đôi vai Scarlett, tất cả những con người yếu đuối kia đều trông cậy vào sức lực và sự dẫn dắt của nàng.
Sau nhiều vất vả, Scarlett cũng về được tới nhà. Nhưng mẹ đã mất vì bệnh thương hàn, hai em bị thương hàn nặng nằm liệt giường, gầy trơ xương; bọn hắc nô phản bội bỏ đi còn cướp thức ăn và xe. Ba Scarlett quẫn trí, trở nên ngây dại. Tara hoang tàn, Yankee tràn qua cướp hết mọi thứ. Scarlett quyết tâm thay mẹ trở thành người cai quản Tara. Từ một tiểu thư lá ngọc cành vàng, một hoa khôi của vùng, Scarlett nay phải đói khổ và vất vả vì lúc này lương thực và tiền bạc đều cạn kiệt, nô lệ cũng không còn để sai bảo, Scarlett phải tự lao động và chăm lo cho mọi người. Scarlett biết phải kịp thời đổi mới để đương đầu với thế giới đảo lộn này. Scarlett tìm được một gia đình họ hàng, họ chia sẻ thực phẩm cho Tara, cộng thêm việc Scarlett giết chết một tên Yankee và lấy của hắn được nhiều tiền và ngựa, nên cuộc sống tạm bớt khó khăn. Đồng thời, Scarlett chỉ đạo Tara bắt đầu hái bông đem bán để có thu nhập.
Chiến tranh đã thay đổi hẳn con người Scarlett. Giờ đây Scarlett lúc nào cũng chỉ bận rộn đầu óc sắp đặt mọi việc cho những ngày sắp tới, nàng cứ làm việc không đếm xỉa tới mấy cô gái khóc than. Đối với nàng, "tất cả vùng này hoặc cái tiểu bang này có thể biến thành rừng mặc họ, nhưng Tara thì không". Scarlett sẽ phải tìm ra lối thoát cho cuộc sống khó khăn này.
Tháng 4/1865, Liên bang miền Nam đầu hàng, chiến tranh kết thúc.
Một thương binh tên Will ghé ngang nhà Scarlett và được gia đình cô chăm sóc tận tình. Do không còn người thân nên Will ở lại Tara luôn. Will buôn bán giỏi, có kiến thức, tháo vát và được việc nhưng lại ít nói, hay lắng nghe, nên mọi người trong nhà thường tìm đến Will để tâm sự và dần xem Will như người nhà. Scarlett cũng rất tin cậy Will, thậm chí còn sợ Will sẽ bỏ đi, Scarlett mong Careen (em gái Scarlett) lấy Will nhưng Careen còn mải nhớ thương tình cũ đã tử trận.
PHẦN IV - Tái thiết
Sau chiến tranh, Ashley trở về. Lúc này, "nhà cửa tiêu tan, tiền bạc không còn, anh không còn có nghĩa gì với cái thế giới này nữa, bởi vì cái thế giới mà anh chấp nhận được đã sụp đổ rồi... Càng ngày cái bản tính thiếu thực tế của anh càng làm cho anh khốn đốn hơn khi phải đối diện một cuộc sống mới... Anh sợ đời sống bỗng trở nên quá thực tế, nó bắt buộc mỗi người phải đương đầu với những sự kiện đơn giản nhất. Anh nhớ tới cái đẹp đã mất của những ngày xưa cũ, những ngày trìu mến. Trước chiến tranh cuộc đời đẹp quá, quyến rũ, êm đềm, hoàn hảo và cân đối như nghệ thuật Hy Lạp. Anh chỉ thích hợp với cuộc sống như vậy thôi". Ashley khen Scarlett "vô cùng linh hoạt và hiện thực, nắm vũng được đời và chế ngự nó theo ý muốn, có ý chí sắt đá, không biết tới thất bại".
Người miền Nam theo Đảng Cộng Hòa sau Nội chiến và Người miền Bắc xuống miền Nam sau chiến tranh để trục lợi. Họ yêu cầu Tara đóng thêm 300$ thuế nếu không sẽ mua lại Tara bằng cách đấu giá. Quá sức chịu đựng và chán nản, Scarlett tìm Ashley để xin ý kiến hoặc an ủi nhưng Ashley chỉ trầm buồn xa vắng và không thể đối diện nổi với thực tại cuộc sống sau chiến tranh. Scarlett vẫn còn yêu Ashley rất nhiều nên cố thuyết phục Ashley bỏ trốn cùng nàng, bỏ lại tất cả gia đình và gánh nặng ở phía sau nhưng Ashley cự tuyệt. Scarlett quyết định dứt khoát với Ashley và nàng chỉ còn một mục tiêu giữ gìn Tara. Đói khát, công việc nặng nhọc, bộ óc lúc nào cũng trong tình trạng khẩn trương, những lần kinh hoàng vì chiến tranh, vì thời kỳ tái thiết đã tước đoạt của Scarlett tất cả sức nồng nhiệt tuổi trẻ và sự dịu dàng. Hòa bình đã không tới với nàng và Ashley cũng đã bỏ rơi nàng, cả hai đã bỏ rơi nàng trong cùng một ngày và nàng đã không còn sợ gì nữa. Không còn sợ cuộc đời, không còn sợ mẹ, không còn sợ thất tình và cũng không còn sợ dư luận. Chỉ có sự đói khát mới có thể làm nàng sợ hãi mà thôi. Scarlett quyết định đi Atlanta tìm Rhett Butler, định gạ hắn cưới mình để có tiền đóng thuế cho Tara, hoặc ít nhất mượn tiền của Rhett.
Scarlett tới Atlanta nhưng nghe tin Rhett đang bị tù do nghi ngờ giết một người da đen, có thể sẽ bị xử tử. Scarlett vẫn tưởng tượng về chuyện cưới Rhett và nếu Rhett bị xử tử thì nàng nghiễm nhiên có đầy tiền, hoặc nếu mượn tiền thì cũng không cần trả nợ. Nhưng, cuối cùng Rhett không cho Scarlett mượn tiền cũng không hỏi cưới cô. Vì vậy, khi nghe Frank Kenedy (chồng sắp cưới của Suellen - em gái Scarlett) nói là đang có một cửa hàng buôn và sắp mua một xưởng cưa, Scarlett liền gạ Frank cưới mình. Scarlett bịa chuyện Suellen sắp cưới người khác để có thể cướp Frank từ chính Suellen em gái mình. Sau khi cưới được Frank, Scarlett xin được 300$ để đóng thuế cho Tara.
Sau khi được thả tự do, Rhett cho Scarlett vay tiền mua trại cưa. Scarlett làm ăn phát đạt nhưng luôn nơm nớp lo sợ bị Yankee tịch biên tài sản, vì giờ người da trắng không còn được phát luật che chở nữa. Chính quyền Yankee rất ưu ái và bảo vệ người da đen. Tội ác xảy ra khắp nơi. Dân miền Nam thường than khóc tiếc thương cho ngày xưa và những người thân đã ra đi không bao giờ trở lại, cố tình chống luật lệ của Yankee và chuyện mất quyền bầu cử,... Scarlett vẫn luôn câm lặng chịu đựng để tránh bị rắc rối.
Scarlett rất thành công với trại cưa. Dù rất căm ghét nhưng Scarlett lại giao dịch buôn bán với nhiều người Yankee, Carpetbagger và Scallawag nên Scarlett bị dân Atlanta ghét và lên án. ("Carpetbagger" là những người miền Bắc hoạt động đầu cơ chính trị tại miền Nam vào thời Tái thiết sau khi miền Nam thua cuộc nội chiến; "scalawag" là những người miền Nam da trắng ủng hộ các chính sách và nỗ lực Tái thiết sau khi Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc). Nhưng Scarlett cũng vẫn chỉ quan tâm đến việc kiếm nhiều tiền. Nàng cho rằng, khi nào giàu thì mới làm quý tộc được, nghĩ tới xã hội, lễ nghi, nghĩ cho người khác. Rhett lý giải cho Scarlett: "sự kiện cô thành công với cái trại cưa là một sỉ nhục lớn đối với bọn đàn ông bất tài. Vị trí của một phụ nữ có gia đình là ngôi nhà của họ và không được quyền biết gì về cái xã hội xô bồ, tàn nhẫn bên ngoài".
Ở quê nhà Tara, Suellen em gái Scarlett đã dụ ông Gerald (cha của Scarlett và Suellen ký vào lời tuyên thệ sẽ luôn ủng hộ chính phủ Yankee để đối lấy 150,000$. Ông Gerald biết được âm mưu đó của Suellen nên bực tức chửi bới, uống rượu say rồi té ngựa chết. Dân trong hạt coi Suellen là sát nhân, phản nghịch. Scarlett đã mất cả mẹ lẫn cha.
Thời gian sau, Will xin phép Scarlett cho cưới Suellen. Scarlett đồng ý dù nhiều người không hài lòng vì Will không phải dòng dõi quý tộc. Nhưng Scarlett quý mến Will vì đã chăm sóc Tara chu đáo, Will là một tặng phẩm của thượng đế.
Ashley thì muốn được tự lập chứ không muốn sống ở Tara đeo bám Scarlett mãi, anh định đi New York làm ngân hàng. Scarlett vì muốn gần gũi Ashley và vì Scarlett cũng đang phải nghỉ dưỡng thai vài tháng mà không biết tìm ai quản lý nên năn nỉ Ashley làm quản lý trại cưa cho mình. Tuy vậy, Ashley làm kinh doanh và quản lý rất dở khiến trại cưa lỗ nhiều. Scarlett bất mãn nhưng vì yêu vẫn mù quáng, tự bao biện cho Ashley.
Scarlett đã sinh con gái. Vừa sinh xong Scarlett đã đòi đi làm ngay. Scarlett thuê một người khác được việc hơn để làm quản lý trại cưa thứ hai của mình, ngoài ra, nàng sa thải công nhân da đen lười biếng và thuê tù khổ sai, vì vậy bị tất cả mọi người chỉ trích vì họ coi điều đó là bóc lột. Rhett thì vẫn đồng tình và ủng hộ Scarlett, hắn nhận xét: cô biết phấn đấu để ngoi lên. Cô biết dấn thân, biết chen lấn và giờ cô đã có một gia sản vững chắc. Cô là một kẻ sát nhân, kẻ đoạt chồng người, cám dỗ người phạm tội gian dâm, nói láo và sử dụng đủ các mánh khóe để đạt tới mục đích của mình. Đó là những vui lòng đáng phục, nó chứng tỏ cô là một người cứng rắn và cương quyết. Còn những người cứ mãi hoài niệm về quá khứ huy hoàng, tươi đẹp, sẽ bị đào thải. Họ không đáng được sống sót vì họ không chịu chiến đấu hoặc không biết chiến đấu. Scarlett mệt mỏi: "Tôi thấy mình như đang phải lèo lái một con thuyền chở nặng giữa sóng to gió lớn. Tôi gặp phải nhiều rắc rối khi cố giữ con thuyền khỏi chìm. Tôi sợ con thuyền bị đắm vì thế tôi phải ném bỏ những gì không cần thiết. Kiêu hãnh, thật thà, đức hạnh, danh dự và lòng tốt, những thứ đó không có giá trị gì khi con thuyền sắp đắm". Scarlett vẫn luôn nghĩ rằng mình sẽ quay trở lại làm quý tộc, làm một người đàn bà dễ mến khi nào nàng giàu có trở lại, còn bây giờ thì bất chấp mọi thủ đoạn nàng phải kiếm thật nhiều tiền trước đã. Nhưng Rhett cũng cảnh báo Scarlett: "khó mà vớt được những hàng hóa đã quăng xuống biển để cứu con thuyền và nếu có vớt lại được không bao giờ nó còn nguyên trạng."
Một ngày nọ, Scarlett đi xuống trại cưa một mình. Lúc về, cô bị hai tên da trắng và da đen sờ soạng, định cướp tiền nhưng có người cứu. Chồng Frank và Ashley giết hai tên này để bảo vệ danh dự cho Scarlett, nhưng Frank bị quân Yankee bắn chết, Ashley bị bắt. Cả thành phố náo loạn sợ hãi vì quân Yankee truy lùng gắt gao những người có liên quan đến đảng Ku Klux Klan. Mọi người đều ghét Scarlett vì Scarlett đi lang thang ngoài đường nhiều trong tình thế hỗn loạn nên mới gây ra thảm kịch này, quy kết Scarlett giết chồng. Scarlett cũng tự giày vò lương tâm vì sự ngoan cố và ích kỉ của mình đã dẫn đến cái chết của Frank. Scarlett nhận ra mình "đã làm cho anh ấy đau khổ, làm quá nhiều việc mà anh ấy không ưa, như bắt người ta phải trả nợ trong khi họ không đủ tiền để sống, khi nàng đứng ra điều khiển các trại cưa, cất quán rượu và mướn tù khổ sai làm nhân công". Nhưng Rhett vẫn nhìn ra suy nghĩ thật của Scarlett: nếu không phải vì sợ sa hỏa ngục thì cô đã thấy sung sướng vì đã thoát nợ Frank rồi.
Rhett cầu hôn Scarlett và họ kết hôn khi Scarlett chịu tang chồng chưa đầy một năm, gây phẫn nộ và rất nhiều chỉ trích. Sau đó, Scarlett và Rhett cưới nhau. Xây một biệt thự hoành tránh nhất Atlanta, nhưng rất ít bạn bè ghé thăm vì họ ghét. Scarlett có thai, muốn phá thai vì sợ xấu xí đi nhưng Rhett đã ngăn cản quyết liệt. Scarlett đẻ con gái. Sau sinh, Scarlett đề nghị ngủ riêng vì không muốn có thêm con và vì Ashley thú nhận không thể chịu đựng nổi khi Scarlett gần gũi Rhett. Rhett chấp nhận nhưng biết rõ Scarlett đã phản bội.
Rhett muốn con gái mình có được một chỗ trong xã hội quý phái nên đã bất chấp tất cả, hy sinh bản thân để thu phục tình cảm của dân Atlanta. Rhett tỏ ra ôn hòa và hối cải trước mặt họ, từ chối giao thiệp với bọn Yankee, Cộng hòa và Scallawag, thậm chí Rhett còn đi nhà thờ. Một thời gian sau, Rhett đã lấy được thiện cảm của người dân.
Một chiều nọ, khi Ashley đến văn phòng của Scarlett, hai người ôn lại kỷ niệm xưa, bỗng Scarlett thấy yếu đuối nên đã khóc trong vòng tay Ashley. Cảnh tượng này bị em gái Ashley nhìn thấy. Rhett biết tin và nổi điên, đem con gái đi về quê thăm bà nội vài tháng. Melanie thì kiên quyết không tin sự thật này.
Khi Rhett trở về, Scarlett báo cô có thai, do không tin cái thai đó là của mình nên Rhett lạnh lùng miệt thị và xô xát với Scarlett khiến Scarlett bị té cầu thang phải nằm chữa bệnh khá lâu. Rhett muốn Scarlett nghỉ ngơi nên đã đưa tiền cho Ashley mượn để mua lại hai trại cưa.
Bonnie - con gái của Scarlett và Rhett rất giỏi cưỡi ngựa. Rhett tập cho Bonnie nhảy rào. Bonnie đòi nhảy cao hơn, ban đầu Rhett không cho vì Bonnie chưa đủ tuổi, nhưng Bonnie nằn nì quá nên Rhett miễn cưỡng đồng ý. Không ngờ vì cú nhảy ấy Bonnie bị ngã gãy cổ chết. Rhett đau khổ trở nên điên dại như mất trí. Scarlett thì liên tục lên án Rhett đã giết con. Mối quan hệ giữa hai người ngày càng xấu đi, lạnh nhạt. Rhett hay uống rượu thật say và buồn bã, xộc xệch, cáu kỉnh thô lỗ.
Melanie bị sẩy thai và chết. Đáng lẽ Scarlett phải vui sướng vì từ nay có thể đường đường chính chính ở bên Ashley nhưng vào lúc này Scarlett chợt nhận ra nàng không thể sống thiếu Melanie, Melanie đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời nàng, đồng thời nàng hiểu ra nàng không hề yêu Ashley, tất cả chỉ là trong tưởng tượng của nàng. Ashley chỉ là một đòi hỏi ngông cuồng, trẻ con, chỉ vì không có được Ashley nên Scarlett cứ mãi đeo bám như vậy, nếu Ashley cũng cầu cạnh, ghen tuông như những chàng trai khác, có lẽ những mê đắm của nàng đã tàn tạ từ lâu.
Sau khi nhận ra sự thật đó, Scarlett mới biết trân trọng Rhett. Nhưng cùng lúc đó Rhett đã hết yêu Scarlett. "Tình yêu của tôi đã tàn rồi. Nó vấp phải Ashley Wilkes và bản tính thật bướng bỉnh, ngoan cố của em... Mối tình của tôi đã tàn lụi rồi. Ngay cả tình yêu bất diệt nhất cũng có ngày phải tàn". Cuối cùng, Rhett bỏ đi.
Gấp sách lại, Thanh kiểu: Rồi cuối cùng là gió cuốn theo chiều nào?
🌟🌟
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét