Thật sự khi đọc quyển sách này mình thấy rất buồn, vì đây là một quyển sách với nhiều nỗi buồn, nỗi đau và rất nhiều sự tổn thương, vỡ nát. Mình không ngờ rằng lại có nhiều người có hoàn cảnh bi đát đến thế, ở đây mình không chỉ nói về hoàn cảnh kiểu nghèo đâu, mà họ khổ và bị thương, không chỉ những vết thương trên tay chân mà còn cả những vết xước ngang dọc trong tâm hồn, vì họ bị ngược đãi và bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần.
Họ là những con người lớn lên với những tổn thương tâm lý, có người nhận ra, có người không nhận ra, cứ thế đem theo nó vào đời, mưu sinh, kết hôn, sinh đẻ và nuôi dạy con cái cùng với những tổn thương âm thầm đó, khiến cho những đứa trẻ cũng không thể có một tuổi thơ lành mạnh. Cứ thế, đau khổ kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ kia.
Có thể bạn từng biết về trường hợp bạn trẻ nào đó có cha mẹ khá giả nhưng lại suốt ngày bận rộn mưu sinh, chỉ cho con tiền chứ không cho sự quan tâm và tình yêu thương. Những đứa trẻ phải tự lớn lên một mình.
Có khi, bạn lại thấy trong một vài gia đình, đứa con lại là lao động chính, hoặc con cái phải ra quyết định thay cho cha mẹ. Nó rất cứng rắn và già trước tuổi.
Chắc bạn cũng từng chứng kiến hoặc nghe về trường hợp cha mẹ đọc nhật kí và tin nhắn của con cái và họ coi đó là điều bình thường, hiển nhiên họ có quyền làm vậy. Hoặc cha mẹ toàn quyền quyết định việc con cái ăn mặc như thế nào, học trường gì, cưới ai. Tất cả các bậc cha mẹ đó đều nói rằng họ làm vậy là vì tương lai của đứa trẻ, là vì họ muốn tốt cho con của họ. Nhưng có thực sự như vậy không?
Bạn có sẵn sàng cùng với mình tìm hiểu thế giới của những con người này chưa? Để mình giới thiệu cho bạn cuốn sách "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" của tác giả Đặng Hoàng Giang.
VỀ TÁC GIẢ
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của ông nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, minh bạch và tiếng nói của người dân. Ông nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, phá bỏ định kiến và kỳ thị, và xây dựng một xã hội khoan dung và trắc ẩn.
Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Những cuốn sách và bài viết của ông có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội.
Đặng Hoàng Giang là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng có thể bạn đã nghe qua tựa sách rồi, chẳng hạn như: Bức xúc không làm ta vô can, Thiện, Ác và Smartphone, Điểm đến của cuộc đời, và gần đây là Đại dương đen.
REVIEW
"Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" dẫn người đọc vào thế giới của những người trẻ trên dưới hai mươi tuổi, lứa tuổi không còn trẻ con nhưng cũng chưa thực sự là người lớn. Tương ứng với khái niệm "late adolescence" (thiếu niên muộn) trong tiếng Anh, đây là quãng tuổi đời tác giả gọi là "hậu tuổi thơ", thời kỳ mà người ta đã để lại tuổi thơ ở đằng sau, nhưng chưa hoàn toàn bước vào thế giới của người lớn, theo nghĩa đã đi làm, lập gia đình, độc lập về tài chính.
“Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” gồm ba phần chính được đặt tên tương ứng với những vấn đề chủ yếu mà một người trẻ có thể gặp phải trong gia đình:
- Phần 1 - Thế giới vắng bóng người lớn. Phần này nói về những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong gia đình không có người lớn, có thể cha, mẹ đã mất, hoặc sống cạnh nhưng như không tồn tại.
- Phần 2 - Những đứa trẻ nhầm vai. Phần này kể về những đứa trẻ phải đóng vai trò phụ huynh của phụ huynh của chúng. Thay vì được nuôi dưỡng và chở che thì chúng lại phải trở thành chỗ dựa cho phụ huynh cả về tinh thần lẫn thể chất, phải là trụ cột chính về kinh tế hoặc bảo vệ, dẫn dắt ba mẹ của mình.
- Phần 3 - Trong ngục tù của tình yêu. Phần này nói về những đứa trẻ bị gia đình kiểm soát và điều khiển cuộc sống của mình. Cha mẹ nhân danh tình yêu để can thiệp hoàn toàn vào đời sống của những đứa trẻ này, chúng không có không gian riêng, không được quyền tự do lựa chọn và đưa ra những quyết định lớn trong đời.
- Xen kẽ các phần là những khúc chuyển giao bằng lời tác giả phân tích vấn đề dưới góc độ chuyên môn tâm lý và khoa học; và cuối cùng là Hành trình chữa lành.
Cuốn sách gồm nhiều câu chuyện kể từ chính những người trong cuộc, được tác giả thuật lại nguyên văn, do đó mang lại cho người đọc cảm giác rất thật, gần gũi, rất đời. Bên cạnh đó là phần bình luận, phân tích bằng những kiến thức chuyên môn sâu của tác giả, góp phần nâng cao nhận thức cho người đọc về các vấn đề tâm lý và bệnh tâm thần, giúp cho cuốn sách không chỉ đơn thuần là một cuốn truyện/tự truyện, tác giả không chỉ thay mặt các nhân vật kể vài câu chuyện rồi thôi. Phần kiến thức chuyên ngành chính là giá trị lớn nhất của cuốn sách.
Những kiến thức chuyên môn được tác giả trình bày một cách logic, dễ hiểu, nếu bạn không phải là dân chuyên ngành tâm lý, giáo dục, xã hội học thì cũng yên tâm là bạn hoàn toàn có thể tiếp thu được những kiến thức này.
TÓM TẮT SÁCH
PHẦN 1: Thế giới vắng bóng người lớn
Sự ấm áp là điều thể hiện chất lượng của mối quan hệ cha mẹ và con cái, là đặc tính của một gia đình khỏe mạnh.
Cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể rơi vào ba trường hợp:
- Lạnh lùng và cục cằn (không có sự gần gũi về cơ thể với trẻ nhỏ, không khen ngợi, động viên)
- Dữ dằn và độc địa (họ đánh đập, quát mắng, dùng ngôn từ gây tổn thương).
- Thờ ơ và bỏ mặc (vắng bóng trong thế giới của trẻ về mặt vật lý cũng như tinh thần, không phản ứng trước các nhu cầu tình cảm của nó).
Những đứa trẻ bị đói tình cảm.
Bỏ rơi, sao nhãng, lơ là được coi là một dạnh của ngược đãi tinh thần.
*Hệ quả:
- Đứa trẻ có cảm giác chông chênh, bất an và thiếu thốn, sẽ trở thành một người thiếu khả năng đứng độc lập, luôn đeo bám, cảnh giác, lo lắng, thường xuyên cần được nghe người khác cam kết là sẽ không bỏ rơi mà vẫn không tin tưởng họ. Dạng người này dễ khiến người khác cảm thấy ngạt thở.
- Hoặc, đứa trẻ chôn vùi mong muốn được gần gũi và yêu thương, dựng hàng rào phòng thủ để không phải thất vọng do các nhu cầu tình cảm không được đáp ứng, thiếu cởi mở trong cảm xúc. Lớn lên dễ thành cha mẹ lạnh lẽo, khó gần.
- Nỗi đau của việc bị chối bỏ có những biểu hiện vật lý rõ ràng. Khi người ta cảm nhận mình bị bỏ rơi, khước từ, vành cung vỏ não trước trán và một phần của thùy trán được kích hoạt, giống như ở những người đang chịu đau đớn vật lý. Chấn thương tinh thần lâu dài ở tuổi thơ có thể tác động khiến cấu trúc và chức năng của não bộ thay đổi, dẫn tới rủi ro chảy máu não ở tuổi già. Trẻ nhỏ thiếu sự ấm áp từ người chăm sóc khi lớn lên cũng thường có hồi hải mã nhỏ hơn. Vùng não bộ này quan trọng cho trí nhớ, sự điều hòa cảm xúc, điều chế stress. Do đó, chúng thường thiếu sự dẻo dai tinh thần, sự bình tĩnh và cân bằng về cảm xúc để đối mặt với những sóng gió trong cuộc đời, có một thế giới quan tiêu cực, khó có những quan hệ khỏe mạnh, cân bằng, hài hòa, cởi mở với bạn đời và con cái.
PHẦN 2: Những đứa trẻ nhầm vai
Khái niệm "đảo vai" được dùng cho hoàn cảnh đứa trẻ trở thành người chăm sóc cho cha hay mẹ, thay vì ngược lại như lẽ tự nhiên. Chữ "Phụ huynh hóa" để chỉ một đứa trẻ mà hoàn cảnh sống đã khiến nó cư xử như phụ huynh đối với cha mẹ của mình.
- Phụ huynh hóa về chức năng: những đứa trẻ sẽ nấu nướng, chợ búa, dạy em, chăm sóc bố mẹ ốm, kiếm tiền.
- Phụ huynh hóa về cảm xúc: đứa trẻ đóng vai người lớn trong khía cạnh tâm lý, tình cảm, trở thành người che chở, bảo vệ, an ủi, bảo ban, dẫn dắt, là bạn tâm giao, người giải quyết xung đột.
Nếu ít, ngắn và phù hợp với lứa tuổi, việc nhận thêm trách nhiệm có thể khiến đứa trẻ có nhiều kỹ năng sống hơn. Nếu ở mức độ cao, xảy ra trong thời gian dài, và không phù hợp với độ tuổi, quá trình này có thể đem lại những tổn thất tâm lý lâu dài cho đứa trẻ. Trong hai dạng phụ huynh hóa, dạng phụ huynh hóa về cảm xúc có nguy cơ phá hủy đứa trẻ nhiều hơn.
Phụ huynh hóa là một trong những trường hợp của hiện tượng "rối loạn vai". Đứa trẻ đóng vai trò bạn đời thay thế cho cha hay mẹ mình, hoặc cha mẹ trở thành bằng vai phải lứa với con. Đứa trẻ trở thành người dẫn dắt, quyết định trong mối quan hệ với bố mẹ, hoặc trở thành bạn đời, đem lại sự gần gũi về tâm lý, tình cảm cho cha mẹ.
*Hệ quả:
Những đứa trẻ này bị đánh mất một phần tuổi thơ của mình, mất cơ hội tìm tòi, thử nghiệm để xác định cái tôi, để phát triển thành một cá thể độc lập, riêng biệt. Chúng lớn lên trở thành những người chăm sóc cưỡng chế, thường "hy sinh bản thân", chăm lo vô độ người khác. Họ có xu hướng tìm tới những bạn đời không tự lo được cho bản thân, không quản lý được đời mình. Họ sẽ đóng vai trò người chăm sóc và cảm thấy mình có giá trị. Che chở, chăm lo cho người khác để được họ ban phát tình cảm.
KHÚC CHUYỂN GIAO - TÌM MÌNH TRONG THẾ GIỚI HẬU TUỔI THƠ
Một đứa trẻ cần chuẩn bị những gì để bước vào thế giới người lớn? Người ta thường cho rằng chúng cần học nghề, tập quản lý tài chính, biết chịu trách nhiệm, tự quyết,... Nhưng, để trưởng thành, người trẻ cần giải quyết 3 vấn đề cơ bản sau:
- Trưởng thành về cảm xúc, xây dựng cho mình năng lực cảm xúc.
- Phát triển khả năng suy ngẫm, lập luận về phải trái đúng sai.
- Xác định một căn tính riêng của mình, tách khỏi cha mẹ, trở thành một cá thể độc lập.
1. Xây dựng năng lực cảm xúc:
- Nhận diện được, nắm bắt và gọi tên được cảm xúc của mình.
- Khả năng đi vào người đối diện, dựa vào những biểu cảm của họ và vào bối cảnh mà nhận biết và diễn giải được cảm xúc của họ.
- Khả năng điều hòa để ứng phó với các cảm xúc tiêu cực trong các tình huống khó khăn.
Năng lực cảm xúc được trau dồi qua thực hành, qua năm tháng. Có nhiều nguồn tác động tới năng lực cảm xúc của người trẻ: môi trường xã hội, trường học, bạn bè, gen, nhưng cha mẹ là một trong những nguồn quan trọng nhất. Nếu được người lớn quan tâm tới đời sống tình cảm của mình, trẻ sẽ được khích lệ để thể hiện cảm xúc, qua đó dần hiểu và diễn giải cảm xúc tốt hơn. Đáng tiếc, trong nhiều gia đình, sự quan tâm của cha mẹ chỉ hướng tới phần xác của trẻ: ăn uống, sức khỏe, học hành. Phần hồn của nó không được chạm tới.
*Hệ quả:
- Đứa trẻ lớn lên sẽ lóng ngóng trong việc thể hiện tình cảm.
- Vụng về hơn trong tương tác với bạn bè, xã hội.
- Ít có khả năng tự điều hòa cảm xúc.
2. Phát triển khả năng lập luận về đúng sai.
- Khả năng suy ngẫm liên quan tới công bằng và công lý.
- Mục tiêu của giáo dục trong gia đình và nhà trường là hỗ trợ để trẻ em và người trẻ đạt được mức độ phát triển cao nhất về nhận thức. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi chúng sống trong một môi trường cởi mở, được tự do suy nghĩ, được hướng dẫn có cái nhìn đa chiều, được dìu dắt để nhận ra mâu thuẫn trong lập luận của mình, được khuyến khích xây dựng quan điểm cá nhân và phản biện cái nhìn của người lớn mà không bị phán xét.
3. Hình thành căn tính:
- Căn tính được hiểu như một tập hợp các lựa chọn và cam kết cho các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.
- Căn tính cho người ta một cảm giác vững vàng, được neo đậu, mình tìm được bản thân. Thiếu nó, không biết mình là ai, mình đang đi đâu, mình đóng vai trò gì trong cái thế giới này, người trẻ sẽ cảm thấy con người mình không toàn vẹn, trôi dạt, và có thể gặp các bất ổn trong các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống của người lớn sau này.
- Quá trình tạo dựng căn tính ở người trẻ gồm 2 yếu tố:
+ Quá trình khám phá: người trẻ xem xét, tìm hiểu các quan điểm, ý kiến, giá trị khác nhau, thử nghiệm, so sánh, khước từ, chấp nhận, để tiến đến cam kết với những lựa chọn nhất định.
+ Quá trình cá nhân hóa: người trẻ dần tách khỏi cha mẹ, ý thức về sự riêng biệt và độc nhất của mình. Hướng tới quyền được tự lựa chọn và ra quyết định riêng
PHẦN 3: Trong ngục tù của tình yêu.
Những đứa trẻ sống trong một nhà tù do cha mẹ chúng dựng lên, trá hình là sự quan tâm và yêu thương.
Cha mẹ sĩ diện.
Điểm chung lớn nhất của những người này là họ coi đứa trẻ như một sự nối dài của bản thân, họ sở hữu nó, chứ không coi nó như một cá nhân có cảm xúc và nhu cầu riêng. Họ coi con cháu chủ yếu như một phương tiện để thỏa mãn những mong muốn và nhu cầu của mình. Do đó họ đầu tư nhiều tâm sức, thời gian và tiền bạc vào nó. Trong nhiều trường hợp, sau khi đã thất bại trong các lĩnh vực khác như hôn nhân hay con đường công danh, họ coi đứa con là dự án quan trọng nhất của đời mình, vì vậy có xu hướng kiểm soát toàn bộ cuộc đời của đứa trẻ, phá vỡ ranh giới bản thể vốn cần có giữa các cá nhân.
Vì tập trung vào nhu cầu của bản thân, họ vô cảm trước thế giới tinh thần của con, bỏ qua nhu cầu cảm xúc, đời sống tình cảm của đứa trẻ. Những thành viên trong gia đình sống như những cá thể xa lạ, trong khi gần về khoảng cách vật lý.
*Hệ quả: Lớn lên trong một gia đình sĩ diện mang lại những chấn thương tâm lý to lớn.
- Để nhận được tình cảm của cha mẹ, nhiều đứa trẻ cố gắng chạy theo yêu cầu của họ cho tới khi kiệt sức.
- Dù có thể ưu tú về trí tuệ, nhiều người trẻ trong những câu chuyện ở phần này luôn cảm thấy cô độc, lạc lõng và chật vật để bước vào tình yêu.
- Lớn lên với cảm giác triền miên là bản thể của mình không được chấp nhận, nhiều đứa trẻ có cảm giác mình vô giá trị, trở nên căm ghét bản thân và thấy mình không xứng đáng với bố mẹ.
- Nhiều đứa trẻ tìm cách chôn vùi những nhu cầu riêng và những khao khát của mình. Bị xung đột đau đớn giữa một bên là bản thể của mình và một bên là đòi hỏi, kỳ vọng của cha mẹ.
HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH
"Đừng có đổ lỗi cho hoàn cảnh nữa!", mọi người hay khuyên người khác là phải mạnh mẽ, phải vượt lên chính mình, phải biết vượt lên nghịch cảnh. Nhưng, chuyện không đơn giản vậy đối với những người bị tổn thương tâm lý. Người ta đâu chỉ đơn giản bỏ những trải nghiệm tuổi thơ không hạnh phúc sang một bên rồi cứ thế bước tiếp vào đời, đó đâu phải là những vết thương có thể tự lành qua thời gian.
Qua những trải nghiệm đầu đời với người chăm sóc của mình, trẻ em hình thành những quan điểm về bản thân và về người khác. Một đứa trẻ trưởng thành trong một môi trường ấm áp và an toàn về cảm xúc và tâm lý, sẽ xây dựng một thế giới quan rằng "tôi xứng đáng được yêu thương" và "người khác là tin cậy được". Người ta được lập trình bởi trải nghiệm tuổi thơ của mình. "Phần mềm" của họ chỉ được thay đổi nếu sau này họ có những trải nghiệm mới, đi ngược với những trải nghiệm thơ ấu, và những trải nghiệm này đủ mạnh, đủ nhiều và xảy ra trong thời gian đủ dài. Do vậy, nếu môi trường sống không nhiều thay đổi, một đứa trẻ lớn lên sẽ gắn kết với bạn đời và con cái của mình theo cách hồi nhỏ nó gắn kết với người chăm sóc nó.
Hành trình để chữa lành cho một người tổn thương tâm lý sẽ như thế nào?
1. Trải nghiệm mang tính điều chỉnh
Những thay đổi không tới từ các bài lên lớp lý thuyết, hay bằng ý chí đơn thuần. Điều người ta cần là những trải nghiệm mới, đi ngược lại những trải nghiệm quá khứ của họ. Ví dụ, họ được cảm thấy an toàn, được lắng nghe, che chở, được hiểu và chấp nhận, được kết nối và yêu thương một cách sâu sắc. Đây gọi là "những trải nghiệm mang tính điều chỉnh". Những trải nghiệm điều chỉnh này có thể tới từ một người họ hàng tâm lý, một thầy giáo thấu hiểu, một nhà sư trắc ẩn, những bạn bè không phán xét, một bác sĩ tâm lý chuyên môn cao, hay từ một người bạn đời kiên nhẫn và bao dung. Khi đủ mạnh mẽ, chúng có thể làm lung lay cái nhìn thế giới của một cá nhân, khiến họ bừng tỉnh và nhận ra rằng cuộc sống không chỉ là những điều cay đắng và đau buồn mà họ đã từng biết.
2. Lòng trắc ẩn.
Lòng trắc ẩn khiến ta có khả năng nhìn thấu vẻ ngoài của một con người để chạm tới bản thể khổ đau của người đó, khiến họ có cảm giác được an ủi. Yêu thương, trắc ẩn là điều mà những người có một tuổi thơ tổn thương thiếu thốn. Họ cũng thiếu lòng trắc ẩn với chính mình, vì họ đã bị người thân phán xét và miệt thị nhiều năm liền.
Ta cần lòng trắc ẩn với chính mình như cơ thể cần vitamin. Đây là một sự thương cảm hướng vào trong, coi bản thân là một thực thể để mình chăm sóc và quan tâm, đặc biệt trong lúc mình đau khổ nhất.
Những yếu tố cấu thành nên lòng trắc ẩn với chính mình:
- Chánh niệm. Nhận diện được những gì đang xảy ra bên trong mình mà không phán xét.
- Ý thức rằng câu chuyện của mình không độc nhất, rằng đau khổ là một phần của cuộc sống, rằng ai cũng có những ẩn ức của mình, kể cả những người đã và đang hành hạ ta. Ý thức này khiến ta bớt thấy lẻ loi, đơn độc, vốn là cảm giác thường trực của người không được yêu thương. Khi hướng cái nhìn ra bên ngoài và thấy những số phận khác, những nỗi đau khác, nỗi đau của ta nhỏ lại. Nó đã được đặt trong một tổng thể đời sống con người rộng lớn hơn, nó không còn khổng lồ, chiếm đoạt toàn bộ không gian và tâm trí của ta nữa.
- Hãy dịu dàng với chính mình, hãy chấp nhận bản thân, với tất cả những khiếm khuyết, vụng về và tổn thương. Nó giúp ta cư xử với chính mình như với một người bạn quý đang trong một hoàn cảnh khó khăn. Thay vì tự sỉ vả mình là kém cỏi và ngu dốt, ta tự an ủi và động viên.
- Trắc ẩn với chính mình không có nghĩa là tự thương hại, tự nuông chiều, không phải là chạy trốn cảm giác tiêu cực.
Ngoài việc tìm đến các trải nghiệm điều chỉnh, học cách tôn trọng, chấp nhận và yêu thương bản thân, cần có thêm sự thấu cảm.
3. Thấu cảm
Thấu cảm để hiểu được rằng sự độc ác của con người tới từ sự vô minh và định kiến xã hội. Ta biết thương xót và bao dung hơn.
4. Buông bỏ
Cuối cùng, học cách buông bỏ. Buông bỏ không có nghĩa là phủ nhận trách nhiệm của người gây hại, xí xóa cái sai, cho là nó không quan trọng, hay chấp nhận và tiếp tục chịu đựng bạo lực và ngược đãi nếu chúng vẫn xảy ra. Khi buông bỏ đúng nghĩa, được kích hoạt bởi thấu cảm, sẽ đem lại cho người bị hại cảm giác tự do, được giải phóng, nhẹ nhõm, khỏe khoắn tinh thần dù chúng ta vẫn không thay đổi được người khác và định kiến xã hội.
KẾT
Trên đây mình đã đưa ra những nhận xét của mình và tóm tắt nội dung cuốn "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ". Tóm lại, cuốn sách bao gồm những câu chuyện kể của các nhân vật chia sẻ về hoàn cảnh và cảm xúc của bản thân họ, kèm theo đó là những nhận định của tác giả về triệu chứng bệnh tâm lý của các nhân vật, chẩn đoán và đồng thời có những phân tích về nguyên nhân, hệ quả. Sau đó, quan trọng hơn cả, tác giả nêu ra một quá trình để những người tổn thương tâm lý có thể được chữa lành và hàn gắn vết rạn nứt giữa họ với người nuôi dưỡng.
Cuốn sách khiến các bậc cha mẹ, thầy cô và tất cả những ai có người trẻ trong cuộc sống của mình phải thức tỉnh, phải suy ngẫm lại về bản thân và ngồi xuống lắng nghe con em của mình, để học cách chữa lành và yêu thương đích thực.
Đọc "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ", có thể bạn thấy thấp thoáng bóng dáng chính mình và cha mẹ của mình, hoặc sự khốn khổ của đứa bé hàng xóm hay thằng em họ. Cuốn sách giúp nâng cao nhận thức của người đọc về các rối loạn tâm lý và là một phần không nên thiếu trên hành trình đi tìm lại chính mình, chữa lành những tổn thương trong tâm hồn của người trẻ.
-
Xem video trên Youtube: https://youtu.be/dcoZmbgAlLU
Mua sách: https://shope.ee/20NGPf2yLZ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét