Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2021

Lần đầu đọc tiểu thuyết: KHÔNG GIA ĐÌNH (Hector Malot)

Mình vừa đọc xong cuốn tiểu thuyết "Không gia đình" và mình phải viết về nó ngay bây giờ dù đã gần 11h khuya. "Không gia đình" được xuất bản năm 1878, được xem là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Pháp Hector Malot. Đó là một cuốn sách siêu siêu kinh điển mà mình tin chắc rằng ai cũng từng nghe đến tên của nó ít nhất một lần trong đời.

Nói thêm một chút là, cho dù mình đã đọc rất nhiều sách từ bé đến nay nhưng chưa bao giờ mình đọc được một cuốn thuộc dòng
văn học kinh điển thế giới
, không phải vì mình không đủ kiên nhẫn (một đứa đã đọc được vài trăm cuốn sách ba, bốn trăm trang thì không lý gì lại không thể đọc được một cuốn tiểu thuyết chỉ vì nó... dày). Mình không đọc được tiểu thuyết kinh điển có lẽ vì nó quá đồ sộ, nhiều thông tin, nhân vật và sự kiện quá, mình cảm giác rất rối và choáng ngợp khi đọc, mình không thể nhớ nổi ai với ai, đọc đến đâu rồi, mỗi lần đọc tiếp là gần như phải đọc lại từ đầu. Thêm nữa là do từ nhỏ mình được sống trong cảnh yên bình và chẳng biết thiếu thốn là gì, mà thường thì dòng sách kinh điển lại toàn miêu tả cuộc sống bần cùng, đớn đau của các tầng lớp thấp nhất đáy xã hội, hoặc là chiến tranh, hoặc là tôn giáo, do vậy với trí óc và kinh nghiệm sống non nớt mình không hiểu được hết những gì diễn ra trong tác phẩm, không thấm được các thông điệp đầy ý nghĩa và nhân văn cao cả trong mấy cuốn sách kinh điển này. Bây giờ khi đã trưởng thành, mình mới có thể bắt đầu đọc được, vì mình đã có thể cảm nhận đúng những gì diễn ra trong cái thế giới mà các tác giả thời xưa khắc họa.

Trong bài viết này, mình sẽ không tóm tắt tác phẩm "Không gia đình" với 2 lý do sau: Thứ nhất, trên internet tràn ngập các bản tóm tắt của tác phẩm này, thêm một bài-tóm-tắt-không-có-gì-khác-biệt của mình nữa thì cũng không giúp ích được gì cho đời. Thứ hai, quan trọng hơn, mình cảm thấy việc đọc tóm tắt một tác phẩm văn học trước khi đọc nó (nếu bạn thật sự có ý định đọc) là một điều không nên. Phần tóm tắt sẽ kể lại diễn biến của thiên truyện và liệt kê các sự việc lớn xảy ra với nhân vật chính, đồng thời cũng cho ta biết trước tên và thời điểm xuất hiện và vai trò của các nhân vật trong toàn bộ câu chuyện. Theo quan điểm của riêng mình, việc biết trước những thông tin này sẽ làm mất đi tính bất ngờ mà tác giả cố gắng dựng xây trong tác phẩm của mình, ảnh hưởng không hay đến trải nghiệm của chính người đang đọc cuốn sách. Nói vậy chứ nếu bạn vẫn muốn được đọc tóm tắt thì vào link này nhé (mình đã chọn lọc kỹ rồi, trang này là tóm tắt hay và đầy đủ nhất).

Dài dòng thế đủ rồi nè, bây giờ mình sẽ vào phần chính của bài viết hôm nay, đó là review cuốn sách "Không gia đình". 

Nếu chỉ được dùng một từ để mô tả cảm nhận của mình về "Không gia đình" thì chắc chắn đó là: (VÔ CÙNG) TUYỆT VỜI. 

Cách kể chuyện của Hector Malot thật sự vô cùng lôi cuốn, nó khiến mình không muốn rời khỏi cuốn sách một khi đã bắt đầu đọc. Lối viết vừa phóng túng, vừa tả thực, đầy mê hoặc. Những trường đoạn tả cảnh không bao giờ bị tả qua loa, đơn điệu, trái lại luôn luôn chi tiết và sinh động. 

Dù chỉ nằm ở nhà đọc sách nhưng mình vẫn có thể hình dung ngay ra những cánh đồng xanh rì thơ mộng ở miền quê thanh bình của nước Pháp, ngửi được cả mùi hôi thối trong những ngày mưu sinh vất vả hay cả mùi sữa bò béo ngậy mà nhân vật đang thèm thuồng, cảm nhận được cả cái rét cắt da chạm vào da thịt mình mỗi lần tác giả thuật lại cảnh các nhân vật lọ mọ và khổ sở đi trong đêm tuyết giá lạnh và tối đen, nghe được cả tiếng réo rắt quặn thắt bao tử khi những cơn đói hành hạ các nhân vật,... Và còn rất nhiều, rất nhiều những thứ tại nước Pháp xa xôi ở thế kỉ 19 mà mình có thể mường tượng được ra ngay trước mắt khi đọc "Không gia đình".

Đối với mình, toàn bộ thiên truyện hấp dẫn nhất là nhờ các nút thắt, mở liên tục. Các tình tiết bất ngờ, diễn tiến câu chuyện ngày càng gay cấn, kích thích. Cách nhà văn Hector Malot liên tục tạo ra các sự việc và trạng thái đối lập nhau khiến người đọc đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, cảm xúc tuy phải thay đổi nhanh chóng theo câu chuyện nhưng vẫn rất hợp lý. 

Ví dụ như ngay ở chương đầu, người đọc đang bay bổng cùng cảm xúc trong veo, an nhiên khi chú bé Rémi (Rê-mi) đang kể về những ngày êm ấm sống với má Barberin (Bác-bơ-ranh), thì chỉ vài trang sau, người đọc đã phải thấy xót xa, thương cảm vì Rémi bị chính người cha bán đi và phải xa má, người duy nhất thương yêu mình. Hay khi người đọc những tưởng hạnh phúc đã đến với Rémi vì cậu hoàn toàn xứng đáng sau những gian khổ kinh khủng mà cậu đã trải qua, thì không ngờ cậu vẫn còn phải đau khổ thêm nữa.

Xây dựng nhân vật và diễn biến tâm lý nhân vật:
Hector Malot trau chuốt từng ly từng tí cho nhân vật của mình. Ông mô tả khéo léo và tường tận về từng nhân vật, từ ngoại hình, giọng điệu đến tính cách, nhân cách, nội tâm đều được xây dựng đâu ra đấy: Má Barberin có vẻ ngoài đôn hậu, dịu dàng, cần cù lao động, rất thương con và kính sợ chồng. Cụ Vitalis cao lớn, râu bạc, mặc bộ quần áo kỳ quặc, dù chỉ là người diễn xiếc rong nhưng luôn thanh cao và điềm tĩnh khiến người ta vẫn phải kính nể, chú chó Capi lông trắng, đẹp trai, dũng cảm, khôn ngoan, trung thành, vừa lý trí vừa tình cảm, con khỉ Joli-Coeur thân thiện nhưng bướng bỉnh, tinh ranh,..v.v.. Dù là chính hay phụ, dù là con vật hay con người, tất cả các nhân vật của Hector Malot đều được hiện lên rõ nét và gây được ấn tượng sâu sắc trong trí nhớ người đọc.

Một trong những điểm mình kính nể nhất về tài năng của Hector Malot chính là khả năng xây dựng diễn biến tâm lý nhân vật vô cùng tinh vi và tinh tế. Góp phần lớn trong việc này chính là ở các đoạn độc thoại nội tâm. Ví dụ như lần cụ Vitalis bị đi tù 2 tháng, Rémi may mắn được một phụ nữ người Anh cưu mang và cậu được sống trong chăn êm nệm ấm, được ăn ngon và yêu thương. Đến khi cụ Vitalis mãn hạn tù, có nhiều khả năng Rémi sẽ phải tiếp tục cùng cụ rong ruổi cực khổ trên khắp nước Pháp để kiếm ăn chứ không còn được sống ổn định, sung sướng như này nữa. Rémi phải đấu tranh nội tâm rất dữ dội về việc này, chọn cuộc sống phiêu lưu vô định nhưng tự do hay cuộc sống an nhàn? Chọn một mái ấm để trú ngụ hay chọn trung thành đi theo cụ chủ của mình? Và Hector Malot đã miêu tả diễn biến tâm lý Rémi lúc này này rất xuất sắc. Mình luôn cảm nhận được tất cả sự giằng xé dữ dội, tư lự, khổ đau, sướng vui, hân hoan của các nhân vật.

Một cuốn sách hay là một cuốn sách có thể chạm đến sâu thẳm trái tim của người đọc. Tóm lại, chắc chắn "Không gia đình" là cuốn sách hay, vì ngoài những thủ pháp nghệ thuật tinh tế như mình đã phân tích ở trên, sách còn khiến cho mình cảm nhận được sâu sắc nhiều tư tưởng và giá trị sống ý nghĩa, cảm động vì tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình anh em. Sách còn ca ngợi tinh thần kiên cường vượt khó, hăng say lao động, ham học hỏi, luôn giữ vững đạo đức và tình nghĩa bất chấp hoàn cảnh khó khăn tới mức nào.

Mình không nêu ra những hạn chế của "Không gia đình", bởi vì đối với mình thì "Không gia đình" là tuyệt phẩm rồi và mình không có gì để chê tác phẩm này cả. Nói chính xác thì mình không tìm ra được, do mình ít kinh nghiệm đọc sách văn học kinh điển quá và trình độ của mình còn hạn chế. mình không biết chê gì ở cuốn này (chứ mấy cuốn sách thông thường khác mình chê hoài). Mình đang phấn đấu đọc nhiều sách kinh điển hơn cũng như đọc thêm nhiều bài viết review sách hơn nữa để ngày càng đa dạng hóa góc nhìn của mình và biết cách review đúng nghĩa cho một tác phẩm văn học/văn học kinh điển.

Ngoài lề: 

Một vài bài review khác rất hay, có góc nhìn khác về "Không gia đình":
- https://reviewsach.net/khong-gia-dinh/ 
- https://nuhado.co/khong-gia-dinh-hector-malot/ 

Xem video review sách: https://youtu.be/kCUdqmn-e_U
Mua sách: https://shope.ee/6KWFalbX1u

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét