Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2021

Yêu lao động

Chiều nay chị đồng nghiệp uể oải thở dài: “Gần Tết rồi, chẳng có tâm trạng làm việc” xong chị nhìn thấy tôi đang cặm cụi gõ phím và gọi điện thoại cho khách hàng, chị bảo: “Ủa em không thấy bị lười à.” Tôi chỉ cười đáp: "Không, em không bị ảnh hưởng bởi lễ, tết hay cuối tuần gì cả, em luôn có thể làm việc".

Ngày còn đi học, chúng ta luôn đọc vanh vách "5 điều bác Hồ dạy", trong đó điều thứ 2 là: "Lao động tốt". Nhưng có lẽ tôi không thể hiểu rõ về "lao động tốt" như bây giờ. Lao động là một từ có nghĩa khá rộng, đối với với người trưởng thành như tôi, lao động không chỉ là "làm việc ngày 8 tiếng ở nơi làm việc", nó còn có nghĩa là làm việc nhà, làm vườn, học hỏi điều hay, điều mới,... Nó có nghĩa là luôn tay luôn chân, luôn động não.

Tôi được thừa hưởng và noi gương đức tính chăm chỉ, cần cù từ ba. Là một người buôn bán nhỏ lẻ, cả ngày tất bật ngược xuôi ngoài đường để mua hàng, chở hàng, ba tôi là một điển hình của người lao động chân tay thiện lành và vất vả. Suốt những năm tháng trẻ trai và cho đến tận bây giờ đã gần 60, ba tôi không một ngày nào ngừng làm việc. Ba không nghỉ vào cuối tuần, không có khái niệm nghỉ lễ, Tết Nguyên Đán thì chỉ nghỉ 3 mùng rồi lại đi bán đi buôn.

Ngày tôi còn bé xíu, ba đã luôn in đậm vào tâm trí tôi một hình ảnh người lao động cần mẫn làm việc, ít thở than, hiếm khi tỏ ra mỏi mệt trước mặt chúng tôi. Không những bận rộn công việc chợ búa, mà mỗi khi trong nhà hư đèn, tắc cống, gãy bàn, hư ti-vi, ba lại phải vắt kiệt sức lực của mình để sửa chữa cho xong. Mỗi khi thấy tụi tôi rảnh rỗi quá mức, ba sẽ hơi gằn giọng: Bới việc ra mà làm! Bởi thế, tôi hiếm khi để bản thân rảnh rỗi ngồi im. Ở công ty, nếu hôm đó ít việc, tôi sẽ tìm thêm việc để làm, đúng nghĩa là "bới việc ra". Ở nhà, tôi sẽ hoặc đọc sách và viết lách, hoặc học bài, hoặc dọn dẹp nhà cửa, chứ không nằm dài thở than cuộc đời sao mà vô nghĩa thế hoặc la cà quán xá với những cuộc tán dóc vô thưởng vô phạt.

Tôi không cho rằng yêu lao động đồng nghĩa với "workaholic" - nghiện việc. Nghiện việc là một phạm trù khác với yêu lao động bởi vì nghiện việc chỉ là làm nhiều "việc ở công sở", còn như định nghĩa "lao động" của tôi ở trên thì lao động còn bao gồm nhiều thứ khác nữa.

Tôi đã rèn luyện để bản thân không bị trôi đi lềnh bềnh vào những ngày cuối tuần, không bị lười biếng vào những ngày lễ tết, bằng cách cứ đều đặn làm việc, học hành và duy trì nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Tất nhiên, tôi không phải cái máy, không biết mệt và không cảm xúc, cũng có nhiều lúc tôi đã đổ lười ra đấy, chẳng làm theo kế hoạch. Nhưng chỉ một thời gian ngắn tôi lại phải tự xốc mình lên và lết xác đi ... lao động.

Tôi thật sự biết ơn ba, vì cả một đời Người đã luôn chăm chỉ trong thinh lặng, đã nghiêm khắc với tôi để tôi có được cuộc sống kỷ luật và cần cù như ngày hôm nay. Những điều này, tôi chưa bao giờ nói cho ba biết, vì ba tôi không phải tuýp người có thể nói những chuyện sến sẩm này. Có lẽ ba sẽ được biết, vào một ngày nào đấy. Và tôi luôn có thể tự hào nói: Tôi là người yêu lao động.

1 nhận xét:

  1. " Bới việc ra mà làm" , ha ha, thương ba ghê
    Ước một ngày ba con chúng mình có thể nói nói chuyện, tâm sự như bao người ba của các bạn khác, hihi

    Trả lờiXóa