Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

[Review sách] Ý tưởng này là của chúng mình

Ý TƯỞNG NÀY LÀ CỦA CHÚNG MÌNH

(HUỲNH VĨNH SƠN)

Theo nhận định của mình, "Ý tưởng này là của chúng mình" là một cuốn sách dành riêng cho Marketer, copywriter, content creator,... nói chung là cho dân làm sáng tạo. Sách chia sẻ một cách dí dỏm nhưng thẳng thắn, chân thành về tất tần tật mọi thứ, mọi sự thật trần trụi của nghề sáng tạo.

Hầu hết các bạn trẻ đều thích cái sự hào nhoáng của nghề sáng tạo. Các bạn thấy những người làm sáng tạo luôn được giờ giấc tự do, ai cũng phong cách, cá tính, thoải mái, cởi mở, nhìn rất "nghệ" (sĩ). 

Nguồn ảnh: Google

Bất cứ ngành nghề nào cũng có mặt trái, góc khuất, đặc biệt là những nghề được công chúng biết tới nhiều như nghề sáng tạo. Thế nhưng, hiếm ai kể cho bạn biết những góc khuất đó, (1) vì họ không rảnh, (2) vì họ chả quan tâm bạn, (3) vì người trong cuộc cũng không biết diễn tả sao và (4) do họ tự ái, họ muốn giữ cái hình tượng hào nhoáng của người làm sáng tạo, không muốn cho người khác thấy những áp lực vô hình và gánh nặng đang đè nặng tâm trí họ.

Vậy nên, khi có 1 người có thể dẹp bỏ tự ái + có khả năng mô tả chính xác những gì thực sự diễn ra trong nghề + dành thời gian viết lại để chia sẻ cho bạn thông qua cuốn sách "Ý tưởng này là của chúng mình", thì bạn không nên bỏ qua cơ hội tìm hiểu tường tận và tổng quát về nghề sáng tạo.

Sách "Ý tưởng này là của chúng mình" là tổng hợp những bài viết hay nhất trên Blog ToiYeuMarkeing.com của tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn, do là tổng hợp các bài viết trong blog nên sách không có một bố cục cụ thể, khó phân ra chương - phần. 

Cuốn sách chủ yếu chia sẻ về:

  • những tố chất cần có của một creator,
  • những hành trang bạn cần trang bị,
  • bạn cần chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những gì,
  • những thuận lợi & khó khăn, định kiến và hiểu lầm,
  • lời khuyên hữu ích.

Một số điều mình tâm đắc nhất trong "Ý tưởng này là của chúng mình":

  • Đọc: "Cứ đọc, càng nhiều càng tốt, không bổ ngang thì cũng bổ ngửa", "Đọc, rồi sẽ quên ngay đó nhưng cũng nhớ ghê lắm, nhớ mà không biết mình nhớ".
  • Viết: "Hãy viết nhiều hơn. Viết xuống mới thấy, mình không giỏi chữ việt như mình tưởng đâu", "Càng viết càng tìm ra bản thân, phong cách viêt nói lên rất nhiều về một con người".
  • Từ: "Càng biết nhiều từ vựng, bạn càng có nhiều lựa chọn. Hiểu hơn tại sao dùng từ này nhưng không phải từ kia".
  • Cảm nghiệm: "Hãy trải nghiệm nhiều cảm xúc, hãy đi đến cùng những khoảnh khắc ấy để tứ văn thêm mặn mà chất sống".
  • Thử lửa:
"Các bạn nói mới ra trường, chỉ muốn làm nhè nhẹ ở những công ty Việt Nam để "quen dần" rồi sau đó mới "nâng cấp" lên các tập đoàn đa quốc gia, vì như thế mới trụ nổi áp lực kinh hoàng ở đó. 

Hình như có gì đó hơi ngược. 

Chỉ trong bão táp, bạn mới được rèn và mài giũa để trở nên sắc bén hơn."

"Ý tưởng này là của chúng mình" không phải là một cuốn sách kiểu "Nhập môn ngành sáng tạo", nó sẽ không có mục lục rõ ràng, định nghĩa cụ thể về nghề sáng tạo, hướng dẫn từng bước thực hành nghề,... Thế nhưng, khi đọc cuốn này, thông qua những chia sẻ tưởng chừng như rời rạc và vụn vặt của tác giả, chúng ta vẫn có thể được "vỡ ra" một điều gì đó, lượm lặt được một ý tưởng nào đó, rất thú vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét