Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

[Review sách] Trở Về Nơi Hoang Dã - Trang Nguyễn

"Mình chưa từng nghĩ mình sẽ khóc nhiều đến thế khi đọc cuốn sách này."
Một câu hỏi được tác giả hỏi đi hỏi lại nhiều lần trong cuốn sách này: "Lòng nhân ái của con người ở đâu?!"

"Bạn chỉ muốn bảo vệ những gì mà bạn yêu, và bạn sẽ chỉ yêu những thứ mà bạn có thể hiểu." 

Hãy cùng tìm hiểu về thiên nhiên hoang dã thông qua "Trở Về Nơi Hoang Dã".

✳✳✳

Đây là quyển sách rất khó để review nhất từ trước tới giờ đối với mình. Bởi vì nó vừa giống như một quyển truyện với nội dung hấp dẫn và gây hồi hộp, mà lại vừa giống như một cuốn cẩm nang tràn ngập thông tin cho những ai muốn tìm hiểu về ngành bảo tồn, về môi trường, về thiên nhiên hoang dã, và quyển sách này còn như một cuốn hồi ký với rất nhiều câu chuyện và trải nghiệm chân thật, đầy cảm xúc. Để review một kiểu sách lạ lùng như thế này, mình vừa phải tóm tắt phần “truyện” để các bạn có thể nắm bắt được hành trình dài và nhiều cảm xúc của tác giả, vừa phải chắt lọc những thông tin hữu ích nhất về ngành bảo tồn và môi trường để các bạn có thể tham khảo được ít nhiều khi xem video của mình.

Đôi điều về tác giả:

Nguyễn Thị Thu Trang hay còn được gọi là Trang Nguyễn, sinh năm 1990, là một nhà bảo tồn động vật hoang dã, người sáng lập và là giám đốc điều hành của WildAct - tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam từ năm 2013.

Cô từng lọt vào danh sách "30 Under 30" 2018 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn và hoàn thành xuất sắc Luận án Tiến sĩ ngành Bảo tồn Động vật hoang dã tại Anh.

Năm 2019, Trang Nguyễn là một trong 100 nhân vật nữ tiêu biểu thế giới do BBC bình chọn. 

Mới đây, Trang Nguyễn tiếp tục lọt top "30 Under 30" châu Á 2020, đây là niềm tự hào không của chỉ riêng cô mà còn của thế hệ trẻ Việt Nam.

Chương I: Madagascar - ước mơ từ ngày nhỏ

Chương này ghi lại hành trình tác giả Trang Nguyễn làm nghiên cứu về loài vượn cáo (lemur) trong 3 tháng tại Madagascar. Vượn cáo là loài linh trưởng kỳ lạ, độc đáo và đặc hữu chỉ sinh sống ở đảo quốc này.

Đất nước Madagascar là hòn đảo lớn thứ tư trên thế giới, với 90% các loài động-thực vật đặc hữu - có nghĩa là chúng chỉ có thể được tìm thấy trên hòn đảo này chứ không phân bố ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất. Madagascar được giới bảo tồn quan tâm bởi đây chính là một trong những "điểm nóng" quan trọng nhất và cần được bảo vệ nhất trên trái đất vì độ đa dạng sinh học cao nhưng lại phải chịu sự tàn phá nặng nề nhất. Đất nước này cũng chính là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, khoảng 80% dân số còn phụ thuộc chủ yếu vào nghề nông. Y học và giáo dục chưa phát triển. Đảo quốc này đã đánh mất 75% môi trường sống hoang dã do các hoạt động của con người trong những năm gần đây.

Hành trình đi thực địa của tác giả tại Madagascar hết sức gian truân. Ban đầu là tác giả gặp khó khăn với các trợ lý của mình, người thứ nhất thì đỏng đảnh, thực dụng, không chút nhiệt tình, người thứ hai thì có vẻ ngáo ngơ, hay đi chậm và đãng trí. 

Trong rừng thì khỏi phải nói mọi người cũng biết, đường đi hiểm trở, thiếu thốn tiện nghi, thiếu nước sạch. Ấy thế nên tác giả mới phải thốt lên rằng:
"Cảm giác được tắm nước nóng và được nằm trên giường đệm sau hai tuần nằm đất quả thực phải trải qua mới biết nó ý nghĩa như thế nào".
Ăn uống cũng khổ sở. "Món cơm buổi sáng rất khó ăn: Cơm thừa được nấu từ bữa tối hôm trước, cùng với cơm cháy sẽ được ngâm xâm xấp nước trong nồi qua đêm cho bở bục. Rồi đem đun sôi lên vào sáng hôm sau để làm bữa sáng. Không mùi vị, hay bất cứ thứ gì ăn kèm. Cho đến tận bây giờ, sau hơn một tháng ở trong rừng, tôi vẫn không quen được với món này".

Chỉ trong 3 tháng ở Madagascar, tác giả đã gặp phải 2 vụ bạo loạn và biểu tình của người dân, dù trước đó thầy giáo của chị luôn khẳng định "Madagascar là đất nước hiền lành và an toàn nhất Châu Phi". Những rắc rối ngoài ý muốn này khiến cho kinh phí của cuộc nghiên cứu bị đội lên, tiến độ công việc chậm đi mà còn chưa chắc bảo toàn được tính mạng.

Tác giả chia sẻ, chị tuyệt nhiên không dám kể gì với bố mẹ mình về những rắc rối này. Bởi vì:
"Nhiều khi - đối với người trẻ, khao khát cuộc sống tự lập và có đam mê với công việc một cách mạnh mẽ như tôi - cảm thấy sự quan tâm, chăm sóc và bảo bọc quá mức của cha mẹ làm tôi sợ phải kể với họ về những khó khăn mà mình gặp phải. Vì chỉ cần kể, dù chỉ một chút thôi, bố mẹ tôi sẽ rất lo lắng... lo đủ thứ, sẽ tìm mọi cách để giúp đỡ, hoặc giục tôi bỏ cuộc, để công việc của tôi - có thể trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ dàng hơn.

Tôi hiểu bố mẹ yêu tôi, thương tôi và mong cho tôi mọi điều tốt đẹp nhất. Mong tôi có thể hạnh phúc mà không phải vất vả, có thể "ngồi mát ăn bát vàng". Nhưng tôi vạn lần không mong điều đó. Công việc mà tôi đã chọn, dù là thế nào đi nữa, đó là con đường của tôi, vất vả hay khó nhọc, tôi cần phải tự đương đầu với nó. Và chính vì những sự vất vả khó nhọc đó mà tôi có thể học hỏi và trưởng thành hơn."
Chương II: Việt Nam

Chương này kể về hành trình tác giả quay về Việt Nam làm khảo sát về loài báo gấm ở khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, thuộc tỉnh Kon Tum. Ở Việt Nam, báo gấm nằm trong danh mục Nguy cấp, được bảo vệ khỏi việc săn bắn, buôn bán và nuôi nhốt trái phép. Trong chương II, tác giả cũng chia sẻ một số thông tin định hướng để làm ngành bảo tồn, bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề định kiến giới trong ngành bảo tồn nói riêng và trong việc chọn nghề nghiệp nói chung.
"Nhờ những tháng ngày làm nghiên cứu ở những khu vực nghèo khó này, mà tính cách và lối sống của tôi mới hình thành và để tôi là tôi của ngày hôm nay. Tôi nhận ra rằng, những thứ hào nhoáng mà chúng ta đang theo đuổi trong cuộc sống tất bật, quay cuồng của thành phố thực ra chẳng hề quan trọng đến thế."
Ngành bảo tồn cực kỳ đa dạng và mọi người có thể tham gia bằng nhiều cách khác nhau. 

- Làm giáo dục bảo tồn để nâng cao nhận thức của người dân 👉 Những bạn không có khả năng đi nghiên cứu trong rừng sâu để theo dõi tập tính hay sinh cảnh của những loài động vật hoang dã có thể chọn hướng đi này. Thậm chí, bạn còn không nhất thiết phải học ngành sinh học hay bảo tồn. Thay vào đó, những kỹ năng và kinh nghiệm về thiết kế, truyền thông, giáo dục của mỗi người,... lại vô cùng hữu ích trong công tác giáo dục bảo tồn.

- Làm nghiên cứu về đường dây buôn bán động-thực vật hoang dã trái phép 👉 Làm việc chủ yếu ở những khu vực đông dân cư, với cảnh sát và cơ quan chức năng, phải được trang bị những kiến thức sâu rộng về luật pháp. Đôi khi còn phải làm việc trong các phòng thí nghiệm để xét nghiệm DNA và phân loại những sản phẩm từ động vật hoang dã bị buôn bán trái phép.

- Bác sĩ thú y 👉 Nếu đột phá thành công những đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép, chúng ta sẽ cần một nơi an toàn để nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chúng, rất cần đến những bác sĩ thú y mát tay, lành nghề và am hiểu tường tận có thể chăm sóc và nuôi dưỡng chúng một cách thật chu đáo. 

- Nghiên cứu khoa học và đi thực địa 👉 tác giả chọn hướng đi này. Đa phần dành thời gian nghiên cứu về tập tính, số lượng, hoặc sinh cảnh của một hoặc vài loài động vật hoang dã. Để theo hướng này, cần sức khỏe tốt, sẵn sàng di chuyển, đi lại nhiều, vì đa phần thời gian là theo dõi động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên của chúng. 

- Ngoài ra còn rất nhiều hướng đi khác nữa 👉 làm chuyên về xét nghiệm DNA để phân loại các mẫu vật, quản lý sinh cảnh môi trường rừng, bảo tồn biển và các loài sinh vật biển, phát triển bền vững cộng đồng sống ven khu bảo tồn,...

Trong chuyến đi thực địa này, có lần tác giả đã bị nhiều người trong làng xúm lại hỏi chuyện và tò mò. "Con gái thành phố vào rừng làm gì?" "Con gái vào rừng thì làm được gì?", "Có leo được núi không?", "Có lội được sông không?", "Nhìn gầy gò thế này thì làm được gì?"

Tác giả đã khẳng định rõ quan điểm của mình như thế này:
"Vấn đề của những câu hỏi như thế này không chỉ đơn giản là vài câu cười đùa bỡn cợt. Nó là tàn dư còn sót lại của một chế độ phong kiến lạc hậu, trọng nam khinh nữ, phụ nữ không được tham gia vào việc này việc khác..."
"Những người phụ nữa cũng có ước mơ, hoài bão, và cũng có thể thực hiện ước mơ của mình nếu biết cố gắng. Trông tôi gầy gò mảnh mai, không có nghĩa là tôi không thể đi thực địa ở trong rừng. Và tôi biết chắc chắn, không phải cứ là đàn ông thì có thể đi thực địa, có thể ở trong rừng."
Rồi cũng có nhiều người nói với tác giả rằng: "Trông cậu không giống một người làm bảo tồn", và câu trả lời của tác giả là:
"Bởi vì tôi là tôi. Tôi không giống ai khác. Và chẳng có cái định nghĩa nào về việc làm bảo tồn thì phải trông giống bất kỳ ai cả."

"Tôi yêu rừng cây xanh thẳm. Vì rừng và những loài động vật không phân biệt đối xử giữa phụ nữ và đàn ông... Chúng sẽ không cười vào mặt bạn mà nói rằng "phụ nữ thì biết cái gì"." 

"Thiên nhiên không đánh giá tôi là người thế nào qua vẻ bề ngoài của tôi, nó nhìn tôi bằng đôi mắt xanh thẳm, và đánh giá tôi bằng hành động của tôi, bằng cách tôi sống và điều tôi làm."

Và một ý quan trọng nữa của chương này mà mình không thể không nhắc tới: Hãy ngừng thú vui đi xem xiếc thú (nếu bạn đang có).

"Động vật hoang dã trong những rạp xiếc bị bắt từ nhiên nhiên hoang dã ngay từ khi còn rất nhỏ. Chúng bị xiềng xích, bị đánh đập tàn bạo, bị bỏ đói, để chúng buộc phải tuân theo ý muốn của người huấn luyện."

"Rất nhiều loài động vật hoang dã như gấu, voi, hổ, khỉ,... đang bị đe dọa tuyệt chủng và cần được bảo vệ, thế nhưng lại bị ngược đãi và sử dụng để mua vui cho con người".

"Việc sử dụng động vật hoang dã để làm trò mua vui cần phải được xóa bỏ, không phải chỉ vì sự sống của những loài động vật tội nghiệp này, mà còn vì chính sự an toàn của con người nữa. Nếu chúng ta cứ mãi giáo dục thế hệ trẻ rằng con người có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn với thiên nhiên và động vật hoang dã, thay vì hướng dẫn họ tôn trọng thiên thì tương lai Trái Đất này sẽ ra sao? Liệu chúng ta có sẵn sàng đánh đổi điều tuyệt vời mà thiên nhiên đang mang lại chỉ để mua vui bằng vài tiếng cười ác độc không?"

Chương III: Nghiêng mình nhưng không gãy đổ

Chương này ghi lại quá trình tác giả đến với ngành bảo tồn và hành trình chống chọi với bệnh ung thư khi chỉ mới 23 tuổi, lứa tuổi còn rất trẻ, đang còn rất nhiều dự định và ước mơ dở dang. 

Năm 8 tuổi, vô tình chứng kiến cảnh một con gấu bị nuôi nhốt và tra tấn để lấy mật, mùi hôi trộn lẫn mùi phân và nước tiểu, tiếng rên rỉ và gào thét trong đau đớn, hình ảnh chú gấu bị trói nằm giữa sân ngày hôm đó, đã khiến cô bé Trang chỉ biết thầm xin lỗi chú gấu vì không biết phải làm gì, không thể làm được gì. Cô bé tự hứa, khi lớn lên, nhất định sẽ không để con người hành hạ gấu hay bất cứ loài động vật nào như thế nữa. Nhất định, cô bé sẽ làm bảo tồn động vật hoang dã.

Từ đó, Trang Nguyễn tìm đọc sách về thiên nhiên và động vật. Cố gắng góp nhặt từng tí thông tin về một ngành nghề mà chẳng biết có tồn tại hay không. Lên cấp III, chị chọn học chuyên Sinh ở trường Hà Nội - Amsterdam. Thất vọng vì chương trình học không giống với kỳ vọng của mình về việc được tiếp cận với bảo tồn, chị nhiệt tình tìm kiếm và tham gia các cuộc thi về môi trường và động vật ở ngoài trường học. Chị đạt được khá nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nhất quốc tế về môi trường, thế nhưng lại không được Bộ Giáo dục công nhận vì nó không nằm trong chương trình học. Lúc đó, chị đã nghĩ, con đường mình chọn quả thật chông chênh, ít được gia đình, thầy cô và bạn bè ủng hộ. Sau này, trong quá trình làm nghề, rất nhiều khi nản lòng, chị lại tự hỏi "Tại sao, tại sao lại làm công việc này?". Và câu trả lời, đơn giản, đó là vì ước mơ mà tôi đã định.
"Điều duy nhất tôi có thể nói với các bạn, đó là nếu như có ước mơ, có hoài bão, có hy vọng, thì hãy cố gắng để theo đuổi nó. Nhưng bạn phải chuẩn bị tâm lý thật vững vàng, vì theo đuổi ước mơ không bao giờ là điều dễ dàng cả. Nó sẽ gập ghềnh hơn những con đường khác, nó sẽ mất thời gian hơn những con đường khác, đôi khi sẽ làm bạn phải khóc, khiến bạn muốn bỏ cuộc. Nhưng phần thưởng ở cuối con đường đôi khi lại làm bạn bất ngờ, bởi vì nó còn ngọt ngào hơn cả kẹo sô-cô-la.

Và điều quan trọng nhất, ấy là nếu có ai đó nói rằng, điều bạn mong muốn thật viển vông, bạn sẽ không làm được đâu. Thì bạn phải thật tự tin vào bản thân mình, phải cố gắng hơn nữa, nhiều hơn nữa để làm được điều mà bạn mong muốn. Cho dù thế nào đi nữa, cũng không được bỏ cuộc. Nhất định, nhất định không được bỏ cuộc."
Trên đường Trang Nguyễn sang Anh nhập học (sau Đại học), chị bị đau bụng dữ dội. Lúc đầu chỉ là bị đau ruột thừa rồi mổ ruột thừa, nhưng vì bác sĩ thấy có nghi vấn nên đã xét nghiệm kỹ hơn và phải thông báo với Trang Nguyễn rằng chị đã bị ung thư đường ruột.
"Tôi chỉ nhớ rằng lúc đó đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng. Tôi không nghĩ được gì để hỏi, cũng không biết là trông mình như thế nào nữa. Tôi không có cảm giác gì, tất cả như nhòa đi, ý nghĩ, hay hình ảnh, hay bất cứ thứ gì đang xảy ra, chỉ là một màu mờ nhạt."

"Lúc ra khỏi phòng bác sĩ, tự dưng tôi nhận ra má mình rất nóng. Chạm vào mới biết nước mắt đang rơi. Gì cơ? Ung thư á? Đây có phải phim truyền hình dài tập Hàn Quốc đâu. Là tôi sao? Làm sao là tôi được? Tôi mới có 23 tuổi thôi mà? Tôi mới bắt đầu cuộc đời sinh viên sau đại học ở Cambridge thôi mà? Ước mơ của tôi mới chỉ hoàn thành được những bước đầu thôi mà? - hàng ngàn câu hỏi vang lên trong đầu tôi, tại sao, tại sao lại là mình?"
Thế rồi sau nhiều ca phẫu thuật đau đớn, Trang Nguyễn đã lấy lại được sức khỏe để tiếp tục lên đường tới Kenya để nghiên cứu về bảo tồn tê giác.

Chương IV: Voi ơi… Tê giác ơi… Xin lỗi

Chương này ghi lại hành trình tác giả đi nghiên cứu về nạn tàn sát tê giác và voi ở Kenya và Nam Phi.
"Việc quản lý và bảo tồn thiên nhiên ở những khu vực nghèo đói không bao giờ là dễ dàng. Nhiều người nói rằng, họ không hiểu vì sao những nhà bảo tồn không làm thế này, vì sao không làm thế kia. Nhưng trên thực tế, vấn đề này rắc rối hơn mọi người tưởng rất nhiều. Nghèo đói chính là một trong những mối đe dọa lớn nhất trên hành tinh của chúng ta. Muốn làm bảo tồn, muốn bảo vệ các loài động-thực vật hoang dã, thì chúng ta phải tạo được kế sinh nhai cho những người dân nghèo sinh sống ở ven các khu bảo tồn."

"Ở châu Phi, nghèo đói hiện diện ở khắp mọi nơi.  Nạn đói, hạn hán và lũ lụt, nạn sốt rét, dịch bệnh, HIV/AIDS. Đôi khi báo đài đưa tin, có những kiểm lâm thông đồng với những tên săn trộm, giúp chúng vào khu bảo tồn, vào vườn quốc gia để giết hại tê giác, voi, sư tử. Chúng ta phẫn nộ. Nhưng những người kiểm lâm ở châu Phi phải làm việc 24/7, đối mặt với vô vàn hiểm nguy, có khi chỉ được trả lương dưới 100 USD (chỉ khoảng 2 triệu/tháng). Nếu giúp những tên săn trộm, họ có thể kiếm được khoảng 1000 USD/lần nếu trót lọt và tùy thỏa thuận."

"Việc bảo vệ và bảo tồn hành tinh này không phụ thuộc vào một cá nhân, tập thể, nhóm người nào. Nó phụ thuộc vào tất cả chúng ta."
Chương sách này cũng là chương khiến mình khóc nhiều nhất. Vì mình rất buồn đau trước nỗi khổ sở của người dân và những người hy sinh tham gia công tác bảo tồn ở những nước nghèo này, và ứa nước mắt mỗi khi tác giả kể về một cuộc săn trộm tê giác, voi tàn ác và đẫm máu nào đó. Tác giả mô tả cuộc sống của người dân ở 
Kenya và Nam Phi khá đầy đủ và khách quan, không cay cú lên án mà giữ thái độ rất bình tĩnh, không phiến diện nhận định đúng - sai, chỉ có đưa ra thông tin và phân tích cho người đọc hiểu lý do người ta làm như thế, tại sao mọi chuyện lại diễn ra như vậy và đưa ra giải pháp để khắc phục.
Nạn săn trộm là một tội ác phức tạp, được tạo nên bởi nhiều thành phần trong xã hội và bao gồm nhiều bước khác nhau. Cách duy nhất để có thể ngăn chặn việc săn trộm là ngăn chặn việc vận chuyển, mua bán và tiêu thụ trái phép. Nếu không có người tiêu dùng sừng tê giác ở Châu Á thì những tên săn trộm sẽ chẳng thèm màng đến việc săn tê giác.
Chương V: Tận cùng của cuối cùng

Những dịch vụ ở khu du lịch sinh thái, họ nuôi giữ voi, hổ, cá sấu và nhiều loài động vật hoang dã khác nữa cho người dân tham quan trả tiền và chụp ảnh, ôm ấp và sờ mó. Để du khách có thể lại gần ĐVHD, người ta cho chúng uống thuốc phiện, tiêm thuốc mê khiến chúng lờ đờ, đánh đập và bạo hành.

Tất nhiên, chúng ta ai cũng mong muốn được lại gần, được chạm vào những loài động vật hoang dã mà chúng ta yêu mến. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng, tình yêu còn phải đi kèm với sự tôn trọng nữa. Nếu chỉ vì lý do bạn yêu mến chúng mà muốn giữ ghì chúng bênh cạnh để ôm ấp và bắt chúng làm theo ý bạn, thì tình yêu đó là sự ích kỷ, ham muốn cá nhân. Và sự ích kỷ ấy có thể gây nguy hại cho sự tồn vong của cả một giống loài.

Việc tiêu thụ thịt những loài động vật hoang dã còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người... 60% dịch bệnh lây lan hiện nay có căn nguyên từ động vật, và 2/3 trong số đó bắt nguồn từ việc buôn bán, nuôi giữ và tiêu thụ động-thực vật hoang dã. Trong tương lai chắc chắn còn nhiều loại dịch bệnh mà chúng ta còn chưa biết tên, và chúng sẽ lại lây lan một cách rất nhanh chóng nếu con người chúng ta vẫn tùy ý phá hủy môi trường sống và tận diệt các loài động vật hoang dã như hiện nay.

✳✳✳

Tóm lại, "Trở Về Nơi Hoang Dã" là cuốn sách không thể bỏ qua đối với người quan tâm đến thiên nhiên, môi trường, đặc biệt là ngành bảo tồn còn khá hiếm hoi và lạ lẫm tại Việt Nam. Cuốn sách chứa đựng rất nhiều thông tin cần thiết dành cho những ai yêu thích và muốn dấn thân vào lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã. Bằng lời văn giản dị, chân thành và dí dỏm, hiền hòa, tác giả đã lan tỏa tất thảy tình yêu với thiên nhiên, với động vật của mình đến cho người đọc, những kiến thức khoa học tưởng chừng khô khan, khó nhằn lại được tác giả truyền tải vô cùng dễ hiểu, gần gũi với bạn đọc.

✳✳✳

Bạn có thể đọc thêm về tác giả Trang Nguyễn và tác phẩm của chị thông qua một số bài báo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét