Khi gấp lại trang cuối cuốn "Mắt Biếc" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mình đã nằm buồn thẫn thờ cả tiếng đồng hồ. Sao mà cái truyện này nó lại buồn đến thê lương!
"Mắt Biếc" là truyện dài, có nội dung chính xoay quanh mối tình đơn phương đầy yêu thương, trong sáng, bền bỉ nhưng đoản hậu của Ngạn dành cho cô gái tên Hà Lan, thường được Ngạn gọi trìu mến bằng biệt danh Mắt Biếc.
Bố cục
Truyện có bố cục theo thời gian tuyến tính nên dễ theo dõi, dễ đọc, dễ hiểu, được chia rõ ràng thành 3 chương, mỗi chương là một giai đoạn của mối tình Ngạn dành cho Hà Lan.
Chương 1 khắc họa thời thơ ấu êm đềm, hồn nhiên của cả hai tại ngôi làng Đo Đo tuy nghèo nhưng có cảnh sắc thiên nhiên thanh bình, tươi đẹp, con người thì hiền hậu, chất phác. Ngay từ lớp 1, Ngạn và Hà Lan học chung một lớp, ngồi chung một bàn, do đó dễ trở nên thân thiết với nhau. Hai người cùng có những trải nghiệm thú vị, đáng yêu mà bất cứ một đứa học sinh ở làng quê nghèo nào cũng đã từng trải qua, như đánh nhau, trốn tiết, hái trộm trái cây nhà hàng xóm, bị bắt nạt, tranh giành nhau để được đánh trống trường, lang thang trong chợ để ngắm nghía đồ chơi với ánh mắt thèm thuồng vì không có tiền mua, đi xem xiếc,... Tình cảm với Hà Lan nảy nở trong Ngạn một cách tự nhiên, trong sáng và ấm áp.
Chương 2 thuật lại giai đoạn Ngạn và Hà Lan rời quê để lên thành phố học cấp ba. Từ đây, cả hai nhận ra chân giá trị của đời mình và mỗi người một ngả để đi theo tiếng gọi riêng của trái tim. Chàng Ngạn với tâm hồn nghệ sĩ mộc mạc, yêu văn thơ, thích đàn ca và viết nhạc, luôn yêu tha thiết và khắc khoải nhớ về quê nhà, mong muốn được quay lại quê để sống và làm việc sau khi tốt nghiệp. Trái với Ngạn, Hà Lan sớm phát hiện bản thân lại yêu thích sự xa hoa, sôi động của cuộc sống đô thị phồn hoa, chán ghét cuộc sống đơn sơ, yên bình nơi làng quê nơi mình sinh ra và lớn lên. Cũng từ đây, Hà Lan sa ngã và mang thai ngoài ý muốn ở tuổi 15, 16, phải bỏ học giữa chừng và anh chàng Dũng làm cho cô có thai lại bỏ cô để đi cưới một người con gái khác.
Chương 3 kể về mối quan hệ khăng khít giữa Ngạn và bé Trà Long - con gái của Hà Lan. Do Hà Lan chỉ thích sống ở thành phố nhưng bé con lại chỉ muốn sống ở làng quê, nên Hà Lan gửi hẳn con ở nhà bà ngoại. Ngạn đã tự nguyện đến đó để chăm nom, đưa đón, dạy dỗ cho Trà Long từ những ngày đầu. "Tình yêu của tôi dồn vào việc chăm sóc và dạy dỗ Trà Long, hiện thân bé bỏng của người thương muôn thuở". Tình cảm giữa Ngạn và Trà Long cứ thế được nuôi dưỡng ngày một lớn cho đến khi cô bé Trà Long được 16 tuổi, ai ai cũng tin chắc rằng Ngạn và Trà Long sẽ thành đôi, Ngạn sẽ không còn cô đơn lẻ bóng, nguôi ngoai đi mối tình đơn phương thầm lặng dang dở với Mắt Biếc năm nào. Chính Ngạn cũng khẳng định chắc nịch: "Chỉ trong khoảnh khắc, tôi hiểu rằng, tôi và Trà Long sinh ra trong cuộc đời này là để sống bên nhau". Thế nhưng, trái với mong đợi của mọi người và của chính bản thân, Ngạn tê tái nhận ra tình cảm mình dành cho Trà Long "chẳng qua chỉ là sự nối dài của mối tình tôi với Hà Lan qua một hình bóng khác". Cái khoảnh khắc khi Ngạn đang ôm Trà Long trong tay mà lại tưởng tượng ra cảnh mình đang được hôn Hà Lan, thì Ngạn biết chắc chắn trái tim mình trước nay vẫn chỉ hướng về một mình Hà Lan. Và rồi, dù lòng quặn thắt, Ngạn vẫn quyết định rời đi...
Một cuốn sách thật đẹp để đọc trong những ngày tâm hồn mộng mơ
Trong "Mắt Biếc" có nhiều đoạn đặc tả cảnh, qua đó thể hiện sự khéo léo, tinh tế và tài hoa của Nguyễn Nhật Ánh. Khung cảnh làng quê Đo Đo hiện lên rõ nét đơn sơ, thanh bình với những khu rừng, tán cây hay bầu trời trong vắt cả ngày lẫn đêm. Cùng với khung cảnh thiên nhiên, tác giả tái hiện sinh động cuộc sống êm đềm của những con người thôn quê tuy nghèo nhưng chất phác, mộc mạc, giản dị.
Ngôn ngữ trong truyện đậm chất thơ và nhạc, giàu tính tượng hình. Giọng văn giản dị, trong sáng nhưng phong phú.
Bên cạnh tài năng tả cảnh, Nguyễn Nhật Ánh còn xuất sắc trong việc miêu tả tâm lí nhân vật. Các biến đổi nội tâm, tâm lí của nhân vật được xây dựng chuyển biến hợp lí, phù hợp với sự phát triển của lứa tuổi, qua đó thể hiện sự hiểu biết sâu sắc, nghiêm túc tìm tòi kĩ lưỡng của tác giả về tâm-sinh lí học lứa tuổi học sinh khi viết tác phẩm này.
Trong các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong "Mắt Biếc", mình đặc biệt nể phục sự uyên bác của tác giả khi vận dụng cực kì khéo léo phép so sánh và ẩn dụ, tạo nên nhiều câu văn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mình.
"Tôi như dòng sông ốm, đứng mãi không trôi, kỷ niệm như rong rêu chập chờn níu giữ. Hà Lan dẫu xa lăng lắc, trong giấc mơ tôi nó giả bộ gần kề."
"Nước mắt dẫu đầy như biển khơi, khóc hoài cũng hết".
Hay như đoạn Ngạn tự nói chuyện với Trà Long trong tưởng tượng: "Cháu đâu có biết, tìm trứng chim cho cháu đối với chú nào có khó khăn gì, chỉ có tìm hạnh phúc cho mình chú mới chẳng biết tìm đâu. Mẹ cháu đã lấy đi tất cả."
Về mối tình giữa Ngạn và Hà Lan
Mình vốn là người rất thích nói về chuyện tình yêu, do đó, khi đọc một cuốn truyện mà nội dung chính là về tình yêu đôi lứa như "Mắt Biếc", thứ mình muốn viết về nhất chính là mối tình giữa Ngạn và Hà Lan.
Có lẽ, phần lớn người đọc sẽ cảm thấy thương cho Ngạn và trách Hà Lan bạc bẽo, vô tình, ham mê sự phù phiếm mà bỏ qua một chàng trai hồn hậu, chân thành, một lòng sắt son và luôn yêu thương mình như Ngạn. Riêng mình, trong câu chuyện này mình chỉ muốn trách Ngạn. Bởi, đối với mình, tình cảm Ngạn dành cho Hà Lan là gói trong hai từ "ngộ nhận" và "cố chấp".
Một Ngạn ngộ nhận
Vốn dĩ, cuộc sống của Ngạn không có nhiều người bạn nữ. Như chính Ngạn đã kể: "Hồi còn nhỏ, tôi không có bạn gái. Suốt ngày tôi chỉ chơi với mẹ tôi và bà nội tôi". Lớn lên một chút thì có thêm ba người bạn nữ nhưng cũng là những người trong họ hàng. Khi bắt đầu đi học, người con gái đầu tiên mà Ngạn tiếp xúc chính là Hà Lan. Mà Hà Lan lại là mẫu con gái mà đại đa số con trai sẽ thích.
Trước hết là Hà Lan xinh đẹp. Theo lời Ngạn tả: "Hà Lan là một cô bé dễ thương và đặc biệt duyên dáng", "đôi mắt có hàng mi dài, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác... đôi mắt đó làm khổ tôi ghê gớm". Tiếp theo, Hà Lan tính cách dịu dàng, đôi lúc bướng bỉnh, mà tính cách như vậy rất dễ khiến bọn con trai rung động. Ở Hà Lan còn có sự yếu đuối, mỏng manh khiến bất cứ đứa con trai đích thực nào cũng muốn chở che, bảo vệ. Chính Ngạn thú nhận: rất sợ nhìn thấy Hà Lan khóc, luôn muốn chiều chuộng, nhường nhịn và làm vui lòng cô bạn của mình, "tôi không bao giờ từ chối Hà Lan một điều gì", Ngạn bảo.
Rồi những lần Ngạn bị thương vì Hà Lan (một lần là đánh nhau với thằng giẫm lên chân Hà Lan, nhiều lần đánh nhau để giành nhặt những quả thị cho Hà Lan, và nhiều lần đánh nhau với những đứa khác để giành cái dùi trống cho Hà Lan đánh lúc tan trường,...), Hà Lan đều tỏ ra lo lắng rồi xức dầu cho Ngạn. Mỗi lần Ngạn chơi trò đánh nhau, Hà Lan ngồi trong lớp giữ cặp, dép, áo cho Ngạn và sau đó xức thuốc cho Ngạn. Những động thái ân cần, thể hiện sự săn sóc như thế từ một cô bạn xinh xắn, duyên dáng, chắc chắn không thể không khiến trái tim cậu bé Ngạn mơ mộng cảm thấy thổn thức.
Như vậy, có thể thấy rằng, tình cảm Ngạn sớm dành cho Hà Lan bắt nguồn từ việc Ngạn không có nhiều người bạn gái xung quanh, đồng thời Hà Lan là một kiểu con gái rất dễ khiến con trai rung động, từ vẻ ngoài xinh đẹp, đến sự nhõng nhẽo, yếu đuối khiến Ngạn được đánh thức và thỏa mãn cái bản năng thích chở che phái yếu. Có khi, Ngạn ngộ nhận đó là tình yêu đậm sâu và nuôi nhiều hy vọng.
Một Ngạn cố chấp
Xuyên suốt truyện, tác giả khắc họa rõ nét tính cách của hai nhân vật Ngạn và Hà Lan, đủ để khiến cho độc giả hiểu rõ một sự thật rằng: tính cách, tâm hồn, sở thích, mong muốn, định hướng của Ngạn với Hà Lan là hoàn toàn trái ngược nhau.
Có thể nhiều người sẽ trách rằng do Ngạn nhút nhát, mãi câm nín, không chịu mạnh dạn ngỏ lời nên Hà Lan mới đi theo Dũng vì Dũng chủ động tấn công mạnh mẽ hơn, có thể nhiều người cho rằng Hà Lan là con người bạc tình bạc nghĩa, nhanh chóng quên lãng và bỏ rơi Ngạn. Nhưng, bản thân mình sau khi đọc hết truyện thì tin chắc rằng lý do hai người không đến được với nhau không phải vì Ngạn thiếu chủ động, cũng chẳng phải do Hà Lan bội bạc. Vấn đề nằm ở chỗ, hai người chẳng hề có chung điểm chạm tâm hồn. Mình cho rằng, dù Ngạn có thổ lộ tình cảm một cách dũng cảm, hay tấn công một cách dồn dập, mãnh liệt, Hà Lan vẫn không đáp lại. Và chắc chắn một điều, không phải Hà Lan không hề hay biết tình yêu của Ngạn dành cho mình, Hà Lan đã sớm biết, từ khi phát hiện Ngạn sáng tác những bài hát về mình. Thế nhưng, có lẽ Hà Lan lí trí hơn Ngạn, Hà Lan sớm nhận ra tâm hồn, lối sống của hai người không phù hợp nhau để có thể tiến xa hơn đến thứ gọi là tình yêu đôi lứa.
Hà Lan ở thành phố rất vui vẻ, hiếm khi về thăm làng, từ khi ra thành phố, cô đã thay đổi cách ăn mặc, kiểu tóc hiện đại hơn, không còn vẻ dung dị ngày nào, và cô liên tục so sánh rằng thành phố đẹp hơn gấp nghìn làng mình. Trái lại, Ngạn thì thấy thành phố ồn ào, lắm rác, bụi bặm, không có cây xanh, không thể ngắm rõ trời trăng, Ngạn chỉ một lòng một dạ yêu mến và hướng về ngôi làng của mình. Hà Lan thích nói chuyện về "các bản nhạc thời thượng và các điệu nhảy đang thịnh hành", còn Ngạn chỉ muốn nói về phiên chợ làng, mùa thị chín, những buổi chiều lang thang trong rừng, ... Tâm hồn và những câu chuyện giữa hai người trở nên lạc quẻ, khập khiễng. "Hà Lan đã xa cách quê làng ngay từ khi vừa giã từ trường huyện. Nó xa tôi mà lòng tôi không thể nào xa nó".
Chính Ngạn cũng tự nhủ mình không thể trách Hà Lan được. Đối với Ngạn, "Hà Lan chính là hóa thân yêu kiều của tuổi thơ rực rỡ, của đất đai quê xứ. Nó mang vào mối tình tôi một niềm hoài vọng khôn nguôi". Ngạn thì luôn ôm ấp kỉ niệm, nhớ da diết ngôi làng nhỏ của mình. Còn "Hà Lan có quyền chọn lựa con đường của riêng nó, tôi không thể buộc nó phải gắn bó lòng mình với những kỉ niệm của một thời thơ ấu dài lâu. Tôi không thể bắt Hà Lan phải giống tôi."
Cả khi đã hai lần đổ vỡ, một lần bị Dũng bỏ khi mang thai Trà Long, một lần bị Linh bỏ khi biết Hà Lan đã có con riêng, thì Hà Lan vẫn một mực không chọn Ngạn. Và mặc dù biết rõ Ngạn rất tốt, phải nói là rất rất rất tốt với mình, với gia đình mình và đặc biệt là với đứa con của mình, nhưng Hà Lan vẫn nhất định không cưới Ngạn. Sự kiên định trong lựa chọn này chứng tỏ một điều, Hà Lan từ đầu đến cuối chỉ xem Ngạn là một người bạn thân từ nhỏ, hoàn toàn không phù hợp để làm người yêu, làm chồng. Do đó, cho dù Ngạn có ngỏ lời, chưa chắc Hà Lan đã đồng ý, cho dù hai người có tiến tới hôn nhân, chưa chắc cưới nhau về đã được bền lâu.
Dẫu hiểu rõ thực tại phũ phàng, nếm rõ vị cay nghiệt của số phận, Ngạn vẫn cố chấp nuôi giữ tình cảm của mình trong lòng, đến mức đánh mất đi cả hạnh phúc cá nhân. Mãi cho tới gần tuổi tứ tuần, Ngạn vẫn còn một mình, khổ sở, đớn đau ôm mãi trong lòng hoài vọng về mối tình với một cô gái suốt đời không yêu mình. Ngạn vừa đáng thương, vừa thật đáng trách.
Nhưng tựu chung, điều mình viết ở trên chỉ là đứng trên góc độ lí trí. Thực chất, mình là con người sống theo tình cảm, một khi đã yêu thì chỉ có con tim liêu xiêu, còn lí trí thì teo tóp. Nên, thật sự đứng ở góc độ tình cảm thì... mình chẳng trách nổi Ngạn đâu... bởi chính bản thân mình, khi yêu cũng ngu ngốc và cố chấp y chang Ngạn.
Tóm lại, "Mắt Biếc" là một cuốn sách hay, từ nội dung đến hình thức diễn đạt nội dung, không có gì để chê cả. "Mắt Biếc" rất phù hợp với những tâm hồn mơ mộng, thích đọc truyện về tình yêu. Nhưng nói trước là, nó rất buồn đấy, hãy cẩn thận đừng để tâm trạng rớt vào hố sâu tuyệt vọng của mối tình đơn phương trải dài khắc khoải của Ngạn dành cho Hà Lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét