Có một chuyện mà mình cân nhắc nhiều ngày, không biết có nên viết trên blog này không, vì dạo này blog mình hơi bị "không còn riêng tư như xưa nữa", kiểu như là nhiều người quen của mình đã biết tới nó, dù là phát biểu quan điểm cá nhân thì cũng dễ động chạm. Nhưng rồi mình quyết định là mình sẽ viết về chuyện này.
☆
Cuối tuần trước, mình bị sếp gọi vào phòng họp riêng, lý do là vì mấy đứa trong team của mình hay sử dụng dịch vụ của đối thủ thay vì sử dụng dịch vụ của công ty cung cấp. Sếp ra nhiệm vụ cho mình là phải trao đổi lại với team để không còn tình trạng này tái diễn. Những lý lẽ mà sếp đưa ra (đại khái) là:
- Bản thân các bạn là những người tạo ra dịch vụ đó, vậy mà không sử dụng dịch vụ của chính mình, là trực tiếp chối bỏ, là không trân trọng những giá trị mình tạo ra.
- Cũng như không thể hiện sự ủng hộ cần thiết đối với các đối tác đang hợp tác với công ty mình.
- Các bạn sử dụng dịch vụ bên đối thủ chủ yếu là vì họ có nhiều mã giảm giá, khuyến mãi hơn. Có thể các bạn vẫn còn giữ "mindset sinh viên", ưa rẻ, chỉ cần rẻ là đặt, không cần biết công ty nào cung cấp và công ty đó ra sao. Chỉ nghĩ đến vài đồng giảm giá trước mắt mà bỏ qua bức tranh lớn hơn về sự phát triển lâu dài của công ty.
Mình không biết là vấn đề sử dụng dịch vụ của đối thủ thay vì sử dụng dịch vụ của công ty cung cấp có liên quan gì đến đạo đức nghề nghiệp hay không? Nếu có, thì mình cũng hơi vô đạo đức thật =)) Vì mình cũng từng suy nghĩ đơn giản, chỉ đứng ở góc độ người dùng, thấy bên nào lợi, rẻ hơn thì mình sử dụng. Nên cũng chả trách khi mấy đứa team mình đa phần đều nghĩ vậy.
Tuy nhiên, khi mình thực sự nghiêm túc suy xét về vấn đề này, mình nhận thấy đúng là ở đây mình nên đứng dưới góc độ là người của công ty. Câu chuyện không chỉ còn nằm ở những đồng lẻ giảm giá và những chương trình khuyến mãi hấp dẫn hơn từ đối thủ, câu chuyện bắt đầu đi sâu xa vào việc, ta cần có sự tự tôn nhất định để bảo vệ và nâng tầm những giá trị chính bản thân ta đã góp phần tạo ra.
Ngẫm nghĩ, nó giống y chang cái phong trào "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", mọi người hay hô hào vậy, nhưng tâm lí vẫn sính ngoại, hoặc chê hàng Việt mắc hoặc không tin người Việt có thể tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng không thua kém gì hàng nước ngoài.
Đôi khi ta cũng cần trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ của đối thủ để mở rộng góc nhìn, tiếp thu học hỏi cái hay cái tốt. Nhưng có lẽ chỉ nên dừng lại ở mục đích đấy thôi, còn vì mục đích khác, thì hãy dừng lại một nhịp để trả lời câu hỏi: Tại sao ta không sử dụng dịch vụ mà ta tạo ra?
☆
Ta tạo ra giá trị gì hôm nay?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét