Thứ Tư, 18 tháng 1, 2023

[Review sách] Sống Mòn (Nam Cao)

Trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường, chắc hẳn các bạn đã được học về tác phẩm Chí Phèo bất hủ của nhà văn Nam Cao, nhà văn nổi tiếng với tuyên ngôn: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than". 

Hôm nay mình muốn giới thiệu đến các bạn một tác phẩm ít nổi tiếng hơn một chút nhưng giá trị nhân văn và hiện thực của nó không kém cạnh gì Chí Phèo. Đó là tiểu thuyết “Sống mòn”. 

Tác phẩm “Sống mòn” được nhà văn Nam Cao viết vào năm 1944. Lúc đầu tác phẩm này được đặt tên là Chết mòn, sau đó được đổi lại là tên “Sống mòn”, có lẽ tác giả muốn nhấn mạnh hơn nữa tấn bi kịch của nhân vật.

Có thể nói rằng cuốn tiểu thuyết này như là một lời tự sự đầy trăn trở của chính tác giả Nam Cao về cuộc sống giằng xé những đấu tranh tư tưởng và nội tâm của những người trí thức nghèo thời đó.

Mặc dù tiểu thuyết không có quá nhiều nhân vật, tình tiết cao trào và thủ pháp nghệ thuật, nhưng “Sống mòn” vẫn đủ để người đọc cảm nhận thông điệp tác giả muốn truyền tải một cách rất tinh tế và sâu sắc. 

TÓM TẮT

"Sống mòn" là câu chuyện về cuộc đời của Thứ - một trí thức nghèo luôn mang trong mình chí lớn và lý tưởng cao đẹp. Thứ luôn mong ước mình cũng là một vĩ nhân, một anh hùng vượt lên trên sự tầm thường để chỉ nghĩ đến một cái gì vĩ đại mà thôi.

Thứ có vợ, có con. Vợ Thứ tên Liên, là một phụ nữ nhà quê dịu dàng, hiền lành, chăm chỉ và cam chịu. Liên luôn nhẫn nhục trở thành hậu phương vững chắc để chồng được tự do thực hiện lý tưởng của mình. Liên vẫn đinh ninh rằng "chỉ một vài năm, chồng sẽ thi đỗ, sẽ đi làm, và mình sẽ theo chồng ra ở tỉnh thành. Vợ chồng sẽ ăn trắng mặc trơn, không còn phải chân lấm tay bùn. Những khi hai vợ chồng về quê, sẽ đi hai cái xe cao su về tận cổng nhà, chồng bước xuống trước, chững chạc, bảnh bao, vợ bước xuống sau, trẻ như măng, tươi hơn hớn, bế đứa con nhẵn nhụi, trắng trẻo, mập mạp như con tây, anh xe đi sau cùng, ôm xách những quà bánh đắt tiền đem về để biếu họ hàng..."

Thứ một mình vào Sài Gòn để kiếm sống, Thứ muốn chờ dịp đi sang Pháp để được nhìn rộng, biết xa hơn, có học, có tài để phụng sự lý tưởng của mình. Nhưng Thứ lận đận ở Sài Gòn ba năm, chật vật, sống nghèo nàn, làm đủ mọi việc để kiếm ăn. Mộng viễn du chưa thành thì một trận ốm thập tử nhất sinh khiến Thứ phải về lại quê nhà.

Đích, anh họ của Thứ hợp tác với một bạn học tên Oanh để mở một trường học ở Hà Nội nhưng sau đó Đích đi làm xa nên mời Thứ về làm hiệu trưởng, đồng thời dạy học cho trường đó. Còn Oanh phụ trách mấy việc giấy tờ của trường và dạy mấy lớp nhỏ. Đích và Oanh thường hứa hẹn sẽ trả lương cho Thứ tương xứng với số học trò và sự phát triển của nhà trường, rồi sau này sẽ trao trường cho Thứ toàn quyền quản lý. Vì lời hứa hẹn đó, và vì tính cả nể và ngượng ngùng chuyện cò kè tiền nong, nên Thứ cắn răng dạy học với mức lương thấp trong một thời gian rất dài.

Thứ ở trọ chung với San, một người cùng quê, dạy cùng trường. Dù có một vài nét tính cách ở San khiến Thứ không ưa, nhưng nhìn chung thì hai người vẫn nói chuyện hợp và sống với nhau hòa thuận. 

Xuyên suốt tiểu thuyết là những sự kiện diễn ra hàng ngày trong đời Thứ: việc đi dạy học, bị chèn ép lương, chuyện ở trọ, lay lắt kiếm mỗi ngày hai bữa ăn, nỗi nhớ vợ con ở quê nhà, những trăn trở về cuộc sống,...

Tiểu thuyết kết thúc bằng sự kiện trường học buộc phải đóng cửa do chiến tranh, Thứ thất nghiệp và phải về quê ăn bám gia đình. 

"Bao nhiêu mộng đẹp đã tàn. Liên đã già, xấu đi, mặc những cái áo rách bạc màu, đã thành một thiếu phụ nhà nghèo... Đôi mắt bây giờ mệt nhọc hơn, lơ đãng, thẫn thờ hơn. Trước mặt Liên, cuộc đời đã trở nên nhàn nhạt, không nhiều mùi vị như trước nữa."

Khoảnh khắc Thứ rời khỏi Hà Nội, ngoái nhìn lại đằng sau, Hà Nội lùi dần như muốn bỏ Thứ. Đời Thứ cũng lùi dần. 

Vài năm đã qua bỗng biến thành một thước phim chiếu chậm, hiện ra trước mắt Thứ: Biết bao nhiêu là ước vọng cao xa khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thứ đã muốn thành một vĩ nhân đem những sự thay đổi lớn lao đến cho xứ sở mình. Vậy mà, ra khỏi trường, Thứ thấy mình gần là một phế nhân do sức khỏe ốm yếu. Vào Sài Gòn, Thứ đã làm một kẻ lông bông, nhưng ít ra cũng còn là một quãng đời đẹp vì Thứ hồi đó vẫn còn nhiều say mê, nhiệt huyết, hăm hở. Về Hà Nội, Thứ sống rụt rè hơn, sẻn so hơn, chỉ còn dám nghĩ đến chuyện nuôi sống bản thân với vợ con. Và ngày mai thật buồn. Thứ sẽ chẳng có việc gì làm, sẽ mục ra, ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh Thứ, vợ sẽ khinh Thứ, chính Thứ sẽ khinh chính mình. Rồi Thứ sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống. Chết là thường. Nhưng chết ngay trong lúc sống mới thật là nhục nhã.

💫💫💫

Gấp cuốn sách, mình bị ám ảnh bởi cái nghèo, cái sự mòn mỏi trong cuộc sống của những trí thức nghèo thời xưa. 

8 THÔNG ĐIỆP ĐÁNG SUY NGẪM TỪ "SỐNG MÒN"

#1: Dù không bằng lòng với hiện cảnh của mình, cũng không mấy người dám can đảm thay đổi. Cái chưa biết bao giờ cũng làm cho người ta sợ.

Như thằng Mô, thằng giúp việc trong trường, nó rất khỏe, lại chăm làm, thật thà. Nếu nó làm chỗ khác cũng kiếm được mỗi tháng 2 - 3 đồng bạc, nhưng nó lại vẫn cứ làm trong trường này lương mỗi tháng được có 1 đồng. Nó bám vào cái trường này, có lẽ bởi thói quen, và sợ sự thay đổi.

Như Thứ, dạy học ở trường này vừa vất vả, cực nhọc, vừa bất mãn vì lương ít và phải sống chắt chiu qua ngày, nhưng Thứ "sẽ chẳng bao giờ tự ý rời nổi cái trường này". Bởi vì, "cuộc đời ở đây cố nhiên là chẳng đẹp gì, nhưng chắc chắn là có ăn, có mỗi tháng ít nhiều để giúp gia đình. Nếu đi là đến những cái chưa thấy đâu, sự bấp bênh, không chắc chắn". Rất nhiều lần Thứ buồn vì phải xa vợ con, lăn lộn ở Hà Nội "làm đến chết người chỉ để được ngày vài bữa cơm rau đổ vào mồm rồi đêm ngủ một mình, tưởng nhớ đến vợ con, trong khi ở nhà quê cũng vậy, làm, làm đến chết người, cũng chỉ vì mỗi ngày mấy bữa cơm, ngoài ra chẳng hề có một cái lạc thú gì nữa, chẳng có một cái hy vọng gì nữa". Thứ vẫn cho rằng cuộc đời Thứ hiện nay chỉ là một cái gì đó tạm bợ mà thôi, Thứ vẫn đợi chờ một sự thay đổi. Nhưng thực tế là Thứ chẳng làm gì để thay đổi nó cả, đã rất nhiều năm Thứ sống như vậy. 

Có biết bao nhiêu người sống như thế, nhưng không bao giờ dám cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu rồi. ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám rứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới.

#2: Nghèo tạo ra con người ích kỷ, tàn nhẫn và tham lam.

Chừng nào người còn phải giật của người từng miếng ăn mới có ăn, chừng nào một số người còn phải giẫm lên đầu những người kia để nhô lên, thì loài người còn phải xấu xa, bỉ ổi, tàn nhẫn và ích kỷ. Chất độc ở ngay trong sự sống. Người nọ, người kia không đáng cho ta ghét. Đáng ghét, đáng nguyền rủa, ấy là cái sống lầm than nó đã bắt buộc người ích kỷ, nó đã tạo ra những con người tàn nhẫn và tham lam.

Cái nghèo chẳng có ích gì cho ai. Nó làm tiêu mòn sức lực, héo hắt tâm hồn. Nó khiến người ta thành bủn xỉn, nhỏ nhen, ích kỷ, sát bờ đất. Nó tạo thành những con người nô lệ.

Làng của Thứ toàn người nghèo, hiếm hoi lắm mới có một nhà được mỗi ngày hai hay ba bữa cơm no, còn lại chỉ bữa no bữa đói hoặc được một bữa thôi. Ăn thì phải ăn độn ngô, độn khoai chứ cũng không được hẳn cơm trắng. Những năm lụt, bão, mất mùa thì ăn cháo rau má, cháo cám, rau luộc trừ cơm. 

Bà của Thứ là một người "đã nghèo và khổ suốt cả một đời", bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, bà phải đi làm con nuôi kiêm ở đợ cho người ta, lấy chồng thì chồng rượu chè cờ bạc, phá của. Từ lúc bé cho đến lúc già bà chỉ toàn lo và lo. Lo ăn, lo mặc, lo tiền thuốc, lo tiền thuế, lo tiền ma chay,... Vì bà chưa bao giờ được ăn ngon, chưa bao giờ được nghỉ ngơi, nên không thể tin rằng người ta có quyền được nghỉ ngơi; bà chưa bao giờ được vui vẻ, yêu đương, không bằng lòng cho kẻ khác yêu đương và vui vẻ. Trước mắt bà, Thứ vẫn phải luôn luôn đóng bộ mặt ghét Liên - vợ Thứ, mặc dù Thứ rất thương yêu Liên. Bà hậm hực, kêu ca suốt ngày, gia đình mất hẳn vui. Bà khổ, ai cũng khổ.

#3: Sĩ diện là một trong những thứ khiến người ta nghèo mãi.

Lương của Thứ được 20 đồng, nếu tiêu xài chắt chiu thì hàng tháng chỉ đủ trả tiền nhà trọ, tiền ăn, sách vở, giặt ủi và còn một ít để gửi về quê. Nhưng vì sĩ diện, Thứ luôn làm ra vẻ rẻ rúng với mấy đồng bạc lẻ và cư xử hào phóng với mấy người làm phục vụ. Chẳng hạn như khi đi cắt tóc thì Thứ sẽ bo cho anh thợ cạo vài xu, mỗi khi sai thằng Mô mua thứ gì còn thừa năm ba xu, vài hào, Thứ thường cho nó luôn. Nhưng cho rồi thì lại ngấm ngầm tiếc. Bởi vì những số tiền lặt vặt ấy gom lại trong một tháng có thể lên đến hàng đồng, khá lớn. Kể cả nhận ra sự lãng phí ấy của mình, biết mình "dại" nhưng Thứ vẫn không thể từ bỏ việc cho thằng Mô mấy đồng lẻ ấy vì Thứ tự ái, Thứ muốn giữ thể diện.

#4: Nghèo khiến người ta tự ti, tự hạ thấp mình

Khi Thứ muốn gặp cụ Hải Nam - một nhà giàu có trong vùng - để hỏi xem nhà cụ có cho Thứ trọ được không, thì Thứ cảm thấy tự ti, rụt rè, lúng túng, tự hạ, mặc dù Thứ biết rõ những kẻ như cụ Hải Nam thì về học vấn và đức hạnh đều chẳng bằng mình. Cụ Hải Nam thì chỉ đọc được chữ quốc ngữ thôi. Cụ xưa chỉ là một cậu bồi, nhờ quyến rũ được bà vợ của ông chủ mình nên khi ông chủ mất thì được hưởng một gia tài lớn. Về đức hạnh thì cụ lại càng đáng khinh bỉ lắm: quay quắt, lừa lọc, tàn nhẫn, phụ bạc, dâm đãng,... 

Rõ ràng, không phải đứng trước một vĩ nhân tài đức cao vời, nhưng Thứ vẫn thấy hồi hộp, tái người, rung rẩy và khép nép. Rồi Thứ lại nghĩ đến gia đình cụ Hải Nam, là những kẻ nhà giàu, hợm của, khinh người. Thứ sợ họ sẽ đánh giá mình qua quần áo và đồ đạc của mình, và sẽ khinh Thứ. Thứ tự thuyết phục bản thân rằng, với học vấn, nhân cách và nghề nghiệp cao quý của mình, mình hoàn toàn có thể ngước mắt nhìn mặt cụ Hải Nam một cách đàng hoàng, không có lý gì phải sợ người ta cả. Thứ còn có quyền khinh cái giàu sang của cụ Hải Nam.

Thứ tự ý thức được bản thân cũng có học, cũng thông minh, hơn thế nữa, lại biết trọng nhân cách và có những ước vọng cao, nghĩa là Thứ chẳng có một cái gì đáng để cho người ta khinh, Thứ đã cố bảo chính bản thân rằng mình có quyền nhìn thẳng vào mặt người ta mà chẳng thẹn thùng, nhưng Thứ vẫn thấy nhút nhát và sợ sệt.

Nhưng cuối cùng thì Thứ vẫn chẳng dám đối diện với cụ Hải Nam. Thứ không hỏi được chuyện ở trọ. 

Thứ cũng không dám thích một cô gái bình thường, chưa bao giờ dám tán ai. Chỉ vì tự ti về bản thân. Thứ cho rằng mình chỉ là một ông giáo khổ trường tư, lương kém lương những anh bồi khách sạn to. Mặc quần áo rẻ tiền, xộc xệch và đã bạc màu. Không đẹp trai, không trẻ, không diện sang, không danh giá, không giàu, không sức khỏe, chẳng có tương lai. 

Vậy đó, chỉ vì nghèo và không có địa vị xã hội thôi mà tất cả những cái học thức, trí tuệ, nhân cách, đạo đức cũng không khiến người ta tự tin lên được. Chúng ta có thể hiểu tại sao có nhiều người sẵn sàng làm khùng, làm điên trên mạng, để mong được nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền hơn. Họ quay những clip chọc phá ông bà và hàng xóm, thử thách 24 giờ làm chó, sống trong chuồng chó, hoặc như Bà Tưng ngày xưa không mặc áo lót và nhảy nhót trên video,..v.v Họ bất chấp đạo đức, thuần phong mỹ tục để được nhiều người biết đến, giúp họ có chỗ đứng trong showbiz, có tiền.

#5: Ở gần người nhỏ nhen, tất có ngày ta cũng đến thành nhỏ nhen như họ.

Thứ ngày xưa mỗi lần bị Oanh lấn át, sẽ luôn tự nhủ "chấp làm gì", cùng lắm Thứ chỉ ngấm ngầm khinh bỉ Oanh. Nhưng lâu dần, Thứ đã có những hành động trả miếng lại Oanh. Thứ trở nên kèn cựa, tèm nhèm, nhỏ nhặt. Điều đó khiến Thứ thấy nhục, buồn bã về nhân cách của mình. 

#6: Ý nghĩa của việc học

Những tháng ngày bế tắc và chán nản, San và Thứ nói chuyện với nhau bằng một cái giọng nửa như oán thán, nửa buồn rầu. Họ nghĩ rằng, thà đi chăn trâu, cắt cỏ, cày cuốc lại hơn. Số tiền dùng vào việc học thì để làm vốn làm ăn. Biết đâu giờ đã giàu. Chứ như giờ, đi học cao, học nhiều, tốn tiền của gia đình mà cuộc đời lại thành dở dang. Làm trí thức, dạy học thì lương thấp, mà muốn làm ở sở nọ sở kia để nhiều tiền hơn thì không có tiền chạy chọt, làm thợ thì không có nghề, đi buôn thì không vốn. Về quê làm ruộng thì bị người ta cười cho, tự dưng tốn tiền tốn công đi học mà giờ về cày ruộng? Vả lại cũng chả biết cày cuốc, cũng không có sức.

Oán trách, kêu ca là thế, nhưng Thứ cũng ngẫm nghĩ ra rằng: Nếu như không học, cũng chưa chắc sung sướng hơn bây giờ. Cuộc đời ở nhà quê chẳng vui gì. Người nhà quê làm quần quật suốt đời như một kẻ chung thân bị khổ sai mà chẳng có quyền nghĩ đến gì hơn, ngoài mỗi ngày mấy bữa cơm. Họ sống dò dẫm, tối tăm, nhút nhát, suốt đời chỉ những sợ và lo. Họ là những người nhẫn nại đến cực độ, luôn luôn nhận mình là con sâu cái kiến, con giun cái dế, ai muốn giẫm lên cũng được. 

Thứ cũng chẳng mong cái đời chỉ đủ ăn và sống yên ổn. Yên thân, nhưng yên thân như vậy để làm gì? Làm để có ăn, ăn để sống, sống để đợi chết, và cả cuộc đời chỉ thu gọn vào bằng ấy việc thôi ư? Thứ không muốn thu hẹp cuộc sống và sự hiểu biết của mình vào trong cái phạm vi nhỏ hẹp của mảnh đất cỏn con của mình.

San triết lý: Học nhiều là dại. Học là để biết, nhưng biết làm cái quái gì? Ngu si hưởng thái bình. Biết lắm càng khổ lắm.

Thứ bảo: Không phải thế. Cái khổ thì vẫn vậy. Có điều người hiểu biết nhìn rõ cái khổ của mình. Kẻ dốt khổ nhưng không biết rằng mình khổ. Không biết rằng mình khổ thì không khổ. Không nói chắc rằng học thức có thể tạo ra hạnh phúc cho loài người. Nhưng nếu quả thật nó không tạo nổi hạnh phúc cho loài người thì nó cũng chẳng tạo ra đau khổ. Nó chỉ làm người ta nhìn rõ cái khổ mà thôi. Cái khổ vẫn có, dù người ta nhìn thấy hay không nhìn thấy. 

Thứ cho rằng, người ta cần biết khổ, cần nhìn nhận rõ ràng cái khổ, để tìm cách diệt khổ. Nhắm mắt không phải là can đảm, cũng không phải một phương sách tốt. Sự tìm tòi, sự suy nghĩ sẽ khiến cho nhân loại dần dần hiểu biết, và sự hiểu biết sẽ vạch ra những con đường, sẽ chỉ rõ cho người ta phải làm như thế nào.

Thứ quý cái học thức ít ỏi của mình. Thứ lấy làm kiêu vì nó. Thứ nghèo, khổ, ốm yếu thật, nhưng nếu bảo Thứ đổi cái học thức để lấy cái giàu, cái sướng, cái khỏe mạnh của người dốt nát, nhất định Thứ không đổi.

Nhưng học gì thì học, vẫn phải trang bị cho mình được ít nhất một cái nghề. Một người có nghề ở trong tay, gặp thời nào, ở chỗ nào, cũng không sợ chết.

-

Đối chiếu câu chuyện trên với bản thân mình, có đôi lúc mình cũng có những giằng xé tương tự như Thứ. Mình có một vài đứa bạn học ngày xưa chúng nó đã không học ĐH mà chọn học nghề, hoặc đi làm công nhân luôn, thì nó kiếm ra tiền sớm hơn mình ít nhất là 4 năm, đồng thời nó cũng lập gia đình và ổn định sớm hơn mình. Khi nhìn thấy tụi nó như vậy, mình cảm thấy lo lắng cho bản thân, mình cũng hơi tủi vì đã bỏ tiền, bỏ công, bỏ thời gian học ĐH nhưng mà tốt nghiệp ra trường chưa chắc kiếm được nhiều tiền bằng mấy đứa không học ĐH. Mình học Tâm lý học, đọc sách nhiều, hiểu biết nhiều về tâm lý, tình yêu, hôn nhân, gia đình, vậy mà đường tình duyên còn trái ngang hơn mấy đứa yêu và kết hôn theo bản năng :)))))) Vậy nên nhiều lúc mình đã tự hỏi rằng mình học cao, biết nhiều thế để làm gì? Có bằng ai đâu?

Nhưng rồi mình nhận ra, việc học ĐH mang lại rất nhiều lợi ích. Ngoài kiến thức hàn lâm, mình được rèn luyện về tư duy, logic, tin học và ngoại ngữ, các kỹ năng mềm như thuyết trình, tìm kiếm thông tin, giao tiếp, thuyết phục,... Bên cạnh đó, mình có những mối quan hệ với nhiều người bạn học đến từ mọi miền đất nước, và vì mình có bằng ĐH, mình có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Mỗi người có mỗi số phận riêng, đi trên những con đường riêng của mình. Con đường của người khác trông có vẻ đẹp và dễ dàng, là vì bạn không phải đi con đường đó. Con đường người khác đi được, không có nghĩa nó là con đường của bạn. Hãy tập trung làm tốt bổn phận và kiên trì đi hết con đường của mình, bớt nhìn ngang, ngó dọc, rồi bạn sẽ giành được thành quả xứng đáng.

#7: Khi lý tưởng cao đẹp bị cơm áo gạo tiền ghì sát đất không thể ngoi lên

Thứ luôn cảm thấy bất mãn vì cuộc đời tù túng, chật hẹp, bần tiện. Không bao giờ dám nhìn cao một tý. Chỉ lo ăn lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả mong ước, tất cả mục đích của đời mình, chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực, lo tính đều chỉ dùng vào việc ấy. Mòn mỏi tài năng, trí óc, những mong muốn đẹp, những hy vọng cao xa đều bị giết chết.

Với Thứ, sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Được phát triển những khả năng của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Khi chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại. Đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất. 

Thứ thường có những lúc sực nhớ đến những cao vọng của mình xưa, ngán ngẩm buồn, tiếc cho mình. Thứ cứ đinh ninh rằng giá mà mình không bị nghèo thì có lẽ không đến nỗi đớn hèn quá thế này đâu.

Thứ hỏi San: Nếu gia đình anh có cái sinh nhai chắc chắn rồi anh có thể chỉ nghĩ đến anh thôi, thì anh sẽ làm gì? San đáp, anh sẽ học vẽ, giá mà được học, chắc cũng có thể thành họa sĩ. Còn Thứ, Thứ thích làm một việc gì có ảnh hưởng đến xã hội ngay, anh sẽ chống lại nạn đói và nạn dốt. Lắm lúc Thứ muốn tàn nhẫn, muốn làm một thằng bạt tử, chẳng nghĩ gì đến bố mẹ, vợ con để khỏi cái gì bận vướng thân. Phải thế thì họa chăng mới theo được cái chí của mình. 

-

Mình cũng hay hỏi những người mình gặp: Giả sử như không phải lo cơm gáo gạo tiền, thì bạn thích làm gì?

Có người nói là họ sẽ đi du lịch khắp thế gian. Có người nói là họ sẽ ở trong một căn bếp thật đẹp, sẽ làm bánh và nấu nướng cả ngày để quay vlog. Nếu không bị vướng bận chuyện kiếm tiền, mình sẽ ở lì trong nhà để đọc sách từ ngày này qua tháng nọ, rồi mình sẽ trở thành một nhà thông thái, chia sẻ kiến thức và sự thông thái cho nhân loại. Đấy là lý tưởng của mình.

#8: Hãy trân trọng và sống cho hiện tại

Đích thương Oanh, Đích chấp nhận đi làm xa để kiếm được nhiều tiền hơn, dành dụm để sau này hỏi cưới Oanh. Nhưng đến khi đã dành dụm đủ và chuẩn bị về thì Đích bị lao, bệnh viện trả về nhà nằm chờ chết. 

Đích thổn thức tiếc nuối: "Biết thế này thì anh cứ ở lại trường, chúng ta rau cháo với nhau, miễn là được gần gũi nhau luôn là đủ. Anh cũng tưởng là ra đi để sửa soạn tương lai của chúng ta, dành dụm ít tiền, về cưới em tử tế, cho đẹp mặt cả đôi bên rồi chúng mình sẽ cùng đi với nhau, sống với nhau. Đời sẽ đẹp biết bao! Nhưng có ngờ đâu! Số tiền cưới em, anh gom góp đủ rồi. Vải may áo cưới cho em, anh đã mua rồi. Anh chỉ còn đợi ngày về. Mới biết số kiếp anh chẳng ra gì. Anh chết giữa lúc chờ đón nỗi vui lớn nhất của đời anh".

-

Nghe quen không? Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, rất nhiều cặp đôi cũng thế. Mình từng chứng kiến những cặp đôi thề hẹn là bây giờ cùng nhau cố gắng kiếm thật nhiều tiền để sau này cưới nhau, cái kết viên mãn. Nhưng đến khi có đủ tiền thì một là tình cảm đã cạn do nhiều năm chỉ vùi đầu vào công việc mà quên vun đắp cho tình cảm đôi bên, hai là có một biến cố nào đó xảy ra khiến hai người chia ly. 

Thôi bạn ạ, cuộc sống này ngắn ngủi và không lường trước được điều gì, hãy sống trong hiện tại, hãy tập trung vun vén cho mối quan hệ trước mắt để sau này không phải hối tiếc.

💫💫💫

Tóm lại, “Sống mòn” đã tái hiện chân thực tình cảnh khó khăn của tầng lớp trí thức nghèo trong xã hội cũ, khi mà mọi đam mê và mơ ước đều bị đè bẹp bởi cơm áo, gạo tiền. Cái nghèo, cái khổ đã bóp chết tất cả sự tự tin, tự trọng và lý tưởng của con người, khiến người ta trở nên nhỏ nhen, ích kỷ và tàn nhẫn, sống trong sợ sệt.

Tiểu thuyết được viết cách đây gần 80 năm nhưng những thông điệp và tư tưởng của Nam Cao vẫn còn nhiều giá trị đến tận ngày nay, vẫn khiến cho người đọc phải thổn thức khi suy ngẫm về những thông điệp đó. 

Bạn nên đọc “Sống mòn” để trải nghiệm cảm giác nghẹn thở qua từng trang cuộc đời của Thứ, đồng thời chiêm nghiệm và đúc rút ra được nhiều bài học giá trị cho riêng mình.

-

Xem video trên Youtube: https://youtu.be/je-E4q3xojA

Mua sách: https://shope.ee/LF01dr0SG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét