Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

Cuộc sống tài chính sau một năm đọc mấy cuốn sách về tiền

Bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn câu chuyện về một đứa ở tuổi 26 không có nổi một sổ tiết kiệm, không biết thị trường chứng khoán là cái gì, chỉ có duy nhất một nguồn thu nhập là lương, nhưng chỉ sau 1 năm đã có khoản tiết kiệm 9 chữ số, biết đầu tư và đi ngủ vẫn kiếm ra tiền. Đứa đó là mình. Và tất cả những điều mình làm được đó là nhờ chăm chỉ đọc và thực hành kiến thức trong mấy cuốn sách về tiền.


Trong năm 2022 vừa qua, một trong những việc mình đã vượt qua giới hạn của bản thân là việc cố gắng đọc các cuốn sách về tài chính, một thể loại mà mình rất ớn. Bởi vì chủ đề tài chính thì khô khan và nhiều số liệu nhức đầu, còn mình thì là người dở tính toán và chỉ thích văn chương. 

Nhưng những nỗ lực của mình đã gặt quả ngọt, bởi vì chỉ sau một năm đọc và thực hành những kiến thức trong mấy cuốn sách đó mà giờ đây cuộc sống tài chính của mình đã được cải thiện một cách rõ rệt.

Để mình chia sẻ với các bạn những câu chuyện thật từ bản thân mình.

Đầu tiên phải nói rõ, background của mình rất bình thường: xuất thân trong một gia đình có kinh tế trung bình, ngoại hình dưới trung bình, học lực trên trung bình, đang làm một công việc văn phòng bình thường.

Những câu chuyện mình sắp kể với bạn không nhằm mục đích khoe khoang về kiến thức hay tài sản của bản thân, mình chỉ muốn chia sẻ chuyện của cá nhân vì biết đâu bạn cũng nhìn thấy chính bản thân trong đó, cảm thấy được đồng cảm, và mình cũng chỉ muốn cho bạn hiểu rằng: bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi, trình độ và gia cảnh nào, cũng đều có thể đạt được những mục tiêu tài chính cá nhân nếu chịu khó học hỏi và có kỷ luật để thực hiện.

Và đây là những thứ cá nhân mình đã làm và đã đạt được trong năm qua.

一一一一

1. Tiết kiệm

Việc tiết kiệm là rất quan trọng, ai cũng biết điều đó, tất nhiên mình cũng biết bởi vì mình coi 100 cái video về tài chính trên YouTube thì có đến 101 người khuyên là phải tiết kiệm. Nhưng thật khó để kiềm chế việc tiêu tiền. Và vì nếu không tiết kiệm lúc này thì cũng chưa có hậu quả gì xảy ra trước mắt nên chúng ta không thấy được tầm quan trọng của nó. 

Chị gái ruột của mình khuyên: cách tốt nhất để tăng được tiền tiết kiệm là phải tăng thu nhập. Và mình phải công nhận một điều là khi thu nhập của mình tăng lên tầm 50% thì mình mới có dư ra để tiết kiệm. Và việc tăng thu nhập của mình đến từ mức lương của công việc chính của mình.

Mà câu chuyện làm sao để tăng lương là một câu chuyện khá là dài và đòi hỏi nhiều nỗ lực cá nhân, tùy vào lĩnh vực bạn làm nữa nên cũng khó để mình có thể chia sẻ một cách chi tiết với các bạn lắm. Mình chỉ có thể nói một cách ngắn gọn là mình đã gia tăng giá trị của bản thân bằng các kỹ năng mềm, chuyên môn và cống hiến cho doanh nghiệp để mình có thể deal mức lương cao hơn.

Nhưng sau đó mình phát hiện ra một vấn đề là dù thu nhập mình tăng thì mình cũng không tiết kiệm được bao nhiêu, bởi vì nhu cầu của mình nó không ngừng lại. Kiếm được nhiều hơn thì lại muốn xài đồ xịn hơn, đi ăn sang hơn, đi chơi nhiều hơn,..v.v.

Qua cuốn sách "Tâm Lý Học Về Tiền" của Morgan Housel, mình được biết rằng "cách tốt nhất để làm tăng khoản tiết kiệm của bạn là làm tăng sự khiêm tốn của bạn, hạ thấp các khoản chi tiêu xuống hơn mức bạn có thể". Các vấn đề tài chính thì phần lớn nằm ở tâm lý và cách hành xử của chúng ta chứ không phải ở việc chúng ta kiếm được bao nhiêu.

Mình phải biết đủ. Hạ cái tôi xuống. 

Mình nói thật là trong năm qua mình đã rất muốn mua một chiếc xe tay ga đời mới, mình có cả chục lý do để thuyết phục bản thân rằng hãy mua xe mới. Nhưng cuốn sách "Tâm Lý Học Về Tiền" đến với mình thật kịp thời và đã giúp mình kiềm chế được bản thân. Nó tác động đến mình mạnh mẽ tới mức, cho dù mình bị đồng nghiệp vài lần sỉ nhục về chiếc xe số mình đang chạy, mà mình vẫn không vì cái nhìn của người khác mà phải đổi xe mới. 

Một bài học quan trọng khác về việc tiết kiệm đó là: "Chúng ta không cần lý do để tiết kiệm. Bạn tiết kiệm chỉ vì đó là điều nên làm trong một thế giới không thể lường trước được". Trước đây, mình chỉ tiết kiệm khi có nhu cầu về một điều gì đó, chẳng hạn như mua laptop, đóng học phí, đi du lịch,... Giờ đây, mình tiết kiệm chỉ như một thói quen. Lãnh lương là trích ngay một phần thu nhập gửi vào tài khoản tiết kiệm để tích lũy. Cuộc sống hỗn loạn này ai biết trước điều gì sẽ xảy ra và cần đến tiền để giải quyết.

2. Đầu tư vào thị trường chứng khoán 

Mọi người, đừng nghĩ việc đầu tư là thứ gì đó phức tạp và rủi ro. Để mình nói cho các bạn một cách đơn giản là thế này.

Đầu tư chứng khoán có nghĩa là bạn đưa tiền cho doanh nghiệp / cho doanh nghiệp mượn tiền để họ phát triển doanh nghiệp của họ thông qua việc bạn mua cổ phiếu hoặc trái phiếu của doanh nghiệp đó, rồi họ quay lại trả lãi cho bạn (gọi là trái tức, cổ tức) hoặc nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, có lợi nhuận, sau một thời gian, giá cổ phiếu/trái phiếu của họ tăng thì bạn có thể bán để nhận khoản tiền chênh lệch giá giữa lúc mua và lúc bán. Cái việc đầu tư khá là đơn giản vậy thôi.

Cái chuyện bạn nhìn thấy việc chơi chứng khoán nó khó, nó phức tạp và rủi ro là do bạn chỉ nhìn thấy những người xung quanh đang "đầu cơ", "lướt sóng" trên thị trường chứng khoán để ăn được khoản tiền chênh lệch. Ví dụ, hôm nay họ mua một lô 1000 cổ phiếu của công ty A với giá 20.000 một cổ phiếu, hôm sau cổ phiếu của công ty A lên giá 21.000/cổ phiếu, họ liền bán lô cổ phiếu đó và ăn được 1 triệu đồng. Nhưng nếu cổ phiếu đó không lên giá, mà xuống giá trong vài ngày, họ sẽ lo sốt vo mất ăn mất ngủ. Bởi vì cứ mỗi lần giá cổ phiếu giảm là họ mất tiền. Và nếu không chịu đựng nổi nữa, họ sợ cổ phiếu sẽ rớt giá nữa thì càng lỗ nặng hơn, thì họ sẽ bán tháo để "cắt lỗ", ví dụ bán với giá 18.000/cổ phiếu, lỗ 2 triệu. Những người chơi chứng khoán kiểu này sẽ luôn trong tâm trạng thấp thỏm và lúc nào cũng phải dán mắt vào màn hình máy tính để canh chừng biểu đồ chứng khoán. Bạn nghĩ những người này thật ngầu đúng không :))))

Nhưng cách đầu tư đó không hợp với mình. Mình không có thời gian để suốt ngày ngồi nhìn biểu đồ chứng khoán để mà đặt lệnh mua với bán. Mình không có đủ kiến thức để biết cổ phiếu nào sẽ tăng giá trong vài ngày tới để mà mua, mà mình nói thật luôn là không có ai có thể chiến thắng thị trường suốt được. Mình cũng không phải là người có thể chịu đựng nổi việc cứ sống trong tâm trạng lo lắng, thấp thỏm, lúc lời thì vui quá, lúc lỗ thì mặt chằm dằm. 

Nhờ cuốn sách "Nhà Đầu Tư Thông Minh", mình đã biết phong cách đầu tư phù hợp với mình là đầu tư thụ động, đầu tư dài hạn, đầu tư an toàn. Có nghĩa là chọn một (vài) cổ phiếu/trái phiếu tiềm năng để mua, và giữ nó trong một thời gian dài ít nhất 5 năm để nó sinh lợi. Nhìn tổng quan 5 - 20 năm đó thì nó sẽ tăng giá trị, nhưng nếu nhìn theo ngày thì giá của cổ phiếu/trái phiếu đó nó sẽ lên xuống rất thất thường tùy theo tình hình thị trường và tâm lý của các nhà đầu tư. Một khi đã chọn đầu tư dài hạn, phải xác định rằng: Bạn chỉ nên đầu tư nếu vẫn thoải mái khi sở hữu một cổ phiếu cho dù không biết giá cổ phần hàng ngày của nó. Một ngày, vài tháng, nó lên xuống thì cũng chẳng sao, cứ để đó, về lâu dài thị trường sẽ khôi phục và lại tiếp tục tăng trưởng mà thôi.

Bản thân mình thì vì muốn tiết kiệm thời gian và công sức, mình quyết định mua chứng chỉ quỹ, có nghĩa là đưa tiền cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp chọn cổ phiếu/trái phiếu giùm mình. Việc của mình là cứ nắm giữ chứng chỉ quỹ trong thời gian dài (tính bằng chục năm), 20 - 30 năm sau cần tiền dưỡng già thì bán và lấy lợi nhuận. 

Bạn nghe vậy có thể bảo mình ngu, khùng, ngây thơ. Nhưng nếu bạn biết câu chuyện của Warren Buffett, bạn sẽ không nói mình thế đâu. Warren Buffett chỉ trở thành tỷ phú khi sang tuổi 56 - thời điểm mà công ty ông bán đi số cổ phiếu ông đã đầu tư cả chục năm. Ông cũng không hoảng sợ và bán tháo cổ phiếu trong suốt 14 cuộc khủng hoảng mà ông đã sinh tồn. Ông đã luôn miệt mài, kiên trì với các khoản đầu tư của mình qua hàng thập kỷ.

Trong 1 cuộc nói chuyện giữa 2 tỷ phú Jeff Bezos và Warren Buffett, ông chủ của Amazon hỏi Warren Buffett rằng: ”Ông Warren này, chiến lược đầu tư của ông rất đơn giản, tại sao mọi người không sao chép cách của ông?”. Ông Buffett nói: ”Bởi vì không ai muốn GIÀU CHẬM cả, Jeff à!”.

Lần đầu tiên mình bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán là thời điểm sau Tết vừa rồi, tức là tháng 2 năm 2022. Mình tiến hành đầu tư sau khi đã tìm hiểu khá nhiều về việc đầu tư và thấy cực kỳ hưng phấn và kỳ vọng một lãi suất ít nhất 10%/năm, hàng năm cho đến 20 năm sau. Nhưng mình đâu có ngờ ngay khi mình vừa bỏ tiền vào thị trường chứng khoán thì xảy ra cuộc chiến tranh Nga - Ukraine khiến thị trường đi xuống thê thảm. Hàng ngày, cứ hết giờ giao dịch của thị trường chứng khoán, mình đều hồi hộp vào tài khoản chứng khoán để kiểm tra và tái mét mặt khi khoản đầu tư của mình tụt dốc hàng ngày, cứ mỗi ngày mình lại mất đi 1-2% số tiền đầu tư. Cho dù mình đã xác định rất chắc chắn rằng mình sẽ giữ cổ phiếu trong ít nhất 5 năm, 20 năm càng tốt, và một giai đoạn biến động ngắn chỉ là thử thách thôi, về lâu dài thị trường chắc chắn sẽ khôi phục và tăng trưởng trở lại. Nhưng cũng thật khó khăn để trải qua cảm giác cam chịu khi nhìn tài khoản của mình tăng trưởng âm 30 - 40% suốt 8 tháng qua. Nó sốt ruột và đau đớn lắm. Nếu không nhờ đọc đi đọc lại mấy cuốn sách này, thì có lẽ mình đã bán tháo hết khi lỗ rồi. 

Nếu bạn muốn tham khảo nên mua quỹ nào, bạn có thể xem series "Quỹ mở/quỹ tương trợ/quỹ đầu tư" của Thành Công TC. 

Nếu muốn tìm hiểu thêm về đầu tư - tài chính, bạn có thể tham khảo series về tài chính cá nhân của anh Hieu Nguyen.

Đây là hai kênh mình hay xem về tài chính cá nhân, tại thấy dễ hiểu với cả đáng tin cậy.

3. Tham gia bảo hiểm nhân thọ

Haiz, có thể đây là chủ đề khiến nhiều người bất đồng ý kiến, vì mình biết có nhiều người dị ứng với "bảo hiểm". Thôi nghe mình nói trước đã chứ đừng vội phản bác.

Mình xuất thân từ một gia đình có kinh tế bình thường, chỉ đủ ăn đủ mặc. Do đó, mình quyết định mua bảo hiểm nhân thọ bởi vì mình sợ trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình nếu lỡ mình gặp sự cố gì về sức khỏe hay tính mạng. Chính chị gái ruột của mình đã khuyên mình nên tham gia bảo hiểm, và khi mình đọc sách người ta cũng nhắc đi nhắc lại nữa. 

Thịnh Vượng Tài Chính Tuổi 30: 
"Bảo hiểm là khoản tiền đảm bảo dùng để lo cho những việc xảy ra ngoài ý muốn. Hãy tranh thủ khi còn trẻ kịp thời dùng một khoản tiền nhỏ mua bảo hiểm để có thể giải quyết việc lớn xảy ra sau này. Hãy dành từ 5-8% thu nhập để đầu tư cho các loại bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm bệnh tật,..."
Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống: 
"Hãy mua bảo hiểm để đề phòng những lúc ốm đau, bị sa thải hay tài chính khó khăn."
Tất nhiên mình quyết định mua bảo hiểm là do bản thân cũng tự tìm hiểu và thực sự có nhu cầu chứ không phải nghe người này người kia khuyên cái là mua liền. Nếu gia đình bạn có rất nhiều tiền có thể chạy chữa cho bạn nếu chẳng may bạn gặp tai nạn, thì bạn có thể bỏ qua việc mua bảo hiểm. Còn mình có hoàn cảnh khác bạn, mình mua vì muốn có cảm giác an tâm. Chỉ đơn giản vậy thôi. Và từ khi ký cái hợp đồng bảo hiểm xong mình cảm thấy an tâm hẳn đó mọi người. Nếu xui gặp tai nạn, bệnh tật hay gì thì cũng không phải quá lo đến chi phí chữa trị (không quá lo chứ không phải không lo gì hết nha chèn).

Tại sao MUA bảo hiểm mà mình lại cho vào danh sách những "thành tích trong tài chính" của mình? Bởi vì bảo hiểm sẽ giúp bảo vệ tài chính cá nhân và gia đình trong trường hợp xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Lúc đó mình không có khả năng kiếm ra tiền mà mình cũng không bị mất tiền. Tác dụng bảo vệ của bảo hiểm là ở chỗ đó.

Tất nhiên việc mua bảo hiểm hay không mua là lựa chọn cá nhân, không có đúng hay sai mà chỉ có phù hợp với mỗi người hay không. Nhắc lại một lần nữa là mình chỉ kể câu chuyện cá nhân.

4. Xây dựng nguồn thu nhập thụ động khác

Warren Buffett từng nói: "Nếu không tìm cách kiếm tiền trong lúc ngủ, bạn sẽ phải làm việc tới khi chết".

Điều này thật là đáng sợ đó mọi người. 

Có nhiều cách để có thu nhập thụ động, ví dụ như: Bán các sản phẩm số (ảnh chụp, bài viết, các khóa học,...), lập blog/website chia sẻ kiến thức, bán hàng online, đầu tư chứng khoán, BĐS,...

2 cách mình chọn phù hợp với mình là làm YouTube và tiếp thị liên kết (Affiliate)

Với YouTube thì mình sẽ được chia doanh thu quảng cáo trên các video của mình. Nói thật luôn là không bao nhiêu hết, mỗi tháng chỉ có mấy đô thôi mà làm sấp mặt. Doanh thu từ Affiliate cũng vậy, không đủ uống cafe mỗi ngày nữa. Nhưng năng nhặt chặt bị, tiền kiếm được một cách chân chính thì cũng không có gì phải ngại, có nhiêu hay bấy nhiêu. 

Thậm chí bây giờ mình còn mạnh dạn kêu gọi mọi người donate cho việc phát triển kênh của mình, ngày xưa rất ngại và nghĩ không bao giờ mình sẽ làm thế. Nhưng hiện tại mình đã thông suốt rồi. Mình không phải kiểu "không làm mà đòi có ăn", mình đã dành thời gian, công sức và tâm huyết để tập trung đọc sách và làm video review, giúp các bạn có thêm nguồn tham khảo để quyết định có đọc cuốn sách đó hay không, ngoài ra mình còn tổng hợp hoặc phân tích nội dung của sách giúp mọi người hiểu rõ về cuốn sách hơn, đặc biệt có nhiều bạn không đọc sách được thì qua kênh của mình bạn vẫn nắm được nội dung cơ bản của cuốn sách,.. v.v Đó là giá trị mình mang đến cho mọi người. Và một khi đã tạo ra được giá trị cho người khác thì vẫn xứng đáng được nhận thù lao, có thể là bằng tinh thần ví dụ như bình luận cảm ơn, like và share video; có thể là bằng vật chất.


Theo thần số học thì năm vừa rồi của mình là năm số 4, nên rất trắc trở. Nhưng nhờ nỗ lực của bản thân và cộng thêm may mắn trời thương, mình vẫn vượt qua được nhiều khó khăn và đặc biệt là xây dựng được một nền tảng tài chính ổn cho bản thân. Hy vọng bước sang năm mới 2023 này, cuộc sống tài chính của mình sẽ ngày càng mạnh khỏe và vững mạnh hơn để cuối năm lại có thể chia sẻ được với bạn những điều tốt đẹp và mới mẻ.

Mình biết sẽ có nhiều người xem bài đăng này của mình sẽ nghĩ "có thế mà cũng kể hả". Những thứ mình làm được, nó không là gì đối với một số người, hoặc không khả thi đối với một số người còn lại. Nhưng, mỗi người có một mục tiêu riêng, khả năng riêng, hoàn cảnh riêng, nên những gì mình chia sẻ trong video này chỉ là trải nghiệm cá nhân, mình không yêu cầu các bạn phải xem những thứ mình làm là tiêu chuẩn của bạn. Mình chỉ chia sẻ câu chuyện này với hy vọng câu chuyện của riêng mình có thể giúp bạn cảm thấy được đồng cảm, bạn không thấy cô đơn trên hành trình đạt được các mục tiêu tài chính cá nhân của bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét