Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

[Tóm tắt sách] Chủ Nghĩa Khắc Kỷ (William B. Irvine)

Có bao giờ bạn tự vấn chính mình rằng: Tôi sống để làm gì? Tại sao tôi lại được sinh ra, có mặt trên cuộc đời này??

Có bao giờ trong cuộc sống bạn đạt được một thành tựu nào đó, hoặc mua được một thứ gì đó có giá trị lớn mà bạn đã ao ước từ lâu, bạn cảm thấy vui vẻ hưng phấn nhưng chẳng mấy chốc những cảm xúc ấy vụt tan, rồi bạn rơi vào trạng thái trống rỗng, hoài nghi, không biết tiếp theo mình cần phải làm gì.

Có bao giờ trong cuộc sống hối hả ngày ngày lao vào việc mưu sinh, yêu đương, phát triển công danh sự nghiệp, du lịch, mua sắm,... bất chợt bạn dừng lại và tự hỏi mình đang làm gì vậy? Những việc này có ý nghĩa gì không? 

Nếu đã từng hoặc đang rơi vào những khoảnh khắc trên, có lẽ bạn đang bị thiếu một triết lý sống chặt chẽ và nhất quán. Để giúp bạn có thêm một lựa chọn về triết lý sống, giúp bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hôm nay mình giới thiệu các bạn cuốn sách "Chủ Nghĩa Khắc Kỷ" của tác giả William B. Irvine.

Bạn đừng vội nhăn mặt khi nghe đến hai từ "Khắc kỷ", để mình giải thích đã. Khi nhìn/nghe từ "Khắc kỷ", có lẽ các bạn cũng như mình ban đầu, liên tưởng ngay đến sự khắc khổ, kỷ luật, nghiêm khắc, thậm chí nhiều người còn nghĩ đến "tự kỷ", và do đó cũng thấy ngán ngán lối sống này. Những người khác cũng có nhiều định kiến, hiểu lầm và ác cảm về chủ nghĩa này. Nhưng nếu bạn thật sự mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp, an nhiên, có nhiều niềm vui sống và sức mạnh, bạn hãy kiên nhẫn đọc bài viết (hoặc cuốn sách) này để hiểu chủ nghĩa Khắc kỷ là như thế nào, nó có lợi ích gì cho chúng ta và tại sao chúng ta nên chọn sống theo chủ nghĩa Khắc kỷ.

Tại sao con người cần có triết lý sống? Và tại sao lại là chủ nghĩa Khắc kỷ?

Một mục tiêu lớn lao trong đời là yếu tố cấu thành đầu tiên của một triết lý sống. Nếu không có một mục tiêu lớn lao trong đời, tức là không có một triết lý sống mạnh mẽ. Nếu không có triết lý sống, bạn sẽ có nguy cơ sống lầm lạc. Bất kể bạn đã làm gì, bất kể mọi niềm vui thú mà bạn đã thụ hưởng lúc sinh thời, chung quy bạn vẫn sẽ sống một cuộc đời tồi tệ. 

Chúng ta cần xem xét các mục tiêu trong cuộc sống để nhận ra mục tiêu nào thực sự đáng theo đuổi, và xác định mục tiêu nào nên được ưu tiên trước. Mục tiêu lớn lao trong cuộc sống chính là mục tiêu nằm ở vị trí cao nhất: Nó là mục tiêu mà chúng ta không nên hy sinh để đạt được những mục tiêu khác.

Giả sử bạn đã xác định được mục tiêu lớn lao trong đời mình, dù thế, bạn vẫn có nguy cơ sống lầm lạc, nếu không có một chiến lược hiệu quả, chỉ rõ cho bạn những gì phải làm trong cuộc sống hằng ngày để tối đa hóa khả năng đạt được điều mà bạn xem là đáng giá nhất trong cuộc đời mình.

Cuốn sách này dành cho những người đang tìm kiếm một triết lý sống. Trong cuốn sách này, tác giả sẽ tập trung vào một triết lý mà ông thấy hữu ích, đó là triết lý của trường phái Khắc kỷ cổ đại. Nói cách khác, cuốn sách đưa ra lời khuyên mọi người nên sống như thế nào. Nói đúng hơn, tác giả sẽ là cầu nối đem đến cho bạn lời khuyên của các triết gia Khắc kỷ từ hai ngàn năm trước.

Con đường đến với chủ nghĩa Khắc kỷ của tác giả William B. Irvine:

Hơn 40 năm đầu của cuộc đời, tác giả Irvine không có một triết lý sống nào cả. Như hầu hết mọi người, ông cảm thấy thoải mái với thứ triết lý sống mặc định: theo đuổi tiền tài, địa vị xã hội và lạc thú. Thế nhưng, ở độ tuổi ngoài 40, dòng đời bắt đầu đưa đẩy ông tiếp xúc với chủ nghĩa Khắc kỷ.

Ban đầu, đối với ông, chủ nghĩa Khắc kỷ là một triết lý sống không thiết thực, nhưng khi đọc tác phẩm của các triết gia Khắc kỷ, ông mới thấy hóa ra hầu hết mọi điều ông từng biết về họ đều sai bét. Bạn bè, người thân và đồng nghiệp của tác giả đều cho rằng các nhà Khắc kỷ là những người đặt mục tiêu kìm nén mọi cảm xúc và do đó sống một cuộc đời lãnh đạm và tẻ nhạt. Từ điển định nghĩa một người Khắc kỷ "là người dường như lãnh đạm, không bị ảnh hưởng bởi niềm vui, nỗi buồn, khoái lạc hay đau đớn". Chính những định kiến và sự hiểu lầm tai hại này đã thôi thúc tác giả viết một cuốn sách về các nhà Khắc kỷ để đính chính lại sự thật. Đông thời, sau khi nghiên cứu chủ nghĩa Khắc kỷ, tác giả bắt đầu thử sống theo triết lý này và đã thử nghiệm thành công. Và giờ đây ông muốn chia sẻ những lợi ích ông đã thu được từ việc nghiên cứu các nhà Khắc kỷ và áp dụng triết lý sống của họ. Đặc biệt, cuốn sách sẽ cung cấp các hướng dẫn chi tiết để thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ.

Vậy, Khắc kỷ là như thế nào?

Người ta tưởng rằng những nhà Khắc kỷ là những người sống khổ hạnh, buồn tẻ, khắc nghiệt và vô cảm, là người hay kìm nén cảm xúc. Nhưng thực ra mục tiêu của chủ nghĩa Khắc kỷ không phải là loại trừ cảm xúc khỏi cuộc sống, mà là loại trừ những cảm xúc tiêu cựcCác nhà Khắc kỷ nhận ra rằng một cuộc sống đầy rẫy cảm xúc tiêu cực: tức giận, lo lắng, sợ hãi, đau buồn và ghen tị không phải là một cuộc sống tốt đẹp. Do đó, họ phát triển các kỹ thuật tâm lý để ngăn không cho các cảm xúc tiêu cực xuất hiện, và nếu các nỗ lực ngăn chặn thất bại thì họ sẽ có kỹ thuật để dập tắt các cảm xúc tiêu cực ấy.

Triết lý Khắc kỷ kêu gọi lối sống đơn giản: ăn, mặc, ở đơn giản, tránh xa lối sống xa hoa, nhưng cuộc sống của họ không hề u ám, sầu thảm và buồn tẻ. Trái lại, những nhà Khắc kỷ là những cá nhân vui vẻ và lạc quan về cuộc sống (mặc dù họ luôn dành thời gian để suy nghĩ đến tất cả những viễn cảnh tồi tệ có thể xảy ra với họ), có khả năng tận hưởng trọn vẹn những thú vui của cuộc sống (đồng thời cũng thận trọng để không trở thành nô lệ cho những thú vui đó). Các nhà Khắc kỷ nỗ lực trọn đời để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. 

Tổng quan những điều cần phải làm nếu chọn chủ nghĩa Khắc kỷ làm triết lý sống:

1. Xem xét lại các mục tiêu trong cuộc sống. 

Phải thuộc nằm lòng tuyên ngôn của phái Khắc kỷ: Nhiều thứ mà chúng ta khao khát vốn dĩ chẳng đáng để theo đuổi, nhất là danh vọng và của cải. Thay vào đó, ta tập trung theo đuổi sự bình thản và đức hạnh ("đức hạnh" theo nghĩa cổ, không hẳn là theo nghĩa hiện nay, mình sẽ nói chi tiết hơn ở phần sau).

2. Nghiên cứu các kỹ thuật tâm lý đã được các nhà Khắc kỷ phát triển nhằm đạt được và duy trì sự bình thản, đồng thời sử dụng các kỹ thuật này vào cuộc sống hằng ngày. 

3. Quan sát chính cuộc sống của mình một cách sâu sắc hơn, cố gắng xác định những nguồn cơn gây ra đau khổ trong đời mình và tìm cách ngăn ngừa nỗi đau khổ đó.

Việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ đòi hỏi sự nỗ lực, nhưng bạn cần phải nhận thức rằng việc không có một triết lý sống cũng khiến bạn phải trả giá. Nguy cơ bạn sẽ dành những tháng năm cuộc đời theo đuổi những thứ không có giá trị và dẫn đến lãng phí cuộc đời mình. Sống không có triết lý hay có triết lý cũng phải trả giá, chi bằng hãy chọn một triết lý sống để theo đuổi để bớt phí hoài những năm tháng còn lại của đời mình.

Bố cục của cuốn sách gồm 4 phần:

Phần 1 trình bày sự hình thành của chủ nghĩa Khắc kỷ.

Phần 2 và 3 giải thích những gì chúng ta cần phải làm để thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Bao gồm:
  • Các kỹ thuật tâm lý được chủ nghĩa Khắc kỷ phát triển để đạt đến và duy trì sự bình thản. 
  • Lời khuyên của phái Khắc kỷ để đối phó hiệu quả nhất với những căng thẳng trong cuộc sống thường ngày.
Phần 4 tác giả bảo vệ chủ nghĩa Khắc kỷ trước những lời chỉ trích, cũng như đánh giá lại tâm lý học Khắc kỷ dưới ánh sáng của các phát hiện khoa học hiện đại. Cuốn sách kết thúc bằng việc tác giả thuật lại những nhận thức mà tác giả đã đạt được trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ.

Phần một: Sự hình thành của chủ nghĩa Khắc kỷ 

Phần này tuy rất lý thuyết nhưng nhờ vào khả năng viết gãy gọn, súc tích và chặt chẽ của tác giả, nó vẫn trở thành một phần rất dễ đọc và dễ hiểu nên bạn đừng lo lắng.

Zeno xứ Citium (333 - 261 TCN) là nhà Khắc kỷ đầu tiên. Người thầy triết học đầu tiên của Zeno là triết gia Crates theo trường phái Yếm thế (là những người chọn lối sống khổ hạnh). Sau, Zeno theo học Stilpo của trường phái Megarian và học Polemo ở học viện Academy. Vào khoảng năm 300 TCN, ông bắt đầu sáng lập trường phát triết học riêng. Trong bài giảng của mình, ông dường như pha trộn lời khuyên về lối sống của Crates với lý thuyết triết học của Polemo, đồng thời cũng hợp nhất mối quan tâm về lô-gic và nghịch lý của trường phái Megarian.
Học trò của ông ban đầu được gọi là Zenonian, nhưng vì ông có thói quen giảng bài ở Stoa Poikile, nên sau này họ được gọi là những nhà Stoic.
Triết học của Zeno bao hàm đạo đức, vật lý và lô-gic.
  • Lô-gic là môn học về cách sử dụng lập luận chính xác. Các nhà Khắc kỷ trở thành chuyên gia về các hình thức tranh luận, kỹ năng thuyết phục.
  • Vật lý là thành phần thứ hai trong chủ nghĩa Khắc kỷ của Zeno. Họ đưa ra lý giải về thế giới xung quanh họ: các hiện tượng tự nhiên, thần học. 
  • Đạo đức là thành phần thứ ba và quan trọng nhất trong chủ nghĩa Khắc kỷ của Zeno. Một điểm cần lưu ý là: đạo đức của chủ nghĩa Khắc kỷ là đạo đức eudaemonistic, theo tiếng Hy Lạp eu nghĩa là “tốt” và daimon nghĩa là “tinh thần”. Nó không quan tâm đến tính đúng sai về mặt đạo đức, mà quan tâm đến việc có một “tinh thần tốt”, tức là đến việc sống một cuộc đời hạnh phúc, tốt đẹp. 
Một người cần phải làm gì để có được cuộc sống tốt đẹp? Hãy sống đức hạnh. Theo quan niệm của các nhà Khắc kỷ, đức hạnh của một người phụ thuộc vào sự ưu việt của họ trong vai trò một con người - họ có thực hiện tốt các chức năng đã được định sẵn cho con người hay không, sống thuận theo tự nhiên không.

Vậy những chức năng nào đã được định sẵn cho con người? Theo Zeno, con người hơn động vật khác ở chỗ có khả năng suy luận. Chúng ta được định sẵn để làm một số việc cụ thể, rằng chúng ta có những bổn phận nhất định. Vì tự nhiên đã ấn định con người là loài sống theo quần thể, thế nên chúng ta có bổn phận với đồng loại của mình. Ví dụ, chúng ta nên kính trọng bố mẹ, hòa thuận với bạn bè và quan tâm đến lợi ích của đồng bào. Ngoài ra, một trong những chức năng đã được định sẵn cho chúng ta là hành xử một cách hợp lý và hiểu rõ hơn về mục đích đã được định sẵn cho chúng ta.

Chủ nghĩa Khắc kỷ La Mã

Vào khoảng năm 140 TCN, Người La Mã đã tiếp nhận chủ nghĩa Khắc kỷ từ Hy Lạp và điều chỉnh học thuyết này cho phù hợp với nhu cầu của họ. Các nhà Khắc kỷ La Mã giữ mục tiêu chính là có được đức hạnh, và hướng đến mục tiêu thứ hai là có được sự bình thản. Trong cuốn sách này, tác giả sẽ tập trung vào các nhà Khắc kỷ La Mã hơn là các nhà Khắc kỷ Hy Lạp, chủ yếu phân tích lời khuyên của họ về cách đạt được sự bình thản. 

Những nhân vật quan trọng nhất của chủ nghĩa Khắc kỷ La Mã nói riêng và của chủ nghĩa Khắc kỷ nói chung mà con người thời nay học hỏi được nhiều nhất là: Seneca, Musonius Rufus, Epictetus và Marcus Aurelius. Những đóng góp của bốn người này cho chủ nghĩa Khắc kỷ La Mã bổ trợ nhau hoàn hảo.
  • Seneca là cây viết tốt nhất, các bài luận và thư từ mà ông gửi cho Lucilius tạo thành một tài liệu nhập môn tương đối dễ hiểu về chủ nghĩa Khắc kỷ La Mã.
  • Musonius đưa ra lời khuyên chi tiết cho những người đang thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ về việc nên ăn gì, mặc gì, nên ứng xử ra sao với cha mẹ và thậm chí cả việc họ nên quản lý đời sống tình dục như thế nào. Theo Musonius, chúng ta cần phải nghiên cứu triết học, vì nếu không thì chẳng còn cách nào khác để có thể sống tốt. "Việc nghiên cứu triết học sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cá nhân mỗi người."
  • Epictetus lý giải tại sao việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, giữa hàng ngàn tư tưởng triết học khác, có thể mang lại sự bình thản. Theo Epictetus, mối quan tâm hàng đầu của triết học phải là nghệ thuật sống. Giống như gỗ là phương tiện của thợ mộc và đồng là phương tiện của nhà điêu khắc, cuộc sống của bạn là phương tiện để bạn thực hành nghệ thuật sống.
  • Marcus, thông qua cuốn sách Meditations được viết dưới dạng nhật ký, cho chúng ta biết được những suy nghĩ thầm kín của một người thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Marcus là một vị hoàng đế La Mã xuất chúng. Ông hạn chế tối đa sử dụng quyền lực của mình, cố gắng không làm lãng phí ngân khố. Marcus là ví dụ hiếm hoi về một vị vua-triết gia.
Mình sẽ để tên một số cuốn sách của các tác giả Khắc kỷ này để các bạn tham khảo nếu cần:
Phần hai: Các kỹ thuật tâm lý của chủ nghĩa Khắc kỷ 

1. Tưởng tượng tiêu cực - Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?

Các nhà Khắc kỷ sẽ thường xuyên suy ngẫm về những điều tồi tệ có thể xảy đến với mình. Việc này có 3 lý do:

Thứ nhất, nhằm ngăn chặn những điều đó xảy ra, nghĩ trước các biện pháp phòng ngừa và trở nên cẩn trọng hơn. Ví dụ, nếu nghĩ rằng nhà mình có thể bị trộm, chúng ta sẽ có thái độ cẩn thận và hành động để ngăn ngừa chuyện đó xảy ra bằng cách lắp thêm camera chống trộm và luôn cất đồ đạc kín đáo hơn, kiểm tra việc khóa cửa kỹ càng hơn,... từ đó giảm bớt khả năng bị trộm đột nhập.

Thứ hai, nghĩ trước về những điều tồi tệ sẽ giảm bớt tác động của chúng đến bản thân khi chúng xảy ra. Seneca cho rằng tai họa sẽ gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người "chỉ biết mong cầu vận may". Thật vậy, trong cuộc sống mình, những lần mình nếm trải cảm giác đau khổ cùng cực nhất là khi mình không hề nghĩ chuyện xui rủi ấy lại xảy đến với mình. Còn những lúc mình tượng tượng ra trước những chuyện xui rồi sau đó nó xảy ra thật thì mình đỡ bị bất ngờ, từ đó giảm bớt cảm giác tồi tệ.

Thứ ba (lý do quan trọng nhất), việc thường xuyên suy ngẫm về những điều tồi tệ có thể xảy đến với mình là để chống lại một hiệu ứng tâm lý gọi là hiệu ứng thích nghi với khoái lạc

Con người không hạnh phúc chủ yếu là vì không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Sau khi nỗ lực để có được những thứ mình muốn, chúng ta thường mất hứng thú với đối tượng mà mình ham muốn. Thay vì cảm thấy thỏa mãn, chúng ta lại cảm thấy buồn chán, và để đối phó với nỗi buồn chán này, chúng ta tiếp tục hình thành những ham muốn mới, thậm chí còn lớn hơn. Các biểu hiện của hiệu ứng này được thể hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ việc mua sắm (mua được món đồ này xong lại chán và muốn mua món khác), đến sự nghiệp (lên được chức này rồi lại muốn lên chức cao hơn) và các mối quan hệ (yêu đương nồng nhiệt thuở ban đầu, có được nhau rồi lại chán nhau),..v.v

Thế nên, một bí quyết để có được hạnh phúc là chặn trước quá trình thích nghi: ngăn không cho bản thân xem nhẹ những thứ mà chúng ta đã nỗ lực vất vả mới có được (người bạn đời, con cái, nhà cửa, xe cộ và công việc,...)

Bên cạnh việc tìm cách chặn trước quá trình thích nghi, chúng ta còn cần tìm cách đảo ngược nó. Tức là, tạo cho mình ham muốn đối với những thứ chúng ta đã có sẵn, học cách hài lòng với những gì mình đang có.

Các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta dành thời gian tưởng tượng rằng bản thân mất đi những thứ mình quý trọng - rằng người vợ bỏ ta mà đi, chiếc xe của ta bị lấy cắp, hoặc ta bị mất việc. Làm vậy sẽ khiến chúng ta trân trọng vợ mình, chiếc xe và công việc của mình hơn. Kỹ thuật này gọi là tưởng tượng tiêu cực. Theo tác giả Irvine, đây là kỹ thuật giá trị nhất trong bộ công cụ tâm lý học của các nhà Khắc kỷ.

Chúng ta có thể thực hành kỹ thuật này bằng các việc:
  • Suy ngẫm về cái chết của người thân, bạn bè. Nếu làm vậy, chúng ta sẽ quý trọng người thân, bạn bè của mình và những lúc còn được ở cạnh họ, nhờ đó mà nhận được nhiều niềm vui hơn từ những mối quan hệ này.
  • Suy ngẫm về cái chết của chính mình. Nên sống như thể chính khoảnh khắc hiện tại này là khoảnh khắc cuối cùng của đời mình. Sự suy ngẫm này sẽ khiến chúng ta trân trọng việc mình đang sống và có cơ hội lấp đầy ngày hôm nay bằng các hoạt động. Nhờ thế, chúng ta sẽ bớt phung phí những tháng ngày của đời mình, giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống nhiều hơn đáng kể.
  • Suy ngẫm về việc mất đi tài sản sở hữu. Phần lớn chúng ta đều dành thời giờ rảnh rỗi để nghĩ đến những thứ chúng ta muốn mà không có. Marcus nói rằng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu dành khoảng thời gian này để nghĩ đến mọi thứ mình đang sở hữu và ngẫm xem ta sẽ nhớ chúng nhiều thế nào nếu chúng không còn là của ta nữa. Theo đó, chúng ta nên nghĩ đến việc mình sẽ cảm thấy thế nào nếu mất đi những tài sản sở hữu, bao gồm nhà cửa, xe cộ, quần áo, thú cưng và tài khoản ngân hàng; chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu mất đi các khả năng của mình, bao gồm khả năng nghe, nói, đi lại, thở và nuốt; và chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu mất đi sự tự do. 
  • Phần lớn chúng ta đang “sống như trong mơ tức là sống cuộc đời mà chúng ta từng mơ ước. Chúng ta có thể đã kết hôn được với người từng trong mộng, có những đứa con và công việc từng mơ ước, cũng như sở hữu chiếc xe mà mình từng mong mỏi mua được. Nhưng vì hiệu ứng thích nghi với khoái lạc, ngay khi chúng ta thấy mình đang sống cuộc đời như mơ, chúng ta bắt đầu xem nhẹ cuộc sống đó. Thay vì dành những ngày tháng cuộc đời để tận hưởng vận may đó, chúng ta lại dành thời gian này để hình thành và theo đuổi những giấc mơ mới, to lớn hơn. Kết quả là chúng ta không bao giờ thỏa mãn với cuộc sống của mình. Tưởng tượng tiêu cực có thể giúp chúng ta tránh được nghiệp chướng này.
Những thắc mắc xung quanh việc thực hành tưởng tượng tiêu cực:

❓Người ta có thể cho rằng các nhà Khắc kỷ sẽ có xu hướng bi quan, vì họ quanh đi quẩn lại chỉ nghĩ đến những tình huống xấu nhất. 
➡ Thế nhưng, sự thật là thực hành tưởng tượng tiêu cực đều đặn có tác dụng chuyển biến các nhà Khắc kỷ thành những người vô cùng lạc quan, không đánh mất khả năng tận hưởng niềm vui, và thế giới là một nơi tuyệt vời. Chính sự thích nghi với khoái lạc mới là thứ dập tắt niềm vui của chúng ta với thế giới. Tưởng tượng tiêu cực là một kỹ thuật hiệu quả giúp chúng ta lấy lại cảm giác trân quý cuộc sống và cùng với đó là khả năng tận hưởng niềm vui.

❓Có những người khác thì cho rằng không nên thỏa mãn với những thứ quá bé nhỏ, nên tham vọng nhiều hơn và không được bằng lòng với cuộc sống. 
➡ Thế nhưng theo tác giả, sự ngu xuẩn thực sự là sống cả đời trong trạng thái bất mãn do chính mình tạo ra, trong khi bản thân có quyền được lựa chọn. Có thể thỏa mãn với những điều nhỏ bé không phải là một nhược điểm, mà là một phúc phận - nếu điều bạn đang tìm kiếm là sự thỏa mãn.

❓Có những người thì lại lo rằng nếu thực hành tưởng tượng tiêu cực thì các nhà Khắc kỷ sẽ rất trân trọng những người và vật xung quanh họ, do vậy họ sẽ chịu đựng nỗi đau cùng cực khi cuộc sống lấy đi những người và vật này.
➡ Khi trân trọng một người/vật nào đó, ta sẽ tận dụng trọn vẹn khoảng thời gian ngắn ngủi bên họ, nếu họ ra đi, ta sẽ không phải hối tiếc, ta sẽ được an ủi rằng ta đã dành trọn vẹn thời gian với họ, nhờ đó ta bớt đau khổ cùng cực.

Tưởng tượng tiêu cực dạy chúng ta đón nhận cuộc sống của mình bất kể nó có như thế nào và chắt lọc mọi niềm vui từ đó. Nhưng đồng thời, nó cũng dạy chúng ta chuẩn bị tinh thần đón nhận những thay đổi sẽ tước đi những thứ mang lại niềm vui cho chúng ta. Xét cho cùng, thực hành tưởng tượng tiêu cực là suy ngẫm về tính vô thường của thế giới xung quanh chúng ta.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng mọi thứ mà ta coi trọng và những người mà ta yêu thương một ngày nào đó sẽ không còn thuộc về ta nữa. Hoặc là cái chết sẽ mang chúng ta đi. Việc suy ngẫm về sự vô thường của mọi thứ trên đời có thể khiến điều chúng ta làm thêm phần ý nghĩa và xúc cảm. Chúng ta sẽ không còn là kẻ mộng du lạc trôi giữa đời.

2. Sự lưỡng phân của quyền kiểm soát - Về việc trở nên bất khả chiến bại

Theo Epictetus, chúng ta nên tập trung vào những thứ bên trong mình, thay vì những thứ bên ngoài. 

Nếu bạn tìm kiếm sự mãn nguyện, thì thay đổi bản thân và điều mà bạn mong muốn sẽ tốt hơn và dễ hơn so với thay đổi thế giới xung quanh bạn.

Epictetus cho rằng: khao khát tối quan trọng trong bạn phải là khao khát bản thân không bị những khao khát mà bạn sẽ không thể đạt được làm cho tuyệt vọng. Một số thứ tùy thuộc vào chúng ta, và một số khác thì không. Nếu mong muốn những thứ không tùy thuộc vào bản thân, sẽ có lúc ta không đạt được điều mình muốn, khi đó, ta sẽ “gặp bất hạnh” và cảm thấy “bị ngăn trở, đau khổ và phiền muộn”.

Chúng ta có tam phân quyền kiểm soát:
  • Những thứ ta có toàn quyền kiểm soát (Những mục tiêu đặt ra cho bản thân, những giá trị, tính cách của bản thân) ➡ Ta nên tập trung thời gian và năng lượng vào những thứ mà ta có toàn quyền kiểm soát. Trong những trường hợp này, nỗ lực của ta sẽ mang lại kết quả đảm bảo, ta sẽ chỉ mất tương đối ít thời gian và năng lượng để đảm bảo thu được kết quả. Marcus nghĩ rằng bí quyết để có một cuộc sống tốt đẹp là trân trọng những thứ thực sự có giá trị và thờ ơ với những thứ không có giá trị. Việc gán giá trị cho mọi thứ lại nằm trong khả năng của chúng ta, nên việc sống một cuộc đời tốt đẹp cũng nằm trong khả năng. Nếu hình thành quan điểm một cách đúng đắn - gán cho mọi thứ giá trị chính xác của chúng - ta có thể tránh được nhiều đau khổ và lo âu.
  • Những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát (Mặt trời có mọc vào ngày mai hay không) ➡ Không nên quan tâm đến những thứ này. Thời gian và năng lượng mà ta bỏ ra sẽ không có bất cứ tác động nào đến kết quả của các sự kiện.
  • Những thứ ta có thể kiểm soát một phần (Ta có thể thắng trận đấu quần vợt hay không) ➡ Nên quan tâm đến những thứ này, nhưng cần thận trọng nội tại hóa những mục tiêu đặt ra cho bản thân.
Ví dụ:

- Khi tham gia một trận đấu, ta không nên đặt mục tiêu là thắng cuộc (vì đó là thứ ta chỉ có thể kiểm soát một phần), mà ta nên đặt mục tiêu là chơi hết khả năng của bản thân trong trận đấu. Nếu đặt mục tiêu chơi hết sức trong trận đấu, chúng ta không làm giảm đi cơ hội chiến thắng, nhưng lại giảm đi khả năng bị thất vọng vì kết quả trận đấu.
- Trong mối quan hệ vợ chồng, không nên đặt mục tiêu vợ tôi phải yêu tôi - một mục tiêu bên ngoài, vì dù có làm gì đi chăng nữa, tôi vẫn có thể thất bại và thành ra thất vọng. Thay vào đó, tôi nên đặt một mục tiêu nội tại: đó là hành xử một cách yêu thương nhất có thể trong khả năng của mình.
- Tương tự trong công việc, ta nên đặt mục tiêu là làm tốt nhất có thể công việc của mình, thay vì mong cầu sếp tăng lương cho mình, vì bất kể ta có làm gì đi chăng nữa, vẫn có khả năng vị sếp kia sẽ không tăng lương cho ta và ta sẽ cảm thấy thất vọng.

Tóm lại, chúng ta hãy ghi nhớ sự tam phân quyền kiểm soát này trong khi thực hiện công việc thường ngày. Phân loại các yếu tố trong cuộc sống thành ba mục: những thứ ta có toàn quyền kiểm soát, những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát và những thứ ta có thể kiểm soát một phần. Những thứ trong mục thứ hai - những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát - ta sẽ đặt sang một bên vì chúng không đáng để bận tâm. Làm vậy, ta sẽ trút bỏ được rất nhiều mối lo không cần thiết. Thay vào đó, ta tập trung vào những thứ có thể kiểm soát hoàn toàn hoặc một phần.

3. Thuyết vận mệnh - Buông bỏ quá khứ... và cả hiện tại

Các nhà Khắc kỷ cho rằng một cách để giữ sự bình thản là tin rằng những thứ xảy đến với chúng ta là vận mệnh. 

Theo Seneca, chúng ta nên thuận theo vận mệnh. 

Epictetus khuyên chúng ta, nếu muốn cuộc đời mình trở nên tốt đẹp, thay vì mong muốn mọi sự thuận theo ý mình, chúng ta hãy làm cho những mong muốn của mình thuận theo mọi sự.

Marcus nói rằng, nếu chống lại sự sắp đặt của vận mệnh, chúng ta rất có thể sẽ phải chịu đựng đau khổ, tức giận hoặc sợ hãi và mất đi sự bình thản. Để tránh điều này, chúng ta phải học cách thích nghi với hoàn cảnh sống và yêu thương những người cạnh bên mà vận mệnh đã an bài cho chúng ta, học cách hân hoan đón nhận mọi bổn phận của mình và thuyết phục bản thân rằng bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta đều có ý nghĩa.

Điều thú vị là mặc dù người xưa tin vào thuyết tiền định - bất kể điều gì xảy ra đều phải xảy ra - nhưng họ không quan niệm rằng vận mệnh chi phối tương lai. Ví dụ, các nhà Khắc kỷ không hề ngồi khoanh tay bó gối, cam chịu bất kể điều gì xảy đến trong tương lai; trái lại, họ tìm cách tác động đến kết quả của các sự kiện tương lai.

Tuy ủng hộ thuyết vận mệnh, các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta không tin vào thuyết vận mệnh về tương lai, mà chỉ nên tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ và hiện tại.

Các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ, luôn tâm niệm rằng quá khứ không thể thay đổi. Chẳng hạn, nếu một người mẹ có đứa con chết vì bệnh tật, các nhà Khắc kỷ sẽ khuyên người phụ nữ này tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ. Việc cảm thấy đau khổ sau cái chết của một đứa con là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng mãi đắm chìm vào cái chết đó lại là sự lãng phí thời gian và cảm xúc, bởi lẽ quá khứ không thể thay đổi. Do đó, đắm chìm vào cái chết của đứa con sẽ gây ra đau khổ không cần thiết cho người phụ nữ. Ngoài ra, thi thoảng chúng ta cũng nên nghĩ về quá khứ để rút ra các bài học có thể giúp chúng ta trong nỗ lực định hình tương lai.

Các nhà Khắc kỷ cũng ủng hộ thuyết vận mệnh về hiện tại. Họ cho rằng cách tốt nhất để đạt được sự thỏa mãn không phải là cố gắng thỏa mãn bất cứ ham muốn nào nảy sinh trong chúng ta, mà là học cách bằng lòng với cuộc sống hiện tại - học cách trở nên vui vẻ với bất cứ thứ gì chúng ta nhận được. Chúng ta có thể uổng phí thời gian để ao ước hoàn cảnh sống của chúng ta khác đi, nhưng nếu mặc cho bản thân làm như vậy, chúng ta sẽ sống phí hoài cả đời trong trạng thái bất mãn. Thay vì vậy, nếu có thể học cách muốn bất kể thứ gì mà mình sẵn có, chúng ta sẽ không phải vất vả làm việc để đáp ứng những ham muốn hòng có được sự thỏa mãn.

Một trong những thứ chúng ta sở hữu chính là khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta có thể phung phí khoảnh khắc hiện tại để mong ước nó khác đi, hoặc có thể đón nhận khoảnh khắc này.

❓Các nhà Khắc kỷ có thành ra quá thiếu tham vọng không?

Những nhà Khắc kỷ đang được chúng ta bàn đến đều vô cùng tham vọng. Seneca có một cuộc sống năng động trong vai trò một triết gia, nhà soạn kịch, nhà đầu tư và cố vấn chính trị. Musonius Rufus và Epictetus đều đứng đầu các ngôi trường triết học thành công. Và Marcus, khi không luận bàn triết học, ông làm việc cật lực để cai trị đế chế La Mã. Nói đúng ra, những cá nhân này đều vô cùng thành công. Mặc dù dạy chúng ta bằng lòng với bất kể thứ gì mình có, triết lý Khắc kỷ cũng khuyên chúng ta theo đuổi những thứ nhất định trong cuộc sống. Chẳng hạn, chúng ta nên phấn đấu để trở thành người tốt hơn.

4. Tự tiết chế bản thân - Ứng phó với mặt tối của lạc thú

Bên cạnh việc suy ngẫm về những chuyện tồi tệ có thể xảy ra, đôi lúc ta cũng nên sống như thể chúng đã xảy ra rồi. Chẳng hạn, thay vì chỉ đơn thuần nghĩ về chuyện cuộc sống của ta sẽ ra sao khi mất đi của cải, chúng ta nên định kỳ “thực hành sống kham khổ”. Tức là chúng ta nên tạm bằng lòng với “những khẩu phần ăn thiếu thốn và rẻ tiền” cũng như “y phục thô kệch và kém chất lượng”. 

Ngoài việc sống như thể những điều tồi tệ đã xảy đến với chúng ta, thi thoảng chúng ta cũng nên chủ động tạo ra chúng. Chẳng hạn, chúng ta nên định kỳ bắt bản thân phải trải nghiệm sự bất tiện mà chúng ta có thể dễ dàng tránh được. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách ăn mặc phong phanh khi trời lạnh hoặc đi chân đất. Hoặc chúng ta có thể định kỳ để cho cơ thể rơi vào trạng thái đói hoặc khát, cho dù không thiếu đồ ăn thức uống, và chúng ta có thể ngủ trên giường cứng cho dù có sẵn một cái giường êm.

Lưu ý: Chủ nghĩa Khắc kỷ không liên quan đến yếu tố thích bị bạo ngược. Các nhà Khắc kỷ không phải những người suốt ngày tự hành hạ bản thân. Trái lại, các nhà Khắc kỷ sẵn lòng chịu khổ ở một mức độ nhất định. Nói chính xác hơn, các nhà Khắc kỷ ủng hộ hành vi tự nguyện chịu khổ chứ không phải là hành vi chịu khổ nhằm gây hại cho bản thân. 

3 lợi ích thu được từ hành vi tự nguyện chịu khổ:

- Tôi luyện bản thân chống lại những tai họa có thể giáng xuống trong tương lai. Nếu chỉ biết đến tiện nghi thoải mái, chúng ta có thể bị tổn thương khi phải trải qua cảm giác đau đớn hoặc khó chịu.
- Một người định kỳ trải nghiệm những khó chịu nhỏ sẽ bồi đắp niềm tin rằng anh ta cũng có thể vượt qua những khó chịu lớn hơn, vì vậy viễn cảnh sau này phải trải qua những khó chịu như vậy sẽ không là nguồn cơn gây lo âu cho anh ta trong hiện tại.
- Giúp chúng ta trân trọng những gì mình sẵn có. Nhất là bằng cách chủ động trải nghiệm cảm giác không thoải mái, chúng ta sẽ trân trọng hơn những tiện nghi mà mình đang được hưởng. Chúng ta có thể tăng đáng kể cảm giác trân trọng đối với mọi bữa ăn bằng cách đợi tới khi đói rồi mới ăn.

Ngoài việc định kỳ tự nguyện chịu khổ, theo các nhà Khắc kỷ, chúng ta cũng nên định kỳ bỏ qua cơ hội hưởng thụ lạc thú. Vì lạc thú có một mặt tối. 

Chúng ta nên tránh những loại lạc thú có thể chế ngự chúng ta chỉ sau một lần trải nghiệm, ví dụ như ma túy. Thỉnh thoảng nên cố gắng tiết chế cả những lạc thú tương đối vô hại, vì chúng ta có thể học cách kiểm soát bản thân. Kiểm soát bản thân sẽ là một năng lực quan trọng cần có. Nếu thiếu khả năng kiểm soát bản thân, chúng ta sẽ rất dễ bị phân tâm trước nhiều loại lạc thú trong cuộc sống, khi đó chúng ta khó lòng đạt được những mục tiêu trong triết lý sống của mình. Nếu có mục tiêu là có một cơ thể săn chắc nhưng ta không kiềm chế được việc ăn đồ ngọt và dầu mỡ thì ta không thể đạt được mục tiêu. Nếu có mục tiêu là nói được tiếng Anh nhưng ta không vượt qua được cơn lười biếng của bản thân thì không thể nào đạt được mục tiêu.

Theo Marcus, nếu không thể cưỡng lại lạc thú thì rốt cuộc chúng ta sẽ trở thành nô lệ.

Chẳng có gì sai khi chúng ta tận hưởng những vui thú đến từ tình bạn, cuộc sống gia đình, một bữa ăn hoặc thậm chí là sự giàu sang, nhưng họ khuyên chúng ta thận trọng khi tận hưởng những thứ đó. Có một ranh giới mong manh giữa việc thưởng thức một bữa ăn và việc sa vào tình trạng tham ăn.

Theo tác giả, kỹ thuật tự tiết chế bản thân ở chương này chắc chắn là khó thực hành nhất. Một người mới thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ phải huy động toàn bộ sức mạnh ý chí để thực hiện những điều như vậy. Tuy nhiên, các nhà Khắc kỷ khám phá ra rằng sức mạnh ý chí cũng giống như sức mạnh cơ bắp: càng rèn luyện cơ bắp, họ càng trở nên khỏe hơn, và càng rèn luyện ý chí, họ càng trở nên kiên định hơn. Bằng cách thực hành kỹ thuật tự tiết chế trong một thời gian dài, những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ có thể biến đổi bản thân thành những cá nhân nổi bật về dũng khí và khả năng tự chủ. Họ có thể làm những việc mà người khác khiếp sợ không dám làm, cũng như hạn chế làm những việc mà người khác không thể cưỡng lại. Kết quả là họ sẽ hoàn toàn kiểm soát được bản thân. Khả năng kiểm soát bản thân này giúp họ dễ đạt được những mục tiêu trong triết lý sống của mình, và điều này lại giúp họ tăng đáng kể cơ hội có được một cuộc sống tốt đẹp.

Thực hành kiểm soát bản thân đòi hỏi nhiều tâm sức. Thế nhưng, việc không thực hành kiểm soát bản thân cũng làm hao tổn tâm sức. Musonius nói rằng, hãy nghĩ đến toàn bộ thời gian và năng lượng người ta tiêu tốn cho những cuộc tình vụng trộm mà họ sẽ không dính vào nếu kiểm soát được bản thân.

Các nhà Khắc kỷ sẽ chỉ ra rằng việc thực hành kiểm soát bản thân cũng mang lại những lợi ích nhất định tuy có thể không rõ ràng. Nhất là việc chủ động kiêng khem lạc thú, tự thân nó cũng có thể mang lại cảm giác dễ chịu.

5. Suy ngẫm - Quan sát bản thân thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ

Để tiến bộ trong việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, Seneca khuyên chúng ta định kỳ suy ngẫm về những sự kiện trong cuộc sống thường ngày, cách chúng ta đã phản ứng với những sự kiện đó, và cách chúng ta nên phản ứng với chúng dựa theo nguyên tắc Khắc kỷ.

Ngoài việc chiêm nghiệm về các sự kiện trong ngày, chúng ta có thể dành một phần thời gian thực hành suy ngẫm để tự kiểm kê bản thân. Chúng ta có đang thực hành các kỹ thuật tâm lý được các nhà Khắc kỷ đề xuất không?

Một điều nữa có thể làm khi suy ngẫm là đánh giá sự tiến bộ của bản thân trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Có một số chỉ báo giúp chúng ta đo lường được sự tiến bộ này. 

  • Khi thấm nhuần chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng ta sẽ nhận thấy rằng mối quan hệ của mình với người khác đã thay đổi. Chúng ta sẽ nhận ra là mình không bị tổn thương khi người khác nói rằng chúng ta chẳng biết gì về những thứ bên ngoài và không tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta sẽ bỏ ngoài tai những lời lẽ xúc phạm và miệt thị của họ, cũng như mọi lời khen mà họ dành cho mình.
  • Chúng ta sẽ ngừng đổ lỗi, chê bai và khen ngợi người khác; sẽ thôi huênh hoang về bản thân và kiến thức của mình; sẽ nhận trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài khi những ước muốn của chúng ta gặp trở ngại.
  • Chúng ta sẽ thấy mình có ít ham muốn hơn trước, sẽ không xem bản thân là một người bạn cần được đáp ứng mọi ham muốn, mà là “một kẻ thù đang rình rập”. Khi đạt được tiến bộ trong quá trình thực hành, chúng ta sẽ không còn ngủ mơ thấy bản thân thỏa mãn những lạc thú đáng hổ thẹn nữa.
  • Một dấu hiệu nữa cho thấy sự tiến bộ là triết lý sống của chúng ta sẽ cốt ở hành động hơn là lời nói. Epictetus cho rằng khi thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng ta nên kín đáo để người khác không xem chúng ta là người Khắc kỷ.
  • Dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy chúng ta đang tiến bộ trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ là đời sống cảm xúc của chúng ta có sự thay đổi. Không phải là chúng ta sẽ trở nên vô cảm. Thay vì vậy, chúng ta sẽ thấy mình ít trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực hơn. Chúng ta cũng sẽ thấy mình ít dành thời gian mong ước mọi chuyện khác đi và dành nhiều thời gian tận hưởng mọi thứ trong hiện tại, dễ nhạy cảm trước những niềm vui nho nhỏ. Chung quy là chúng ta sẽ trải nghiệm một mức độ bình thản chưa từng có trước đây, sẽ cảm thấy hài lòng với con người hiện tại của mình.
---

Vừa rồi chúng ta đã đi qua 5 kỹ thuật tâm lý được chủ nghĩa Khắc kỷ sử dụng để đạt đến và duy trì sự bình thản, bao gồm:
  1. Tưởng tượng tiêu cực.
  2. Tập trung vào những thứ có thể kiểm soát hoàn toàn hoặc một phần và bỏ qua những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát.
  3. Tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ (tâm niệm rằng quá khứ không thể thay đổi) và tin vào thuyết vận mệnh về hiện tại (học cách bằng lòng với cuộc sống hiện tại).
  4. Tự tiết chế bản thân, thực hành định kỳ tự nguyện chịu khổ.
  5. Suy ngẫm. Quan sát bản thân thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ.
Tiếp theo, chúng ta sẽ đến với những lời khuyên của các nhà Khắc kỷ về các bổn phận, quan hệ xã hội, cách đối diện với các cảm xúc tiêu cực như giận dữ, bị xúc phạm, đau buồn, cách lựa chọn các giá trị sống đúng đắn,...

---

Phần 3: Lời khuyên của các nhà Khắc kỷ 

1. Lời khuyên của các nhà Khắc kỷ về Bổn phận - Về tình yêu thương nhân loại

Người khác là khởi nguồn của một số niềm vui lớn lao nhất trên đời, bao gồm tình yêu và tình bạn. Nhưng chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng họ chính là nguyên nhân gây ra hầu hết các cảm xúc tiêu cực mà chúng ta trải nghiệm. Những người thân thích gây rắc rối cho chúng ta với các vấn đề của họ. Lời lẽ miệt thị của cấp trên có thể phá hỏng một ngày của chúng ta, và sự kém cỏi của đồng nghiệp có thể khiến chúng ta căng thăng bởi phải gánh vác nhiều việc hơn. Bạn bè có thể ngó lơ không mời chúng ta dự tiệc và do đó làm chúng ta cảm thấy bị xem thường. 

Ngay cả khi người khác không làm gì chúng ta, họ vẫn có thể phá vỡ sự bình thản của chúng ta. Chúng ta thường muốn người khác - bạn bè, người thân, hàng xóm, đồng nghiệp và thậm chí những người hoàn toàn xa lạ - nghĩ tốt về mình. Do đó, chúng ta dành thời gian và năng lượng để cố gắng ăn vận trang phục đúng, lái chiếc xe đúng, sống trong căn nhà đúng ở khu dân cư đúng,... Tuy nhiên, những cố gắng đó kéo theo một mức độ lo lắng nhất định: Chúng ta sợ rằng mình sẽ đưa ra những lựa chọn sai và khiến người khác nghĩ xấu về mình.

Để chi trả cho những bộ quần áo, xe cộ và nhà cửa được xã hội ngưỡng mộ, chúng ta phải làm việc kiếm tiền và ắt hẳn sẽ có những mối lo liên quan đến công việc.

Các nhà Khắc kỷ đề cao sự bình thản và hiểu rõ người khác có sức mạnh phá vỡ sự bình thản của chúng ta, nhưng họ không khuyên chúng ta sống cuộc đời ẩn dật. Con người về bản chất là động vật có tập tính xã hội, do đó chúng ta có bổn phận hình thành và duy trì mối quan hệ với người khác, bất chấp những rắc rối mà họ có thể gây ra cho chúng ta. 

Theo Marcus, chức năng của một con người là làm bổn phận của con người. Theo các nhà Khắc kỷ, chức năng chính của chúng ta là sống có lý trí, chúng ta được thiết kế để sống cùng người khác và tương tác với họ theo cách có lợi cho đôi bên. Một người thực hiện tốt chức năng của con người sẽ vừa có lý trí vừa có tính xã hội. Trong mọi việc tôi làm, tôi phải xem việc “phụng sự và hòa hợp với mọi người” là mục tiêu của mình. Hay nói đúng hơn, “tôi phải làm những điều tốt đẹp cho đồng loại và khoan dung với họ”. Marcus khuyên chúng ta kiên định thực hiện các bổn phận mà con người được tạo ra để thực hiện. Khi thức dậy vào buổi sáng, thay vì lười nhác nằm trên giường, chúng ta nên tự nhủ rằng chúng ta phải dậy để làm công việc chân chính của con người, công việc mà chúng ta được tạo ra để thực hiện.

Chúng ta không thể cứ thế tránh xa những người phiền toái, mặc dù làm vậy sẽ khiến cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn. Chúng ta cũng không thể đầu hàng những người phiền toái này để tránh xích mích. Thay vào đó, chúng ta nên đương đầu với họ và làm việc vì lợi ích chung. Chúng ta nên “thể hiện tình yêu thật lòng” với những người mà vận mệnh đã sắp đặt bên cạnh chúng ta.

Theo Marcus, nếu làm những việc mà mình được sinh ra để làm, chúng ta sẽ tận hưởng “niềm vui thực sự của một con người”. Việc thực hiện bổn phận xã hội của mình sẽ cho ông cơ hội tốt nhất để có được một cuộc sống tốt đẹp.

Đối với nhiều độc giả, họ sẽ khăng khăng rằng: Thay vì dành cả đời để làm những việc cần phải làm, chúng ta nên dành thời gian đó để làm những việc mình muốn làm. Nhưng, việc dành những tháng ngày đời mình để có được bất kể điều gì mà chúng ta nghĩ là bản thân mong muốn khó lòng mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc hay sự bình thản.

2. Lời khuyên của các nhà Khắc kỷ về Quan hệ xã hội - Về việc ứng xử với người khác

Các nhà Khắc kỷ cho rằng chúng ta không thể kén chọn trong việc thực hiện bổn phận xã hội. Sẽ có lúc vì lợi ích chung, chúng ta buộc phải tiếp xúc với những kẻ phiền toái, lầm lạc hoặc hiểm độc. Tuy nhiên, chúng ta có thể lựa chọn người để kết bạn. 

Chúng ta tránh kết bạn với những người có giá trị sống sai lạc, nên kết bạn với những người có chung giá trị sống. Nên tránh xa những người hay than vãn, những người u sầu và bất mãn với mọi thứ. Chúng ta cũng nên chọn lọc những buổi tụ tập mà mình tham dự và thận trọng trong giao tiếp. 

Khi tiếp xúc với một người phiền toái, chúng ta hãy tâm niệm rằng chắc chắn cũng có những người cảm thấy chúng ta phiền toái. Nói chung, khi thấy bản thân đang bực bội vì những thiếu sót của một ai đó, chúng ta nên dừng lại để suy ngẫm về những thiếu sót của chính mình. Điều này sẽ giúp chúng ta thông cảm cho những lỗi lầm của người đó và khoan dung hơn với anh ta. Chúng ta cũng cần nhớ rằng sự bực bội của chúng ta đối với những việc anh ta làm sẽ luôn gây tổn hại cho chúng ta hơn bất kể điều gì mà anh ta đang làm.

Chúng ta cũng có thể giảm bớt tác động tiêu cực của người khác lên cuộc sống của mình bằng cách kiểm soát những ý nghĩ của chúng ta về họ, không nên uổng phí thời gian phỏng đoán xem hàng xóm của chúng ta đang làm gì, nói gì, nghĩ gì hoặc toan tính gì.

3. Lời khuyên của các nhà Khắc kỷ về việc vượt qua những hành vi xúc phạm

Các nhà Khắc kỷ nhận ra rằng thứ duy nhất ngăn cản con người đạt được và duy trì sự bình thản là những hành vi xúc phạm của người khác. Con người ta thường rất nhạy cảm đối với những hành vi xúc phạm. 

Đôi khi, người khác xúc phạm chúng ta một cách trực tiếp và thẳng thắn. Tuy nhiên, thường thì những hành vi xúc phạm của họ lại tinh vi và gián tiếp. Họ có thể chế giễu chúng ta, hoặc nhắc nhở chúng ta nhiều lần về một số thất bại trong quá khứ. Họ có thể đưa ra những lời khen nửa đùa nửa thật. Họ có thể xem nhẹ và không dành cho chúng ta đủ sự tôn trọng. Họ cũng có thể nói xấu chúng ta với người khác.

Trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, dần dà chúng ta sẽ không còn quan tâm đến ý kiến của người khác về mình. Chúng ta sẽ không sống nhằm đạt được sự chấp thuận hay tránh né sự phản đối của họ, và bởi chúng ta không quan tâm đến ý kiến của họ, chúng ta sẽ không cảm thấy đau đớn khi bị họ xúc phạm.

Một chiến lược quan trọng khi bị xúc phạm là hãy nhớ rằng chính chúng ta là nguyên nhân gây ra bất kỳ nỗi đau nào đi cùng với hành vi xúc phạm đó. Nếu thuyết phục bản thân rằng hành vi xúc phạm của một người không hề làm tổn hại chúng ta, thì hành vi xúc phạm của anh ta sẽ không còn khiến chúng ta khó chịu.

Khi bị xúc phạm, tốt nhất chúng ta nên đối diện với nó như thế nào? Các nhà Khắc kỷ khuyên thay vì phản ứng lại trước một hành vi xúc phạm, chúng ta nên yên lặng và bình tĩnh chịu đựng điều đã xảy ra. Sự không phản ứng của chúng ta có thể khiến kẻ xúc phạm thấy bối rối, người đó sẽ băn khoăn rằng liệu ta có hiểu lời xúc phạm của anh ta hay không. Hơn thế nữa, ta đã tước đi của anh ta niềm vui của việc được làm ta khó chịu, và anh ta vì thế sẽ trở nên bực bội.

Bằng việc không đáp lại kẻ xúc phạm, ta đã chỉ cho anh ta và bất kì ai đang theo dõi rằng ta đơn giản là không có thời gian cho những hành vi trẻ con của người này. Ta không chỉ không coi trọng anh ta, mà ta còn không hề quan tâm đến anh ta! Không có ai muốn bị phớt lờ cả, và kẻ xúc phạm kia dường như sẽ cảm thấy bị bẽ mặt bởi việc chúng ta không đáp lại anh ta.

Tuy nhiên, một số kẻ xúc phạm rất trì độn, không nhận ra rằng ta im lặng vì ta khinh thường họ. Thay vì bị bẽ mặt trước cách phản ứng của chúng ta, họ lại có thể bắt đầu tấn công ta bằng một chuỗi vô tận những lời lẽ xúc phạm. Vì vậy, đôi khi, chúng ta cần răn dạy hoặc trừng phạt những người đó. Nhưng cần phải nhớ rằng chúng ta đang trừng phạt kẻ xúc phạm không phải bởi vì họ đã cư xử tồi tệ với mình mà là để chấn chỉnh hành vi không đúng đắn của họ.

4. Lời khuyên của các nhà Khắc kỷ về việc vượt qua sự đau buồn bằng lý trí

Các nhà Khắc kỷ hiểu rõ rằng những cảm xúc như đau khổ là một phản xạ tự nhiên, nhưng nên đau khổ có chừng mực, phải cân bằng giữa sự lãnh đạm và điên rồ. “Hãy để cho nước mắt rơi, nhưng cũng hãy để cho chúng ngừng lại, hãy để cho tiếng thở dài nặng nề nhất phát ra từ lồng ngực anh, nhưng hãy để cho chúng đến hồi kết thúc.”

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà có quá nhiều khả năng khiến chúng ta đau buồn. Mặc dù loại bỏ đau khổ khỏi cuộc đời chúng ta là một việc bất khả thi, nhưng ta có thể thực hiện các bước để tối thiểu hóa mức độ đau khổ mà ta phải gánh chịu trong đời. 

Chiến lược hàng đầu của các nhà Khắc kỷ trong việc ngăn ngừa đau khổ là thực hành tưởng tượng tiêu cực. Bằng việc ngẫm nghĩ về cái chết của những người mà ta yêu thương, ta sẽ loại bỏ được cú sốc mà ta phải trải qua nếu họ qua đời; theo một nghĩa nào đó, ta sẽ lường trước được việc ấy. Hơn nữa, nếu ta suy ngẫm về cái chết của những người thân yêu, ta sẽ tận hưởng trọn vẹn mối quan hệ của mình với họ và vì thế, nếu họ có qua đời, ta sẽ không cảm thấy hối tiếc về tất cả những điều mà ta đáng lý ra có thể và nên làm cùng với họ và cho họ. 

Ngoài ra, ta có thể tưởng tượng tiêu cực hồi cứu. Nghĩa là, ta hình dung về việc chưa từng có được thứ mà ta đã mất. Ta có thể thay thế cảm giác hối tiếc của ta về việc mất đi một điều gì đó bằng cảm giác biết ơn vì đã từng có được nó.

Lý trí là thứ vũ khí tốt nhất mà chúng ta dùng để chống lại đau khổ. Chẳng hạn, ta có thể sử dụng lý lẽ để khỏi đau buồn quá mức. Ta sẽ dùng lý trí để phân tích: liệu người thân đã qua đời khiến ta cảm thấy đau khổ có muốn ta phải chịu dằn vặt vì nước mắt hay không. Nếu như người đó muốn ta phải đau khổ, vậy thì họ không hề xứng đáng với nước mắt của ta, vì thế mà ta nên dừng khóc, nếu như người đó không muốn ta phải đau khổ, vậy thì nếu ta yêu thương và tôn trọng họ, bổn phận của ta là phải ngừng khóc. 

Dù thế, trong trường hợp nỗi đau khổ tột cùng, cảm xúc đau đớn vẫn sẽ lấn át đầu óc của ta. Tuy vậy, nỗ lực lập luận của chúng ta vẫn có thể hữu ích. Nó có thể giúp ta hiểu ra được tâm trí của mình đã chịu khuất phục trước cảm xúc đến mức nào, điều đó khích lệ ta thực hiện các bước để khôi phục năng lực trí tuệ của mình.

Ngoài ra, hãy cẩn thận đừng để “nhiễm phải” nỗi đau của người khác. Ta có thể bày tỏ sự thông cảm với người khác và khóc than cùng người đó, nhưng không cho phép mình phải nếm trải đau khổ. Đau khổ là một cảm xúc tiêu cực và do đó ta nên tránh xa nó hết mức có thể. Nếu một người bạn đang đau khổ, mục tiêu của chúng ta nên là cố gắng hết sức để giúp cô ấy vượt qua nỗi đau của cô ấy. Nếu ta có thể thực hiện điều này bằng sự khóc than giả tạo, vậy thì ta hãy cứ làm như vậy. Vì nếu ta “nhiễm phải” nỗi đau của cô ấy, thì rốt cuộc, ta chẳng những không giúp được cho cô ấy mà còn tự làm đau mình nữa.

5. Lời khuyên của các nhà Khắc kỷ về Cơn giận - Vượt qua tâm thế phản đối niềm vui

Giận dữ là một cảm xúc tiêu cực có thể quấy nhiễu sự thanh thản của ta. “Không có tai họa nào gây tổn hại cho loài người hơn sự giận dữ.” Tất cả chúng ta đều sống trong một thế giới mà ở đó có quá nhiều thứ để cáu giận, nghĩa là nếu không học được cách kiểm soát cơn giận, thì lúc nào ta cũng phải mang trong mình cảm giác tức tối.

Khi ai đó làm điều sai quấy với ta, anh ta nên bị trừng phạt bằng “khuyên răn và vũ lực, khoan dung và đồng thời nghiêm khắc”. Tuy thế, những biện pháp trừng phạt này không nên được đưa ra trong cơn giận dữ. Chúng ta trừng phạt người khác không phải vì đó là quả báo cho những gì họ gây ra mà là cho lợi ích của chính họ, nhằm ngăn họ tái phạm. 

Khi giao tiếp với kiểu người nông cạn xúc phạm ta, việc trở nên giận dữ là vô lý, phá hỏng tâm trạng một ngày của ta. Hành động hợp lẽ hơn là giả bộ tức giận. Bằng cách này, ta có thể khiến người kia sửa đổi, đồng thời giảm thiểu tác hại đối với sự yên bình tâm trí của bản thân. 

Khi nhạy cảm quá mức, chúng ta sẽ rất dễ cảm thấy tức giận. Nếu ta quá nuông chiều bản thân, thì dường như ta chẳng chịu đựng nổi điều gì, và lý do không phải vì mọi việc quá khó khăn mà vì ta quá yếu mềm. Chúng ta nên đảm bảo rằng mình không bao giờ được cảm thấy quá thoải mái. Nếu ta nghiêm khắc với bản thân theo cách này, tâm trí ta sẽ ít bị xáo động vì tiếng ồn của người đầy tớ hay tiếng sập cửa, và từ đó cũng ít bực tức vì chúng hơn. Ta sẽ không quá nhạy cảm với những gì người khác nói hay làm, và ta cũng sẽ ít bị kích động vì những thứ “tầm thường vụn vặt”.

Nếu chúng ta không có khả năng kiểm soát cơn giận và phản ứng dữ dội lại với bất cứ ai chọc giận ta thì sao? Chúng ta nên xin lỗi, xin lỗi vì đã giận dữ. Cách làm này gần như có thể sửa chữa ngay lập tức thiệt hại về mặt xã hội mà cơn thịnh nộ của ta gây ra, giúp ta ngăn chặn những ám ảnh theo sau về cái khiến ta giận dữ. Và bằng cách thừa nhận lỗi lầm, ta giảm khả năng lặp lại nó trong tương lai.

6. Lời khuyên của các nhà Khắc kỷ về việc theo đuổi danh vọng

Các nhà Khắc kỷ cho rằng, con người không hạnh phúc phần lớn là do họ nhầm lẫn về điều gì là có giá trị. Bởi sự nhầm lẫn này mà họ dành những tháng ngày cuộc đời để theo đuổi những thứ, thay vì làm cho họ hạnh phúc, lại khiến họ lo lắng và khổ sở. Một trong những điều con người vì lầm tưởng mà theo đuổi là sự nổi tiếng. 

Epictetus tin rằng bạn sẽ sống ổn hơn rất nhiều nếu chẳng màng đến địa vị xã hội. Bạn sẽ không phải tốn thời gian để cầu cạnh người này người kia và cho họ quyền chế ngự bạn. Nếu tìm kiếm địa vị xã hội, chúng ta phải làm những việc có toan tính để khiến họ ngưỡng mộ ta, và chúng ta phải kiềm chế, tránh làm những việc khiến họ không hài lòng. Nếu muốn giữ lại sự tự do của mình, chúng ta phải cẩn thận trong quan hệ với người khác, dửng dưng trước những gì họ nghĩ về ta. Chúng ta thật dại dột khi cứ mải bận tâm về những gì người khác nghĩ về mình và đặc biệt ngu xuẩn khi tìm kiếm sự chấp thuận của những người mà ta bất đồng về giá trị sống. Mục tiêu của chúng ta nên là sống thờ ơ trước những quan điểm của kẻ khác về mình.

Đối với phần lớn mọi người thì đây là lời khuyên khó mà tuân theo. Vì đa số chúng ta đều bị ám ảnh bởi những ý kiến của kẻ khác về mình: Ta làm việc chăm chỉ, trước tiên là để nhận được sự thán phục từ người khác và sau đó là tránh đánh mất nó.

7. Lời khuyên của các nhà Khắc kỷ về việc sống cuộc sống xa hoa

Chúng ta theo đuổi giàu sang vì chúng ta nhận ra của cải vật chất có thể khiến mọi người thán phục ta và do đó trao cho chúng ta một mức độ nổi tiếng nhất định. Theo các nhà Khắc kỷ, tương tự như sự nổi tiếng, sự giàu sang cũng không đáng để theo đuổi.

Có một nguy cơ là nếu tiếp xúc với lối sống xa hoa, chúng ta sẽ đánh mất khả năng tận hưởng, vui thích trước những điều đơn giản của mình, chúng ta trở nên kén chọn hơn, đòi hỏi hơn, chi tiêu nhiều hơn cho những thứ xa xỉ. 

Khi con người trở nên khó thỏa mãn, thay vì đau buồn vì mất đi khả năng tận hưởng những điều đơn giản của mình, họ lại lấy làm tự hào về khả năng mới có - chỉ yêu thích “những gì tốt nhất”. Các nhà Khắc kỷ cố gắng tránh trở thành nạn nhân của lối sống sành điệu, duy trì khả năng tìm thấy nguồn vui ngay cả khi đang sống trong những điều kiện giản dị, thô sơ.

Musonius ủng hộ chế độ ăn đơn giản, không tốn nhiều thời gian chuẩn bị, bao gồm trái cây, rau xanh, sữa và phô mai, tránh ăn thịt. Nên chọn loại thức ăn để nuôi dưỡng cơ thể chứ không phải để ăn cho sướng miệng. Thay vì dành cả cuộc đời của ta để theo đuổi khoái lạc đến từ thức ăn, chúng ta nên ăn để sống. Tại sao Musonius tước đi những thứ tưởng chừng vô hại như thú vui ẩm thực? Vì ăn uống là điều chúng ta làm thường ngày, và càng thường xuyên bị cám dỗ bởi một điều khoái lạc, chúng ta càng dễ có nguy cơ bị chìm đắm trong nó. “Lạc thú liên quan đến ăn uống chắc chắn là thứ khó chống lại nhất trong tất cả lạc thú.”

Chúng ta cũng nên ăn mặc quần áo đơn giản, nhà cửa và nội thất đơn giản. Ăn mặc để bảo vệ cơ thể, chứ không phải để gây ấn tượng với mọi người. Ngôi nhà chỉ là một nơi để che mưa che nắng. Ngôi nhà đơn giản chỉ nên được trang bị đơn giản, để vừa rẻ, vừa đỡ bị trộm cắp.

Trải nghiệm sự xa hoa chỉ kích thích cho người ta thèm muốn nhiều xa hoa hơn nữa. Đấy là bởi vì ham muốn những thứ xa xỉ không phải là một ham muốn tự nhiên. Những ham muốn tự nhiên, ví dụ như muốn uống nước khi chúng ta khát, có thể được thỏa mãn; còn những ham muốn trái tự nhiên thì không thể thỏa mãn. Do đó, khi chúng ta thấy mình đang khao khát một điều gì đấy, chúng ta nên dừng lại để tự hỏi liệu ham muốn của ta là thuận tự nhiên hay trái tự nhiên, và nếu nó trái tự nhiên, ta nên nghĩ kỹ về việc thỏa mãn nó.

Nếu chúng ta từ bỏ cuộc sống xa hoa, chúng ta sẽ thấy các nhu cầu của bản thân đều khá dễ đáp ứng, những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống đều rẻ tiền và dễ dàng đạt được. Theo Seneca, mục tiêu tài chính của chúng ta là nên đạt được khối tài sản không ít đến mức rơi vào đói khổ, và cũng không quá xa với sự nghèo khổ.” Học cách kiềm chế sự xa hoa, nuôi dưỡng lối sống thanh đạm và “nhìn đói nghèo bằng đôi mắt không thành kiến”. 

Lòng tự trọng, đáng tin cậy, và tâm hồn cao thượng quý giá hơn sự giàu có, có nghĩa là nếu phương cách duy nhất để có được của cải là phải từ bỏ những phẩm chất cá nhân trên, chúng ta là kẻ ngốc khi theo đuổi giàu sang. Nên nhớ rằng một ai đó giàu có hơn những người khác không đồng nghĩa với kẻ ấy tốt hơn người khác.

Mặc dù không theo đuổi sự giàu có, một người Khắc kỷ vẫn có thể đạt được nó. Nhờ tập luyện Khắc kỷ, người ấy sẽ có tinh thần kỷ luật tự giác và chuyên tâm, giúp người ấy hoàn thành được những nhiệm vụ mà họ đề ra cho bản thân. Họ có thể giúp đỡ mọi người rất hiệu quả và nhờ đó mà được tưởng thưởng. Một người Khắc kỷ cũng vượt qua được sự thèm khát hàng tiêu dùng. Kết quả là, họ có thể chi tiêu ít đi và giữ lại được phần lớn thu nhập của mình, nhờ đó mà trở nên giàu có.

---

Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ 

Đầu tiên, bạn nên giữ bí mật chuyện bạn đang thực hành Khắc kỷ.

Tiếp theo, đừng cố gắng để thành thạo tất cả các kỹ thuật Khắc kỷ cùng một lúc mà hãy bắt đầu với một kỹ thuật và khi đã thành thạo nó thì mới chuyển sang kỹ thuật khác. Và theo tôi, một kỹ thuật tốt để bắt đầu thực hành là tưởng tượng tiêu cực, nó sẽ giúp bạn tăng lòng biết ơn và thay đổi cách nhìn của bạn về cuộc sống. Bạn có thể sẽ chấp nhận chính cuộc đời này, mà chỉ ít lâu trước đó bạn đã phàn nàn rằng cuộc đời này không đáng sống. Bên cạnh việc tưởng tượng tiêu cực để khiến chúng ta cảm kích sâu sắc đối với những thứ ta có, có thể giúp chúng ta tránh bám chấp vào những thứ mà ta trân quý.

Sau khi thành thạo về tưởng tượng tiêu cực, một người mới tập Khắc kỷ nên tiến tới trở thành người thành thạo trong việc ứng dụng sự tam phân quyền kiểm soát. Phân biệt giữa những thứ ta không thể kiểm soát, những thứ mà ta có toàn quyền kiểm soát, và những điều mà chúng ta chỉ có chút quyền kiểm soát chứ không thể kiểm soát hoàn toàn.

Nói chung là bạn sẽ lần lượt thực hành những kỹ thuật được tác giả đề cập đến trong cuốn "chủ nghĩa Khắc kỷ" này nhé.

---

KẾT

Sai lầm lớn nhất mà nhiều người mắc phải là hoàn toàn không có triết lý sống nào. Những người này đang dò dẫm lần mò để đi qua cuộc đời bằng cách làm theo những thúc giục của sự lập trình tiến hóa của họ, bằng cách vồn vã truy tìm những gì mang lại cảm giác khoái sướng và tránh xa những thứ gây khó chịu. Bằng cách này, họ có thể có một cuộc sống thoải mái hoặc thậm chí một cuộc đời đầy ắp lạc thú, nhưng không chắc sẽ có nhiều niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.

Lý do quan trọng nhất để có một triết lý sống là nếu ta thiếu nó, ta có nguy cơ sẽ sống lỗi - rằng chúng ta sẽ bỏ cả cuộc đời mình chạy theo những mục tiêu phù phiếm hoặc sẽ theo đuổi những mục tiêu đáng giá nhưng theo cách dại dột và vì thế không đạt được chúng. 

Khi nói đến các triết lý sống, không thể có một triết lý phù hợp cho tất cả mọi người. Riêng chủ nghĩa Khắc kỷ phù hợp cho những ai đang tìm kiếm sự bình thản.

Mặc dầu con người ta cần phải cố gắng để thực hành Khắc kỷ, nhưng việc không thực hành nó thậm chí sẽ còn tiêu tốn nhiều nỗ lực hơn. Có một triết lý sống có thể đơn giản hóa đáng kể cuộc sống hằng ngày. Nếu bạn đã có một triết lý sống thì việc đưa ra quyết định sẽ tương đối đơn giản, bạn sẽ chọn một thứ (phù hợp nhất) có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu được đề ra bởi triết lý sống của bạn. Khi thiếu một triết lý sống, thì ngay cả những lựa chọn tương đối đơn giản cũng có thể trở thành cuộc khủng hoảng ý nghĩa cuộc sống. Bạn khó mà biết nên chọn cái gì khi thực sự không chắc chắn về điều mình muốn. 

Tóm lại, chủ nghĩa Khắc kỷ cho ta biết những thứ gì trong cuộc sống là đáng hoặc chẳng đáng theo đuổi, cụ thể, các nhà Khắc kỷ xem sự bình thản là đáng để theo đuổi, và họ  hướng dẫn chúng ta các kỹ thuật để ít trải nghiệm cảm xúc tiêu cực cũng như cách để ứng phó với những căng thẳng trong cuộc sống. Đồng thời, ta học được cách tận hưởng những niềm vui đơn giản, hài lòng với những thứ ta đang có, ta sẽ thấy cuộc đời có nhiều thứ để vui hưởng và cảm thấy biết ơn nhiều hơn. Ta có thể khám pha ra ta thích thú với con người mà mình đang là, sống cuộc đời mình đang sống, trong vũ trụ mà mình đang cư ngụ.

-

Xem video trên Youtube: https://youtu.be/dXfauOtJ_Xo 

Mua sách: https://shope.ee/7f1kVFubTN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét