Nội dung sách “Deep Work” có giá trị to lớn đối với cuộc sống của tôi (và có lẽ là của rất nhiều bạn đọc khác). Cuốn sách là tác nhân khiến tôi xóa các ứng dụng MXH như Facebook, Instagram, Tiktok, chuyển điện thoại sang chế độ “Không làm phiền” trong 2 tiếng mỗi tối để tập trung làm những việc đem lại giá trị cao, thay vì tán gẫu với người khác hay cập nhật thông tin trên mạng xã hội.
Trong cuốn sách này, tác giả Cal Newport giới thiệu một khái niệm mới có tên là “làm việc sâu”. Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với các bạn những hiểu biết của mình về “Deep Work”, làm việc sâu là gì, làm việc sâu đem lại những lợi ích gì và cách thực hiện như thế nào.
Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm
Làm việc sâu là gì?
Làm việc sâu là làm việc ở mức tập trung cao độ, hoàn toàn không bị phân tâm trong một khoảng thời gian dài để đạt được kết quả xuất sắc. Khi làm việc sâu, bạn hoàn toàn chú ý vào công việc mà không bị xao nhãng bởi các yếu tố bên ngoài như mạng xã hội hay những nhân tố khác.
Làm việc sâu giúp bạn hoàn thành công việc nhanh chóng và hiệu quả, tạo ra giá trị cao hơn.
Tại sao nên làm việc sâu?
Theo tác giả, trong nền kinh tế mới hiện nay với tác động cực kỳ lớn của công nghệ, đây là ba nhóm người sẽ có lợi thế đặc biệt:
Nhóm 1. Người có thể làm tốt và sáng tạo cùng máy móc thông minh. Đại loại là người giỏi công nghệ, có khả năng làm việc cùng công nghệ và dùng máy móc phức tạp để tạo ra thành quả có giá trị.
Ví dụ: Sam Altman, người sáng lập và giám đốc điều hành của OpenAI, tổ chức nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đã phát triển những công nghệ đột phá như ChatGPT, giúp làm thay đổi cách con người tương tác với máy móc.
Nhóm 2. Siêu sao - Người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Cho dù bạn ở lĩnh vực nào, chỉ cần bạn là người giỏi nhất, làm tốt nhất, bạn sẽ luôn có cơ hội việc làm và kiếm được nhiều tiền. Trong khi những người làng nhàng phía dưới phải rất chật vật kiếm việc và kiếm tiền.
Ví dụ: Trên các nền tảng freelance như Upwork và Fiverr, những freelancer giỏi nhất, có kỹ năng chuyên môn xuất sắc thường sẽ thu hút được phần lớn khách hàng và có thu nhập cao hơn. Họ trở thành những người được lựa chọn hàng đầu khi khách hàng tìm kiếm người làm freelance. Ngược lại, những freelancer không nổi bật, thiếu kinh nghiệm hoặc có hồ sơ công việc kém ấn tượng sẽ khó cạnh tranh được với các đối thủ giỏi hơn, họ rất vất vả để tìm được khách hàng và có thể phải giảm giá.
Nhóm 3. Chủ sở hữu - Người có thể tiếp cận vốn. Nói cụ thể hơn, đây là những người có tiền (vốn) để đầu tư vào các công nghệ mới.
Ví dụ: Peter Thiel, người sáng lập PayPal và là một trong những người đầu tiên đầu tư vào Facebook khi mua 10,2% cổ phần với giá 500.000 đô la vào tháng 8 năm 2004. Ông đã bán phần lớn cổ phần của mình tại Facebook với giá hơn 1 tỷ đô la vào năm 2012.
Đối với nhóm thứ ba, sẽ khá khó để chúng ta có thể gia nhập, đơn giản là vì chúng ta không có được nguồn vốn lớn như họ. Trong cuốn sách này, tác giả chủ yếu chia sẻ với chúng ta cách để gia nhập hai nhóm còn lại: Nhóm người giỏi làm việc với máy móc thông minh và Nhóm người là ngôi sao sáng trong lĩnh vực của mình.
Một trong những bí quyết để bạn gia nhập được “nhóm giỏi làm việc với máy móc thông minh” và “nhóm ngôi sao” là nắm được hai khả năng cốt lõi sau:
Thứ nhất, khả năng nhanh chóng nắm bắt những vấn đề khó. Cụ thể là bạn phải có một cái đầu có thể tiếp thu được những kiến thức khó và phức tạp (chẳng hạn như coding), không những thế bạn phải học cực nhanh và học liên tục bởi vì công nghệ thay đổi rất nhanh.
Thứ hai, khả năng tạo ra sản phẩm ở mức độ cao cấp cả về chất lượng và tốc độ. Bạn học giỏi, thuần thục kỹ năng thôi thì chưa đủ, bạn phải tạo ra được những kết quả hữu hình mà người khác có thể định giá được. Ví dụ nếu là một lập trình viên, ngoài việc biết lập trình, bạn còn phải tự tạo ra được một phần mềm gì đó hay ho, đáng giá.
Để rèn luyện được hai khả năng trên, bạn phải có khả năng làm việc sâu. Đó là một quá trình học hỏi một cách khoa học, tập trung và năng suất.
Một điều làm nên sự khác biệt giữa các chuyên gia và những người khác là sự thực hành có chủ đích nhằm nâng cao hiệu suất trong một lĩnh vực cụ thể. Malcolm Gladwell đã đề cập đến quy tắc 10000 giờ trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” (2008). Ông cho rằng để đạt được trình độ chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào, một cá nhân cần dành ít nhất 10.000 giờ luyện tập có chủ đích, toàn tâm toàn ý dồn sức vào một ý tưởng nào đó họ muốn nắm bắt hoặc một kỹ năng cụ thể. Bên cạnh đó còn phải liên tục đón nhận phản hồi để tinh chỉnh phương pháp của mình để đạt đến kết quả chính xác nhất, hiệu suất cao nhất. Ví dụ, Bill Gates bắt đầu lập trình từ khi còn là học sinh trung học và đã dành hàng nghìn giờ để rèn luyện kỹ năng lập trình, góp phần quan trọng vào thành công sau này của ông.
Tóm lại, để nhanh chóng học hỏi những vấn đề hóc búa và tạo ra sản phẩm xuất sắc, bạn phải tập trung cao độ, không được phân tâm kiểu cứ 10 phút làm việc thì lại kiểm tra hộp thư của mình. Để tập trung cao độ, bạn phải biết cách làm việc sâu.
Đến đây, bạn đã được biết tầm quan trọng to lớn của làm việc sâu nhưng…
Tại sao chúng ta thường khó làm việc sâu?
Tuy làm việc sâu đem lại nhiều giá trị to lớn như đã được đề cập ở trên, nhưng trạng thái làm việc sâu rất hiếm khi xuất hiện, vì các lý do sau:
Thứ nhất: Hiện nay các công ty rất chuộng không gian làm việc mở. Họ cho rằng như vậy thì nhân viên mới gắn kết, thoải mái trao đổi với nhau. (Mình thì thấy không gian mở gây phân tâm kinh khủng!)
Thứ hai: Sự bùng nổ của xu thế tin nhắn nhanh, chẳng hạn như trong các văn phòng ở VN rất thịnh hành các app nhắn tin như Zalo, Telegram, Skype,... Khi đi làm, chúng ta thường bị yêu cầu phải trả lời ngay khi có email hoặc tin nhắn, rất mất tập trung.
Thứ ba: Không đo lường được giá trị của làm việc sâu.
Trong các công xưởng, việc đo lường năng suất khá đơn giản. Chẳng hạn, trong một dây chuyền sản xuất giày, công nhân nào làm ra sản phẩm nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất nghĩa là có năng suất tốt. Nhưng ngày nay chúng ta chủ yếu làm việc trí óc trong văn phòng, năng suất là thứ rất mơ hồ để đo lường. Nếu chúng ta không có cái gì để đo lường năng suất, chúng ta dễ nghiêng về việc thực hiện những thứ dễ làm hơn (đi họp, check và trả lời email,...). Có rất nhiều người tin rằng bận rộn nghĩa là có năng suất cao.
Tóm lại, dù làm việc sâu giúp chúng ta có lợi thế cạnh tranh hơn trong nền kinh tế mới này, nhưng bối cảnh và thói quen của chúng ta khiến chúng ta không dễ gì để làm việc sâu. Trong phần sau của cuốn sách này, tác giả sẽ đưa ra những chiến lược và quy tắc để giúp chúng ta biến làm việc sâu thành một thói quen.
Các bước để làm việc sâu
Bước 1: Xác định kiểu làm việc sâu phù hợp với bản thân.
Tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, đặc điểm công việc và tính cách cá nhân, bạn sẽ chọn kiểu làm việc sâu phù hợp với bạn. Tác giả giới thiệu 4 kiểu sau đây:
Làm việc sâu theo kiểu hà khắc.
Những người thực hiện phương pháp này dành 100% thời gian của mình để theo đuổi mục tiêu chuyên môn đã được xác định rõ và có giá trị cao, hoàn toàn loại bỏ những thứ không có giá trị đối với chuyên môn ra khỏi cuộc sống.
Ví dụ như một nhà khoa học nổi tiếng không sử dụng email, nếu độc giả cần liên lạc, độc giả sẽ gửi thư qua đường bưu điện. Trợ lý của ông sẽ sàng lọc thư, nếu email nào có liên quan hoặc có việc khẩn cấp quan trọng thì trợ lý mới đưa thư đến cho ông.
Làm việc sâu vài ngày mỗi tuần, hoặc vài tháng mỗi năm.
Bạn phân chia thời gian thành hai phần: Một phần thời gian để theo đuổi sự chuyên sâu và một phần thời gian còn lại cho những việc khác.
Ví dụ: Trong một tuần, bạn dành 4 ngày làm việc sâu và 3 ngày còn lại thì tùy ý sử dụng. Trong một năm, một giáo sư Đại học có thể dồn hết lịch dạy học vào 3 kỳ, còn 1 kỳ hoàn toàn tập trung nghiên cứu.
Lưu ý: Kiểu làm việc này phù hợp với những người không bị ràng buộc với công ty, bởi vì không phải công ty nào cũng chấp nhận được chuyện không liên lạc được với bạn vài ngày trong tuần hoặc vài tháng mỗi năm :v
Làm việc sâu vài tiếng mỗi ngày.
Bạn sẽ duy trì làm việc sâu khoảng 1 đến 2 tiếng hàng ngày. Phương pháp này thường được áp dụng cho người vừa phải làm việc văn phòng, vừa muốn làm việc sâu. Tại vì nếu bạn làm việc cho một công ty thì sẽ rất khó để bạn biến mất vài ngày một tuần hoặc vài tháng một năm để làm việc sâu. Thậm chí trong 8 tiếng làm việc ở công ty, bạn cũng rất khó có được vài giờ liên tục để tập trung sâu. Bạn chỉ có thể tận dụng khoảng thời gian trước hoặc sau giờ đi làm để làm việc sâu.
Ví dụ: Bạn thức dậy lúc 5 giờ sáng. Làm việc sâu từ 5 giờ 30 đến 7 giờ 30, sau đó đến công ty để giải quyết các vấn đề ở công ty. Còn mình thì ngược lại, mình làm việc sâu từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 mỗi tối, sau khi đi làm về. Tùy nha.
Làm việc sâu kiểu nhà báo
Làm việc sâu ở mọi nơi có thể trong lịch trình của mình. Đây là phương pháp chỉ dành cho những người đã quen với làm việc sâu. Những người này có khả năng nhanh chóng chuyển đổi từ trạng thái làm việc hời hợt sang làm việc sâu.
Chẳng hạn như đang đi du lịch với công ty mà họ vẫn có thể tranh thủ 2 tiếng trong phòng khách sạn để viết một bài báo. Tác giả Cal Newport cũng là một người thực hiện được phương pháp này. Anh là một giáo sư làm việc toàn thời gian ở một trường Đại học, là tác giả sách và có hai con nhỏ. Khi con ngủ hoặc khi có một cuộc họp bị hủy bỏ, anh ấy sẽ tranh thủ làm việc.
Để tận dụng tối đa các phiên làm việc sâu, hãy xác định những yếu tố sau:
Bạn sẽ làm việc ở đâu và trong bao lâu. Thường thì mình sẽ làm việc sâu ở trong phòng làm việc của mình, trong 2 tiếng từ 20:30 đến 22:30 hàng ngày.
Bạn sẽ làm việc gì, làm như thế nào? Ví dụ, nếu hôm đó công việc của mình là đọc sách, mình sẽ phải đọc được 100 trang trong vòng 60 phút; nếu hôm đó công việc của mình là viết kịch bản cho video mới, mình sẽ phải viết được 400 từ trong 20 phút làm việc sâu.
Bạn sẽ hỗ trợ công việc của mình ra sao? Ví dụ, mình thường bắt đầu công việc buổi tối sau khi làm xong hết những việc như là tắm, giặt, đánh răng,... để có cảm giác “nếu làm xong việc là được ngủ luôn không phải làm gì khác nữa”, điều này giúp mình bước vào trạng thái làm việc một cách vui vẻ hơn.
Để làm việc sâu, bạn chỉ nên chọn ra những mục tiêu tối quan trọng để theo đuổi. Sau khi xác định mục tiêu, bạn cần phải đo lường được mức độ thành công của mình. Cụ thể, hãy đo lường số thời gian mà bạn đã làm việc sâu. Bạn nên đặt một chiếc đồng hồ đếm ngược trên bàn làm việc để biết được mình đã làm việc sâu được bao nhiêu lâu, và sau mỗi lần làm việc, hãy ghi lại số giờ đó vào một tấm bảng theo dõi. Khi nỗ lực làm việc sâu được thể hiện ra thành một thứ gì đó hữu hình, chúng ta thường có động lực hơn.
Để làm việc sâu hiệu quả hơn, chúng ta cũng cần phải có chiến lược nghỉ ngơi hợp lý. Vào cuối ngày làm việc, hãy ngừng lo lắng về công việc, không kiểm tra email, hãy cắt đứt hoàn toàn dòng suy nghĩ về công việc.
Lúc đọc đến đoạn này, mình nghĩ là cá nhân mình sẽ rất khó thực hiện chiến lược nghỉ ngơi mà tác giả đưa ra. Bởi vì mình thường có rất nhiều việc, không thể nào cứ đúng 6 giờ là ngừng làm việc hoặc ra khỏi công ty là ngừng nghĩ về công việc. Dường như biết trước được là sẽ có những nhân viên như mình nên tác giả đã viết thêm: “Nếu cần thêm thời gian, hãy kéo dài ngày làm việc của mình, nhưng sau khi ngừng làm việc, tâm trí bạn phải dành trọn vẹn cho việc thư giãn”. Tức là nếu mình chưa xong việc, mình vẫn có thể làm cho đến khi xong, muộn cũng được. Nhưng một khi đã xác định xong thì mình phải chấm dứt suy nghĩ về nó. Có như thế thì tâm trí mình mới hoàn toàn được nghỉ ngơi, hồi sức để hôm sau tiếp tục làm việc sâu.
Tác giả khuyên chúng ta tốt nhất là hãy dành thời gian để hòa mình vào thiên nhiên vì điều đó giúp cải thiện khả năng tập trung. Nếu quá khó để kiếm không gian thiên nhiên giữa đô thị chật chội, bạn có thể thay thế bằng các hoạt động khác tương tự chẳng hạn như trò chuyện với bạn bè, nghe nhạc khi nấu bữa tối, chơi với con, chạy bộ,...
Nói chung, một khi đã kết thúc công việc, bạn phải cam kết tuân thủ thói quen nghỉ ngơi nghiêm ngặt này.
Bước 2: Rèn sự tập trung, bắt đầu bằng việc chống lại các kích thích gây mất tập trung
Khi xếp hàng chờ mua một thứ gì đó hoặc ngồi đợi bạn ở quán cafe, chúng ta thường vô thức lấy smartphone ra lướt cho đỡ chán. Thói quen tưởng chừng vô hại này lại khiến chúng ta mất dần sự tập trung, và khi muốn tập trung thì rất khó. Mà điều cốt lõi của làm việc sâu là chúng ta phải tập trung được.
Để bắt đầu xây dựng thói quen làm việc sâu, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc tập chịu đựng sự buồn chán. Đừng có để cho bản thân cứ mỗi khi chờ đợi điều gì đó, chán chán thì lại lôi điện thoại ra lướt. Chúng ta phải lên lịch khi muốn dùng điện thoại, dùng internet, phải kiểm soát thời gian và hoàn cảnh sử dụng. Nếu đứng xếp hàng thấy chán quá thì có thể suy nghĩ về công việc hay quan sát xung quanh, nói chung cố gắng kiềm chế sử dụng điện thoại nếu chưa đến lịch. Đây là bước cơ bản đầu tiên để rèn luyện sự tập trung, bạn phải chống lại được các kích thích gây mất tập trung.
Trong cuộc sống, sẽ có khá nhiều lúc chúng ta phải làm gì đó nhưng không cần tập trung trí óc quá nhiều, chẳng hạn như đi bộ, lái xe, tắm, dắt chó đi dạo, ngồi trên phương tiện công cộng để đến công ty. Thay vì lãng phí khoảng thời gian này, chúng ta hãy tận dụng để suy ngẫm và giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, bạn cũng nên rèn luyện trí nhớ để cải thiện khả năng tập trung của mình. Có rất nhiều cách đơn giản để rèn trí nhớ, ví dụ như chơi Sudoku, giải ô chữ, cờ vua... Bạn có thể tìm hiểu thêm và chọn cho mình phương pháp phù hợp.
Bước 3: Từ bỏ các công cụ mạng xã hội
Tác giả dành hẳn một phần khá lớn của cuốn sách để thuyết phục người đọc rằng chúng ta phải giành lại quyền kiểm soát thời gian và sự chú ý của mình từ mạng xã hội.
Các mạng xã hội được tạo ra để khiến bạn bị nghiện, chúng kiếm tiền từ sự chú ý và thời gian của bạn, khiến bạn ngày càng khó tập trung vào những điều quan trọng. Nói một cách nghiêm trọng hơn, chúng sẽ hủy hoại tương lai bạn. Vì vậy, để tập trung sâu, trước tiên bạn phải kiểm soát được thời gian và sự chú ý của mình bằng cách thoát khỏi mạng xã hội.
Như mình đã chia sẻ ngay ở đầu, mình đã xóa app Facebook, Instagram, Tiktok khỏi điện thoại hơn một tháng nay và mình hoàn toàn ổn, nó không gây khó khăn như mình tưởng tượng.
Để có đủ động lực từ bỏ mạng xã hội, bạn hãy làm như sau:
Trước tiên, xác định các mục tiêu của bản thân (cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân).
Tiếp theo, xác định từ hai đến ba hoạt động quan trọng nhất giúp bạn đạt được mục tiêu này.
Cuối cùng, trả lời câu hỏi: Mạng xã hội có giúp bạn đạt được các mục tiêu đó hay không? Nếu câu trả lời là không, thì nghỉ xài mạng xã hội thôi bạn ơi.
Ví dụ 1
Mục tiêu của bạn: Nâng cao kỹ năng viết và xuất bản một cuốn sách trong vòng một năm.
Các hoạt động chính hỗ trợ mục tiêu này:
Viết ít nhất 500 từ mỗi ngày để duy trì thói quen và cải thiện phong cách viết.
Đọc sách và nghiên cứu tài liệu chuyên sâu để mở rộng kiến thức và nâng cao chất lượng nội dung.
❓ Mạng xã hội có giúp đạt được mục tiêu này không?
➡️ Không hề, vì thời gian lướt mạng xã hội có thể khiến bạn mất tập trung và giảm thời gian viết.
Ví dụ 2
Mục tiêu của bạn: Cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Các hoạt động chính hỗ trợ mục tiêu này:
Tập thể dục ít nhất 4 buổi/tuần để duy trì thể lực và sức khỏe.
Thiền và đọc sách mỗi ngày để giảm căng thẳng và tăng cường sự tập trung.
❓ Mạng xã hội có giúp đạt được mục tiêu này không?
➡️ Không, vì mạng xã hội gây mất tập trung và làm bạn trì hoãn các hoạt động quan trọng này.
Bước 4: Loại bỏ những thứ hời hợt
Việc hời hợt không hẳn là bạn làm một cách hời hợt, đó là những việc không yêu cầu cao về nhận thức và mức độ tập trung, không tạo ra nhiều giá trị mới và dễ bắt chước. Ví dụ: Kiểm tra email, tham gia các cuộc họp không cần thiết, đánh máy văn bản (hầu như ai cũng có thể đánh máy được),…
Lập kế hoạch cho từng phút trong ngày
Dùng một cuốn sổ ghi chép.
Ở bên trái trang, đánh thứ tự từ trên xuống các giờ trong ngày, bao gồm toàn bộ số giờ làm việc.
Hãy chia giờ làm việc thành các khối và ghi chú hoạt động cho từng khối. Ví dụ: Khối thời gian từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa để viết báo cáo gửi sếp. Hãy kẻ khung bao quanh các giờ này và viết “viết báo cáo” bên trong khung. Khối thời gian từ 13 giờ trưa đến 14 giờ chiều để tham gia một cuộc họp. Độ dài tối thiểu của một khối nên là 30 phút. Bạn có thể sắp xếp các nhiệm vụ tương tự thành các khối công việc chung hơn.
Khi lập kế hoạch theo ngày, không được bỏ qua bất kỳ phút nào.
Bạn có thể gặp chút rắc rối vì hai vấn đề: Một là ước tính nhầm, hai là bị gián đoạn bởi các nhiệm vụ mới bất ngờ xuất hiện. Bạn cứ bình tĩnh và sửa đổi các khối thời gian còn lại trong ngày. Mục tiêu của bạn không phải là gắn chặt vào một lịch trình nhất định bằng mọi giá, mà là cẩn trọng hết mức có thể với những gì bạn đang làm với thời gian của mình. Nếu không có kế hoạch, bạn sẽ dễ lãng phí thời gian vào những thứ tầm phào như email, mạng xã hội, lướt web…
–––
Tổng kết lại:
Nếu muốn có lợi thế trong nền kinh tế mới này, bạn cần có khả năng nhanh chóng nắm bắt những vấn đề khó và phức tạp, bên cạnh đó, phải có khả năng tạo ra sản phẩm cao cấp cả về chất lượng và tốc độ. Làm việc sâu sẽ giúp bạn rèn luyện được hai khả năng đó, tạo ra nhiều giá trị và sống một cuộc đời ý nghĩa. Tuy nhiên, trong một thế giới đầy rẫy các yếu tố gây phân tâm, bạn rất khó để làm việc sâu. Nếu muốn làm việc sâu, bạn phải nghiêm túc thực hiện các bước sau:
Bước 1: Xác định kiểu làm việc sâu phù hợp với bản thân.
Bước 2: Chống lại các kích thích gây mất tập trung. Nếu phải xếp hàng chờ thanh toán, đừng lôi điện thoại ra nghịch, thay vào đó hãy suy nghĩ.
Bước 3: Từ bỏ các công cụ mạng xã hội nếu việc sử dụng mạng xã hội không giúp bạn đạt được mục tiêu trong công việc và cuộc sống cá nhân.
Bước 4: Loại bỏ những thứ hời hợt bằng cách kiểm soát cách bạn sử dụng từng phút trong một ngày.
Tóm lại, Deep Work là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về việc phải loại bỏ sự hời hợt ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Đọc xong cuốn sách này, chúng ta sẽ thấy cuộc sống mình có nhiều thứ hời hợt, đặc biệt là mấy cái mạng xã hội và những buổi tụ tập nói chuyện tầm phào. Nếu chúng ta có thể loại bỏ những thứ đó ra khỏi cuộc sống, thì sẽ có đầy thời gian để theo đuổi những mục tiêu khác giá trị hơn, giúp nâng hạng trí não và đời sống của mình.
Để thực hiện thói quen làm việc sâu không hề dễ dàng, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp bạn có được một sự nghiệp thành công và cuộc sống ý nghĩa hơn. Nếu bạn muốn nâng cao năng suất và tận dụng tối đa tiềm năng của mình, Deep Work chính là một cuốn sách đáng đọc và áp dụng.
Mua sách "Deep Work": https://s.shopee.vn/7KiieUxLuQ
Xem video review sách: https://youtu.be/hwGW21QBlCQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét