Mình rất ít khi đọc tiểu thuyết, nhưng không hiểu sao lại đặc biệt dành thời gian và tình cảm cho cuốn "Khóc giữa Sài Gòn” này. Tính đến lần này hình như là mình đã đọc “Khóc giữa Sài Gòn” 4 lần, mỗi lần đọc lại có những cảm xúc khác nhau, càng lớn càng trải nhiều thì lại có những cảm giác thật hơn, thấm hơn, và đau hơn.
“Khóc giữa Sài Gòn” có nội dung xoay quanh 6 nhân vật chính: Nam, Phan, Tú, Mễ, Thụy và Ân. Mỗi con người một hoàn cảnh, một nghề nghiệp, một tính cách và số phận khác nhau, nhưng giữa họ có chung một điểm, là đều mang trong mình một nỗi đau nào đó rất đau, rất xót giữa Sài Gòn hoa lệ này.
Nam, một chàng gay dịu dàng, dễ thương và sống tình cảm, nhưng lại phải chịu sự mất mát quá lớn, quá sức chịu đựng đối với một thanh niên chỉ mới đôi mươi. Nam đã mất hết cả gia đình vì một vụ tai nạn, từ đó, để trốn tránh thực tại và cơn đau cùng cực và tự quy lỗi về bản thân, Nam chỉ còn biết đắm chìm trong tình dục, ma túy, rượu bia. Nam không để mình tỉnh táo, vì Nam không thể đối diện được với nỗi đau này. Nam còn tự tạo ra hoang tưởng, rằng gia đình mình vẫn còn sống, bằng cách Nam vẫn thường gọi điện thoại cho mẹ, về thăm nhà,.v.v..
Phan, một chàng trai tài giỏi, giàu có và thành đạt, có sở thích điều khiển người khác làm theo mưu tính của mình. Phan rời gia đình và từ bỏ cuộc sống ở Mỹ để trở về Việt Nam để tìm lại Nam, đưa Nam thoát khỏi vũng lầy sa đọa của ma túy, rượu và những cuộc tình buông thả, Phan đưa Nam về sống cùng mình và cho Nam một tình yêu hoàn hảo. Phan chọn nghề báo chí, cho đăng lên mạng những bài báo mang thông tin giả, có tính chất lan truyền mạnh mẽ với mục đích câu view, nhằm tăng doanh số cho tòa soạn, bất chấp đạo đức và lương tâm.
Tú, một thanh niên trẻ phải rời vùng quê nghèo khó, mang theo một gánh nặng trên vai là phải trả hết nợ nần cho gia đình vì làm ăn thua lỗ. Tú trở thành một con tốt trên bàn cờ của Phan, sự bất cần của Tú khiến Tú có những bài viết mang góc nhìn gai góc, trần trụi và thu hút được độc giả. Để trả nợ, Tú có thể bào lương tâm của mình ra mà bán, bẻ cong ngòi bút của mình chỉ vì tiền. Ngoài làm báo, Tú còn viết sách với bút danh “Chú Hề”, những cuốn sách viết về đàn bà rất thấm, rất thật, gây ngạc nhiên cho người đọc vì không ngờ rằng một chàng trai nào đó lại hiểu đàn bà đến thế.
Mễ, một chuyên viên tư vấn tâm lý giỏi, nhưng lại chất chứa đầy những vấn đề tâm lý riêng chẳng thể giải quyết. Một lần phá thai hồi còn trẻ đã trở thành nỗi ám ảnh và đau đớn không nguôi đối với Mễ, khiến Mễ luôn choàng tỉnh vào 4:30 mỗi sáng, toát mồ hôi trên giường, đó là giờ mà Mễ đã tỉnh dậy sau khi phải nhập viện cấp cứu vì uống thuốc phá thai để dứt đi sinh linh bé nhỏ chưa kịp tượng hình trong lòng mình. Kể từ ngày bỏ đứa con, Mễ cũng mất đi cảm giác khoái lạc mỗi lần ái ân. Mễ luôn cảm thấy cô đơn, Mễ không còn tin vào tình yêu chân thật từ bọn đàn ông. Mễ chỉ còn lại những cuộc tình một đêm mà không muốn (hay không thể) ràng buộc.
Thụy, một chàng trai trẻ măng, non choẹt, cùng quê với Tú, học xong cấp III thì "hết muốn ở quê và muốn đi đây đi đó coi người ta sống sao", nên Thụy tới Sài Gòn để kiếm việc. Thụy nhận công việc làm nhân viên mát-xa, đối tượng khách hàng là đàn ông, phần lớn là gay. Thụy không bao giờ “làm tới bến” để đáp ứng cho nhu cầu của khách hàng như đồng nghiệp khác, do vậy mà ít tiền hơn, nhưng khách hàng vẫn thích chọn Thụy, nên lương cũng gọi là khá. Thụy ở trọ chung một căn nhà với Ân.
Ân, một cô gái trẻ làm kế toán cho công ty gia đình, từ nhỏ đã luôn sống theo sự sắp đặt của gia đình, bị bệnh ám sợ xã hội nên không thể giao tiếp được một cách bình thường. Cuộc sống của Ân chủ yếu là ảo - trên mạng xã hội - nơi Ân đăng những tấm hình đẹp cùng vài câu caption hay ho để kiếm vài ngàn lượt thích và chia sẻ từ cộng đồng mạng.
Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch từng chia sẻ, khi viết “Khóc giữa Sài Gòn”, bản thân như có 6 nhân cách. Mỗi nhân vật là một nhân cách khác nhau của chính tác giả. Trong quá trình viết “Khóc giữa Sài Gòn”, tác giả thường xuyên uống rượu, hút thuốc, và mình đoán, cũng đắm chìm trong tình dục, còn có dùng ma túy hay không thì mình không chắc (Bởi nhân vật Nam trong tiểu thuyết thường xuyên sử dụng meth.ice - ma túy đá). Từng câu thoại, từng cảm xúc, từng cuộc ái ân, được tác giả mô tả chân thật, thật đến mức người đọc cảm giác như chỉ có người trong cuộc, người từng trải qua điều ấy rồi thì mới có thể lột tả chính xác được đến thế.
“Khóc giữa Sài Gòn” có lẽ phù hợp nhất với những người đã và đang sống tại Sài Gòn, hiểu và bị Sài Gòn mê hoặc, dù có phải sống lay lắt tại Sài Gòn cũng chấp nhận, miễn là còn được ở Sài Gòn. Dù là người giàu hay nghèo, dù sống trong căn hộ chung cư sang trọng giữa lòng thành phố hay trong mái nhà lụp xụp tại xóm nghèo ven sông, dù làm nghề gì, đọc “Khóc giữa Sài Gòn”, bạn luôn có thể tìm thấy được chính mình trong đó.
Mình rất nể khả năng xây dựng nhân vật của tác giả. Từng nhân vật được khắc họa rõ nét, từ ngoại hình, tính cách, đến nội tâm hay cảm xúc, khiến cho mình đọc hết cuốn sách vẫn còn nhớ rõ được các nhân vật mà không bị lẫn lộn hay mờ nhạt. Cốt truyện mạch lạc, rất thu hút, khó mà rời mắt ra khỏi trang sách đang đọc dở. Sách cũng thể hiện được phần nào sự tìm tòi và nghiên cứu kỹ lưỡng của tác giả về kiến thức tâm lý học, ví dụ như thuật thôi miên, một số phương pháp trị liệu tâm lý, chứng bệnh ám ảnh xã hội,... Bạn nào thích tìm hiểu tâm lý học thì đây cũng là một cuốn sách không nên bỏ qua.
“Khóc giữa Sài Gòn” có một cái kết đầy ám ảnh. Cái kết không hề có hậu cho tất cả các nhân vật. Cũng không buồn lắm, nhưng cảm thấy đời sao mà vô thường, nhẹ tênh.
Nam được Phan chăm sóc, cố gắng bù đắp tình thương và cho Nam một gia đình mới, nhưng với Nam thì chẳng có gì thay thế được gia đình của mình, chẳng một liệu pháp tâm lý nào chữa lành được nỗi đau của Nam. Cái chết là thứ duy nhất có thể giải thoát cho Nam.
Phan thích điều khiển truyền thông và người khác, nhưng lại bị sự vô lương điều khiển mình, để rồi đánh mất chính mình lúc nào không hay, và mất luôn cả Nam.
Tú chấp nhận phạm pháp vì muốn thoát nghèo nhanh chóng, nhưng rồi không thoát được lướt pháp luật.
Mễ bên ngoài tỏ ra mạnh mẽ và miệng luôn bảo không cần và không tin đàn ông, nhưng rồi lại chờ mãi một người đàn ông đã ra đi không biết ngày nào mới trở về.
Thụy chơ vơ và lạc lối trên con đường đi tìm bản ngã và xu hướng tính dục thật sự của mình.
Đọc “Khóc giữa Sài Gòn”, để được thấy và cảm nhận một Sài Gòn rất thô, rất thật, khi đắm chìm vào những nỗi đau của từng nhân vật, biết đâu ta tìm được chính mình, gọi tên được những cảm xúc mông lung mơ hồ trong tâm can. Trong “Khóc giữa Sài Gòn”, còn là những câu chuyện về văn hóa Sài Gòn qua lăng kính của Nguyễn Ngọc Thạch - một người trẻ sinh ra và lớn lên ở SG, đan xen đó là những bài học về đạo lý, những giằng xé về sự nhập nhằng giữa đúng - sai, giữa thiện - ác. Nói chung là, có dịp thì bạn đọc đi, biết đâu chạm được vào nỗi đau sâu thẳm nào đó mà bản thân đã cố phớt lờ bao lâu nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét