Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

[TED Talk] Andrew Solomon: Trầm cảm, những bí mật được sẻ chia

Chà, đây tiếp tục là một (trong những) chuỗi ngày kinh hoàng trong cuộc đời mình, ắt hẳn là mình đã rất quen với nó, vì nó cứ là những giai đoạn lặp đi lặp lại, kể từ khi mình ý thức được một thứ có tên là trầm cảm. Chỉ hơi khác so với mọi lần, lần này mình đang làm việc từ xa, xa nhà 3 tháng rưỡi, giãn cách xã hội nghiêm ngặt. "Trầm cảm", nghe có vẻ quen thuộc, nhưng không mấy ai hiểu rõ về nó. "Người bệnh trầm cảm", nghe có vẻ phổ biến, nhưng mấy ai biết người bệnh phải trải qua những gì. 


Trầm cảm là nguyên nhân gây khuyết tật hàng đầu trên thế giới. Vì là bệnh tâm thần nên nó khó hiểu hơn nhiều so với mấy thứ như mức cholesterol cao. Một nguyên nhân chính gây ra nhầm lẫn là sự khác biệt giữa trầm cảm và cảm giác chán nản. 

Hầu hết mọi người đều có lúc cảm thấy chán nản. Bị điểm kém, mất việc, cãi vã với ai đó, thậm chí là một ngày mưa cũng làm người ta thấy buồn buồn. Đôi khi không có gì tác động hết. Nó chỉ tự dưng xuất hiện. Rồi khi hoàn cảnh thay đổi những cảm xúc buồn chán đó biến mất. 

Trầm cảm lâm sàng lại là một vấn đề khác. Đó là rối loạn y học, và nó sẽ không biến mất như ý muốn của bạn. Nó kéo dài ít nhất trong 2 tuần liên tiếp, và ảnh hưởng lớn đến khả năng làm việc, vui chơi, hay yêu đương.

Trầm cảm có rất nhiều triệu chứng khác nhau: tâm trạng đi xuống, không còn hứng thú với một số việc bạn thường quan tâm, khẩu vị thay đổi cảm thấy vô dụng hay cảm giác tội lỗi quá mức, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, khả năng tập trung kém, bồn chồn hoặc chậm chạp, mất năng lượng, hay thường xuyên nghĩ đến hành vi tự sát. Nếu bạn có ít nhất 5 triệu chứng trên, thì theo hướng dẫn về tâm thần học, bạn có đủ điều kiện để được chẩn đoán trầm cảm.

Không chỉ có các triệu chứng hành vi, Trầm cảm còn có những biểu hiện thể chất bên trong não bộ.

Đầu tiên, có những thay đổi có thể nhìn thấy bằng mắt thường và qua X-quang. Sự thay đổi này bao gồm phần thùy trán và khối lượng vùng đồi thị nhỏ lại. Trong phạm vi vi mô, trầm cảm liên quan đến một vài thứ, chẳng hạn như: sự dẫn truyền bất thường hay sự cạn kiệt các chất dẫn truyền thần kinh nào đó, đặc biệt là serotonin, norepinephrine và dopamine, rối loạn nhịp sinh học hay những thay đổi cụ thể ở REM và những phần sóng chậm của chu kỳ ngủ, và những sự bất thường ở hormone như là cortisol cao và rối loạn hormone tuyến giáp. Nhưng các nhà thần kinh học vẫn chưa có bức tranh tổng thể về nguyên nhân gây ra sự trầm cảm. Nó có vẻ liên quan đến sự tương tác phức tạp giữa gene và môi trường, nhưng không có công cụ chẩn đoán nào có thể dự đoán chính xác căn bệnh này xuất hiện ở đâu và khi nào. Bởi vì các triệu chứng trầm cảm không thể nhìn thấy, nên khó nhận ra ai đó trông có vẻ ổn nhưng thực ra đang mắc bệnh.



Tình cờ thấy một bài phát biểu trên TED, mình đã dành cả nửa tiếng đồng hồ để xem rồi nghĩ là nó đáng để chia sẻ, như cái tiêu đề của video: "Trầm cảm, những bí mật được sẻ chia". Mình nghĩ mình nên để nguyên văn mà không bình luận gì thêm vào, nó vẫn giúp mình và mọi người có cái nhìn rõ ràng hơn về trầm cảm và không quá nặng thông tin học thuật.

Về tác giả: Andrew Solomon là một người viết (writer), anh viết về chính trị, văn hóa và tâm lý học. Bên cạnh đó, anh là giảng viên và Giáo sư Tâm lý học lâm sàng tại ĐH Columbia.


"Đối với tôi, tôi từng luôn nghĩ mình là người cứng rắn, là một trong những người sẽ sống sót nếu bị gửi tới một trại tập trung.

Năm 1991, tôi phải gánh chịu một loạt các mất mát. Mẹ tôi mất, tan vỡ tình yêu, tôi trở lại Mỹ sau nhiều năm sống ở nước ngoài, và tôi dễ dàng trải qua tất cả những biến cố đó."

Triệu chứng, biểu hiện của trầm cảm

Nhưng năm 1994, 3 năm sau, tôi thấy mình đang mất dần sự hứng thú với mọi thứ. Tôi không muốn làm những điều trước đây mình từng thích thú, mà không biết lý do tại sao. Đối lập với trầm cảm không phải là hạnh phúc, mà là sinh lực, và chính là sinh lực là thứ tôi đang mất dần vào thời điểm đó. Tất cả những thứ phải làm dường như quá sức. Tôi về nhà, và thấy nút đỏ nhấp nháy trên máy trả lời tự động thay vì hồi hộp muốn nghe tin từ bạn bè, tôi nghĩ, "Sao có nhiều người mình phải gọi lại đến vậy." Hoặc tôi sẽ quyết định mình nên ăn trưa, và rồi tôi nghĩ, ôi, lại phải lấy thức ăn ra, còn cho vào đĩa nữa chứ rồi còn cắt, nhai, và nuốt, và tôi thấy chuyện đó như cực hình với mình.

Và một trong những điều thường được đề cập trong các cuộc thảo luận về trầm cảm đó là, bạn biết điều đó thật ngớ ngẩn. Bạn biết điều mình đang trải qua thật ngớ ngẩn vô cùng. Bạn biết hầu hết mọi người đều xoay xở được vừa nghe tin nhắn vừa ăn trưa, tự sắp xếp để tắm táp, và mở cửa đi ra ngoài, đó là việc chả có gì quá sức, thế nhưng bạn lại cảm thấy nặng nề khổ sở và không sao tìm cách thoát ra được. Và rồi tôi bắt đầu thấy mình hoạt động ít dần, suy nghĩ ít dần, cảm nhận ít dần. Giống như người vô dụng.

Và rồi, nỗi lo âu xâm chiếm. Nếu bạn nói tôi sẽ bị trầm cảm vào tháng tới, tôi sẽ nói: "Miễn là biết sẽ hết vào tháng 11, tôi chịu được." Nhưng nếu bạn bảo tôi, "Bạn sẽ cực kỳ lo lắng trong tháng tới", tôi thà cắt đứt cổ tay còn hơn là chịu đựng nó. Tôi luôn cảm thấy thế, thấy như thể đang đi rồi bị trượt hoặc vấp ngã và mặt đất đâm sầm vào người, thường thì nó chỉ kéo dài một giây, nhưng đây, không, nó lại kéo dài 6 tháng. Đó là cảm giác lúc nào cũng sợ hãi nhưng lại không biết mình sợ cái gì. Và đó là lúc, tôi bắt đầu nghĩ, sao sống lại khổ sở đau đớn thế, và lý do duy nhất để không tự giết chính mình là vì không muốn làm đau người khác.

Và cuối cùng, một ngày nọ, tôi thức dậy và tôi nghĩ, hình như, mình đột quỵ rồi, vì tôi nằm trên giường, hoàn toàn không cử động được, nhìn cái điện thoại, nghĩ, "Không ổn rồi, phải cầu cứu thôi." nhưng tôi không thể nào với tay nhấc điện thoại lên và bấm số. Cuối cùng, sau 4 giờ nằm nhìn trân trân vào điện thoại, điện thoại reo, bằng cách nào đó, tôi nhấc được điện thoại lên, đó là cha tôi. Tôi nói: "Con đang nguy kịch. Cần làm cái gì ba ạ."

Ngày hôm sau, tôi bắt đầu uống thuốc và trị liệu. 

Tôi có hai lợi thế khi bước vào cuộc chiến. Thứ nhất tôi biết rằng, nói một cách khách quan, tôi có một cuộc đời tốt đẹp và nếu chỉ cần khỏe lên được thôi, sẽ có điều gì đó chờ tôi ở cuối con đường, điều gì đó đáng để sống. Và lợi thế thứ hai đó là tôi được chữa trị tốt

Nhưng tôi lại cứ trồi lên rồi lại tụt xuống, và lại cứ trồi lên, rồi lại tụt xuống, lên xuống thất thường, và cuối cùng hiểu ra rằng tôi sẽ phải sống dựa vào thuốc và trị liệu mãi mãi. Tôi băn khoăn: "Đây là vấn đề về hóa học, hay là vấn đề tâm lý? Bệnh này cần hóa trị hay là chữa trị tâm lý? Và tôi không thể nào tìm ra câu trả lời. Và rồi tôi hiểu ra rằng, thật ra, ta chẳng đủ tiến bộ trong cả hai lĩnh vực để giải thích tường tận mọi vấn đề. Chữa trị bằng hóa chất và chữa trị tâm lý, cả hai đều đóng vai trò nhất định, và tôi cũng nhận ra rằng trầm cảm là thứ gì đó được bện rất chặt rất sâu trong chúng ta, không thể nào tách rời nó khỏi tính cách và nhân cách của chúng ta.

Tôi muốn nói rằng: phương pháp chữa trị cho bệnh trầm cảm hiện rất kinh khủng. Chúng không hiệu quả cho lắm. Lại cực kỳ mắc tiền. Đi kèm với vô số tác dụng phụ. Chúng là một thảm họa. 

Trầm cảm là một khiếm khuyết trong tình yêu. Nếu bạn kết hôn với ai đó và nghĩ, "Nếu vợ mình mà chết, mình sẽ cưới người khác" thì đó chẳng phải là tình yêu mà hằng thân thuộc với ta. Chẳng có cái gọi là tình yêu nếu không có cảm nhận về mất mát, và cái bóng ma tuyệt vọng có thể là động cơ khiến càng thêm khắng khít gắn bó.

Có 3 điều con người ta hay bị nhầm lẫn: trầm cảm, đau thương và buồn bã.

Đau thương là phản ứng hiển lộ. Nếu qua một mất mát nào đó, bạn cảm thấy cực kỳ buồn bã, và rồi 6 tháng sau, bạn vẫn buồn vô cùng, nhưng dần hoạt động lại bình thường, đó chắc chắn là đau buồn, và chắc nó sẽ tự hết thôi, theo chừng mực nào đó. Nếu bạn phải chịu một mất mát vô cùng lớn, và cảm thấy kinh khủng, 6 tháng sau hầu như chẳng thể quay trở lại bình thường, đó chắc chắn là trầm cảm xuất phát từ những tình huống thảm khốc. Quỹ đạo này cho chúng ta thấy nhiều điều. Người ta cứ nghĩ trầm cảm là buồn. Thực ra, nó là rất rất rất buồn, quá nhiều đau thương, dù nguyên nhân có khi lại vô cùng nhỏ nhặt.

Khi tôi bắt đầu hiểu trầm cảm, và phỏng vấn những người đã từng mắc bệnh,

Tôi nhận thấy, có những người nhìn bề ngoài có vẻ như là bị trầm cảm tương đối nhẹ, tuy nhiên họ lại hoàn toàn bị bất lực do trầm cảm. Và có những người, qua lời lẽ mà họ mô tả, nghe như chịu trầm cảm nặng nhưng lại là những người có lúc đã có cuộc sống tốt đẹp giữa các giai đoạn trầm cảm. Và tôi bắt đầu tìm hiểu điều đã làm cho một số người kiên cường hơn người khác. Cơ chế nào cho phép họ sống sót? Tôi đã phỏng vấn không biết bao nhiêu người từng bị trầm cảm.

Một trong những người đầu được phỏng vấn đã mô tả trầm cảm là cảm giác chết từ từ, may mà, tôi nghe điều này từ sớm bởi vì nó nhắc tôi rằng chết từ từ có thể dẫn tới cái chết thiệt, và đây là một vấn đề nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân lớn gây khuyết tật trên thế giới, người ta chết vì nó mỗi ngày.

Một trong những người tôi trò chuyện khi tôi cố tìm hiểu về điều này, là một người bạn dễ thương tôi đã biết lâu rồi, chị ấy đã có giai đoạn bị loạn thần trong năm đầu đại học, và rồi diễn biến thành trầm cảm rất tồi tệ. Chị ấy bị rối loạn lưỡng cực, hay khi ấy còn gọi là hưng-trầm cảm. Nhưng rồi chị ấy đã khá lên, nhờ dùng lithium và rồi cuối cùng, không còn uống lithium nữa, để xem không có thuốc sẽ thế nào, nhưng chị ấy đã bị loạn thần lại rồi sa sút tinh thần thành cơn trầm cảm nặng nhất tôi từng thấy. Khi ấy chị ngồi trong căn hộ của bố mẹ, trương căng lực, không động tĩnh, hết ngày này sang ngày khác. Vài năm sau, khi tôi phỏng vấn chị, chị đã là một nhà thơ và nhà tâm lí trị liệu tên là Maggie Robbins. Khi tôi phỏng vấn, chị nói: "Tôi đã hát bài "Hoa bay hết đi đâu" ('Where Have All The Flowers Gone') hát đi hát lại để chiếm lấy tâm trí mình. Tôi đã hát để xóa đi điều tâm trí mình đang nói: "Mày chả là gì cả Mày chả là ai, Mày thậm chí không đáng sống nữa." khi tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện tự sát."

Khi trầm cảm, người ta không nghĩ rằng mình đã mang lên một tấm mạng đen và nhìn thế giới qua lớp sương mù của những cảm xúc tiêu cực. Người ta nghĩ rằng, một tấm mạng đã bị cất đi, tấm mạng ấy là niềm hạnh phúc, và giờ đây, người ta phải nhìn mọi thứ trần trụi. Giúp đỡ người tâm thần phân liệt thì dễ hơn, vì họ biết có gì đó rất lạ ở trong mình, cần phải được xua đuổi đi, nhưng với người trầm cảm thì rất khó vì chúng ta tin là mình đang nhìn thấy sự thật.

Nhưng sự thật nói dối. Tôi bị ám ảnh bởi câu nói: "Nhưng sự thật nói dối."

Khi nói chuyện với người trầm cảm, tôi phát hiện ra họ có rất nhiều cảm nhận, tri giác ảo. 

Họ nói: "Không ai yêu tôi." Bạn nói: "Tôi yêu anh, vợ anh yêu anh mẹ anh yêu anh." Bạn có thể trả lời ngay như vậy, với hầu hết mọi người. Nhưng những người trầm cảm cũng nói: "Bất luận chúng ta làm gì, rồi cuối cùng cũng chết cả thôi." Hoặc nói: "Chả còn sự gắn kết thực sự giữa hai con người nữa đâu. Mỗi chúng ta bế tắc trong cơ thể của chính mình." 

Khi tôi chọn viết về trầm cảm, nhiều người hỏi chắc rất là khó để lộ mình ra cho người khác thấy. Họ hỏi: "Mỗi người kể với anh một khác không?" Tôi nói: "Vâng, họ kể khác nhau. Họ kể mỗi khác khi họ bắt đầu kể về kinh nghiệm của họ, về kinh nghiệm của chị em họ, hoặc bạn bè họ. Mọi thứ khác biệt bởi giờ tôi biết trầm cảm, đó là bí mật gia đình mà mỗi người có.

Thế rồi, người ta lại nói: "Trầm cảm phải chăng là một phần của những thứ ai cũng phải đi qua? Tiến hóa lên thì đi qua trầm cảm mà? Đó chẳng phải là một phần của nhân cách ư?" Tôi xin trả lời: tâm trạng có thể thích nghi. Biết chịu đựng nỗi sợ, nỗi buồn hay biết vui hưởng khoái lạc và xử lí tất cả các loại tâm trạng khác, là một điều quý giá. Trầm cảm diễn ra khi hệ thống bị hư hỏng, và không còn khả năng thích nghi.

Có một sự nghèo nàn trong Tiếng Anh, cũng như nhiều ngôn ngữ khác: chúng ta dùng cùng một chữ "trầm cảm" để mô tả tâm trạng của một đứa bé thấy trời mưa đúng hôm sinh nhật, và để tả tâm trạng của một người trước khi anh ta tự sát.

Người ta hỏi: "Trầm cảm diễn tiến theo nỗi buồn thông thường không?" Tôi trả lời rằng, về một mặt nào đó thì có. Có một độ tiếp diễn nhất định, cũng như có sự tiếp diễn giữa việc có một hàng rào sắt quanh nhà, hơi han gỉ, khiến bạn phải đánh giấy ráp và sơn lại, với việc bạn có một cái nhà trăm năm tuổi, với hàng rào sắt đã han gỉ hết, thành một đống bụi sắt. Và chính cái vết gỉ sét ấy, chính cái vấn đề han gỉ kia, là cái chúng ta đang bắt đầu xử lý.

Giờ có người hỏi: "Anh uống thuốc trợ thần, vậy anh thấy vui lên không?". Tôi không. Nhưng mặt khác, tôi không thấy buồn vì phải ăn trưa, tôi không buồn vì trả lời điện thoại, và không còn buồn khi nghĩ đến đi tắm. Tôi cảm thấy, mà thực ra, là tôi nghĩ, vì tôi cảm nhận được nỗi buồn khi không trống rỗng. Tôi có thể buồn vì thất vọng trong công việc, những mối quan hệ tan vỡ, trái đất nóng lên. Đó là những điều giờ đây khiến tôi buồn. 

Tôi tự hỏi, đâu là kết luận. Làm sao những người đã từng bị trầm cảm nặng có thể vượt lên, và có cuộc sống tốt đẹp hơn? Đâu là cơ chế giúp người ta dẻo dai về mặt tinh thần? Điều tôi nhận ra qua năm tháng là, những người chối bỏ kinh nghiệm của mình, những người nói rằng: "Tôi bị trầm cảm lâu rồi và không bao giờ muốn nghĩ về nó nữa, sẽ không bao giờ nhìn vào nó và chỉ tiếp tục sống đời mình thôi." Trớ trêu thay, chính là những người bị làm nô lệ cho thứ bệnh họ mang. Chối bỏ bệnh trầm cảm chỉ làm cho nó nặng thêm. Người ta càng lẩn tránh, nó càng phát triển. Còn những người khá lên là những người có thể chấp nhận rằng họ có bệnh. Người nào thừa nhận bị trầm cảm, người nấy trở nên dẻo dai về mặt tinh thần. 

Tôn trọng sự trầm cảm của người khác không ngăn được nó tái phát, nhưng có thể khiến nguy cơ của căn bệnh và bản thân căn bệnh, trở nên dễ chịu đựng hơn

Vấn đề ở đây không phải là tìm ra ý nghĩa và cho rằng trầm cảm có ý nghĩa lớn với cuộc đời mình. Vấn đề là tìm ra ý nghĩa của nó và khi nó trở lại, thì nghĩ rằng: "Quả này là địa ngục đây, nhưng ta sẽ học điều gì đó từ nó." Tôi đã học từ nỗi trầm cảm của chính mình rằng một cảm xúc có thể lớn đến chừng nào, rằng nó có thể thật hơn cả sự thật. Và tôi thấy rằng, kinh nghiệm ấy đã giúp tôi trải nghiệm những cảm xúc tích cực một cách sâu sắc hơn. 

Đối lập với trầm cảm không phải là niềm vui, mà là sức sống. Ngày nay, tôi phải sống, kể cả vào những ngày tôi buồn. Tôi nghĩ, dù mình ghét sự trầm cảm, và biết mình sẽ lại trầm cảm, tôi đã tìm được cách yêu nỗi trầm cảm. Tôi yêu nó, vì nó đã bắt tôi phải tìm và bám lấy niềm vui. Tôi yêu nó, vì mỗi ngày, mình quyết định, đôi khi, một cách hơi mạo hiểm, và đôi khi, một cách ngược đời, rằng mình phải bám vào những lẽ sống. Và tôi nghĩ, trầm cảm là hạnh phúc tôi vinh hạnh có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét