Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

[Review & Tóm Tắt] Tôi Đã Kiếm 2 Triệu Đô La Từ Thị Trường Chứng Khoán Như Thế Nào - Nicolas Darvas

Thị trường chứng khoán VN những năm gần đây rất sôi động, nhà nhà chơi chứng, người người chơi chứng. Mình dám cá trong số những bạn đang đọc bài này của mình cũng không ít bạn đã hoặc đang tham gia vào thị trường chứng khoán, bởi vì đó là lý do các bạn bấm vào đọc bài viết này =)) 

Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 9/2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt hơn 6,5 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,5% dân số. Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 2,3 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản). Biểu đồ dưới đây thể hiện số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới theo tháng, từ tháng 2/2018 đến tháng 9/2022.

Nguồn: https://vneconomy.vn/chung-khoan-ngay-cang-kho-so-tai-khoan-mo-moi-tiep-tuc-giam-manh-trong-thang-9.htm


Bản thân mình, một năm nay, sau khi tiếp xúc với các cuốn sách và các kênh Youtube về tài chính thì mình nhận ra một điểm chung là: họ đều khuyên nên tham gia vào thị trường chứng khoán, đây là một thị trường rất tiềm năng, là một bệ phóng giúp chúng ta đạt được những mục tiêu về tài chính nhanh hơn.

Vậy, để tham gia thị trường chứng khoán thì bắt đầu từ đâu? Nếu bạn cũng giống như mình, chân ướt chân ráo bước vào thị trường chứng khoán, bạn sẽ bị choáng ngợp giữa hàng ngàn cuốn sách, trang web, các thể loại app, kênh youtube dạy đầu tư. Mình không đủ thông minh sắc bén và càng không đủ kinh nghiệm trong đầu tư để có thể chỉ cho bạn biết nên làm thế nào và bắt đầu từ đâu. Nhưng mình sẽ giới thiệu đến các bạn hai cuốn sách có thể giúp ích cho hành trình này của bạn: 

Đầu tiên là cuốn "Nhà đầu tư thông minh" của Benjamin Graham, cuốn này mình đã review rồi và video đang được khá nhiều bạn yêu thích. Cuốn thứ hai mình sẽ review trong hôm nay: "Tôi đã kiếm 2.000.000$ từ thị trường chứng khoán như thế nào?" của tác giả Nicolas Darvas.

💫💫

"Tôi đã kiếm 2.000.000$ từ thị trường chứng khoán như thế nào?" 99% là dành cho Trader / những người đầu cơ / những người giao dịch mua bán cổ phiếu liên tục để thu về các khoản chênh lệch về giá trong ngắn hạn, cho nên những bạn nào thuộc nhóm "đầu tư dài hạn" và thích sự an toàn thì hãy cân nhắc trước khi đọc hoặc cân nhắc kỹ khi áp dụng các phương pháp trong cuốn này. Bởi vì những tư tưởng và cách thức làm của tác giả này có thể khiến các bạn bị rối trí, phân tâm, lung lạc tinh thần khi mà bạn đang chỉ muốn đầu tư lâu dài và an toàn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn khám phá và học hỏi một số phương pháp trade từ một người chỉ là tay ngang bước vào thị trường chứng khoán mà kiếm được 2 triệu đôla chỉ trong 18 tháng, thì hãy đọc hết nhé! (2 triệu đô la là ~49 tỷ đồng é)

Mình phải nói một điều lạ lùng về cuốn sách này: Là một cuốn sách tài chính nhưng cứ như một cuốn truyện phiêu lưu với những tình tiết gay cấn vậy, đọc mà cuốn hút và hồi hộp vãi! Từ đầu đến cuối sách là một hành trình dài và cam go của tác giả Nicolas Darvas, để đi đến kết quả là xây dựng được những phương pháp và tâm lý đúng đắn trong đầu tư, đem lại lợi nhuận hàng triệu đô la.

Và vì được viết như một cuốn hồi ký về một cuộc phiêu lưu mạo hiểm nên cuốn sách này không hề khô khan như các cuốn sách viết về tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng. Ngôn từ trong sách được tác giả sử dụng một cách đơn giản, dễ hiểu. 

Tóm lại, cuốn này rất hay, mình không dám chắc là phương pháp của Nicholas Darvas có đúng với thị trường chứng khoán mọi hoàn cảnh hay không, và có dễ áp dụng với bạn hay không, nhưng theo cảm nhận của mình thì ... cuốn sách này nó hay. Và bây giờ mình sẽ bắt đầu chứng minh cho bạn thấy nó hay như thế nào.

💫💫

Từ sàn nhảy đến sàn chứng khoán ...

Nicolas Darvas vốn là một vũ công. Tên thân mật của Darvas là Nick, từ giờ mình sẽ gọi vầy cho gọn. Tháng 11/1952, sau một buổi biểu diễn, Nick được thanh toán thù lao bằng 6000 cổ phiếu của công ty Brilund thay vì tiền mặt, lúc đó giá của mỗi cổ phiếu là 50 xu. Khi ấy, Nick còn chẳng biết đó là công ty nào, không biết gì về chứng khoán, ông rất ái ngại nên đề nghị nếu trong 6 tháng, giá cổ phiếu này xuống thấp hơn 50 xu thì họ sẽ phải thanh toán cho ông phần chênh lệch. Hai tháng sau, tình cờ ông biết giá cổ phiếu Brilund đã lên 1,90$, ông bán ngay lập tức và kiếm được khoản tiền lãi ~8000$. Từ đó, ông quyết tâm tham gia vào thị trường chứng khoán.

Những phương pháp đã được áp dụng và thất bại, và những bài học kinh nghiệm

Nhưng một kẻ tay ngang thì phải bắt đầu như thế nào? Làm thế nào để tìm được những cổ phiếu nên mua? Không thể chọn một cách ngẫu hứng. Bạn cần có thông tin. Mà làm thế nào để có thông tin? Nick bắt đầu hỏi tất cả những người ông gặp để tìm hiểu xem họ có biết thông tin gì về thị trường chứng khoán không. Sau đó ông mua những cổ phiếu mà mọi người khuyên, thậm chí cả những công ty mà ông không thể đánh vần nổi tên chúng, chẳng biết họ kinh doanh gì và ở đâu. Mất nhiều thời gian ông mới nhận ra đây là phương pháp không bao giờ hiệu quả, thật ngờ nghệch và thiếu hiểu biết.

Sau, ông tìm đến các nhà môi giới. Ông lại mua những cổ phiếu mà nhà môi giới nhận định đó là cổ phiếu tốt. Ông không hề biết đến những thứ như phí môi giới và thuế chuyển đổi. Bạn cần phải biết là trên thị trường chứng khoán, bạn càng thực hiện nhiều giao dịch mua bán trong thời gian càng ngắn thì những loại phí môi giới và thuế sẽ càng ăn mòn lợi nhuận của bạn. Trong giai đoạn này, Nick chỉ giao dịch theo linh cảm, mạo hiểm khờ dại và ngu ngốc. Ông thường có cảm tình đặc biệt với một số loại cổ phiếu, đôi khi vì đó là các cổ phiếu bạn bè khuyên mua, đôi khi vì chúng là cổ phiếu ông từng thu được lợi nhuận. Nhưng, những cổ phiếu yêu quý nhất lại gây ra cho ông những tổn thất nặng nề nhất. 

Sau một thời gian không thể trông đợi vào lời khuyên của người quen, bạn bè và các nhà môi giới, Nick chuyển sang đăng ký dịch vụ cung cấp thông tin tư vấn tài chính và tin rằng mình "nên làm theo những lời khuyên mang tính chuyên nghiệp này". Ban đầu, những bản tư vấn tài chính làm ông hài lòng và phấn khích. Chúng đơn giản hóa những suy đoán về thị trường chứng khoán và khiến mọi thứ nghe có vẻ rất nhanh và dễ dàng. Nhưng, hầu hết những cổ phiếu ông mua theo lời khuyên của họ đều bị xuống giá, khiến ông thua lỗ nhiều. Ông nhận ra: khi những nhà môi giới tài chính khuyên bạn mua một cổ phiếu nào đó, thì trước đó, dựa vào nguồn tin nội bộ họ đã bán chúng ra từ lâu.

Phân tích cơ bản

Cuối 1953, Nick trở lại New York, ông thấy hứng thú với thị trường này, nên dự định tiếp cận thị trường chứng khoán với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ càng hơn, do đó, ông gom 10.000$ và đặt cọc tại một công ty môi giới. Nhà môi giới gợi ý một vài cổ phiếu "an toàn", lúc này Nick vẫn không hiểu về sự tăng lợi tức, chia tách cổ phiếu và tăng lợi nhuận, nhưng ông hiểu "những lời khuyên đó mang tính chuyên nghiệp và có giá trị nhất". Điều ông không biết là, thực ra ông đang ở giữa một thị trường chứng khoán đầu cơ đang lên giá mạnh nhất mà thế giới từng chứng kiến, và thật dễ để kiếm lợi nhuận, trừ khi bạn là người cực kỳ thiếu may mắn. Nói tóm lại, lúc này Nick có lời là do ăn may.

Do đạt nhiều lợi nhuận, Nick ngày càng tham vọng hơn. Ông ra sức tìm kiếm một cổ phiếu tăng giá tốt như Brilund (cổ phiếu ban đầu ông chơi), ông gọi đó là "cổ phiếu giá rẻ". Nick đăng ký các tư vấn thị trường chứng khoán, họ cung cấp cho ông rất nhiều thông tin, họ rất đàng hoàng, họ nói cho ông mọi thứ ông muốn biết, trừ một điều họ không thể nói được, là cổ phiếu nào sẽ tăng giá giống như cổ phiếu của Brilund. Khi nhận các bản tin tư vấn, ông cũng nhận thấy chúng thường mâu thuẫn. Nhiều cổ phiếu được một công ty tư vấn khuyên mua vào thì lại được một công ty khác khuyên bán ra. Các gợi ý mập mờ. Sau khi tìm đọc rất nhiều bản tin thị trường và thực hiện nhiều thương vụ thua lỗ, ông vẫn không biết có thể mua những cổ phiếu rẻ ở đâu.

Sau đó, ông khám phá ra OTC - thị trường của những cổ phiếu không niêm yết. Đây là nơi giao dịch những chứng khoán của các công ty không tuân theo những quy định tài chính rất nghiêm ngặt của các sàn giao dịch chứng khoán, đồng nghĩa với việc giá bán của các cổ phiếu này có thể được thương lượng. Tuy nhiên, mặt trái là, mua dễ mà bán rất khó và hiếm khi bán được với giá đã mua. Bởi vì những chứng khoán này không có một luật lệ khắt khe về giá cả như đối với những chứng khoán được niêm yết, không có những chuyên gia và các nhà chuyên môn để đảm bảo cho thị trường liên tục và trật tự, không có báo cáo để ai đó có thể xem được những giao dịch đang diễn ra. Đây là một lĩnh vực đặc biệt và chỉ sinh lời cho những chuyên gia, những người biết điều gì đó về một công ty cụ thể. Túm váy lại là nếu bạn chỉ là tay mơ thì không nên tham gia thị trường này nhé.

Sau vài lần mua cổ phiếu dựa vào các tin đồn ở Phố Wall và lỗ chỏng vó, Nick cũng nhận ra: Những tin đồn ở Phố Wall không có căn cứ và nguy hiểm; không nên nghe theo những lời đồn đại, không cần biết chúng có vẻ chắc chắn đến mức nào đi nữa.

Để tránh những thao túng, Ủy ban giao dịch chứng khoán yêu cầu tất cả nhân viên và giám đốc của công ty phải báo cáo lại bất cứ khi nào họ mua hay bán cổ phiếu của chính công ty mình ➡ Nick nghĩ rằng tất cả những gì ông phải làm là làm theo họ. "Nếu họ đang mua, tôi cũng mua. Nếu họ đang bán, tôi cũng sẽ bán". Nhưng cách này cũng không hiệu quả. Bởi vì:

  • Khi ông biết được các giao dịch của những người trong công ty thì đã quá muộn.
  • Người nội bộ cũng chỉ là người, họ cũng giống những nhà đầu tư khác - thường mua quá muộn hoặc quá sớm. Họ có thể hiểu biết tất cả về công ty của mình nhưng họ lại không biết về thái độ của thị trường.

Một quy tắc khác của Darvas: Nên giữ một cổ phiếu đang lên trong một thời gian dài hơn là chạy theo một tá cổ phiếu trong một thời gian ngắn. 

Nhưng cổ phiếu nào sẽ tăng? Làm thế nào để tìm ra nó?

Nick chọn cách nghiên cứu và phân tích những bản báo cáo tài chính của công ty (lợi nhuận, lịch sử trả cổ tức, vị thế tài chính, tài sản, nợ, vốn hóa, tỷ số này tỷ số kia,...) để quyết định cổ phiếu đó có phải một sự đầu tư tốt hay không. Tuy nhiên, khi mọi thứ nhìn có vẻ hoàn hảo trên giấy, khi bảng cân đối kế toán có vẻ đúng, những triển vọng xán lạn, thì thị trường chứng khoán lại không bao giờ hoạt động tương ứng với những điều đó.

Vì vậy, Nick tìm đến một công ty chuyên cung cấp những số liệu về cổ phiếu và sắp xếp thứ tự mỗi cổ phiếu theo mức độ tương ứng về tính an toàn và giá trị. Cụ thể:

  • Những cổ phiếu Thượng Hạng trả cổ tức tương đối chắc chắn:

AAA - An toàn nhất

AA - An toàn

A - Vững chắc

  • Những cổ phiếu Đáng Để Đầu Tư thường trả cổ tức, gồm: 

BBB - Tốt nhất

BB - Tốt

B - Khá tốt

  • Những cổ phiếu Hạng Thấp Hơn, hiện đang trả cổ tức nhưng tương lai thì không chắc: 

CCC - Tốt nhất

CC - Triển vọng cổ tức tương đối tốt

C - Triển vọng cổ tức yếu

  • Những cổ phiếu Hạng Thấp Nhất gồm:

DDD - Không có triển vọng trả cổ tức

DD - Giá trị nhìn thấy thấp

D - Không có giá trị nhìn thấy 

➡ Không cần phải phân tích bảng cân đối kế toán và các nguồn thu của công ty nữa, chỉ cần so sánh: A tốt hơn B, C tốt hơn D.

Tiếp theo, Nick nhận thấy cổ phiếu cũng lập nhóm theo ngành (ngân hàng, bất động sản, du lịch, nông nghiệp,...). Những cổ phiếu trong cùng nhóm có xu hướng dao động giống nhau trong thị trường chứng khoán ➡ Cần tìm ra những nhóm ngành mạnh nhất rồi tìm ra công ty mạnh nhất trong nhóm đó rồi mua cổ phiếu của công ty đó và giữ chúng, một cổ phiếu lý tưởng như thế chắc chắn tăng giá. Ông rất tự tin vào phương pháp này, ông tin đó không phải trò đò đen, đó là sự nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên những số liệu phân tích không thể sai. Ông thế chấp tất cả tài sản của mình để đầu tư hết vào một mã cổ phiếu nhưng cổ phiếu đó rớt giá thê thảm và ông đã lỗ hơn 9 ngàn $ (năm 1955 - tương đương 10,078.66$ vào năm 2022 - gần 247 triệu đồng). Để vớt vát, ông chọn đại một cổ phiếu đang tăng giá để mua, hơn 1 tháng sau ông bán và kiếm lại được hơn 5 ngàn đôla (122 triệu đ). Ông tự hỏi, giá trị của việc nghiên cứu những báo cáo của một công ty, viễn cảnh của một ngành, những bảng xếp hạng, tỷ số P/E là gì??? 

Phân tích kỹ thuật

Lý thuyết hộp Darvas (Darvas Box Theory) - Phương pháp đem về cho Darvas 2 triệu đô la đầu tiên và hơn nữa

* Phần này trong sách không diễn giải cụ thể và dễ hiểu cho lắm, nên sau khi đọc sách xong thì mình vẫn phải lên mạng tự tìm hiểu thêm. Và những gì mình nói về lý thuyết hộp Darvas sau đây được mình tham khảo từ trang kienthucforex.com. Đây là một bài viết cực kỳ súc tích và dễ hiểu, đến cả một đứa tay mơ như mình còn hiểu được thì bạn yên tâm. Link: https://kienthucforex.com/darvas-box-theory-la-gi/ 

Nội dung lý thuyết Hộp Darvas

Khi cổ phiếu đang trong một xu hướng tăng, giá của nó sẽ không tăng liên tục và đột ngột mà nó sẽ quay trở lại ở những mức giá thấp hơn và dao động lên xuống khá ổn định trong một khoảng thời gian nhất định, giống như động tác cúi đầu của những vũ công để chuẩn bị cho những cú nhảy lên tốt hơn. Vùng giá mà cổ phiếu dao động lên xuống đó tạo thành chiếc hộp Darvas. Khi giá phá vỡ giới hạn trên của chiếc hộp này, nó sẽ đi vào phạm vi giao dịch của một chiếc hộp mới, ở một mức tăng mới. Ngược lại, nếu giá phá vỡ giới hạn dưới của chiếc hộp, nó sẽ đảo chiều xu hướng.

3 bước giao dịch theo Lý thuyết Hộp Darvas

Bước 1: Lựa chọn cổ phiếu

Nguyên tắc lựa chọn cổ phiếu của Darvas hoàn toàn theo phương pháp kỹ thuật, chỉ tập trung vào 2 yếu tố: giá cả và khối lượng. Ông lựa chọn những cổ phiếu có giá đang tăngkhối lượng giao dịch cũng tăng lên mà hoàn toàn không quan tâm đến những lý do của việc tăng giá này vì ông cho rằng tất cả những nguyên nhân sâu xa đó đều sẽ được thể hiện trong việc tăng giá và khối lượng nên chỉ cần nhìn thấy những sự tăng lên đó thì ông sẽ mua ngay mà không cần biết tại sao tăng.

Nhưng điều quan trọng ở đây là làm sao để phát hiện ra một cổ phiếu đang tăng giá hay nói cách khác là cổ phiếu đang trong một xu hướng tăng?

⇒ Nếu một cổ phiếu bình thường không dao động nhiều đột nhiên dao động mạnh thì đó sẽ là không bình thường. Và nếu nó tăng giá nữa thì ông sẽ mua nó. Vì ông cho rằng đằng sau những chuyển động không bình thường này có một nhóm người có thông tin tốt. 

Bước 2: Xây dựng hộp Darvas

Khi giá tăng lên mạnh và bắt đầu có những đợt điều chỉnh giảm rồi dao động lên xuống trong một phạm vi nhất định thì tiến hành vẽ hộp Darvas. Cạnh trên (hay giới hạn trên) của chiếc hộp sẽ đi qua mức giá cao nhất trong phạm vi dao động của giá; cạnh dưới hay giới hạn dưới của chiếc hộp sẽ đi qua mức giá thấp nhất trong phạm vi dao động đó. Các mức giá cao nhất và thấp nhất này không bị phá vỡ ít nhất là trong 3 ngày liên tiếp. 

Tùy thuộc vào mỗi cổ phiếu mà kích thước và thời gian dao động trong phạm vi của chiếc hộp Darvas sẽ khác nhau. Có cổ phiếu chỉ mất vài giờ để chuyển sang chiếc hộp khác nhưng cũng có những cổ phiếu mất đến vài ngày. Có cổ phiếu dao động trong những chiếc hộp rất hẹp nhưng cũng có cổ phiếu dao động với biên độ lớn, làm cho kích thước hộp tăng lên nhiều.

Bước 3: Giao dịch

Để biết chắc một cổ phiếu đang trong xu hướng tăng thì ít nhất phải hình thành được 2 hộp Darvas.

Khi giá phá vỡ cạnh trên của chiếc hộp thì vào lệnh Mua. Trong lịch sử giao dịch của mình, Darvas đã bỏ lỡ nhiều cơ hội vào lệnh với mức giá đẹp nên chiến lược mà ông sử dụng chính là đặt một lệnh mua tự động với mức giá cao hơn cạnh trên của chiếc hộp từ 1-2%. Khi thị trường đạt đến giá này, cổ phiếu này tự động được mua mà không cần phải bàn luận gì thêm, giúp ông không bỏ lỡ thời điểm quan trọng khi giá cổ phiếu chuyển sang hộp mới. 

Và để không bao giờ quá thua lỗ, Darvas dùng lệnh "chặn lỗ" tự động. Lệnh chặn lỗ sẽ được đặt ngay phía dưới của cạnh dưới từ 1-2% vì nếu giá phá vỡ cạnh dưới của hộp Darvas nghĩa là nó sẽ không thể tiếp tục tăng được nữa.


Khi giá tăng lên theo đúng như lý thuyết và hình thành chiếc hộp mới cao hơn thì dịch chuyển mức chặn lỗ lên gần cạnh dưới của chiếc hộp mới, cách cạnh dưới cũng từ 1-2% và tiếp tục đặt lệnh chờ mua thứ 2 tại cạnh trên của chiếc hộp mới và chặn lỗ theo cách thức tương tự lệnh thứ nhất. 

💥 Từ khi có Lý Thuyết Hộp này, Darvas đã lần lượt kiếm được nửa triệu đô la đầu tiên và cuốn sách khép lại khi Darvas đã kiếm được 2 triệu đô la từ thị trường chứng khoán. Quả là một cái kết có hậu sau một hành trình phiêu lưu đầy mạo hiểm và kịch tính!

Ngoài ra, còn một số kinh nghiệm khác từ Darvas:

  • Hầu hết các cổ phiếu đều chịu tác động của một chu kỳ chung trên thị trường. Những chu kỳ của thị trường giảm giá hay tăng giá thường tác động đến hầu hết cổ phiếu.
  • Trong thị trường chứng khoán, không gì là không thể. Một cổ phiếu có thể làm bất kỳ điều gì.
  • Lợi nhuận phải lớn hơn khoản phí môi giới.
  • Khi mua và bán bất kỳ cổ phiếu nào, hãy viết ra giấy những lý do cho hành động đó. Nếu có thua lỗ, hãy viết ra nguyên nhân dẫn đến điều đó và cố gắng không lặp lại lỗi tương tự.

💫💫

So sánh với "Nhà Đầu Tư Thông Minh" của Benjamin Graham

Cuốn này đối lập với cuốn "Nhà Đầu Tư Thông Minh" của Benjamin Graham. Ben thì theo phương pháp đầu tư giá trị - đầu tư dài hạn. Mỗi một khoản đầu tư sẽ cần phân tích chuyên sâu về giá cổ phiếu để đưa ra quyết định, nắm giữ cổ phiếu tối thiểu 5 năm và quan tâm đến giá trị thực của hàng hóa/công ty, còn kiểu mua rồi bán cổ phiếu trong ngắn hạn để ăn phần chênh lệch giá như Nicolas Darvas làm thì Ben chỉ gọi là đầu cơ (speculate) thôi, không phải đầu tư (invest). Darvas thì gọi những nhà đầu tư này là "nhà đầu tư bảo thủ", đây mới đích thị là những kẻ mạo hiểm, khi họ giữ một cổ phiếu liên tục giảm giá. "Người an toàn phải thoát thân khi cổ phiếu của mình giảm giá như vậy".  Để phân biệt sự khác nhau giữa đầu cơ và đầu tư, bạn có thể đọc thêm bài viết https://www.finhay.com.vn/dau-co-la-gi. Để hiểu rõ hơn về phương pháp đầu tư dài hạn của Benjamin Graham, bạn có thể đọc review của mình về cuốn sách "Nhà Đầu Tư Thông Minh" nhé. 

Nói chung thì chọn đầu tư theo cách nào là sự lựa chọn của bạn, miễn là nó phù hợp với tiềm lực tài chính, tính cách và hoàn cảnh của bạn mà thôi, không thể nói phương pháp của Benjamin Graham thì hay hơn Nicolas Darvas và ngược lại. Để xem bản thân mình phù hợp với kiểu đầu tư nào, bạn có thể đọc sách, đọc các bài viết hoặc xem các video có liên quan nhé 😉

KẾT

Tóm lại, cuốn sách "Tôi đã kiếm 2.000.000$ từ thị trường chứng khoán như thế nào?" của tác giả Nicolas Darvas là một cuốn sách vừa hay vừa dễ đọc trong số các cuốn sách viết về tài chính nói chung và về chứng khoán nói riêng. Mong rằng qua những nhận xét và đánh giá của mình về cuốn sách này sẽ giúp cho bạn dễ dàng đưa ra quyết định có nên tìm đọc cuốn này hay không. 

Và có một điều quan trọng, tác giả cũng nói rằng: "Giống như một người học lái xe, anh ta được dạy sử dụng chân ga, vô lăng và phanh, nhưng anh ta vẫn phải tự có cảm nhận thực thụ việc lái xe. Không ai bảo anh ta phải làm thế nào để biết được mình đang ở quá gần với chiếc xe phía trước hay khi nào nên đi chậm lại. Điều này chỉ có thể học từ thực tế". Tương tự, bạn có thể đọc rất nhiều kiến thức về đầu tư, nghe rất nhiều người chia sẻ về trải nghiệm và kinh nghiệm của họ trên thị trường chứng khoán, nhưng, sau tất cả, trên tất cả, bạn vẫn phải là người tự thực hành và trải nghiệm những điều đó để có thể tự đúc rút cho mình những bài học mà không có trong bất cứ quyển sách nào và có được những cảm giác không một ai có thể diễn đạt cho bạn hiểu khi tham gia thị trường chứng khoán.


Vậy nên hãy tạo cho mình những nguồn thu nhập thụ động, một trong số đó là đầu tư và đầu tư đi nhớ! Nhưng đầu tư từ đâu và vào đâu thì thực sự mình cũng không đủ thông minh và kinh nghiệm để chỉ dẫn cho bạn được. Hy vọng sau một thời gian nữa mình đã nghiên cứu tìm tòi và trải nghiệm thị trường chứng khoán đủ nhiều, mình sẽ có thể chia sẻ đến các bạn. Còn bây giờ thì bái bai

💫💫

Xem video trên Youtube: https://youtu.be/h2V8wP4quwI

Mua sách: https://shope.ee/2fcBysJcp7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét