Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

[Review sách] Tâm Lý Học Về Tiền - Morgan Housel

Kết thúc năm, mình lại được đọc thêm một cuốn sách về tài chính được viết một cách cô đọng, dễ hiểu và gần gũi: Tâm lý học về Tiền. Đây là cuốn sách được viết theo một kiểu rất cuốn hút và dễ đọc - kể chuyện. Ở mỗi phần, tác giả sẽ kể một câu chuyện thành công hoặc thất bại của ai đó trong việc sử dụng tiền, sau đó lồng ghép vào đó những bài học kinh nghiệm hoặc các nguyên tắc về tài chính. Tác giả có cách dẫn dắt và kết nối những câu chuyện rất tài tình, khiến cho người đọc khó mà dứt ra được khỏi trang sách, phải đọc nữa, đọc nữa đến khi hết chương thì mới thôi.

Mình cực kỳ nể phục tác giả về khả năng tổng hợp và khái quát hóa rất nhiều thông tin lịch sử - chính trị - kinh tế để từ đó đúc rút ra được những bài học vô cùng giá trị về tiền. Bên cạnh đó, mình cũng cảm nhận được sự thông thái, điềm đạm, chân thành và khiêm nhường của ông, từ đó mình càng thêm yêu mến ông và tin tưởng những gì ông viết. "Tâm lý học về Tiền" mang đến cho chúng ta những góc nhìn hoàn toàn mới mẻ về cách mà thế giới tài chính vận hành qua hàng thập kỷ, cách mà chúng ta sử dụng tiền của mình, bạn sẽ hiểu tại sao bạn biết điều đó là tốt cho sức khỏe tài chính của bản thân nhưng bạn cũng sẽ không làm hoặc không làm được.

Bìa sách thì mình cực kỳ mê luôn, đơn giản nhưng rất đẹp.

Điều quan trọng nhất mình nhận được từ cuốn "Tâm lý học về Tiền" này là: Quản lý tài chính là một kỹ năng mềm và Kết quả tài chính được định hướng bởi sự may mắn. Có nghĩa là, cho dù mình không xuất thân giàu có hay sở hữu một trí thông minh thiên bẩm, thì mình vẫn hoàn toàn có thể rèn luyện các kỹ năng quản lý tài chính và có được một kết quả tài chính tốt. Đi qua từng chương sách, mình càng thấy yên tâm về thông điệp này hơn và có đường hướng rõ ràng để phấn đấu cho mục tiêu tài chính cá nhân của mình.

Sau đây là những bài học quan trọng và bổ ích mình đúc rút được sau khi đọc "Tâm lý học về Tiền"

💫💫💫

Bài học 1: Mỗi người đến từ những thế hệ, những gia đình, những nền kinh tế khác nhau, có những trải nghiệm khác nhau về tiền bạc, nên cách mà mỗi người nghĩ về tiền và sử dụng tiền là hoàn toàn khác nhau, không một ai có thể hoàn toàn giống ai được. 

Ví dụ: Mình xuất thân từ một gia đình có kinh tế bình thường, chỉ đủ ăn đủ mặc. Do đó, khi trưởng thành và đã làm ra tiền, thì mình quyết định mua bảo hiểm nhân thọ bởi vì mình sợ trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình nếu lỡ mình gặp sự cố gì về sức khỏe hay tính mạng. Ngược lại, bạn mình xuất thân trong gia tộc giàu có, nếu nó thất nghiệp bố mẹ vẫn chu cấp, nếu lỡ bị bệnh hiểm nghèo thì toàn bộ dòng họ sẽ đứng ra lo cho, nên nó nói rằng không việc gì phải bỏ tiền ra làm lời cho bảo hiểm trong khi số tiền đó nó có thể dùng để mua vàng. 

Chỉ là một việc mua bảo hiểm nhân thọ, nhưng hai người cùng tuổi, cùng quê quán, xuất thân từ hai gia đình khác nhau, có tiềm lực tài chính khác nhau, đã có quan điểm khác nhau. Mình lúc đầu đã gân cổ lên bảo vệ quan điểm tại sao cần mua bảo hiểm, nhưng sau khi đọc được đoạn này trong sách thì mình không còn giải thích hay tranh cãi làm gì, vì mình đã biết là không ai có cách sử dụng tiền giống nhau, có rất nhiều điều tác động đến nhận thức và quan điểm của mỗi người về tiền.

Có rất nhiều điều chúng ta biết là đúng đắn, hợp lý, nên làm với đồng tiền của mình, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng làm được, ngược lại còn hay làm những điều điên rồ với tiền bạc, nhưng chúng ta không điên rồ. 

Bài học 2: Trên đời này luôn có may mắn và rủi ro

Không phải sự thành công nào cũng nhờ vào chăm chỉ, và không phải sự nghèo đói nào cũng do lười biếng. Hãy luôn ghi nhớ điều này khi đánh giá con người, kể cả bản thân mình. Không gì là tốt hay xấu như vẻ ngoài của nó.

Bài học 3: Hãy biết đủ. Hãy giữ cho sự kỳ vọng đừng tăng thêm nữa.

Nếu kỳ vọng tăng lên theo kết quả thì không lý gì cần phải nỗ lực thêm nữa, bởi bạn cũng sẽ vẫn có cảm giác tương tự sau khi dốc thêm sức lực mà thôi. Mọi việc trở nên nguy hiểm hơn khi cảm giác muốn có nhiều hơn - nhiều tiền hơn, nhiều quyền lực hơn, nhiều tiếng tăm hơn - làm tăng tham vọng nhanh hơn là sự thỏa mãn.

Bài học 4: Chìa khóa để đạt được sự đủ đầy và không phải chịu rủi ro đó là sự bền bỉ và im lặng chờ đợi.

Ai cũng biết Warren Buffet là một tỷ phú nhờ vào việc đầu tư. Vào năm 2020 - thời điểm tác giả viết cuốn sách này, giá trị tài sản ròng của Warren Buffet là 84,5 tỷ đô la. Ai cũng cho rằng ông thành công là nhờ tài năng đầu tư và ai cũng muốn tìm hiểu bí kíp ông đã chọn lựa cổ phiếu như thế nào. Nhưng không phải ai cũng biết, 50 tuổi ông mới trở thành tỷ phú, và không phải ai cũng để ý một sự thật đơn giản rằng Buffet đã tiến hành đầu tư ngay từ khi mới 11 tuổi và luôn miệt mài, kiên trì với các khoản đầu tư của mình qua hàng thập kỷ. Kỹ năng của ông là đầu tư, nhưng bí mật của ông lại là thời gian, là sự bền bỉ. Bạn biết phải làm gì rồi đấy. Hãy tiết kiệm và đầu tư càng sớm càng tốt, hãy bền bỉ và kiên trì chờ đợi.

Bài học 5: Kiếm tiền là một chuyện, giữ tiền lại là chuyện khác.

Kiếm tiền yêu cầu phải chấp nhận rủi ro, lạc quan và lao mình ra thị trường. Nhưng giữ tiền yêu cầu sự khiêm nhường và nỗi sợ rằng những gì bạn kiếm được có thể bị tước đi trong chớp mắt. Nó yêu cầu lối sống thanh đạm và biết chấp nhận rằng ít nhất một vài trong số những gì bạn đã kiếm được là nhờ sự may mắn, vì thế những thành công trong quá khứ sẽ không lặp lại vô hạn.

Tích lũy không phụ thuộc vào việc kiếm được lợi nhuận lớn, mà là duy trì lợi nhuận liên tục trong một thời gian dài - đặc biệt trong những lúc hỗn loạn và nguy hiểm.

Bạn có thể tin rằng quỹ đạo tăng trưởng về lâu dài có chiều hướng đi lên và về phía đúng đắn, nhưng cũng chắc chắn rằng con đường giữa hiện tại và tương lai đó trải đầy chông gai, và sẽ luôn như vậy.

Bài học 6: Bạn có thể mắc sai lầm hết phân nửa thời gian mà vẫn kiếm được bộn tiền, bởi vì có một vài sự kiện sau chót sẽ có tác động rất lớn đến kết quả.

Đến giữa thập kỷ 1930, Walt Disney đã sản xuất hơn 400 bộ phim hoạt hình. Nhưng "Bạch Tuyết và bảy chú lùn" đã làm thay đổi mọi thứ, làm biến đổi xưởng phim Disney. Toàn bộ số nợ của công ty được trả hết. Một giải thưởng Oscar biến Walt thành người của công chúng. Đến năm 1938, ông đã sản xuất vài trăm giờ phim, nhưng 83 phút của Bạch Tuyết mới là tất cả những gì quan trọng.

Vào năm 1958, một ai đó có thể thua lỗ vì đã mua hai chục mã cổ phiếu vớ vỉn không tiềm năng nào đó, nhưng chỉ cần trong danh mục đầu tư của người đó có nắm giữ 18.000 cổ phiếu Thiokol Chemical trong vòng 6 tháng, thì đã có khoản lợi nhuận 826.000 đô la. Đây chính là câu chuyện của nhà đầu tư kỳ tài Nicolas Darvas trong cuốn sách "Tôi Đã Kiếm 2 Triệu Đô La Từ Thị Trường Chứng Khoán Như Thế Nào". Link review tại đây.

Bài học 7: Điều khiến con người hạnh phúc nhất là cảm giác kiểm soát được cuộc sống của bản thân.

Kiểm soát được việc bạn muốn làm, khi bạn muốn, với người mà bạn yêu mến, là biến số lối sống rộng lớn nhất khiến con người hạnh phúc. Giá trị nội tại lớn nhất của tiền bạc chính là khả năng trao cho bạn sự kiểm soát thời gian.

Có một lượng tài sản nhỏ giúp bạn có thể nghỉ làm vài ngày để đi du lịch nhưng vẫn không bị tổn thất gì. Thêm một chút tài sản nữa giúp bạn có thể chờ đợi đến khi tìm được công việc mới tốt hơn thay vì phải chấp nhận bất cứ công việc nào bạn tìm thấy. Những năm 23, 24 tuổi, với mức lương 8 triệu chỉ đủ sống qua ngày, mình luôn phải vội vàng tìm đại một công việc nào đó rồi mới dám xin nghỉ việc ở công ty cũ dù chán đến tận cổ. Nhưng bây giờ, khi thu nhập của mình tốt hơn nhiều, mình có dư được một khoản tiền phòng bị để trang trải cho vài tháng thất nghiệp, thì mình có thể bình tĩnh đi tìm cho đến khi tìm được công việc mình hài lòng thì mới đi làm.

Có những lúc bạn đã được làm công việc mình khao khát từ lâu, nhưng thời gian làm việc quá gò bó hoặc phải làm việc 24/7 khiến bạn từ bỏ công việc bạn từng yêu thích. Làm điều bạn thích theo một lịch trình mà bạn không thể kiểm soát mang lại cảm giác tương tự như khi bạn làm điều mà bạn ghét vậy.

Cảm giác này được những nhà tâm lý học gọi là "điện kháng". Con người thích cảm giác rằng họ đang nắm quyền kiểm soát. Khi chúng ta cố gắng bảo họ làm điều gì đó, họ cảm thấy bị tước đi sức mạnh. Thay vì cảm thấy họ là người đưa ra lựa chọn, thì họ lại thấy như chúng ta chọn lựa cho họ. Vì thế họ nói không hoặc sẽ làm điều gì đó khác, ngay cả khi họ có thể vui vẻ làm theo ngay từ ban đầu.

Bạn có hiểu vì sao ngày nay con người ngày càng kiếm được nhiều tiền hơn nhưng lại thấy hạnh phúc hơn ngày xưa không? Ngày trước, việc lao động được thực hiện với đôi tay, ví dụ như lắp ráp, bốc vác, làm mộc, làm nông, may vá,... Chúng ta không phải suy nghĩ, công việc của chúng ta là hữu hình. Còn ngày nay, phần lớn các công việc đã trở nên "vô hình", chúng ta sử dụng bộ não của mình để suy nghĩ, ra quyết định, sáng tạo,... Điều này có nghĩa là ngày của chúng ta không kết thúc khi chúng ta chấm công và rời khỏi phân xưởng. Chúng ta không ngừng làm việc trong đầu mình, điều này khiến công việc mang cảm giác không bao giờ kết thúc. Do đó, so với những thế hệ trước, sự kiểm soát thời gian của chúng ta hiện nay đã bị suy giảm. Và vì kiểm soát thời gian lại là một yếu tố mấu chốt tác động đến hạnh phúc, nên giờ đây chúng ta không thấy hạnh phúc hơn mặc dù chúng ta đang giàu có hơn.

Bài học 8: Người khác chẳng quan tâm đến vẻ ngoài sang giàu của bạn nhiều như bạn nghĩ. 

Bạn nghĩ rằng việc lái một chiếc xe xịn sẽ khiến người khác trầm trồ khen bạn thật ngầu, nhưng thực tế khi người ta nhìn thấy bạn cùng chiếc xe xịn, đa số mọi người nghĩ: "Chà, nếu tôi có chiếc xe đó thì mọi người sẽ nghĩ rằng tôi ngầu lắm đây". Người ta sẽ bỏ qua việc ngưỡng mộ bạn, họ sử dụng sự giàu có của bạn là thước đo cho khát khao được yêu mến và ngưỡng mộ của chính họ.

Nếu tôn trọng và ngưỡng mộ là mục tiêu của bạn, sự khiêm nhường, lòng tốt và sự vị tha sẽ mang cho bạn nhiều sự tôn trọng hơn nhiều lần so với những thứ của cải mà bạn khoác lên mình.

Bài học 9: Nên cẩn trọng trong việc phân biệt "có nhiều của cải" và "giàu có".

Giàu có là một nguồn thu nhập hiện tại. Không khó để nhận ra người giàu qua chiếc xe đắt đỏ họ đi hay ngôi nhà to lớn họ ở.

Nhưng của cải là thứ được giấu đi. Đó là phần thu nhập không bị tiêu dùng. Giá trị của nó nằm ở việc trao cho bạn các lựa chọn, sự linh hoạt và sự tăng trưởng để một ngày nào đó mua được nhiều món đồ hơn bạn có khả năng lúc này. Nhưng việc có tiền là để tiêu đã ăn sâu vào trong chúng ta đến mức chúng ta không thấy được sự kiềm chế cần có để thực sự có nhiều của cải.

Thế giới đầy rẫy những người có vẻ ngoài khiêm tốn nhưng lại thực chất sở hữu nhiều của cải và những người trông giàu có nhưng lại đang ở bờ vực vỡ nợ. Hãy ghi nhận điều này khi bạn nhanh chóng đánh giá sự thành công của những người khác.

Bài học 10: Cách tốt nhất để tiết kiệm

Một trong những cách tốt nhất để làm tăng khoản tiết kiệm của bạn không phải là làm tăng nguồn thu nhập, mà là làm tăng sự khiêm tốn của bạn. Một tỷ lệ tiết kiệm cao đồng nghĩa với việc hạ thấp các khoản chi tiêu xuống hơn mức bạn có thể.

Khoản tiết kiệm có thể được tạo ra bằng cách tiêu ít hơn. Bạn có thể tiêu ít đi nếu bạn khát khao ít hơn. Bạn sẽ khát khao ít hơn nếu bạn bớt quan tâm về điều mà những người khác nghĩ về bạn. Tiền bạc phụ thuộc nhiều vào tâm lý hơn là tài chính. 

Bạn không cần một lý do nhất định để tiết kiệm. Bạn tiết kiệm chỉ vì đó là điều nên làm trong một thế giới không thể lường trước được. Tiết kiệm là một hàng rào bảo vệ bạn khỏi những bất ngờ không thể tránh được của cuộc sống vào những thời điểm tồi tệ nhất có thể.

Bài học 11: Đừng phụ thuộc vào các dữ liệu quá khứ để dự đoán tương lai, đặc biệt là thị trường chứng khoán.

Vì "những điều chưa từng xảy ra bao giờ vẫn xảy ra thường xuyên".

Những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử là những trường hợp ngoại lệ lớn, những sự kiện phá vỡ kỷ lục. Chúng chính là những sự kiện làm thay đổi cán cân trong nền kinh tế và thị trường cổ phiếu:
  • Cuộc Đại suy thoái
  • Chiến tranh thế giới thứ 2
  • Bong bóng Dotcom
  • Ngày 11 tháng 9
  • Sự sụp đổ của ngành bất động sản vào giữa năm 2000
  • Sự sụp đổ của Cộng hòa Liên bang Xô viết
  • ...
Đó là vài sự kiện trong số hàng tỷ sự kiện, nhưng lại có tác động lớn đến trật tự thế giới hơn những sự kiện khác hàng trăm lần. Thế giới này rất khó đoán định. Những nhà sử học không phải nhà tiên tri.

Bài học 12: Luôn có kế hoạch dự phòng

Bạn phải chấp nhận rủi ro để tiến lên phía trước, nhưng không có rủi ro nào có khả năng xóa sổ bạn lại đáng chấp nhận cả. Bạn nên chấp nhận rủi ro ở một tỷ lệ và sợ hãi với tỷ lệ còn lại. Chừa chỗ cho sai lầm và có kế hoạch dự phòng sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi những điều mà bạn chưa bao giờ tưởng tượng.

Điểm thất bại lớn nhất của tiền bạc là sự phụ thuộc duy nhất vào một nguồn tiền cho những nhu cầu tiêu dùng trong ngắn hạn mà không có bất cứ khoản tiết kiệm nào.

Bài học 13: Việc lập kế hoạch dài hạn khó khăn hơn trên thực tế bởi vì những mục tiêu và khao khát của mọi người có xu hướng thay đổi qua thời gian.

Tính cách, khát khao và mục tiêu của chúng ta có thể thay đổi theo thời gian, nhưng thật khó để thừa nhận rằng chúng ta ở thời điểm hiện tại không biết được mình sẽ muốn gì trong tương lai. Thế nên thật khó để đưa ra các quyết định dài hạn khi cách nhìn nhận về điều mà bạn muốn trong tương lai lại có khả năng thay đổi. 

Nhưng hãy ghi nhớ: Chúng ta nên tránh những kết quả cực đoan trong việc lập kế hoạch tài chính. 

Nếu bạn thấy hạnh phúc với một công việc có mức lương rất thấp, hoặc làm việc rất nhiều để theo đuổi một mức lương cao, thì đến một lúc nào đó bạn sẽ thấy hối hận. Một là hối hận vì mình không có được nhiều tiền tiết kiệm, hoặc là hối hận vì đã dành quá nhiều tuổi trẻ và sức khỏe để làm việc cật lực. Đó gọi là sự mất cân bằng. 

Ở mọi thời điểm trong sự nghiệp của bạn, hãy nhắm đến việc có được một khoản tiết kiệm trung bình hằng năm, lượng thời gian rảnh trung bình, không phải di chuyển nhiều hơn mức trung bình, và ít nhất là có khoảng thời gian trung bình dành cho gia đình, tăng tỷ lệ gắn bó với một kế hoạch và tránh được việc hối hận nếu bất cứ điều nào trong số này rơi vào phía cực đoan.

Bài học 14: Không gì là miễn phí

Nhiều người khuyên rằng: "Hãy giữ cổ phiếu trong thời gian dài". Đó là một lời khuyên tốt.

Nhưng duy trì một viễn cảnh lâu dài khi cổ phiếu sụp đổ rất khó.
Lần đầu tiên mình bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán là thời điểm sau Tết vừa rồi, tức là tháng 2 năm 2022. Mình tiến hành đầu tư sau khi đã tìm hiểu khá nhiều về việc đầu tư và thấy cực kỳ hưng phấn và kỳ vọng một lãi suất ít nhất 10%/năm, hàng năm cho đến 20 năm sau. Nhưng mình đâu có ngờ ngay khi mình vừa bỏ tiền vào thị trường chứng khoán thì xảy ra cuộc chiến tranh Nga - Ukraine khiến thị trường đi xuống thê thảm. Hàng ngày, cứ hết giờ giao dịch của thị trường chứng khoán, mình đều hồi hộp vào tài khoản chứng khoán để kiểm tra và tái mét mặt khi khoản đầu tư của mình tụt dốc hàng ngày, cứ mỗi ngày mình lại mất đi 1-2% số tiền đầu tư. Cho dù mình đã xác định rất chắc chắn rằng mình sẽ giữ cổ phiếu trong ít nhất 5 năm, 20 năm càng tốt, và một giai đoạn biến động ngắn chỉ là thử thách thôi, về lâu dài thị trường chắc chắn sẽ khôi phục và tăng trưởng trở lại. Nhưng cũng thật khó khăn để trải qua cảm giác cam chịu khi nhìn tài khoản của mình tăng trưởng âm 30 - 40% suốt 8 tháng qua. Nó sốt ruột và đau đớn lắm.
Quay lại với quyển sách. Tác giả khuyên chúng ta nên coi sự biến động của thị trường như một mức phí thay vì mức phạt, lối suy nghĩ đó cho phép bạn tồn tại được đủ lâu để những lợi nhuận đầu tư mang lại hiệu quả cho chính bạn. Lợi nhuận thị trường không bao giờ là miễn phí. Mánh khóe khi đầu tư là thuyết phục bản thân rằng chi phí của thị trường là xứng đáng. Đó là cách duy nhất để đối phó với biến động và sự bấp bênh - không chỉ là chịu đựng nó, mà nhận ra rằng nó là chi phí nhập môn đáng chi trả.

Bài học 15: Khi đầu tư, mỗi người chúng ta đang tham gia những trò chơi khác nhau. Đừng ngây thơ đi nghe ngóng tín hiệu từ những người khác đang tham gia một trò chơi khác với mình.

Mỗi người có một mục tiêu và cách đầu tư khác nhau, thời gian đầu tư cũng khác nhau. Một cổ phiếu có thể được người A chấp nhận mua với giá này, nhưng người B thì không. Tôi muốn nắm giữ cổ phiếu trong 20 năm, còn bạn thì chỉ muốn mua vào bán ra trong ngày để ăn phần chênh lệch giá, thì chúng ta khác nhau.

Hãy xác định trò chơi của riêng mình, và đừng chú ý đến những thứ khác không liên quan và đừng để chúng tác động vào bạn.

💫💫💫

Ngoài ra, còn vài bài học đắt giá nữa từ cuốn sách "Tâm lý học về Tiền", tuy nhiên mình bị vi-rút lười xâm nhập rồi nên dừng tại đây. 

Mình sẽ bình chọn "Tâm lý học về Tiền" là cuốn sách hay nhất mình đọc trong năm 2022 và là một trong những cuốn sách ảnh hưởng đến cuộc sống của mình sâu sắc nhất. 

Hy vọng những dòng nhận xét trên của mình sẽ giúp bạn quyết định đọc "Tâm lý học về Tiền", chắc chắn nó vừa đáng tiền vừa đáng thời gian và công sức.

-

Xem video trên Youtube: https://youtu.be/dBywjj1QgFU

Mua sách: https://shope.ee/7pKbcxwH5c

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét